Chỉ mục bài viết

 

Tháng 4 năm 1954

1 - 4

Cuộc chiến đấu ở đồi A1 vẫn diễn ra ác liệt. Nhiều trận xung phong và phản xung phong diễn ra liên tiếp.

Ở phía Tây, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm 106.

Chỉ thị của Nava cho Cônnhi: Quân đội đồn trú phải kéo dài cuộc chống giữ đến mùa nước thì Việt Minh buộc phải cởi vòng vây.

2 - 4

Tại Điện Biên Phủ:

Cứ điểm 311 (tức Căng Na) ở phía tây Điện Biên Phủ bị uy hiếp mạnh, 120 tên thuộc 2 đại đội của Tiểu đoàn Thái số 3 chạy ra hàng quân ta.

2 đội dũng sĩ của ta thâm nhập vào sân bay, bắt 10 tù binh.

11 giờ quân địch từ Mường Thanh ra phản kích định chiếm lại mỏm thìa lìa trên đồi A1, nhưng bị quân ta đánh lùi. Nửa đêm, ta lại tổ chức một đợt tiến công mới nhưng vẫn không kết quả.

Tại đồng bằng Bắc Bộ:

Ta tiêu diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn khinh quân 709 ở vị trí Đông Tạ (Kiến An).

Địch tăng viện tiểu đoàn dù thuộc địa lên Điện Biên Phủ.

4 - 4

04 giờ, trung đoàn 102 được lệnh ngừng chiến đấu và bàn giao nhiệm vụ phòng ngự cho đơn vị bạn. Đợt tiến công A1 tạm ngừng. Quân địch vẫn chiếm được 2 phần 3 cứ điểm, quân ta giữ mỏm thìa lìa.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, trên đường số 5 ta lại đánh đổ một đoàn tàu quân sự chở đầy binh lính và vũ khí của địch.

Tại Liên khu 5, ta phục kích diệt 6 xe và một số lính địch.

Tại Hạ Lào, liên quân Lào - Việt phục kích đánh 1 tiểu đoàn địch ở kilômét 59 đường số 13, diệt 1 đại đội địch, phá hủy 30 xe cơ giới và 4 đại bác 105 ly.

5 - 4

Đêm 4 tháng 4 ta tiến công cứ điểm 105, quân ta đã tiêu diệt 3 phần 4 cứ điểm, đến sáng địch cho 1 tiểu đoàn, 5 xe tăng phản kích từ Mường Thanh ra. Ta tiêu diệt được một số. Nhưng đến 8 giờ, địch chiếm lại được cứ điểm 105.

Đợt tiến công thứ hai của quân ta vào khu đông chấm dứt. Trong đợt này, quân ta đã tiêu diệt được khoảng 2.300 tên địch gồm 1 tiểu đoàn và 9 đại đội. Pháo cao xạ ta đã hạ 4 máy bay địch.

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiêu diệt vị trí Hòa Đình (Bắc Ninh) diệt 155 tên.

7 - 4

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tiến công vị trí Thượng Tó gần Hà Nam, tiêu diệt 230 tên địch thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn lê dương số 5 (3/5 REI).

Tại Liên khu 4, ta tập kích vị trí Sơn Tùng, diệt 90 tên.

Tại Điện Biên Phủ, địch thả dù tăng viện Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 (2e BEP).

Máy bay trinh sát của Mỹ bay trên bầu trời Điện Biên Phủ để nghiên cứu điều kiện thực hiện kế hoạch “Diều hâu”.

Trong Hội nghị cán bộ, Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ nhận định thắng lợi đợt 2, biểu dương những tiến bộ, đồng thời phê phán những hiện tượng sai lầm trong đợt chiến đấu vừa qua.

Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ đề ra nhiệm vụ mới:

Tiêu diệt thêm một bộ phận những lực lượng mới của địch.

Đánh chiếm thêm một số cứ điểm.

Tăng cường và tiếp tục đào trận địa tiến công bao vây thọc hẳn vào khu trung tâm để cắt đứt tiếp tế tiếp viện địch, chuẩn bị mọi điều kiện có lợi để chuyển sang tổng công kích.

9 - 4

Quân địch dồn lực lượng phản kích định chiếm lại C1. Cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt. Mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm.

Súng phòng không 12,7 ly hạ chiếc máy bay vận tải hai thân (C.119) đầu tiên.

10 - 4

Địch tiếp tục thả Tiểu đoàn dù thuộc địa số 2 xuống Điện Biên Phủ. Quân địch dã man thả bom vào bản Long Nhai, nơi mà chúng đã tập trung dân làm chết một lúc 444 đồng bào ta. Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta tập kích vị trí Đan Nhiễm (Hưng Yên) diệt 125 tên địch.

12 - 4

Pháo cao xạ ta hạ một B.24. Đó là chiếc máy bay thứ 50 bị ta bắn rơi ở Điện Biên Phủ.

Nava nghiên cứu định thực hiện kế hoạch Côngđo, một kế hoạch đánh tháo cho quân đội đồn trú Điện Biên Phủ chạy sang Lào.

Tại Liên khu 5, ta lại phục kích đánh địch trên đường số 19 từ Plây Cu đi An Khê, diệt 22 xe địch.

13 - 4

Hồi 15 giờ, một máy bay oanh tạc B.26 địch thả bom nhầm vào quân lính chúng chiếm đóng ở Bắc khu trung tâm Mường Thanh.

14 - 4

Cônnhi báo cáo cho Đờ Cát biết kế hoạch Côngđo sẽ được thực hiện với 4 tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Gôđa (Godard). Đến 20 tháng 4 lực lượng này sẽ tiến đến vùng Mường Khoa - Pác Luông thuộc lưu vực sông Nậm Hu.

15 - 4

Tại Hà Nội, Coonnhi tiếp tư lệnh không quân Mỹ Patơrítgiơ đến để nghiên cứu lại kế hoạch “Diều hâu”. Kế hoạch đó giờ được dự kiến như sau: 90 máy bay oanh tạc hạng nặng B.29 sẽ xuất phát từ căn cứ Mani (Philíppin) đến đánh Điện Biên Phủ.

Đờ Cát được thăng tướng.

16 - 4

Tại đồng bằng Bắc Bộ, bộ đội ta chặn đánh diệt 300 tên địch đi càn ở vùng Duyên Hà (Thái Bình)

18 - 4

Tại Điện Biên Phủ, ta tiêu diệt cứ điểm 105 (bắc sân bay).

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích 1 tiểu đoàn địch ở vùng Đông Biên (Nam Định) diệt 250, bắt sống 254 tên thuộc GMVN , thu rất nhiều vũ khí, đạn dược.

Tướng Mỹ Canđêra (Caldera) cầm đầu một phái đoàn đến Sài Gòn trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch “Diều hâu”.

19 - 4

Tại Điện Biên Phủ, ta bẻ gãy các đợt phản kích của địch ra cứ điểm 105.

20 - 4

Tại đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích trên đường số 5, gần Như Quỳnh (Hưng Yên) diệt 1 tiểu đoàn địch thuộc GM3, thu 85 súng trường, 25 trung tiểu liên, phá hủy 3 xe tăng.

Nava gửi về Pháp bản báo cáo tình hình quân sự ở Đông Dương. Theo y, cuộc tổng phản công của ta đã diễn ra sớm 8 tháng trước khi thương lượng, hoặc thương lượng mà không ngừng bắn, trong lúc đó thì tích cực chuẩn bị một quân đoàn tác chiến mới, người của Pháp, trang bị và tiền của Mỹ, để tiến hành một cuộc chiến tranh mới bằng những phương tiện khổng lồ…

22 - 4

Ta tiêu diệt cứ điểm 206 bằng chiến thuật đánh lấn, cứ điểm cuối cùng của địch nằm sát sân bay ở về phía Tây. Mãi đến sáng hôm sau Đờ Cát mới biết việc này.

Quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay.

Bộ Chỉ huy Mặt trận kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ hãy đẩy mạnh phong trào “săn tây, bắn tỉa” và chuẩn bị tiến công đợt 3: tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, đánh chiếm cho hết các điểm cao phía đông và các cứ điểm đột xuất phía tây, đưa tất cả hỏa lực các cỡ của ta vào gần để khống chế không phận, uy hiếp khu trung tâm, tăng cường hoạt động tiêu hao địch và tranh đoạt tiếp tế, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

23 - 4

2 tiểu đoàn địch với 5 xe tăng phản kích đánh ra cứ điểm 206 nhưng hoàn toàn thất bại. Hơn 2 đại đội lính dù bị tiêu diệt.

Một khẩu đội sơn pháo 75 ly của ta bố trí trên đồi E diệt 4 khẩu 105 ly địch giữa lúc chúng vừa kéo ra khỏi công sự.

Bộ Tham mưu của Nava báo cho Cônnhi biết là 150 bao than hoạt tính và 150 túi bột hóa học sẽ rời Pari ngày 24 tháng 4 bằng máy bay để dùng vào việc làm mưu nhân tạo trên các tuyến đường giao thông của ta.

Tại Điện Biên Phủ, trận địa chiến hào quân ta từ hai mũi phía đông và tây cắt ngang sân bay đã gặp nhau.

Tại Pari, ngoại trưởng Pháp và Anh gặp nhau bàn về kế hoạch “Diều hâu”.

26 - 4

Hội nghị Giơnevơ bàn về Triều Tiên và Đông Dương khai mạc.

27 - 4

Tại Điện Biên Phủ, Đảng ủy Mặt trận triệu tập hội nghị Bí thư Đảng ủy các đại đoàn phê phán các hiện tượng “hữu khuynh tiêu cực”.

28 - 4

Tại Liên khu 4, ta tiến công vào Ưu Điềm, Phò Trạch tiêu diệt hơn 200 địch, 1 kho xăng bị đốt cháy.

Địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy (Côngđo) nhưng thất bại.

phan 4 anh 1
Đêm 7/5/1954, Đại đoàn 304 tiến công truy kích bắt sống
toàn bộ quân địch ở phân khu Nam Hồng Cúm

Tháng 5 năm 1954

1 - 5: Đợt tiến công thứ 3 bắt đầu:

Ở phía đông: Trung đoàn 98 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1 sau 20 ngày tranh chấp ác liệt với địch. Trung đoàn 209 tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A (dưới chân dãy điểm cao khu đông).

Ở phía Tây: Trung đoàn 88 đánh lấn tiêu diệt cứ điểm 311A.

Ở phía Nam (Hồng Cúm) Trung đoàn 57 đánh vào khu C, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

Lương thực của quân đội đồn trú chỉ còn lại có 3 ngày, 275 viên đạn 155 ly, 14.000 viên 105 ly và 5.000 viên cối 120 ly.

3- 5

Đêm 2 tháng 5, trung đoàn 36 tiêu diệt cứ điểm 311B ở phía tây MườngThanh.

Trận địa quân ta bao vây sát trung tâm chỉ còn cách sở chỉ huy Đờ Cát trên dưới 300m.

Một đại đội ta được lệnh đóng chốt ở bản Nà Ti, không cho địch tháo chạy sang Lào.

Cônnhi chỉ thị cho Đờ Cát một kế hoạch tháo chạy khác gọi là kế hoạch

“Chim biển” (Albatros), nhưng tất cả bọn sĩ quan chỉ huy Điện Biên Phủ đều mất tin tưởng Đờ Cát quyết định ở lại với thương binh.

4 - 5

Quân địch phản kích địch chiếm lại cứ điểm 311B nhưng thất bại.

5 - 5

Địch thả tiếp tiểu đoàn dù thuộc địa số l xuống Điện Biên Phủ.

6 - 5

Quân ta đã đào xong một đường ngầm đưa 1.000 kg bộc phá vào đặt dưới hầm ngầm của địch và một hào giao thông cắt đồi A1 với A3, lập cứ điểm A1 với khu trung tâm.

20 giờ 30 phút: Toàn mặt trận lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1000kg làm hiệu lệnh.

23 giờ: Trung đoàn 165 tiến công vào cứ điểm 506 bên bờ sông Nậm Rốm, tiêu diệt Trung đoàn 209 tiến công cứ điểm 507, nhưng không thành công.

Trung đoàn 102 đánh vào cứ điểm 310, tiêu diệt Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn dù số 1 ở phía Tây.

7 - 5

02 giờ 30 phút: Cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên điểm cao A1. Tên quan tư chỉ huy ở đây bị ta bắt sống.

5 giờ 30 phút: 2 đại đội và 1 xe tăng phản kích đánh lên A1, nhưng bị hỏa lực pháo của ta bắn cho tơi bời phải rút chạy. Đó là trận phản kích cuối cùng của địch lên điểm cao A1.

9 giờ: Dưới hỏa lực yểm trợ của Trung đoàn 174 trên A1 và hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh ta, trung đoàn 98 tiêu diệt hoàn toàn C2, bắt sống trên 600 tên địch.

Trung đoàn 165 đánh chiếm 506.

Trung đoàn 209 tiến công 507 và tiếp tục lấn đất.

Tình hình lúc này: Sau khi quân ta đã tiến công thắng lợi các điểm cao A1, C1, C2, 506, 310, khu vực chiếm đóng của địch chỉ còn lại mỗi chiều trên dưới 1000m.

Tinh thần binh lính địch hoàn toàn tan rã.

10 giờ: Cônnhi nói chuyện với Đờ Cát qua vô tuyến điện thoại.

14 giờ: Thấy quân địch có nhiều triệu chứng tan rã, lợi dụng thời cơ có lợi, đại đoàn 312 ra lệnh cho trung đoàn 209 tiếp tục tiến công cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh. Hầu như trong tất cả các trận địa của địch đều xuất hiện cờ trắng, vải trắng. Trung đoàn 209 tiến công tiêu diệt các cứ điểm 508, 509, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Trong khu trung tâm bắt đầu có triệu trứng địch phá hủy vũ khí, và quẳng vũ khí xuống sông. Ngay trong lòng Mường Thanh cũng xuất hiện cờ trắng.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận ra lệnh: Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

15 giờ 30 phút: Các sĩ quan đều đến quây quần bên cạnh Đờ Cát: Awnggle,

Bigia, Lơmơniê, Vađô... Đờ Cát điện về Cônnhi báo cáo tiếng súng chống cự sẽ ngừng vào 7giờ sáng mai.

16 giờ: Đơn vị đầu tiên của Đại đoàn 312 vượt qua cầu Mường Thanh.

16 giờ: Pagít, Tham mưu trưởng tập đoàn cứ điểm gọi điện cho Lalăng Hồng Cúm thúc phải gấp rút thực hiện kế hoạch tháo chạy.

16 giờ 30 phút: Quân ta tiến sát đến sở chỉ huy Đờ Cát.

17 giờ 55 phút: Đại đoàn 312 báo cáo lên Bộ chỉ huy Mặt trận: “Tất cả quân địch trong khu trung tâm đã đầu hàng. Đờ Cát và cả ban tham mưu của hắn đã bị bắt”.

17 giờ 55 phút: Cônnhi điện báo cho Lalăng tìm mọi cách tháo chạy.

18 giờ 30 phút: Lalăng ra lệnh cho quân lính rời khỏi Hồng Cúm.

19 giờ: Trung đoàn 57 truy kích sát địch về phía Lào.

24 giờ: Toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm gồm 2000 tên rút chạy đã đầu hàng quân ta.

Thế là sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc đại thắng lợi.

Yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta
trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở thêm một trang lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam ta.

Lúc quân đội viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và tướng Đờ Cát bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ thì bọn cầm quyền ở Pháp mới buộc lòng phải ký Hiệp nghị Giơ – ne - vơ.

Làm như vậy họ đã tỏ ra một phấn nào “biết điều”. Nhưng tiếc thay, giá họ “biết điều” sớm hơn thì họ đỡ phải mất thêm 6000 triệu đô la, khỏi phải nướng hàng vạn quân viễn chinh để rồi không đổi lấy được cái gì ngoài sự nhục nhã cho quân đội Pháp, cho đế quốc Pháp.

Trước sự thất bại quá đột ngột lúc bấy giờ, các nhà chính trị, quân sự đế quốc Pháp hết sức cay cú đã đổ dồn trách nhiệm vào đầu Na - Va. Họ làm tình làm tội tên bại tướng này và lập luận rằng giá được một viên tướng nào khác chỉ huy giỏi hơn thì ngọn cờ tam tài đâu đến nỗi phải bị vùi dập phũ phàng trên mảnh đất Điện Biên Phủ xa xôi!.

Dù sao các nhà chính trị và chiến lược ấy cũng đành công nhận một thực tế là ở Điện Biên Phủ họ đã thất bại nặng, chúng ta đã chiến thắng lớn. Thực tế đó ăn sâu trong óc họ cho đến ngày nay, vì vậy do kinh nghiệm bản thân, vừa qua trước những thắng lợi to lớn của nhân dân ta ở miền Nam, một số người trong họ đã khuyên người Mỹ đừng dùng biện pháp quân sự để gỉải quyết vấn đề Việt Nam. Không biết người Mỹ suy nghĩ gì trước lời khuyên ấy hay là vẫn cứ điên cuồng lăn theo “vết xe đổ” của thực dân Pháp?

Tuy nhiên, từ chỗ công nhận thực tế là sự thất bại nặng nề của họ ở Điện Biên Phủ, những nhà chính trị và chiến lược của đế quốc Pháp vẫn chưa rút ra được những kết luận thích đáng. Kết luận đích đáng nhất cần rút ra là: Trong chiến dịch Điện - Biên - Phủ, yếu tố gì là yếu tố quyết định trên chiến trường đã làm cho họ phải thất bại, đã làm cho đối phương của họ tức là ta giành thắng lợi to lớn và vẻ vang?

Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương lúc bấy giờ, Pháp đã tung ra trên chiến trường Việt Nam gần 15 vạn quân viễn chinh Pháp và hơn 30 vạn quân ngụy, số quân chừng đó phải chăng là quá ít? Pháp đã phải tiêu tốn 6 nghìn triệu đô la, tính ra bằng 21 nghìn triệu đồng Việt Nam; số tiền đó phải chăng là quá thiếu? Mặt khác, Pháp còn tung ra hàng vạn cán bộ chỉ huy và nhân viên kỹ thuật, trên chiến trường Việt Nam đã hầu như đủ mặt các danh tướng của Pháp lúc bấy giờ như Đác – giăng - li - ơ, Lơ - cơ - léc, Moóc- li - e, Va - luy, Các - păng - chi - ê, Đờ - lát, Đờ Tát - xi- nhi, Cô - nhi, Xa - lăng, Na - Va,… số tướng tá như vậy phải chăng là quá hiếm?

Không! Số quân của họ có thừa, tiền của họ có thừa, trang bị kỹ thuật của họ có thừa, cán bộ của họ có thừa, ít ra cũng là quá thừa so với lực lượng của chúng ta lúc đầu. Thế nhưng họ vẫn thất bại.

Chắc đại tướng Các - păng chi ê còn nhớ, vào năm 1950, khi Cao Bằng bị thất thủ, quân của “tướng quân” đóng ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, có phải vì mất tinh thần cho nên “tướng quân” phải buộc lòng hạ lệnh cho rút lui và tháo chạy?

Nếu thống chế Đờ Lát còn sống, chắc ngài còn nhớ, trong chiến dịch Hòa Bình năm 1951, ngài mới bị đả có mấy trận kha khá thôi, nhưng có phải vì tinh thần quân đội của ngài đã ruỗng ra cho nên buộc lòng thống chế phải bỏ phòng tuyến mà hồi đó ngài cho là một phòng tuyến chiến lược?

Ngay từ hồi ấy, giá các ngài nhận rõ quân đội của các ngài không còn đủ tinh thần tiến công và phòng ngự nữa để kịp thời rút ra kết luận thích đáng đâu đến nỗi các ngài mang lấy mối “trận Điện Biên Phủ” về sau?

Một điều nổi bật của quân đội Pháp lúc bấy giờ là tinh thần chiến đấu quá sút kém. Đó là một nguyên nhân chính làm cho quân đội Pháp thất bại. Trạng thái tinh thần ấy là con đẻ của hoàn cảnh xã hội của nước Pháp lúc bấy giờ. Hoàn cảnh đó có những đặc điểm chính như sau:

phan 4 anh 2
Vận chuyển lương thực bằng thuyền mảng cho mặt trận Điện Biên Phủ

1. Sau đại chiến lần thứ hai, chính sách của đế quốc Pháp không những không có sự thay đổi gì đáng kể mà trái lại còn phản động hơn trước. Đối nội, họ thực hành một chính sách phản dân chủ; đối ngoại, họ thực hành chính sách lệ thuộc vào đế quốc Mỹ; đối với các nước thuộc địa, họ thực hành một chính sách bạo lực rất phản động. Tính chất phi nghĩa và phản động của những chính sách ấy làm cho quân đội của họ ngày càng thêm suy nhược, càng thêm chán ghét chiến tranh.

2. Đế quốc Pháp đưa quân đội đi tiến hành chiến tranh xâm lược ở một nơi cách xa nước Pháp hàng vạn ki lô mét, trong một thời kỳ mà cao trào cách mạng giải phóng dân tộc đang dâng lên cuồn cuộn. Trong cuộc chiến tranh xâm lược đó, họ và quân đội của họ lại dựa vào gìai cấp phong kiến địa chủ đang suy tàn và giai cấp tư sản mại bản phản động yếu ớt ở Việt Nam, như thế chẳng khác nào người sắp chết đuối mà vớ phải cọc.

3. Từ trong chính sách phản động và chiến tranh phi nghĩa ấy, quân đội của Pháp không đào đâu ra được một lý tưởng chiến đấu, hơn nữa nó lại gặp phải một đối phương là dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam tuy lúc đầu còn yếu kém về trang bị kỹ thuật, nhưng lại có một tinh thần chiến đấu rất anh hùng. Vì vậy bản thân tinh thần của quân đội Pháp đã kém lại ngày càng sút kém nhanh chóng và trầm trọng hơn.

Chiến thắng của ta và sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam phản ánh một sự so sánh lực lượng phức tạp, trong đó yếu tố tinh thần của quân đội đôi bên chiếm một vị trí quan trọng, có tính chất quyết định trên chiến trường. Nhưng bất cứ một trạng thái tinh thần nào cũng không phải nảy sinh và phát triển một cách độc lập mà nó tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác như chế độ xã hội, năng lực lãnh đạo và nhất là mục tiêu chính trị… Vì vậy, khi bàn về yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải đứng trên quan điểm đó.

Mùa Thu năm 1945, nước ta tuyên bố độc lập, nhân dân ta lần đầu tiên sau gần 80 năm làm nô lệ được hưởng tự do dưới một chế độ dân chủ thật sự. Nhưng chưa được bao lâu thực dân Pháp, được sự ủng hộ của Anh và Mỹ gây chiến ở nước ta, âm mưu quàng cái ách thuộc địa lên đầu nhân dân ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Đảng và Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống  xâm lược Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Khẩu hiệu ấy đã phát động rất mạnh lòng tự hào, tinh thần bất khuất và quật cường của dân tộc ta, làm cho cả nước sôi sục đứng lên đánh Pháp với mọi phương tiện sẵn có trong tay. Khẩu hiệu ấy đã động viên và giáo dục nhân dân ta xác định một thái độ chính trị kiên quyết chống thực dân Pháp, giành cho kỳ được độc lập dân tộc với bất cứ giá nào. Khẩu hiệu ấy có tác dụng cách mạng hóa quần chúng rất lớn, hướng họ vào và nâng cao quyết tâm kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu ấy, đứng về mặt chiến lược mà nói, nhằm mục tiêu có giành lấy ưu thế về chính trị và tinh thần của quân và dân ta ngay từ lúc đầu trong sự so sánh lực lượng giữa đôi bên. Nhờ vậy mà từ cuối năm 1945 đến năm 1950, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ và hết sức chênh lệch về lực lượng vật chất, chúng ta vẫn kiên trì kháng chiến và thu được một số thắng lợi bước đầu.

Ý nghĩa lớn lao của những thắng lợi đó là chúng ta đã phá được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch. Mặt khác, chiến lược kháng chiến lâu dài của ta đã được thực tiễn chứng minh là đúng và ngày càng phát huy tác dụng rõ rệt.

phan 4 anh 3
Xe trâu phương tiện vận chuyển hiệu quả phục vụ cho mặt trận

Thu Đông năm 1950, chúng ta thắng lợi ở Biên giới. Thắng lợi này có ý  nghĩa rất quan trọng. Nó đánh một đòn rất mạnh vào quyết tâm của các tướng lĩnh Pháp, vào tinh thần của quân đội viễn chinh Pháp và quân ngụy. Đồng thời, nó làm cho toàn dân và toàn quân ta từ Nam chí Bắc vô cùng phấn khởi, tinh thần của quân và dân ta tăng lên một cách nhảy vọt. Mọi người, qua thắng lợi đó, đều thấy rằng Đảng, Chính phủ, dân tộc mình, quân đội mình và chính mình đã lớn mạnh lên nhiều, rằng kháng chiến lâu dài không phải là vô hạn độ, triển vọng thắng lợi đã nhích lại gần chúng ta hơn trước nhiều, địch đã phải chịu thất bại chua cay và không thể huênh hoang như trước nữa.

Tiếp đến thời kỳ năm 1950 - 1953, trên khắp các chiến trường từ Nam chí Bắc, chúng ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, và đặc biệt là phong trào chiến tranh du kích sôi nổi, mạnh mẽ và phát triển sâu rộng hơn lúc nào hết. Những sự kiện nổi bật có ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần của quân và dân ta trong thời kỳ này là: Cải cách ruộng đất và các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân ở trong Đảng và trong quân đội. Cuộc cách mạng ruộng đất đã làm cho nông dân lao động vùng lên, qua cuộc đấu tranh giai cấp với địa chủ, tư tưởng và tinh thần của nông dân có một sự chuyển biến rất mạnh, sự giác ngộ dân tộc được kết hợp chặt chẽ với sự giác ngộ giai cấp, do đó tinh thần chiến đấu chống giặc Pháp của họ tăng lên gấp bội. Nông dân lao động qua cải cách ruộng đất được cách mạng hóa thêm một bước cao hơn, trạng thái tinh thần của nông dân đã có một sự biến đổi về chất lượng. Cuộc đấu tranh giai cấp của nông dân lúc bấy giờ do Đảng ta lãnh đạo đã thúc đẩy rất mạnh cuộc kháng chiến của toàn dân, đã thúc đẩy rất mạnh quân đội tập trung và dân quân du kích giết giặc lập công. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, yếu tố tinh thần của quân và dân ta đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhạy bén của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn đó. Các cuộc chỉnh quân và chỉnh huấn trong quân đội tiến hành vào thời kỳ này có một ý nghĩa to lớn và sâu sắc. Nó làm cho quân đội ta giác ngộ chính trị cao hơn trên cơ sở của sự giáo dục giai cấp, của sự giáo dục đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, đường lối chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân của Đảng.

Nó là một cuộc vận động cách mạng hóa quân đội thêm một bước mới, hướng cho cán bộ và chiến sĩ nhận rõ bản chất của quân đội nhân dân, phân rõ ta, bạn, thù, xác định mục tiêu chiến đấu là giành độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến tới chủ nghĩa xã hội, xác định quân đội phải chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân... Tư tưởng cách mạng của quân đội ta được phát động lên cao và sâu sắc hơn so với trước. Do đó,  đến thời kỳ này các chiến sĩ ta không còn thích những bài hát “Tráng sĩ một đi không trở lại” nữa, vì họ đã được trang bị thêm một số nhận thức khoa học về quy luật của cuộc đấu trarth gíai cấp và đấu tranh dân tộc, họ đã hiểu rõ hơn vì ai mà chiến đấu, chiến đấu để làm gì, phần thắng cuối cùng nhất định về ai?... Trong hoàn cảnh cách mạng đó, tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ so với trước cao hơn nhiều, và đó là một điều địch không lường tới, là một yếu tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Một thành công lớn của Đảng ta lúc bấy giờ là Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, các tổ chức Đảng trong quân đội và trong dân công, các tổ chức Đảng ở hậu phương đã nắm chắc và phát huy cao độ yếu tố đó trong suốt chiến dịch và trong chiến dấu, ở ngoài tiền tuyến cũng như hậu phương.

Đó là về phần ta. Còn về phần địch, do không đánh giá được yếu tố tinh thần của quân và dân ta dĩ nhiên họ không thể nào đánh giá đúng được cho nên lúc bấy giờ họ đã bị bốn cái bất ngờ lớn:

1. Họ cho rằng quân đội ta không thể có đủ tinh thần hoặc dù có đủ tinh thần cũng không làm gì nổi cái tập đoàn cứ điểm được bảo vệ dưới những lưới lửa dày đặc ở Điện Biên Phủ.

2. Họ cho rằng quân đội ta kém về trình độ văn hóa và kỹ thuật, không thể sử dụng được pháo binh và súng cao xạ một cách có hiệu quả và với địa hình phức tạp quanh Điện Biên Phủ, chúng ta không thể nào kéo pháo được đến gần trận địa của họ.

3. Họ cho rằng trình độ của cán bộ ta chỉ có thể chỉ huy đánh du kích khá, khó mà chỉ huy nổi một chiến dịch quy mô lớn, có nhiều sư đoàn tham gia, với một sự hợp đồng binh chủng phức tạp.

phan 4 anh 5
Xe quệt chở vũ khí phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ

phan 4 anh 6
Hơn 20.000 xe đạp thồ phục vụ mặt trận

4. Đặc biệt họ không đánh giá đúng khả năng hậu phương của ta lúc bấy giờ, họ cho rằng chúng ta không thể giải quyết nổi các vấn đề rất khó khăn, rất phức tạp về hậu cần như tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men, bổ sung quân số,…

Do đâu mà họ đánh giá và bị những bất ngờ đó? - Điểm xuất phát là do họ đánh giá quá thấp yếu tố tinh thần của chúng ta. Với quan điểm quân sự của họ, họ không hiểu được nói rằng, từ trong đường lối đúng đắn của Đảng ta, từ trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân và quân đội ta, đã toát ra một sức mạnh tinh thằn, và sức mạnh ấy tác động vào cuộc đấu tranh đã sáng tạo nên lực lượng vật chất cần thiết để chiến thắng họ.

* * *

Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài nói chung và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng do những nhân tố sau đây tạo thành:

1. Quân đội và nhân dân ta kế thừa sâu sắc truyền thống của cả một dân tộc anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mỗi một chiến sĩ, mỗi một người dân ta đều ít hay nhiều có mang theo tinh thần cao cả của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,…

2. Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta đã được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng ta là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn của cách mạng nước ta đã hun đúc tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta. Tinh thần dũng cảm chủ yếu bắt nguồn từ đường lối của chính trị đúng đắn đó. Đây là nhân tố cơ bản.

3. Quân đội ta là quân đội nhân dân, thực chất là quân đội công nông, tuyệt đại đa số gồm những người xuất thân từ công nông, tức xuất thân từ những giai  cấp, tầng lớp cách mạng nhất trong nhân dân ta. Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta không những đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và được rèn luyện qua những thử thách của cuộc đấu tranh yêu nước mà còn qua những thử thách của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn; cuộc đấu tranh giai cấp ấy vừa là trường rèn luyện, vừa là một nguồn động viên cổ vũ mạnh mẽ quân đội và nhân dân ta vùng lên chiến thắng,

4. Quân đội và nhân dân ta chiến đấu để bảo vệ và xây dựng một chế độ xã hội tiên tiến hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào trước đây ở nước ta. Chế độ xã hội của chúng ta đại diện cho cái mới, vì vậy nó dồi dào sức sống như mùa xuân, nó có đủ năng lực huy động những lực lượng tiềm tàng của nhân dân ta để đấu tranh có hiệu quả chống lại cái cũ mà thực dân Pháp là đại biểu, kết liễu cuộc đời của nó, mở đường cho cái mới phát triển, và cái mới đó là chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay.

*

*            *

Chỉ có dưới ánh sáng của học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, chúng ta mới đánh giá sâu sắc và toàn diện cách mạng trong chiến đấu. Học thuyết đấu tranh giai cấp là linh hồn của chủ nghĩa Mác, tư tưởng cách mạng của học thuyết đó thể hiện ở chỗ nó khẳng định rằng quần chúng nhân dân sáng tạo ra lịch sử, rằng giai cấp vô sản có khả năng cải tạo xã hội và cải tạo thế giới; nó khẳng định lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, và yếu tố con người, yếu tố tinh thần là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, của quần chúng nhân dân chống lại những giai cấp thù địch. Luận điểm yếu tố con người, yếu tố tinh thần là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh giai cấp của Mác, Ăng - ghen, Lê - nin và Xta - lin đã được chứng minh một lần nữa trong thực tiễn của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam ta. Đứng về mặt lý luận mà nói, ai nắm vững được luận điểm đó của chủ nghĩa Mác - Lênin tức là người đó đã nắm vững được một nội dung quan trọng của học thuyết đấu tranh giai cấp. Ngược lại ai xa rời hoặc phủ nhận luận điểm đó thì người ấy vứt bỏ một nội dung quan trọng của học thuyết đấu tranh giai cấp và họ sẽ đi tới phạm sai lầm trong hoạt động thực tiễn, thậm chí cả trong chiếm lược và sách lược nữa.

Đảng ta đánh giá đúng yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta, nhất là công nông trong cuộc chiến tranh. Quan điểm ấy không những quán triệt trong mọi công tác, học tập và chiến đấu của quân đội mà đặc biệt nó đã được quán triệt trong chiến lược, sách lược của Đảng ta trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nội dung chủ yếu của quan điểm đó trong đường lối cách mạng của Đảng ta là tư tưởng kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc là thái độ dứt khoát dựa vào nhân dân, dựa vào con người, để tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng.

Lô - gích của vấn đề này là: Ai đánh giá thấp lực lượng quần chúng, đánh giá thấp yếu tố con người, yếu tố tinh thần trong đấu tranh cách mạng thì tự khắc trước mắt của người ấy, chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ sẽ trở thành một “con người thép khổng lồ và khi đã thấy đế quốc khổng lồ thì nhất định sẽ thấy nhân dân cách mạng, nhất là các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ la-tinh chỉ “bé tí hon”(!) (Những người này cho rằng các dân tộc Á, Phi và Mỹ la-tinh lạc hậu, kém văn hóa và kỹ thuật cho nên khó địch nổi với bọn đế quốc). Từ cách nhìn đó họ chỉ có thể rút ra kết luận là: “Đừng dại đem trứng chọi với đá”(!). Cách nhìn đó là cách nhìn phản động, kết luận ấy mang tính chất thủ tiêu đấu tranh và đầu hàng đế quốc.

Trong việc xây dựng quân đội và chỉ đạo tác chiến, chúng ta đã coi trọng yếu tố con người, yếu tố tinh thần. Đương nhiên quân đội nào cũng cần có tổ chức, trang bị, biến chế, kỹ thuật, và kỹ thuật càng được cải tiến thì khả năng chiến đấu của nó càng có điều kiện tăng thêm. Kỹ thuật là quan trọng nhưng con người làm ra và sử dụng kỹ thuật, cho nên con người và tinh thần con người vẫn giữ vai trò quyết định.

Về đường lối xây dựng quân đội, tư tưởng chiến lược, chiến thuật, tác chiến cho đến công tác huấn luyện, lao động sản xuất... quan điểm của quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo phải khá hẳn quan điểm quân sự của giai cấp tư sản. Nó phải là quan điểm vô sản, xem con người, tinh thần là yếu tố quyết định trên chiến trường, trong chiến tranh và cả trong mọi hoạt động thời bình nữa. Thử hỏi từ chỗ không có một tấc sắt do đâu mà nhân dân ta làm nên sự nghiệp lớn lao như ngày nay?

Xin trả lời: Tiền bạc, vũ khí, trang bị kỹ thuật,... chúng ta thua kém nhiều so với đế quốc nhưng nhờ có một đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, một đảng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin, và dưới sự lãnh đạo của đường lối đó, nhân dân và quân đội ta đã đem hành động rất cách mạng, rất tự giác để kiên quyết khắc phục khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, sáng tạo dần dần lực lượng theo chiều hướng ngày càng có lợi cho ta, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Nếu ngày xưa ông cha ta mơ ước tìm thấy một sức mạnh thần kỳ ở nơi con người sắt của Phù Đổng thiên vương để đánh đuổi quân ngoại xâm, thì ngày nay chúng ta đã tìm thấy sức mạnh đó không phải đâu xa mà ở nơi đường lối cách mạng chính trị đúng đắn của Đảng ta. Đường lối chính trị ấy đã biến thành hành động cách mạng của hàng triệu quần chúng, và quá trình nó tác động vào quần chúng là quá trình nó làm cho tư tưởng cách mạng, tinh thần chiến đấu vốn có của dân tộc bị áp bức chuyển biến mạnh mẽ và trở thành vô địch. Đó là vũ khí sắc bén nhất mà chúng ta đã dùng để chiến thắng quân thù.

Luận điểm “con người, tinh thần là yếu tố quyết định” hiện đang là một vấn đề nóng hổi trong cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế, đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối của chủ nghĩa xét lại hiện đại.

Mang quan điểm của thuyết vũ khí, những người xét lại chủ nghĩa phủ nhận yếu tố quyết định của con người, của tinh thần trong đấu tranh cách mạng. Vì vậy họ đã nhìn chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, như “một con người thép khổng lồ” họ phủ nhận bạo lực là quy luật phổ biến của mọi cuộc cách mạng, họ không nhìn thấy một thực tế rất quan trọng là Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh đang là một trung tâm bão táp cách mạng, họ đánh giá quá thấp khả năng cách mạng của quần chúng nhân dân trên thế giới, bao gồm cả khả năng cách mạng của giai cấp công nhân và các tầng lớp cách mạng khác ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà những người theo chủ nghĩa xét lại phạm cả một loạt sai lầm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa họ đến chỗ phạm sai lầm là họ đã phủ nhận yếu tố quyết định của con người, yếu tố quyết định của tinh thần quần chúng cách mạng của học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra cách đây đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những bài học của Điện Biên Phủ trong đó có bài học yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta - vẫn giữ nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.

Kim Yến (st)
Còn nữa 

Bài viết khác: