12. Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định (ngày 21-5-1963)
Bác và đồng chí Thọ, đồng chí Lương, thay mặt Trung ương Đảng, thân ái hỏi thăm các đồng chí đại biểu.
Mấy hôm nay, các đồng chí đã thảo luận kỹ các vấn đề. Đồng chí Thọ thay mặt Trung ương cũng đã góp nhiều ý kiến với Đại hội.
Sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ Tám đã thông qua phương hướng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đại hội Đảng bộ Nam Định lần này dựa vào đó, đã bàn bạc các vấn đề một cách thuận lợi.
Hôm nay, Bác chỉ nêu vài ý kiến để các đồng chí tham khảo.
Về tình hình Nam Định, trong mấy năm qua đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng vươn lên và thu được một số thành tích về các mặt.
Về nông nghiệp:
Các hợp tác xã nói chung đã được củng cố hơn trước, các cấp ủy đã biết vận động đồng bào lương và giáo xây dựng được những hợp tác xã tốt, như: Hợp tác xã Đồng Quỹ, Đài Môn, Tân Khang, Đại Đồng, Thượng Lỗi, v.v.. Nhờ các hợp tác xã được củng cố, cho nên trong hai năm qua, tuy bị thiên tai ba vụ, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển cả về năng suất, diện tích và sản lượng. Năng suất lúa bình quân trong hai năm (1961 - 1962) đạt 19 tạ 70 cân (so với năng suất ba năm trước có tăng mỗi mẫu tây 37 cân, nhưng tăng còn ít).
So với hồi năm 1958, Bác về thăm tỉnh nhà thì đến nay, ba huyện miền đồng chiêm có phong trào đắp bờ, khoanh vùng, cấy cưỡng, đã biến hơn 12.000 mẫu tây một vụ thành hai vụ. Việc trồng màu gần đây có được chú ý hơn, nhờ đó mà lương thực hai năm qua có tăng, đời sống của nhân dân tuy có nơi còn khó khăn, nhưng nói chung đã được ổn định hơn trước.
Nhiệm vụ đối với Nhà nước như nộp thuế, trả nợ và thu mua trong năm 1962, các cấp ủy đã hoàn thành khá nhanh và gọn.
Nhưng về hoa màu, đồng bào Nam Định trồng còn quá ít. Các cấp ủy phải vận động nhân dân trồng nhiều hoa màu hơn nữa, nhất là khoai nước và dong riềng, để có thêm lương thực cho người và thức ăn cho gia súc. Một ví dụ tốt: Xã Trực Bình (huyện Trực Ninh) bình quân diện tích chỉ non hai sào. Nhưng nhờ đồng bào xã ấy đã ra sức trồng nhiều khoai nước mà đàn lợn đã tăng gần gấp đôi. Nhờ có nhiều lợn mà có nhiều phân. Nhờ có nhiều phân mà năng suất một sào lúa từ 630 cân tăng lên 784 cân. Nhờ năng suất lúa tăng mà lương thực cũng tăng (tính theo đầu người, năm 1960 chỉ có 323 cân, năm 1962 tăng lên 462 cân). Đó là một kinh nghiệm tốt.
Phải vận động đồng bào trồng nhiều cây công nghiệp ở những nơi có điều kiện như trồng cói, trồng dừa... Ở Nam Định trước đây có tập quán trồng dâu nuôi tằm, nhưng đến nay mới khôi phục được một phần năm so với trước. Đó là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục.
Phải chú ý vận động đồng bào trồng cây ăn quả như: Cam, chanh, chuối... và trồng cây lấy gỗ như: Xoan, tre, v.v..
Phải ra sức phát triển chăn nuôi để thêm sức kéo, thêm phân bón, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân và có thêm thịt để cung cấp cho nhân dân.
Việc cải tiến kỹ thuật, là một điều rất quan trọng để phát triển nông nghiệp, Nam Định phải đẩy mạnh hơn nữa.
Về thủy lợi to và vừa vẫn phải coi trọng. Đồng thời phải làm nhiều thủy lợi nhỏ, khoanh vùng, đắp bờ, chống úng ở miền bắc tỉnh và chống chua mặn ở các huyện miền ven biển.
Về phân bón thì hợp tác xã Tân Khang đã có thành tích khá. Nhưng chưa thành phong trào mạnh mẽ. Hiện nay trong tỉnh còn tới 30% ruộng cấy chay. Cần vận động đồng bào chấm dứt tệ hại ấy. “Một vốc phân là một cân thóc", muốn có nhiều lúa, nhiều khoai thì nhất định phải dùng nhiều phân bón.
Về cải tiến công cụ cũng có những kinh nghiệm tốt như huyện Nghĩa Hưng trước kia phải tốn một triệu ngày công để chuyển hơn 220.000 tấn phân ra đồng, nay nhờ dùng thuyền và dùng xe mà đã bớt được hơn 110.000 ngày công - Xã Giao Hải (huyện Giao Thủy) nhờ phát triển thuyền mà vụ chiêm năm 1962 gặt nhanh hơn vụ chiêm năm 1961, lại dôi được hơn 4.000 ngày công. Như thế vừa đỡ tốn sức lao động, vừa dành được nhiều ngày công để làm các việc khác.
Tại sao những việc Trực Bình, Nghĩa Hưng, Giao Hải làm được, các nơi khác lại không làm được? Đó là vì cán bộ các nơi khác không biết học tập những kinh nghiệm tốt.
Ở Nam Định người đông ruộng ít. Trong Đại hội này, các đồng chí đã bàn đến cuộc vận động đồng bào đi xây dựng kinh tế miền núi, miền biển, như thế là đúng. Nhưng cần phải có kế hoạch thật đầy đủ để thực hiện cho thật tốt.
Hiện nay, tỉnh ta đang tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, các cô, các chú cần phải thực hiện đúng và tốt nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này. Tỉnh ủy, huyện ủy, đảng ủy xã phải trực tiếp lãnh đạo. Cán bộ tỉnh và huyện phải phân công đến tận hợp tác xã, thực tế cùng cán bộ cơ sở làm việc. Đi bước nào phải thật vững chắc bước ấy. Làm nơi nào phải thật tốt nơi ấy. Không lề mề, nhưng không nóng vội.
Nam Định có 18 vạn đồng bào công giáo, các cấp ủy phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào công giáo. Hiện nay trong tỉnh đã có 62% hộ giáo dân vào hợp tác xã. Có những hợp tác xã khá tốt như Đài Môn, Đồng Quỹ, Úy Như Nam... Đồng bào công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với hợp tác xã. Cho nên phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các hợp tác xã của đồng bào công giáo nhằm làm cho hợp tác xã ngày càng vững chắc. Xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn.
Về công nghiệp:
Trong hai năm qua sản xuất có phát triển tiến bộ hơn trước. Năm 1962 Nhà máy dệt đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Bác gửi lời khen ngợi công nhân và cán bộ Nhà máy dệt. Năm nay càng phải cố gắng hơn, ra sức thi đua với Nhà máy dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên) để hòan thành vượt mức kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm.
Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, Tỉnh ủy chưa lãnh đạo tốt, nhưng gần đây cũng đã bước đầu cố gắng phục vụ nông nghiệp như sản xuất vôi, phân bón, chế biến dong riềng và khoai nước, sản xuất hàng tiêu dùng cho nông dân.
Thủ công nghiệp, tỉnh ta có gần 6 vạn người thủ công nghiệp đã vào hơn 270 hợp tác xã. Về mặt tổ chức như thế là tốt. Nhưng về mặt quản lý thì còn nhiều khuyết điểm. Cuộc điều tra 83 hợp tác xã cho thấy rằng: Khuyết điểm phổ biến là quản lý không tốt, sổ sách luộm thuộm, chất lượng thấp kém. Nội bộ không dân chủ. Thường có tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Ví dụ hợp tác xã Quang Trung, Rạng Đông, Thép Mới, Thắng Lợi, Đồng Tâm... Các cấp ủy cần phải giúp các hợp tác xã thủ công chấn chỉnh lại cho tốt, vì thủ công nghiệp cũng là một bộ phận quan trọng trong kinh tế Nhà nước và quan hệ đến đời sống của hàng vạn đồng bào.
Bác mong rằng, từ nay cán bộ và công nhân đều ra sức thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hơn nữa để nâng cao năng suất lao động, sản xuất được nhiều, nhanh, tốt, rẻ, phục vụ cho nhân dân.
Để thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn nữa thì tỉnh ủy, các đảng ủy và cán bộ phụ trách các cơ quan, các xí nghiệp, công trường và mậu dịch cần phải thực hiện cho có kết quả tốt cuộc vận động "nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Phải biết kết hợp chặt chẽ các cuộc vận động này với phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963 và kế hoạch 5 năm.
Về các ngành kinh tế, văn hóa khác:
Về các ngành kinh tế, văn hóa khác, Nam Định cũng đã đạt những thành tích khá như:
Giao thông vận tải, đã cố gắng phát triển giao thông ở nông thôn, nhưng vận tải đường sông thì còn kém.
Giáo dục, phát triển khá về số lượng, nhưng kém về chất lượng, vì thiếu giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng cho học sinh.
Phong trào vệ sinh phòng bệnh, cũng đã có những nơi tốt, như xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng).
Phong trào bảo vệ trị an, cũng đạt kết quả khá, dân quân tự vệ có tiến bộ, nhưng còn phải cố gắng nhiều.
Về lãnh đạo:
Nam Định có hơn một triệu nhân dân, có gần 2 vạn 5 nghìn đảng viên và hơn 3 vạn 6 nghìn đoàn viên thanh niên lao động. Tức là cứ 100 người thì có 2 đảng viên và 3 đoàn viên. Thế là ít. Đảng viên gái (2.554 đồng chí) cũng quá ít. Cần phải có kế hoạch chu đáo để phát triển Đảng và Đoàn hơn nữa, cần phải rất chú trọng củng cố chi bộ. Đồng bào Nam Định rất chất phác, cần cù, lại có truyền thống anh dũng trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Cán bộ nói chung đều tận tụy. Cho nên tỉnh ta đã có thành tích về các mặt công tác.
Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng: Thành tích còn ít và tiến bộ còn chậm. Vì lãnh đạo còn yếu. Các cấp, từ chi bộ đến Tỉnh ủy, phải vì lợi ích chung của Đảng và của nhân dân mà tự phê bình một cách thành khẩn và thẳng thắn. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay là chưa? Sự thật là sinh hoạt nhiều chi bộ còn chưa tốt, việc giáo dục đảng viên chưa được chặt chẽ và kịp thời. Có cán bộ, đảng viên còn lãng phí nhiều trong việc cưới xin, ma chay trong gia đình mình. Thậm chí có đảng viên còn nấu rượu lậu. Họ phạm kỷ luật của Đảng, phạm pháp luật của Nhà nước, họ mất đạo đức cách mạng của người đảng viên, làm gương xấu cho quần chúng.
Trong Tỉnh ủy thì kém đoàn kết, nội bộ thiếu dân chủ. Tỉnh ủy mà thiếu đoàn kết thì đoàn kết sao được đảng viên và nhân dân. Kết quả là ảnh hưởng không tốt đến các ngành, các cấp trong tỉnh, đến việc thực hiện các chủ trương công tác chung của địa phương. Do đó mà Tỉnh ủy lãnh đạo yếu, lãnh đạo còn chung chung, chưa đi sâu đi sát, chưa chú ý việc lãnh đạo điển hình, thiếu tập trung thường xuyên vào công tác trung tâm.
Ngay trên tỉnh cũng còn hiện tượng hình thức, tốn kém tiền bạc của Nhà nước, lãng phí công sức của nhân dân, như việc làm cổng của nhà triển lãm, việc phá đi xây lại nền nhà của Tỉnh ủy... Trung ương và Bác rất phiền lòng về những khuyết điểm ấy. Chúng ta phải luôn luôn thật thà tự phê bình và nghiêm chỉnh phê bình để cùng nhau tiến bộ.
Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm; phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ nghị quyết của Đại hội, biến nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc, thiết thực góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Chúc các đại biểu mạnh khỏe, chúc Đại hội thành công.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.81-86)
13. Bác Hồ với Đại hội Đảng ta
Trong các đại hội và hội nghị Trung ương Đảng ta. Bác Hồ tham dự và chỉ đạo hai đại hội của Đảng là Đại hội II (tháng 02-1951), Đại hội III (tháng 9-1960) và một số hội nghị Trung ương, trong đó nhiều hội nghị có tầm cỡ đại hội do những quyết sách của các hội nghị đó.
Trong tất cả các cuộc họp dù lớn hay nhỏ, Bác Hồ đều tổ chức chuẩn bị và tiến hành theo một nền nếp khoa học và dân chủ:
1. Xác định chủ đề trung tâm.
2. Phân công người soạn thảo văn kiện.
3.Thảo luận đầy đủ, quan tâm ý kiến của mọi người.
Người nhận định, chuẩn bị chu đáo việc thiết kế chính sách quyết định một phần quan trọng những nhiệm vụ vạch ra. Đề ra chính sách phải có biện pháp và con người thực hiện. Khi bàn về chính trị phải bàn đồng thời với tổ chức. Người không bao biện công việc mà phân công một số đồng chí Trung ương cùng làm. Trong các cuộc họp, sau khi tuyên bố lý do, nêu ra những định hướng chính, Người chăm chú lắng nghe ý kiến thảo luận của mọi người rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng. Gặp những vấn đề còn thiếu sự nhất trí của các đại biểu, Người đề nghị mọi người tập trung bàn thảo để đi tới thống nhất, không bao giờ Người áp đặt ý kiến cá nhân. Cách làm việc này được Người duy trì trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.
Sau khi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước, Hồ Chí Minh xúc tiến chuẩn bị tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Cuối những năm 20 thế kỷ XX, ở nước ta ra đời ba tổ chức cộng sản. Hoạt động riêng lẻ của các tổ chức này là một nguy cơ của cách mạng Việt Nam.
Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị hợp nhất gồm An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng. Chủ trì Hội nghị, nhưng Người chỉ soạn thảo một số văn kiện quan trọng nhất, còn các văn kiện khác phân công cho các đại biểu cùng soạn thảo. Người không áp đặt ý kiến chủ quan mà phân tích những hạn chế, khuyết điểm của các tổ chức đảng và đề nghị thống nhất thành một đảng. Việc đặt tên đảng được thảo luận kỹ. Kiến nghị lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh được Hội nghị chấp nhận. Tác phong làm việc khoa học, dân chủ của Người góp phần quan trọng dẫn tới thành công của Hội nghị. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hội nghị thông qua là một cương lĩnh cách mạng đúng đắn và sáng tạo, nhuần nhuyễn quan điểm dân tộc và quan điểm giai cấp, quốc gia và quốc tế. Sau Hội nghị, Hồ Chí Minh gửi báo cáo lên Quốc tế Cộng sản. Phản ứng chúng ta nhận được tiêu cực, cho rằng tư tưởng của cương lĩnh, chiến lược và tên đảng đều mang tính chất dân tộc chủ nghĩa và yêu cầu Đảng ta phải thay đổi. Cách mạng Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự tả khuynh trong việc xác định đường lối theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.
Lịch sử sang trang. Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), thông qua chủ trương chiến lược mới, nhấn mạnh vấn đề thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở các thuộc địa. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11-1939) do Nguyễn Văn Cừ chủ trì quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất. Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước. Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941). Chủ trì đề xuất ý tưởng chỉ đạo nhưng Người không tự mình soạn thảo văn kiện, mà đề nghị Trường Chinh chuẩn bị.
Người chỉ soạn thảo Chương trình Việt Minh và Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc. Hội nghị đánh dấu sự hoàn chỉmh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng được vạch ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Lần này Bác Hồ phân tích đầy đủ về mối quan hệ giữa thế và lực, lực yếu thế tốt trở thành mạnh.
Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, phát xít Nhật gục ngã. Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập họp tháng 8-1945 ở Tân Trào, quyết định phát động khởi nghĩa trong toàn quốc. Tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí bầu Hồ Chí Minh làm Tổng Bí thư của Đảng nhưng Người không nhận và đề nghị Trường Chinh tiếp tục đảm đương công việc.
Đựợc tin phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện , Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu kết thúc họp sớm, về ngay địa phương lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội cũng họp tại Tân Trào ngay sau khi Hội nghị toàn quốc kết thúc, cử ra ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy ''đem sức ta mà tự giải phóng cho ta''.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 02-195l, Đại hội lần thứ II được triệu tập họp tại Tuyên Quang, Việt Bắc trong bối cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta chuyển sang thế phản công chiến lược. Vị thế cuộc kháng chiến có sự thay đổi quan trọng: khắc phục được sự bao vây bốn bề, nối liền với Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em khác. Các nước này thừa nhận Nhà nước ta về ngoại giao và viện trợ to lớn cho nhân dân ta. Lần này, Bác Hồ lại nói thế nước do thắng lợi của Trung Quốc đặt ra. Lực của ta đủ mạnh để đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn phản công.
Chuẩn bị các văn kiện của Đại hội II cùng với Người có Trường Chinh và Lê Văn Lương. Báo cáo chính trị do Người soạn thảo rất ngắn gọn mà đầy đủ, văn phong giản dị nhưng chính xác, đủ rõ những vấn đề cần thiết. Chủ đề trung tâm của Đại hội được Trường Chinh soạn thảo. Thường vụ Trung ương dân chủ thảo luận trước khi thông qua Đại hội.
Bản Điều lệ sửa đổi đặt ra chức Chủ tịch Đảng. Hồ Chí Minh được Đại hội nhất trí bầu làm Chủ tịch. Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng. Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân Pháp. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Đại hội lần thứ III được triệu tập (tháng 9-1960) họp tại Thủ đô Hà Nội. Chủ đề trung tâm rộng lớn và tình hình lúc đó cự kỳ phức tạp. Bộ Chính trị phải làm việc chu đáo, cặn kẽ khi thảo luận nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong bối cảnh các đảng cộng sản bất đồng sâu sắc. Công tác đảng và việc chọn người vào Ban lãnh đạo cũng phải thảo luận nhiều ngày. Tuy không soạn thảo văn kiện chính, nhưng Người chỉ đạo tất cả các cuộc thảo luận và chỉ phát biểu những điều cần thiết. Điều khiển và kết luận những cuộc thảo luận là việc không hề giản đơn nhưng Người không bao giờ để lọt những ý tưởng lớn. Người chuẩn bị văn kiện quan trọng của Đảng lần này là Lê Duẩn.
Đại hội này thông qua quyết định lớn là thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: Xây dựng chủ nghĩa xã hôi ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai miền có nhiệm vụ chung, bao trùm là đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Chiến lược cách mạng miền Nam đã được Hội nghị lần thứ 15 bàn thảo, Đại hội tập trung làm rõ thêm.
Hồ Chí Minh được bầu lại là Chủ tịch Đảng. Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp, thành công của Đại hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.
Với tư duy độc lập, chủ động sáng tạo cách làm việc khoa học, dân chủ, những đại hội và hội nghị Trung ương do Người chủ trì đều thành công tốt đẹp. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực cho chúng ta học tập.
(Theo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng)
Thanh Huyền (tổng hợp)