Chỉ mục bài viết

Tập sách Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2008. Nội dung cuốn sách là tập hợp một số bài nghiên cứu, bài báo và những tư liệu mới của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Cuốn sách cũng đề cập tới bối cảnh của cuộc tranh chấp hiện nay đối với hai quần đảo này nói riêng và Biển Đông nói chung, cũng như những ý kiến về một giải pháp cho cuộc tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Kèm theo đó là những tư liệu liên quan, chẳng hạn toàn văn bản Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông mà các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết năm 2002.

Phần I: Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa - Cơ sở lịch sử và pháp lý quốc tế

Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam

Quyết định của Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó có quần đảo Tây Sa và Nam Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, là hành động ngang ngược, bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo ấy.

Luận điểm đầu tiên của chính quyền tỉnh Quảng Đông khi công khai khảo sát Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa vào năm 1909, là cho rằng quần đảo “Tây Sa” là đất vô chủ (res nullius), hải quân tỉnh Quảng Đông đã cắm cờ trên đảo và bắn 21 phát súng đại bác tại một số đảo ở Hoàng Sa năm 1909.

Sau khi dùng vũ lực một cách bất hợp pháp cưỡng chiếm Hoàng Sa vào trung tuần tháng giêng năm 1974, Trung Quốc đã cố gắng tìm kiếm tài liệu để cố gán ghép bằng cách cắt xén, nếu cần thì xuyên tạc với sự đóng góp của các nhà học giả như Sử Lệ Tổ đưa ra luận điểm cho rằng “các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “kinh doanh sớm nhất”, do chính phủ các triều đại Trung Quốc “quản hạt sớm nhất” và viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử mang tính suy diễn để dẫn chứng (Quang Minh Nhật Báo, 24-11-1975).

Những luận cứ cố gán ghép

Để minh chứng cho sự xác lập chủ quyền của mình ở Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại cũng đưa ra những luận điểm được coi là “vững mạnh nhất” như sau:

1. Trung Quốc khẳng định các đảo Nam Hải đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường năm 789. Đúng sử sách Trung Quốc như sách Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát có chép những thay đổi về qui chế hành chính từ đời Hán đến đời Tống, trong đó có việc Quỳnh Sơn, một quận của đảo Hải Nam thời đó (xin nhấn mạnh) - sau thuộc thành phố Hải Khẩu - được đặt thành “Phủ Đô đốc” vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường, tức năm 789.

Nhưng qua các sách Đường Thư, Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Dư Địa Kỷ Thăng (1221), Quảng Đông Thông Chí (1842) thì vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tại đảo Hải Nam chỉ thấy có chuyện kể viên đô đốc nhà Đường là Lý Phục mang quân sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo và xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở quận Quỳnh Sơn, không hề có chuyện “sáp nhập bất kỳ đảo ở biển Nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam”.

2. Trung Quốc phái thủy quân đi “tuần tiễu”. Trung Quốc đã viện dẫn các sự kiện để chứng minh. Trước hết về luận cứ “phái thủy quân tuần tiễu cương giới biển”, luận chứng của nhóm Hàn Chấn Hoa chỉ dựa vào một đoạn trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu, song những đoạn văn này hoàn toàn không chứng minh được lập luận “Trung Quốc phái thủy quân tuần tiễu quần đảo Tây Sa bắt đầu đời Tống”.

Nhóm Hàn Chấn Hoa đã cố gán ghép hai đoạn văn vào với nhau gồm đoạn văn nói về lộ trình “Từ đồn Môn Sơn đến các nước Đại Thực, Phật Sư Tử, Thiên Trúc” tiếp liền vào đoạn văn đầu viết về “đặt dinh lũy thủy quân tuần tiễu ở hai cửa biển Đông và Tây”. Điều này không đúng với nguyên bản Vũ Kinh Tổng Yếu. Đây chỉ là sự cố gán ghép “đầu Ngô mình Sở” để cố minh chứng việc tuần tiễu thủy quân đời Tống qua đất “Cửu Nhũ Loa Châu” mà nhóm này cho là Tây Sa.

Còn việc tuần tiễu của Ngô Thăng, trước hết tìm hiểu vị trí các địa danh trên, chúng ta được biết Quỳnh Nhai là thủ phủ Quỳnh Châu ở phía bắc đảo Hải Nam, Đồng Cổ là quả núi cao 339m ở phía đông bắc đảo Hải Nam, Thất Châu Dương là phía đông đảo Hải Nam, Tư Canh Sa là bãi cát phía tây đảo Hải Nam. Đây chỉ là cuộc tuần tiễu của Ngô Thăng quanh đảo Hải Nam, chứ không đến Tây Sa, nên nhớ rằng Thất Châu Dương ở phía đông đảo Hải Nam nên không hề là Tây Sa tức Hoàng Sa của Việt Nam, vốn cách Hải Nam hơn 350 hải lý về phía đông nam.

3. Các đảo Nam Hải đã được vẽ vào bản đồ Trung Quốc. Các tác giả bộ sưu tập do Hàn Chấn Hoa chủ biên cũng rất “công phu” đưa ra 13 bản đồ và chia làm hai loại. Một loại là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh có vẽ các đảo Nam Hải. Một loại khác là bản đồ Trung Quốc thời Minh Thanh và các nước phiên thuộc, cũng có vẽ các đảo Nam Hải.

Bằng chứng thuyết phục

Có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh, trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ Đại Thanh Đế Quốc trong Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở biển Đông.

Bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh Nhất Thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18 độ 30 phút Bắc, trong khi Tây Sa hay Hoàng Sa được Trung Quốc đặt tên, có đảo ở vị trí cao nhất là 17 độ 5 phút. Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong khi đó, ngay tài liệu của chính người Trung Quốc như Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: Từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

Thời kỳ Đại Việt, từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh và thời Tây Sơn, nguồn tư liệu về Hoàng Sa hầu như chỉ còn lại tư liệu của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà, chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, năm 1686, trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ bản đồ và Phủ Biên Tạp Lục, năm 1776 của Lê Quý Đôn.

Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ, năm 1686 có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng. Còn tài liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (năm 1776) là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

Sang thời kỳ triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

- Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.

- Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

- Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Tài liệu rất quí giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX), hiện đang được lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung ương 1 ở Hà Nội. Ở đó người ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần các bộ như Bộ Công, và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục.

- Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản...

Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.

Những tư liệu phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

 - Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam.

- Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels.

 - An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam.

 - The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels).

- The Journal of the Geographical Society of London (năm 1849) Gutzlaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...

 Về những tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy:

 - Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Kỷ Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật  từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

 - Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc.

 Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.

 Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1-1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.

Nguyễn Nhã - Tiến sĩ sử học

Theo Tập sách Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
 được NXB Trẻ ấn hành năm 2008

Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa


 

 

Hoàng Sa - Trường Sa đích thực là của Việt Nam

Bạch thư của Nhà nước Việt Nam và nhiều luận văn chuyên đề đã khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - căn cứ nơi các tài liệu lịch sử, địa lý, đồ bản và pháp lý là không thể phủ nhận.

Chúng tôi xin bổ túc thêm mấy tư liệu khác - của ngoại quốc và của chính Trung Quốc nhằm củng cố chủ quyền nước ta trên hai quần đảo ấy một cách khách quan và chân thực nhất.

Thái giám Trịnh Hòa vẽ rõ bờ biển Việt Nam

"Trong thời gian 1405-1433, Trịnh Hòa đã bảy lần chỉ huy một hạm đội mạnh (...) vượt biển xuống Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương, qua Tích Lan (nay là Xri Lanka), Ấn Độ, các nước Ả Rập, vào biển Đỏ và xuống bờ biển Đông Phi"(1). Trịnh Hòa đã ghi ký sự và vẽ bản đồ cuộc hành trình vĩ đại này. Trịnh Hòa hàng hải đồ vẽ liên tục cuộc hành trình trên mấy trăm trang giấy bản rất công phu.

Chúng tôi xin trích dẫn sơ đồ vẽ bờ biển và các hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, khi ấy ghi là Giao Chỉ quốc và biển Đông ghi là Giao Chỉ dương. Sơ đồ này vẽ khá rõ từ biên giới Việt - Trung qua cửa khẩu sông Hồng, xuôi bờ biển miền Trung tới cửa khẩu Quy Nhơn, Trịnh Hòa ghi là Tân Châu cảng. Trịnh Hòa mặc nhiên thừa nhận Giao Chỉ dương tức là biển Đông và các đảo nằm trong đó đều thuộc chủ quyền Giao Chỉ quốc tức nước Đại Việt ta (có trích bản đồ Trịnh Hòa đính kèm).

Những bản đồ Bồ Đào Nha đầu tiên vẽ bờ biển Việt Nam về Hoàng Sa - Trường Sa

Nhà hàng hải Bồ Đào Nha Vasco de Gama (1469-1524) là người đầu tiên tìm đường sang Á Đông vòng qua mũi Hảo Vọng (Cap de Bonne Espérance) ở cực Nam châu Phi. Đó là năm 1497. Bồ Đào Nha đặt nhiều thương điếm ở Ấn Độ (như Goa) và Mã Lai (Malacca). Nhà hàng hải Tomé Pires tiếp nối hành trình, đi từ Malacca năm 1512 ngược lên phía bắc quan sát bờ biển và hải đảo các nước Campuchia, Chămpa, Giao Chỉ (tức Đại Việt mà biên cương mới tới Quy Nhơn), Trung Quốc, Nhật Bản...

Ngay từ đó, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã thấy: "Quần đảo Paracel là một bãi đá ngầm nằm suốt từ nam ra bắc ở bờ biển xứ Đàng Trong dài 92 hải lý (1 hải lý dài 5km556, cả thảy dài 511km152) từ vĩ tuyến 12.11 tới vĩ tuyến 16.45C từ ngoài khơi Vũng Tàu đến Thừa Thiên - Huế và rộng 20 hải lý tức 111km120"(2).

Các bãi đá tập trung ở phía bắc ta gọi là Hoàng Sa, Tây phương gọi là Paracel hay Pracel nay Trung Quốc gọi là Tây Sa; ở phía Nam ta gọi là Trường Sa, Tây phương gọi là Spratly, nay Trung Quốc gọi là Tây Sa. Trên bờ biển từ Thừa Thiên xuống Quy Nhơn, các bản đồ ngoại quốc Tây phương đều ghi là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa).

Những bản đồ Bồ Đào Nha đó là: Diego Ribeiro 1527, Bartholomeu Velho 1560, Liveo da Marinharia 1560, Lazaro Luis 1563, Bartholomeu Lasso 1590, Fernão Vaj Dourado 1590, Petrus Plancius 1592, Foão Teixeira 1630,.... Ngoài Bồ Đào Nha còn những bản đồ Tây phương khác cũng ghi về Hoàng Sa - Trường Sa mặc nhiên là của Việt Nam, như: Abraham Ortelius 1567, Ludovico Georgio 1584, Joan Martines 1591, Linschoten 1595, Jodocus Hondius 1606, Blacu 1635, Thevenot 1664, Dudley 1665, John Seller 1675, Placide 1686, Blaeu Legacy 167. Đó là chưa kể: Van Langren 1595, Mercator 1613, Berthelot 1635, Antonio Sanchej 1641, Enda Vorrtgangh 1646, Guilio Blaen 1663...

Chính quyền thuộc địa Pháp đã cho khảo sát, vẽ rõ ràng và chi tiết Biển Đông (Quốc tế gọi là Mer de Chine) và tất cả quần đảo và đảo lớn nhỏ nằm trong đó. Đáng kể nhất là Bản đồ quần đảo Hoàng Sa (Archipel des Paracels d'après les levés allemands 1881-1885 et les travaux anglais et franais les plus récents. Service hydrographique de la Marine. Paris 1885. Mars 1840 (3è édition). Vậy là có cả người Đức và người Anh nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa trước người Pháp.

Năm 1701, các giáo sĩ Hội thừa sai Paris (MEP) đi trên tàu Amphitrite sang Trung Hoa, đã kể lại: "Chúng tôi gặp quần đảo Paracel là quần đảo thuộc chủ quyền đế quốc An Nam" (Le Paracel est un archipel qui dépend de l'Empire d'Annam).

Tác giả người Trung Quốc Ngụy Nguyên vẽ rõ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam

Năm 1842, Ngụy Nguyên cho xuất bản tác phẩm Hải quốc đồ chí. Sách này gồm 60 quyển, mô tả khắp các nước năm châu bốn biển. Trong quyển 9, tờ 4 (2 trang), Ngụy Nguyên ghi bên tay phải Đông Nam Dương các quốc diên cách đồ và vẽ sơ đồ nước Việt Nam chia ra 3 phần: Việt Nam Đông đô (Hà Nội), Việt Nam Tây đô (Thanh Nghệ) và Quảng Nam (Đàng Trong). Ngoài khơi Việt Nam có ghi rõ Đông Dương đại hải.

Bên ngoài Thuận Hóa cảng khẩu, có những chấm nhỏ li ti mang tên Vạn Lý Trường Sa (chúng ta nhận diện là quần đảo Hoàng Sa). Bên ngoài bờ biển Việt Nam Tây đô cũng có những chấm li ti nhưng ít hơn mang tên Thiên lý thạch đường (chúng ta nhận diện là quần đảo Trường Sa). Hai quần đảo này hoàn toàn nằm trong Đông Dương Đại Hải tức thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngụy Nguyên không hề biết gì đến Tây Sa hay Nam Sa!

Chính quyền Pháp ở Đông Dương đặt hai đài khí tượng trên Hoàng Sa và Trường Sa

Năm 1927, Pháp đặt một trạm khí tượng hạng nhất (station météorologique de 1er ordre) tại đảo Pattle (Hoàng Sa) và một trạm phong vũ biểu trên đảo Itu Aba (tức đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa). Đó là hai đài khí tượng nằm trong hệ thống được quốc tế thừa nhận(3).

Tóm lại, hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa liên tục thuộc chủ quyền Việt Nam từ 500 năm nay, không chỉ do những tư liệu lịch sử Việt Nam mà cả những cứ liệu quốc tế cũng đều khẳng định.

-------------

(1) Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, 2005, tr.596.

(2) PY Manguin, Les Portugais sur les côtes du Vietnam, PEFEO, Paris, 1972, tr.43-44.

(3) Bruzon, Carton, Romer, Le climat de l'Indochine et les typhons de la Mer de Chine, Hanoi, 1930

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU Nhà sử học - N.Đ.Đ (Tạp chí Xưa và Nay số 298, tháng 12/2007)

Theo Tập sách Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
 được NXB Trẻ ấn hành năm 2008

Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa


 

Sự thành lập và hoạt động của đội Hoàng Sa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

Trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào minh chứng họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi đó, suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức dân binh Việt Nam là đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.

Cái nôi của đội Hoàng Sa là xã An Vĩnh ở một bên bờ cửa biển Sa Kỳ thuộc huyện Sơn Tịnh, và phía Bắc là xã An Hải thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Xã An Vĩnh gồm đất liền ở cửa biển Sa Kỳ và phường An Vĩnh. Xã An Hải gồm cả phường An Hải ở Cù Lao Ré mà đến đời Gia Long thứ 3 (1804) mới tách ra. Tại phía Nam cửa biển Sa Kỳ hiện còn di tích Vườn Đồn, nơi là đồn biển Sa Kỳ xưa. Tại đây cũng còn di tích miếu Cá Ông và di tích đình của xã An Vĩnh xưa (nay là thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Vùng cửa biển Sa Kỳ không có sông chảy ra nên không có hiện tượng cát bồi, có độ sâu tương đối tốt để làm cảng (thuyền) thời bấy giờ. Vì thế, hai bên cửa biển thuận lợi cho dân cư sinh sống, nhất là bờ phía Nam, xã An Vĩnh, sống về nghề biển và cả nông nghiệp, cách phủ lỵ Quảng Ngãi gần 30 km. Bờ phía Bắc thuộc xã An Hải, ít trù phú, ít dân cư hơn. Tuy nhiên nói chung, dân vùng cửa biển Sa Kỳ, cũng như dân Cù Lao Ré rất giỏi nghề đi biển xa mà thời nay gọi là “viễn dương”; họ không chỉ đi tìm những hải sản quý như hải sâm, ốc tai tượng ở vùng kế cận cù lao Ré mà còn muốn đến những vùng biển xa để khai thác.

Hoàng Sa với đầy ắp những hải vật quý lạ tất sẽ có sức hút họ đi tới đó. Nghề biển ở vùng này còn có được một thuận lợi là dễ dàng được cung cấp các vật liệu làm thuyền buồm như tre, lá, gỗ, kể cả gỗ kiền kiền làm cột buồm từ vùng rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam ở cách không xa.

Về mặt vị trí địa lý, vùng Sa Kỳ - Cù Lao Ré lại là nơi nhô ra Biển Đông xa nhất. Do vậy, cũng như dân đất liền thời mở cõi ấy, dân vùng này được chính quyền thời Chúa Nguyễn tín nhiệm giao trọng trách khai khẩn tới đâu quản lý tới đó.

Ngoài ra, do hoàn cảnh lịch sử của xứ Đàng Trong, muốn tồn tại, từ thời Nguyễn Hoàng đã nghĩ đến phát triển giao thương ra biển khơi, tạo điều kiện phát triển mạnh đô thị giao thương quốc tế Hội An với sự có mặt của người Nhật, Trung Quốc, nhất là người phương Tây (mà từ đầu thế kỷ XVI họ đã phát triển giao thương về phương Đông, khi thiết lập được các thương điếm từ Malacca đến Macao).

Trận thủy chiến với người Hà Lan (hợp tác với quân Trịnh) ở gần cửa Thuận An thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thúc đẩy xứ Đàng Trong phải có kế hoạch thường xuyên thu lượm không những hải sản quý mà còn sản vật do đắm tàu, nhất là súng ống để tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến tranh với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

Đó là những lý do khiến Cù Lao Ré - cửa biển Sa Kỳ là cái nôi ra đời của đội Hoàng Sa.

Về thời gian ra đời của đội Hoàng Sa, các sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (Trung Quốc) viết năm 1696, chép “thời quốc vương trước” đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ Biên Tạp Lục viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1821) chép “quốc sơ trí Hoàng Sa”.

Tuy nhiên việc thành lập đội Hoàng Sa phải có trước hoặc trong thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), tức là trước hoặc trong thời điểm ra đời cuốn sách Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686), cuốn sách đã bắt đầu chép các hoạt động ở Hoàng Sa. Đó là khoảng thời gian mà các chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) Nguyễn Phúc Tần cai trị.

Ngoài ra, như ta đã biết ở trên, Phủ Biên Tạp Lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng tám âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Từ thời Nguyễn Phúc Nguyên tuy không còn ở Ai Tử, Quảng Trị nữa mà mới vào vùng Phước Yên, Quảng Điền, bên bờ sông Bồ, chi nhánh của sông Hương, song chính dinh chưa tới Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hòa năm đầu (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.

Như thế, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn hơn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời kỳ này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An ) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Nhưng dù ở thời Chúa Nguyễn nào thì thời điểm lập ra đội Hoàng Sa cũng chắc chắn ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XVII, hoặc nói như sử sách vào đầu thời chúa Nguyễn.

Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ tại phường An Vĩnh, Cù Lao Ré đã cho biết năm 1786 tức Thái Đức năm thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại.

Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến khi Gia Long năm thứ 2 (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại như Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXII đã ghi rõ: “Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Năm 1815, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.

Từ năm 1816, vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân cùng với đội Hoàng Sa lo việc kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn. Theo truyền thống, dân cù lao Ré vẫn tiếp tục đi biển trong đó có vùng Hoàng Sa có nhiều sản vật quý. Không có một văn bản nào ghi lại việc quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa ngoài Việt Sử Cương Giám Khảo Lược soạn năm 1877 của Nguyễn Thông cho biết đội Hoàng Sa bị bãi bỏ từ lâu, trước năm soạn cuốn sách này (1877).

Thời Tự Đức, người ta không thấy biên niên sử còn chép các hoạt động của đội Hoàng Sa, vì theo phàm lệ của Đại Nam Thực Lục đệ tứ kỷ chép vào đời Tự Đức, những việc thành lệ thường không được chép nữa mà thôi. Những hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như thủy quân từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã trở thành lệ thường, như đã chép trong sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ.

Tóm lại tuy không biết thời gian chính xác đội Hoàng Sa đã ngưng hoạt động, chỉ biết vào năm 1877, khi Nguyễn Thông viết sách Việt Sử Cương Giám Khảo Lược thì đội Hoàng Sa đã bị bãi bỏ từ lâu rồi. Từ năm 1816, thủy quân đã đảm trách những việc xem xét, đo đạc thủy trình, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa như trước nữa.

Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý thời ấy ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn trong hoàn cảnh tay cầm cuốc, tay cầm gươm để mở đất khai hoang mà người đứng đầu đơn vị hành chánh lớn nhất là chưởng dinh. Cần có dinh lũy để vừa cai quản về hành chánh, khai hoang vừa chỉ huy quân sự sẵn sàng chiến đấu.

Đây là một tổ chức đặc biệt ở Đàng Trong cũng như những tổ chức khác dưới triều Nguyễn như các sở đồn điền khẩn hoang, mà đứng đầu mỗi đồn điền là một quản cơ. Thời chúa Nguyễn, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn quyển 3, có nhiều tổ chức dân binh như đội thủ ngự (đội coi về Tuy là dân binh nhưng đội cũng được tổ chức theo hình thức tổ chức quân sự của Đàng Trong).

Theo binh chế ở Đàng Trong, ngoài chính binh (tinh binh còn gọi là nội binh), các quan trấn thủ, lưu thủ ở địa phương thường lấy dân địa phương làm binh canh giữ các nơi, gọi là ngoại binh (binh ấy còn gọi là thổ binh hoặc tạm binh, hoặc thuộc binh). Số binh này rất đông, gấp mấy lần chánh binh mà lại không được trả lương tháng như chánh binh, họ chỉ được miễn sưu thuế mà thôi. Phiên chế gồm: Dinh, cơ, đội, thuyền. Thuyền là đơn vị thấp nhất. Mỗi đội gồm từ 40 đến 60 người. Điều khiển đội có cai đội và đội trưởng.

Đứng đầu đội Hoàng Sa cũng là một cai đội; những thành viên trong đội được gọi là quân nhân, điều này đã thể hiện tính quân sự hóa nêu trên. (Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cũng gọi những người trong đội Hoàng Sa là quân nhân, và ông cũng ghi nhận một trường hợp 2 người bị trôi dạt vào cảng Thanh Lan (Hải Nam) và tám người khác bị mất tích khi bị bão vào năm Càn Long thứ 17 (1754)). Vì thế có dịch giả phương Tây dịch đội Hoàng Sa là “compagnie Hoàng Sa”, và phải hiểu là một tổ chức quân đội, chứ không phải là tổ chức hội buôn, mới đúng.

Người chỉ huy đội Hoàng Sa là cai đội phải là vị quan lớn như cai đội Thuyên Đức Hầu (được phong tước “hầu”) đã được Lê Quý Đôn tra cứu sổ sách suốt từ 1702 (Nhâm Ngọ) đến 1713 (Quý Tỵ). Hoặc như cai đội Phú Nhuận Hầu cũng thế, trong tờ trình ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803) đã kiêm luôn chức khâm sai cai thủ cửa biển Sa Kỳ và cai cơ thủ ngự (tờ kê trình của Phú Nhuận Hầu được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, nay là thôn Tây, xã An Vĩnh (nay là Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn) tỉnh Quảng Ngãi. Khâm sai cai thủ là chức trông coi cửa biển, thủ ngự là tổ chức tuần tra, chống trộm cướp thời Nguyễn.

Thời Chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để làm những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa theo phép tuyển như trên, song còn dựa vào khả năng đi biển mà tuyển chọn. Số lượng 70 là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa. Những quân nhân này chủ yếu là dân gốc xã An Vĩnh và một phần là dân xã An Hải ở đất liền và ngoài đảo cù lao Ré. Trong hầu hết các sử liệu chỉ nói đến xã An Vĩnh, chỉ riêng Việt Sử Cương Giám Khảo Lược, quyển 4 của Nguyễn Thông là nói đến hai hộ An Hải và An Vĩnh tức hai phường An Vĩnh và An Hải ở đảo Lý Sơn hay cù lao Ré.

Theo lời truyền miệng của dân địa phương Cù lao Ré để lại, việc tuyển lựa 70 suất của đội Hoàng Sa theo nguyên tắc định suất cho các dòng họ. Song cụ thể vẫn là theo lệ bổ tuyển quân nhân thời Chúa Nguyễn. Những người gọi là quân nhân ấy được tuyển theo hệ thống xã, huyện, phủ. Do phải luân phiên, nên hàng năm các đội Hoàng Sa phải lo điều chỉnh quân số sao cho đảm bảo lệ này.

Về mặt quyền lợi, ngoài việc được miễn sưu thuế, họ còn được hưởng phần dư, phần còn lại ngoài số sản vật thu được phải nộp cho nhà nước theo quy định. Lương thực mang đi cho 6 tháng được nhà nước cấp phát. Song chủ yếu là gạo, còn thức ăn phần lớn họ phải tự bắt cá, bắt chim ở các đảo để sống. Họ phải mang theo củi lửa. Đời sống của quân nhân trong đó có đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn khả quan hơn đời sống của người dân thời đó.

Tùy theo mỗi năm, số thuyền đi từ 4 hay 5 chiếc, có khi đến 18 chiếc. Số lượng 70 suất chia ra ở các thuyền, như vậy mỗi thuyền thông thường có khoảng 10 người. Mỗi chiếc thuyền do chủ thuyền hay thuyền trưởng cai quản.

Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư Địa Chí, Hoàng Việt Địa Dư Chí, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Nhất Thống Chí, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Theo Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; và theo Phủ Biên Tạp Lục thì thường đi vào tháng Giêng âm lịch đến tháng 8 về (nếu lương thực mang đi có 6 tháng, chép tháng Giêng là nhầm).

Từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tức khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch. Như thế việc chọn thời gian hoạt động trên của đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân. Đến tháng 8 gió Tây Nam yếu, chuyển qua gió Đông Bắc thì thuyền của đội Hoàng Sa trở về vào cửa Eo để nộp sản phẩm ở chính dinh là đúng lúc, hợp lý nhất.

Hầu hết các tài liệu đều viết tháng Ba âm lịch đi từ Cù Lao Ré đến nơi bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa là 3 ngày 3 đêm. Riêng Đại Nam Nhất Thống Chí ghi 3, 4 ngày đêm. Thời gian trên đều là thời gian thực tế đối với loại thuyền buồm nhẹ chạy nhanh khởi hành từ đất liền hay Cù Lao Ré đến đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Dĩ nhiên trong suốt 6 tháng hoạt động, đội Hoàng Sa tiếp tục đi khắp nơi, xa hơn, suốt các đảo từ phía Bắc. Riêng các hòn đảo xa phía Nam, ở cuối quần đảo Trường Sa hiện nay là Côn Đảo, Hà Tiên thì đã có đội Bắc Hải phụ trách và cũng lệ thuộc vào đội Hoàng Sa.

Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong khu vực có nhiều bão tố, nên điều kiện lúc bấy giờ không cho phép trú cả năm mà phải theo mùa. Như thế, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa cũng là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kéo dài từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX và theo luật lệ rõ ràng của nhà nước Việt Nam.

Nguyễn Nhã - Tiến sĩ sử học

Theo Tập sách Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
 được NXB Trẻ ấn hành năm 2008

Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: