Ảnh internet
1. Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Theo đó, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
- Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.
Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
2 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo., có hiệu lự c thi hành từ ngày 15/10/2021
Theo đó, việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thì mức thu học phí phải đảm bảo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.
- Khung học phí năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, phổ thông do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí năm học 2020 - 2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.
- Khung học phí năm học 2022 - 2023 khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
+ Vùng thành thị: mầm non và tiểu học từ 300.000 đồng đến 540.000 đồng/học sinh/tháng; trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 300.000 đồng đến 650.000 đồng/học sinh/tháng.
+ Vùng nông thông: mầm non và tiểu học từ 100.000 đồng đến 220.000 đồng/học sinh/tháng; trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 100.000 đồng đến 270.000 đồng/học sinh/tháng
+ Vùng dân tộc thiểu số và miền núi: mầm non và tiểu học từ 50.000 đồng đến 110.000 đồng/học sinh/tháng; trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 50.000 đồng đến 170.000 đồng/học sinh/tháng
Căn cứ vào khung trên Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí; phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.
+ Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Tối đa bằng 2 lần mức trần học phí quy định trên;
+ Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí quy định trên;
+ Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đạt mức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
- Khung học phí từ năm học 2023 - 2024 trở đi, được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm; .
- Ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao, căn cứ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định khung học phí hoặc mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập gồm cả cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu thành lập trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục đồng thời phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Trường hợp học trực tuyến (học online), Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đã được ban hành.
- Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn. Đối với các loại hình giáo dục thường xuyên khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt mức thu cụ thể phù hợp với từng loại hình đào tạo và điều kiện thực tế của từng địa bàn.
Nghị định cũng quy định khung học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được dựa vào nhóm ngành nghề đào tạo hoặc khối ngành. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập quy định mức thu học phí cụ thể đối với các ngành, nghề đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý và thực hiện công khai cho toàn khóa học. Giám đốc các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động quy định mức thu học phí cụ thể đối với các đơn vị, chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định đối tượng không phải đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trường công lập; người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Các ngành chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.
3. Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021
Cụ thể, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải kiểm định lần đầu sẽ có chu kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với hiện nay), các chu kỳ tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần (tăng 6 tháng). Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với xe có thời hạn sản xuất đến 5 năm. Sau thời hạn 5 năm và đối với xe đã sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng/lần như hiện nay.
Ngoài ra, những loại xe có chu kỳ đăng kiểm định kỳ 3 tháng/lần gồm: Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả loại chở người trên 9 chỗ đã cải tạo giảm xuống thành chở người đến 9 chỗ); ôtô tải các loại, ôtô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ôtô tải, ôtô đầu kéo đã cải tạo thành ôtô chuyên dùng); ôtô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ôtô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên.
Một điểm mới đáng chú ý nữa của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT đó là quy định về mẫu tem kiểm định mới để phân biệt giữa ô tô có kinh doanh vận tải và ô tô không kinh doanh vận tải. Quy định dùng mẫu tem kiểm định màu vàng cam cho xe ô tô kinh doanh vận tải, xe không kinh doanh có màu xanh, nhằm dễ nhận diện hai loại xe này.
Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục kiểm định để phù hợp với thực tế cũng như quy trình kiểm định theo khuyến nghị của Tổ chức Đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA).
4. Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021
Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành (có Giấy chứng nhận đăng ký và biển số xe, có Giấy chứng nhận kiểm định), bao gồm xe ôtô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô).
Người nộp phí sử dụng đường bộ là các tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi chung là chủ phương tiện).
Tổ chức thu phí bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thu phí đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an) và các đơn vị đăng kiểm (thu phí đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam).
Mức thu phí đường bộ được quy định cụ thể cho từng loại xe (theo Phụ lục I - Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ đính kèm Thông tư này) với mức từ 130.000/tháng cho đến 1.430.000 đồng/tháng.
Thông tư số 70/2021/TT-BTC cũng quy định về việc miễn phí sử dụng đường bộ đối với người nộp phí cho các phương tiện, bao gồm: Xe cứu thương, xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, xe chuyên dung phục vụ quốc phòng, xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân.
5. Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021
Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nhà đầu tư có tổng điểm các tiêu chí cao nhất với thang điểm 100 theo quy định sau:
- Tiêu chí về năng lực tài chính để thực hiện dự án: từ 20 đến 30 điểm.
- Tiêu chí về giải pháp quy hoạch, kiến trúc: từ 15 đến 25 điểm.
- Tiêu chí về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội: từ 10 đến 20 điểm;
Đối với trường hợp dự án đã có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì các nhà đầu tư đều được điểm tối đa.
- Tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở: từ 5 đến 15 điểm.
- Tiêu chí về tiến độ thực hiện dự án, đưa công trình vào sử dụng: từ 5 đến 10 điểm.
Trường hợp tổng điểm các tiêu chí bằng nhau thì lựa chọn nhà đầu tư có các tiêu chí cao hơn theo thứ tự trên đảm bảo nguyên tắc nội dung trước đã có nhà thầu đáp ứng thì không xem xét đến nội dung sau.
Bên cạnh đó, ban hành kèm Thông tư này là các mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mới, thay thế cho các mẫu ban hành kèm Thông tư số 20/2016/TT-BXD, gồm:
- Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này. Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học sinh trường dân tộc nội trú công lập sẽ sử dụng mẫu đơn số 10 về thuê nhà ở xã hội.
Thông tư cũng bỏ yêu cầu người mua lại nhà ở xã hội phải được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
- Mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở: Áp dụng với các đối tượng là người có công với cách mạng, người lao động trong doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ… (so với quy định cũ, Thông tư số 09/2021/TT-BXD đã quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng sử dụng mẫu này)…
6. Thông tư số 109/TT-BQP ngày 23/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2021
Theo đó, hằng tuần, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật. Đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hoặc do yêu cầu nhiệm vụ, việc nghỉ hằng tuần do chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên căn cứ tình hình nhiệm vụ của đơn vị thực hiện cho phù hợp.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép hằng năm như sau:
- Dưới 15 năm công tác được nghỉ 20 ngày;
- Từ đủ 15 năm công tác đến dưới 25 năm công tác được nghỉ 25 ngày;
- Từ đủ 25 năm công tác trở lên được nghỉ 30 ngày.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đóng quân ở đơn vị xa gia đình (nơi cư trú của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng) khi nghỉ phép hằng năm được nghỉ thêm:
- 10 ngày khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên;
- Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên;
- Đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1.
Được 05 ngày khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; (2) Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực 0,5 trở lên; (3) Đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực.
Trong trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị không thể bố trí cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ phép năm hoặc nghỉ chưa hết số ngày phép năm theo quy định thì năm sau chỉ huy đơn vị xem xét, quyết định cho nghỉ bù phép của năm trước. Trường hợp cá biệt, chỉ huy đơn vị vẫn không thể bố trí cho đi nghỉ phép được thì quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xem xét, thanh toán tiền lương đối với số ngày chưa nghỉ phép năm theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 13/2012/TT-BQP ngày 21 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, đơn vị Quân đội.
Thời gian đi đường không tính vào số ngày được nghỉ phép đối với các trường hợp: (1) Nghỉ phép năm; (2) Nghỉ phép năm thuộc các trường hợp được nghỉ thêm; (3) Nghỉ phép đặc biệt.
Chỉ huy từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên căn cứ nhiệm vụ của đơn vị, lập kế hoạch nghỉ phép, tỷ lệ nghỉ thường xuyên không quá 15% quân số của đơn vị. Đối với các đơn vị không thuộc khối sẵn sàng chiến đấu tùy theo tính chất và yêu cầu nhiệm vụ thực hiện cho phù hợp. Các học viện, nhà trường bố trí cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ phép tập trung vào dịp nghỉ hè.
Hằng năm, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ ngày lễ, tết theo quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22 tháng 12). Đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hoặc do yêu cầu nhiệm vụ, việc nghỉ ngày lễ, tết do chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên căn cứ tình hình nhiệm vụ của đơn vị thực hiện cho phù hợp.
7. Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung các quy định mới như sau:
- Nâng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ: Theo Điều 12 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23, để được xét tốt nghiệp thạc sĩ, học viên phải chứng minh chuẩn đầu ra ngoại ngữ bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Quy chế trước đây quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ tối thiểu chỉ từ Bậc 3/6 trở lên.
- Các trường được tuyển sinh thạc sĩ trực tuyến: Theo Quy chế mới quy định hai hình thức tuyển sinh thạc sĩ là trực tiếp và trực tuyến, trong đó các trường có thể tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức trực tuyến nếu bảo đảm chất lượng và có kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như tuyển sinh trực tiếp. Quy định trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép các cơ sở đào tạo tuyển sinh thạc sĩ theo hình thức trực tiếp.
- Thêm hình thức đào tạo thạc sĩ vừa học vừa làm: Về hình thức đào tạo, Điều 3 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 bổ sung thêm hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng thay vì chỉ quy định hình thức đào tạo chính quy như trước đây.
Thời gian học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học sẽ dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.
- Sinh viên đại học được học trước chương trình thạc sĩ: Quy định mới cho phép sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.
- Không giới hạn số đợt tuyển sinh thạc sĩ trong năm: Quy chế tuyển sinh thạc sĩ mới nêu rõ, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức tuyển sinh trình độ thạc sĩ một hoặc nhiều lần trong năm, không còn giới hạn tối đa 2 lần mỗi năm như quy định cũ. Cơ sở đào tạo quyết định việc tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ.
8. Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/10/2021
Theo quy định hiện hành, các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức trên giấy hoặc trên máy vi tính; kỹ năng nói được tổ chức bằng hình thức thi nói trực tiếp hoặc thi trên máy tính. Dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo về hình thức thi cụ thể để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi. Tuy nhiên, tại Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT quy định rõ: Từ ngày 01/7/2023, tất cả các kỹ năng gồm nghe, nói, đọc, viết đều được tổ chức thi trên máy tính.
Điểm mới nữa là quy định về đơn vị tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể, bên cạnh các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ, quy định mới bổ sung loại hình đơn vị được phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm tin học - ngoại ngữ do chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định thành lập.
Về yêu cầu để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, bên cạnh điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm tổ chức thi cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi, các đơn vị phải bảo đảm yêu cầu về nhân sự, như: Có ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác; có ít nhất 12 cán bộ ra đề thi đối với tiếng Anh, 4 cán bộ ra đề thi đối với mỗi ngoại ngữ khác…
Hằng năm, các đơn vị phải rà soát, điều chỉnh ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung tối thiểu 10% số lượng câu hỏi đối với từng kỹ năng./.
Huyền Trang (tổng hợp)