Thứ ba, 24/12/2024

Kỳ 2: Tiếp nối những mùa Thu thắng lợi

Rời đình Tân Trào, chúng tôi đi về hướng làng Tân Lập, đến gốc cây đa Tân Trào để được hồi tưởng về buổi hạ lệnh xuất quân lịch sử vào ngày 16-8-1945. Ngày đó, cũng dưới bóng cây đa này, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, lễ xuất quân được cử hành. Trước gần 200 chiến sĩ quân giải phóng đứng thành hai hàng dọc, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, với sự có mặt của đại biểu về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng long trọng đọc bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh xuất quân tiến sang giải phóng Thái Nguyên, xuôi về Hà Nội...

“69 năm đã trôi qua, hôm nay, cũng một ngày mùa Thu trời cao xanh vời vợi, lòng tôi bỗng bần thần nhớ về ký ức xa xưa... Vẫn dáng dấp cây đa mỗi ngày tôi được nhìn thấy, nhưng hôm nay đứng dưới tán bóng cây, cảm tưởng như được đứng trong hàng ngũ của đội quân giải phóng” - Bà Hoàng Thị Mai (74 tuổi, người dân xã Tân Lập) chia sẻ những cảm xúc không thể kìm nén. Cũng theo bà Mai, khi còn thơ bé, bà đã từng nghe người lớn trò chuyện với nhau: Ngày ấy, sau buổi xuất quân, lòng dân Tân Trào mỏi mong chờ đợi thắng lợi. Mỏi mong vì thời cơ đã đến, vì đồng bào tin chắc rằng chính quyền cách mạng sẽ về tay ta. Và chỉ mấy ngày sau, đoàn quân tiến về xuôi đã làm nòng cốt cùng toàn dân hiện thực hóa khát vọng về nền thái bình của dân tộc; vẫn dưới bóng cây đa Tân Trào, đồng bào các dân tộc vùng ATK lại hân hoan trong sắc cờ hoa, trang phục đón mừng thắng lợi của mùa Thu đầu tiên cách đây 69 năm.

ky-2-tiep-noi-mua-thu
Những nếp nhà sàn của người dân Tân Trào hôm nay

Bà Mai là “khách không mời”. Khi chúng tôi kính cẩn trước di tích cây đa Tân Trào, bất chợt bà xuất hiện với dáng người nhỏ thó, được cô hướng dẫn viên giới thiệu, chúng tôi mới vỡ lẽ. Bà là con dâu của ông Nguyễn Tiến Sự, nhà bà ở bây giờ là nơi Bác Hồ từng ở, làm việc từ ngày 21 đến hết tháng 5-1945. Như là duyên số trời ban, bà có “thói quen” và sở trường kể chuyện cho khách du lịch về người cha chồng và truyền thống anh dũng của quê hương. Giọng bà tự hào, run run: “Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc vì được gắn bó với Tân Trào, được sống nơi Bác Hồ từng sống và hôm nay, tôi lại được chứng kiến sự đổi thay, giàu đẹp của quê hương”.

Bà Mai nói đúng, về với Tân Trào hôm nay sự đổi thay hiện rõ ở bộ mặt cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn. Nối liền những mái nhà, những thôn bản vắt mình qua những triền đồi, giấu mình trong tán rừng hoặc ẩn hiện dưới những thung lũng xa xôi là hệ thống đường sá chằng chịt. Anh Hoàng Ngọc Sơn, Bí thư Chi đoàn thôn Bồng phấn chấn: “Xứ này bây giờ đường dọc, đường xuôi, lộ chính, ngõ sâu đều được bê tông hóa, nhựa hóa... Từ gốc đa Tân Trào này cũng có đường to đi qua, nối với thị trấn Sơn Dương và đường mòn qua đèo De sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên)”.

Điều ấn tượng hơn nữa là trên những cung đường phẳng lì, thẳng tắp, chẳng thấy một bóng chiến sĩ công an giao thông, mà người điều khiển xe gắn máy đều đội mũ bảo hiểm rất nghiêm túc. Ở những ngã ba, ngã tư không đèn tín hiệu mà người biết nhìn người, biết nhường nhau đoạn cua, ngả rẽ theo đúng luật giao thông... Có lẽ thấu hiểu cảm xúc của “khách” nên anh Sơn “khoe” tiếp: “Đời sống dân trí của Tân Trào giờ đây “khá” lắm. Cái “khá” là ở chỗ, một khi tri thức, kiến thức được vũ trang cho những công dân có tình yêu Tổ quốc, có truyền thống cách mạng thì nó càng sáng trong và giá trị vô cùng”. Cũng theo anh Hòa ở Tân Trào hiện tại có 3/3 trường học (trường Mầm Non, Trường Tiểu học, Trường THCS Tân Trào) được công nhận đạt trường chuẩn Quốc gia; 8/8 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; 100% các thôn đều có mạng internet...

Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Văn Hòa, người cán bộ chưa tròn 35 tuổi, có học vị thạc sĩ, tiếp lời cán bộ cấp dưới. Anh thể hiện vấn đề một cách đầu cuối, rằng những năm qua, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Nhà nước, Chính phủ và nghị quyết đảng bộ các cấp, xã Tân Trào đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu quốc gia, dự kiến đến cuối năm nay xã sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, các công trình nước sạch đã triển khai đến tất cả các thôn, bản... Anh Hòa tâm niệm: “Tất cả những đổi thay trên mảnh đất này, trước hết là nhờ truyền thống cách mạng đã ngấm vào máu thịt nhân dân, được phát huy trong điều kiện mới. Thế nhưng, phần khác là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương nhằm xây dựng Tân Trào trở thành khu du lịch lịch sử, văn hóa trọng điểm của tỉnh và cả nước”.

Ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND xã Tân Trào được đồng chí Nguyễn Sáng Vang, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho chúng tôi biết thêm, thời gian qua, với chủ trương xã hội hóa xây dựng quê hương cách mạng, Tuyên Quang đã huy động các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, tôn tạo các di tích để phát triển du lịch ở Tân Trào khá hiệu quả. Nhiều công trình được đầu tư đã tạo bước phát triển đột phá, phục vụ hiệu quả cho giáo dục truyền thống và du lịch. Cũng theo đồng chí cán bộ người bản địa, giữ cương vị lãnh đạo Đảng cao nhất của tỉnh, một nguyên nhân quan trọng nữa giúp Tân Trào “cất cánh” là nhờ địa phương đã làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ. Vài năm gần đây, từ hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, nhiều đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã chỉ trên dưới 30 – 35 tuổi. Đây là những cán bộ được tỉnh lựa chọn, bổ nhiệm, có trình độ, năng lực và nhiệt huyết công tác. Điều đó giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thay đổi tác phong công tác, thường xuyên rà soát, nắm chắc dân và sáng kiến ra nhiều biện pháp giúp dân thiết thực. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng hộ dân, có người được xã hỗ trợ vốn, giống cây, giống con, vật tư nông nghiệp, đất sản xuất; có gia đình lại được hưởng chế độ nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm... Đồng thời với đó, xã cũng có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân tham gia làm dịch vụ du lịch, giúp số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%... Đó cũng là lý do, đến cuối năm 2013, số hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống còn 5,99%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 18 triệu đồng/người/năm vào cuối năm nay.

Trong dịp về miền nguồn cội lần này, chúng tôi dành nhiều thời gian đến thăm và chuyện trò với các hộ dân. Đúng là Tân Trào đã khoác lên tấm áo mới của sự no ấm, sung túc và triển vọng. Không còn nữa những những nếp sống cũ, lạc hậu, giờ đây việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được quy hoạch chuồng trại chứ không thả rông, hay nhốt buộc dưới nếp nhà sàn như trước. Nhà nào cũng rộng vài trăm mét vuông, vẫn nét nhà sàn xưa cũ nhưng được xây dựng theo kiểu bê tông giả gỗ khang trang, bề thế như nhà hàng, “rì-sọt” dưới xuôi. Bên trong mỗi mái nhà là đủ đầy xe máy, ti-vi và nhiều vật dụng sinh hoạt tiện nghi khác. Nhà nào cũng được thiết kế xây dựng khép kín, có nơi ngủ nghỉ, chỗ ăn, nhà bếp, phòng vệ sinh...

Được trực tiếp “mắt thấy tai nghe” về một Tân Trào hiện tại giữa mùa Thu này, ai trong chúng tôi cũng công nhận sự đổi thay trên mảnh đất này là một chiến công tiếp nối những chiến công của những mùa Thu trước. Càng hiểu vì sao cách đây gần 70 năm, bà con các dân tộc nơi đây lại nhất trí đổi tên làng Kim Long (nghĩa là "rồng vàng") sang tên làng Tân Lập, như ước mong một nền độc lập mới sẽ đến, như hôm nay, như lúc này đây (!)./.

 Ghi chép của Nguyễn Tấn Tuân

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác:

EMC Đã kết nối EMC