Chỉ mục bài viết

 

Nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tướng Hoàng Văn Thái

…Trận Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, là một trận quyết chiến chiến lược quy mô lớn tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của quân đội viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức. Thắng lợi rực rỡ của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và trận quyết chiến chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với cục diện quân sự và chính trị trên toàn chiến trường Đông Dương, dẫn đến thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp đến thắng lợi vĩ đại. Thắng lợi đó kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, giải phóng một nửa nước ta, mở đầu thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, góp phần thúc đẩy quá trình tan rã từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, đẩy mạnh thế tiến công của ba trào lưu cách mạng trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Riêng về mặt quân sự, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) và chiến địch Điện Biên Phủ là một thành công mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta. Nó đánh dấu một bước phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới.

Lần đầu tiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tổ chức và thực hành thắng lợi rực rỡ một chiến cục quyết chiến chiến lược trên quy mô toàn chiến trường ba nước Đông Dương, dẫn đến thắng lợi kết thúc cuộc chiến tranh: Lần đầu tiên chúng ta đã tổ chức và thực hành một chiến dịch tiến công tiêu diệt xuất sắc, một trận đánh quân địch trong công sự vững chắc quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng có tính chất trận địa, tiêu diệt gọn một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, kiên cố nhất của địch.

Cho đến nay, Điện Biên Phủ đã được coi là một trong những trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử chiến tranh và đấu tranh vũ trang của các dân tộc thuộc địa chống quân đội xâm lược của bọn đế quốc thực dân. Với cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân năm (1953 - 1954) mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh  giải phóng của các dân tộc, một nước thuộc địa nhỏ đã đánh thắng về quân sự một đế quốc to; một quân đội cách mạng còn trẻ tuổi, trang bị còn thấp kém đã đánh bại đội quân viễn chinh xâm lược nhà nghề, trang bị hiện đại, được xếp vào loại mạnh trong thế giới tư bản hồi đó.

Chiến thắng Đông Xuân (1953 - 1954) với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi to lớn của nhân dân ta mà còn là thắng lợi to lớn của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Bài học thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với nhân dân cũng như đối với các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng mãi mãi là một sự cống hiến rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

HTDB phan 5 anh 1
Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch họp tại Mường Phăng
 hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (22/4/1954)

Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong quãng thời gian ấy tình hình nước ta và tình hình thế giới đã có những biến chuyển rất sâu sắc; dân tộc ta dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng đã làm nên biết bao sự tích anh hùng trong sự nghiệp dựng nước cũng như cứu nước và giữ nước. Phát huy truyền thống “Quyết chiến quyết thắng” của Điện Biên Phủ, phát huy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nắm vững và vận dụng sáng tạo những quy luật giành thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc, vận dụng những bài học thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và Điện Biên Phủ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, suốt 21 năm ròng, đồng bào và chiến sĩ cả nước ta đã anh dũng đánh thắng liên tiếp mọi chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ; cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành toàn thắng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa thời đại sâu sắc và vững bước tiến lên giành thắng lợi mới. Tiếp đó, trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, đã giành thắng lợi to lớn; đồng thời đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên chặng đường công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; giữ vững an ninh, quốc phòng...

*

*       *

Về phía thực dân Pháp, sự kiện Điện Biên Phủ thất thủ diễn ra cách đây đã 30 năm. Từ các nhà quân sự có tên tuổi đến các chính khách, nhà văn, nhà báo phương Tây, người ta đã viết rất nhiều về Điện Biên Phủ. Họ đã nêu lên nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân thất bại, kẻ thì quy trách nhiệm cho Chính phủ Pháp, người thì đổ tại sai lầm chiến lược của tướng Na - va. Mãi đến nay họ vẫn chưa giải thích được vì sao quân Pháp đã thất bại, vì sao quân và dân ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ.

Về phía chúng ta những người làm nên chiến thắng lịch sử này, chúng ta nhận rõ rằng cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) và trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là sự phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đó là vì chúng ta được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, chúng ta nắm được quy luật phát triển tất thắng của cách mạng và chiến tranh cách mạng nước ta, nắm vững quy luật chiến tranh xâm lược của địch. V.I.Lê-nin từng nói rằng: Trong lịch sử cũng như trong tự nhiên, không hề có phép lạ. Nhưng mỗi bước ngoặt đột phá của lịch sử, mỗi cuộc cách mạng đều biểu hiện một nội dung rất phong phú, đều phát triển những cách phối hợp các hình thức đấu tranh một cách rất bất ngờ, độc đáo và những tương quan lực lượng đối diện khiến cho nhiều việc xem như vượt qua khả năng của những trí não tầm thường.

Ở đây không có tham vọng nghiên cứu toàn diện và phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan của Chiến thắng Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chỉ tổng quát mấy nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhân tố chủ yếu nhất, cơ bản nhất dẫn tới thắng lợi là đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về quân sự là đường lối tiến hành toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tiến công địch một cách toàn diện, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài giỏi và sắc bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; là sự đánh giá đúng so sánh lực  lượng địch, ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác trong bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh.

Nhân tố thứ hai là sức mạnh chính trị tinh thần, sức mạnh của hậu phương đã được phát huy đến mức rất cao dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sự tổ chức và huy động lực lượng cả nước từ tiền tuyến đến hậu phương tạo nên một sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn để vượt qua những khó khăn thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi, làm nên những sự tích phi thường mà kẻ địch đinh ninh rằng quân và dân ta không thể làm được.

Nhân tố thứ ba và là nhân tố trực tiếp quyết định là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, là nghệ thuật chỉ đạo và vận dụng cách đánh sáng tạo trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.

Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật quân sự của chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

HTDB phan 5 anh 2
Xe đạp thồ vượt dốc trên đôi vai của dân công hỏa tuyến

Về chiến lược, đó là nghệ thuật nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy quyền chủ động tiến công chiến lược của ta, phá tan âm mưu và quyền chủ động của địch; là hạ quyết tâm và định hướng tiến công chiến lược và chọn thời điểm quyết chiến chiến lược chính xác... Về nghệ thuật chiến dịch là xác định phương châm và cách đánh chiến dịch đúng đắn, tạo ưu thế tuyệt đối về binh lực và hỏa lực cho từng trận đánh chắc thắng trong điều kiện lực lượng chiến dịch của ta không hơn địch nhiều và về binh lực, hỏa lực thì còn kém chúng; là tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, xây dựng trận địa tiến công và bao vây tạo và nắm thời cơ chuyển đợt chiến dịch, phát triển chiến thuật đánh công sự vững chắc…

Nhân tố thứ tư quyết định thắng lợi là sự liên minh chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là sự đồng tình và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.

Bài học lớn và thiết thực nhất đối với chúng ta là đi sâu vào khoa học và  nghệ thuật quân sự, phát huy hiệu lực thực tế của tất cả các nhân tố trên đây để tạo nên một sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trong giai đoạn kết thúc chiến tranh và trong một chiến cuộc quyết chiến chiến lược. Rất rõ ràng, tìm hiểu sâu về những vấn đề trên cũnglà tích cực góp phần làm sáng tỏ thêm tài năng lãnh đạo cách mạng cùng nghệ thuật chỉ đạo chiến lược vừa cách mạng vừa khoa học của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nó giúp ta nắm vững hơn những bài học lớn mang tính quy luật về chỉ đạo chiếntranh và đấu tranh vũ trang cách mạng, những bài học đã phát huy tác dụng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và làm cơ sở cho việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết những vấn đề quân sự mới trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ - trận đánh để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình.

Hồ Chí Minh là người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, hòa bình cho dân tộc Việt Nam và hòa bình cho cả thế giới, một nền hòa bình chân chính trong độc lập tự do và bình đẳng. Người đã kiên trì bằng mọi cách, không sợ gian lao, vất vả để giải quyết mọi xung đột bằng hòa bình và thương lượng. Một tháng trước khi có Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp. Song khi cần phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng kiên quyết hy sinh(1).

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2).

Hai ngày sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong một bức thư gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp, nhân dân các nước đồng minh, Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi, chính phủ và nhân dân Việt Nam nhất định đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn quốc, nhưng sẵn sàng hợp tác thân thiện với nhân dân Pháp... Chúng tôi yêu chuộng các bạn, và muốn hợp tác thành thực với các bạn trong khối Liên hiệp Pháp, vì chúng ta có một lý tưởng chung: Tự do, bình đẳng và độc lập(3).

Trong suốt 9 năm kháng chiến, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời nêu quyết tâm “Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do”. Cho đến cuối tháng 11/1953, “Đêm trước của trận Điện Biên Phủ”, trong khi trả lời một nhà báo Thụy Điển, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy tám năm chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình. Hiện nay, nếu thực dân Pháp  tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút  được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận ý muốn đó”4.

Như vậy, cùng với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và tư tưởng “Quyết chiến, quyết thắng” vì độc lập - tự do, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh vẫn mở rộng cánh cửa hòa bình, thương lượng để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Cần nói thêm rằng, trong Kế hoạch Nava, cũng như đề án hoạt động Đông Xuân của ta chưa hề xuất hiện 3 chữ: Điện Biên Phủ. Sau ngày 20 và 21/11/1953, với sự có mặt của 6 tiểu đoàn quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đến tháng 12/1953, địch có ở đây khoảng 10 tiểu đoàn, thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới xuất hiện giữa rừng núi Tây Bắc. Như vậy, về phía thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ; tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương là khâu cuối cùng trong toàn bộ dây xích chiến tranh của tư tưởng tự do, độc lập hòa bình của Hồ Chí Minh. Bởi vì: “Ngọn cờ hòa bình do tay ta nắm và giương cao lên... Chúng ta tuyệt đối không nên có ảo tưởng rằng hòa bình sẽ đến một cách mau chóng và dễ dàng”.

Điện Biên Phủ trong tâm trí Hồ Chí Minh

Như phần trên đã nêu, khi Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, địa danh Điện Biên Phủ chưa được nhắc tới. Nhưng trước đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê chuẩn phương án tác chiến do Tổng Quân ủy trình bày với các hướng tiến công chiến lược là Tây Bắc, Tây Nguyên và Trung Hạ Lào, thì Hồ Chí Minh đã kết luận: “Phương hướng chiến lược không thay đổi” 5. Giải thích rõ thêm kết luận của mình, Hồ Chí Minh nói: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”6.

Thực tế là từ giữa tháng 11/1953, khi bộ đội chủ lực của ta mới tiến quân theo hướng chiến lược đã chọn: Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc (hướng thứ nhất), Trung đoàn 101 thuộc Đại đoàn 325 và Trung đoàn 66 thuộc Đại đoàn 304 tiến sang Trung Lào (hướng thứ hai), thì kế hoạch của địch đã bị đảo lộn. Phải chăng kết luận của Hồ Chí Minh “Lấy Tây Bắc làm hướng chính” nhìn trước một Điện Biên Phủ, nhưng là Điện Biên Phủ “có thể đánh địch và có lợi cho ta”. Từ đó, diễn ra một cuộc “chạy đua”, “giành giật” Điện Biên Phủ: Nava “ra tay trước” cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 10 tiểu đoàn trong vòng 10 ngày. Ta điều gấp 2 Đại đoàn 316 và 308 lên Lai Châu và Tây Bắc. Cái khác nhau giữa ta và địch trong khi tiến quân về Tây Bắc và Điện Biên Phủ là ở chỗ địch tuy “ra tay trước” nhưng trong thế bị động đối phó. Ta tuy cũng phải tiến gấp” nhưng như Hồ Chí Minh đã nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”7.

Điện Biên Phủ, như mọi người đã nói rõ, là một pháo đài rất mạnh. Nava hy vọng tập đoàn cứ điểm này có thể đè bẹp bộ đội chủ lực của ta và ý quyết giữ căn cứ này với bất cứ giá nào.

Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy biết rõ điều đó. Nhưng với phương châm hành động “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, ta thấy Điện Biên Phủ “căn bản vẫn có lợi cho ta” và “có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ”8. Một nguyên tắc chỉ đạo tác chiến chung được Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhấn mạnh là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt. Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh. Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán”9. Khi Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì Người thường xuyên theo dõi diễn biến của toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ với một sự quan tâm đặc biệt. Khi đồng chí Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ lên đường chỉ huy chiến dịch, Bác nói: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”10. Người đã nhiều lần có thư, điện gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong các bức thư và điện, Người xác định rõ: “Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”. Người rất vui lòng vì những thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật, vì bộ đội đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt nhiều địch ngoài mặt trận, Người động viên bộ đội “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ gìn quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”. Và như thường lệ Hồ Chí Minh bao giờ cũng “chờ tin thắng lợi để khen thưởng”. Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin từng ngày, từng giờ, Hồ Chí Minh đã đem cho cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người, những cán bộ chiến sĩ ngoài mặt trận; dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, đồng bào vùng địch tạm chiếm,… Người tin ở lãnh đạo dũng cảm, sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy mặt trận, Người có niềm tin tất thắng vì cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hòa bình của nhân loại: Trả lời nhà báo ÔxtrÂylia Bơcset về triển vọng cuộc chiến đấu của Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh đã dùng hình tượng “chiếc mũ lật ngược”, trong đó quân ta ở trên vành mũ, còn quân Pháp thì ở dưới lòng mũ. Hình tượng đó thể hiện lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của quân dân ta ở Điện Biên Phủ. Hồ Chí Minh tin ở con người, tức là tin vào thắng lợi của “Chiến dịch lịch sử”, nói rộng ra là tin ở sự nghiệp giải phóng con người. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Tháng 4 năm 1954, cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang ác liệt, tôi đến chào Bác trước khi đi Giơnevơ, Bác cho biết là sẽ có món quà quý tặng đoàn đại biểu của ta, và Chiến thắng Điện Biên Phủ, món quà vô giá ấy, đã đến ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ “khai mạc”11. Ở đây không chỉ là niềm tin vào thắng lợi bắt nguồn từ lòng tin vào con người mà còn là tầm nhìn xa, trông rộng lạ thường gắn với lòng dũng cảm và tinh thần kiên trì, quyết tâm chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng, mặc cho mọi trở lực và thử thách.

Tướng quân tại ngoại - Tư tưởng lớn, chiến thắng lớn.

Một trong những quan điểm xuyên suốt có ý nghĩa phương pháp luận của Hồ Chí Minh là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tình thương yêu nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, lòng tin vào con người, sự nghiệp đời đời phấn đấu quên mình vì lý tưởng tự do, độc lập hạnh phúc của con người... ở Hồ Chí Minh là không bao giờ thay đổi. Trong chiến trận, Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhấn mạnh với phương châm “cơ động, linh hoạt”. Người nói: Phép dùng binh phải thiên biến, vạn hóa. Sự thay đổi trong “phép dùng binh” Hồ Chí Minh nói không phải tùy tiện, thiếu cơ sở căn cứ, mà bao giờ cũng phải “tích cực, chủ động, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống”. Đó là trong trường hợp bàn tới phương châm tác chiến, hướng hoạt động. Còn ở ngoài mặt trận, khi “mặt giáp mặt với quân thù”, Hồ Chí Minh nói: “Tổng Tư lệnh mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định”12.

Tư tưởng này ở Hồ Chí Minh đã có từ sau năm 1951 khi Người viết cuốn “Phép dùng binh của Tôn Tử”. Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh đã chỉ ra “Tướng biết có thể đánh và không thể đánh”. Quân đội thắng lợi là vì họ chắc thắng rồi họ mới ra đánh, quân đội thất bại thì ra đánh rồi mới cầu thắng”13.

Ngoài biên ải, tổng chỉ huy có toàn quyền quyết định, nhưng phải trên cơ sở một nguyên tắc cao nhất là “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đó là tư tưởng lớn, vinh dự lớn, trách nhiệm lớn.

Tư tưởng “Tướng quân tại ngoại” chi phối mạnh mẽ suy nghĩ hành động của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ. Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “quyết định khó khăn nhất” là khi hầu hết tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm hậu cần; các cán bộ cao trung những đại đoàn tham gia chiến đấu, nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đều thấy “nên đánh ngay, giải quyết nhanh”. Các chuyên gia cũng đều nhất trí là cần đánh sớm, có khả năng giành chiến thắng bằng “đánh nhanh thắng nhanh”. Trong những giờ phút căng thẳng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lấy lời dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động: Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Và khi Tổng Chỉ huy đã “đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” thì chính anh - theo tư tưởng Bác Hồ - đã gọi điện cho các binh chủng báo chuyển phương châm tiêu diệt từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và cho các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần...”.

Một quyết định lui quân được chấp hành như mệnh lệnh chiến đấu. Mấy ngày sau khi gửi thư hỏa tốc về báo cáo Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh biết rằng “Bác và các anh ở nhà nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn”.

Chỉ huy trưởng đã xử trí tình huống theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thông minh, táo bạo, với một niềm tin tất thắng không gì lay chuyển nổi, để đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đơ Caxtơri. Hơn một vạn quân Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng.

Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ

Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ, nhân loại tiến bộ đã từng tung hô như vậy. Nhưng đã mấy ai hiểu được sợi dây bền chặt liên kết Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ là gì? Đó chính là tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập, tự do, tư tưởng giải phóng con người, lòng tin vào con người và một niềm tin tất thắng không có gì phá vỡ nổi. Hồ Chí Minh là linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tư tưởng “Tướng quân tại ngoại và đánh chắc thắng” là hành trang của Tổng Tư lệnh nơi biên ải, đem lại một niềm tin sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang.

PGS. Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

HTDB phan 5 anh 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận đánh mở màn của bộ đội
ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới (1950)

HTDB phan 5 anh 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng
họp ngày 6/12/1953 tại Việt Bắc quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

HTDB phan 5 anh 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

HTDB phan 5 anh 8

Nhân dân Hà Nội đón chào Chính phủ và Hồ Chủ tịch về Thủ đô (1/1/1955)

HTDB phan 5 anh 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn Huy hiệu cho các chiến sĩ lập công xuất sắc tại Điện Biên Phủ

Thành tích tiêu diệt địch trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kể từ ngày 13 - 3 đến ngày 7 - 5 - 1954, sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục quân ta đã toàn thắng. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Đờ Cát cùng binh lính địch lũ lượt kéo cờ trắng xin hàng. Một số tên ngoan cố bỏ chạy. Quân ta truy kích, đến 24 giờ cùng ngày đã bắt sống toàn bộ.

Tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống. 16.200 tên gồm 17 tiểu  đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh và 7 súng cối, 10 đại đội bổ sung và các đơn vị cơ giới, vận tải, phòng không, không quân. Tổng số sĩ quan, hạ sĩ quan địch bị tiêu diệt và bắt sống là l.766 tên gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá, 253 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá và 1.396 hạ sĩ quan.

Tổng số máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy là 62 chiếc, gồm 57 chiếc bị bắn rơi trên tuyến cung cấp cho mặt trận.

Quân ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm:

28 khẩu đại bác 105 và 155 ly.

10 súng phun lửa.

64 xe các loại, trong đó có 3 xe tăng 18 tấn.

542 máy vô tuyến điện các loại.

51 máy các loại trong đó có 5 máy xúc đất.

5.915 súng các loại.

2 vạn lít xăng dầu.

21.000 chiếc dù.

20 tấn thuốc và dụng cụ quân y và rất nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác.

Giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc, phá tan kế hoạch Na-va tập trung binh lực giành lại thế chủ động trên chiến trường. “Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thu được thắng lợi vĩ đại như trên là do sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, do tinh thần chiến đấu tích cực bền bỉ và anh dũng, tinh thần chịu đựng gian khổ rất cao và sự trưởng thành vượt bậc của toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ, do tinh thần tích cực phục vụ tiền tuyến của đồng bào hậu phương và các anh chị em dân công, do sự phối hợp hoạt động rất đắc lực của quân đội và nhân dân trên các chiến trường toàn quốc”.

Đặng Công Lộ (Theo “Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945 - 1954”, Nxb Quân đội nhân dân)

1. 2. 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, ST, H, 1984, tr. 195, 202, 207, 208.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, ST, H, 1986, tr.494.

5. Thông tri số 92TV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 27/12/1953. Xem lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.531.

6. Võ Nguyên Giáp, Quyết định khó khăn nhất. Xem thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr77 ,75.

7. Võ Nguyên Giáp, Quyết định khó khăn nhất. Xem thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1994, t,r77,75.

8.9. Xem lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđđ, tr. 533, 538.

10. Võ Nguyên Giáp: Quyết định khó khăn nhất, sđd, t.r 79.

11. Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1993, tr.119.

12. Võ Nguyên Giáp: Quyết định khó khăn nhất, sđd, tr79.

13. Phép dùng binh của Tôn Tử. Xem Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1990, tr.177.

Kim Yến (st)
Còn nữa 

Bài viết khác: