16. Bác Hồ với Đại hội Đảng lần thứ II
Đầu năm 1951 diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại trong đời sống chính trị của dân tộc: Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II. Đây là đại hội đầu tiên được tổ chức trên đất nước ta.
Từ ngày thành lập 03-02-1930 cho tới lúc đó, Đảng ta vẫn hoạt động bí mật. Sự xuất hiện đảng của giai cấp công nhân ở một nước phong kiến và thuộc địa, với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nông dân chiếm 90% số dân, là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà sử học. Hơn hai mươi năm qua Đảng giữ vai trò có tính quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Đến với chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Ái Quốc quyết đi tới tận cùng con đường đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của mọi người. Nhưng những người cộng sản Việt Nam không chỉ là kẻ tử thù của chính quyền thực dân, phong kiến trong nước, mà còn là đối tượng bị theo dõi, đàn áp, săn đuổi ở nhiều nước tư bản, thuộc địa trên các châu lục. Đảng phải tính toán, cân nhắc từng đường đi nước bước của mình. Mặt trận Việt Minh là cách lựa chọn đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945 mới có 5.000 đảng viên, nay đã thành một đội ngũ đông đảo: 760.000 người. Trong kháng chiến, mọi hoạt động của Đảng, cũng như những sinh hoạt của đảng viên, vẫn tiến hành bí mật. Chỉ đôi khi những người cộng sản mới xuất hiện dưới danh nghĩa ''hội viên Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác''.
Đầu năm 1950, sau khi đi gặp các đảng bạn Liên Xô và Trung Quốc trở về, Bác bàn với Trung ương: Đã tới lúc Đảng ra hoạt động công khai. Tình hình cách mạng trong nước cũng như trên thế giới đã thay đổi nhiều. Qua những năm lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến, uy tín của Đảng trong nhân dân đã trở thành tuyệt đối. Các nước xã hội chủ nghĩa đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sự xuất hiện công khai của Đảng sẽ mang lại một nguồn động viên mới trong nhân dân thúc đẩy cuộc kháng chiến sớm đi tới thắng lợi.
Nhưng xét cả về bối cảnh quốc tế cũng như tình hình trong nước, để tập hợp quần chúng thật rộng rãi như chủ trương của Đảng nhiều năm qua, và hạn chế sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, Đảng cần có một cái tên mới. Bác đề nghị lấy tên Đảng Lao động Việt Nam. Việc thay đổi tên Đảng không phải là vấn đề riêng của cách mạng Việt Nam mà còn liên quan đến cách mạng Lào và Campuchia. Những vấn đề lớn này phải do Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định.
Tuy nhiên, tổ chức một đại hội Đảng giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt và rất khẩn trương là điều không dễ dàng. Trung ương quyết định triệu tập Đại hội vào tháng 02-1951.
Tôi được Bác và anh Trường Chinh phân công trình bày báo cáo về tình hình quân sự ở Đại hội.
Nhưng suốt những tháng chuẩn bị Đại hội, tôi đều ở mặt trận. Tôi biên thư ngỏ ý lo không có thời gian viết một bản báo cáo đầy đủ. Bác điện trả lời: ''Cứ chuyên tâm đánh giặc; báo cáo cho Đại hội thì có dàn bài là được, sau sẽ thêm''.
Chiến dịch Trung du kết thúc sớm hơn dự kiến. Từ mặt trận, tôi đi thẳng về chỗ Bác, không ngờ được gặp anh Trường Chinh và cả anh Lê Duẩn mới từ Nam Bộ ra dự Đại hội. Bác và anh Trường Chinh nhắc tôi làm gấp báo cáo quân sự...
Tết Tân Mão đến trước Đại hội vài ngày. Cuộc họp Hội đồng Chính phủ được triệu tập đúng ngày mồng 1 Tết.
Sáng mồng 1, anh em chúng tôi có người còn ngủ thì Bác đã tới từng phòng chúc Tết. Bác tặng mỗi người một tờ thiếp hồng có bài thơ Xuân:
“Xuân nay kháng chiến đã năm Xuân,
Nhiều Xuân thắng lợi càng gần thành công.
Toàn dân hăng hái một lòng,
Thi đua chuẩn bị Tổng phản công kịp thời''.
Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ, tôi thay mặt quân đội chúc Tết Bác, cảm ơn Quốc hội và Chính phủ đã hết lòng chăm sóc bộ đội, và hứa hẹn sang năm mới quân đội sẽ cố gắng giành những thắng lợi mới trên chiến trường.
Để chuyển sang giai đoạn mới, Đảng ta đã có chủ trương củng cố bộ máy chính quyền. Trong phiên họp, Bác nhấn mạnh phải vận động nhân dân phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, như vậy là thực hiện dân chủ một cách thiết thực và sâu sắc. Người nói: ''Trong lúc thực hiện phê bình và tự phê bình, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc phê bình mười câu chỉ đúng hai, nhưng ta cứ phải đề dân phê bình, nếu không ta sẽ khoá cửa sự phê bình''.
Chiều mồng 2 Tết, phiên họp kết thúc Bác và một số đồng chí lên đường tới địa điểm Đại hội. Tôi quay về cơ quan dự cuộc họp Đảng ủy Mặt trận Hoàng Hoa Thám phiên đầu tiên, và tới Đại hội vào đúng ngày khai mạc.
II
Sau một thời gian họp trù bị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc ngày 11 và kết thúc ngày 19-02-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết...
Những đại biểu về họp đã trải qua nhiều năm dài đấu tranh, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, tù dày, có người đã nằm trong xà lim án chém. Họ đều là những đảng viên đi đầu phong trào đấu tranh trước tổng khởi nghĩa, cũng như kháng chiến hiện nay. Số đông vào tuổi trung niên. Một số ít mái đầu chớm bạc.
Hội trường và nhà ở của đại biểu bằng nứa lá nhưng cao ráo, hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên nơi rừng núi, rõ ràng có bàn tay của một nhà kiến trúc tài hoa. Trước hội trường có sân rộng. Ở bìa rừng và cánh đồng. Thời tiết khô ráo, ấm áp, về đêm lại có trăng. Cuộc họp mặt rất hiếm có trong chiến tranh, vận hội mới của cách mạng đã làm cho mọi người như trẻ lại. Giờ nghỉ, Bác và các đại biểu cùng với khách nước ngoài cầm tay nhau nhảy múa trên sân, ngồi xem phim ''Bá Linh sụp đổ'', hoặc đi dạo trên cánh đồng. Tôi cảm thấy mình như trở lại tuổi thanh niên, và không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới chị Minh Khai, chị Quang Thái, anh Lê Hồng Phong… và bao nhiêu đồng chí khác đầu rơi trên máy chém, chết trong chốn lao tù, không có mặt hôm nay.
Tại Đại hội, Bác trình bày Báo cáo chính trị điểm lại quá trình hoạt động của Đảng từ khi thành lập, nêu lên những nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới để đưa kháng chiến đến thắng lợi. Bác nói:
“… Lúc bắt đầu kháng chiến quân đội ta là một quân đội thơ ấu. Tinh thần dũng cảm có thừa, nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt.
Quân đội địch là một quân đội nổi tiếng trong thế giới. Chúng có hải quân, lục quân, không quân. Chúng lại có đế quốc Anh - Mỹ giúp, nhất là Mỹ.
Lực lượng ta và địch so le nhiều như thế, cho nên lúc đó có người cho rằng: cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đá voi”.
Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn ở hiện trạng, chỉ lấy con mắt hẹp hòi mà xem, thì như thế thật. Vì để chống máy bay và đại bác của địch, lúc đó ta phải dùng gậy tầm vông. Nhưng Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:
Nay tuy châu chấu đá voi
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra.
Sự thật đã chứng tỏ rằng ''voi'' thực dân đã bắt đầu lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành như con hổ oai hùng…''.
Người chỉ rõ cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác vì: ''Ta có một đảng to lớn, mạnh mẽ. To lớn, mạnh mẽ là vì có chủ nghĩa Mác - Lênin, sự cố gắng không ngừng của toàn thể đảng viên, vì được toàn quân và toàn dân thương yêu, tin cậy, ủng hộ''.
Báo cáo chính trị nêu lên hai nhiệm vụ chính:
1. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
2. Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
“Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để.
Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới.
Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam.
Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”.
“Kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập thống nhất dân chủ, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới”.
Sang ngày thứ tư các tiểu ban họp riêng. Trung ương họp mở rộng bàn về quân sự dưới sự chủ toạ của Bác và anh Trường Chinh. Tôi báo cáo về tình hình quân sự, âm mưu của địch, chủ trương của ta, phương châm chiến lược và công tác chuẩn bị các chiến dịch sắp tới. Các liên khu Việt Bắc, 3, 4, 5 và Nam Bộ lần lượt phát biểu. Trước yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, các nơi nêu lên rất nhiều khó khăn. Bác nói: ''Bộ đội ta ngày nay cũng như chú bé Phù Đổng ngày xưa. Từ chỗ là một hài nhi đang nằm trong nôi, đột nhiên lớn vụt vì vậy mà thiếu áo, thiếu quần, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu khác, có thể thiếu vợ nữa... Những khó khăn này lớn thật, nhưng chỉ là khó khăn vì trưởng thành. Chú thần đồng bộ đội ta sẽ có khả năng hoạt động và có rất nhiều triển vọng tiền đồ sẽ rất rực rỡ''.
Thời gian ở Đại hội, tôi tranh thủ tìm hiểu tình hình những chiến trường xa. Các đồng chí Khu 5 cho rằng nếu được tăng cường vũ khí sẽ có nhiều khả năng đánh lớn. Khu 5 có ba tỉnh tự do, địa hình rừng núi nhiều, dân chúng rất quật cường, Tây Nguyên là một chiến trường có nhiều thuận lợi mà ta còn chưa khai thác. Tôi có những buổi trao đổi với anh Lê Duẩn. Anh Duẩn nói Pháp sẽ cố gắng bình định miền Nam để dồn sức đối phó với chủ lực ta đang lớn mạnh ở miền Bắc.
Từ sau khi có lệnh chuẩn bị tổng phản công, ở Nam Bộ đã thành lập những trung đoàn, liên trung đoàn chuẩn bị đánh lớn, nhưng khi ta tập trung chủ lực lại, phong trào chiến tranh du kích ở cơ sở lại sa sút. Anh dự kiến Nam Bộ sẽ còn trải qua nhiều thử thách gay gắt. Tôi nói năm 1947, ... cũng đã triển khai thành lập một đại đoàn chủ lực, lấy tên là Đại đoàn Độc Lập, những đơn vị từ các khu đã được tập trung về, nhưng trước cuộc tiến công chiến lược của địch vào Việt Bắc, ta đã kịp phân tán thành những đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung nên đối phó thắng lợi với cuộc tiến công. Anh Duẩn hỏi về kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương ở miền Bắc và kể những chuyện ''xoay vần đánh giặc”, những sáng tạo trong cách đánh du kích ở miền Nam, những kinh nghiệm đấu tranh chính trị phong phú ở đô thị, đặc biệt là Sài Gòn.
Chiều ngày 14-02, tôi trình bày Báo cáo quân sự tại Đại hội. Báo cáo nêu lên quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh vũ trang, kiểm điểm sự chủ quan trong đánh giá địch, lượng định những khó khăn của ta trong thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, như chậm chỉ đạo vận động chiến, coi nhẹ du kích chiến; nêu lên những tiến bộ lớn lao trên chiến trường biên giới và trung du; xác định phương châm chiến lược hiện nay. Trên chiến trường chính, đẩy mạnh vận động chiến, phát triển du kích chiến nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế quân sự chuyển sang tổng phản công, trên các chiến trường Trung Bộ và Nam Bộ lấy du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ.
Báo cáo đề cập một số vấn dề xây dựng quân đội. Về tổ chức biên chế của quân đội, cần giảm bớt thành phần cơ quan để tăng cường cho lực lượng chiến đấu thích hợp với yêu cầu của chiến trường và chiến thuật, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội. Cần cải tiến nội dung huấn luyện quân sự cho thích hợp với phương châm chiến lược, chiến thuật của ta. Về trang bị cần chú trọng cả hai nguồn: Vũ khí đoạt được của giặc và vũ khí do ta tự sản xuất; lấy vũ khí của giặc trang bị cho mình vẫn là nguồn chính, nhưng phải ra sức phát triển sản xuất của quân giới, nhất là đối với những vũ khí cơ bản. Về cấp dưỡng cần kiên quyết cải tiến, quy định chế độ cấp dưỡng thích hợp với nhu cầu của quân đội và khả năng đảm phụ của nhân dân. Về công tác chính trị, phải lấy việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm trọng tâm, giáo dục mục đích và tính chất của chiến tranh, đường lối và chính sách của Đảng và Chính phủ cho quân đội, đề cao trình độ giác ngộ, rèn luyện tinh thần chiến đấu, củng cố sự đoàn kết trong và ngoài quân đội, do đó rèn luyện cho mỗi người chiến sĩ đều có quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng sâu sắc và vững chắc. Trong xây dựng quân đội, việc xây dựng Đảng phải đặt lên hàng đầu. Cần thiết lập chế độ đảng uỷ thay vào chế độ chính uỷ tối hậu quyết định. Đề cao tính đảng, đề cao ý thức giai cấp, giáo dục đường lối chính sách của Đảng, kiện toàn chi bộ, đề cao tác dụng lãnh đạo của chi bộ. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề then chốt trong công cuộc xây dựng quân đội nhân dân. Cần tăng cường sự giáo dục cho cán bộ đề chính trị, năng lực công tác, tổ chức việc đào tạo và bổ túc cho cán bộ trong các trường huấn luyện cũng như tại chức, mạnh dạn cất nhắc các cán bộ hay chiến sĩ có thành tích chiến đấu lâu năm, chú trọng cất nhắc cán bộ công nông, nâng cao trình độ cán bộ công nông để có khả năng đảm đương những công việc ngày càng quan trọng, đồng thời cải tạo cán bộ trí thức, biến họ thành những người luôn luôn trung thành với quyền lợi của giai cấp và dân tộc…
Tinh thần chiến đấu của bộ đội trên các mặt trận, những chiến thắng lớn trong thời gian qua đã mang tới cho Đại hội một niềm hưng phấn tột độ. Anh Hoàng Quốc Việt chạy tới ôm lấy tôi hôn, nước mắt chảy ròng. Bác nhìn chúng tôi rồi nói vui:
- Đó là “quân dân nhất trí”!
Khi ấy anh Hoàng Quốc Việt được phân công phụ trách công tác dân vận của Đảng. Tiếng vỗ tay lại tiếp tục rộ lên xen những tiếng cười.
Bác đứng lên biểu dương những gương chiến đấu của bộ đội Việt Nam và nói vì đâu chúng ta có một quân đội như thế. Đó là do kế tục tinh thần quật cường của ông cha ta ngày trước, tinh thần tự lực sáng tạo của ta ngày nay, và sự học tập kinh nghiệm chiến đấu của các nước anh em, chiến tranh vệ quốc ở Liên Xô, chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc, nên bộ đội ta đã trưởng thành nhanh chóng và vượt bậc.
Báo cáo quân sự tại Đại hội được thông qua.
Đại hội đã ra nghị quyết về quân sự, tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến ''toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh''.
Nghị quyết nhấn mạnh phải kiên trì lãnh đạo chiến tranh. Đảng chủ trương xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ, chân chính với ba đặc điểm: dân tộc, nhân dân và dân chủ. Khẩn trương xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích.
Phương châm tác chiến vẫn là ''lấy du kích chiến làm chính, vận động chiến là phụ, nhưng phải đẩy mạnh vận động chiến tiến lên để vận động chiến trở thành chủ yếu''. Tuy vậy, do đặc điểm chiến tranh phát triển không đều nên chỉ đạo phải dựa vào điều kiện cụ thể của mỗi chiến trường mà vận dụng phương châm cho thích hợp.
Về mối quan hệ chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, Đại hội quyết nghị: ''Vì Đông Dương là một chiến trường và cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với cách mạng Miên - Lào nên lúc này phải tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến Miên - Lào; phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa''.
Với sự kiện Đảng ta ra hoạt động công khai, liên minh chiến đấu của ba nước Việt - Miên - Lào chuyển sang một thời kỳ mới. Đế quốc Pháp xâm lược Đông Dương đã cố kết các dân tộc trên bán đảo trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Từ năm 1941 trong Hội nghị Trung ương lần thứ tám thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, Bác đã nêu ý kiến: ''Ở Lào và Miên có thể thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh để chuẩn bị tổng khởi nghĩa''. Người cho rằng việc tổ chức một mặt trận đoàn kết dân tộc thật rộng rãi là thích hợp với cả ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành tự do. Tuy nhiên, tình hình phát triển cách mạng ở ba nước không đều. Tại Lào và Campuchia, cơ sở đảng mới xuất hiện ở một số thành phố, thị trấn có đông Việt kiều, chưa phát triển được xuống nông thôn.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ ta đã ký Hiệp định Liên minh quân sự với Chính phủ Ítxala Lào, cùng với Hiệp định thành lập Liên quân Việt - Lào. Chính phủ ta cũng ký với Uỷ ban Cao Miên độc lập tuyên bố chung ''Đoàn kết Việt - Miên - Lào chống Pháp'', và tổ chức lực lượng vũ trang hỗn hợp Liên quân Miên - Việt. Trong những năm kháng chiến, ta đã đưa những đơn vị quân tình nguyện Việt Nam sang hoạt động ở Lào và Campuchia cùng với Liên quân Lào - Việt, Liên quân Miên - Việt, bộ đội giải phóng Ítxala Lào và bộ đội Ítxarắc Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Kháng chiến Lào và Ủy ban Dân tộc giải phóng Campuchia. Do chiến trường bị địch chia cắt, ba nước đã tổ chức những mặt trận liên minh chiến đấu hỗn hợp: Liên khu l0 với Thượng Lào, Liên khu 4 với Trung Lào, Liên khu 5 với Hạ Lào, Đông - Bắc Nam Bộ với Đông và Tây - Bắc Campuchia. Những chiến thắng hồi đầu kháng chiến toàn quốc ở Sầm Tớ, Napé, Sêpôn, Thà Khẹc, Xiêm Riệp… là những biểu hiện về sức mạnh của khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương.
Trước đây, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo chung phong trào cách mạng ở cả ba nước. Tại Đại hội, anh Cayxỏn Phômvihản thay mặt những người cộng sản Lào, anh Sơn Ngọc Minh thay mặt những người cộng sản Campuchia tham gia Đoàn Chủ tịch. Nhưng sau đây, cách mạng của mỗi nước nằm dưới sự lãnh đạo độc lập, tự chủ của từng đảng, liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương sẽ được tiến hành qua bàn bạc thống nhất, phối hợp hành động chung giữa ba đảng. Một loạt công việc đặt ra: Phải tổ chức Ban vận động thành lập Đảng ở Lào và Campuchia, phải thành lập ngay Mặt trận Đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào, tổ chức Hội nghị Liên minh ba nước trên bán đảo Đông Dương… Yêu cầu trọng tâm ở Lào và Campuchia lúc này là phải đẩy mạnh phong trào kháng chiến: Phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng các khu căn cứ để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.
Gặp lại anh Cayxỏn ở Đại hội, tôi thấy cảm giác của mình lần đầu tiếp xúc với anh năm 1948 không lầm. Người sinh viên lúc đó tới Việt Bắc chính là hình ảnh của thế hệ mới nhân dân Lào quyết tâm dấn bước trên con đường đấu tranh cho độc lập, dân chủ. Tôi nói với anh Cayxỏn, thời gian qua phải tập trung đối phó với những hoạt động của địch, bộ đội Việt Nam chưa làm được gì nhiều cho cách mạng Lào, nay đã có điều kiện hơn. Lào cần gấp rút xây dựng một căn cứ địa thật vững chắc, địa điểm thuận tiện hiện nay là Thượng Lào. Anh Caxỏn cho rằng với sự tham gia của Hoàng thân Xuphanuvông, trong gian đoạn mới, cách mạng Lào có điều kiện phát triển nhanh. Cần công khai thành lập Chính phủ kháng chiến Lào. Hoàng thân Xuphanuvông đang có mặt ở Việt Bắc, chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Đoàn kết Liên minh Việt - Miên - Lào.
Sau khi được gặp Bác, Hoàng thân đã có những tình cảm và sự kính trọng rất đặc biệt.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ II của Đảng được coi là Đại hội kháng chiến. Những đại biểu của lực lượng vũ trang về đây đều như còn mang theo khói súng của chiến trường. Giữa cuộc họp, nhiều đại biểu quân đội đã phải rời Đại hội lên đường đi chiến dịch.
Tôi không ở lại Đại hội được tới ngày bế mạc, vì phải về cơ quan để kịp dự cuộc họp Đảng ủy Mặt trận lần thứ hai được triệu tập vào ngày 19-02-1951, quyết định lựa chọn phương án đánh địch trong chiến dịch sắp tới.
Đại hội lần thứ II của Đảng mở ra một thời kỳ cách mạng mới trên bán đảo Đông Dương. Với Đảng Lao động Việt Nam, Đảng ta đã trở về với tổ chức ban dầu, được quyết định trong Hội nghị hợp nhất những người cộng sản ở Đông Dương ngày 03-02-1930 (Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đảng ta ra hoạt động công khai đã chính thức làm nhiệm vụ của một đảng cầm quyền chịu trách nhiệm trước dân tộc. Đại hội cũng mở ra thời kỳ hoạt động mới của hai đảng anh em, Lào, Campuchia, một hình thức liên minh chiến đấu mới giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương, dẫn tới thắng lợi cách mạng mỗi nước sau này.
(Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Thanh Huyền (tổng hợp)