1. Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2020.
Nghị định này quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù (gọi chung là các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng); trách nhiệm của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.
Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi chung là phạm nhân); người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.
Các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân bao gồm:Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân; định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân; hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng; thông báo phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù.
Các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù bao gồm: Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù; các biện pháp hỗ trợ khác.
2. Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2020.
Nghị định này quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.
Nghị định này được áp dụng đối với:
- Bên viện trợ là Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức được Chính phủ nước ngoài ủy quyền, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài khác cung cấp trực tiếp viện trợ khẩn cấp không hoàn lại nhằm cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Bên tiếp nhận viện trợ là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam; có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ gồm:
+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
+ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
- Đối tượng thụ hưởng viện trợ: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai,
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet
Quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ gồm:
- Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ.
- Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ.
- Thực hiện tiếp nhận viện trợ.
Không quá 01 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận thông tin của Bên viện trợ, cơ quan chủ quản giao một đơn vị trực thuộc làm chủ khoản viện trợ. Chủ khoản viện trợ phối hợp với Bên viện trợ để thống nhất các nội dung chính của khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ gồm: Hình thức viện trợ, giá trị khoản viện trợ, số lượng và giá trị phân bổ, cách thức và địa điểm tiếp nhận và các nội dung khác liên quan.
Quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai gồm:
- Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ.
- Quyết định chủ trương tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
- Phê duyệt Văn kiện viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai.
- Thực hiện tiếp nhận, quản lý và thực hiện khoản viện trợ.
Cơ quan chủ quản giao cho một đơn vị trực thuộc làm chủ khoản viện trợ để thống nhất với Bên viện trợ về các nội dung chính của khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ khoản viện trợ phối hợp với Bên viện trợ lập Văn kiện viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, Bên tiếp nhận viện trợ quản lý, sử dụng theo thỏa thuận viện trợ ký với Bên viện trợ phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, điều lệ tổ chức và hoạt động của bên tiếp nhận viện trợ và tuân thủ quy định pháp luật về kế toán.
3. Thông tư 01/2020/TT-BNV ngày 16/4/2020 của Bộ Nội vụ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2020.
Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ ban hành sau đây:
- Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.
- Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan.
- Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.
4. Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 07/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/6/2020.
Theo Thông tư, điều kiện dự tuyển hệ chính quy bao gồm:
- Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông của Việt Nam (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp (trong đó, người tốt nghiệp trình độ trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành) hoặc đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ trung học phổ thông của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam (sau đây gọi chung là tốt nghiệp trung học phổ thông).
- Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành. Đối với người khuyết tật được cấp có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt và học tập thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho dự tuyển vào các ngành học phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
- Trong độ tuổi quy định đối với những trường, ngành có quy định về tuổi.
- Đạt các yêu cầu sơ tuyển, nếu đăng kí xét tuyển (ĐKXT) hoặc dự thi vào các trường có quy định sơ tuyển.
- Có hộ khẩu thường trú thuộc vùng tuyển quy định, nếu ĐKXT hoặc dự thi vào các trường có quy định vùng tuyển.
- Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ chỉ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học; quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được Thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.
Việc tổ chức tuyển sinh, chính sách ưu tiên, tuyển sinh đào tạo vừa học vừa làm, theo đặt hàng và liên thông được quy định cụ thể trong Quy chế của Thông tư này.
Khánh Linh (tổng hợp)