314. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ - Căn cứ Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015
Chỉ khi bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng mới có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu BTTH.
Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trước đây, khi bên sử dụng dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên cung ứng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu BTTH.
315. Hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách - Căn cứ Khoản 1 Điều 523 Bộ luật Dân sự 2015
Ngoài hình thức văn bản, lời nói thì hành vi cụ thể cũng được xem là hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách:
Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
316. Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản - Căn cứ Khoản 1 Điều 531 Bộ luật Dân sự 2015
Ngoài hình thức văn bản, lời nói thì hành vi cụ thể cũng được xem là hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản:
Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
317. Giao tài sản cho bên vận chuyển - Căn cứ Khoản 2 Điều 532 Bộ luật Dân sự 2015
Bãi bỏ quy định nộp phạt vi phạm theo thỏa thuận trong trường bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận:
Trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển.
Trường hợp bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.
318. Quyền của bên vận chuyển - Căn cứ Điều 535 Bộ luật Dân sự 2015
Bãi bỏ quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển BTTH.
319. Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển - Căn cứ Điều 536 Bộ luật Dân sự 2015
Thêm nghĩa vụ sau đối với bên thuê vận chuyển:
Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.
320. Quyền của bên thuê vận chuyển - Căn cứ Điều 537 Bộ luật Dân sự 2015
Bãi bỏ quyền yêu cầu bên vận chuyển BTTH.
321. Nghĩa vụ của bên đặt gia công - Căn cứ Khoản 1 Điều 544 Bộ luật Dân sự 2015
Bãi bỏ điều khoản loại trừ đối với nghĩa vụ cung cấp nguyên vật liệu của bên đặt gia công:
- Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
Trước đây, bên đặt gia công có nghĩa vụ cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
322. Nghĩa vụ của bên nhận gia công - Căn cứ Khoản 2 Điều 546 Bộ luật Dân sự 2015
Bãi bỏ quy định trách nhiệm trong trường hợp không báo hoặc không từ chối đối với nghĩa vụ sau:
Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
323. Ủy quyền lại - Căn cứ Khoản 1 Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015
Thêm trường hợp được ủy quyền lại cho người khác:
Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau:
- Có sự đồng ý của bên ủy quyền.
- Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện GDDS vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
Trước đây, chỉ được phép ủy quyền lại khi có sự đồng ý của bên ủy quyền hoặc pháp luật có quy định.
Chương XVII: Hứa thưởng, thi có giải
(Không thay đổi so với trước)
Chương XVIII: Thực hiện công việc không có ủy quyền
324. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền - Căn cứ Khoản 3, 4 Điều 575 Bộ luật Dân sự 2015
Làm rõ các nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền sau:
- Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.
- Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
Trước đây, chỉ nêu trong trường hợp người có công việc thực hiện là cá nhân chết.
325. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền - Căn cứ Khoản 4 Điều 578 Bộ luật Dân sự 2015
Làm rõ trường hợp chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền sau:
Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.
Trước đây, chỉ đề cập chấm dứt khi người thực hiện công việc không có ủy quyền là cá nhân.
Các trường hợp chấm dứt còn lại không đổi.
Chương XIX: Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
326. Nghĩa vụ hoàn trả - Căn cứ Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015
Thay cụm từ “người chiếm hữu” thành cụm từ “chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó” nhằm bao quát hết các đối tượng được hoàn trả:
Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định sau hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với BĐS mà người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai
327. Quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả - Căn cứ Điều 582 Bộ luật Dân sự 2015
Thay cụm từ “người chiếm hữu” thành cụm từ “chủ thể có quyền khác đối với tài sản” nhằm bao quát hết các đối tượng yêu cầu ngưới thứ ba hoàn trả:
Trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật đã giao tài sản cho người thứ ba thì khi bị chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản yêu cầu hoàn trả, người thứ ba có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó, trừ trường hợp BLDS 2015 có quy định khác; nếu tài sản đó đã được trả bằng tiền hoặc có đền bù thì người thứ ba có quyền yêu cầu người đã giao tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.
328. Nghĩa vụ thanh toán - Căn cứ Điều 583 Bộ luật Dân sự 2015
Thay cụm từ “người chiếm hữu” thành cụm từ “chủ thể có quyền khác đối với tài sản” nhằm bao quát hết các đối tượng có nghĩa vụ thanh toán:
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản, người bị thiệt hại được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán chi phí cần thiết mà người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản.
Chương XX: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
329. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại - Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015
- Thêm điều khoản loại trừ trong trường gây thiệt hại phải bồi thường:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
- Quy định lại trường hợp không phải chịu trách nhiệm BTTH:
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Bổ sung quy định sau:
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm BTTH, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định nêu trên.
330. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại - Căn cứ Khoản 2, 4, 5 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015
- Thêm trường hợp được giảm mức bồi thường:
Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Bổ sung quy định sau:
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
331. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân - Căn cứ Khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định đối với trường hợp người giám hộ chịu trách nhiệm BTTH:
Người chưa thành niên, người mất NLHVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường.
Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình.
Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
332. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại - Căn cứ Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Trước đây, thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
333. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm - Căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015
Ngoài các thiệt hại do tài sản bị xâm phạm đã được BLDS 2005 quy định, thiệt hại này còn bao gồm: “Thiệt hại khác do luật quy định.”
334. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm - Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015
- Ngoài các thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm đã được BLDS 2005 quy định, thiệt hại này còn bao gồm: “Thiệt hại khác do luật quy định.”
- Tăng mức trần của mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp không có thỏa thuận:
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận.
Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (trước đây không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định)
335. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm - Căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015
- Quy định lại các thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định trên.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Tăng mức trần của mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần:
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận.
Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (trước đây, mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu chung)
336. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm - Căn cứ Khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự Bộ luật Dân sự 2015
- Ngoài các thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm đã được BLDS 2005 quy định, thiệt hại này còn bao gồm: “Thiệt hại khác do luật quy định.”
337. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm - Căn cứ Điều 593 Bộ luật Dân sự 2015
- Thêm điều khoản loại trừ trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động:
Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Bổ sung quy định sau:
Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.
338. Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra - Căn cứ Điều 598 Bộ luật Dân sự 2015
Nhà nước có trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều này được quy định lại từ quy định BTTH do cán bộ, công chức gây ra tại BLDS 2005, việc sửa đổi này nhằm bao quát các đối tượng thi hành công vụ không chỉ là cán bộ, công chức.
339. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường - Căn cứ Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015
Thay cụm từ “cá nhân, pháp nhân” thành cụm từ “chủ thể” nhằm bao quát hết các đối tượng làm ô nhiễm môi trường:
Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.
340. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra - Căn cứ Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định chi tiết nội dung BTTH do súc vật gây ra như sau:
- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới BTTH.
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
341. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra - Căn cứ Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015
Không chỉ có chủ sở hữu mới có trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra mà người chiếm hữu, người được giao quản lý cũng có trách nhiệm này, đồng thời không loại trừ trường hợp nào không phải BTTH.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Trước đây, trong trường hợp bất khả kháng hoặc do lỗi của người bị thiệt hại thì không phải BTTH.
342. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra - Căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định chặt chẽ về BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra hơn so với BLDS 2005:
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
343. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả - Căn cứ Điều 606 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định sau:
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết.
Nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
PHẦN THỨ TƯ: THỪA KẾ
Chương XXI: Quy định chung
344. Quyền thừa kế - Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định sau:
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
345. Quyền của người quản lý di sản - Căn cứ Điều 618 Bộ luật Dân sự 2015
- Ngoài các quyền của người quản lý di sản được quy định tại BLDS 2005, bổ sung quyền:
Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
- Ngoài các quyền của người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản được quy định tại BLDS 2005, bổ sung quyền:
Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
- Thêm quy định sau:
Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
346. Từ chối nhận di sản - Căn cứ Khoản 3 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015
Sửa đổi thời hạn từ chối nhận di sản như sau:
Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Trước đây, quy định thời hạn từ chối nhận di sản là 06 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế, sau 06 tháng nếu không từ chối thì được xem là đồng ý nhận thừa kế.
347. Thời hiệu thừa kế - Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015
Ngoài quy định về thời hiệu thừa kế đã được đề cập tại BLDS 2005, bổ sung quy định sau:
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với BĐS, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định trên.
Chương XXII: Thừa kế theo di chúc
348. Người lập di chúc - Căn cứ Khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015
Làm rõ quy định người lập di chúc đối với người thành niên:
Người thành niên có đủ điều kiện sau có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình: Minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
349. Hình thức của di chúc - Căn cứ Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015
Bãi bỏ quy định “Người dân tộc có quyền lập di chúc bằng tiếng nói hoặc chữ viết của dân tộc mình”
350. Di chúc hợp pháp - Căn cứ Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015
Làm rõ tính hợp pháp của di chúc miệng:
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
351. Nội dung của di chúc - Căn cứ Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định sau:
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.
352. Người làm chứng cho việc lập di chúc - Căn cứ Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định lại những người không được làm chứng cho việc lập di chúc.
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
353. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng - Căn cứ Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định cho phép đánh máy để phù hợp với thực tế hiện nay.
Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là 02 người làm chứng.
Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định về nội dung di chúc và người làm chứng cho việc lập di chúc.
354. Gửi giữ di chúc - Căn cứ Khoản 3 Điều 641 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định tối thiểu số lượng người làm chứng trong việc giao lại di chúc thuộc nghĩa vụ của người giữ bản di chúc.
Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau:
- Giữ bí mật nội dung di chúc.
- Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc.
- Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất 02 người làm chứng.
355. Di chúc bị thất lạc, hư hại - Căn cứ Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định sau:
Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.
356. Di tặng - Căn cứ Điều 646 Bộ luật Dân sự 2015
Bổ sung quy định sau:
Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
357. Giải thích nội dung di chúc - Căn cứ Điều 648 Bộ luật Dân sự 2015
Không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết thay vì áp dụng thừa kế theo pháp luật:
Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc.
Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.
Chương XXIII: Thừa kế theo pháp luật
(Không thay đổi so với trước)
Chương XXIV: Thanh toán và phân chia di sản
358. Thứ tự ưu tiên thanh toán - Căn cứ Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định lại thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau:
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
- Chi phí cho việc bảo quản di sản.
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
- Tiền công lao động.
- Tiền BTTH.
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
- Tiền phạt.
- Các chi phí khác.
359. Hạn chế phân chia di sản - Căn cứ Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định lại nội dung hạn chế phân chia di sản như sau:
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.
Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
PHẦN THỨ NĂM: PHÁP LUẬT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI QUAN HỆ DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Chương XXV: Quy định chung
360. Phạm vi áp dụng - Căn cứ Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định chi tiết phạm vi áp dụng hơn so với BLDS 2005:
- Phần này quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Trường hợp luật khác có quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không trái với quy định chung về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì luật đó được áp dụng, nếu trái thì quy định có liên quan của Phần thứ năm của BLDS 2015 được áp dụng.
- Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài.
+ Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.
+ Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
361. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài - Căn cứ Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015
Cụ thể hóa việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài:
- Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên hoặc luật Việt Nam.
- Trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
- Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
362. Áp dụng điều ước quốc tế đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài - Căn cứ Điều 665 Bộ luật Dân sự 2015
Ngoài quy định đã được đề cập tại BLDS 2005, bổ sung quy định sau:
Trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
363. Áp dụng tập quán quốc tế - Căn cứ Điều 666 Bộ luật Dân sự 2015
Khác với BLDS 2005, BLDS 2015 quy định trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN là thành viên có quy định các bên có quyền lựa chọn việc áp dụng pháp luật thì có thể áp dụng tập quán quốc tế.
Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Trước đây, quy định được phép áp dụng tập quán quốc tế không được BLDS 2005, điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN là thành viên điều chỉnh.
364. Áp dụng pháp luật nước ngoài - Căn cứ Điều 667 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định lại việc áp dụng pháp luật nước ngoài như sau:
Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó.
365. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến - Căn cứ Điều 668 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định chi tiết phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến như sau:
- Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN là thành viên quy định các bên có quyền lựa chọn việc áp dụng pháp luật.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
- Trường hợp điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN là thành viên quy định các bên có quyền lựa chọn việc áp dụng pháp luật thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.
366. Áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật - Căn cứ Điều 669 Bộ luật Dân sự 2015
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định.
367. Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài - Căn cứ Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015
Trước đây, BLDS 2005 không đề cập đến quy định này:
- Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau:
+ Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
+ Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật tố tụng.
- Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định trên thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Chương XXVI: Pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân
368. Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch - Căn cứ Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định chi tiết và cụ thể hơn so với BLDS 2005:
- Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất.
- Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất.
Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.
369. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân - Căn cứ Điều 674 Bộ luật Dân sự 2015
- NLHVDS của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch thay vì nước mà người đó là công dân như BLDS 2005 đã quy định:
NLHVDS của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch, trừ trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, NLHVDS của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
- Bổ sung quy định sau:
Việc xác định cá nhân bị mất NLHVDS, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế NLHVDS tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
370. Pháp nhân - Căn cứ Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015
Quy định chi tiết về NLPL của pháp nhân nước ngoài:
- Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập.
- NLPL dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện GDDS tại Việt Nam thì NLPL dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
Chương XXVII: Pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân
371. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 678 Bộ luật Dân sự 2015
Thêm cụm từ “quyền khác đối với tài sản” vào quy định sau:
Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp sau:
Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
372. Quyền sở hữu trí tuệ - Căn cứ Điều 679 Bộ luật Dân sự 2015
Không ràng buộc quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế như hiện nay.
Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.
373. Di chúc - Căn cứ Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015
- Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc huỷ bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
- Quy định cụ thể về hình thức của di chúc như sau:
Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau:
+ Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết.
+ Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết.
+ Nước nơi có BĐS nếu di sản thừa kế là BĐS.
374. Giám hộ - Căn cứ Điều 682 Bộ luật Dân sự 2015
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
Giám hộ được xác định theo pháp luật của nước nơi người được giám hộ cư trú.
375. Hợp đồng - Căn cứ Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015
- Không ràng buộc việc áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng như trước đây:
Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp đối tượng hợp đồng là BĐS hoặc đó là hợp đồng lao động hoặc các bên thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng. Trường hợp các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
- Quy định chi tiết như thế nào được xem là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.
Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
+ Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa.
+ Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ.
+ Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
+ Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân.
+ Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.
Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu trên có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.
- Không chỉ quy định đối tượng hợp đồng là BĐS:
Trường hợp hợp đồng có đối tượng là BĐS thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là BĐS, thuê BĐS hoặc việc sử dụng BĐS để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có BĐS.
- Bổ sung thêm các quy định sau:
Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Các bên có thể thoả thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.
- Quy định lại về hình thức hợp đồng
Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó.
Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.
376. Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật - Căn cứ Điều 685 Bộ luật Dân sự 2015
Trước đây, BLDS 2005 không quy định về vấn đề này:
Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc nơi phát sinh lợi ích được hưởng mà không có căn cứ pháp luật.
377. Thực hiện công việc không có ủy quyền - Căn cứ Điều 686 Bộ luật Dân sự 2015
Đây là điểm mới tại BLDS 2015:
Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi thực hiện công việc không có ủy quyền.
378. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - Căn cứ Điều 687 Bộ luật Dân sự 2015
Ưu tiên nguyên tắc thỏa thuận thay vì quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật như trước đây:
Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc BTTH ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.
Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
Kim Yến (Tổng hợp)
Hết