54. Toàn thể cán bộ và chiến sỹ ta phải giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân, nâng cao chí khí chiến đấu và cảnh giác cách mạng, ra sức học tập quân sự và chính trị, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sỹ, giữa quân đội và nhân dân, tích cực tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ nhân dân trong mọi công tác.
“Thư gửi cán bộ, chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 22-12-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.585.
55. Chiến sỹ và cán bộ trong quân đội, công an, dân quân luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh.
“Lời chúc mừng năm mới”, ngày 25-01-1963, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr11.
56. Luôn luôn nêu cao chí khí chiến đấu và truyền thống anh hùng của Quân đội ta, cùng toàn quân và toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
- Chớ vì có thành tích mà chủ quan, tự mãn.
- Luôn luôn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, khiêm tốn học tập các đơn vị bạn.
- Hăng hái thi đua lập công giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa…
“Bài nói tại Hội nghị tuyên giáo miền núi”, ngày 31-8-1963, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.160.
57. Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây:
Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm.
… Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật.
“Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp”, đăng trên báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10-10-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.259-261.
58. Tự phê bình, phê bình, tổng kết, phổ biến và học tập kinh nghiệm đó là việc rất hay, nên gây thành một tác phong chung trong quân đội, chính quyền và đoàn thể.
“Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II”, tháng 10-1950, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.457.
59. Một chiến sỹ gương mẫu, thì đánh giặc cũng anh hùng, sản xuất cũng anh hùng.
Người chiến sỹ gương mẫu thì không bao giờ tự mãn tự túc, mà cố gắng tiến bộ mãi.
“Bốn lần anh hùng”, đăng trên báo Cứu quốc, ngày 12-1-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.9.
60. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng.
“Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18”, đăng trên báo Quân đội nhân dân, số 15, ngày 04-5-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.77.
61. Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng.
“Bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp Quân đội”, ngày 25-10-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.220.
62. Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải, v.v., là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sỹ cũng cần tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm.
“Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, tháng 3-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.353.
63. Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của Quân đội nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sỹ ta phải ghi nhớ và làm đúng những lời Bác dặn như sau:
- Chớ tự kiêu, tự mãn.
- Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện.
- Chớ để lộ bí mật.
- Chớ xa xỉ, tham ô lãng phí.
- Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân.
- Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh.
- Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sỹ cách mạng.
- Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.
- Phải làm đúng 10 điều kỷ luật.
- Phải luôn luôn cảnh giác, và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng.
“Lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành”, tháng 10-1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.82-83.
64. Đảng và quân đội ta có truyền thống đấu tranh anh dũng; điều đó ta có quyền tự hào. Nhưng tự hào để phát huy truyền thống tốt ấy lên, không phải để vỗ ngực khoe ta có công với kháng chiến, với cách mạng, với nhân dân. Ta nên biết rằng nếu chúng ta tách rời nhân dân, Đảng, quân đội thì chúng ta không tài nào lập được công trạng gì cả. Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có.
“Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục”, tháng 5-1957, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.587.
65. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn giản dị.
“Thư gửi cán bộ và chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 22-12-1958, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.585.
66. Phải cần kiệm xây dựng quân đội. Đối với công an cũng phải như thế. Không nên đặt ra nhiều bàn giấy, nhiều máy chữ, tránh quan liêu, vô ích, không thiết thực, phải nhớ là cần kiệm.
“Bài nói tại buổi lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang”, tháng 3-1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.155.
67. Tất cả cán bộ và chiến sỹ của các lực lượng vũ trang nhân dân đã có cố gắng, cần cố gắng hơn nữa.
- Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân.
- Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.
“Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, ngày 22-12-1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.384-385.
68. Cán bộ và chiến sỹ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải phát huy bản chất truyền thống cách mạng. Phải học tập tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân miền Nam anh dũng trong cuộc kháng chiến cứu nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
“Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi”, ngày 22-12-1964, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.
69. Phải giữ vững đạo đức của người quân nhân cách mạng, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, kỷ luật, cần kiệm, phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nêu cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, cho xứng đáng là những chiến sỹ anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
“Thư gửi cán bộ và chiến sỹ bộ đội thông tin liên lạc”, ngày 28-1-1969, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.544-545.
70. Phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng.
“Nói chuyện với cán bộ cấp cao toàn quân”, ngày 11-5-1969, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.568.
71. Trong bộ đội từ trên đến dưới phải đồng cam cộng khổ.
“Gửi báo Vệ quốc quân”, ngày 27-3-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.135.
72. Chính phủ, quân đội và nhân dân ta, đã đoàn kết thành một bức tường đồng, kiên quyết giữ gìn Tổ quốc.
“Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 02-9-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.234.
73. Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh. Nếu ta không trọng kỷ luật, thì ta làm cho bộ đội yếu đi, đoàn thể yếu đi.
“Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp”, đăng trên báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10-10-1947, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.260.
74. Các chiến sỹ và nhân dân,
Như cá với nước phải gần gụi nhau.
“Kinh nghiệm du kích Pháp”, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.406.
75. Nay các chú là quân đội của cách mạng rồi, cán bộ, chiến sỹ phải đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, coi như anh em ruột thịt một nhà.
“Thư gửi Ban Chỉ huy Đoàn nhạc binh”, viết khoảng giữa năm 1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.571.
76. Cần phải làm cho chặt chẽ thêm sự đoàn kết giữa bộ đội với bộ đội, giữa bộ đội với dân quân, giữa quân đội với nhân dân. Nâng cao cái tinh thần cán bộ giúp đỡ chiến sỹ và nhân dân, quân đội giúp nhân dân, nhân dân giúp bộ đội.
“Chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Sự thật, số 101, ngày 15-10-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.625.
77. Toàn dân đoàn kết. Tướng sĩ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi.
“Chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Sự thật, số 101, ngày 15-10-1948, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.626.
78. Phải thực hiện cho kỳ được quân và dân nhất trí, cán bộ và chiến sỹ nhất trí. Đó là nền tảng của sự thắng lợi.
“Thư gửi cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Sơn La”, tháng 6-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.135.
79. Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí.
“Gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền đường số 4”, đăng trên báo Cứu quốc, số 1411, ngày 02-12-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.253.
80. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt.
“Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch đường số 18”, báo Quân đội nhân dân, số 15, ngày 04-5-1951, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.76.
81. Từ đại đoàn trưởng cho đến tiểu đội trưởng phải đồng cam cộng khổ với anh em chiến sỹ, chăm nom săn sóc giúp đỡ nhau, coi nhau như chân tay ruột thịt.
“Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc”, ngày 09-9-1952, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.484.
82. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong đúng đắn, tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
“Thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết”, ngày 16 tháng Chạp năm 1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.177.
83. Bộ đội và công an phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, khinh địch, phải dựa vào lực lượng của nhân dân, phải làm cho mỗi người dân hiểu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thì sẽ có hàng triệu người làm tai mắt giúp công an, giúp bộ đội.
“Bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 458, ngày 04-6-1955, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.503.
84. Quân và dân ta đoàn kết thành một khối vững chắc, cùng nhau mạnh mẽ tiến lên, thì sẽ vượt được mọi khó khăn và nhất định thành công trong sự nghiệp thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.
“Quân đội nhân dân”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 661, ngày 24-12-1955, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.225.
Đức Lâm (tổng hợp)
Còn nữa