Chỉ mục bài viết

HTDB phan 1 anh 1

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã đưa cuộc kháng chiến chín năm của dân tộc ta chống thực dân Pháp tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng một nửa đất nước. Đó là một trong nhưng chiến công chói lọi nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa..., làm rạng danh đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Trong cuộc đọ sức quyết liệt ấy - giữa một bên là sức mạnh tàn khốc của các loại vũ khí tối tân, của một tập đoàn cứ điểm được coi là “bất khả chiến bại” lúc bấy giờ, với một bên là sức mạnh của ý chí con người, của lòng quả cảm, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh - quân và dân ta đã chiến thắng. Và trong chiến công vĩ đại ấy, hàng nghìn chiến sĩ, bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ... đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Năm tháng trôi qua, nhưng công lao của các Anh hùng liệt sĩ Điện Biên thì mãi mãi được tạc ghi trong tâm khảm các thế hệ người Việt Nam. Đúng vào dip kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947  27/7/2007), một đóa hoa Uống nước nhớ nguồn tuyệt đẹp vừa bừng nở giữa đất trời Điện Biên, giữa “Thung lũng của những linh hồn bất tử” - Cuốn sách lớn Huyền thoại Điện Biên do Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường phát triển chủ trì thực hiện với sự chung tay góp sức của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, như một nén tâm nhang - một tượng đài bằng chữ dâng lên các Anh hùng, liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Lật giở từng trang sách với một bố cục nội dung đầy dấu ấn lịch sử hào hùng, cuốn sách đã tái hiện thật sinh động về một Chiến dịch Điện Biên Phủ ác liệt và hào hùng hơn nửa thế kỷ trước. Lịch sử có thể không lặp lại, nhưng lịch sử Điện Biên Phủ thì đã được khắc họa lại tương đối rõ nét trong Huyền thoại Điện Biên. Ở đó có dân tộc, có thời đại có hai chiến tuyến có cả tính khốc liệt của chiến tranh và cả chất nhân văn của những con người bảo vệ chân lý. Nhưng trên tất cả là ý chí ngoan cường, lòng dũng cảm vô song của những người chiến sĩ Điện Biên, bất chấp sự hy sinh, quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đánh bại kẻ thù xâm lược. Huyền thoại Điện Biên với sự thể hiện sâu sắc và có tính khái quát cao, thật sự “Là một công trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống rất sâu sắc. Tập sách là pho tư liệu lịch sử quý giá trong kho tàng lịch sử của dân tộc Việt Nam...” đúng như nhận xét của nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Lê Khả Phiêu về cuốn sách.

Sau đây Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin giới thiệu cùng bạn đọc Cuốn sách Huyền thoại Điện Biên (Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Bộ Sách điện tử Huyền thoại Điện Biên - Trang http://uongnuocnhonguon.vn).

Điện Biên trên bản đồ Tổ quốc

Điện Biên có một vị trí chiến lược và là một vùng kinh tế trù phú, một trung tâm chính trị, văn hóa của đồng bào miền núi ở miền biên cương Tây Bắc.

Điện Biên còn có tên gọi là Mường Theng1. Mường Theng2 hay Mường Thanh, bao gồm một vùng núi rừng bao la, trùng trùng điệp điệp với những thung lũng nhỏ hẹp màu mỡ vây quanh cánh đồng Mường Thanh, trấn ngự giữa những con đường từ Lào sang Lai Châu xuống Sơn La và từ tây nam Trung Quốc xuống miền Trung Lào, sang miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, trong lưu vực ba con sông Mã, Nậm Núa (chi nhánh của sông Nậm U), Nậm Mấc và dãy núi Pú Xam Xao. Đó cũng là miền “gà gáy ba nước đều nghe tiếng”3, là nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc, nhiều tiếng nói, nhiều phong, tục khác nhau, miền xưa kia trong lịch sử đã từng có thời kỳ “ai mạnh làm chúa, ai yếu làm tôi”, luôn luôn xảy ra loạn lạc, tranh chấp, gươm đao...

Điện Biên còn là miền vừa có núi non hùng vĩ, vừa có cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, cảnh yêu, người mến. Thực tế, những dãy núi ở đây cao thấp khác nhau, muôn màu muôn vẻ nằm trên độ cao so với mặt biển từ 500 - 1.000 mét. Dãy núi Pú Xam Xao chạy dọc theo biên giới Việt - Lào chắn ngang như một trường thành thiên nhiên với đỉnh núi cao nhất 1.897mét ôm chặt lấy cả miền Điện Biên. Phía Bắc dãy núi là lớp núi đá vôi, cây cối phủ kín um tùm với nhiều hang động đẹp đẽ tạo thành một khối lớp nọ nối lớp kia. Đó là dãy Tây Trang, cửa ngõ của đất Điện Biên qua nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Sang phía đông sừng sững một dãy núi cao từ 1.200 đến 1.700 mét, từ đó xòe ra như một chiếc quạt thành ba dãy bao vây lấy cánh đồng Điện Biên, chỗ cao, chỗ thấp, chỗ chĩa ra những khối đá hoa cương rắn chắc, bướng bỉnh, chỗ lại tạo thành những dãy đồi núi hiền lành chịu để cho cây cối phủ kín um tùm. Dãy thứ nhất tỏa ra như chạy theo hướng tây nam như muốn đuổi dòng sông Nậm Mấc, quanh năm nước chảy từ từ, ít thác, hiếm ghềnh. Dãy thứ hai chạy theo hướng Bắc Nam dọc theo phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Khi tới Mường Phăng, dãy núi sa thạch và vôi này lan rộng thành một cao nguyên hoa cương kèm bên cạnh dãy núi sa thạch nằm phía bên cánh đồng. Dãy thứ ba ngắn nhất chạy theo hướng đông nam chỉ vươn đến cánh đồng Tuần Giáo là dừng lại. Chen vào những dãy núi xanh thẳm là những cánh đồng xinh xắn nép kín trong những thung lũng nhỏ hẹp, có nơi chỉ rộng chừng vài trăm mét. Cánh đồng được tô điểm cho đẹp thêm bởi những dòng sông suối nhỏ chảy uốn quanh thế đất, khi cô độc chảy một mình, khi lại quyện với nhau một cách thân thương. Trông từ trên cao ở đằng xa, chúng giống như những tấm lụa màu sáng trải tự nhiên trên những thảm mạ xanh rờn. Chính những chi nhánh của những con sông Mã, Nậm Mấc và Nậm Núa này đã đem lại cho những cánh đồng Điện Biên kia những lớp đất màu mỡ, và nhờ đó mà mảnh đất gần biên cương này trở nên trù phú.

HTDB phan 1 anh 2
Cánh đồng lúa Mường Thanh

Nằm gọn giữa những dãy núi kể trên, bao bọc xung quanh hơn 20 ngọn núi to nhỏ cao thấp khác nhau, cánh đồng Mường Thanh phì nhiêu nhất của đất Tây Bắc chạy dài trên hai chục cây số với bề rộng năm cây số. “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Ở Tây Bắc có bốn vựa lúa, thì thứ nhất là Mường Thanh, gạo nước nuôi sống được vài chục vạn con người, thứ nhì là Mường Lò, tức cánh đồng Nghĩa Lộ, thuộc huyện Văn Chấn; thứ ba là Mường Than, tức cánh đồng Than Uyên ở phía bắc tỉnh Nghĩa Lộ cũ; thứ tư là Mường Tấc, tức cánh đồng Phù Yên phía nam tỉnh Sơn La, trên con đường từ Sơn La đi Yên Bái.

Cuối cánh đồng Mường Thanh, con sông Nậm Núa tỏa ra chi nhánh của nó là dòng sông Nậm Rốm khi hiền lành nước chảy lờ đờ, lúc hung dữ nước như con ngựa tuột cương lồng lộn gây ra lũ lụt. Dòng sông bất kham này đã là đầu đề cho nhiều câu chuyện khủng khiếp truyền miệng trong nhân dân, là hình ảnh của nạn hồng thủy xa xưa của loài người4. Từ con sông mẹ hung ác này tỏa ra nhiều dòng suối nhỏ tưới khắp cánh đồng Điện Biên. Những dòng suối con như muốn ban ơn cho con người, ngoan ngoãn chảy trong những lòng khe đưa nước vào ruộng hai bên bờ, đền bù cho sự tàn phá của sông mẹ những khi tức giận.

Khí hậu vùng Điện Biên chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 5 dương lịch. Đó là mùa bắt đầu từ những tháng lạnh nhất và kết thúc vào những ngày nóng nực nhất, vào tháng chín theo lịch Thái (tức là tháng tư, tháng năm dương lịch).

“Nắng hanh rọi vào cành đa,

Gió nhẹ lay cành sấu, cành cha.

Lưng kiến nắng vàng lóng lánh,

Ve kêu gây tiếng nhạc sầu.

Dóng nứa tre rừng nổ ran lốp đốp.

Rừng cây than khóc, buồn ơi buồn.

Cây mai, cây vầu, lá lìa cành,

Cây vả cây si trơ thân đứng...”5.

Về mùa khô, trong những thung lũng, sáng sớm sương mù bao phủ, người ta chỉ có thể trông thấy những ngọn núi trước mặt vào buổi trưa, khi mặt trời đã lên cao. Mùa này mưa ít, khí hậu khô hanh. Mùa mưa bắt đầu từ tháng sáu và kết thúc vào tháng chín, tháng mười dương lịch. Khí hậu ẩm thấp, có nhiều lúc mưa bất thán kéo đến như xối nước đổ xuống suốt mấy giờ liền, lại nhiều khi mưa dầm rả rích lê thê kéo dài hàng tuần. Lũ lụt gây nên tai họa vào tháng một lịch Thái (tức tháng bảy, tháng tám dương lịch):

“Tháng một nước lũ về,

Ngày mười hai nước dâng,

Ngày rằm nước đục ngầu,

Nước ngập đỏ ngọn cây ngọn cỏ,

Hai con cào cào ôm cổ nhau than khóc,

Nước ngập rừng “chay”, rừng “chọt”,

Ngập rừng “bông” rừng tre bên suối,

Nước cuộn trôi xuôi xa xa tít”.

Trong mùa mưa, có khi hàng tuần, trời bị bao phủ bởi một màu chì ảm đạm. Nhưng ở miền Điện Biên ít thấy có những cơn dông to, bão lớn. Gió thổi đều theo hướng Tây Nam, chỉ đôi khi gió chuyển hướng đột ngột từ đông bắc lại vào mùa khô lạnh.

Vùng Điện Biên đã lắm đất, của lại nhiều. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục đã nhận xét rất tinh tường: “Châu này, thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng mầu mỡ bốn bên đến chân núi, đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác, mà số hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống. Có một quả núi, nước suối rất mặn, thú rừng thời thường đến uống, người địa phương dùng nỏ bắn được rất nhiều, tục gọi là “mỏ thịt”6.

Điện Biên xưa lại là nơi qua lại của nhân dân miền tây bắc Đông Dương, miền tây nam Trung Quốc và việt Nam.

Thật vậy, xưa kia đó là nơi nằm giữa con đường giao lưu văn hóa. Nếu ta chấp nhận giả thuyết được nhiều nhà thực vật học và dân tộc học đồng tình là cây lúa được thuần dưỡng bởi những cư dân cổ đại cư trú ở miền đông núi Hymalaya, thời qua Điện Biên và một số nơi khác, việc trồng trọt lúa đã được đưa vào miền ven biển Đông Nam Á và Nam Đông Á; với điều kiện sinh thái vô cùng thuận lợi, thứ cây lương thực quý giá đó đã dần thay thế các cây lương thực có từ trước ở vùng này như các loại thân củ, rễ củ, cây bột báng, cây kê. Sự có mặt của văn hóa lúa ở xứ sở của văn hóa Đông Sơn đã góp phần làm cho khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những trung tâm văn minh cổ của thế giới, đã làm cho văn hóa lục địa Đông Dương và Đông Nam Á nói chung đến thời kỳ kim khí trở thành thống nhất, với một thời kỳ hoàng kim rực rỡ, mà cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa đánh giá thật đầy đủ.

Điện Biên cũng lại chứng kiến những luồng giao lưu giữa văn hóa của các cư dân trồng trọt bản địa với văn hóa của các cư dân du mục xa xôi miền Trung Á, làm cho các dân tộc ở hai vùng này có những mối quan hệ gắn bó, làm cho tác dụng của việc trao đổi đó thêm mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy văn hóa các cư dân trong vùng.

Chính vì vậy mà ngày nay trong các di chỉ khảo cổ học, cũng như trong các tàn tích văn hóa phản ánh qua tư liệu dân tộc học, còn thấy rõ những yếu tố văn hóa Trung Á trong văn hóa Đông Nam Á và ngược lại1. Điện Biên trong lịch sử lại là đường vận tải văn hóa từ Ấn Độ qua Việt Nam với những ảnh hưởng của đạo Bà la môn và Phật giáo.

Ngược lại, cũng qua đây các cư dân bản địa ở Đông Dương đã chuyển sang Ấn Độ và tây nam Trung Quốc những thành tựu văn hóa truyền thống của mình.

Cho đến những năm cuối thế kỷ thứ XIX, và đầu thế kỷ thứ XX, thậm chí  đến tận những năm 40 của thế kỷ này, căn cứ vào những hiện tượng còn in khá đậm nét trong trí nhớ của những người già, căn cứ vào những sách vở lưu truyền lại, như nhật ký của Máccô Pôlô2. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, và các sách của Trung Quốc và đặc biệt của người Thái và Lào viết trên lá cọ hay giấy bản, và gần đây vào những sách của các tác giả thời thực dân Pháp hồi buổi đầu mới sang xâm chiếm nước ta, ngày nay ta vẫn có thể mường tượng được khá cụ thể những con đường xưa tỏa từ Điện Biên đi các địa phương trong lục địa Đông Nam Á.

Các con đường mòn từ Điện Biên tỏa đi khắp những trung tâm chính trị kinh tế văn hóa miền giáp ba nước Việt - Trung - Lào. Dọc theo Mường Pồn, Mường Muôn, có thể qua Mường Tòng tới Mường Lay (Lai Châu) đi Phong Thổ và Lào Cai. Ngược lại, vượt qua Tây Trang là sang đến đất Lào, xuôi xuống miền Sầm Nưa tới Luông Phabăng, ngược lên Phongsaly tới Chiềng Hùng, thủ phủ của khu tự trị Xíp Xoong Păn Na giàu đẹp và cổ kính, hay rẽ sang miền đất của bang San ở thượng lưu hai sông Xaluen và Irauadi của Miến Điện. Cũng từ Điện Biên, nếu đi xa về phía đông nam là vượt qua Mường Phăng tới Mường Âng về Tuần Giáo, từ đó vượt đèo Pha Đin tới Thuận Châu và Mường La, trung tâm của người Thái Đen. Nếu đi về phía tây nam qua miền Tam Luân xuôi Xốp Cộp có thể rẽ sang vùng Trung Lào hay về miền thượng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh.

Vào mùa khô, với những chiếc thuyền đuôi én trọng tải từ nửa tấn đến một tấn, ta có thể xuôi ngược khắp các dòng sông quen thuộc vùng Tây Bắc. Nếu muốn sang Lào, từ dòng sông Nậm Rốm của đất Điện Biên thuyền rẽ qua sông Nậm Núa cập vào Pắc U để vào sông Nậm U ở Thượng Lào, từ đó thuyền dẫn đến con sông lớn Nậm Khoong (Mêkông). Ngày xưa, từ Điện Biên xuôi về Luông Phabăng, thuyền chỉ đi mất có 15 ngày. Nếu muốn về xuôi, ta chỉ việc đi bộ lên Mường Pồn, nơi quê hương của những vườn cam chín đỏ, cách huyện lỵ Điện Biên có 20 cây số, từ đó thuyền dẫn ta theo sông Nậm Mấc rẽ vào sông Đà, xuôi xuống Tạ Bú qua Tạ Khoa, Tạ Chan (cả ba đều thuộc Sơn La) tới Chợ Bờ, rồi từ Chợ Bờ thuyền xuôi về Thủ đô một cách dễ dàng. Thuyền lên Lai Châu cũng theo đường trên, chỉ khác khi vào sông Đà thì người lái phải kéo thuyền ngược dòng tới Mường Lay để từ đó lại có thể ngược Phong Thổ tới tận Mường Là bên Trung Quốc. Nếu muốn vào Thanh Hóa, người dân Điện Biên sẽ cho thuyền ngược dòng sông Nậm Rốm, từ đó qua Bản Lang ở phía đông Nà Tấu hạ thuyền xuống sông Nậm Cô đi vào sông Nậm Núa. Rồi những người chèo thuyền nổi tiếng của vùng Lai Châu sẽ dẫn họ vào sông Nậm Mạ (sông Mã), qua thác xuống ghềnh, tới miền Xốp Cộp trù phú, xuôi qua đất Lào anh em và tới xứ sở của người Thái, người Mường Thanh Hóa.

Tất nhiên, đi đường thủy thì vất vả khó khăn, nhưng lại lắm điều lý thú. Vì thế, ta không ngạc nhiên thấy xưa kia ở đất Điện Biên nhiều bến, lắm thuyền. Nhân dân ở đây đã quen với đường sông nước, chở hàng từ nơi này qua nơi khác để trao đổi lấy hàng hóa của tứ phương mà họ cần đến. Và ta cũng không lấy gì làm lạ khi biết rằng từ bốn, năm thế kỷ nay, mảnh đất này đã chứng kiến những đoàn ngựa hay bò tải hàng, dài lê thê tới ba, bốn trăm con từ Miến Điện qua, từ miền Xíp Xoong Păn Na xa xôi tới, hay từ miền Mường Là Trung Quốc sang. Những đoàn vật chở hàng này đi qua Điện Biên, dừng lại đó vài ngày rồi lại vượt rừng núi tới Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, v.v...

HTDB phan 1 anh 3
Quốc lộ 6 đường đến Điện Biên Phủ

Những con đường đầy vất vả, gian nan nhưng đôi chút thơ mộng xưa kia đó ngày nay đã bị các con đường cái lớn rải nhựa hay đổ đá thay thế. May ra chỉ còn lại những con đường mòn tắt của người dân bình thường đi thăm bà con, hay là của các đồng chí Công an võ trang ngày đêm căng mắt căng tai đi tuần tra bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân trong vùng.

Ngày nay, đường từ Điện Biên tỏa đi đã nhiều, không chỉ có đường bộ, đường thủy mà còn có đường hàng không. Từ Điện Biên về Hà Nội, con người quê hương của chiến thắng lịch sử 1954 có thể tỏa đi khắp mọi nơi không chỉ trong phạm vi Tổ quốc Việt Nam mà cả ra khắp năm châu bốn bể. Ngược lại, khách du lịch đủ các màu da, tiếng nói khác nhau cũng dễ dàng tới tham quan Điện Biên, nơi chôn vùi thảm hại số phận của chế độ thực dân cũ nói chung và của thực dân Pháp nói riêng.

Cho nên, khác với những thị trấn hay những điểm cư dân khác trong vùng, dưới mắt của người nghiên cứu lịch sử văn hóa, đất Điện Biên có nhiều điểm độc đáo. Di lích lịch sử rải rác trên mảnh đất này, phần còn nguyên vẹn ít nhiều, phần chỉ còn vỡ vụn trên nền đổ nát, phần lại chỉ vang vọng trong trí nhớ của con người giàu trí tưởng tượng, nguyên nhân của những cuộc chiến tranh, loạn lạc, chứng tỏ sự hiện diện của những cảnh đổi thay khác nhau trong lịch sử. Chế độ phia tạo, một chế độ phong kiến thế tập bảo thủ của xã hội Thái, bị đụng chạm ngay từ cách đây 200 năm. Không còn một dòng họ cha truyền con nối làm chúa. Chức chúa được đem ra mua bán và được giao cho bất cứ ai dù người địa phương hay người nơi khác tới tùy theo ý của triều đình.

Con người ở đây, quen với những chuyến buôn bán đi xa và ngược lại cũng thường gặp những đoàn buôn đủ loại từ nhiều nơi đến đi bằng những  phương tiện khác nhau: Thuyền bè, ngựa thồ, xe bò bánh to, của người Kinh, người Lào, người Thái, người Miến, người Trung Hoa, người Hmông... Vì vậy, khi xưa ở nơi “gà ba nước gáy đều nghe tiếng” này, ngoài thứ tiền của Pháp, người ta tiêu cả tiền Tàu, tiền Lảo, tiền Miến, tiền Thái, thậm chí cả tiền ấn nữa, nhưng thông dụng nhất vẫn là bạc nén và bạc trắng. Và cũng đừng quên, ở đây còn thông dụng những chuỗi tiền kẽm và tiền bằng vỏ ốc Cauris Moneta, một loại tiền phổ biến ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ thời kỳ đồ đá. Việc tự nguyện chi tiêu thứ tiền do Chính phủ ban hành từ sau 1945 là một thắng lợi nếu không gọi là kỳ diệu của Cách  mạng, một biểu lộ cụ thể niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vùng biên giới này đối với Đảng và Chính phủ.

Do tính quan trọng của vị trí Điện Biên, do sự giàu có của đất Mường Thanh cổ kính, nơi đây trong quá trình lịch sử đã thu hút nhiều dân tộc từ bốn phương trời. Chiến tranh, loạn lạc xảy ra liên tục, đó là một điều tất yếu trong hoàn cảnh một xã hội còn giai cấp còn áp bức, bóc lột ở một nơi hẻo lánh, nhưng trù phú ở miền địa đầu Tổ quốc. Thế nhưng, dẫu sao đất còn lành thì chim vẫn muốn đậu. Các dân tộc tới tụ cư ngày thêm đông, sống chung với nhau cùng sản xuất, cùng chiến đấu bảo vệ đất Mường Thanh. Và: Chính qua quá trình đó, tình cố kết giữa các dân tộc được thắt chặt; Điện Biên tiến dần trong quá trình cố kết dân tộc quốc gia, trở thành một bộ phận hữu cơ của Tổ quốc Việt Nam. Từ đó, vận mệnh của Điện Biên, của con người Điện Biên gắn với vận mệnh của Tổ quốc Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay, đất Mường Thanh được coi là quê hương của gần một chục dân tộc anh em. Họ đến Điện Biên vào những thời kỳ lịch sử khác nhau, trong nhiều trường hợp không giống nhau. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã thúc đẩy họ đoàn kết với nhau và làm cho họ gắn bó tha thiết với mảnh đất anh hùng và giàu đẹp.

Gần chục dân tộc anh em, đó là người Kinh, người Thái, người Hmông, người KhơMú, người Coống, người Tày, người Lào, người Kháng, người Xinh Mun đã chung sống trên vùng đất này. Người Kinh sinh sống tập trung ở các thị trấn, ở dọc đường quốc lộ, làm việc ở các nông trường các xí nghiệp, các xưởng thủ công hoặc trong các đơn vị khai hoang phục vụ trong Quân đội nhân dân hay Công an võ trang. Con cháu của những người đầu tiên theo Hoàng Công Chất lên giải phóng đất Mường Thanh nay không còn thấy ai. Để tránh sự khủng bố của họ Trịnh, họ phân tán vào sinh sống với đồng bào Thái và đến nay đã Thái hoá. Nếu lưu ý, ta cũng còn thấy bóng dáng của họ qua một vài nét bắt gặp ở một số làng bản vùng xung quanh lòng chảo, ở đây người dân bình thường địa phương nếu được thẩm vấn vẫn trân trọng tự nhận là con cháu của “Keo Chất” (tức người Kinh tên là Chất) theo cách đồng bào Thái gọi họ Hoàng.

HTDB phan 1 anh 4
Cầu Mường Thanh thực dân Pháp xây dựng từ khi chiếm lại Điện Biên Phủ.

Khi triều đình thấy rõ tầm quan trọng của địa điểm Mường Thanh, một số người Kinh được tập trung lên vùng địa đầu Tổ quốc phía tây này. Lại thêm một số gia đình người Kinh do nghèo khổ phải lên lập nghiệp ở đây. Song, cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, số người Kinh chưa có là bao nhiêu. Pavi một người Pháp đã đặt chân lên đất Mường Thanh vào cuối thế kỷ thứ XIX có nói ở thị trấn thấy khoảng năm bảy nhà người Kinh. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp và Nhật, nhất là sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, người Kinh lên xây dựng quê hương mới ở Điện Biên ngày càng đông. Ban đầu, họ là những người đã cùng đồng đội mang thân cản giặc bảo vệ đất Điện Biên, đã góp phần tạo nên niềm vinh quang  đời đời cho mảnh đất Mường Thanh. Chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, theo lời kêu gọi của Đảng, nặng nghĩa, nặng tình với những người anh em các dân tộc đã từng đùm bọc nuôi dưỡng trong chiến đấu, họ từng cởi bỏ áo lính nhưng lại vận động giác ngộ gia đình bà con họ hàng tình nguyện ở lại tiếp tục đổ mồ hôi trên những luống cày, những nhà máy để góp phần xây dựng lại Điện Biên. Họ còn là những nông dân mới chỉ biết núi rừng qua sách báo, bản thân nhiều người chưa đi qua quá tam giác chân sông Hồng, tình nguyện rời bỏ quê hương, lên xây dựng các khu kinh tế mới để làm giàu cho Điện Biên, cho Tổ quốc, kiên nhẫn và chịu đựng gánh vác những khó khăn vất vả ban đầu trong việc khai hoang phục hóa với lòng mong muốn làm sao Điện Biên thêm mảnh ruộng lúa xanh, thêm rừng cây công nghiệp, thêm đàn trâu mộng, đàn bò sữa. Họ cũng là những giáo viên nhân dân, những cán bộ văn hóa, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ Đảng v.v... lăn lộn với đồng bào, năm này qua năm khác, đem tiếng nói của Đảng, của khoa học lên khai sáng cho người dân mà thời trước cuộc sống thường bị mây mù núi rừng che phủ, bị giai cấp bóc lột dìm sâu trong ngu dốt và nghèo khổ.

Trên quê hương mới, họ được lớn lên trong sự đùm bọc đầy tình thương của đồng bào địa phương, trong mối tình trong sáng của sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em, trong thiên nhiên khá ưu đãi của đất Điện Biên lịch sử. Họ là những người con chim từ bốn phương bay tới làm tổ ấm bên cạnh hàng chục dân tộc anh em.

Sinh hoạt ở một địa phương mới, trong những cơ sở sản xuất xã hội chủ nghĩa và được chủ nghĩa xã hội tạo nên, tiếp thu trực tiếp những kinh nghiệm tốt đẹp của các dân tộc anh em trong lĩnh vực sản xuất và đời sống, họ đang tạo cho bản thân một cung cách sinh hoạt, mặc dầu vẫn chung nhất nhưng đã có những đặc tính Điện Biên, khác với những người anh em còn ở lại quê hương. Đó là do họ ít chịu sự ràng buộc bởi những tập tục của một môi trường quen thuộc, với ao thu thơi thả nhưng tù túng của những làng xã cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ. Đó là do họ hấp thụ mau hơn những cung cách của chế độ xã hội chủ nghĩa đương hình thành một cách trọng sáng ở miền núi, nơi ít bị tha hóa bởi một xã hội có giai cấp đã phát triển dưới xuôi, bởi ảnh hưởng của văn hóa thực dân dễ bề tiếp cận. Về một phương tiện nào đó, với trình độ văn hóa cao hơn, với năng lực tri thức và khoa học kỹ thuật được trang bị tốt hơn, những người cán bộ Kinh này đã góp phần thúc đẩy Điện Biên tiến mau trên con đường thực hiện ba cuộc cách mạng mà cách mạng kỹ thuật là then chốt...

Hiện nay dân số người Kinh đứng hàng thứ hai trong huyện, chỉ sau người Thái.

Người Thái có mặt ở Điện Biên muộn nhất là cùng thời với người tù trưởng Lạng Chượng tiến quân vào đất Mường Thanh đặt dinh ở quả đồi A1 ngày nay. Từ đó đến nay đã được trên dưới 800 năm. Người Lự, một dân tộc bà con với người Thái nay vắng bóng ở Điện Biên đã để lại trên dải đất này không ít di tích lịch sử. Họ đã có mặt tại đây vào những thế kỷ đầu Công nguyên và có thể nói được rằng từ thế kỷ thứ XVIII trở về trước, đất Điện Biên phần quan trọng gắn liền với lịch sử dân tộc Lự. Cũng như người Lự, do chiến tranh loạn lạc, con cháu số người Thái cư trú ban đầu cho đến nay còn lại trên đất này không còn bao nhiêu, và thực ra cũng khó lòng xác định cho chính xác. Chỉ biết rằng hiện nay hiếm thấy gia đình Thái nào nhận là con cháu họ. Dòng họ chúa đất ở Mường Thanh đã không còn giữ quyền thế tập gần 200 năm nay, nên không để lại một phả hệ như các dòng họ chúa nơi khác. Chế độ mua bán chức tước đã phổ biến từ trước khi thực dân Pháp sang xâm chiếm nước ta, cộng với tình trạng không ổn định của các bản làng, chứng tỏ sự xáo động dân cư khá lớn và liên tục trong nội bộ dân tộc Thái. Hiện nay, người Thái ở Điện Biên thuộc ngành Thái Đen phần lớn ở Mường Quài (Tuần Giáo, Lai Châu), Mường Muổi (Thuận Châu), một phần ở Mường La, Mường Mụa (Mai Sơn) thuộc tỉnh Sơn La, thiên di lên qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Thời kỳ gần đây nhất và ồ ạt nhất xảy ra cuộc di dân lớn của người Thái tới Mường Thanh là thời kỳ Cầm Ten hay Bạc Cầm Tiến liên kết với người tù trưởng Khơ Mú đánh giặc Cờ Vàng.

Người Thái từ trước đến nay là cư dân chiếm dân số đông nhất ở Điện Biên. Họ là những người làm ruộng có kinh nghiệm sử dụng sức nước vào việc canh tác cũng như trong việc phục vụ đời sống. Nhìn hệ thống mương phai ngang dọc trên cánh đồng Mường Thanh, ngắm hàng ngàn các cối giã gạo cánh quạt tự động trên các dòng sông, khách qua đường hết sức thán phục trí thông minh tài giỏi của người đàn ông Thái cũng như không kém thán phục sự khéo tay của người phụ nữ Thái qua các mẩu vải ngũ sắc rực rỡ do bàn tay lao động cần cù và tinh tế của họ dệt ra. Thóc lúa họ làm ra trước đây không những nuôi sống bản thân họ, mà còn là hàng hóa trao đổi làm thỏa mãn sức mua của các cư dân quanh vùng. Người Thái Điện Biên còn giỏi nghề chài lưới, việc đi thuyền xuôi ngược, tài chăn nuôi trâu bò, gà lợn, biết rèn sắt, làm đồ gốm. Cho nên đời sống vật chất của họ có khá hơn những vùng xung quanh, đảm bảo cho họ một đời sống tinh thần phong phú biểu hiện ở những điệu múa, câu ca, những tác phẩm văn học.

Nhờ có một cơ sở xã hội ổn định, một nền văn hóa khá cao, một đời sống kinh tế trù phú, dân tộc Thái là nhân tố thu hút các dân tộc quanh vùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương của mình. Nhưng lịch sử cũng dạy các dân tộc  vùng biên cương này rằng, chỉ một khi Tổ quốc có hùng mạnh thì quê hương mới được bảo vệ. Hoàng Công Chất đã cùng các tù trưởng Thái cứu các dân tộc Điện Biên khỏi ách đô hộ của giặc phỉ. Triều đình đã ra sức ngăn cản những mưu đồ xâm lược của giặc Xiêm vào thế kỷ XIX. Và rõ rệt nhất, Đảng cộng sản Việt Nam, với chủ nghĩa Mác - Lênin bách chiến bách thắng, mới có thể giải phóng dân tộc Thái khỏi ách áp bức của thực dân Pháp và chế độ phía tạo, một chế độ phong kiến áp đặt trong xã hội Thái hàng ngàn năm mới bị đánh độ tận gốc. Đối với một xã hội mà trong quan hệ chỉ một bên là nông dân một bên là địa chủ thì không thể tự mình có lực lượng để tự giải phóng. Và chính Đảng Cộng sản ngày nay đã tạo nên trong dân tộc Thái nói chung và ở Điện Biên nói riêng, một đội ngũ công nhân và trí thức xã hội chủ nghĩa, đã xây dựng từng bước một đời sống tươi đẹp trong đó nhân dân làm chủ.

Vì vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân dân tộc Thái đã góp hết sức mình vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo đảm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi, cũng như đã đóng góp phần xứng đáng vào công cuộc chống Mỹ cứu nước vừa qua. Họ cũng là những người chủ chốt xây dựng quê hương Điện Biên xã hội chủ nghĩa và người bảo vệ Mường Thanh chống lại âm mưu xâm lược của bất kỳ thế lực đế quốc và phản động nào.

Người Hmông cư trú ở những đỉnh núi cao ven quanh lòng chảo Điện Biên. Do không chịu khuất phục dưới chế độ áp bức và chính sách đồng hóa của triều đình phong kiến Trung Quốc, người Hmông sang Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX. Họ đã tìm thấy ở Việt Nam nơi đất lành  chim đậu, nơi tụ nghĩa của những người bị áp bức, nơi dễ dàng tổ chức một cuộc sống ấm no. Họ tới những triền núi Mường Thanh cách đây khoảng hơn trăm năm. Tới Việt Nam, họ đã cùng các dân tộc anh em liên tục đấu tranh chống áp bức phong kiến.

Điện Biên vinh dự được là quê hương của anh hùng Giàng Tả Chay, người đã lãnh đạo các dân tộc khắp miền tây bắc Tổ quốc, và sau đó các dân tộc hai nước Việt Lào nổi dậy chống thực dân Pháp những năm 1918 - 1922. Người Hmông tiếp tục truyền thống kiên cường bất khuất của mình trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đặc biệt trong việc xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp như vùng Pù Nhung, Mường Tình và việc chống biệt kích, gián điệp, bảo vệ an ninh cho Tổ quốc. Hiện nay, họ cũng là những chiến sĩ kiên cường trong việc phá tàn âm mưu của bọn phản động quốc tế định gây rối loạn.

Nhìn vóc dáng những thanh niên Hmông, ta có thể tự hào đó là những chim ưng trên đỉnh núi. Với sự cần cù lao động một cách đáng kính phục, họ đã  biến những tràng cỏ gianh thành đồng ruộng, sáng tạo nên một văn hóa in đậm dấu ấn của dân tộc mình. Họ là một trong những cư dân đưa cày lên trên rẻo cao, gắng thâm canh các thửa ruộng bậc thang bằng cách xen canh gối vụ và bón phân. Họ cũng là những thợ rèn nổi tiếng, rèn được các nòng súng hỏa mai, những lưỡi mác, lưỡi dao làm vừa lòng những người khó tính nhất. Nhưng thời trước, do quyền lợi  ch kỷ của bọn tù trưởng, với việc canh tác thuốc phiện vô tổ chức, họ đã phá hoại một cách khủng khiếp núi rừng, và chính điều đó đã đẩy dân tộc họ vào cảnh du cư triền miên. Chỉ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, người Hmông được tổ chức lại sản xuất, có điều kiện phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình trong sản xuất như thâm canh, chăn nuôi, rèn sắt, trồng lanh v.v.. hay tiếp thu được khoa học kỹ thuật mới, đã bước đầu thực hiện ước mơ tiến tới một cuộc sống định cư. Và một điều cũng chưa từng có trong lịch sử người Hmông là nhân dân lao động Hmông đã làm chủ vận mệnh của mình. Chế độ phong kiến nghiệt ngã nhất ở miền núi với những hình thức tàn nhẫn, đầy bất công với người phụ nữ, với những hình phạt hà khắc quàng vào cổ những hình thức tàn nhẫn, đấy bất công với người lao động… đã bị xóa bỏ. Không còn tiếng khóc khi đưa dâu về nhà chồng; không còn cảnh ăn lá ngón tự tử. Chỉ còn điều kiện cho tiếng hát, tiếng khèn phát triển, cho thanh niên nam nữ Hmông bước vào trường học, vào nhà máy, vào nông trường để tự tạo cho mình một cuộc sống tươi đẹp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Người Khơ Mú, một dân tộc lâu năm cư trú trên đất nước Lào vào Tây Bắc bằng một mối tình chiến đấu anh em giữa nhân dân hai nước. Người tù trưởng huyền thoại hóa của họ là Chương Han, chàng Chương dũng cảm, đã liên minh cùng người tù trưởng Cầm Ten người Thái đánh đuổi giặc Cờ Vàng. Cuộc chiến đấu không cân sức tuy đem lại sự thất bại cho liên quân nhưng đánh dấu sự có mặt của cộng đồng thuộc ngôn ngữ Môn -Khơme (ngành Paluang - Va) này ở Việt  Nam. Là một dân tộc trình độ phát triển xã hội thấp kém, chuyên sống du canh du cư, bị ràng buộc bởi nhiều tập tục lạc hậu, lại bị chế độ phong kiến đè nén, người Khơ Mú là một trong những dân tộc nghèo khổ nhất ở miền núi Việt Nam. Ở Điện Biên, do thế lực có mạnh hơn, họ vẫn duy trì được một chế độ tự quản dưới sự lãnh đạo của người tù trưởng đồng tộc trong khuôn khổ chế độ “phìa tạo”. Đây cũng là nơi duy nhất trước kia thấy họ có điều kiện canh tác ruộng nước, đời sống đỡ cơ cực và ít bị phong kiến phân biệt đối xử với các dân tộc khác cùng chung sống.

Nghèo khổ dẫn họ sớm đến với cách mạng. Những người cán bộ Tây tiến tìm đến họ và được họ đón tiếp chân thành và họ sớm trở thành những người đồng chí, đồng lòng. Mảnh đất họ sinh trưởng là những căn cứ du kích thời kháng Pháp, cũng là nơi chống trả ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoạ chống đế quốc Mỹ. Đó cũng là nơi không dung tha những bọn gián điệp, biệt kích qua biến giới vào.  Người anh hùng Công an võ trang Quàng Văn Liên mà theo dòng họ dân tộc là Rvai, tức là hổ, đã làm vẻ vang cho dân tộc Khơ Mú và cho đất nước bằng thành tích chiến đấu của mình.

Cách mạng đã đem lại cho họ một cuộc đời mới. Những bản Khơ Mú đã định cư vào hợp tác. Nhiều bản thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương như Tát Mạ, Phú Tứu... Nhưng khó khăn trở ngại còn hiều trên bước đường trưởng thành đối với dân tộc này, nhất là trong việc đào tạo cán bộ và nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật.

Người Xính Mun, người Kháng thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme cũng như người Công (nhóm Mầng Nhé) cũng tham gia vào thành phần cư dân huyện Điện Biên. Nếu tổ tiên người Xinh Mun, người Kháng rất có thể là những người có mặt đầu tiên trên dải đất này thì người Công tuy đã có mặt ở tây Đông Dương và Tây Nam Trung Quốc vào những thế kỷ đầu Công nguyên, mới từ miền đông dãy Hymalaya tới đất Điện Biên này chưa bao lâu. Cả ba dân tộc này hiện nay ở Điện Biên không đông lắm. Người Công chỉ cư trú vỏn vẹn trong bản Pasa Xá thuộc xá Pá Thơm ngay trong cánh đồng lòng chảo Điện Biên, bên cạnh người Lào ở bản Pasa Lào. Người Kháng mới chỉ thấy cũng ở một bản ở vùng giáp huyện Mường Lay gần người đồng tộc của họ ở bản Quảng Lâm xã Mường Tòng thuộc huyện Mường Tè. Chỉ còn người Xinh Mun tập trung tương đối đông hơn ở một số bản ở cuối huyện, giáp huyện Sông Mã khi xưa là tổng Mường và thuộc huyện Điện Biên. Họ là những nhóm cư trú ở phía bắc của cả một dải cư dân đồng tộc sinh sống theo một vệt từ huyện Yên Châu lên tới cửa con sông vùng Xốp Cộp. Cũng như người Khơ Mú, những dân tộc này bị phong kiến áp đặt chế độ phân biệt đối xử tàn nhẫn, và cả dân tộc họ là đẳng cấp nông nô của xã hội “phia tạo”. Họ sinh sống trên lưng chừng núi, nay đây mai đó bên cạnh những mảnh rẫy, nay đã được tụ cư thành làng, thành hợp tác xã. Họ còn nghèo nhưng rất giàu tình người, chân thật, cởi mở, mến khách, dũng cảm. Họ là những người được Cách mạng, Đảng và Chính phủ đem lại ánh sáng tự do, quyền được làm người thực sự, được bình đẳng với các dân tộc khác, đồng thời cũng là những người đầy tình nghĩa với cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bản làng họ luôn tiếp đón người của Đảng đến cư trú, và họ đã nuôi dưỡng cưu mang trong những năm bí mật. Sau khi được giải phóng, họ là người bạn trung thành của các đội viên Công an vũ trang. Không một tên phản cách mạng nào  mong được họ tha thứ, vì cuộc sống đã dạy họ rằng số phận bản thân họ gắn liền với số phận của Tổ quốc, của cách mạng.

HTDB phan 1 anh 5
Dấu tích khói thuốc nổ 990kg của Quân đội Việt Nam
đánh vào đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Người Lào lập nghiệp ở Điện Biên đã lâu. Những chiếc tháp, những tượng Phật khắc trong hang đá là những di tích của họ để lại. Người Lào ở đây thuộc nhóm Lào Bốc (Lào ở cạn) hay Lào Nọi (Lào nhỏ), phong tục gần với người Thái. Điều có thể phân biệt được là chiếc nhà lòng rộng, vài nghi thức liên quan đến một thứ đạo Phật dân gian, món mắm cá “pà đẹc” ngon nổi tiếng của họ.

Người Tày, ngược lại, tới Điện Biên muộn hơn nhiều, chỉ vào những năm 30 của thế kỷ này. Họ là những nông nô của một tên tri châu Tày được bổ nhiệm lên Điện Biên và mang từ Cao Bằng sang theo, nay định cư tại đó.

Dù tới đã lâu hay mới đến, người Lào cũng như người Tày đã coi Điện Biên là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ sống tập trung đông đúc từ 50 đến 100 nóc nhà bên cạnh những cánh đồng phì nhiêu, men theo các sườn đồi, hoặc dọc theo các con sông nhỏ, các khe suối râm mát nước chảy lững lờ. Họ là những nông dân cần cù, ngày đêm lao động trên những mảnh ruộng bên những con nước quen thuộc hay cạnh chiếc phai cổ truyền. Họ là những người thợ dệt khéo léo với những thổ cẩm đặc sắc, những người lái thuyền can đảm, những người quăng chài lành nghề. Cũng như người Thái, họ là chủ nhân của những điệu múa uyển chuyển, những câu dân ca trữ tình tràn ngập sức sống. Họ ưa cuộc sống hòa bình, nhưng cũng là những người kiên cường bất khuất trước bất kỳ kẻ thù nào động chạm đến Tổ quốc; đến mảnh đất quê hương thân yêu của họ.

Theo các tác giả Đặng Nghiêm Vạn - Đinh Xuân Lâm  (Từ cuốn Điện Biên trong lịch sử, NXB Khoa học xã hội 1979)

1. Mường Then là mường trời. Theo truyền thuyết, đó là nơi cư trú của các thần thánh (cácthen) và tổ tiên các dân tộc ở Tây Bắc.

2. Mường Theng: Âm gọi chệch đi của Mường Then. Cũng có người giải thích âm gọi chệch của Mường Kheng tức là mường của những người bất khuất không chịu thần phục ai, ý chỉ thời kỳ Hoàng Công Chất lên cố thủ ở đó đã giúp nhân dân Mường Thanh sống tự lập không chịu cúi đầu trước chúa phong kiến Lào, không quy lụy trước quan lại Vân - Nam và cũng không thần phục triều đình dưới xuôi

3. Ba nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa nhân dân Lào và cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

4. Nậm Rốm là con sông hung dữ. Đồng bào Thái thường kể đó là do trời tạo nên sau khi định trừng phạt loài người bởi nạn hồng thuỷ.

5. Trích ca dao bốn mùa của đồng bào Thái

6. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm). Nhà xuất bản sử học, Hà Nội, 1962, tr 359-360.

Kim Yến (st)        

Còn nữa


 HTDB p2 anh 1

Tinh thần Điện Biên Phủ Sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)

Trong buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, trên Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, công cuộc đổi mới xây dựng phát triển đất nước đang từng ngày khởi sắc, nhân dân ta kỷ niệm trọng thể 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Chúng ta còn nhớ: Thu Đông 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt  Nam chống thực dân xâm lược Pháp bước sang năm thứ tám. Sau 5 năm tự lực chiến đấu trong vòng vây, từ năm 1950 trở đi, chủ lực ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở biên giới Việt - Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào.

Chiến tranh du kích phát triển mạnh, làm “ruỗng nát” vùng tạm chiếm của đối phương. Trước tình hình nguy khốn ở Đông Dương, chính phủ Pháp cử tướng bốn sao Hăngri Nava sang làm tổng chỉ huy thứ bảy của đội quân viễn chinh xâm lược. Ta được biết nội dung kế hoạch Nava do bạn Trung Quốc cung cấp. Theo kế hoạch này, Nava đề ra mục tiêu trong vòng 18 tháng, tập trung lực lượng cơ động chiến lược để tiến công tiêu diệt phần lớn chủ lực ta, buộc Chính phủ ta phải chấp nhận đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra, nhằm tìm “lối thoát danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược.

Trong Đông Xuân 1953 - 1954, Nava tập trung các binh đoàn cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ nhằm đối phó với cuộc tiến công có thể xảy ra của chủ lực ta, càn quét bình định vùng sau lưng chúng; cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn, đánh ra Ninh Bình, uy hiếp các căn cứ kháng chiến của ta ở Việt Bắc và Thanh Nghệ Tĩnh.

Để phá tan kế hoạch Nava, buộc chúng phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, Bộ thống soái tối cao của ta chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực, phối hợp với các lực lượng địa phương, chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Đó là những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, ta có thể tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới. Tình hình có thể phức tạp, ta cần theo dõi diễn biến, khi thời cơ xuất hiện thì nhanh chóng tập trung lực lượng, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta.

Tháng 11 năm 1953, khi phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để yểm trợ cho các đơn vị ở Lai Châu rút chạy, đồng thời bảo vệ Thượng Lào. Sau khi biết chắc phần lớn chủ lực ta đã tiến lên Tây Bắc, Nava chủ trương tăng cường lực lượng, gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta.

HTDB p2 anh 2
Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn chủ trương và kế hoạch
 tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, tháng 9/1953

Đầu tháng 12 năm 1953, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt phần lớn quân địch ở Lai Châu rút chạy, bao vây Điện Biên Phủ. Hạ tuần tháng 12, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào Trung Lào, giải phóngThà Khẹt và phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven. Tháng 1 năm 1954, tuy có tin địch sẽ tiến công vào vùng tự do ven biển Liên khu 5, nhưng chủ lực ta vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, kiên quyết mở cuộc tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Công Tum và một vùng rộng lớn, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào. Hạ tuần tháng 1 năm 1954, trong khi tạm đình cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, một đơn vị chủ lực ta đã bất ngờ mở cuộc tiến công sang Thượng Lào. Đòn tiến công này đã giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, uy hiếp thủ đô Luông Phabăng.

Bằng 5 đòn tiến công chiến lược nói trên ta đã điều động được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, buộc khối cơ động chiến lược của Nava phải chia năm sẻ bảy để tiêu diệt chúng.

Phối hợp với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ ở các vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hàng chục đoàn tàu bị lật đổ hàng chục máy bay bị phá hủy trên các sân bay, hàng trăm đồn bốt bị san bằng, nhiều vùng căn cứ du kích được mở rộng.

Thắng lợi to lớn của các chiến trường phối hợp trong giai đoạn đầu của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 đã làm cho kế hoạch Nava bị đảo lộn và bắt đầu phá sản. Ở chiến trường chính, Điện Biên Phủ, lúc đầu chưa có trong kế hoạch Nava và cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta, đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch.

Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và của Đoàn cố vấn đi trước để chuẩn bị chiến trường, đã đề nghị phương án tranh thủ “đánh nhanh giải quyết nhanh” khi địch còn đứng chân chưa vững, dốc toàn lực đánh trong 8 đêm 2 ngày tiêu diệt toàn bộ quân địch giành thắng lợi. Tôi và đồng chí Trưởng đoàn cố vấn đi sau, lên đến mặt trận đã nghe báo cáo phương án đánh nhanh.

Tại cuộc họp đầu tiên của Đảng ủy chiến dịch, tôi đã nêu những khó khăn lớn mà bộ đội ta chưa thể vượt qua nếu đánh theo phương án đó. Nhưng ý kiến chung đều cho rằng: Bộ đội ta đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm, hiện nay sung sức, quyết tâm chiến đấu rất cao, lại có lựu pháo và cao xạ pháo lần đầu xuất trận, với sức mạnh mới, có thể gây bất ngờ và sẽ chiến thắng. Nếu không đánh sớm, để địch tăng thêm quân và củng cố công sự khiến tập đoàn cứ điểm trở nên quá mạnh, ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh tiêu diệt lớn trong Đông Xuân này. Chiến dịch kéo dài sẽ không giải quyết được khó khăn về hậu cần. Đồng chí Trưởng đoàn cố vấn cũng tán thành phương án ấy.

Tuy không tin vào thắng lợi của phương án đánh nhanh thắng nhanh, nhưng tôi tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ ý kiến của đa số nên đã đồng ý triệu tập Hội nghị cán bộ để phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Đồng thời tôi chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch từng ngày, từng giờ, kịp thời báo cáo; nếu tình hình thay đổi, ta có thể thay đổi kế hoạch.

Suốt 11 ngày đêm theo dõi tình hình, tôi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa, và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục. Nhiều đêm trăn trở, cân nhắc, đêm cuối cùng thức trắng, tôi đi đến kết luận: đánh theo cách này nhất định thất bại. Sáng ngày 26 tháng 1, tôi đã trao đổi ý kiến thống nhất với đồng chí Trưởng đoàn cố vấn, tiếp đó đưa ra Đảng ủy mặt trận bàn thay đổi cách đánh. Cuộc thảo luận trong Đảng ủy đã diễn ra gay go sôi nổi. Tất cả đều cho rằng bộ đội quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, phải đánh nhanh, nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Nhưng khi đặt ra câu hỏi: Vậy đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng 100% như Bác Hồ căn dặn không? thì không ai dám khẳng định; cuối cùng Đảng ủy đã đi đến nhất trí phải chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc” - một phương án đã từng dự kiến trước đây. Mặc dầu mấy vạn quân ta đã giàn trận, đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ súng vào đêm ngày 26 tháng 1, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Quyết định thay đổi phương châm đã được triển khai, sau đó báo cáo về Trung ương bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng.

Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết  tâm chiến đấu theo phương án đánh nhanh giải quyết nhanh, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu, chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi.

Chúng ta chuyển sang cách đánh chắc tiến chắc tức là bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận, từ ngoại vi vào tung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch.

HTDB p2 anh 3
Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch
 họp tại Nà Tấu (Sở Chỉ huy thứ hai) quyết định chuyển phương châm
“Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” (26/11/1954)

Để bảo đảm bao vây, tiêu diệt địch từng bước, theo kinh nghiệm chiến đấu của Giải phóng quân Trung Quốc mà Đoàn cố vấn giới thiệu, chúng ta đã xây dựng một hệ thống đường kéo pháo bằng cơ giới và các trận địa pháo có hầm đào sâu  vào vách núi; xây dựng một hệ thống trận địa bao vây và tiến công quy mô chiến dịch, với hàng trăm kilômét hào giao thông để cơ động tiếp cận dịch, với hàng vạn công sự chiến đấn, công sự ẩn nấp cho người và vũ khí, có hầm nghỉ ngơi, sinh hoạt, cấp cứu thương binh trong lòng đất, bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục ngày đêm trên cánh đồng Mường Thanh, dưới sự đánh phá ác liệt của không quân và pháo binh địch.

Trải qua một quá trình chiến đấu dài ngày, chúng ta đã lần lượt tiêu điệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, bắn tỉa, chia cắt sân bay, triệt đường liếp tế... làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng bị bóp nghẹt, không phận ngày càng bị thu hẹp, khó khăn ngày càng chồng chất, tinh thần chiến đấu của địch ngày càng sa sút. Cuối cùng, ta mở đợt tiến công quyết định đánh vào sở chỉ huy đầu não, bắt sống tướng Đờ Cát và bộ chỉ huy, buộc toàn bộ quân địch đầu hàng, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Như vậy, quân đội ta từ chỗ mới tiêu diệt được từng tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc và thường chỉ đánh trong đêm, đã tiến lên tiêu diệt 21 tiểu đoàn phòng ngự trong một tập đoàn cử điểm mạnh nhất Đông Dương, với 8 trung tâm đề kháng, 49 cứ điểm và đánh liên tục trong 56 ngày đêm, đã tiêu diệt, bắt sống hơn 1 vạn 6 nghìn quân địch, đại bộ phận là lính Âu Phi tinh nhuệ.

Đây là trận tiêu diệt chiến lớn nhất, tiêu biểu nhất, một bước trưởng thành vượt bậc về trình độ tác chiến của quân đội ta.

HTDB p2 anh 4
Đại đoàn 304 truy kích địch trên đường số 6 trong Chiến dịch Hòa Bình, tháng 2/1952

Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ viết: Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìn lại tiến trình lịch sử của dân tộc ta và của nhân loại qua nửa thế kỷ, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn và sâu sắc của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chính xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân xâm lược Pháp.

Ông cha ta trước đây từng tiêu diệt quân xâm lược ở Bạch Đằng, Chi Lăng... để giải phóng Thăng Long. Đến thời đại Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh một trận tiêu diệt lớn quân xâm lược ở Điện Biên Phủ, buộc đối phương phải đi đến ký kết Hiệp nghị Giơnevơ, giải phóng nửa nước, giải phóng Thủ đô Hà Nội. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, được xây dựng ngày càng vững mạnh trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đó là nhân tố quyết định nhất, trong khi phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam Thành đồng Tổ quốc là “nhân tố quyết định trực tiếp” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Như chúng ta đã biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với sức mạnh mới của một nửa nước được hoàn toàn giải phóng, xây dựng chế độ xã hội mới với sự giúp đỡ của các nước anh em cả về kinh tế và quốc phòng. Ta có một quân đội nhân dân được xây dựng theo phương hướng chính quy và hiện đại, gồm nhiều binh chủng và quân chủng, với một đội ngũ cán bộ dạn dày kinh nghiệm, đã được bồi dưỡng, đào tạo trưởng thành. Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó hàng vạn “chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã lập công xuất sắc. Hàng ngàn “chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong đó có ba trong bốn tư lệnh quân đoàn từng là trung đoàn trưởng chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên chỗ dựa vững chắc, tạo nên lực lượng, ý chí, niềm tin và kinh nghiệm để quân và dân ta tiến lên, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, thống nhất hoàn toàn, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, qua 9 năm kháng chiến nhân dân ta đã làm nên trận đại thắng Điện Biên Phủ giải phóng nửa nước, tạo điều kiện để 21 năm kháng chiến tiếp theo, làm nên trận toàn thắng mùa Xuân năm 1975 giải  phóng nửa nước còn lại, đưa giang sơn về một mối. Điều trùng lặp kỳ lạ là về thời gian, hai trận quyết chiến chiến lược ấy đều diễn ra trong 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và chiến thắng vẻ vang. Cũng một điều trùng lặp nữa là khi tình thế thay đổi thì cả hai trận đã kịp thời thay đổi quyết sách. Trận trước dự định đánh trong 2 ngày 3 đêm đã chuyển sang đánh gần 2 tháng; trận sau dự định đánh trong 2 năm nhưng khi thời cơ đến đã tiến công thần tốc chỉ đánh trong gần 2 tháng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại mới.

Ý nghĩ to lớn của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đối với dân tộc ta là như vậy. Trên phạm vi thế giới, với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu, vũ khí kém cỏi, đã đánh thắng quân đội xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại.

Trong lần đến thăm Việt Nam gần đây, Chủ tịch Phiđen Cátxtrô đã nói: “Tôi đã đọc lịch sử chiến tranh. Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy”. “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu”1. Tiếng sấm Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, vang tới những vùng xa xôi còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, thức tỉnh và tạo niềm tin cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Gần hai thập kỷ sau Điện Biên Phủ, hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sâu rộng.

Với Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành nước đi tiên phong trong phong  rào giải phóng dân tộc, đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ - một vết nhơ trong lịch sử nhân loại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Ý nghĩa quốc tế lớn lao của Điện Biên Phủ là như vậy.

*

*        *

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ tinh thần chiến đấu đầy dũng cảm và mưu trí sáng tạo của quân và dân ta; từ sự phối hợp chiến đấu của nhân dân hai nước Lào, Campuchia anh em, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế kể cả nhân dân Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn sâu xa từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường bất khuất; trí thông minh sáng tạo tình đoàn kết nhân ái là những nhân tố chủ yếu tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc ta được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử. Trong thời đại mới, sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam đã được khơi dậy mạnh mẽ, được nâng lên tầm cao mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã tạo nên sức mạnh phi thường, lần lượt đánh thắng hai đế quốc to, giành thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

HTDB p2 anh 5
Chiến sĩ quân đội ta sinh hoạt chính trị chuẩn bị bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày nay sau 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cục diện thế giới và đất nước đã và đang có những biến đổi lớn lao, sâu sắc.

Đất nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, đồng thời phải đương đầu với những nguy cơ và thách thức mới. Trong khi kinh tế và khoa học trên thế giới đang có những bước phát triển vượt bậc, thì nước ta vẫn còn là một trong những nước nghèo. GDP bình quân đầu người mới bằng 1/3 của Thái Lan, 1/50 của Singapo, 1/70 của Mỹ.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, điều thiết thực nhất là chúng ta hãy phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu chống nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc cho toàn dân ta.

- Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, không có gì quý hơn độc lập, tự do, không cảm chịu làm nê lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết chiến, quyết thắng, kết hợp tinh thần dũng cảm kiên cường với trí thông minh sáng tạo, nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại kẻ thù lúc chúng có những cố gắng chiến tranh cao nhất.

Ngày nay, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, chúng ta hãy nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cương, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, làm nên một “Điện Biên Phủ” mới trong sự nghiệp đổi  mới.

Mỗi người, mỗi tổ chức có những nỗ lực vượt bậc, lập nên những đỉnh cao thành tích mới, những “Điện Biên Phủ” lớn, nhỏ trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội. Như chúng ta đã từng thực hiện được bước tiến vượt bậc trong sản xuất xuất khẩu lương thực, biến những vùng, những hộ nghèo đói trở thành giàu có; đạt đỉnh cao trong thi tài văn hóa, khoa học trên thế giới; đạt được một bước tiến vượt bậc về thành tích thi đấu của tuổi trẻ Việt Nam trong SeaGame 22. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải thực hiện cho được chủ trương coi khoa học và giáo dục là quốc sách hàng đầu, làm cho con người Việt Nam tiến lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, làm cho khoa học - giáo dục thật sự trở thành động lực, nhất định chúng ta sẽ tạo nên những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội..., góp phần sớm khắc phục sự tụt hậu, từng bước đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, sánh vai cùng các nước trung bình rồi các nước tiên tiến trên thế giới.

HTDB p2 anh 6
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tại mặt trận Điện Biên Phủ

Trong lúc tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ tăng cường an ninh, củng cố quốc phòng. Có kế hoạch chống lại các âm mưu hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, nghiên cứu những phát triển của khoa học quân sự hiện đại thế giới, các hình thức chiến tranh kiểu mới, vận dụng và phát triển sáng tạo kinh nghiệm quý báu của hai cuộc kháng chiến, hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị cho các lực lượng vũ trang, cho đất nước sẵn sàng đánh bại mọicuộc chiến tranh xâm lược mà kẻ địch có thể gây ra với nước ta, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

- Tinh thần Điện Biên Phủ là tinh thần tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, khi thấy tình hình đã thay đổi thì mục tiêu tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ vẫn giữ vững, nhưng kiên quyết thay đổi cách đánh, dù cách đánh ấy đã thành nghị quyết đang triển khai, tìm ra cách đánh phù hợp để giành thắng lợi. Đây là bài học sâu sắc nhất về lãnh đạo và chỉ huy trong chiến địch Điện Biên Phủ.

Ngày nay, bài học ấy đang hết sức có ý nghĩa đối với chúng ta. Đảng ta từ Đại hội VI đến Đại hội IX đã xuất phát từ tình hình thực tiễn, từng bước phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên giành được thắng lợi to lớn, quan trọng. Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước kinh tế chậm phát triển như nước ta là chưa có tiền lệ. Tình hình thực tiễn của thế giới và nước ta đã và đang có những biến đổi sâu sắc và những phát triển mới chưa từng có. Quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội còn nhiều vấn đề đặt ra phải nghiên cứu giải đáp.

Chúng ta hãy phát huy tinh thần thực tiễn và sáng tạo của Điện Biên Phủ   vào công cuộc đổi mới. Luôn gắn lý luận với thực tiễn, thấm nhuần quan điểm coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luôn bám sát thực tiễn, phân tích phát hiện, nhận thức đúng đắn những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận. Khi thực tiễn đã thay đổi thì mục tiêu xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vẫn giữ vững, nhưng kiên quyết thay đổi, bổ sung những chủ trương, chính sách, biện pháp, dù có những vấn đề đã thành quyết định, nghị quyết nhưng không còn phù hợp, không có hiệu quả. Không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ giáo điều, dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ đã lỗi thời. Có như vậy mới đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi.

- Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân, của cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã động viên được sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên chúng ta đã tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh, động viên các chiến trường trong cả nước và hai nước bạn Lào - Campuchia chiến đấu phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Chúng ta đã huy động sức người sức của từ vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh, Tây Bắc, Việt Bắc đến nhiều tỉnh vùng địch tạm chiếm ở Bắc Bộ chi viện cho Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong, tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến địch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hàng năm, bảy trăm cây số, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ thiếu thốn, địch đánh phá ác liệt làm được một việc mà kẻ thù không thể ngờ tới ta có thể làm được.

Ngày nay, sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn là sức mạnh của  khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân.

Chúng ta phải luôn coi trọng nêu cao tinh thần dân tộc, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết 54 dân tộc anh em, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước và đồng bào định cư ở nước ngoài, làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch. Phải thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vùng đồng bào dân tộc trong đó có Điện Biên Phủ và Tây Bắc, vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, khắc phục tình trạng quá chậm trễ như hiện nay, làm cho miền núi sớm tiến kịp miền xuôi như Bác Hồ mong muốn.

Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế, phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, động viên toàn dân ra sức làm kinh tế, để thực hiện dân giàu, nước mạnh, với một khí thế thi đua sôi nổi như toàn dân đã hăng hái tham gia hai cuộc kháng chiến trước đây phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ trong Di chúc đối với công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh: “Để giành được thắng lợi trong công cuộc khổng lồ này, phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân.

HTDB p2 anh 7
Các chiến sĩ công kênh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày đại thắng

Thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tránh dân chủ hình thức, tạo nên sự nhất trí giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự gắn bó của người dân với chế độ xã hội, với lãnh đạo, như dân đã từng gắn bó với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Thực hiện dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương phép nước.

Chỉ trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ và tham gia tự nguyện của nhân dân, giữ vững được lòng dân, ta mới giữ vững được ổn định chính trị, tạo nên sức mạnh đưa công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đến thành công.

- Nhân tố quyết định đến thắng lợi Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sự lãnh đạo đó không những trước hết thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược tài tình mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên.

Trước thách thức quyết liệt của trận Điện Biên Phủ, biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng. Tại mặt trận, trước tình huống khó khăn, gay go, quyết liệt đã vang lên tiếng thét “Các đảng viên cộng sản tiến lên”, “Ai là người theo Đảng hãy tiến lên”, hai tiếng đảng viên thiêng liêng và hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên đã có sức mạnh cổ vũ đồng đội xông lên tiêu điệt kẻ thù giành thắng lợi.

Ngày nay, sự lãnh đạo của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta đã có một đội ngũ cán bộ đảng viên kế tiếp xứng đáng, có phẩm chất và năng lực, năng động, sáng tạo, làm hạt nhân lãnh đạo trong các cấp, các ngành, đưa công cuộc đổi mới tiến lên đạt những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, điều mà hiện nay toàn Đảng, toàn dân quan tâm và lo ngại là bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng, đang làm giảm uy tín và sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Vì vậy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng tâm, nhất trí, tìm ra nguyên nhân yếu kém và biện pháp có hiệu lực, thực hiện bằng được nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho đội ngũ đảng viên thật sự hết lòng vì nước, vì dân, tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong nhiệm vụ cách mạng mới, như đã từng tiên phong gương mẫu trong chiến đấu. Đây cũng là nhân tố quyết định đưa sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc tiến lên đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Đối với nhân loại, Điện Biên Phủ là điểm hẹn tất yếu mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một chân lý của thời đại là các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược, nếu biết đoàn kết đứng lên đấu tranh vì độc lập tự do, vì quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của mình, có đường lối đúng đắn, dám đấu tranh và biết đấu tranh thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Trong thời đại ngày nay bất cứ dân tộc nào dùng sức mạnh để áp đặt ý muốn của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định sẽ thất bại.

Các lực lượng hiếu chiến dù có tàn bạo đến đâu thì cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hoà bình, hữu nghị và phát triển, vì một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ nhất định thắng lợi.

*

*        *

Kỷ niệm 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại, nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhớ ơn các bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng cho đất nước những người con thân yêu. Chúng ta gửi lời thăm hỏi thân thiết nhất đến các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, của cuộc kháng chiến 30 năm chống đế quốc xâm lược.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam.

Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Kim Yến (st)       

Còn nữa


 

Diễn biến trong chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954
và Chiến dịch Điện Biên Phủ
(Từ tháng 1 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954)

Tháng 1 năm 1953

Từ 23 đến 27

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn về các nhiệm vụ cơ bản của Đảng năm 1953, nhất là công tác phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Về phương diện quân sự, Trung ương đã chỉ thị.

…Phương hướng chiến lược của ta là tìm chỗ yếu của địch mà đánh, bắt địch phải phân tán lực lượng. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh... Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, chúng ta chỉ được thắng không được bại.

Tháng 5 năm 1953

8 - 5

Tướng Nava được bổ nhiệm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

19 - 5

Nava sang Đông Dương.

20 - 6

Tướng Mỹ Ddanien đến Sài Gòn để kiểm tra.

22 - 6

Nhật lệnh số 1 của Nava hô hào quân đội viễn chinh Pháp cố mà giành chủ động.

Tháng 7 năm 1953

3 - 7

Chính phủ Pháp tuyên bố cho các “quốc gia liên kết” độc lập giả hiệu.

15 - 7

Bù nhìn Bảo Đại ký sắc lệnh tổng động viên.

17 - 7

Địch nhảy dù xuống Lạng Sơn để gây thanh thế, nhưng bị thất bại nặng.

24 - 7

Hội đồng quốc phòng Pháp họp thông qua kế hoạch Nava.

Theo kế hoạch đó, tướng Nava chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tránh giao chiến với chủ lực ta ở miền Bắc, tập trung lực lượng bình định  Miền Nam, đến mùa Thu năm 1954 sẽ tập trung quân ra Bắc, tiêu diệt chủ lực ta, hoàn thành thôn tính nước ta trong 18 tháng vào khoảng giữa năm 1955.

Tháng 8 năm 1953

Từ 8 đến 12

Địch rút chạy khỏi Nà Sản.

Tháng 9 năm 1953

5 - 9

Mỹ cho Pháp mượn hàng không mẫu hạm Boa Benlô (Bois Belleau).

HTDB p3 anh 1 - Copy
Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954

10 - 9

Pháp xin thêm của Mỹ một khoản viện trợ đặc biệt 385 triệu USD để thực hiện kế hoạch Nava.

Cuối tháng 9

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp xác định phương châm  tác chiến của ta là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Hướng chính của chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 là Tây Bắc.

HTDB p3 anh 2 - Copy
Đại tướng H.Nava đến Việt Nam tháng 5 - 1953 thay Salăng
làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương

Tháng 10 năm 1953

15 - 10

Địch mở Chiến dịch Hải Âu sử dụng 22 tiểu đoàn đánh ra Rịa - Nho Quan (Tây Nam tỉnh Ninh Bình). Chiến dịch này đến ngày 6 tháng 11 mới kết thúc.

Trong Chiến dịch này, Đại đoàn 320 đã đánh 23 trận. Bộ đội địa phương đã đánh 64 trận. Có những trận đánh lớn: Trận tập kích điểm cao 94 (tây bắc Rịa) ta tiêu diệt 1 đại đội lính Bắc Phi và gần 2 đại đội ngụy (ngày 18 tháng 10), trận phục kích ở Trại Ngọc, ta diệt ba xe tăng (ngày 18 tháng 10), trận Dốc Giang, ta tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn Thái của địch. Tại Yên Mô (Ninh Bình), ta phục kích 2 đại đội của tiểu đoàn 1 lê dương (ngày 3 tháng 11). Tại vùng sau lưng địch, ta tiêu diệt 2 tiểu đoàn khinh quân 703, 707. Tổng cộng địch bị tiêu diệt hơn 4.000 tên.

HTDB p3 anh 3 - Copy
Quân Pháp mở cuộc càn Hải Âu đánh ra Tây Nam, Ninh Bình, 10-1953

Tháng 11 năm 1953

Thượng tuần tháng 11

Bộ phận chuẩn bị chiến trường của Đại đoàn 316 lên Tây Bắc.

2 - 11

Tướng Nava gửi chỉ lệnh đặc biệt cho tướng Coonhi, chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ, chuẩn bị chiếm đóng Điện Biên Phủ.

4 - 11

Ta tiến công vị trí Xanh Tômát (Saint Thomas) giữa thành phố Nam Định tiêu diệt 22 sĩ quan địch.

Tướng Coonhi xui bộ tham mưu Hà Nội phản đối Nava chiếm đóng Điện Biên Phủ tuy trước đây khẩn thiết đề nghị chiếm đóng Điện Biên Phủ. Y sợ Nava lấy quân của y ở đồng bằng. Đại tá Batsxtiani (Bastiani) tham mưu trưởng lục quân Bắc Việt viết thư phản đối.

6 - 11

Địch kết thúc thất bại chiến dịch Hải Âu (bị tiêu diệt hơn 4.000 tên).

12 - 11

Ta tiến công Phả Lại tiêu diệt 1 đại đội địch, bắn chìm 3 ca nô.

Tướng Coonhi viết thư cho tướng Nava phản đối việc chiếm đóng Điện Biên Phủ. Trong thư có đoạn viết: “Những vấn đề chiến lược của ngài đề ra không quan hệ gì đến mảnh đất mà ngài đã giao phó cho tôi...”.

Đại đoàn 316 được lệnh tiến quân lên Tây Bắc.

15 - 11

Đại đoàn 316 bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc.

Từ 19 đến 23 tháng 11

Bộ Tổng tư lệnh mở Hội nghị cán bộ từ trung đoàn trở lên để phổ biến kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954.

HTDB p3 anh 4 - Copy
Ngày 20/11/1953 quân Pháp nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ

20 - 11

Quân tình nguyện của Đại đoàn 304 sang Trung Lào và quân tình nguyện của đại đoàn 325 sang Hạ Lào theo kế hoạch phối hợp thống nhất giữa Bộ Tổng Tư lệnh của ta và Bộ Tổng Tư lệnh Pathét Lào.

Đại đoàn 304 tiến quân lên Tây Bắc để đánh lạc hướng địch, sau đó bí mật ngoặt về phục kích địch ở Phú Thọ.

Địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn Sơn La) đánh địch suốt ngày, tiêu diệt 300 tên.

Từ ngày 21 đến 22 tháng 11

Địch tiếp tục nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

25 - 11

Địch cho 6 tiểu đoàn mở chiến dịch Ácđesơ (Arđèche) chiếm đóng phòng tuyến sông Nậm Hu (Thượng Lào) để nối liền Điện Biên Phủ với Thượng Lào.

28 - 11

Tướng Nava ra Hà Nội được tướng Coonhi báo cáo cho biết 3 sư đoàn Việt Minh trong đó có sư đoàn pháo binh đã tiến lên Tây Bắc1.

Cônhi đề nghị đánh lên Thái Nguyên để kìm chân các đại đoàn của ta lại.

Nhưng Nava cho rằng tin tức của Cononhi có thể chỉ là những hoạt động nghi binh của đối phương. Y cho rằng ta không thể cung cấp cho 4 sư đoàn tác chiến ở những nơi rừng núi xa xôi như Điện Biên Phủ được. Vì thế Nava bác kế hoạch của Coonhi vì sợ bị phân tán lực lượng.

29 - 11

Đại đoàn 308 tiến quân lên Tây Bắc.

Nava và Cônhi lên Điện Biên Phủ. Ngồi trên máy bay, hai viên tướng thực dân thảo luận cử Đờ Cát thay Gin chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

30 - 11

Đờ Cát được bổ nhiệm chỉ huy “quân đồn trú Điện Biên Phủ”.

Tháng 12 năm 1953

3 - 12

Nava “Tiếp nhận chiến đấu” với quân ta ở Điện Biên Phủ và chỉ thị phải “bảo vệ bằng bất cứ giá nào”.

5 - 12

Ta tiến công vị trí Phương Điếm (Hải Dương) tiêu diệt 2 đại đội địch trong đồn và 2 đại đội quân tiếp viện.

Địch rút Lai Châu co về Điện Biên Phủ.

6 - 12

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư kêu gọi cán bộ và chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đồng bào Tây Bắc.

7 - 12

Đại đoàn 316 được lệnh nhanh chóng tiêu diệt địch ở Lai Châu, đại đoàn 308 bao vây địch ở Điện Biên Phủ không cho chúng sang Lào.

Nava chỉ thị mở Chiến dịch Átlăng chiếm đóng khu 5.

10 - 12

Đại đoàn 312 được lệnh bí mật giấu quân ở Phú Thọ, chuẩn bị đánh địch khi chúng đánh ra vùng tự do của ta.

12 - 12

Ta giải phóng Lai Châu sau đó tiếp tục truy kích tiêu diệt 24 đại đội địch.

16 - 12

Ta tiến công Di Sử (Hưng Yên) tiêu diệt 90 tên, bắt 186 tên.

18 - 12

Ta tiến công Quỹ Nhất (Nam Định) tiêu diệt 275 tên.

Địch chở xe tăng tháo rời lên Điện Biên Phủ.

20 - 12

Ta phục kích trên đường số 10 (Thái Bình) tiêu diệt 192 tên và phá hủy 5 xe.

24 -12

Đại đoàn 312 tiến quân lên Tây Bắc.

Nava lên dự lễ Nooen với quân lính ở Điện Biên Phủ. Y nói với binh sĩ là quân ta đang gặp khó khăn rất lớn về cung cấp, quân đội viễn chinh Pháp nhất định thắng lớn…

25 - 12

Liên quân Lào - Việt giải phóng thị xã Thà Khẹt, cắt đường số 13, uy hiếp đường số 9. Nava phải vội điều quân lên đây thiết lập một tập đoàn cứ điểm mới.

31 - 12

Nava chỉ thị cho Cônhi và Đờ Crevơcơ nghiên cứu kế hoạch rút lui của Điện Biên Phủ (kế hoạch Xênôphông).

Tháng 1 năm 1954

5 - 1

Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị dự bị tiến quân lên Tây Bắc.

Tại Nam Định, ta phục ở sông Đào, tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch, bắn đắm và cháy 3 LCT và 7 ca nô.

7 - 1

Du kích ta lọt vào Đà Nẵng, đánh đắm 1 tàu chiến và 1 ca nô.

9 - 1

Ta phục kích trên đường số 9, tiêu diệt 50 tên, bắt 4 tên

11 - 1

Du kích đột nhập Nha Trang, đốt cháy 3.700.000 lít xăng của địch.

14 - 1

Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ triệu tập hội nghị bàn kế hoạch tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh”.

15 - 1

Tại Điện Biên Phủ, quân ta kéo pháo lên núi.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt một bộ phận của Tiểu đoàn 4 lê dương ở Thái Bình.

17 - 1

Ta tiêu diệt đại bộ phận Tiểu đoàn ngụy số 73 ở Hải Yến (Hưng Yên).

20 - 1

Địch cho 22 tiểu đoàn đổ bộ lên Tuy Hòa bắt đầu thực hiện bước 1 của chiến dịch Átlăng chiếm đóng Liên khu 5.

21 - 1

Ta tiến công vị trí Hoàng Đan, phục kích ở Bồng Xuyên (Hà Nam), tiêu diệt đại bộ phận tiểu đoàn 6 ngụy, 2 đại đội ngụy của Tiểu đoàn 31 GMVN , bắn rơi 2 máy bay.

26 - 1

Hồ Chủ tịch trả lời nhà báo Thụy Điển trong đó có đoạn nói: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu 7, 8 năm nay chống kẻ xâm lược... Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp nhập ý kiến đó”.

27 - 1

Ta đánh mạnh ở bắc Tây Nguyên, tiêu diệt các tiểu khu Măng Đen, Măng Bút.

31 - 1

Tại Hạ Lào, Liên quân Lào - Việt giải phóng tỉnh Atôpơ, nối liền vùng giải phóng của Hạ Lào và Bắc Tây Nguyên.

Nava lại cho thành lập một tập đoàn cứ điểm ở cao nguyên Bôlôven.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt vị trí La Tiến, uy hiếp phòng tuyến sông Luộc, đánh mìn trên đường xe lửa ở ga Phạm Xá (Hải Dương), tiến công Đồ Sơn, đốt cháy 5 máy bay và một kho xăng.

Tại Nam Bộ từ 1 đến 24 tháng 1: Quân và dân ta đã tiêu diệt và bức rút 259 đồn bốt, tháp canh, nhiều nhất ở Mỹ Tho.

Quân ta đẩy mạnh giao thông chiến, uy hiếp các đường số 13, 14 (Sài Gòn - Phan Thiết Sài Gòn - Lộc Ninh) và đường số 12. Kết quả ta diệt và phá: 3 thiết giáp, 1 xe tăng, 12 xe vận tải, 2 xe “gíp”, 1 đầu máy xe lửa, 15 toa xe lửa; địch chết 1.900 tên trong đó có 1 quan ba, 1 quan hai. Ta thu 4 súng cối, 1 đại liên, 18 trung liên, 61 tiểu liên, 656 súng trường...

Tháng 2 năm 1954

2 - 2

Tướng Mỹ Ô Đanien lên kiểm tra Điện Biên Phủ tỏ ý “rất hài lòng” về tổ chức phòng ngự ở đây.

3 - 2

Tết Nguyên đán.

Tại Thượng Lào, Liên quân Lào - Việt tiến cách kinh đô Lào Luông Phabăng 60km.

Tại Hạ Lào, Liên quân Lào - Việt bao vây Pắcxế và Saravan.

Địch thả truyền đơn ở Điện Biên Phủ thách thức ta tiến công.

Sơn pháo 75 bắt đầu bắn vào sân bay Mường Thanh.

9 - 2

Ta đánh mìn một đoàn tàu ở ga Thừa Lưu (Thừa Thiên) phá hủy 1 đầu máy và 6 toa xe.

Ta phục kích trên sông Hồng đánh một đoàn tàu thủy và ca nô từ Nam Định đi tiếp viện cho Kim Sơn, tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch, đánh đắm 1 tàu chiến và 4 ca nô, bắn cháy 2 LCT và 2 ca nô.

10 - 2

Ta tiến công vị trí Hà Thanh (Ninh Bình) tiêu diệt 189 tên.

14 - 2

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích đánh địch trên sông Hồng, bắn đắm 2 ca nô và 1 xuồng.

15 - 2

Plêven, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp cùng một phái đoàn tướng lĩnh cao cấp Pháp đến Hà Nội.

16 - 2

Nava tiếp tục Chiến dịch Át Lăng, tung 3 GM 10, 41, 42 đánh chiếm và nối liền đường Vạn Hoa, Phú Lợi, La Trai.

17 - 2

Ta giải phóng tỉnh Kon Tum, Nava vội vã điều quân lên chống đỡ và lại tổ chức 1 tập đoàn cứ điểm ở Pleyku.

Tại Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Mặt trận triệu tập hội nghị bàn kế hoạch tiến công vào Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

18 - 2

Nava và Cônnhi lên thăm Điện Biên Phủ.

Tại mặt trận Tây Nguyên, quân ta tiêu diệt vị trí Đắc Đoa ở Đông bắc Pleyku. 150 lính Âu - Phi của GM 100 bị loại khỏi vòng chiến đấu. Cùng ngày, quân ta tiến công thị xã Pleyku.

Sau 20 ngày liên tục hoạt động ở phía bắc Tây Nguyên, quân ta đã san bằng 8 bốt, 23 tháp canh, loại khỏi vòng chiến đấu 2.600 tên địch, thu một số lớn vũ khí, quân trang, quân dụng đủ trang bị cho một trung đoàn và hoàn toàn giải phóng tỉnh Kon Tum rộng 14.000 km2 với 20.000 dân.

Nava phải tạm đình chỉ Chiến dịch Átlăng, rút vội 2 GM 41, 42 cho đi đánh chiếm cao nguyên Trà Khê, đồng thời điều 3 GM 11, 21, 100 tăng cường lên chiếm giữ Plây Cu, An Khê và Đắc Đoa.

Tại Thượng Lào, liên quân Lào - Việt tiến đến gần Luông Phabăng Nava vội vàng tổ chức ngay một “Con nhím” ở Mường Sai và tăng cường quân lên Luông Phabăng với lực lượng 9 tiểu đoàn.

Hội nghị 4 ngoại trưởng Liên Xô, Anh, Mỹ và Pháp ở Bá Linh ra thông báo sẽ họp bàn về vấn đề “lập lại hòa bình ở Đông Dương” tại Giơnevơ vào tháng 4 tới.

19 - 2

Pleeven đi thăm Điện Biên Phủ. Cùng đi có cả thứ trưởng bộ chiến tranh Pháp Đờ-Sơ-vi-nhê và các tướng Eely, Pay, Bô-đê, B-lăng,...

Nava nhận định “ngọn trào tiến công của Việt Minh đã đến lúc xuống” và ra lệnh phản công trên khắp các chiến trường Đông Dương.

22 – 2

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Mặt trận triệu tập hội nghị cán bộ chiến dịch để kiểm điểm công tác chuẩn bị tiến công đợt một.

24 - 2

Liên quân Lào - Việt giải phóng thị trấn Phongsalỳ, Bun Tai và Bun Nưa, mở rộng vùng phóng ở lưu vực sông Nậm Hu.

26 - 2

Tại đồng bằng Bắc Bộ, quân ta tiến công tiêu diệt vị trí Lạc Đạo trên đường số 5. Cônnhi yêu cầu Nava điều về cho y một trong ba GM cùng với 5 tiểu đoàn dù mà Nava đang sử dụng vào chiến dịch Átlăng.

27 - 2

Chính phủ Pháp tính sổ thiệt hại về cuộc chiến tranh Đông Dương từ năm 1945 đến mùa Xuân năm 1953: Chiến tranh đã tiêu tốn đến 2.000 tỷ phrăng. Từ năm 1952, Mỹ đã viện trợ cho Pháp hơn 1.000 tỷ.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, quân ta tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch ở vị trí Vạn Bảo (Nam Định), phá hủy 8 xe vận tải.

28 - 2

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm hội nghị động viên chiến dịch của cán bộ pháo binh.

Quân địch đánh ra thăm dò ở phía đông nam Điện Biên Phủ.

Tháng 3 năm 1954

1 - 3

Pleeven về Pari tuyên bố một cách bịp bợm: “Ở Đông Dương không có vấn đề quân sự chỉ có vấn đề chính trị mà thôi”.

Tại Điện Biên Phủ, địch lại đánh ra thăm dò ở phía tây.

4 - 3

Tướng Nava lại cùng với Cônnhi đi kiểm tra Điện Biên Phủ. Đờ Cát thấy không cần tăng thêm lực lượng cho đồn trú khi Nava gợi ý muốn đưa thêm lên 3 tiểu đoàn.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, quân ta bí mật đột nhập sân bay Gia Lâm, đốt cháy 18 máy bay, 2 máy phát điện, 1 kho xăng.

6 - 3

Bộ đội địa phương Kiến An đột nhập sân bay Cát Bi (Hải Phòng), phá hủy hơn 50 máy bay địch.

8 - 3

Tại Điện Biên Phủ, trọng pháo l05 và pháo cao xạ của ta bắt đầu vào chiếm lĩnh trận địa.

Phòng nhì của Cônnhi báo cáo những triệu chứng tỏ ra quân ta sẽ tiến công Điện Biên Phủ vào ngày 15 tháng 3. Nava xác nhận điều đó có thể xảy ra nhưng lại cho rằng quân ta khó mà vượt qua được rất nhiều khó khăn để đưa pháo đến gần lòng chảo.

9 - 3

Nhận được tin ngày 15 tháng 3 quân ta sẽ tiến công vào hệ thống đường số 5, vào các sân bay và có thể cả Điện Biên Phủ, Cônnhi vội xin gấp 3 tiểu đoàn khinh quân để bổ sung cho các đơn vị dù và xe tăng đã bị xộc xệch, chuẩn bị đối phó ở mặt trận đồng bằng Bắc Bộ.

10 - 3

Hồ Chủ tịch gửi thư động viên tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và dân công ở Điện Biên Phủ sắp bước vào chiến đấu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra nhật lệnh động viên tất cả cán bộ, chiến sĩ, tất cả các đơn vị kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Sơn pháo 75 của ta bắn hỏng 2 máy bay vận tải ở sân bay Mường Thanh.

Nava một lần nữa báo cho Cônnhi biết không có một lực lượng nào bổ sung cho đồng bằng Bắc Bộ và giao trách nhiệm cho Cônnhi phải tự tổ chức bảo vệ các căn cứ không quân bằng những phương tiện hiện có, 2 tiểu đoàn dù đã sẵn sàng rời Xênô về Hà Nội, nhưng chỉ khởi hành khi nào tình hình đồng bằng thật nghiêm trọng.

11 – 3

Tại Điện Biên Phủ, những khẩu trọng pháo cuối cùng của ta đã vào chiếm lĩnh trận địa.

Quân ta bắt đầu đào trận địa xuất phát tiến công vào Him Lam.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, trong một đêm quân ta cắt đứt đường số 5, san bằng 13 bốt và tháp canh.

12 - 3

Tại Điện Biên Phủ 10 giờ 30 phút, sơn pháo và cối ta bắn mạnh vào sân bay phá hủy 3 máy bay trinh sát.

Một tiểu đoàn địch với 5 xe tăng đánh ra định phá trận địa tiến công Him Lam của quân ta, bị hỏa lực cối ta bắn mạnh phải rút lui. Một đoạn chiến hào ta bị địch phá hủy. Ban đêm, quân ta đến khôi phục lại.

Cônnhi lên Điện Biên Phủ. Y đến trung tâm đề kháng Him Lam ra những chỉ thị cần thiết một khi bị ta tiến công.

Nava cho quân đổ bộ lên Quy Nhơn thực hiện bước 2 của chiến dịch Átlăng.

Tại đồng bằng, ta phục kích trên đường số 5, đoạn từ Bần Yên Nhân đến Như Quỳnh tiêu diệt một đoàn xe quân sự, phá hủy 17 xe trong đó có 4 thiết giáp, 13 xe vận tải và 60 tên lính thuộc GM3.

Tại Liên khu 4, bộ đội Thừa Thiên đánh lật nhào một đoàn xe lửa quân sử ở Văn Xá.

13 - 3: Đợt tiến công thứ nhất bắt đầu:

9 giờ sáng, sơn pháo ta bắn cháy 1 Đacôta ở sân bay Mường Thanh.

12 giờ trưa: Lại bắn cháy 1 Hencát, 1 Đacôta.

13 giờ: 1 đại đội địch và 2 xe tăng lại ra đánh phá trận địa xuất phát tiến công của quân ta ở Him Lam. Đại đội lựu pháo 806 được lệnh nổ 20 phát đạn đầu tiên vào Him Lam và Mường Thanh. 18 phát trúng mục tiêu phá 7 ụ súng... Bọn địch đang đánh phá trận địa ta lập tức rút chạy.

14 giờ 30 phút: Sơn pháo ta bắn cháy 1 Đacôta ở sây bay Hồng Cúm.

HTDB p3 anh 5 - Copy
Sau 6 giờ 30 phút chiến đấu, cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta
được cắm lên cụm cứ điểm Him Lam

15 giờ: 2 Trung đoàn của đại đoàn 312 ra chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.

17 giờ: Pháo ta tập kích dồn dập vào khu trung tâm, sân bay Mường Thanh và vào cả 3 cứ điểm của trung tâm đề kháng Him Lam. 5 máy bay địch bị phá hủy. Một kho xăng và nhiều kho tàng bốc cháy. 12 khẩu đại bác và cối các loại bị phá hủy. Khoảng 150 tên sĩ quan và lính địch bị thương vong bởi trận tập kích của pháo ta. Đợt tiến công thứ nhất của quân ta bắt đầu.

18 giờ 30 phút: Xung kích bắt đầu lên bộc phá.

22 giờ 30 phút: Quân ta hoàn toàn tiêu diệt xong cụm cứ điểm Him Lam gồm 3 cứ điểm do Tiểu đoàn 3 trung đoàn lê dương thứ 13 chiếm đóng.

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra chỉ thị cho các chiến trường toàn quốc tích cực hoạt động đánh địch để phối hợp với chiến trường chính.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, đêm 12 rạng 13 tháng 3, ta tiêu diệt vị trí Nghĩa Lộ  trên đường số 5, một vị trí công sự kiểu mới. Hai đại đội địch bị diệt gọn, 7 xe vận tải và xe “gíp” bị phá.

Tại Nam Định, 139 lính bù nhìn chạy sang hàng ngũ ta đem theo cả vũ khí.

Tại Phủ Lý, ta bao vây vị trí Phương Khê, địch phải đưa 2 GM đến phá vây. Khi quân chiếm đóng đồn Phương Khê rút chạy, ta truy kích diệt và bắt sống 150 tên.

14 - 3

7 giờ: Tại Điện Biên Phủ, cao xạ ta hạ chiếc máy bay đầu tiên.

9 giờ: 1 tiểu đoàn và 5 xe tăng địch thọc đánh ra định phản kích chiếm lại Him Lam, nhưng bị pháo ta bắn chặn ác liệt phải rút lui.

12 giờ: Được ta cho phép, địch cho xe hồng thập tự ra Him Lam lấy thương binh về. Địch tăng viện cho Điện Biên Phủ tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5è BPVN ) và 4 khẩu 105 ly để bù vào số pháo đã bị phá hủy đêm 13 tháng 3. Hai chiếc máy bay lên thẳng vừa đỗ xuống Điện Biên Phủ bị pháo ta bắn cháy ngay.

17 giờ: Pháo ta bắn chuẩn bị vào cứ điểm đồi Độc Lập, sau đó, thỉnh thoảng lại bắn một đợt mãnh liệt cho đến khi bộ binh ta xung phong tiêu diệt cứ điểm này. Tại Liên khu 4, ta tiêu diệt vị trí Võ Xá. Tại Liên khu 5, GM 100 đang vận chuyển trên đường số 13 (Quy Nhơn – Plây Cu) thì bị quân ta phục kích, diệt gần 100 tên.

15 - 3

02 giờ: Quân ta bắt đầu tiến công bằng lựu pháo l05 ly vào cứ điểm đồi Độc Lập.

03 giờ 30 phút, chính thức tiến công bằng sơn pháo 75 và bộ binh, đến 6 giờ

30 phút thì tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm.

06 giờ: Đờ Cát tung 2 tiểu đoàn và 6 xe tăng theo đường Điện Biên - Lai Châu định phản kích lên đồi Độc Lập, nhưng bị ta đánh lui.

12 giờ 45 phút: Pirốt, chỉ huy pháo binh tập đoàn cứ điểm dùng lựu đạn tự sát. 6 khẩu 105 ly của địch bị phá hủy. Trong 3 ngày 13, 14, 15, pháo binh của địch đã bắn về tuyến quân ta tới 30.000 viên đạn. Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích bắn cháy và đắm 2 xuồng 1 ca nô, tiêu diệt 1 đại đội thủy quân lục chiến ở Yên Lệnh, sông Hồng.

16 - 3

Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ triệu tập hội nghị cán bộ chiến dịch để sơ kết thắng lợi đợt 1 và trao nhiệm vụ đợt 2. Trong đợt này ta phải tiếp tục xây dựng trận địa bao vây cho thật vững chắc, tiếp tục tiến công các cứ điểm vòng ngoài, phải kiềm chế pháo binh địch ráo riết hơn nữa, phải khống chế sân bay...

Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6è BPC) nhảy dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. Na va chỉ thị cho tướng Gămbiê, tổng tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương phải thực hiện gấp kế hoạch làm mưa nhân tạo trên đường giao thông từ hậu phương ta ra mặt trận Điện Biên Phủ để ngăn cản việc tiếp tế của ta. Tại đồng bằng Bắc Bộ, một đoàn tàu quân sự địch bị trúng mìn của du kích Văn Lâm, Hưng Yên.

17 - 3

Tại Điện Biên Phủ, hồi 15 giờ, pháo ta bắn 20 phát vào đồn Bản Kéo. 2 đại đội lính Thái chạy ra hàng với toàn bộ vũ khí. Đợt tiến công thứ nhất của quân ta kết thúc. Quân ta đã tiêu diệt gọn 2 trung tâm đề kháng mạnh nhất của địch.  Pháo ta đã phá hủy tất cả số máy bay đậu trên sân bay Mường Thanh. Pháo cao xạ ta đã hạ 12 máy bay các loại.

Tổng số thiệt hại của địch khoảng 2.000 tên.

Tại Liên khu 5, quân ta tiến công Quan Cầu; 150 tên địch bị loại khỏi vòng  chiến đấu.

18 - 3

Không quân của địch bối rối trước hoạt động khống chế sân bay và kiềm chế không phận của pháo ta. Loodanh (Lauzin), tư lệnh không quân Pháp ở Đông Dương báo cáo với Nava việc tiếp tế bằng đường không hằng tháng từ 4.000 tấn đã tăng lên tới 10.000 tấn. Dù thả xuống không có cách gì lấy lại. Nava đã phải tính đến chuyện cầu cứu Mỹ, đặt mua lụa, phụ tùng của Nhật Bản và Philíppin để may dù. Loodanh chỉ thị cho những tên phi công lái máy bay Đacôta phải thả dù ở độ cao 2.000 - 3.000 mét để tránh đạn cao xạ của ta, đồng thời chỉ thị nghiên cứu cách thả dù mở chậm.

19 - 3

Dự trữ đạn 105 ly và lương thực của địch bắt đầu khó khăn. Đờ Cát gọi điện cho Cônnhi: “Việc mất Điện Biên Phủ, mất Idaben (Hồng Cúm), tôi cho là không thể tránh được trong một thời gian ngắn. Phải tính đến chuyện cử Lalăng cố gắng đi tìm con đường sang Lào để rút lui”...

20 - 3

Tại Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội động viên tiếp tục xây dựng trận địa tiến công và bao vây sát địch hơn nữa.

Tại Liên khu 4, quân ta phục kích tiến công một đoàn xe lửa trên đường Huế - Tuaran. Một đầu máy và 5 toa xe bị phá hủy. Một đại đội địch bị tiêu diệt.

22 – 3

Tại Tòa nhà trắng, Aixenhao tiếp tướng Eely (đến Oasinhtơn từ ngày 20 - 3) có cả đô đốc Mỹ Rátpho tham dự, bàn cách cứu vãn “con nhím” Điện Biên Phủ. Tại đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân đường số 5 vẫn hoạt động mạnh, làm ngừng hẳn việc vận chuyển của địch trên 70 km đường sắt. Tại Hưng Yên, ta phục kích diệt gọn một đoàn xe 88 chiếc ở cách Di Sử 2km. Tại Liên khu 5, ta tiến công GM 100 ở Plây Rinh diệt 500 tên, phá hủy 1 xe thiết giáp và 22 xe vận tải; tập kích vị trí La Hay (Phú Yên) địch mới chiếm đóng, diệt 670 tên. Tại Quảng Nam, ta tập kích thị xã Hội An, diệt một lúc 3 vị trí, thu toàn bộ vũ khí.

23 – 3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện nhiệt liệt khen ngợi quân và dân đường số 5 đã thắng lớn trong những trận giao thông chiến vừa qua.

Tại Thái Bình; quân ta tập kích tiêu diệt 2 đại đội địch ở vị trí Đức Hậu.

24 - 3

Cônnhi chỉ thị cho Đờ Cát cố mà chống đỡ với quân ta đến mùa mưa. Y nói rằng quân ta đã bị thiệt hại nặng, khó mà có thể bổ sung ngay. Mưa xuống thì đường tiếp tế của ta từ hậu phương ra sẽ không dùng được, trận địa chiến hào bao vây của ta ở Điện Biên Phủ cũng ngập trong bùn lầy và nước đọng. Do đó mà ta không thể nào đánh kéo dài, không thể nào thu được thắng lợi. Ngược lại, quân đội đồn trú đã được bổ sung lực lượng mạnh mẽ, vấn đề tiếp tế vũ khí, lương thực vẫn có thể tiến hành thường xuyên. Cuộc thí nghiệm thả dù ở độ cao 1.500 mét đã đem lại kết quả tốt. Tại Liên khu 5, quân địch đánh chiếm Bình Định. Quân và dân liên khu 5 đã diệt và bắt 800 tên địch.

Tại Mỹ, đô đốc Ratspho đưa cho Eely một kế hoạch cứu vãn Điện Biên Phủ: Dùng từ 70 đến 80 máy bay oanh tạc hạng nặng B29 với sự yểm hộ của 150 khu trục thuộc hạm đội 7 Mỹ đến oanh tạc xung quanh Điện Biên Phủ.

Từ 25 đến 27

Tại Điện Biên Phủ, trong hội nghị cán bộ, Bộ Chỉ huy Mặt trận đề ra nhiệm vụ cho đợt 2 là tiêu diệt các điểm cao tại khu đông, uy hiếp trực tiếp khu trung tâm Mường Thanh.

Cônnhi viết thư cho Nava: “Mỗi ngày phải chuyên chở gần 2.000 tấn theo đường sắt từ Hải Phòng lên Hà Nội, nhưng Việt Minh liên tiếp đánh đổ các đoàn tàu”. Cônnhi yêu cầu tăng cường lực lượng cơ động và công binh bởi vì không giải quyết được vận chuyển tiếp tế thì sẽ dẫn đến phải rút lui cả Hà Nội.

Từ ngày 13 tháng 2 đến 25/3, quân địch đã đùng 750 máy bay chiến đấu thả 1.100 tấn bom vào tuyến quân ta. Trận địa chiến hào quân ta vẫn tiếp tục bò vào khu trung tâm và các điểm cao khu đông.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta chống càn tiêu diệt 511 tên của GM 4 ở Hạ Bằng, Sơn Tây.

Trên đường số 5, quân ta phục kích đánh 2 đại đội thuộc GM 3, một trung đội công binh đang đi mở đường. Kết quả: 85 tên bị bỏ mạng, 65 tên bị bắt, phá hủy 2 xe tăng, 3 thiết giáp, 13 xe vận tải, giải thoát 108 chị em phụ nữ bị bắt giam ở Nhà tiền Hà Nội mà chúng giong theo.

27 - 3

Tại Ngọc Chiến (Sơn La) quân ta diệt thổ phỉ, bắt 307 tù binh, thu 531 súng  các loại.

Trong thời gian chuẩn bị đợt 2, quân ta đã đẩy mạnh hoạt động, đẩy lùi tất cả các cuộc phản công của địch từ Mường Thanh, quân địch bị thiệt hại: 450 tên chết và bị thương, 6 xe bị phá hủy, máy bay khu trục, 2 máy bay vận tải bị hạ, 2 chiếc khác bị bắn cháy trên đường băng. Kể từ ngày 27 tháng 3 trở đi, sân bay không dùng được nữa. Quân địch chỉ có thể tiếp tế bằng thả dù.

28 - 3

Tại Điện Biên Phủ, chiếc máy bay thứ 43 bị hạ.

29 - 3

Tại Điện Biên Phủ, trong 10 ngày tích cực chuẩn bị tiến công đợt II quân ta đã đào hơn 100 km hào giao thông, trong đó có đường hào bao quanh Mường Thanh và rất nhiều chiến hào nối liền trận địa xuất phát xung phong giữa trung đoàn này với trung đoàn khác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên quân ta bước vào chiến đấu đợt 2.

Đường liên lạc giữa Mường Thanh và Hồng Cúm hoàn toàn bị cắt đứt.

Tại Pari, bộ quốc phòng Pháp họp nghiên cứu thực hiện kế hoạch “Diều hâu” của Mỹ và cử Brôhông (Brohon) sang Đông Dương gặp Nava để cùng nghiên cứu những điều kiện, khả năng thực hiện kế hoạch đó. Nava gửi thư cho Cônnhi: “Về vấn đề này (tức là vấn đề kêu thiếu mọi phương tiện của Cônnhi), tôi chỉ có thể nhắc lại điều mà tôi đã nói với ngài khá nhiều lần là: chúng ta đang bị cuốn vào một cuộc tổng hợp chiến.

…Trong việc phân phối binh lực, rõ ràng ngài là người được chiếu cố hơn các vị chỉ huy ở địa phương khác. Lúc nào ngài cũng nằng nặc đòi tăng viện chỉ có nghĩa là ngài đòi hỏi tôi điều mà chính bản thân ngài cũng biết là tôi không thể nào thêm được cho ngài, hoặc nếu tôi có thêm cho ngài thì tức là tôi đã làm thiệt hại  cho các bạn chiến đấu của ngài”.

Tại Liên khu 5, quân ta phục kích trên đường số 19 và tiến công đèo Thượng An: Tiểu đoàn 17 của GM 11 hoàn toàn bị tiêu diệt, 4 đại bác 105, 18 xe vận tải GMC bị phá hủy.

30 - 3: Đợt tiến công thứ hai bắt đầu:

17 giờ, pháo ta tập kích dữ dội vào khu trung tâm và các điểm cao khu đông.

18 giờ, bộ binh bắt đầu nổ súng tiến công.

Sau 45 phút, ta tiêu diệt xong C1. Sau 1 giờ rưỡi, ta tiêu diệt xong đồi E. Sau 2 giờ, ta hoàn toàn làm chủ điểm cao D1. Tiêu diệt các điểm cao C2, D2. Một đơn vị của ta thọc hẳn vào tiểu đoàn dù ngụy số 5 và trận địa pháo binh địch đặt ở cứ điểm 210 sau các đồi E, D. Phía đồi A1, 18 giờ 30 phút ta mở hai mũi xung phong vào phía đông bắc cứ điểm.

Tại Liên khu 5, quân ta lại phục kích đánh địch ở Đèo Mang, phía đông An Khê, tiêu diệt 1 đại đội địch.

31 - 3

03 giờ, Tiểu đoàn 11 tiêu diệt xong trận địa pháo địch ở cứ điểm 210...

Tại đồi A1, 4 giờ sáng, ta đã chiếm 2 phần 3 cứ điểm, quân địch dựa vào một phần còn lại và hầm ngầm kiên cố tiếp tục chống cự kịch liệt với ta. Đến sáng sớm, địch thúc tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 lên phản kích. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra giằng co quyết liệt. Đến chiều địch chiếm lại được 2 phần 3 cứ điểm, ta chỉ còn giữ được 1 phần 3 ở phía Đông Bắc.

Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định thay lực lượng tiếp tục tiến công A1, đồng thời chỉ thị cho cả mặt đông và tây cùng hoạt động để phân tán binh lực của địch.

Tại Liên khu 4, ta đánh lật nhào một đoàn tàu gồm 1 đầu máy, 5 toa và tiêu diệt 1 đại đội địch.

1. Sự thật thì chỉ mới có 2 đại đoàn bộ binh lên Tây Bắc mà thôi.

Kim Yến (st)       

Còn nữa


 

Tháng 4 năm 1954

1 - 4

Cuộc chiến đấu ở đồi A1 vẫn diễn ra ác liệt. Nhiều trận xung phong và phản xung phong diễn ra liên tiếp.

Ở phía Tây, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm 106.

Chỉ thị của Nava cho Cônnhi: Quân đội đồn trú phải kéo dài cuộc chống giữ đến mùa nước thì Việt Minh buộc phải cởi vòng vây.

2 - 4

Tại Điện Biên Phủ:

Cứ điểm 311 (tức Căng Na) ở phía tây Điện Biên Phủ bị uy hiếp mạnh, 120 tên thuộc 2 đại đội của Tiểu đoàn Thái số 3 chạy ra hàng quân ta.

2 đội dũng sĩ của ta thâm nhập vào sân bay, bắt 10 tù binh.

11 giờ quân địch từ Mường Thanh ra phản kích định chiếm lại mỏm thìa lìa trên đồi A1, nhưng bị quân ta đánh lùi. Nửa đêm, ta lại tổ chức một đợt tiến công mới nhưng vẫn không kết quả.

Tại đồng bằng Bắc Bộ:

Ta tiêu diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn khinh quân 709 ở vị trí Đông Tạ (Kiến An).

Địch tăng viện tiểu đoàn dù thuộc địa lên Điện Biên Phủ.

4 - 4

04 giờ, trung đoàn 102 được lệnh ngừng chiến đấu và bàn giao nhiệm vụ phòng ngự cho đơn vị bạn. Đợt tiến công A1 tạm ngừng. Quân địch vẫn chiếm được 2 phần 3 cứ điểm, quân ta giữ mỏm thìa lìa.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, trên đường số 5 ta lại đánh đổ một đoàn tàu quân sự chở đầy binh lính và vũ khí của địch.

Tại Liên khu 5, ta phục kích diệt 6 xe và một số lính địch.

Tại Hạ Lào, liên quân Lào - Việt phục kích đánh 1 tiểu đoàn địch ở kilômét 59 đường số 13, diệt 1 đại đội địch, phá hủy 30 xe cơ giới và 4 đại bác 105 ly.

5 - 4

Đêm 4 tháng 4 ta tiến công cứ điểm 105, quân ta đã tiêu diệt 3 phần 4 cứ điểm, đến sáng địch cho 1 tiểu đoàn, 5 xe tăng phản kích từ Mường Thanh ra. Ta tiêu diệt được một số. Nhưng đến 8 giờ, địch chiếm lại được cứ điểm 105.

Đợt tiến công thứ hai của quân ta vào khu đông chấm dứt. Trong đợt này, quân ta đã tiêu diệt được khoảng 2.300 tên địch gồm 1 tiểu đoàn và 9 đại đội. Pháo cao xạ ta đã hạ 4 máy bay địch.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt vị trí Hòa Đình (Bắc Ninh) diệt 155 tên.

7 - 4

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiến công vị trí Thượng Tó gần Hà Nam, tiêu diệt 230 tên địch thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn lê dương số 5 (3/5 REI).

Tại Liên khu 4, ta tập kích vị trí Sơn Tùng, diệt 90 tên.

Tại Điện Biên Phủ, địch thả dù tăng viện Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 (2e BEP).

Máy bay trinh sát của Mỹ bay trên bầu trời Điện Biên Phủ để nghiên cứu điều kiện thực hiện kế hoạch “Diều hâu”.

Trong Hội nghị cán bộ, Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ nhận định thắng lợi đợt 2, biểu dương những tiến bộ, đồng thời phê phán những hiện tượng sai lầm trong đợt chiến đấu vừa qua.

Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ đề ra nhiệm vụ mới:

Tiêu diệt thêm một bộ phận những lực lượng mới của địch.

Đánh chiếm thêm một số cứ điểm.

Tăng cường và tiếp tục đào trận địa tiến công bao vây thọc hẳn vào khu trung tâm để cắt đứt tiếp tế tiếp viện địch, chuẩn bị mọi điều kiện có lợi để chuyển sang tổng công kích.

9 - 4

Quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại C1. Cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt. Mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm.

Súng phòng không 12,7 ly hạ chiếc máy bay vận tải hai thân (C.119) đầu tiên.

10 - 4

Địch tiếp tục thả Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 xuống Điện Biên Phủ. Quân địch dã man thả bom vào bản Long Nhai, nơi mà chúng đã tập trung dân làm chết một lúc 444 đồng bào ta. Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tập kích vị trí Đan Nhiễm (Hưng Yên) diệt 125 tên địch.

12 - 4

Pháo cao xạ ta hạ một B.24. Đó là chiếc máy bay thứ 50 bị ta bắn rơi ở Điện Biên Phủ.

Nava nghiên cứu định thực hiện kế hoạch Côngđo, một kế hoạch đánh tháo cho quân đội đồn trú Điện Biên Phủ chạy sang Lào.

Tại Liên khu 5, ta lại phục kích đánh địch trên đường số 19 từ Plây Cu đi An Khê, diệt 22 xe địch.

13 - 4

Hồi 15 giờ, một máy bay oanh tạc B.26 địch thả bom nhầm vào quân lính chúng chiếm đóng ở Bắc khu trung tâm Mường Thanh.

14 - 4

Cônnhi báo cáo cho Đờ Cát biết kế hoạch Côngđo sẽ được thực hiện với 4 tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Gôđa (Godard). Đến 20 tháng 4 lực lượng này sẽ tiến đến vùng Mường Khoa - Pác Luông thuộc lưu vực sông Nậm Hu.

15 - 4

Tại Hà Nội, Coonnhi tiếp tư lệnh không quân Mỹ Patơrítgiơ đến để nghiên cứu lại kế hoạch “Diều hâu”. Kế hoạch đó giờ được dự kiến như sau: 90 máy bay oanh tạc hạng nặng B.29 sẽ xuất phát từ căn cứ Mani (Philíppin) đến đánh Điện Biên Phủ.

Đờ Cát được thăng tướng.

16 - 4

Tại đồng bằng Bắc Bộ, bộ đội ta chặn đánh diệt 300 tên địch đi càn ở vùng Duyên Hà (Thái Bình)

18 - 4

Tại Điện Biên Phủ, ta tiêu diệt cứ điểm 105 (bắc sân bay).

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích 1 tiểu đoàn địch ở vùng Đông Biên (Nam Định) diệt 250, bắt sống 254 tên thuộc GMVN , thu rất nhiều vũ khí, đạn dược.

Tướng Mỹ Canđêra (Caldera) cầm đầu một phái đoàn đến Sài Gòn trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch “Diều hâu”.

19 - 4

Tại Điện Biên Phủ, ta bẻ gãy các đợt phản kích của địch ra cứ điểm 105.

20 - 4

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích trên đường số 5, gần Như Quỳnh (Hưng Yên) diệt 1 tiểu đoàn địch thuộc GM3, thu 85 súng trường, 25 trung tiểu liên, phá hủy 3 xe tăng.

Nava gửi về Pháp bản báo cáo tình hình quân sự ở Đông Dương. Theo y, cuộc tổng phản công của ta đã diễn ra sớm 8 tháng trước khi thương lượng, hoặc thương lượng mà không ngừng bắn, trong lúc đó thì tích cực chuẩn bị một quân đoàn tác chiến mới, người của Pháp, trang bị và tiền của Mỹ, để tiến hành một cuộc chiến tranh mới bằng những phương tiện khổng lồ…

22 - 4

Ta tiêu diệt cứ điểm 206 bằng chiến thuật đánh lấn, cứ điểm cuối cùng của địch nằm sát sân bay ở về phía Tây. Mãi đến sáng hôm sau Đờ Cát mới biết việc này.

Quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay.

Bộ Chỉ huy Mặt trận kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ hãy đẩy mạnh phong trào “săn tây, bắn tỉa” và chuẩn bị tiến công đợt 3: tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, đánh chiếm cho hết các điểm cao phía đông và các cứ điểm đột xuất phía tây, đưa tất cả hỏa lực các cỡ của ta vào gần để khống chế không phận, uy hiếp khu trung tâm, tăng cường hoạt động tiêu hao địch và tranh đoạt tiếp tế, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

23 - 4

2 tiểu đoàn địch với 5 xe tăng phản kích đánh ra cứ điểm 206 nhưng hoàn toàn thất bại. Hơn 2 đại đội lính dù bị tiêu diệt.

Một khẩu đội sơn pháo 75 ly của ta bố trí trên đồi E diệt 4 khẩu 105 ly địch giữa lúc chúng vừa kéo ra khỏi công sự.

Bộ Tham mưu của Nava báo cho Cônnhi biết là 150 bao than hoạt tính và 150 túi bột hóa học sẽ rời Pari ngày 24 tháng 4 bằng máy bay để dùng vào việc làm mưu nhân tạo trên các tuyến đường giao thông của ta.

Tại Điện Biên Phủ, trận địa chiến hào quân ta từ hai mũi phía đông và tây cắt ngang sân bay đã gặp nhau.

Tại Pari, ngoại trưởng Pháp và Anh gặp nhau bàn về kế hoạch “Diều hâu”.

26 - 4

Hội nghị Giơnevơ bàn về Triều Tiên và Đông Dương khai mạc.

27 - 4

Tại Điện Biên Phủ, Đảng ủy Mặt trận triệu tập hội nghị Bí thư Đảng ủy các đại đoàn phê phán các hiện tượng “hữu khuynh tiêu cực”.

28 - 4

Tại Liên khu 4, ta tiến công vào Ưu Điềm, Phò Trạch tiêu diệt hơn 200 địch, 1 kho xăng bị đốt cháy.

Địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy (Côngđo) nhưng thất bại.

phan 4 anh 1
Đêm 7/5/1954, Đại đoàn 304 tiến công truy kích bắt sống
toàn bộ quân địch ở phân khu Nam Hồng Cúm

Tháng 5 năm 1954

1 - 5: Đợt tiến công thứ 3 bắt đầu:

Ở phía đông: Trung đoàn 98 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1 sau 20 ngày tranh chấp ác liệt với địch. Trung đoàn 209 tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A (dưới chân dãy điểm cao khu đông).

Ở phía Tây: Trung đoàn 88 đánh lấn tiêu diệt cứ điểm 311A.

Ở phía Nam (Hồng Cúm) Trung đoàn 57 đánh vào khu C, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

Lương thực của quân đội đồn trú chỉ còn lại có 3 ngày, 275 viên đạn 155 ly, 14.000 viên 105 ly và 5.000 viên cối 120 ly.

3- 5

Đêm 2 tháng 5, trung đoàn 36 tiêu diệt cứ điểm 311B ở phía tây MườngThanh.

Trận địa quân ta bao vây sát trung tâm chỉ còn cách sở chỉ huy Đờ Cát trên dưới 300m.

Một đại đội ta được lệnh đóng chốt ở bản Nà Ti, không cho địch tháo chạy sang Lào.

Cônnhi chỉ thị cho Đờ Cát một kế hoạch tháo chạy khác gọi là kế hoạch

“Chim biển” (Albatros), nhưng tất cả bọn sĩ quan chỉ huy Điện Biên Phủ đều mất tin tưởng Đờ Cát quyết định ở lại với thương binh.

4 - 5

Quân địch phản kích địch chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại.

5 - 5

Địch thả tiếp tiểu đoàn dù thuộc địa số l xuống Điện Biên Phủ.

6 - 5

Quân ta đã đào xong một đường ngầm đưa 1.000 kg bộc phá vào đặt dưới hầm ngầm của địch và một hào giao thông cắt đồi A1 với A3, lập cứ điểm A1 với khu trung tâm.

20 giờ 30 phút: Toàn mặt trận lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1000kg làm hiệu lệnh.

23 giờ: Trung đoàn 165 tiến công vào cứ điểm 506 bên bờ sông Nậm Rốm, tiêu diệt Trung đoàn 209 tiến công cứ điểm 507, nhưng không thành công.

Trung đoàn 102 đánh vào cứ điểm 310, tiêu diệt Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn dù số 1 ở phía Tây.

7 - 5

02 giờ 30 phút: Cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên điểm cao A1. Tên quan tư chỉ huy ở đây bị ta bắt sống.

5 giờ 30 phút: 2 đại đội và 1 xe tăng phản kích đánh lên A1, nhưng bị hỏa lực pháo của ta bắn cho tơi bời phải rút chạy. Đó là trận phản kích cuối cùng của địch lên điểm cao A1.

9 giờ: Dưới hỏa lực yểm trợ của Trung đoàn 174 trên A1 và hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh ta, trung đoàn 98 tiêu diệt hoàn toàn C2, bắt sống trên 600 tên địch.

Trung đoàn 165 đánh chiếm 506.

Trung đoàn 209 tiến công 507 và tiếp tục lấn đất.

Tình hình lúc này: Sau khi quân ta đã tiến công thắng lợi các điểm cao A1, C1, C2, 506, 310, khu vực chiếm đóng của địch chỉ còn lại mỗi chiều trên dưới 1000m.

Tinh thần binh lính địch hoàn toàn tan rã.

10 giờ: Cônnhi nói chuyện với Đờ Cát qua vô tuyến điện thoại.

14 giờ: Thấy quân địch có nhiều triệu chứng tan rã, lợi dụng thời cơ có lợi, đại đoàn 312 ra lệnh cho trung đoàn 209 tiếp tục tiến công cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh. Hầu như trong tất cả các trận địa của địch đều xuất hiện cờ trắng, vải trắng. Trung đoàn 209 tiến công tiêu diệt các cứ điểm 508, 509, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Trong khu trung tâm bắt đầu có triệu trứng địch phá hủy vũ khí, và quẳng vũ khí xuống sông. Ngay trong lòng Mường Thanh cũng xuất hiện cờ trắng.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận ra lệnh: Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

15 giờ 30 phút: Các sĩ quan đều đến quây quần bên cạnh Đờ Cát: Awnggle,

Bigia, Lơmơniê, Vađô... Đờ Cát điện về Cônnhi báo cáo tiếng súng chống cự sẽ ngừng vào 7giờ sáng mai.

16 giờ: Đơn vị đầu tiên của Đại đoàn 312 vượt qua cầu Mường Thanh.

16 giờ: Pagít, Tham mưu trưởng tập đoàn cứ điểm gọi điện cho Lalăng Hồng Cúm thúc phải gấp rút thực hiện kế hoạch tháo chạy.

16 giờ 30 phút: Quân ta tiến sát đến sở chỉ huy Đờ Cát.

17 giờ 55 phút: Đại đoàn 312 báo cáo lên Bộ chỉ huy Mặt trận: “Tất cả quân địch trong khu trung tâm đã đầu hàng. Đờ Cát và cả ban tham mưu của hắn đã bị bắt”.

17 giờ 55 phút: Cônnhi điện báo cho Lalăng tìm mọi cách tháo chạy.

18 giờ 30 phút: Lalăng ra lệnh cho quân lính rời khỏi Hồng Cúm.

19 giờ: Trung đoàn 57 truy kích sát địch về phía Lào.

24 giờ: Toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm gồm 2000 tên rút chạy đã đầu hàng quân ta.

Thế là sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc đại thắng lợi.

Yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta
trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở thêm một trang lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam ta.

Lúc quân đội viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và tướng Đờ Cát bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ thì bọn cầm quyền ở Pháp mới buộc lòng phải ký Hiệp nghị Giơ – ne - vơ.

Làm như vậy họ đã tỏ ra một phấn nào “biết điều”. Nhưng tiếc thay, giá họ “biết điều” sớm hơn thì họ đỡ phải mất thêm 6000 triệu đô la, khỏi phải nướng hàng vạn quân viễn chinh để rồi không đổi lấy được cái gì ngoài sự nhục nhã cho quân đội Pháp, cho đế quốc Pháp.

Trước sự thất bại quá đột ngột lúc bấy giờ, các nhà chính trị, quân sự đế quốc Pháp hết sức cay cú đã đổ dồn trách nhiệm vào đầu Na - Va. Họ làm tình làm tội tên bại tướng này và lập luận rằng giá được một viên tướng nào khác chỉ huy giỏi hơn thì ngọn cờ tam tài đâu đến nỗi phải bị vùi dập phũ phàng trên mảnh đất Điện Biên Phủ xa xôi!.

Dù sao các nhà chính trị và chiến lược ấy cũng đành công nhận một thực tế là ở Điện Biên Phủ họ đã thất bại nặng, chúng ta đã chiến thắng lớn. Thực tế đó ăn sâu trong óc họ cho đến ngày nay, vì vậy do kinh nghiệm bản thân, vừa qua trước những thắng lợi to lớn của nhân dân ta ở miền Nam, một số người trong họ đã khuyên người Mỹ đừng dùng biện pháp quân sự để gỉải quyết vấn đề Việt Nam. Không biết người Mỹ suy nghĩ gì trước lời khuyên ấy hay là vẫn cứ điên cuồng lăn theo “vết xe đổ” của thực dân Pháp?

Tuy nhiên, từ chỗ công nhận thực tế là sự thất bại nặng nề của họ ở Điện Biên Phủ, những nhà chính trị và chiến lược của đế quốc Pháp vẫn chưa rút ra được những kết luận thích đáng. Kết luận đích đáng nhất cần rút ra là: Trong chiến dịch Điện - Biên - Phủ, yếu tố gì là yếu tố quyết định trên chiến trường đã làm cho họ phải thất bại, đã làm cho đối phương của họ tức là ta giành thắng lợi to lớn và vẻ vang?

Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương lúc bấy giờ, Pháp đã tung ra trên chiến trường Việt Nam gần 15 vạn quân viễn chinh Pháp và hơn 30 vạn quân ngụy, số quân chừng đó phải chăng là quá ít? Pháp đã phải tiêu tốn 6 nghìn triệu đô la, tính ra bằng 21 nghìn triệu đồng Việt Nam; số tiền đó phải chăng là quá thiếu? Mặt khác, Pháp còn tung ra hàng vạn cán bộ chỉ huy và nhân viên kỹ thuật, trên chiến trường Việt Nam đã hầu như đủ mặt các danh tướng của Pháp lúc bấy giờ như Đác – giăng - li - ơ, Lơ - cơ - léc, Moóc- li - e, Va - luy, Các - păng - chi - ê, Đờ - lát, Đờ Tát - xi- nhi, Cô - nhi, Xa - lăng, Na - Va,… số tướng tá như vậy phải chăng là quá hiếm?

Không! Số quân của họ có thừa, tiền của họ có thừa, trang bị kỹ thuật của họ có thừa, cán bộ của họ có thừa, ít ra cũng là quá thừa so với lực lượng của chúng ta lúc đầu. Thế nhưng họ vẫn thất bại.

Chắc đại tướng Các - păng chi ê còn nhớ, vào năm 1950, khi Cao Bằng bị thất thủ, quân của “tướng quân” đóng ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, có phải vì mất tinh thần cho nên “tướng quân” phải buộc lòng hạ lệnh cho rút lui và tháo chạy?

Nếu thống chế Đờ Lát còn sống, chắc ngài còn nhớ, trong chiến dịch Hòa Bình năm 1951, ngài mới bị đả có mấy trận kha khá thôi, nhưng có phải vì tinh thần quân đội của ngài đã ruỗng ra cho nên buộc lòng thống chế phải bỏ phòng tuyến mà hồi đó ngài cho là một phòng tuyến chiến lược?

Ngay từ hồi ấy, giá các ngài nhận rõ quân đội của các ngài không còn đủ tinh thần tiến công và phòng ngự nữa để kịp thời rút ra kết luận thích đáng đâu đến nỗi các ngài mang lấy mối “trận Điện Biên Phủ” về sau?

Một điều nổi bật của quân đội Pháp lúc bấy giờ là tinh thần chiến đấu quá sút kém. Đó là một nguyên nhân chính làm cho quân đội Pháp thất bại. Trạng thái tinh thần ấy là con đẻ của hoàn cảnh xã hội của nước Pháp lúc bấy giờ. Hoàn cảnh đó có những đặc điểm chính như sau:

phan 4 anh 2
Vận chuyển lương thực bằng thuyền mảng cho mặt trận Điện Biên Phủ

1. Sau đại chiến lần thứ hai, chính sách của đế quốc Pháp không những không có sự thay đổi gì đáng kể mà trái lại còn phản động hơn trước. Đối nội, họ thực hành một chính sách phản dân chủ; đối ngoại, họ thực hành chính sách lệ thuộc vào đế quốc Mỹ; đối với các nước thuộc địa, họ thực hành một chính sách bạo lực rất phản động. Tính chất phi nghĩa và phản động của những chính sách ấy làm cho quân đội của họ ngày càng thêm suy nhược, càng thêm chán ghét chiến tranh.

2. Đế quốc Pháp đưa quân đội đi tiến hành chiến tranh xâm lược ở một nơi cách xa nước Pháp hàng vạn ki lô mét, trong một thời kỳ mà cao trào cách mạng giải phóng dân tộc đang dâng lên cuồn cuộn. Trong cuộc chiến tranh xâm lược đó, họ và quân đội của họ lại dựa vào gìai cấp phong kiến địa chủ đang suy tàn và giai cấp tư sản mại bản phản động yếu ớt ở Việt Nam, như thế chẳng khác nào người sắp chết đuối mà vớ phải cọc.

3. Từ trong chính sách phản động và chiến tranh phi nghĩa ấy, quân đội của Pháp không đào đâu ra được một lý tưởng chiến đấu, hơn nữa nó lại gặp phải một đối phương là dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam tuy lúc đầu còn yếu kém về trang bị kỹ thuật, nhưng lại có một tinh thần chiến đấu rất anh hùng. Vì vậy bản thân tinh thần của quân đội Pháp đã kém lại ngày càng sút kém nhanh chóng và trầm trọng hơn.

Chiến thắng của ta và sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam phản ánh một sự so sánh lực lượng phức tạp, trong đó yếu tố tinh thần của quân đội đôi bên chiếm một vị trí quan trọng, có tính chất quyết định trên chiến trường. Nhưng bất cứ một trạng thái tinh thần nào cũng không phải nảy sinh và phát triển một cách độc lập mà nó tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác như chế độ xã hội, năng lực lãnh đạo và nhất là mục tiêu chính trị… Vì vậy, khi bàn về yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải đứng trên quan điểm đó.

Mùa Thu năm 1945, nước ta tuyên bố độc lập, nhân dân ta lần đầu tiên sau gần 80 năm làm nô lệ được hưởng tự do dưới một chế độ dân chủ thật sự. Nhưng chưa được bao lâu thực dân Pháp, được sự ủng hộ của Anh và Mỹ gây chiến ở nước ta, âm mưu quàng cái ách thuộc địa lên đầu nhân dân ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Đảng và Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống  xâm lược Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Khẩu hiệu ấy đã phát động rất mạnh lòng tự hào, tinh thần bất khuất và quật cường của dân tộc ta, làm cho cả nước sôi sục đứng lên đánh Pháp với mọi phương tiện sẵn có trong tay. Khẩu hiệu ấy đã động viên và giáo dục nhân dân ta xác định một thái độ chính trị kiên quyết chống thực dân Pháp, giành cho kỳ được độc lập dân tộc với bất cứ giá nào. Khẩu hiệu ấy có tác dụng cách mạng hóa quần chúng rất lớn, hướng họ vào và nâng cao quyết tâm kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu ấy, đứng về mặt chiến lược mà nói, nhằm mục tiêu có giành lấy ưu thế về chính trị và tinh thần của quân và dân ta ngay từ lúc đầu trong sự so sánh lực lượng giữa đôi bên. Nhờ vậy mà từ cuối năm 1945 đến năm 1950, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ và hết sức chênh lệch về lực lượng vật chất, chúng ta vẫn kiên trì kháng chiến và thu được một số thắng lợi bước đầu.

Ý nghĩa lớn lao của những thắng lợi đó là chúng ta đã phá được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch. Mặt khác, chiến lược kháng chiến lâu dài của ta đã được thực tiễn chứng minh là đúng và ngày càng phát huy tác dụng rõ rệt.

phan 4 anh 3
Xe trâu phương tiện vận chuyển hiệu quả phục vụ cho mặt trận

Thu Đông năm 1950, chúng ta thắng lợi ở Biên giới. Thắng lợi này có ý  nghĩa rất quan trọng. Nó đánh một đòn rất mạnh vào quyết tâm của các tướng lĩnh Pháp, vào tinh thần của quân đội viễn chinh Pháp và quân ngụy. Đồng thời, nó làm cho toàn dân và toàn quân ta từ Nam chí Bắc vô cùng phấn khởi, tinh thần của quân và dân ta tăng lên một cách nhảy vọt. Mọi người, qua thắng lợi đó, đều thấy rằng Đảng, Chính phủ, dân tộc mình, quân đội mình và chính mình đã lớn mạnh lên nhiều, rằng kháng chiến lâu dài không phải là vô hạn độ, triển vọng thắng lợi đã nhích lại gần chúng ta hơn trước nhiều, địch đã phải chịu thất bại chua cay và không thể huênh hoang như trước nữa.

Tiếp đến thời kỳ năm 1950 - 1953, trên khắp các chiến trường từ Nam chí Bắc, chúng ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, và đặc biệt là phong trào chiến tranh du kích sôi nổi, mạnh mẽ và phát triển sâu rộng hơn lúc nào hết. Những sự kiện nổi bật có ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần của quân và dân ta trong thời kỳ này là: Cải cách ruộng đất và các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân ở trong Đảng và trong quân đội. Cuộc cách mạng ruộng đất đã làm cho nông dân lao động vùng lên, qua cuộc đấu tranh giai cấp với địa chủ, tư tưởng và tinh thần của nông dân có một sự chuyển biến rất mạnh, sự giác ngộ dân tộc được kết hợp chặt chẽ với sự giác ngộ giai cấp, do đó tinh thần chiến đấu chống giặc Pháp của họ tăng lên gấp bội. Nông dân lao động qua cải cách ruộng đất được cách mạng hóa thêm một bước cao hơn, trạng thái tinh thần của nông dân đã có một sự biến đổi về chất lượng. Cuộc đấu tranh giai cấp của nông dân lúc bấy giờ do Đảng ta lãnh đạo đã thúc đẩy rất mạnh cuộc kháng chiến của toàn dân, đã thúc đẩy rất mạnh quân đội tập trung và dân quân du kích giết giặc lập công. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, yếu tố tinh thần của quân và dân ta đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhạy bén của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn đó. Các cuộc chỉnh quân và chỉnh huấn trong quân đội tiến hành vào thời kỳ này có một ý nghĩa to lớn và sâu sắc. Nó làm cho quân đội ta giác ngộ chính trị cao hơn trên cơ sở của sự giáo dục giai cấp, của sự giáo dục đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, đường lối chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân của Đảng.

Nó là một cuộc vận động cách mạng hóa quân đội thêm một bước mới, hướng cho cán bộ và chiến sĩ nhận rõ bản chất của quân đội nhân dân, phân rõ ta, bạn, thù, xác định mục tiêu chiến đấu là giành độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến tới chủ nghĩa xã hội, xác định quân đội phải chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân... Tư tưởng cách mạng của quân đội ta được phát động lên cao và sâu sắc hơn so với trước. Do đó,  đến thời kỳ này các chiến sĩ ta không còn thích những bài hát “Tráng sĩ một đi không trở lại” nữa, vì họ đã được trang bị thêm một số nhận thức khoa học về quy luật của cuộc đấu trarth gíai cấp và đấu tranh dân tộc, họ đã hiểu rõ hơn vì ai mà chiến đấu, chiến đấu để làm gì, phần thắng cuối cùng nhất định về ai?... Trong hoàn cảnh cách mạng đó, tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ so với trước cao hơn nhiều, và đó là một điều địch không lường tới, là một yếu tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Một thành công lớn của Đảng ta lúc bấy giờ là Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, các tổ chức Đảng trong quân đội và trong dân công, các tổ chức Đảng ở hậu phương đã nắm chắc và phát huy cao độ yếu tố đó trong suốt chiến dịch và trong chiến dấu, ở ngoài tiền tuyến cũng như hậu phương.

Đó là về phần ta. Còn về phần địch, do không đánh giá được yếu tố tinh thần của quân và dân ta dĩ nhiên họ không thể nào đánh giá đúng được cho nên lúc bấy giờ họ đã bị bốn cái bất ngờ lớn:

1. Họ cho rằng quân đội ta không thể có đủ tinh thần hoặc dù có đủ tinh thần cũng không làm gì nổi cái tập đoàn cứ điểm được bảo vệ dưới những lưới lửa dày đặc ở Điện Biên Phủ.

2. Họ cho rằng quân đội ta kém về trình độ văn hóa và kỹ thuật, không thể sử dụng được pháo binh và súng cao xạ một cách có hiệu quả và với địa hình phức tạp quanh Điện Biên Phủ, chúng ta không thể nào kéo pháo được đến gần trận địa của họ.

3. Họ cho rằng trình độ của cán bộ ta chỉ có thể chỉ huy đánh du kích khá, khó mà chỉ huy nổi một chiến dịch quy mô lớn, có nhiều sư đoàn tham gia, với một sự hợp đồng binh chủng phức tạp.

phan 4 anh 5
Xe quệt chở vũ khí phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ

phan 4 anh 6
Hơn 20.000 xe đạp thồ phục vụ mặt trận

4. Đặc biệt họ không đánh giá đúng khả năng hậu phương của ta lúc bấy giờ, họ cho rằng chúng ta không thể giải quyết nổi các vấn đề rất khó khăn, rất phức tạp về hậu cần như tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men, bổ sung quân số,…

Do đâu mà họ đánh giá và bị những bất ngờ đó? - Điểm xuất phát là do họ đánh giá quá thấp yếu tố tinh thần của chúng ta. Với quan điểm quân sự của họ, họ không hiểu được nói rằng, từ trong đường lối đúng đắn của Đảng ta, từ trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân và quân đội ta, đã toát ra một sức mạnh tinh thằn, và sức mạnh ấy tác động vào cuộc đấu tranh đã sáng tạo nên lực lượng vật chất cần thiết để chiến thắng họ.

* * *

Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài nói chung và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng do những nhân tố sau đây tạo thành:

1. Quân đội và nhân dân ta kế thừa sâu sắc truyền thống của cả một dân tộc anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mỗi một chiến sĩ, mỗi một người dân ta đều ít hay nhiều có mang theo tinh thần cao cả của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,…

2. Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta đã được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng ta là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn của cách mạng nước ta đã hun đúc tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta. Tinh thần dũng cảm chủ yếu bắt nguồn từ đường lối của chính trị đúng đắn đó. Đây là nhân tố cơ bản.

3. Quân đội ta là quân đội nhân dân, thực chất là quân đội công nông, tuyệt đại đa số gồm những người xuất thân từ công nông, tức xuất thân từ những giai  cấp, tầng lớp cách mạng nhất trong nhân dân ta. Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta không những đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và được rèn luyện qua những thử thách của cuộc đấu tranh yêu nước mà còn qua những thử thách của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn; cuộc đấu tranh giai cấp ấy vừa là trường rèn luyện, vừa là một nguồn động viên cổ vũ mạnh mẽ quân đội và nhân dân ta vùng lên chiến thắng,

4. Quân đội và nhân dân ta chiến đấu để bảo vệ và xây dựng một chế độ xã hội tiên tiến hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào trước đây ở nước ta. Chế độ xã hội của chúng ta đại diện cho cái mới, vì vậy nó dồi dào sức sống như mùa xuân, nó có đủ năng lực huy động những lực lượng tiềm tàng của nhân dân ta để đấu tranh có hiệu quả chống lại cái cũ mà thực dân Pháp là đại biểu, kết liễu cuộc đời của nó, mở đường cho cái mới phát triển, và cái mới đó là chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay.

*

*            *

Chỉ có dưới ánh sáng của học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, chúng ta mới đánh giá sâu sắc và toàn diện cách mạng trong chiến đấu. Học thuyết đấu tranh giai cấp là linh hồn của chủ nghĩa Mác, tư tưởng cách mạng của học thuyết đó thể hiện ở chỗ nó khẳng định rằng quần chúng nhân dân sáng tạo ra lịch sử, rằng giai cấp vô sản có khả năng cải tạo xã hội và cải tạo thế giới; nó khẳng định lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, và yếu tố con người, yếu tố tinh thần là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, của quần chúng nhân dân chống lại những giai cấp thù địch. Luận điểm yếu tố con người, yếu tố tinh thần là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh giai cấp của Mác, Ăng - ghen, Lê - nin và Xta - lin đã được chứng minh một lần nữa trong thực tiễn của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam ta. Đứng về mặt lý luận mà nói, ai nắm vững được luận điểm đó của chủ nghĩa Mác - Lênin tức là người đó đã nắm vững được một nội dung quan trọng của học thuyết đấu tranh giai cấp. Ngược lại ai xa rời hoặc phủ nhận luận điểm đó thì người ấy vứt bỏ một nội dung quan trọng của học thuyết đấu tranh giai cấp và họ sẽ đi tới phạm sai lầm trong hoạt động thực tiễn, thậm chí cả trong chiếm lược và sách lược nữa.

Đảng ta đánh giá đúng yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta, nhất là công nông trong cuộc chiến tranh. Quan điểm ấy không những quán triệt trong mọi công tác, học tập và chiến đấu của quân đội mà đặc biệt nó đã được quán triệt trong chiến lược, sách lược của Đảng ta trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nội dung chủ yếu của quan điểm đó trong đường lối cách mạng của Đảng ta là tư tưởng kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc là thái độ dứt khoát dựa vào nhân dân, dựa vào con người, để tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng.

Lô - gích của vấn đề này là: Ai đánh giá thấp lực lượng quần chúng, đánh giá thấp yếu tố con người, yếu tố tinh thần trong đấu tranh cách mạng thì tự khắc trước mắt của người ấy, chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ sẽ trở thành một “con người thép khổng lồ và khi đã thấy đế quốc khổng lồ thì nhất định sẽ thấy nhân dân cách mạng, nhất là các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ la-tinh chỉ “bé tí hon”(!) (Những người này cho rằng các dân tộc Á, Phi và Mỹ la-tinh lạc hậu, kém văn hóa và kỹ thuật cho nên khó địch nổi với bọn đế quốc). Từ cách nhìn đó họ chỉ có thể rút ra kết luận là: “Đừng dại đem trứng chọi với đá”(!). Cách nhìn đó là cách nhìn phản động, kết luận ấy mang tính chất thủ tiêu đấu tranh và đầu hàng đế quốc.

Trong việc xây dựng quân đội và chỉ đạo tác chiến, chúng ta đã coi trọng yếu tố con người, yếu tố tinh thần. Đương nhiên quân đội nào cũng cần có tổ chức, trang bị, biến chế, kỹ thuật, và kỹ thuật càng được cải tiến thì khả năng chiến đấu của nó càng có điều kiện tăng thêm. Kỹ thuật là quan trọng nhưng con người làm ra và sử dụng kỹ thuật, cho nên con người và tinh thần con người vẫn giữ vai trò quyết định.

Về đường lối xây dựng quân đội, tư tưởng chiến lược, chiến thuật, tác chiến cho đến công tác huấn luyện, lao động sản xuất... quan điểm của quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo phải khá hẳn quan điểm quân sự của giai cấp tư sản. Nó phải là quan điểm vô sản, xem con người, tinh thần là yếu tố quyết định trên chiến trường, trong chiến tranh và cả trong mọi hoạt động thời bình nữa. Thử hỏi từ chỗ không có một tấc sắt do đâu mà nhân dân ta làm nên sự nghiệp lớn lao như ngày nay?

Xin trả lời: Tiền bạc, vũ khí, trang bị kỹ thuật,... chúng ta thua kém nhiều so với đế quốc nhưng nhờ có một đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, một đảng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin, và dưới sự lãnh đạo của đường lối đó, nhân dân và quân đội ta đã đem hành động rất cách mạng, rất tự giác để kiên quyết khắc phục khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, sáng tạo dần dần lực lượng theo chiều hướng ngày càng có lợi cho ta, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Nếu ngày xưa ông cha ta mơ ước tìm thấy một sức mạnh thần kỳ ở nơi con người sắt của Phù Đổng thiên vương để đánh đuổi quân ngoại xâm, thì ngày nay chúng ta đã tìm thấy sức mạnh đó không phải đâu xa mà ở nơi đường lối cách mạng chính trị đúng đắn của Đảng ta. Đường lối chính trị ấy đã biến thành hành động cách mạng của hàng triệu quần chúng, và quá trình nó tác động vào quần chúng là quá trình nó làm cho tư tưởng cách mạng, tinh thần chiến đấu vốn có của dân tộc bị áp bức chuyển biến mạnh mẽ và trở thành vô địch. Đó là vũ khí sắc bén nhất mà chúng ta đã dùng để chiến thắng quân thù.

Luận điểm “con người, tinh thần là yếu tố quyết định” hiện đang là một vấn đề nóng hổi trong cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế, đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối của chủ nghĩa xét lại hiện đại.

Mang quan điểm của thuyết vũ khí, những người xét lại chủ nghĩa phủ nhận yếu tố quyết định của con người, của tinh thần trong đấu tranh cách mạng. Vì vậy họ đã nhìn chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, như “một con người thép khổng lồ” họ phủ nhận bạo lực là quy luật phổ biến của mọi cuộc cách mạng, họ không nhìn thấy một thực tế rất quan trọng là Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh đang là một trung tâm bão táp cách mạng, họ đánh giá quá thấp khả năng cách mạng của quần chúng nhân dân trên thế giới, bao gồm cả khả năng cách mạng của giai cấp công nhân và các tầng lớp cách mạng khác ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà những người theo chủ nghĩa xét lại phạm cả một loạt sai lầm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa họ đến chỗ phạm sai lầm là họ đã phủ nhận yếu tố quyết định của con người, yếu tố quyết định của tinh thần quần chúng cách mạng của học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những bài học của Điện Biên Phủ trong đó có bài học yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta - vẫn giữ nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.

Kim Yến (st)
Còn nữa 


 

Nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tướng Hoàng Văn Thái

…Trận Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, là một trận quyết chiến chiến lược quy mô lớn tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của quân đội viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức. Thắng lợi rực rỡ của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và trận quyết chiến chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với cục diện quân sự và chính trị trên toàn chiến trường Đông Dương, dẫn đến thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp đến thắng lợi vĩ đại. Thắng lợi đó kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, giải phóng một nửa nước ta, mở đầu thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, đẩy mạnh thế tiến công của ba trào lưu cách mạng trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Riêng về mặt quân sự, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) và chiến địch Điện Biên Phủ là một thành công mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta. Nó đánh dấu một bước phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.

Lần đầu tiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức và thực hành thắng lợi rực rỡ một chiến cục quyết chiến chiến lược trên quy mô toàn chiến trường ba nước Đông Dương, dẫn đến thắng lợi kết thúc cuộc chiến tranh: Lần đầu tiên chúng ta đã tổ chức và thực hành một chiến dịch tiến công tiêu diệt xuất sắc, một trận đánh quân địch trong công sự vững chắc quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng có tính chất trận địa, tiêu diệt gọn một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, kiên cố nhất của địch.

Cho đến nay, Điện Biên Phủ đã được coi là một trong những trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử chiến tranh và đấu tranh vũ trang của các dân tộc thuộc địa chống quân đội xâm lược của bọn đế quốc thực dân. Với cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân năm (1953 - 1954) mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh  giải phóng của các dân tộc, một nước thuộc địa nhỏ đã đánh thắng về quân sự một đế quốc to; một quân đội cách mạng còn trẻ tuổi, trang bị còn thấp kém đã đánh bại đội quân viễn chinh xâm lược nhà nghề, trang bị hiện đại, được xếp vào loại mạnh trong thế giới tư bản hồi đó.

Chiến thắng Đông Xuân (1953 - 1954) với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi to lớn của nhân dân ta mà còn là thắng lợi to lớn của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Bài học thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với nhân dân cũng như đối với các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng mãi mãi là một sự cống hiến rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

HTDB phan 5 anh 1
Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch họp tại Mường Phăng
 hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (22/4/1954)

Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong quãng thời gian ấy tình hình nước ta và tình hình thế giới đã có những biến chuyển rất sâu sắc; dân tộc ta dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng đã làm nên biết bao sự tích anh hùng trong sự nghiệp dựng nước cũng như cứu nước và giữ nước. Phát huy truyền thống “Quyết chiến quyết thắng” của Điện Biên Phủ, phát huy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nắm vững và vận dụng sáng tạo những quy luật giành thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc, vận dụng những bài học thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và Điện Biên Phủ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, suốt 21 năm ròng, đồng bào và chiến sĩ cả nước ta đã anh dũng đánh thắng liên tiếp mọi chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ; cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành toàn thắng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa thời đại sâu sắc và vững bước tiến lên giành thắng lợi mới. Tiếp đó, trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, đã giành thắng lợi to lớn; đồng thời đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên chặng đường công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; giữ vững an ninh, quốc phòng...

*

*       *

Về phía thực dân Pháp, sự kiện Điện Biên Phủ thất thủ diễn ra cách đây đã 30 năm. Từ các nhà quân sự có tên tuổi đến các chính khách, nhà văn, nhà báo phương Tây, người ta đã viết rất nhiều về Điện Biên Phủ. Họ đã nêu lên nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân thất bại, kẻ thì quy trách nhiệm cho Chính phủ Pháp, người thì đổ tại sai lầm chiến lược của tướng Na - va. Mãi đến nay họ vẫn chưa giải thích được vì sao quân Pháp đã thất bại, vì sao quân và dân ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ.

Về phía chúng ta những người làm nên chiến thắng lịch sử này, chúng ta nhận rõ rằng cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) và trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là sự phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đó là vì chúng ta được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, chúng ta nắm được quy luật phát triển tất thắng của cách mạng và chiến tranh cách mạng nước ta, nắm vững quy luật chiến tranh xâm lược của địch. V.I.Lê-nin từng nói rằng: Trong lịch sử cũng như trong tự nhiên, không hề có phép lạ. Nhưng mỗi bước ngoặt đột phá của lịch sử, mỗi cuộc cách mạng đều biểu hiện một nội dung rất phong phú, đều phát triển những cách phối hợp các hình thức đấu tranh một cách rất bất ngờ, độc đáo và những tương quan lực lượng đối diện khiến cho nhiều việc xem như vượt qua khả năng của những trí não tầm thường.

Ở đây không có tham vọng nghiên cứu toàn diện và phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan của Chiến thắng Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chỉ tổng quát mấy nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhân tố chủ yếu nhất, cơ bản nhất dẫn tới thắng lợi là đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về quân sự là đường lối tiến hành toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tiến công địch một cách toàn diện, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài giỏi và sắc bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; là sự đánh giá đúng so sánh lực  lượng địch, ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác trong bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh.

Nhân tố thứ hai là sức mạnh chính trị tinh thần, sức mạnh của hậu phương đã được phát huy đến mức rất cao dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sự tổ chức và huy động lực lượng cả nước từ tiền tuyến đến hậu phương tạo nên một sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn để vượt qua những khó khăn thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi, làm nên những sự tích phi thường mà kẻ địch đinh ninh rằng quân và dân ta không thể làm được.

Nhân tố thứ ba và là nhân tố trực tiếp quyết định là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, là nghệ thuật chỉ đạo và vận dụng cách đánh sáng tạo trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.

Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật quân sự của chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

HTDB phan 5 anh 2
Xe đạp thồ vượt dốc trên đôi vai của dân công hỏa tuyến

Về chiến lược, đó là nghệ thuật nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy quyền chủ động tiến công chiến lược của ta, phá tan âm mưu và quyền chủ động của địch; là hạ quyết tâm và định hướng tiến công chiến lược và chọn thời điểm quyết chiến chiến lược chính xác... Về nghệ thuật chiến dịch là xác định phương châm và cách đánh chiến dịch đúng đắn, tạo ưu thế tuyệt đối về binh lực và hỏa lực cho từng trận đánh chắc thắng trong điều kiện lực lượng chiến dịch của ta không hơn địch nhiều và về binh lực, hỏa lực thì còn kém chúng; là tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, xây dựng trận địa tiến công và bao vây tạo và nắm thời cơ chuyển đợt chiến dịch, phát triển chiến thuật đánh công sự vững chắc…

Nhân tố thứ tư quyết định thắng lợi là sự liên minh chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là sự đồng tình và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.

Bài học lớn và thiết thực nhất đối với chúng ta là đi sâu vào khoa học và  nghệ thuật quân sự, phát huy hiệu lực thực tế của tất cả các nhân tố trên đây để tạo nên một sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong giai đoạn kết thúc chiến tranh và trong một chiến cuộc quyết chiến chiến lược. Rất rõ ràng, tìm hiểu sâu về những vấn đề trên cũnglà tích cực góp phần làm sáng tỏ thêm tài năng lãnh đạo cách mạng cùng nghệ thuật chỉ đạo chiến lược vừa cách mạng vừa khoa học của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nó giúp ta nắm vững hơn những bài học lớn mang tính quy luật về chỉ đạo chiếntranh và đấu tranh vũ trang cách mạng, những bài học đã phát huy tác dụng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và làm cơ sở cho việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết những vấn đề quân sự mới trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ - trận đánh để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình.

Hồ Chí Minh là người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, hòa bình cho dân tộc Việt Nam và hòa bình cho cả thế giới, một nền hòa bình chân chính trong độc lập tự do và bình đẳng. Người đã kiên trì bằng mọi cách, không sợ gian lao, vất vả để giải quyết mọi xung đột bằng hòa bình và thương lượng. Một tháng trước khi có Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp. Song khi cần phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng kiên quyết hy sinh(1).

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2).

Hai ngày sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong một bức thư gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp, nhân dân các nước đồng minh, Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi, chính phủ và nhân dân Việt Nam nhất định đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn quốc, nhưng sẵn sàng hợp tác thân thiện với nhân dân Pháp... Chúng tôi yêu chuộng các bạn, và muốn hợp tác thành thực với các bạn trong khối Liên hiệp Pháp, vì chúng ta có một lý tưởng chung: Tự do, bình đẳng và độc lập(3).

Trong suốt 9 năm kháng chiến, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời nêu quyết tâm “Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do”. Cho đến cuối tháng 11/1953, “Đêm trước của trận Điện Biên Phủ”, trong khi trả lời một nhà báo Thụy Điển, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy tám năm chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình. Hiện nay, nếu thực dân Pháp  tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút  được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận ý muốn đó”4.

Như vậy, cùng với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và tư tưởng “Quyết chiến, quyết thắng” vì độc lập - tự do, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh vẫn mở rộng cánh cửa hòa bình, thương lượng để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Cần nói thêm rằng, trong Kế hoạch Nava, cũng như đề án hoạt động Đông Xuân của ta chưa hề xuất hiện 3 chữ: Điện Biên Phủ. Sau ngày 20 và 21/11/1953, với sự có mặt của 6 tiểu đoàn quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đến tháng 12/1953, địch có ở đây khoảng 10 tiểu đoàn, thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới xuất hiện giữa rừng núi Tây Bắc. Như vậy, về phía thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ; tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương là khâu cuối cùng trong toàn bộ dây xích chiến tranh của tư tưởng tự do, độc lập hòa bình của Hồ Chí Minh. Bởi vì: “Ngọn cờ hòa bình do tay ta nắm và giương cao lên... Chúng ta tuyệt đối không nên có ảo tưởng rằng hòa bình sẽ đến một cách mau chóng và dễ dàng”.

Điện Biên Phủ trong tâm trí Hồ Chí Minh

Như phần trên đã nêu, khi Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, địa danh Điện Biên Phủ chưa được nhắc tới. Nhưng trước đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê chuẩn phương án tác chiến do Tổng Quân ủy trình bày với các hướng tiến công chiến lược là Tây Bắc, Tây Nguyên và Trung Hạ Lào, thì Hồ Chí Minh đã kết luận: “Phương hướng chiến lược không thay đổi” 5. Giải thích rõ thêm kết luận của mình, Hồ Chí Minh nói: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”6.

Thực tế là từ giữa tháng 11/1953, khi bộ đội chủ lực của ta mới tiến quân theo hướng chiến lược đã chọn: Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc (hướng thứ nhất), Trung đoàn 101 thuộc Đại đoàn 325 và Trung đoàn 66 thuộc Đại đoàn 304 tiến sang Trung Lào (hướng thứ hai), thì kế hoạch của địch đã bị đảo lộn. Phải chăng kết luận của Hồ Chí Minh “Lấy Tây Bắc làm hướng chính” nhìn trước một Điện Biên Phủ, nhưng là Điện Biên Phủ “có thể đánh địch và có lợi cho ta”. Từ đó, diễn ra một cuộc “chạy đua”, “giành giật” Điện Biên Phủ: Nava “ra tay trước” cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 10 tiểu đoàn trong vòng 10 ngày. Ta điều gấp 2 Đại đoàn 316 và 308 lên Lai Châu và Tây Bắc. Cái khác nhau giữa ta và địch trong khi tiến quân về Tây Bắc và Điện Biên Phủ là ở chỗ địch tuy “ra tay trước” nhưng trong thế bị động đối phó. Ta tuy cũng phải tiến gấp” nhưng như Hồ Chí Minh đã nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”7.

Điện Biên Phủ, như mọi người đã nói rõ, là một pháo đài rất mạnh. Nava hy vọng tập đoàn cứ điểm này có thể đè bẹp bộ đội chủ lực của ta và ý quyết giữ căn cứ này với bất cứ giá nào.

Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy biết rõ điều đó. Nhưng với phương châm hành động “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, ta thấy Điện Biên Phủ “căn bản vẫn có lợi cho ta” và “có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ”8. Một nguyên tắc chỉ đạo tác chiến chung được Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhấn mạnh là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt. Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh. Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán”9. Khi Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì Người thường xuyên theo dõi diễn biến của toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ với một sự quan tâm đặc biệt. Khi đồng chí Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ lên đường chỉ huy chiến dịch, Bác nói: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”10. Người đã nhiều lần có thư, điện gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong các bức thư và điện, Người xác định rõ: “Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”. Người rất vui lòng vì những thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật, vì bộ đội đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt nhiều địch ngoài mặt trận, Người động viên bộ đội “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ gìn quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”. Và như thường lệ Hồ Chí Minh bao giờ cũng “chờ tin thắng lợi để khen thưởng”. Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin từng ngày, từng giờ, Hồ Chí Minh đã đem cho cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người, những cán bộ chiến sĩ ngoài mặt trận; dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, đồng bào vùng địch tạm chiếm,… Người tin ở lãnh đạo dũng cảm, sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy mặt trận, Người có niềm tin tất thắng vì cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hòa bình của nhân loại: Trả lời nhà báo ÔxtrÂylia Bơcset về triển vọng cuộc chiến đấu của Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh đã dùng hình tượng “chiếc mũ lật ngược”, trong đó quân ta ở trên vành mũ, còn quân Pháp thì ở dưới lòng mũ. Hình tượng đó thể hiện lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của quân dân ta ở Điện Biên Phủ. Hồ Chí Minh tin ở con người, tức là tin vào thắng lợi của “Chiến dịch lịch sử”, nói rộng ra là tin ở sự nghiệp giải phóng con người. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Tháng 4 năm 1954, cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang ác liệt, tôi đến chào Bác trước khi đi Giơnevơ, Bác cho biết là sẽ có món quà quý tặng đoàn đại biểu của ta, và Chiến thắng Điện Biên Phủ, món quà vô giá ấy, đã đến ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ “khai mạc”11. Ở đây không chỉ là niềm tin vào thắng lợi bắt nguồn từ lòng tin vào con người mà còn là tầm nhìn xa, trông rộng lạ thường gắn với lòng dũng cảm và tinh thần kiên trì, quyết tâm chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng, mặc cho mọi trở lực và thử thách.

Tướng quân tại ngoại - Tư tưởng lớn, chiến thắng lớn.

Một trong những quan điểm xuyên suốt có ý nghĩa phương pháp luận của Hồ Chí Minh là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tình thương yêu nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, lòng tin vào con người, sự nghiệp đời đời phấn đấu quên mình vì lý tưởng tự do, độc lập hạnh phúc của con người... ở Hồ Chí Minh là không bao giờ thay đổi. Trong chiến trận, Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhấn mạnh với phương châm “cơ động, linh hoạt”. Người nói: Phép dùng binh phải thiên biến, vạn hóa. Sự thay đổi trong “phép dùng binh” Hồ Chí Minh nói không phải tùy tiện, thiếu cơ sở căn cứ, mà bao giờ cũng phải “tích cực, chủ động, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống”. Đó là trong trường hợp bàn tới phương châm tác chiến, hướng hoạt động. Còn ở ngoài mặt trận, khi “mặt giáp mặt với quân thù”, Hồ Chí Minh nói: “Tổng Tư lệnh mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định”12.

Tư tưởng này ở Hồ Chí Minh đã có từ sau năm 1951 khi Người viết cuốn “Phép dùng binh của Tôn Tử”. Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh đã chỉ ra “Tướng biết có thể đánh và không thể đánh”. Quân đội thắng lợi là vì họ chắc thắng rồi họ mới ra đánh, quân đội thất bại thì ra đánh rồi mới cầu thắng”13.

Ngoài biên ải, tổng chỉ huy có toàn quyền quyết định, nhưng phải trên cơ sở một nguyên tắc cao nhất là “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đó là tư tưởng lớn, vinh dự lớn, trách nhiệm lớn.

Tư tưởng “Tướng quân tại ngoại” chi phối mạnh mẽ suy nghĩ hành động của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ. Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “quyết định khó khăn nhất” là khi hầu hết tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm hậu cần; các cán bộ cao trung những đại đoàn tham gia chiến đấu, nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đều thấy “nên đánh ngay, giải quyết nhanh”. Các chuyên gia cũng đều nhất trí là cần đánh sớm, có khả năng giành chiến thắng bằng “đánh nhanh thắng nhanh”. Trong những giờ phút căng thẳng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lấy lời dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động: Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Và khi Tổng Chỉ huy đã “đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” thì chính anh - theo tư tưởng Bác Hồ - đã gọi điện cho các binh chủng báo chuyển phương châm tiêu diệt từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và cho các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần...”.

Một quyết định lui quân được chấp hành như mệnh lệnh chiến đấu. Mấy ngày sau khi gửi thư hỏa tốc về báo cáo Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh biết rằng “Bác và các anh ở nhà nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn”.

Chỉ huy trưởng đã xử trí tình huống theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thông minh, táo bạo, với một niềm tin tất thắng không gì lay chuyển nổi, để đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đơ Caxtơri. Hơn một vạn quân Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng.

Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ

Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ, nhân loại tiến bộ đã từng tung hô như vậy. Nhưng đã mấy ai hiểu được sợi dây bền chặt liên kết Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ là gì? Đó chính là tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập, tự do, tư tưởng giải phóng con người, lòng tin vào con người và một niềm tin tất thắng không có gì phá vỡ nổi. Hồ Chí Minh là linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tư tưởng “Tướng quân tại ngoại và đánh chắc thắng” là hành trang của Tổng Tư lệnh nơi biên ải, đem lại một niềm tin sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang.

PGS. Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

HTDB phan 5 anh 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận đánh mở màn của bộ đội
ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới (1950)

HTDB phan 5 anh 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng
họp ngày 6/12/1953 tại Việt Bắc quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

HTDB phan 5 anh 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

HTDB phan 5 anh 8

Nhân dân Hà Nội đón chào Chính phủ và Hồ Chủ tịch về Thủ đô (1/1/1955)

HTDB phan 5 anh 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn Huy hiệu cho các chiến sĩ lập công xuất sắc tại Điện Biên Phủ

Thành tích tiêu diệt địch trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kể từ ngày 13 - 3 đến ngày 7 - 5 - 1954, sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục quân ta đã toàn thắng. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Đờ Cát cùng binh lính địch lũ lượt kéo cờ trắng xin hàng. Một số tên ngoan cố bỏ chạy. Quân ta truy kích, đến 24 giờ cùng ngày đã bắt sống toàn bộ.

Tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống. 16.200 tên gồm 17 tiểu  đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh và 7 súng cối, 10 đại đội bổ sung và các đơn vị cơ giới, vận tải, phòng không, không quân. Tổng số sĩ quan, hạ sĩ quan địch bị tiêu diệt và bắt sống là l.766 tên gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá, 253 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá và 1.396 hạ sĩ quan.

Tổng số máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy là 62 chiếc, gồm 57 chiếc bị bắn rơi trên tuyến cung cấp cho mặt trận.

Quân ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm:

28 khẩu đại bác 105 và 155 ly.

10 súng phun lửa.

64 xe các loại, trong đó có 3 xe tăng 18 tấn.

542 máy vô tuyến điện các loại.

51 máy các loại trong đó có 5 máy xúc đất.

5.915 súng các loại.

2 vạn lít xăng dầu.

21.000 chiếc dù.

20 tấn thuốc và dụng cụ quân y và rất nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác.

Giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc, phá tan kế hoạch Na-va tập trung binh lực giành lại thế chủ động trên chiến trường. “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được thắng lợi vĩ đại như trên là do sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, do tinh thần chiến đấu tích cực bền bỉ và anh dũng, tinh thần chịu đựng gian khổ rất cao và sự trưởng thành vượt bậc của toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ, do tinh thần tích cực phục vụ tiền tuyến của đồng bào hậu phương và các anh chị em dân công, do sự phối hợp hoạt động rất đắc lực của quân đội và nhân dân trên các chiến trường toàn quốc”.

Đặng Công Lộ (Theo “Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945 - 1954”, Nxb Quân đội nhân dân)

1. 2. 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, ST, H, 1984, tr. 195, 202, 207, 208.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, ST, H, 1986, tr.494.

5. Thông tri số 92TV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 27/12/1953. Xem lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.531.

6. Võ Nguyên Giáp, Quyết định khó khăn nhất. Xem thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr77 ,75.

7. Võ Nguyên Giáp, Quyết định khó khăn nhất. Xem thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1994, t,r77,75.

8.9. Xem lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđđ, tr. 533, 538.

10. Võ Nguyên Giáp: Quyết định khó khăn nhất, sđd, t.r 79.

11. Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1993, tr.119.

12. Võ Nguyên Giáp: Quyết định khó khăn nhất, sđd, tr79.

13. Phép dùng binh của Tôn Tử. Xem Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1990, tr.177.

Kim Yến (st)
Còn nữa 


 

Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954

phan 6 anh 1
Bộ đội ta với lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tiến vào khu trung tâm

9 giờ: Chiến trường vắng hẳn tiếng súng. Trận  địa của địch ở Mường Thanh còn thu lại trong khoảng 1km2.

Trong chiếc hầm vòm thép, Đờ Cát nói chuyện bằng vô tuyến điện với Cô-nhi, Tư lệnh Bắc Việt, ở Hà Nội. Đờ Cát điểm tên từng tiểu đoàn còn lại, Lê Dương, nhảy dù, ngụy... tên thì còn song sức đã cạn, sứt mẻ hết. “Tuy nhiên chúng tôi đánh đến cùng”, Đờ Cát đề nghị, tối đến sẽ mở đường máu rút chạy sang Lào, nhưng ngay từ bây giờ “yêu cầu không quân phải hoạt động mạnh, liên tục oanh tạc, chặn quân Việt lại”.

12 giờ: Trung doàn Y vẫn chưa phá được rào đánh vào cứ điểm 507 ở Tả Ngạn sông Nậm Rốm. Chọc thủng được nó thì mới có đường vượt cầu Mường Thanh đánh thọc vào sở chỉ huy của tướng Đờ Cát.

- Vì sao cả đêm đến giờ vẫn chưa mở được đột phá khẩu? Đơn vị các đồng chí đã thắng giòn giã ở Him Lam, đồi D, 506... bây giờ thì thế nào?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp hỏi tình hình và động viên đồng chí chỉ huy Trung đoàn Y.

- Xin hứa, 3 tiếng nữa chúng tôi sẽ nhổ được cái 507 này.

15 giờ: Các đài quan sát báo cáo về Bộ Chỉ huy:

- Ta đã diệt xong 507.

- Các đài địch nói với nhau “vĩnh biệt”.

- Trung đoàn Y đang phát triển sang cứ điểm 508...

Bộ Chỉ huy ra lệnh cho các đơn vị từ phía đông, phía tây, phía nam... tất cả nhanh chóng tấn công, vây chặt, không cho một tên địch chạy thoát, bắt sống tướng Đờ Cát.

phan 6 anh 2
17 giờ 40 phút ngày 7-5-1954, bộ đội ta đã cắm lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng”
trên nóc hầm tướng Đờ Cát Tơ Ri

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên nghiêng ngả trong tiếng đạn nổ, tiếng thét xung phong của quân ta. Quân tướng Đờ Cát không còn cựa quậy được nữa, không lối thoát sang Lào.

Từ Hà Nội, Na-va, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp, dặn dò Đờ Cát qua vô tuyến điện: “Ông không được đầu hàng, không một lá cờ trắng...”. Đờ Cát ngập ngừng trả lời: “Xin lấy danh dự quân nhân mà hứa với ngài như vậy. Đây là người đã hy sinh suốt đời. Xin gửi lời chào vĩnh biệt”.

“Tốt lắm, Na-va vuốt ve Đờ Cát Tôi tin vào lời hứa danh dự của ông. Tổ quốc sẽ coi Thiếu tướng là một trong những bậc Anh hùng thanh khiết nhất... Hãy dũng cảm lên! Vĩnh biệt...

Hôm nay, vừa chẵn 365 ngày kể từ khi Na-va được cử làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Một năm qua, đã nhiều lần Na-va nói “chiến thắng... chiến thắng...” bây giờ, Y nói “vĩnh biệt”. Vĩnh biệt Đờ Cát, vĩnh biệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vĩnh biệt cái kế hoạch 18 tháng của Na-va mà Pa-ri và Oa-sinh-tơn đều khen nức nở.

16 giờ: Như những dòng nước lũ từ các ngả cùng chảy mạnh vào một chỗ trũng, bên phía Tây có 2 mũi nhọn đang xốc về hướng Sở Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bên phía đông có ba mũi nhọn đã vượt qua sông Nậm Rốm. Qua các làn sóng điện địch gọi nhau, chào nhau vĩnh biệt, cờ trắng mọc lên khắp đó đây.

Hai quả thủ pháo nổ. Khói đen phủ kín cả hai cửa hầm của Đờ Cát. Một mảnh dù trắng thấp thoáng sau làn khói thủ pháo. Trung đội của Chu Bá Thọ đã vây chặt Sở Chỉ huy địch. Các chiến sĩ Nhỏ và Vinh cùng Đại Đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào sào huyệt địch. Đờ Cát đứng chờ sẵn. Các phó tư lệnh, sĩ quan tham mưu của Y xếp hàng đằng sau. Im lặng, chiến sĩ Vinh, tầm vóc bé nhỏ chìa lưỡi lê sáng quắc, xốc tới trước Đờ Cát ra lệnh: “Giơ tay lên”. Đờ Cát nói lạc cả giọng: “Đừng bắn, tôi xin đầu hàng”.

Một cơn bão thép vừa tạnh.

Trời xanh biếc cao lồng lộng. Mây bông trắng phau. Trên đỉnh các cao điểm phía đông, nắng chiều chiếu rực đất đỏ. Những lá cờ chiến thắng phần phật bay trong gió lộng. Dưới cánh đồng Mường Thanh còn ngùn ngụt khói lửa, một biển cờ trắng chập chờn tỏa ra các ngả. Địch đổ ra hàng đông nghịt...

Theo Chiến sĩ

Tại sao Pháp chọn Điện Biên Phủ?

Ngày 24 tháng 7 năm 1953, Hội đồng Quốc phòng Pháp họp thông qua kế hoạch do Tổng Chỉ huy Nava soạn thảo. Vị trí của miền Tây Bắc Bắc Bộ nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng trong kế hoạch này chỉ là thứ yếu trong trách nhiệm bảo vệ vùng rừng núi Bắc Bộ và Thượng Lào. Vậy mà bốn tháng sau, ngày 20 tháng 11 năm 1953, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương đã dồn dập ném hàng vạn quân tinh nhuệ cùng các phương tiện chiến tranh xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh với ý định tiến hành một trận đánh quyết định với chủ lực đối phương nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho Pháp. Dưới đây là những lý do chủ yếu khiến Nava và Bộ Chỉ huy Pháp chọn Điện Biên Phủ.

Do hoạt động mạnh của ta.

Trong Đông Xuân 1953 – 1954, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy xác định chủ trương tác chiến với hai mục tiêu cơ bản: Phân tán cho được khối cơ động chiến lược gồm 27 binh đoàn cơ động (Groupe Mobile) của Pháp; sử dụng một bộ phận chủ lực mở đồng thời nhiều cuộc tiến công vào những hướng Pháp sơ hở và tranh thủ cơ hội tiêu diệt đối phương trong vận động nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng, đẩy Pháp vào tình thế ngày càng bị động.

Khi biết tin Đại đoàn 316 (thiếu Trung đoàn 176) rời Thanh Hóa theo đường số 41 nhằm hướng Lai Châu (Tây Bắc) tiến quân và một trung đoàn tăng cường khác của ta hành quân sang Trung Lào, ngay lập tức Bộ Chỉ huy Pháp đã cho sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ nhằm chặn đường tiến của ta sang Thượng Lào. Việc Pháp phân tán lực lượng cơ động làm nhiệm vụ chiếm đóng Điện Biên Phủ để đối phó với ta đã bộc lộ sự lúng túng, bị động. Kế hoạch tập trung khối quân tinh nhuệ bước đầu bị phá vỡ.Tiến thêm một bước, nhận thấy tình thế chiến lược mới xuất hiện, ta nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch, hạ lệnh cho Đại đoàn 308 hành quân lên Tây Bắc. Bộ Chỉ huy Pháp đứng trước sự lựa chọn: Dùng lực lượng đánh lên Phú Thọ - Yên Bái để kìm chân chủ lực ta tiến theo hướng Điện Biên Phủ hay đưa thêm quân lên Điện Biên, chấp nhận giao chiến lớn đồng thời vẫn xúc tiến thực hiện kế hoạch Nava, mở cuộc tiến công lớn ở Liên khu 5 vào đầu năm 1954? Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, ngày 3 tháng 12 năm 1953 Nava quyết định chọn phương án hai, bởi vì phương án đánh lên Phú Thọ, Yên Bái, nơi chủ lực ta sẵn sàng chờ giao chiến sẽ đưa lại kết quả không chắc chắn, khối quân cơ động lại phải xé lẻ thêm nữa, sau khi đã cắm chốt ở Điện Biên và Trung Lào và sẽ phải bỏ dở bước l kế hoạch Nava là tập trung lực lượng vào Nam Đông Dương.

phan 6 anh 3
Đại tá Đờ Cáttơri chính thức nhận chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Ngày 5 tháng 12, các lực lượng chiếm đóng ở Điện Biên Phủ và Lai Châu thống nhất tổ chức thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) do Tướng Gin chỉ huy.

Ngày 6 tháng 12 Nava và Cônnhi quyết định rút bỏ Lai Châu dồn quân về Điện Biên Phủ.

Ngày 7 tháng 12, Đại tá Đờ Cát -xtơ-ri thay Gin chỉ huy GONO.

Ngày 10 tháng 12 số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 10 tiểu đoàn bộ binh và dù cùng nhiều đơn vị pháo binh, công binh, thiết giáp và không quân. Đến đây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hình thành.

Về phía Pháp.

Qua tám năm chiến tranh, nước Pháp mỏi mệt do những biến động chính trị, xã hội, bị sa lầy ở Đông Dương muốn chấm dứt cuộc chiến trong danh dự. Chính giới Pháp đặt hết hy vọng vào kế hoạch của Nava nhằm tìm ra một thắng lợi quân sự khả dĩ để tạo thế trong đàm phán. Điện Biên Phủ dần dần trở thành điểm trung tâm của kế hoạch, đồng thời cũng dần trở thành mối hy vọng về một chiến thắng quân sự quyết định của Bộ Chỉ huy Pháp.

Bảo vệ Lào, đặc biệt là Thượng Lào cũng là một lý do quan trọng khiến Nava tập trung lực lượng lên Điện Biên Phủ. Ông ta cho rằng: “Đánh Thượng Lào chiếm kinh đô Luông Pha-băng, Việt Minh sẽ giáng cho Pháp một thất bại về tinh thần khó có thể gượng dậy. Chiếm Trung Lào, Việt Minh sẽ tiếp tay cho Liên khu 5 và đe dọa toàn miền Nam Đông Dương. Thượng Lào chính là điểm yếu, là huyệt hiểm trong thế bố trí chiến lược của Pháp ở Đông Dương. Do lo sợ mất Thượng Lào và để bảovệ cho nó, Nava và Cônnhi đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm pháo đài án ngữ đường tiến của chủ lực ta. Ông Mác Giắc-kê, bộ trưởng các quốc gia liên kết khi sang Đông Dương 11 năm 1953 đã phải thốt lên: “Nếu Việt Minh tới được sông Mê Công thì chắc chắn dư luận nước Pháp sẽ bị một cú sốc choáng váng đến nỗi không còn có thể tiếp tục cuộc chiến tranh được nữa”.

Xét về vị trí địa lý - quân sự trong bốn địa điểm được nêu ra chọn lựa để bảo vệ Thượng Lào, thì Điện Biên Phủ có nhiều ưu điểm hơn cả so với Lai Châu, Luông Pha-băng và Viêng Chăn. Hai địa điểm trên đất Lào không đáp ứng được yêu cầu phòng thủ cả trên không, trên mặt đất và vận tải tiếp tế do bị khống chế về địa hình và tầm bao quát. Lai Châu cũng vậy, tuy Pháp đã xây dựng căn cứ phòng thủ ở đây nhưng hiệu quả ngăn chặn không cao và rất khó trụ vững khi bị tiến công do vị trí biệt lập, lại xa đường tiến quân của chủ lực ta. Đối với Điện Biên Phủ, cánh đồng lòng chảo rộng lớn nhất ở Tây Bắc: “Vị trí địa lý và những đặc điểm về khí hậu ở đây khiến cho nó trở thành một địa bàn dễ phòng thủ, một trong những căn cứ không quân tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt vời Chúng ta (Pháp) có những điều kiện rất thuận lợi để chấp nhận một trận chiến đấu ở đây”. Theo tướng Xa-lăng, người tiền nhiệm của Nava thì “chiếm được Điện Biên Phủ, Pháp sẽ khóa được con đường (từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ sang lưu vực sông Nậm Hu, tới Luông Pha-băng) một cách rất có hiệu quả bởi chỉ có thể vòng qua vị trí này (Điện Biên Phủ) một cách rất khó khăn bằng những con đường mòn phải vượt qua núi rất xấu”.

phan 6 anh 4
Tướng Nava, tướng Cô nhi và Đờ Cáttơri bàn kế hoạch phòng thủ
 Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

phan 6 anh 5
Phó Tổng thống Mỹ Nichxơn kiểm tra cứ điểm Điện Biên Phủ (1/1954)

Cánh đồng lòng chảo còn là nơi quân Pháp có thể phát huy được uy lực của pháo binh và khả năng của xe tăng, thiết giáp. Trong khi đó, theo tính toán của  Pháp, pháo hạng nặng và pháo phòng không của ta rất khó tiếp cận các mục tiêu quanh với những con đường mòn, lại luôn bị máy bay, pháo binh ném bom, bắn phá. NaVa và Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng khoảng cách hàng trăm ki-lô-mét từ miền đồng bằng lên và từ biên giớiViệt - Trung đến, với tình trạng đường sá tồi tệ, tiếp  tế hậu cần của ta bằng mang vác thô sơ là chủ yếu sẽ không thể đáp ứng được cho số quân quá hai sư đoàn tác chiến trong thời gian hai, ba tháng.

Hơn nữa, Điện Biên Phủ còn là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, có số  quân đông nhất, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại, đầy đủ nhất, có thời gian chuẩn bị bố trí phòng thủ dài nhất. Trước đây, ta đã không có cách gì đánh bại được hình thức phòng ngự này của Pháp ở Hòa Bình, Nà Sản, cánh đồng Chum... thì bây giờ càng không thể đánh thắng được ở Điện Biên Phủ. Nava hy vọng sẽ kìm giữ đại bộ phận lực lượng chủ lực ta ở Điện Biên Phủ nhằm phá vỡ kế hoạch tác chiến và thế bố trí chiến lược trên các chiến trường làm tiêu tan quyền chủ động tiến công của ta.

Nếu thắng trận Điện Biên Phủ có nghĩa là Pháp vẫn đứng chân được ở Tây Bắc, vừa giữ được cả Thượng Lào, đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời vẫn có điều kiện tiếp tục mở cuộc tiến công ở miền Nam theo dự kiến của kế hoạch Nava.

Tâm lý lạc quan chiến thắng trong giới cầm quyền Pháp ở Pari và Bộ Chỉ  huy Pháp ở Đông Dương do kết quả của cuộc tập kích Lạng Sơn (17/7/1953), Lào Cai (6/10/1953) và cuộc hành quân Hải Âu (15/10/1953) vào Tây - Nam Ninh Bình... đã dẫn đến việc đánh giá sai khả năng chuẩn bị và tác chiến của chủ lực ta. Nava cho rằng Pháp đã phần nào giành lại quyền chủ động tiến công. Đây cũng là lý do khiến Pháp nhanh chóng “chộp” lấy cơ hội chọn Điện Biên Phủ làm địa điểm đánh đòn quyết định - một sự lựa chọn “định mệnh”, hợp với lô-gích tiến trình chiến tranh.

Đại tá - TS. Nguyễn Mạnh Hà Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Điện Biên Phủ - Một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, trận chiến chiến lược Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về quân đội và nhân dân Việt Nam, thất bại hoàn toàn thuộc về các lực lượng viễn chinh xâm lược Pháp. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX mà còn ghi vào lịch sử quân sự thế giới, đặc biệt là ở phương Tây, người ta đã ví và so sánh Điện Biên Phủ với những trận đánh lừng danh trong lịch sử. Tờ Bằng chứng Cơ Đốc của Cộng hòa liên bang Đức viết: “Sự thất thủ Xta-lin-grát của núi rừng”, tên mà người Đức gọi cái căn cứ cố thủ Điện Biên Phủ đã có một tiếng vang dội sâu sắc ở Cộng hòa liên bang Đức. Đối với nhiều người Đức, sự thất bại đó tiêu biểu cho sự thất bại của phương Tây1.

Hoặc như Giuyn Roa, một ký giả kiêm sử gia Pháp lại khẳng định: “Trên toàn thế giới, Oa-téc-lô ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đang gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm”2. Và trong các cuốn từ điển lớn trên thế giới người ta không thể không viết về Điện Biên Phủ, đánh giá nó như là một “thảm họa về quân sự” của lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sự so sánh, đánh giá đó đã khẳng định một điều rằng Điện Biên Phủ là một trận đánh tiêu biểu, rằng tên gọi của nó tượng trưng cho sức mạnh và chiến thắng.

phan 6 anh 6
Đoàn xe ô tô của Cục vận tải vượt ngầm tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ

Trong lịch sử quân sự thế giới, có thể kể đến những trận đánh nổi tiếng như Ma-ra-tông (490 tr.CN ), Lớt-trơ (371 tr.CN ), Ác-ben-la (331 tr.CN ), Can (216 tr.CN ), Bối Thủy (204 tr.CN ), Ca-tơ-lo-ních (451), Poa-chi-ê (732), Pôn-ta-va (1709), Ốt-xtéc-li-lơ (1805), Bô-rô-đi-nô (1812), Oa-téc-lô (1815), Mác-nơ (1914), Xta-lin-grát (1943), Mít-uây(1942)... Mỗi trận đánh ở các thời đại khác nhau đều diễn ra trong một hoàn cảnh cụ thể nhất định, nên có những đặc điểm riêng biệt, không trận nào giống trận nào cả về quy mô, lực lượng, phương tiện, trình độ tác chiến... Dù vậy, để được coi là những trận đánh tiêu biểu, quyết định, các trận đánh đó đều thể hiện một cách tập trung nhất những quy luật của chiến tranh, nguyên tắc chung và sự phát triển của nghệ thuật quân sự qua các thời đại. Nói một cách cụ thể, đó là những trận quyết chiến chiến lược lớn (hội chiến) quyết định kết cục hoặc tạo nên bước chuyển biến quan trọng của mỗi cuộc chiến tranh. Và về mặt nghệ thuật quân sự đó là trận đánh hay - đứng về phương diện những người thắng trận - với những nét đặc sắc như việc chọn hướng (địa điểm), thời cơ trận quyết chiến một cách đúng đắn, việc sử dụng lực lượng, bố trí thế trận một cách hợp lý và đặc biệt có cách đánh độc đáo, sáng tạo. Trận Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại - đã mang đầy đủ những nét tiêu biểu ấy.

Một là, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Điều gì đã đưa đến ý nghĩa quyết định của trận Điện  Biên Phủ? Như mọi người đều biết “Vấn đề cơ bản của mọi cuộc chiến tranh là tiêu diệt lực lượng vũ trang quân địch”3. Trong chiến tranh để giành thắng lợi hoàn toàn, cả hai bên tham chiến đều tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng vũ trang đối phương, đè bẹp sức kháng cự của chúng, đặt chúng vào tình thế không thể chiến đấu được, cuối cùng mất ý chí chiến đấu. Cuộc chiến của nhân dân Việt Nam trải qua hơn tám năm đã có bước phát triển vượt bậc, quân và dân ta từ đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ và vừa đã tiến lên đánh tập trung, tiêu diệt, chiến lược lớn, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava - kế hoạch với trọng tâm là xây dựng lực lượng cơ động mạnh nhằm “tiêu diệt chủ lực Việt Minh” - cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược. Trong lịch sử quân sự thế giới, những trận đánh tiêu biểu lừng danh mà dấu ấn của nó không phai mờ trong ký ức nhân loại đều là những trận hội chiến lớn, những trận đánh tiêu diệt quyết định kết cục hay tạo nên bước ngoặt của chiến tranh. Có thể kể đến trận Ma-ra-tông năm 490 tr.CN , trong đó quân A-ten (Hy Lạp) đánh tan đạo quân Ba-tư hơn 11 nghìn người, làm nhụt ý chí xâm lược và loại bỏ huyền thoại về sức mạnh vô địch của người Ba-Tư. Mặc dù sau trận Ma-ra-tông, cuộc chiến tranh Hy - Ba còn tiếp diễn song những cố gắng của người Ba-Tư nhằm chinh phục Hy Lạp không đạt được. Đó là trận Ác-ben-la năm 331tr.CN , trong đó quân đội tiểu quốc Ma-xê-đoan tiêu diệt gần bốn vạn quân Ba-Tư quyết định sự sụp đổ của đế chế Ba-Tư, mở đường cho A-lếch-xăng-đơ-rơ chinh phục vùng Tây Á rộng lớn kéo dài từ Địa Trung Hải đến lưu vực sông Anh-đuýt (Ấn Độ). Trận quyết chiến chiến lược Ca-tơ-lô-ních năm 45l mà chiến thắng thuộc về quân La Mã đã ngăn chặn làn sóng xâm lược của quân Hung Nô, cứu các dân tộc người Giéc-manh khỏi thảm họa. Năm 732, bằng trận quyết chiến chiến lược, quân đội Vương quốc Phơ-răng tiêu điệt quân Ả Rập ở Poa-chi-ê, chặn đứng một cách dứt khoát sự nghiệp chinh phục của người Ả Rập, bảo tồn những di tích cổ đại và nền văn minh Tây Âu. Trận quyết chiến chiến lược Pôn-ta-va năm 1709, quân đội Nga đã giành thắng lợi trước quân đội  Thuỵ Điển - một quân đội mạnh nhất Châu Âu lúc bấy giờ, tiêu diệt phần lớn quân Thuỵ Điển, làm chuyển biến cơ bản quá trình cuộc chiến tranh tại phương Bắc (1700 - 172l), củng cố vị trí của nước Nga ở Ban Tích. Đó là thắng lợi của quân Nga năm 1821 trong trận quyết chiến chiến lược Bô-rô-đi-nô đã mở đầu sự thất bại thảm hại của quân Pháp trong quá trình xâm lược châu Âu. Và cuối cùng, tại trận quyết chiến chiến lược Oa-téc-lô năm 1815, liên quân Anh-Phổ đánh bại quân Pháp, quyết định sự sụp đổ hoàn toàn đế chế Na-pô-lê-ông đệ nhất.

phan 6 anh 7
Bộ đội ta xuất kích tiến vào cụm cứ điểm Him Lam

Bước sang thế kỷ XX, trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất và đại chiến thế giới lần thứ hai cũng xuất hiện những trận quyết chiến chiến lược lớn, tạo nên bước ngoặt của hai cuộc chiến nay. Đó là trận Mác-nơ năm 1914, trong đó quân Đức bị thất bại trước quân Pháp, buộc phải rút về sông En và U-a-dơ, các kế hoạch chiến lược của Đức không thực hiện được, cả hai bên liên quân và Đức đều chuyển sang phòng ngự. Đó là trận Xla-lin-grát năm 1943, trong đó Hồng quân Liên Xô đã đánh bại 50 sư đoàn quân Đức, tiêu diệt 800.000 quân, 2.000 xe tăng và pháo tự hành, 10.000 súng cối, 3.000 máy bay các loại của Đức, Trận Xta-lin-grát là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ II , làm phá sản kế hoạch xâm lược của Hít-le, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức. Trên mặt trận Thái Bình Dương, trận Mít-Uây là một trận hội chiến lớn trên biển - trong đó Hồng quân Liên Xô đã đánh cho đội quân Quan Đông của Nhật thảm bại, phá hủy 4 tàu sân bay, 1 tuần dương hạm, 253 máy bay của Nhật, làm cho ưu thế hạm đội Nhật suy giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho quân Anh - Mỹ sau đó đánh chiếm phần lớn các đảo trên Thái Bình Dương... Cần phải nhấn mạnh thêm rằng những trận đánh quyết định chiến tranh trong lịch sử thế giới càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, khẳng định sự tiêu biểu của nó khi kết cục các cuộc chiến đó ảnh hưởng và tác động sâu sắc về mọi mặt đến khu vực, thậm chí đến cục diện chiến tranh chung. Điện Biên Phủ là một trận đánh như thế. Bởi vì, nó không những kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, mà còn bởi vì, nó cáo chung cho sự tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, thúc đẩy phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở Á - Phi Mỹ la tinh. Có thể nói, Pháp là một cường quốc lớn ở Châu Âu, có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền khoa học kỹ thuật phát triển, có ưu thế về vũ khí trang bị, có đội quân nhà nghề... thế nhưng đã bị thất bại trước một nước nhỏ với nền kinh tế, khoa học - kỹ thuật chưa phát triển, quân đội với vũ khí, trang bị chưa hiện đại. Rõ ràng bằng trận Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam lần đầu tiên đã chứng minh một nước nhỏ có thể đánh thắng một nước đế quốc lớn trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Điện Biên Phủ đã loại bỏ huyền thoại về sức mạnh quân đội viễn chinh của một cường quốc phương Tây.

phan 6 anh 8
Công tác cấp dưỡng tại mặt trận không ngừng được cải tiến.
Bộ đội được ăn cơm canh nóng tại trận địa

Hai là, Điện Biên Phủ là một trận đánh thể hiện một cách sâu sắc nghệ thuật chọn hướng (địa điểm) quyết chiến, biết tạo và nắm thời cơ đánh đòn quyết định vào tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp. Khi bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, bằng việc xác định phương hướng chiến lược và mục tiêu tiến công là tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm diệt một bộ phận sinh lực của chúng, buộc chúng phải bị động đối phó trên những hướng xung yếu. Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định tiến công lên Tây Bắc. Khi Na-va cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, ta tiến hành vây Điện Biên Phủ, buộc Bộ Chỉ huy Pháp phải điều động lực lượng tăng cường. Cùng với việc tiến công lên Tây Bắc, ta mở các cuộc tiến công trên các hướng quan trọng như Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào... Cuối cùng, khi Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng “Việt Minh đã từ bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ” thì ta đã tập trung xong đại bộ phận chủ lực và bắt đầu cuộc tiến công Điện Biên Phủ thực hiện đòn quyết chiến chiến lược tại đây không những thể hiện nghệ thuật chọn hướng, chọn địa điểm quyết chiến một cách chính xác, mà còn thể hiện nghệ thuật tạo và nắm thời cơ đánh vào một điểm mạnh của địch. Tiến công Điện Biên Phủ, ta đã phát huy được sức mạnh, sở trường của ta, hạn chế được sức mạnh, khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Mặc dù Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp, song cách xa hậu phương, dễ bị cô lập việc ứng cứu tiếp viện chỉ bằng đường không. Về phía ta, lại phát huy được khả năng về lực lượng, phương tiện do tác chiến ở địa hình rừng núi. Chính La-ni-en, thủ tướng Pháp đã phải thừa nhận: “... Kẻ địch với việc điều quân cơ động tài tình, đã buộc chúng ta (chỉ quân Pháp) phải giao chiến ở Điện Biên Phủ, một cuộc giao tranh với tầm quan trọng như vậy... Bộ Chỉ huy đã phạm sai lầm ở chỗ tưởng rằng đã thu hút được địch thử đến một mặt trận mà ưu thế của chúng ta sẽ bảo đảm thắng lợi, trong khi ngược lại, chính đối phương đã lựa chọn địa thế đó”4. Quyết định tiến công Điện Biên Phủ là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt lực lượng lớn quân tinh nhuệ của Pháp trong điều kiện khối cơ động chiến lược của chúng bị phân tán ra nhiều nơi trên khắp chiến trường Đông Dương. Lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là khối chủ lực trải qua hơn tám năm kháng chiến, đã không ngừng phát triển cả về lực lượng, về kinh nghiệm tác chiến, về trang bị vũ khí, kỹ thuật. Đó chính là thời cơ chiến lược để ta bước vào trận quyết chiến chiến lược đánh quyết định vào đội quân xâm lược. Cần phải nhấn mạnh một lần đến việc chọn thời cơ tiến hành trận đánh cụ thể: Đó là việc lựa chọn bắt đầu trận đánh vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, khi mà phía Pháp tin rằng ta không tiến công Điện Biên Phủ nữa, khi mà Na-va đang “bận bịu” chỉ đạo cuộc hành quân Át-lăng vào Quy Nhơn. Sự lựa chọn thời điểm đó đã tạo nên bất ngờ cho Bộ Chỉ huy Pháp. Không nghi ngờ gì nữa, việc xác định hướng và mục tiêu tiến công, địa điểm tiến hành trận quyết chiến chiến lược chính xác, trên cơ sở đã chuẩn bị chu đáo, chọn đúng thời cơ tiến công là những yếu tố quan trọng đưa đến thắng lợi trận đánh Điện Biên Phủ. Lịch sử các trận quyết chiến chiến lược lớn trên thế giới đã cho nhiều dẫn chứng là chỉ bằng việc chọn hướng, địa điểm quyết chiến, nắm thời cơ tiến hành trận quyết chiến đúng đắn người ta đã giành được chiến thắng vang dội. Trong trận Ma-ra-tông, các tướng lĩnh A-ten lựa chọn địa hình đồng bằng chật hẹp, phía trước là biển, hai bên là đầm lầy và đồi núi để tiến hành trận quyết chiến trong khi quân Ba-tư vừa mới đổ bộ, không những hạn chế ưu thế về kỵ binh của quân Ba-tư, mà còn tạo điều kiện cho quân A-ten với quân số ít hơn, chớp thời cơ giành chiến thắng quyết định. Trong trận quyết chiến chiến lược Pôn-ta-va, quân Nga đã chọn khu vực phòng ngự là thung lũng rộng 2,5 ki-lô-mét, bên phải bị hạn chế bởi khe sâu, bên trái và phía trước là rừng, chỉ có con đường duy nhất đến Pônta- va đã làm cho quân Thuỵ Điển khó cơ động, buộc phải bố trí đội hình tiến công chính diện trước làn hỏa lực đối phương và trong điều kiện vừa mới hành quân đến, đã bị tiêu hao bởi các trận đánh trước đó. Đó là trận Bô-rô-đi-ô, quân Nga do Cu-tu-dốp chỉ huy đã lựa chọn khu vực tiến hành trận quyết chiến hết sức khôn khéo: Bên phải giáp sông Mát-xcơ-va, bên trái là rừng rậm khó vượt qua, chính diện bên phải là trận địa lại có sông Cơ-lốt-sơ-ca với vùng đầm lầy án ngữ gây khó khăn cho đội hình tiến công của quân Pháp... Những sự lựa chọn khôn ngoan đó đã tạo nên chiến thắng trong các trận quyết chiến chiến lược. Có thể nói, việc chọn hướng, địa điểm quyết chiến đúng, nắm bắt thời cơ chính xác chẳng những có khả năng tạo ra được so sánh lực lượng có lợi để giành chiến thắng quyết định ở khu vực quyết chiến mà còn có khả năng tạo ra sức chấn động lớn làm rung chuyển toàn bộ và thay đổi cục diện chiến tranh. Thực vậy, chỉ bằng việc thất thủ Điện Biên Phủ, quân đội viễn chinh Pháp mặc dù còn đông, nhưng tinh thần chiến đấu đã suy sụp nghiêm trọng, Bộ Chỉ huy Pháp không thể cứu vãn được tinh thần chiến đấu đã suy sụp nghiêm trọng, Bộ Chỉ huy Pháp không thể cứu vãn được tình thế, chính phủ Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh.

phan 6 anh 9
Tiến công cứ điểm phía Bắc Mường Thanh

Ba là, trong trận Điện Biên Phủ ta đã thể hiện nghệ thuật sử dụng lực lượng một cách kiên quyết và tập trung, bố trí thế trận một cách khéo léo, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tiến công, tạo nên sức mạnh lớn hơn của cả thế và lực tiến công quân địch. Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, là hình thức phòng ngự hiện đại mới xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương. Với 49 cứ điểm hình thành ba khu vực phòng ngự liên hoàn, từng cứ điểm có hệ thống lô cốt, chiến hào hầm ngầm kiên cố với hệ thống hỏa lực mạnh, tập đoàn cứ điểm còn có sân bay, kho tàng, vì vậy Điện Biên Phủ được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm” là “Nà Sản luỹ thừa mười”... Tiến công Điện Biên Phủ sẽ hết sức khó khăn, đòi hỏi ta phải tạo được sức mạnh vượt bậc cả về thế và lực mới có thể giành thắng lợi. Việc tập trung hầu hết khối chủ lực, gồm bốn đại đoàn (308, 304, 312, 316) và đại đoàn sơn pháo, tiến hành xây dựng trận địa bao vây tiến công là thể hiện quyết tâm tiến hành trận quyết chiến chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh. Có thể nói, nếu như trước Điện Biên Phủ, ta tiến hành các chiến dịch chỉ có 1-2 đại đoàn bộ binh, vài đại đội công pháo tham gia thì Chiến dịch Điện Biên Phủ có lực lượng tham gia lớn nhất với chất lượng cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, trong quá trình trận đánh, mặc dù tập trung lực lượng lớn nhưng ưu thế của ta so với địch chỉ là tương đối, đặc biệt địch có ưu thế về vũ khí, trang bị. Vì vậy, ta đã xây dựng trận địa và thế xuất phát tiến công vững chắc với hệ thống giao thông hào liên hoàn tập trung lực lượng, phương tiện, hỏa lực, chia cắt lần lượt từng cụm cứ điểm, từ Him Lam, Độc Lập... đến các C, D, E, A1, đến tổng công kích toàn diện, phát huy tối đa hiệu quả của vũ khí trang bị của ta, hạn chế ưu thế vũ khí trang bị của địch. Việc tập trung lực lượng, phương tiện đánh lần lượt, trước hết vào nơi hiểm yếu của tập đoàn cứ điểm, việc hiệp đồng giữa các lực lượng tiến công đã tạo nên sức đột phá mạnh làm cho quân Pháp kinh hoàng, đối phó lúng túng, bị mất dần từng khu vực, từng cứ điểm quan trọng, dẫn đến thất bại hoàn toàn. Vấn đề tập trung lực lượng ưu thế trên những hướng, khu vực hiểm yếu của quân địch, bố trí thế trận vững chắc, là một trong những nét nổi bật của các thế trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử quân sự thế giới. Chính vì vậy, phần lớn các trận đánh đó, bên giành thắng lợi thường có binh lực ít hơn và cũng chính vì vậy, những trận đánh đó càng thể hiện sự tiêu biểu, quyết định của nó. Trận Lớt-trơ (năm 371 tr.CN ) giữa Spác và Te-bơ là một trong những trận đánh điển hình về bố trí sử dụng lực lượng một cách hợp lý, trong đó E-pa-mi-nôn-đát chỉ huy quân Te-bơ đã sáng tạo ra đội hình chiến đấu mới với uy lực tiến công cao bằng việc “phân phối binh lực không đồng đều trên chính diện để tập trung đột kích chủ yếu vào một điểm quyết định”. Với việc bố trí đội hình, tập trung lực lượng hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và kỵ binh, nên quân Te-bơ chỉ có 6.000 bộ binh, 1.000 kỵ binh đã đánh bại quân Spácđông gần gấp hai lần. Trận ác-ben cũng là trận mà A-lếch-xăng-đơ-rơ sử dụng một cách khéo léo “đội hình nghiêng”, tức tập trung lực lượng vào khu vực công kích chủ yếu đã tạo thắng lợi quyết định cho quân Ma-xêđoan trong điều kiện lực lượng ít hơn quân Ba-tư nhiều lần. Trong trận Can, Ha-niban, bằng việc bố trí đội hình tiến công theo hình móng ngựa: Lồi về phía trước với lực lượng đột kích mạnh hai bên sườn, quân Các-ta-giơ mặc dù lực lượng ít hơn, nhưng đã thực hiện cuộc họp vây một cách ngoạn mục, tiêu diệt phần lớn quân La Mã. Trong trận quyết chiến chiến lược Oa-téc-lô, quân Anh tập trung lực lượng vào trung tâm trận địa phòng ngự, đã hạn chế và ngăn chặn có hiệu quả hành động đột phá chính diện quen thuộc của quân Pháp do Na-pô-lê-ông chỉ huy. Trận Xta-lingrát cũng nhờ tập trung lực lượng và phương tiện trên các hướng đột phá chủ yếu, bộ đội Xô-viết đã có ưu thế gấp hai, thậm chí gấp ba lần hơn địch nên trong quá trình phản công đã nhanh chóng phá vỡ thế phòng ngự quân Đức, tiến hành bao vây tiêu diệt các tập đoàn quân địch giành thắng lợi quyết định.

Đối với trận Điện Biên Phủ, đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành bao vây, tiến công một tập đoàn cứ điểm trong điều kiện quân Pháp có vũ khí trang bị hiện đại hơn, có kinh nghiệm tác chiến phòng ngự qua hai cuộc chiến tranh thế giới. Thế nhưng bằng việc tập trung lực lượng, phương tiện đột phá từng cụm cứ điểm quân Pháp dựa vào hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước thắt chặt vòng vây, đã tạo nên ưu thế sức mạnh to lớn trong quá trình tiến công, đưa đến việc tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Như vậy, sử dụng lực lượng một cách tập trung trong trận Điện Biên Phủ với cách đánh sáng tạo là sự phát triển tư tưởng chiến lược của ông cha ta “lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, nhưng biết tạo thành ưu thế trong những trận quyết chiến lược vào thực tiễn chiến tranh thời đại cách mạng kỹ thuật đã phát triển.

Nhận định về cách đánh của quân đội nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ, Pôn Ê-ly, tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương viết: “... Đối phương (tức Quân đội nhân dân Việt Nam) áp dụng những phương pháp chiến đấu khá khôn ngoan: Họ ưa vận động tiến lên tiếp cận trong một mạng lưới hầm hào dày đặc chưa từng thấy bao giờ, ngay cả thời kỳ chiến tranh giao thông hào của cuộc chiến tranh thế giới năm 1914 - 1918, hơn là xuất hiện trên địa hình trống trải”5. Cách đánh sáng tạo ấy của Quân đội nhân dân Việt Nam còn được người Pháp gọi là “chiến lược hao mòn” với “một hệ thống đường hào tiến công lan truyền tạo ra một sự bố trí lực lượng bao vây rất cơ động”6. Nó làm cho quân đội Pháp bị bất ngờ lớn bởi “hình thức chiến tranh hoàn toàn mới mẻ trên chiến tranh Đông Dương”7.

Nó dẫn đến sự thất bại không thể tránh khỏi của đội quân viễn chinh Pháp bởi “sự thông minh và ý chí quyết thắng” của Quân đội và nhân dân Việt Nam.

Cuối cùng, có thể nói: Nếu nghệ thuật chọn hướng, địa điểm, thời cơ trận quyết chiến đúng đắn, chính xác, nghệ thuật sử dụng lực lượng kiên quyết và tập trung có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thì nghệ thuật vận dụng cách “đánh chắc, tiến chắc” có ý nghĩa trực tiếp quyết định nhất. Cách đánh sáng tạo đó chỉ có thể hình thành trên cơ sở nền nghệ thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam - nghệ thuật quân sự cách mạng: “Biết đánh, biết thắng”.

Trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc sau 55 ngày đêm với thắng lợi cuối cùng thuộc về quân và dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ, đỉnh cao của chiến cục Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp xâm lược, đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Chiến thắng đó đã kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp, mở ra một trang mới tronglịch sử dân tộc Việt Nam. Nếu như người Pháp trước khi bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ cho rằng: “Ở Điện Biên Phủ... các lực lượng của Pháp và của các nước liên kết phải sát cánh với nhau để ghi một chương chói lọi trong lịch sử quân sự”8 thì “chương sử” ấy được ghi bằng thắng lợi của Việt Nam và thất bại của quân đội viễn chinh Pháp. Trận Điện Biên Phủ xứng đáng là trận đánh tiêu biểu, nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới./.

Nguyễn Việt Bình, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

1. Báo Bằng chứng Cơ Đốc, ngày 21-5-1954.

2. Dẫn theo Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, t.r116.

3. Võ Nguyên Giáp, Đường lối quân sự của Đảng là ngọn cờ trăm trận trăm thắng của chiến tranh nhân dân ở nước ta,NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr.80.

4. Mác - Ăngghen - Lê-nin, Trích luận văn quân sự, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, t.r136

5. Dẫn theo Viện sử học, Âm mưu của đế quốc Pháp - Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr.185. Pôn. Ê-ly, Đông Dương trong cơn lốc, Nxb Rơ-nê Giu-li-u, Pa-ri, 1962

6. Bách khoa thư tổng hợp, Pa-ri, tr.732 - 733.

7. Dẫn theo Âm mưu của đế quốc Pháp - Mỹ..., Sđd, t.r108.

8. Dẫn theo La-vơ-rít-sép Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, NXB Quan hệ quốc tế, Mát-xcơva, 1960, tr.92

Kim Yến (st)

Bài viết khác: