BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Bến cảng Nhà Rồng – Di tích và giá trị về con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của ThS Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".
ThS Lưu Thị Tuyết Trinh tham luận tại Hội thảo.
1. Vài nét về Bến cảng Nhà Rồng nơi in dấu sự kiện Bác Hồ đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911
Sài Gòn là đầu mối giao thương quốc tế, trong đó cảng Sài Gòn là cửa ngõ thông ra đường hàng hải quốc tế Đông - Tây. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của cả nước, trong đó Cảng Sài Gòn có vị trí quan trọng là trung tâm kinh tế xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, là đầu mối buôn bán trao đổi, thương mại với nước ngoài. Từ khi Phủ Gia Định được thành lập, Sài Gòn ngày càng trở thành trung tâm thu hút cộng đồng lưu dân người Việt. Trong đó, Bến Nghé vùng Thương cảng Sài Gòn ngày càng tấp nập, hàng hóa từ khắp mọi nơi chở đến và hàng hóa từ Sài Gòn chở đi, nơi đây đã trở thành một trung tâm đô hội nhất trong vùng.
Sài Gòn và thương cảng của nó đang phát triển tự nhiên và ngày càng phồn thịnh thì lịch sử Việt Nam rẽ sang một bước ngoặc lớn bởi sự xâm lược của thực dân Pháp. Chúng đánh chiếm Đà Nẵng để làm bàn đạp và không phải ngẫu nhiên chúng tiến quân vào Nam Bộ trước mà mục tiêu đầu tiên là chiếm thành Gia Định, nơi có thương cảng Sài Gòn. Trong quá trình xâm lược Nam Kỳ, ngay từ đầu thực dân Pháp đã chọn Sài Gòn làm trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự coi đó như bàn đạp để tiến chiếm các tỉnh. Chính vì vậy, mà thực dân Pháp chú ý ngay đến khu vực thương cảng Sài Gòn, vị trí ấy vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa về giao thông quân sự. Do đó, Cảng Sài Gòn được thành lập từ rất sớm, ngày 22/02/1860, chỉ sau một năm Pháp đánh chiếm Gia Định. Cảng Sài Gòn được mở cửa nhằm buôn bán, trao đổi sản phẩm và để đưa quân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ. Với mục đích như vậy, mặc dù tình hình chiến sự ở Sài Gòn còn đang diễn ra ác liệt, chính phủ Pháp đã chỉ định Công ty vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) phụ trách tuyến đường Viễn Đông xây dựng một chi nhánh ở Sài Gòn. Sau khi điều tra và bản đề án xây dựng được phê duyệt, từ giữa năm 1862, một số công trình được tiến hành xây dựng, trong đó có trụ sở Tổng đại diện công ty (Hotel des Messageries Impériales) ngôi nhà có kiến trúc Pháp nhưng trên nóc nhà có gắn hai còn rồng bằng gốm châu đầu vào nhau theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” một kiểu kiến trúc quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Chính vì vậy người ta quen gọi đó là Nhà Rồng và Bến cảng cũng mang tên là bến cảng Nhà Rồng. Một số quy chế thương mại và quy tắc hoa tiêu của cảng được phê chuẩn cuối năm 1862…
Năm 1911, người thanh niên Việt Nam yêu nước tên là Nguyễn Tất Thành đã từ trường Dục Thanh - Phan Thiết vào Sài Gòn. Trong thời gian lưu lại tại đây, Người đã từng ở nhà ông Lê Văn Đạt một vựa chiếu (nay là ngôi nhà số 185/1 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1). Sau đó chuyển đến nhà số 5, đường Châu Văn Liêm, vùng Chợ Lớn (ngày nay thuộc quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Có một khoảng thời gian ngắn Nguyễn Tất Thành đi học và làm thêm tại trường Kỹ nghệ Á Châu (nay là trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng). Trong thời gian cùng làm việc với những người lao động trong đó có công nhân cảng Sài Gòn, Người đã hiểu rõ những nỗi cơ cực, lầm than của họ. Và có lẽ điều đó đã thôi thúc Người cất bước ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Ngày 05/6/1911, với tên Văn Ba, Người đã lên tàu Amiral Latouche Tréville - một chiếc tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis từ thương cảng Sài Gòn rời Tổ quốc đi sang Pháp, mở đầu cho cuộc hành trình bôn ba khắp thế giới với mục đích: Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp lại đồng bào ta. Sự kiện này về sau sẽ là một thời điểm quan trọng trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
Cảng Sài Gòn không chỉ là một “thương hiệu” nổi tiếng của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế, người dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước tự hào về Cảng Sài Gòn bởi những sự kiện lịch sử - chính trị quan trọng của đất nước. Từ nơi đây, với tấm lòng yêu nước thương dân, với nghị lực phi thường, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đi tìm đường cứu nước. Với sự kiện này và với lòng thương nhớ khôn nguôi của Bác đối với đồng bào Sài Gòn, miền Nam, với công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định suốt mấy chục năm trường kỳ chống xâm lược của dân tộc ta, nên Sài Gòn được mang huân danh “Thành phố Hồ Chí Minh” - Thành phố Anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Với 160 năm thành lập, Cảng Sài Gòn là một trong cảng biển lớn và hoạt động lâu đời ở Việt Nam. Trong đó 112 năm - Một chặng đường lịch sử đầy vẻ vang của dân tộc Việt Nam nhưng biết bao khó khăn thử thách, luôn gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh - Người đã hi sinh cả cuộc đời để lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng hai cường quốc thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Trong 112 năm ấy, có hơn 30 năm Người phải bôn ba khắp các châu lục, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và tìm con đường cứu nước, cứu dân.
2. Hành trình Nguyễn Tất Thành tìm kiếm con đường đi tới “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”
Ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiral Latouche Tréville rời Việt Nam thực hiện ý chí ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác làm ăn ra sao, rồi trở về giúp dân, giúp nước.
Người đã đi nhiều nước, đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nền văn hóa, chính trị và đã dần hiểu rõ thực chất của nền văn minh tư sản, nền dân chủ tư sản dưới các hình thức khác nhau. Đi đến đâu Người cũng hòa mình vào với phong trào của quần chúng lao động, luôn tìm hiểu đời sống kinh tế, chính trị, xã hội những nơi mình đã đi qua. Người đã chứng kiến cảnh những người nô lệ bị bóc lột, bị hành hình. Thực tế qua những chuyến đi vòng quanh thế giới, Người đã hiểu rõ hơn về bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân. Từ đó, Người đã nhận thức được đâu là bạn, đâu là thù. Và Người đã trở lại Pháp, chọn Paris làm nơi hoạt động vào cuối năm 1917.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao Nguyễn Tất Thành lại chọn nước Pháp để bắt đầu cuộc đấu tranh trực diện chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp? Với trí thông minh thiên tài, Người nhận thức rõ nước Pháp chính là nơi sản sinh ra chủ nghĩa thực dân Pháp, sẽ không có nơi nào tốt hơn cho việc tìm hiểu cặn kẽ kẻ thù của dân tộc bằng ngay tại nơi sản sinh ra chúng. Lúc bấy giờ Paris là trung tâm quan trọng nhất của các sự kiện chính trị thế giới, nơi diễn ra hội nghị của các nước đế quốc thắng trận. Đây là điều kiện, là cơ hội tốt cho ý định đấu tranh của Người. Nước Pháp cũng là nơi có phong trào công nhân phát triển mạnh, có khá đông đồng bào Việt Nam đang sinh sống, họ có mối liên hệ thường xuyên với Tổ quốc, sẽ có sự đồng cảm lớn với Người.
Tại Paris, Nguyễn Tất Thành gia nhập “Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp”, tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức, hoà mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động Pháp, tích cực đọc và học ở các thư viện, tham gia thường xuyên vào các buổi diễn thuyết của Đảng Xã hội Pháp và câu lạc bộ Faubourg. Qua đó giúp Nguyễn Tất Thành trưởng thành dần về nhận thức và đã gặp và làm bạn với những người bạn Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant, Couturier và Jacques Duclos… Người thường tranh luận về vấn đề dân tộc, dân chủ, tự do… Khi ở với Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành thường tranh luận về con đường cứu nước.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Anh trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của đại cách mạng Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”(1). Vào tháng 6/1919, Người đã thay mặt cho nhóm người Việt Nam yêu nước cùng thảo ra bản yêu sách tám điểm gửi đến Hội nghị Versailles và ký tên bên dưới là Nguyễn Ái Quốc đề nghị chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận nguyên tắc của quyền dân tộc tự quyết. Tuy không được các nước thừa nhận, Bản yêu sách như “Một quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam coi đó là tiếng sấm mùa xuân. Ngay tại thủ đô nước Pháp, trên diễn đàn quốc tế, có một người Việt Nam ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho cả dân tộc mình, dư luận thế giới xôn xao bàn tán. Ai mà không kính không phục. Độ ấy, người mình ở Pháp gặp nhau đều nói độc lập, tự quyết, đều nói đến Nguyễn Ái Quốc. Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ”(2). Sự thờ ơ của các nước tham dự hội nghị và việc thực dân Pháp không chấp nhận bản yêu sách, dù là những đòi hỏi “rất ôn hoà cả về nội dung và hình thức” Nguyễn Ái Quốc càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Sau này, Người viết: “Chủ nghĩa Uyn xơn” chỉ là trò bịp bợm lớn”(3) và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(4).
Phân tích cách mạng tư sản Mỹ - 1776 và cách mạng tư sản Pháp - 1791, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột; những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong.
Tháng 7/1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp), Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút vì tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay Người hằng mong ước, đợi chờ. Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần. Qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người tìm thấy ở đó con đường đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân. Sau này khi nhớ lại thời điểm đọc luận cương Lênin, Nguyễn Ái Quốc có viết: “…Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(5). Tin theo Lênin, từ lập trường của một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc chuyển sang lập trường của một người cộng sản. Sau này, Người kể lại rằng: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(6). Đây là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc, là mốc Người tìm được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Nhu cầu đang đặt ra của lịch sử lúc bấy giờ là xác định một con đường đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc thuộc địa nói chung. Nguyễn Ái Quốc chính là người đảm nhận nhiệm vụ lịch sử đó. Đây cũng chính là cơ sở để Người truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, gieo hạt giống cộng sản và trực tiếp chuẩn bị những điều kiện cần thiết bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc đọc bản Luận cương của Lênin, cùng với những hoạt động sát cánh với các tầng lớp công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa là tiền đề có tính quyết định việc Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản (Quốc tế III) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau khi bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, Rose đã hỏi Nguyễn Ái Quốc tại sao lại ủng hộ cho Quốc tế III? Người trả lời: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(7). Qua đây chúng ta thấy, Bác đã khẳng định rõ ràng con đường mà Người đã lựa chọn và sẽ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi theo con đường ấy. Đó là con đường Cách mạng vô sản và chỉ có con đường ấy mới mang lại “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử, đã vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu và các nhà hoạt động cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản… Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”(8).
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc sang nước Nga, trực tiếp nhìn thấy những thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Mười đem lại cho giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, Người càng quyết tâm theo con đường đã chọn. Tại đây, Người hoạt động trong Quốc tế Cộng sản và trực tiếp quan sát, nghiên cứu việc xây dựng nền dân chủ mới - dân chủ vô sản. Nguyễn Ái Quốc không chỉ nghiên cứu lịch sử cách mạng, con đường, phương pháp và những kinh nghiệm cách mạng trong giai đoạn “giành chính quyền” mà Người còn rất chú ý tìm hiểu cách thức, kinh nghiệm tổ chức xây dựng chế độ dân chủ mới dưới ánh sáng khoa học của học thuyết dân chủ cách mạng Mác - Lênin. Những thành công “đến nơi” của cách mạng Nga, những ưu việt thực chất của nền dân chủ mới ở Nga đã trở thành mẫu hình quan trọng đầy tính gợi mở để Nguyễn Ái Quốc từng bước xây dựng mô hình dân chủ cho cách mạng Việt Nam.
Hơn một năm sống và làm việc trên đất nước Xô viết, Người đã thực sự trở thành một chiến sĩ kiên cường, một lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, hoạch định một đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu tổ chức lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, nhằm xây dựng lực lượng hạt nhân nòng cốt cho cách mạng Việt Nam và sáng lập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” tiến tới thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam (1930). Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời có Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đã đáp ứng kịp thời bức thiết nhất của phong trào cách mạng Việt Nam; là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam, chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Từ nước ngoài, Người thường xuyên theo dõi rất sát tình hình trong nước, thường xuyên viết báo cáo, thư ca ngợi tinh thần quật cường của quần chúng cách mạng Việt Nam, kịp thời gửi cho Trung ương Đảng những ý kiến chỉ đạo đúng đắn về đường lối, chiến lược, về vai trò lãnh đạo của Đảng trong các thời kì cách mạng; kêu gọi Quốc tế Cộng sản và các tổ chức Đảng Cộng sản Quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi nhận thấy nguy cơ cuộc chiến tranh đế quốc trên quy mô toàn thế giới đã đến gần, đe dọa các dân tộc cả châu Âu và châu Á, trong đó có Đông Dương, vận mệnh của Tổ quốc đang lâm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng trở về và triệu tập cuộc họp với tất cả các đảng viên cộng sản tại Côn Minh (Trung Quốc). Người nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, ta phải tìm mọi cách để trở về nước ngay, tranh thủ mọi thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(9).
Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế phong phú, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình thế giới, mưu đồ của chủ nghĩa phát xít, Người quyết định thành lập “Việt Nam đồng minh hội” ngay trên đất Trung Quốc, để hợp pháp hóa về mặt tổ chức, có điều kiện về nước một cách công khai; còn về lâu dài, để có tổ chức liên lạc với quốc tế. Những quyết định trên thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự mẫn cảm chính trị đầy trách nhiệm của Nguyễn Ái Quốc trước vận mệnh của dân tộc, định hướng cho thành công của Cách mạng Tháng Tám. Người tích cực triển khai các hoạt động quốc tế dồn dập: trực tiếp gặp đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, gửi thư cho Quốc tế Cộng sản yêu cầu giúp đỡ… Người quyết định mở lớp huấn luyện chính trị và quân sự cấp tốc đưa về nước tuyên truyền, tổ chức các đoàn thể cứu quốc, chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng… Những quyết định sáng suốt và kịp thời của Bác Hồ trong việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, chuẩn bị thực lực bên trong là bước chuẩn bị cần thiết cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Giữa lúc bão táp cách mạng đang nổ ra dồn dập, mùa Xuân năm 1941, Người đã chỉ thị: “Trung ương Đảng phải chuyển về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào”(10). Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/01/1941, Người về đến Cao Bằng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Về nước được hơn 3 tháng, với danh nghĩa là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám từ ngày 10 đến 19/5/1941, Hội nghị quyết định giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, xác định rõ: “cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(11). Đó chính là sự phát triển hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng do Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11/1939) và lần thứ 7 (tháng 11/1940) của Đảng đề ra. Chủ trương đó đã thể hiện tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén của Bác Hồ, đồng thời phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là thoát khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng” của đế quốc và phong kiến tay sai. Bác Hồ đã chủ động xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu đủ sức tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Người vạch ra đường lối cách mạng trước thời cơ mới: “Sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ Tổ quốc” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Đảng Cộng sản Đông Dương, 5-1941). Hội nghị đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam.
Sau Hội nghị Trung ương VIII, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh cách mạng Việt Nam thực hiện Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân giành thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ vững chắc nền độc lập cho nước nhà.
3. Kết luận
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chứng tỏ con đường Cách mạng vô sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và dẫn dắt dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, đó là kim chỉ nam soi sáng dẫn dắt cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thành phố Sài Gòn - nơi Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, được vinh dự mang tên Người - Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1979, Thành phố đã cải tạo và xây dựng ngôi Nhà Rồng làm “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ngày 02/9/1979, nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tháng 10/1995, “Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”. Bảo tàng thực sự trở thành một cơ quan nghiên cứu, giáo dục, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh. Đây còn là nơi tổ chức hội thảo, tọa đàm, dâng hương, dâng hoa; là địa điểm họp mặt giao lưu, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội... Bảo tàng thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan và đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia khi đến thăm và làm việc tại thành phố. Năm 1997, Bảo tàng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt năm 1998, Nhà Rồng được chọn làm biểu tượng của Thành phố nhân kỷ niệm 300 năm.
Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhắc tới sự kiện Người đi tìm và xác định con đường cứu nước, cứu dân là nói tới tư tưởng và tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong hành trình hội nhập quốc tế, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng, quyết tâm và kiên trì phấn đấu thực hiện tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam mà Người đã chọn để cùng nhân loại tiến đến tương lai./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 61.
(2) Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị hành chính, Hà Nội, 2010, tr. 68.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Sđd, tr. 441.
(4) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 33.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Sđd, tr. 562.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Sđd, tr. 563.
(7) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1, Sđd, tr. 111 - 112.
(8) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 33.
(9) Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 234.
(10) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 54.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 119.
ThS Lưu Thị Tuyết Trinh