1. Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2020.

Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: Quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Nghị định này không áp dụng đối với việc chia sẻ dữ liệu số chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Việc chia sẻ dữ liệu số chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu số của cơ quan nhà nước được cơ quan nhà nước chia sẻ theo quy định của pháp luật.

du lieu so
Ảnh minh họa: Internet

Nguyên tắc quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước:

- Dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước. Dữ liệu, cơ sở dữ liệu trong nội bộ của cơ quan, đơn vị phải được tổ chức, lưu trữ tạo thuận lợi cho việc chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị bên ngoài.

- Việc tạo lập, thông tin dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước phải sử dụng thống nhất các bảng mã danh mục dùng chung, thống nhất với dữ liệu chủ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Các cơ quan nhà nước không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp lại dữ liệu mà cơ quan đó đang quản lý hoặc dữ liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra dữ liệu.

Các quy định về cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước:

- Cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước bao gồm:

+ Cơ sở dữ liệu quốc gia.

+ Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương bao gồm: Cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành; cơ sở dữ liệu dùng chung của địa phương.

+ Cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ một hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước không thuộc Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt danh mục, cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành, cập nhật danh mục các cơ sở dữ liệu thuộc bộ, ngành, địa phương quản lý.

- Danh mục cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương phải thể hiện được các nội dung sau:

+ Tên các cơ sở dữ liệu.

+ Mô tả mục đích, phạm vi, nội dung của từng cơ sở dữ liệu.

+ Cơ chế thu thập, cập nhật, nguồn dữ liệu được thu thập của từng cơ sở dữ liệu.

+ Liệt kê các hạng mục dữ liệu bao gồm: dữ liệu mở, dữ liệu được chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định, dữ liệu được chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của từng cơ sở dữ liệu tương ứng với từng đối tượng khai thác, sử dụng.

- Dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu cơ bản làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

2. Thông tư số 02/2020/TT-BTP ngày 08/4/2020 của Bộ Tư pháp ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/5/2020.

Thông tư này ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu Sổ thụ lý hồ sơ các việc về quốc tịch, Sổ đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam, Sổ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Sổ cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam (gọi chung là Sổ quốc tịch) và các mẫu giấy tờ về quốc tịch.

Đối tượng sử dụng mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch:

- Công dân Việt Nam, người nước ngoài có nhu cầu xin giải quyết các việc về quốc tịch.

- Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

- Sở Tư pháp các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bộ Ngoại giao.

- Bộ Tư pháp.

3. Thông tư số 16/2020/TT-BTC ngày 26/3/2020 của Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/5/2020.

Theo Thông tư, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ được quy định như sau:

- Báo cáo định kỳ hằng tháng: Tính từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo.

- Báo cáo định kỳ hằng quý: Tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.

- Báo cáo định kỳ 6 tháng: Thời gian chốt số liệu 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/6 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 15/6 đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.

- Báo cáo định kỳ hằng năm: Tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.

- Đối với các báo cáo định kỳ khác: Thời gian chốt số liệu báo cáo được quy định tại văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo quy định nhưng phải đáp ứng các quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 11 của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP.

Về thời hạn gửi báo cáo:

- Báo cáo định kỳ: Thời hạn được quy định dưới đây nhằm đảm bảo các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo có đủ thời gian tổng hợp thông tin tính từ lúc chốt số liệu báo cáo, đồng thời bảo đảm Bộ Tài chính có đủ thời gian tổng hợp thông tin, kịp thời gửi báo cáo định kỳ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối kỳ báo cáo trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Đối với báo cáo định kỳ hằng tháng: Chậm nhất là ngày 18 của tháng báo cáo.

+ Đối với báo cáo định kỳ hằng quý: Chậm nhất là ngày 18 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.

+ Đối với báo cáo định kỳ 6 tháng: Chậm nhất là ngày 18 của tháng cuối kỳ báo cáo.

+ Đối với báo cáo định kỳ hằng năm: Chậm nhất là ngày 18/12 của kỳ báo cáo.

+ Đối với các báo cáo định kỳ khác: Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu công việc để gửi báo cáo vào thời gian phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của nội dung báo cáo.

- Báo cáo chuyên đề: Theo văn bản yêu cầu báo cáo.

- Báo cáo đột xuất: Theo văn bản yêu cầu báo cáo hoặc chủ động báo cáo căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu công việc.

- Trường hợp nếu ngày quy định cuối cùng của thời hạn báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần thì ngày gửi báo cáo là ngày tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần.

Hình thức báo cáo có thể bằng văn bản điện tử và văn bản giấy.

4. Thông tư số 24/2020/TT-BTC ngày 13/4/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 03/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2020.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC ví dụ như:

Sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 7 như sau:

“a) Khi thẩm định quyết toán năm đối với quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của BHXH cấp tỉnh, có trách nhiệm ghi rõ trong biên bản thẩm định quyết toán khoản 20% kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa sử dụng hết (nếu có) được sử dụng tại địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 35 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây viết tắt là khoản 20% được sử dụng tại địa phương);”

Sửa đổi Khoản 3 Điều 8 như sau:

“3. Phương pháp phân bổ khoản chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg:

a) Mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp thất nghiệp (mức chi phí chi trả) bình quân toàn ngành bằng 0,65% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam thực hiện như sau:

- Trích 70% trên mức chi phí chi trả bình quân toàn ngành để chi cho tổ chức làm đại lý chi trả.

+ Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định mức chi phí chi trả (theo tỷ lệ % hoặc theo số tuyệt đối) trên số tiền chi trả cho tổ chức làm đại lý chi trả của từng tỉnh, thành phố để BHXH cấp tỉnh thanh toán cho tổ chức làm đại lý chi trả;

+ Tổ chức làm đại lý chi trả tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chi phí cho việc chi trả do cơ quan BHXH thanh toán nhưng phải đảm bảo việc chi trả an toàn, đúng đối tượng, đúng chính sách và theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan BHXH và tổ chức làm đại lý chi trả;

+ Cơ quan BHXH phải quy định cụ thể các công việc tổ chức làm đại lý chi trả phải thực hiện trong hợp đồng ký với tổ chức làm đại lý chi trả.

- Còn lại 30% trên mức chi phí chi trả bình quân toàn ngành để lại cho ngành BHXH sử dụng để phục vụ việc chi trả (gồm: bảo quản, lưu trữ hồ sơ người thụ hưởng; kiểm tra, giám sát việc chi trả; làm đêm, thêm giờ; hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động có liên quan trong những ngày chi trả). BHXH Việt Nam phân bổ cho BHXH các tỉnh, thành phố và đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện.

b) Cơ quan BHXH căn cứ số tiền mà tổ chức làm đại lý chi trả cho người thụ hưởng, thực hiện chuyển chi phí chi trả vào tài khoản của tổ chức làm đại lý (không thanh toán bằng tiền mặt); số tiền chuyển tương ứng mức chi phí chi trả theo tỷ lệ % trên số tiền chi trả do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định”.

5. Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2020.

Quyết định này quy định về thực hiện thí điểm ký quỹ, hỗ trợ vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi là Chương trình EPS), hoàn trả tiền ký quỹ, xử lý tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ sau khi chuyển vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Thời điểm ký quỹ, ngân hàng ký quỹ và thời hạn ký quỹ:

- Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi người lao động đăng ký thường trú.

- Thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng.

Quy định về hỗ trợ vay vốn để ký quỹ như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài có nhu cầu vay vốn được vay đến 100.000.000 (một trăm triệu) đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

- Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng tín dụng về thời hạn cho vay, việc trả nợ gốc và lãi suất tiền vay.

- Lãi suất cho vay áp dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với từng đối tượng.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: