Chỉ mục bài viết

 

Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954

phan 6 anh 1
Bộ đội ta với lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tiến vào khu trung tâm

9 giờ: Chiến trường vắng hẳn tiếng súng. Trận  địa của địch ở Mường Thanh còn thu lại trong khoảng 1km2.

Trong chiếc hầm vòm thép, Đờ Cát nói chuyện bằng vô tuyến điện với Cô-nhi, Tư lệnh Bắc Việt, ở Hà Nội. Đờ Cát điểm tên từng tiểu đoàn còn lại, Lê Dương, nhảy dù, ngụy... tên thì còn song sức đã cạn, sứt mẻ hết. “Tuy nhiên chúng tôi đánh đến cùng”, Đờ Cát đề nghị, tối đến sẽ mở đường máu rút chạy sang Lào, nhưng ngay từ bây giờ “yêu cầu không quân phải hoạt động mạnh, liên tục oanh tạc, chặn quân Việt lại”.

12 giờ: Trung doàn Y vẫn chưa phá được rào đánh vào cứ điểm 507 ở Tả Ngạn sông Nậm Rốm. Chọc thủng được nó thì mới có đường vượt cầu Mường Thanh đánh thọc vào sở chỉ huy của tướng Đờ Cát.

- Vì sao cả đêm đến giờ vẫn chưa mở được đột phá khẩu? Đơn vị các đồng chí đã thắng giòn giã ở Him Lam, đồi D, 506... bây giờ thì thế nào?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp hỏi tình hình và động viên đồng chí chỉ huy Trung đoàn Y.

- Xin hứa, 3 tiếng nữa chúng tôi sẽ nhổ được cái 507 này.

15 giờ: Các đài quan sát báo cáo về Bộ Chỉ huy:

- Ta đã diệt xong 507.

- Các đài địch nói với nhau “vĩnh biệt”.

- Trung đoàn Y đang phát triển sang cứ điểm 508...

Bộ Chỉ huy ra lệnh cho các đơn vị từ phía đông, phía tây, phía nam... tất cả nhanh chóng tấn công, vây chặt, không cho một tên địch chạy thoát, bắt sống tướng Đờ Cát.

phan 6 anh 2
17 giờ 40 phút ngày 7-5-1954, bộ đội ta đã cắm lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng”
trên nóc hầm tướng Đờ Cát Tơ Ri

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên nghiêng ngả trong tiếng đạn nổ, tiếng thét xung phong của quân ta. Quân tướng Đờ Cát không còn cựa quậy được nữa, không lối thoát sang Lào.

Từ Hà Nội, Na-va, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp, dặn dò Đờ Cát qua vô tuyến điện: “Ông không được đầu hàng, không một lá cờ trắng...”. Đờ Cát ngập ngừng trả lời: “Xin lấy danh dự quân nhân mà hứa với ngài như vậy. Đây là người đã hy sinh suốt đời. Xin gửi lời chào vĩnh biệt”.

“Tốt lắm, Na-va vuốt ve Đờ Cát Tôi tin vào lời hứa danh dự của ông. Tổ quốc sẽ coi Thiếu tướng là một trong những bậc Anh hùng thanh khiết nhất... Hãy dũng cảm lên! Vĩnh biệt...

Hôm nay, vừa chẵn 365 ngày kể từ khi Na-va được cử làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Một năm qua, đã nhiều lần Na-va nói “chiến thắng... chiến thắng...” bây giờ, Y nói “vĩnh biệt”. Vĩnh biệt Đờ Cát, vĩnh biệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vĩnh biệt cái kế hoạch 18 tháng của Na-va mà Pa-ri và Oa-sinh-tơn đều khen nức nở.

16 giờ: Như những dòng nước lũ từ các ngả cùng chảy mạnh vào một chỗ trũng, bên phía Tây có 2 mũi nhọn đang xốc về hướng Sở Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bên phía đông có ba mũi nhọn đã vượt qua sông Nậm Rốm. Qua các làn sóng điện địch gọi nhau, chào nhau vĩnh biệt, cờ trắng mọc lên khắp đó đây.

Hai quả thủ pháo nổ. Khói đen phủ kín cả hai cửa hầm của Đờ Cát. Một mảnh dù trắng thấp thoáng sau làn khói thủ pháo. Trung đội của Chu Bá Thọ đã vây chặt Sở Chỉ huy địch. Các chiến sĩ Nhỏ và Vinh cùng Đại Đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào sào huyệt địch. Đờ Cát đứng chờ sẵn. Các phó tư lệnh, sĩ quan tham mưu của Y xếp hàng đằng sau. Im lặng, chiến sĩ Vinh, tầm vóc bé nhỏ chìa lưỡi lê sáng quắc, xốc tới trước Đờ Cát ra lệnh: “Giơ tay lên”. Đờ Cát nói lạc cả giọng: “Đừng bắn, tôi xin đầu hàng”.

Một cơn bão thép vừa tạnh.

Trời xanh biếc cao lồng lộng. Mây bông trắng phau. Trên đỉnh các cao điểm phía đông, nắng chiều chiếu rực đất đỏ. Những lá cờ chiến thắng phần phật bay trong gió lộng. Dưới cánh đồng Mường Thanh còn ngùn ngụt khói lửa, một biển cờ trắng chập chờn tỏa ra các ngả. Địch đổ ra hàng đông nghịt...

Theo Chiến sĩ

Tại sao Pháp chọn Điện Biên Phủ?

Ngày 24 tháng 7 năm 1953, Hội đồng Quốc phòng Pháp họp thông qua kế hoạch do Tổng Chỉ huy Nava soạn thảo. Vị trí của miền Tây Bắc Bắc Bộ nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng trong kế hoạch này chỉ là thứ yếu trong trách nhiệm bảo vệ vùng rừng núi Bắc Bộ và Thượng Lào. Vậy mà bốn tháng sau, ngày 20 tháng 11 năm 1953, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương đã dồn dập ném hàng vạn quân tinh nhuệ cùng các phương tiện chiến tranh xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh với ý định tiến hành một trận đánh quyết định với chủ lực đối phương nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho Pháp. Dưới đây là những lý do chủ yếu khiến Nava và Bộ Chỉ huy Pháp chọn Điện Biên Phủ.

Do hoạt động mạnh của ta.

Trong Đông Xuân 1953 – 1954, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy xác định chủ trương tác chiến với hai mục tiêu cơ bản: Phân tán cho được khối cơ động chiến lược gồm 27 binh đoàn cơ động (Groupe Mobile) của Pháp; sử dụng một bộ phận chủ lực mở đồng thời nhiều cuộc tiến công vào những hướng Pháp sơ hở và tranh thủ cơ hội tiêu diệt đối phương trong vận động nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng, đẩy Pháp vào tình thế ngày càng bị động.

Khi biết tin Đại đoàn 316 (thiếu Trung đoàn 176) rời Thanh Hóa theo đường số 41 nhằm hướng Lai Châu (Tây Bắc) tiến quân và một trung đoàn tăng cường khác của ta hành quân sang Trung Lào, ngay lập tức Bộ Chỉ huy Pháp đã cho sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ nhằm chặn đường tiến của ta sang Thượng Lào. Việc Pháp phân tán lực lượng cơ động làm nhiệm vụ chiếm đóng Điện Biên Phủ để đối phó với ta đã bộc lộ sự lúng túng, bị động. Kế hoạch tập trung khối quân tinh nhuệ bước đầu bị phá vỡ.Tiến thêm một bước, nhận thấy tình thế chiến lược mới xuất hiện, ta nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch, hạ lệnh cho Đại đoàn 308 hành quân lên Tây Bắc. Bộ Chỉ huy Pháp đứng trước sự lựa chọn: Dùng lực lượng đánh lên Phú Thọ - Yên Bái để kìm chân chủ lực ta tiến theo hướng Điện Biên Phủ hay đưa thêm quân lên Điện Biên, chấp nhận giao chiến lớn đồng thời vẫn xúc tiến thực hiện kế hoạch Nava, mở cuộc tiến công lớn ở Liên khu 5 vào đầu năm 1954? Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, ngày 3 tháng 12 năm 1953 Nava quyết định chọn phương án hai, bởi vì phương án đánh lên Phú Thọ, Yên Bái, nơi chủ lực ta sẵn sàng chờ giao chiến sẽ đưa lại kết quả không chắc chắn, khối quân cơ động lại phải xé lẻ thêm nữa, sau khi đã cắm chốt ở Điện Biên và Trung Lào và sẽ phải bỏ dở bước l kế hoạch Nava là tập trung lực lượng vào Nam Đông Dương.

phan 6 anh 3
Đại tá Đờ Cáttơri chính thức nhận chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Ngày 5 tháng 12, các lực lượng chiếm đóng ở Điện Biên Phủ và Lai Châu thống nhất tổ chức thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) do Tướng Gin chỉ huy.

Ngày 6 tháng 12 Nava và Cônnhi quyết định rút bỏ Lai Châu dồn quân về Điện Biên Phủ.

Ngày 7 tháng 12, Đại tá Đờ Cát -xtơ-ri thay Gin chỉ huy GONO.

Ngày 10 tháng 12 số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 10 tiểu đoàn bộ binh và dù cùng nhiều đơn vị pháo binh, công binh, thiết giáp và không quân. Đến đây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hình thành.

Về phía Pháp.

Qua tám năm chiến tranh, nước Pháp mỏi mệt do những biến động chính trị, xã hội, bị sa lầy ở Đông Dương muốn chấm dứt cuộc chiến trong danh dự. Chính giới Pháp đặt hết hy vọng vào kế hoạch của Nava nhằm tìm ra một thắng lợi quân sự khả dĩ để tạo thế trong đàm phán. Điện Biên Phủ dần dần trở thành điểm trung tâm của kế hoạch, đồng thời cũng dần trở thành mối hy vọng về một chiến thắng quân sự quyết định của Bộ Chỉ huy Pháp.

Bảo vệ Lào, đặc biệt là Thượng Lào cũng là một lý do quan trọng khiến Nava tập trung lực lượng lên Điện Biên Phủ. Ông ta cho rằng: “Đánh Thượng Lào chiếm kinh đô Luông Pha-băng, Việt Minh sẽ giáng cho Pháp một thất bại về tinh thần khó có thể gượng dậy. Chiếm Trung Lào, Việt Minh sẽ tiếp tay cho Liên khu 5 và đe dọa toàn miền Nam Đông Dương. Thượng Lào chính là điểm yếu, là huyệt hiểm trong thế bố trí chiến lược của Pháp ở Đông Dương. Do lo sợ mất Thượng Lào và để bảovệ cho nó, Nava và Cônnhi đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm pháo đài án ngữ đường tiến của chủ lực ta. Ông Mác Giắc-kê, bộ trưởng các quốc gia liên kết khi sang Đông Dương 11 năm 1953 đã phải thốt lên: “Nếu Việt Minh tới được sông Mê Công thì chắc chắn dư luận nước Pháp sẽ bị một cú sốc choáng váng đến nỗi không còn có thể tiếp tục cuộc chiến tranh được nữa”.

Xét về vị trí địa lý - quân sự trong bốn địa điểm được nêu ra chọn lựa để bảo vệ Thượng Lào, thì Điện Biên Phủ có nhiều ưu điểm hơn cả so với Lai Châu, Luông Pha-băng và Viêng Chăn. Hai địa điểm trên đất Lào không đáp ứng được yêu cầu phòng thủ cả trên không, trên mặt đất và vận tải tiếp tế do bị khống chế về địa hình và tầm bao quát. Lai Châu cũng vậy, tuy Pháp đã xây dựng căn cứ phòng thủ ở đây nhưng hiệu quả ngăn chặn không cao và rất khó trụ vững khi bị tiến công do vị trí biệt lập, lại xa đường tiến quân của chủ lực ta. Đối với Điện Biên Phủ, cánh đồng lòng chảo rộng lớn nhất ở Tây Bắc: “Vị trí địa lý và những đặc điểm về khí hậu ở đây khiến cho nó trở thành một địa bàn dễ phòng thủ, một trong những căn cứ không quân tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt vời Chúng ta (Pháp) có những điều kiện rất thuận lợi để chấp nhận một trận chiến đấu ở đây”. Theo tướng Xa-lăng, người tiền nhiệm của Nava thì “chiếm được Điện Biên Phủ, Pháp sẽ khóa được con đường (từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ sang lưu vực sông Nậm Hu, tới Luông Pha-băng) một cách rất có hiệu quả bởi chỉ có thể vòng qua vị trí này (Điện Biên Phủ) một cách rất khó khăn bằng những con đường mòn phải vượt qua núi rất xấu”.

phan 6 anh 4
Tướng Nava, tướng Cô nhi và Đờ Cáttơri bàn kế hoạch phòng thủ
 Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

phan 6 anh 5
Phó Tổng thống Mỹ Nichxơn kiểm tra cứ điểm Điện Biên Phủ (1/1954)

Cánh đồng lòng chảo còn là nơi quân Pháp có thể phát huy được uy lực của pháo binh và khả năng của xe tăng, thiết giáp. Trong khi đó, theo tính toán của  Pháp, pháo hạng nặng và pháo phòng không của ta rất khó tiếp cận các mục tiêu quanh với những con đường mòn, lại luôn bị máy bay, pháo binh ném bom, bắn phá. NaVa và Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng khoảng cách hàng trăm ki-lô-mét từ miền đồng bằng lên và từ biên giớiViệt - Trung đến, với tình trạng đường sá tồi tệ, tiếp  tế hậu cần của ta bằng mang vác thô sơ là chủ yếu sẽ không thể đáp ứng được cho số quân quá hai sư đoàn tác chiến trong thời gian hai, ba tháng.

Hơn nữa, Điện Biên Phủ còn là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, có số  quân đông nhất, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại, đầy đủ nhất, có thời gian chuẩn bị bố trí phòng thủ dài nhất. Trước đây, ta đã không có cách gì đánh bại được hình thức phòng ngự này của Pháp ở Hòa Bình, Nà Sản, cánh đồng Chum... thì bây giờ càng không thể đánh thắng được ở Điện Biên Phủ. Nava hy vọng sẽ kìm giữ đại bộ phận lực lượng chủ lực ta ở Điện Biên Phủ nhằm phá vỡ kế hoạch tác chiến và thế bố trí chiến lược trên các chiến trường làm tiêu tan quyền chủ động tiến công của ta.

Nếu thắng trận Điện Biên Phủ có nghĩa là Pháp vẫn đứng chân được ở Tây Bắc, vừa giữ được cả Thượng Lào, đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời vẫn có điều kiện tiếp tục mở cuộc tiến công ở miền Nam theo dự kiến của kế hoạch Nava.

Tâm lý lạc quan chiến thắng trong giới cầm quyền Pháp ở Pari và Bộ Chỉ  huy Pháp ở Đông Dương do kết quả của cuộc tập kích Lạng Sơn (17/7/1953), Lào Cai (6/10/1953) và cuộc hành quân Hải Âu (15/10/1953) vào Tây - Nam Ninh Bình... đã dẫn đến việc đánh giá sai khả năng chuẩn bị và tác chiến của chủ lực ta. Nava cho rằng Pháp đã phần nào giành lại quyền chủ động tiến công. Đây cũng là lý do khiến Pháp nhanh chóng “chộp” lấy cơ hội chọn Điện Biên Phủ làm địa điểm đánh đòn quyết định - một sự lựa chọn “định mệnh”, hợp với lô-gích tiến trình chiến tranh.

Đại tá - TS. Nguyễn Mạnh Hà Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Điện Biên Phủ - Một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, trận chiến chiến lược Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về quân đội và nhân dân Việt Nam, thất bại hoàn toàn thuộc về các lực lượng viễn chinh xâm lược Pháp. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX mà còn ghi vào lịch sử quân sự thế giới, đặc biệt là ở phương Tây, người ta đã ví và so sánh Điện Biên Phủ với những trận đánh lừng danh trong lịch sử. Tờ Bằng chứng Cơ Đốc của Cộng hòa liên bang Đức viết: “Sự thất thủ Xta-lin-grát của núi rừng”, tên mà người Đức gọi cái căn cứ cố thủ Điện Biên Phủ đã có một tiếng vang dội sâu sắc ở Cộng hòa liên bang Đức. Đối với nhiều người Đức, sự thất bại đó tiêu biểu cho sự thất bại của phương Tây1.

Hoặc như Giuyn Roa, một ký giả kiêm sử gia Pháp lại khẳng định: “Trên toàn thế giới, Oa-téc-lô ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đang gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm”2. Và trong các cuốn từ điển lớn trên thế giới người ta không thể không viết về Điện Biên Phủ, đánh giá nó như là một “thảm họa về quân sự” của lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sự so sánh, đánh giá đó đã khẳng định một điều rằng Điện Biên Phủ là một trận đánh tiêu biểu, rằng tên gọi của nó tượng trưng cho sức mạnh và chiến thắng.

phan 6 anh 6
Đoàn xe ô tô của Cục vận tải vượt ngầm tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ

Trong lịch sử quân sự thế giới, có thể kể đến những trận đánh nổi tiếng như Ma-ra-tông (490 tr.CN ), Lớt-trơ (371 tr.CN ), Ác-ben-la (331 tr.CN ), Can (216 tr.CN ), Bối Thủy (204 tr.CN ), Ca-tơ-lo-ních (451), Poa-chi-ê (732), Pôn-ta-va (1709), Ốt-xtéc-li-lơ (1805), Bô-rô-đi-nô (1812), Oa-téc-lô (1815), Mác-nơ (1914), Xta-lin-grát (1943), Mít-uây(1942)... Mỗi trận đánh ở các thời đại khác nhau đều diễn ra trong một hoàn cảnh cụ thể nhất định, nên có những đặc điểm riêng biệt, không trận nào giống trận nào cả về quy mô, lực lượng, phương tiện, trình độ tác chiến... Dù vậy, để được coi là những trận đánh tiêu biểu, quyết định, các trận đánh đó đều thể hiện một cách tập trung nhất những quy luật của chiến tranh, nguyên tắc chung và sự phát triển của nghệ thuật quân sự qua các thời đại. Nói một cách cụ thể, đó là những trận quyết chiến chiến lược lớn (hội chiến) quyết định kết cục hoặc tạo nên bước chuyển biến quan trọng của mỗi cuộc chiến tranh. Và về mặt nghệ thuật quân sự đó là trận đánh hay - đứng về phương diện những người thắng trận - với những nét đặc sắc như việc chọn hướng (địa điểm), thời cơ trận quyết chiến một cách đúng đắn, việc sử dụng lực lượng, bố trí thế trận một cách hợp lý và đặc biệt có cách đánh độc đáo, sáng tạo. Trận Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại - đã mang đầy đủ những nét tiêu biểu ấy.

Một là, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Điều gì đã đưa đến ý nghĩa quyết định của trận Điện  Biên Phủ? Như mọi người đều biết “Vấn đề cơ bản của mọi cuộc chiến tranh là tiêu diệt lực lượng vũ trang quân địch”3. Trong chiến tranh để giành thắng lợi hoàn toàn, cả hai bên tham chiến đều tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng vũ trang đối phương, đè bẹp sức kháng cự của chúng, đặt chúng vào tình thế không thể chiến đấu được, cuối cùng mất ý chí chiến đấu. Cuộc chiến của nhân dân Việt Nam trải qua hơn tám năm đã có bước phát triển vượt bậc, quân và dân ta từ đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ và vừa đã tiến lên đánh tập trung, tiêu diệt, chiến lược lớn, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava - kế hoạch với trọng tâm là xây dựng lực lượng cơ động mạnh nhằm “tiêu diệt chủ lực Việt Minh” - cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược. Trong lịch sử quân sự thế giới, những trận đánh tiêu biểu lừng danh mà dấu ấn của nó không phai mờ trong ký ức nhân loại đều là những trận hội chiến lớn, những trận đánh tiêu diệt quyết định kết cục hay tạo nên bước ngoặt của chiến tranh. Có thể kể đến trận Ma-ra-tông năm 490 tr.CN , trong đó quân A-ten (Hy Lạp) đánh tan đạo quân Ba-tư hơn 11 nghìn người, làm nhụt ý chí xâm lược và loại bỏ huyền thoại về sức mạnh vô địch của người Ba-Tư. Mặc dù sau trận Ma-ra-tông, cuộc chiến tranh Hy - Ba còn tiếp diễn song những cố gắng của người Ba-Tư nhằm chinh phục Hy Lạp không đạt được. Đó là trận Ác-ben-la năm 331tr.CN , trong đó quân đội tiểu quốc Ma-xê-đoan tiêu diệt gần bốn vạn quân Ba-Tư quyết định sự sụp đổ của đế chế Ba-Tư, mở đường cho A-lếch-xăng-đơ-rơ chinh phục vùng Tây Á rộng lớn kéo dài từ Địa Trung Hải đến lưu vực sông Anh-đuýt (Ấn Độ). Trận quyết chiến chiến lược Ca-tơ-lô-ních năm 45l mà chiến thắng thuộc về quân La Mã đã ngăn chặn làn sóng xâm lược của quân Hung Nô, cứu các dân tộc người Giéc-manh khỏi thảm họa. Năm 732, bằng trận quyết chiến chiến lược, quân đội Vương quốc Phơ-răng tiêu điệt quân Ả Rập ở Poa-chi-ê, chặn đứng một cách dứt khoát sự nghiệp chinh phục của người Ả Rập, bảo tồn những di tích cổ đại và nền văn minh Tây Âu. Trận quyết chiến chiến lược Pôn-ta-va năm 1709, quân đội Nga đã giành thắng lợi trước quân đội  Thuỵ Điển - một quân đội mạnh nhất Châu Âu lúc bấy giờ, tiêu diệt phần lớn quân Thuỵ Điển, làm chuyển biến cơ bản quá trình cuộc chiến tranh tại phương Bắc (1700 - 172l), củng cố vị trí của nước Nga ở Ban Tích. Đó là thắng lợi của quân Nga năm 1821 trong trận quyết chiến chiến lược Bô-rô-đi-nô đã mở đầu sự thất bại thảm hại của quân Pháp trong quá trình xâm lược châu Âu. Và cuối cùng, tại trận quyết chiến chiến lược Oa-téc-lô năm 1815, liên quân Anh-Phổ đánh bại quân Pháp, quyết định sự sụp đổ hoàn toàn đế chế Na-pô-lê-ông đệ nhất.

phan 6 anh 7
Bộ đội ta xuất kích tiến vào cụm cứ điểm Him Lam

Bước sang thế kỷ XX, trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất và đại chiến thế giới lần thứ hai cũng xuất hiện những trận quyết chiến chiến lược lớn, tạo nên bước ngoặt của hai cuộc chiến nay. Đó là trận Mác-nơ năm 1914, trong đó quân Đức bị thất bại trước quân Pháp, buộc phải rút về sông En và U-a-dơ, các kế hoạch chiến lược của Đức không thực hiện được, cả hai bên liên quân và Đức đều chuyển sang phòng ngự. Đó là trận Xla-lin-grát năm 1943, trong đó Hồng quân Liên Xô đã đánh bại 50 sư đoàn quân Đức, tiêu diệt 800.000 quân, 2.000 xe tăng và pháo tự hành, 10.000 súng cối, 3.000 máy bay các loại của Đức, Trận Xta-lin-grát là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ II , làm phá sản kế hoạch xâm lược của Hít-le, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức. Trên mặt trận Thái Bình Dương, trận Mít-Uây là một trận hội chiến lớn trên biển - trong đó Hồng quân Liên Xô đã đánh cho đội quân Quan Đông của Nhật thảm bại, phá hủy 4 tàu sân bay, 1 tuần dương hạm, 253 máy bay của Nhật, làm cho ưu thế hạm đội Nhật suy giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho quân Anh - Mỹ sau đó đánh chiếm phần lớn các đảo trên Thái Bình Dương... Cần phải nhấn mạnh thêm rằng những trận đánh quyết định chiến tranh trong lịch sử thế giới càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, khẳng định sự tiêu biểu của nó khi kết cục các cuộc chiến đó ảnh hưởng và tác động sâu sắc về mọi mặt đến khu vực, thậm chí đến cục diện chiến tranh chung. Điện Biên Phủ là một trận đánh như thế. Bởi vì, nó không những kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, mà còn bởi vì, nó cáo chung cho sự tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, thúc đẩy phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở Á - Phi Mỹ la tinh. Có thể nói, Pháp là một cường quốc lớn ở Châu Âu, có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền khoa học kỹ thuật phát triển, có ưu thế về vũ khí trang bị, có đội quân nhà nghề... thế nhưng đã bị thất bại trước một nước nhỏ với nền kinh tế, khoa học - kỹ thuật chưa phát triển, quân đội với vũ khí, trang bị chưa hiện đại. Rõ ràng bằng trận Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam lần đầu tiên đã chứng minh một nước nhỏ có thể đánh thắng một nước đế quốc lớn trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Điện Biên Phủ đã loại bỏ huyền thoại về sức mạnh quân đội viễn chinh của một cường quốc phương Tây.

phan 6 anh 8
Công tác cấp dưỡng tại mặt trận không ngừng được cải tiến.
Bộ đội được ăn cơm canh nóng tại trận địa

Hai là, Điện Biên Phủ là một trận đánh thể hiện một cách sâu sắc nghệ thuật chọn hướng (địa điểm) quyết chiến, biết tạo và nắm thời cơ đánh đòn quyết định vào tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp. Khi bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, bằng việc xác định phương hướng chiến lược và mục tiêu tiến công là tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm diệt một bộ phận sinh lực của chúng, buộc chúng phải bị động đối phó trên những hướng xung yếu. Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định tiến công lên Tây Bắc. Khi Na-va cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, ta tiến hành vây Điện Biên Phủ, buộc Bộ Chỉ huy Pháp phải điều động lực lượng tăng cường. Cùng với việc tiến công lên Tây Bắc, ta mở các cuộc tiến công trên các hướng quan trọng như Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào... Cuối cùng, khi Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng “Việt Minh đã từ bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ” thì ta đã tập trung xong đại bộ phận chủ lực và bắt đầu cuộc tiến công Điện Biên Phủ thực hiện đòn quyết chiến chiến lược tại đây không những thể hiện nghệ thuật chọn hướng, chọn địa điểm quyết chiến một cách chính xác, mà còn thể hiện nghệ thuật tạo và nắm thời cơ đánh vào một điểm mạnh của địch. Tiến công Điện Biên Phủ, ta đã phát huy được sức mạnh, sở trường của ta, hạn chế được sức mạnh, khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Mặc dù Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp, song cách xa hậu phương, dễ bị cô lập việc ứng cứu tiếp viện chỉ bằng đường không. Về phía ta, lại phát huy được khả năng về lực lượng, phương tiện do tác chiến ở địa hình rừng núi. Chính La-ni-en, thủ tướng Pháp đã phải thừa nhận: “... Kẻ địch với việc điều quân cơ động tài tình, đã buộc chúng ta (chỉ quân Pháp) phải giao chiến ở Điện Biên Phủ, một cuộc giao tranh với tầm quan trọng như vậy... Bộ Chỉ huy đã phạm sai lầm ở chỗ tưởng rằng đã thu hút được địch thử đến một mặt trận mà ưu thế của chúng ta sẽ bảo đảm thắng lợi, trong khi ngược lại, chính đối phương đã lựa chọn địa thế đó”4. Quyết định tiến công Điện Biên Phủ là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt lực lượng lớn quân tinh nhuệ của Pháp trong điều kiện khối cơ động chiến lược của chúng bị phân tán ra nhiều nơi trên khắp chiến trường Đông Dương. Lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là khối chủ lực trải qua hơn tám năm kháng chiến, đã không ngừng phát triển cả về lực lượng, về kinh nghiệm tác chiến, về trang bị vũ khí, kỹ thuật. Đó chính là thời cơ chiến lược để ta bước vào trận quyết chiến chiến lược đánh quyết định vào đội quân xâm lược. Cần phải nhấn mạnh một lần đến việc chọn thời cơ tiến hành trận đánh cụ thể: Đó là việc lựa chọn bắt đầu trận đánh vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, khi mà phía Pháp tin rằng ta không tiến công Điện Biên Phủ nữa, khi mà Na-va đang “bận bịu” chỉ đạo cuộc hành quân Át-lăng vào Quy Nhơn. Sự lựa chọn thời điểm đó đã tạo nên bất ngờ cho Bộ Chỉ huy Pháp. Không nghi ngờ gì nữa, việc xác định hướng và mục tiêu tiến công, địa điểm tiến hành trận quyết chiến chiến lược chính xác, trên cơ sở đã chuẩn bị chu đáo, chọn đúng thời cơ tiến công là những yếu tố quan trọng đưa đến thắng lợi trận đánh Điện Biên Phủ. Lịch sử các trận quyết chiến chiến lược lớn trên thế giới đã cho nhiều dẫn chứng là chỉ bằng việc chọn hướng, địa điểm quyết chiến, nắm thời cơ tiến hành trận quyết chiến đúng đắn người ta đã giành được chiến thắng vang dội. Trong trận Ma-ra-tông, các tướng lĩnh A-ten lựa chọn địa hình đồng bằng chật hẹp, phía trước là biển, hai bên là đầm lầy và đồi núi để tiến hành trận quyết chiến trong khi quân Ba-tư vừa mới đổ bộ, không những hạn chế ưu thế về kỵ binh của quân Ba-tư, mà còn tạo điều kiện cho quân A-ten với quân số ít hơn, chớp thời cơ giành chiến thắng quyết định. Trong trận quyết chiến chiến lược Pôn-ta-va, quân Nga đã chọn khu vực phòng ngự là thung lũng rộng 2,5 ki-lô-mét, bên phải bị hạn chế bởi khe sâu, bên trái và phía trước là rừng, chỉ có con đường duy nhất đến Pônta- va đã làm cho quân Thuỵ Điển khó cơ động, buộc phải bố trí đội hình tiến công chính diện trước làn hỏa lực đối phương và trong điều kiện vừa mới hành quân đến, đã bị tiêu hao bởi các trận đánh trước đó. Đó là trận Bô-rô-đi-ô, quân Nga do Cu-tu-dốp chỉ huy đã lựa chọn khu vực tiến hành trận quyết chiến hết sức khôn khéo: Bên phải giáp sông Mát-xcơ-va, bên trái là rừng rậm khó vượt qua, chính diện bên phải là trận địa lại có sông Cơ-lốt-sơ-ca với vùng đầm lầy án ngữ gây khó khăn cho đội hình tiến công của quân Pháp... Những sự lựa chọn khôn ngoan đó đã tạo nên chiến thắng trong các trận quyết chiến chiến lược. Có thể nói, việc chọn hướng, địa điểm quyết chiến đúng, nắm bắt thời cơ chính xác chẳng những có khả năng tạo ra được so sánh lực lượng có lợi để giành chiến thắng quyết định ở khu vực quyết chiến mà còn có khả năng tạo ra sức chấn động lớn làm rung chuyển toàn bộ và thay đổi cục diện chiến tranh. Thực vậy, chỉ bằng việc thất thủ Điện Biên Phủ, quân đội viễn chinh Pháp mặc dù còn đông, nhưng tinh thần chiến đấu đã suy sụp nghiêm trọng, Bộ Chỉ huy Pháp không thể cứu vãn được tinh thần chiến đấu đã suy sụp nghiêm trọng, Bộ Chỉ huy Pháp không thể cứu vãn được tình thế, chính phủ Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh.

phan 6 anh 9
Tiến công cứ điểm phía Bắc Mường Thanh

Ba là, trong trận Điện Biên Phủ ta đã thể hiện nghệ thuật sử dụng lực lượng một cách kiên quyết và tập trung, bố trí thế trận một cách khéo léo, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tiến công, tạo nên sức mạnh lớn hơn của cả thế và lực tiến công quân địch. Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, là hình thức phòng ngự hiện đại mới xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương. Với 49 cứ điểm hình thành ba khu vực phòng ngự liên hoàn, từng cứ điểm có hệ thống lô cốt, chiến hào hầm ngầm kiên cố với hệ thống hỏa lực mạnh, tập đoàn cứ điểm còn có sân bay, kho tàng, vì vậy Điện Biên Phủ được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm” là “Nà Sản luỹ thừa mười”... Tiến công Điện Biên Phủ sẽ hết sức khó khăn, đòi hỏi ta phải tạo được sức mạnh vượt bậc cả về thế và lực mới có thể giành thắng lợi. Việc tập trung hầu hết khối chủ lực, gồm bốn đại đoàn (308, 304, 312, 316) và đại đoàn sơn pháo, tiến hành xây dựng trận địa bao vây tiến công là thể hiện quyết tâm tiến hành trận quyết chiến chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh. Có thể nói, nếu như trước Điện Biên Phủ, ta tiến hành các chiến dịch chỉ có 1-2 đại đoàn bộ binh, vài đại đội công pháo tham gia thì Chiến dịch Điện Biên Phủ có lực lượng tham gia lớn nhất với chất lượng cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, trong quá trình trận đánh, mặc dù tập trung lực lượng lớn nhưng ưu thế của ta so với địch chỉ là tương đối, đặc biệt địch có ưu thế về vũ khí, trang bị. Vì vậy, ta đã xây dựng trận địa và thế xuất phát tiến công vững chắc với hệ thống giao thông hào liên hoàn tập trung lực lượng, phương tiện, hỏa lực, chia cắt lần lượt từng cụm cứ điểm, từ Him Lam, Độc Lập... đến các C, D, E, A1, đến tổng công kích toàn diện, phát huy tối đa hiệu quả của vũ khí trang bị của ta, hạn chế ưu thế vũ khí trang bị của địch. Việc tập trung lực lượng, phương tiện đánh lần lượt, trước hết vào nơi hiểm yếu của tập đoàn cứ điểm, việc hiệp đồng giữa các lực lượng tiến công đã tạo nên sức đột phá mạnh làm cho quân Pháp kinh hoàng, đối phó lúng túng, bị mất dần từng khu vực, từng cứ điểm quan trọng, dẫn đến thất bại hoàn toàn. Vấn đề tập trung lực lượng ưu thế trên những hướng, khu vực hiểm yếu của quân địch, bố trí thế trận vững chắc, là một trong những nét nổi bật của các thế trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử quân sự thế giới. Chính vì vậy, phần lớn các trận đánh đó, bên giành thắng lợi thường có binh lực ít hơn và cũng chính vì vậy, những trận đánh đó càng thể hiện sự tiêu biểu, quyết định của nó. Trận Lớt-trơ (năm 371 tr.CN ) giữa Spác và Te-bơ là một trong những trận đánh điển hình về bố trí sử dụng lực lượng một cách hợp lý, trong đó E-pa-mi-nôn-đát chỉ huy quân Te-bơ đã sáng tạo ra đội hình chiến đấu mới với uy lực tiến công cao bằng việc “phân phối binh lực không đồng đều trên chính diện để tập trung đột kích chủ yếu vào một điểm quyết định”. Với việc bố trí đội hình, tập trung lực lượng hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và kỵ binh, nên quân Te-bơ chỉ có 6.000 bộ binh, 1.000 kỵ binh đã đánh bại quân Spácđông gần gấp hai lần. Trận ác-ben cũng là trận mà A-lếch-xăng-đơ-rơ sử dụng một cách khéo léo “đội hình nghiêng”, tức tập trung lực lượng vào khu vực công kích chủ yếu đã tạo thắng lợi quyết định cho quân Ma-xêđoan trong điều kiện lực lượng ít hơn quân Ba-tư nhiều lần. Trong trận Can, Ha-niban, bằng việc bố trí đội hình tiến công theo hình móng ngựa: Lồi về phía trước với lực lượng đột kích mạnh hai bên sườn, quân Các-ta-giơ mặc dù lực lượng ít hơn, nhưng đã thực hiện cuộc họp vây một cách ngoạn mục, tiêu diệt phần lớn quân La Mã. Trong trận quyết chiến chiến lược Oa-téc-lô, quân Anh tập trung lực lượng vào trung tâm trận địa phòng ngự, đã hạn chế và ngăn chặn có hiệu quả hành động đột phá chính diện quen thuộc của quân Pháp do Na-pô-lê-ông chỉ huy. Trận Xta-lingrát cũng nhờ tập trung lực lượng và phương tiện trên các hướng đột phá chủ yếu, bộ đội Xô-viết đã có ưu thế gấp hai, thậm chí gấp ba lần hơn địch nên trong quá trình phản công đã nhanh chóng phá vỡ thế phòng ngự quân Đức, tiến hành bao vây tiêu diệt các tập đoàn quân địch giành thắng lợi quyết định.

Đối với trận Điện Biên Phủ, đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành bao vây, tiến công một tập đoàn cứ điểm trong điều kiện quân Pháp có vũ khí trang bị hiện đại hơn, có kinh nghiệm tác chiến phòng ngự qua hai cuộc chiến tranh thế giới. Thế nhưng bằng việc tập trung lực lượng, phương tiện đột phá từng cụm cứ điểm quân Pháp dựa vào hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước thắt chặt vòng vây, đã tạo nên ưu thế sức mạnh to lớn trong quá trình tiến công, đưa đến việc tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Như vậy, sử dụng lực lượng một cách tập trung trong trận Điện Biên Phủ với cách đánh sáng tạo là sự phát triển tư tưởng chiến lược của ông cha ta “lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, nhưng biết tạo thành ưu thế trong những trận quyết chiến lược vào thực tiễn chiến tranh thời đại cách mạng kỹ thuật đã phát triển.

Nhận định về cách đánh của quân đội nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ, Pôn Ê-ly, tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương viết: “... Đối phương (tức Quân đội nhân dân Việt Nam) áp dụng những phương pháp chiến đấu khá khôn ngoan: Họ ưa vận động tiến lên tiếp cận trong một mạng lưới hầm hào dày đặc chưa từng thấy bao giờ, ngay cả thời kỳ chiến tranh giao thông hào của cuộc chiến tranh thế giới năm 1914 - 1918, hơn là xuất hiện trên địa hình trống trải”5. Cách đánh sáng tạo ấy của Quân đội nhân dân Việt Nam còn được người Pháp gọi là “chiến lược hao mòn” với “một hệ thống đường hào tiến công lan truyền tạo ra một sự bố trí lực lượng bao vây rất cơ động”6. Nó làm cho quân đội Pháp bị bất ngờ lớn bởi “hình thức chiến tranh hoàn toàn mới mẻ trên chiến tranh Đông Dương”7.

Nó dẫn đến sự thất bại không thể tránh khỏi của đội quân viễn chinh Pháp bởi “sự thông minh và ý chí quyết thắng” của Quân đội và nhân dân Việt Nam.

Cuối cùng, có thể nói: Nếu nghệ thuật chọn hướng, địa điểm, thời cơ trận quyết chiến đúng đắn, chính xác, nghệ thuật sử dụng lực lượng kiên quyết và tập trung có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thì nghệ thuật vận dụng cách “đánh chắc, tiến chắc” có ý nghĩa trực tiếp quyết định nhất. Cách đánh sáng tạo đó chỉ có thể hình thành trên cơ sở nền nghệ thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam - nghệ thuật quân sự cách mạng: “Biết đánh, biết thắng”.

Trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc sau 55 ngày đêm với thắng lợi cuối cùng thuộc về quân và dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ, đỉnh cao của chiến cục Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp xâm lược, đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Chiến thắng đó đã kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp, mở ra một trang mới tronglịch sử dân tộc Việt Nam. Nếu như người Pháp trước khi bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ cho rằng: “Ở Điện Biên Phủ... các lực lượng của Pháp và của các nước liên kết phải sát cánh với nhau để ghi một chương chói lọi trong lịch sử quân sự”8 thì “chương sử” ấy được ghi bằng thắng lợi của Việt Nam và thất bại của quân đội viễn chinh Pháp. Trận Điện Biên Phủ xứng đáng là trận đánh tiêu biểu, nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới./.

Nguyễn Việt Bình, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

1. Báo Bằng chứng Cơ Đốc, ngày 21-5-1954.

2. Dẫn theo Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, t.r116.

3. Võ Nguyên Giáp, Đường lối quân sự của Đảng là ngọn cờ trăm trận trăm thắng của chiến tranh nhân dân ở nước ta,NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973, tr.80.

4. Mác - Ăngghen - Lê-nin, Trích luận văn quân sự, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, t.r136

5. Dẫn theo Viện sử học, Âm mưu của đế quốc Pháp - Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr.185. Pôn. Ê-ly, Đông Dương trong cơn lốc, Nxb Rơ-nê Giu-li-u, Pa-ri, 1962

6. Bách khoa thư tổng hợp, Pa-ri, tr.732 - 733.

7. Dẫn theo Âm mưu của đế quốc Pháp - Mỹ..., Sđd, t.r108.

8. Dẫn theo La-vơ-rít-sép Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, NXB Quan hệ quốc tế, Mát-xcơva, 1960, tr.92

Kim Yến (st)

Bài viết khác: