Chỉ mục bài viết

 

Sự thành lập và hoạt động của đội Hoàng Sa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

Trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào minh chứng họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi đó, suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức dân binh Việt Nam là đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.

Cái nôi của đội Hoàng Sa là xã An Vĩnh ở một bên bờ cửa biển Sa Kỳ thuộc huyện Sơn Tịnh, và phía Bắc là xã An Hải thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Xã An Vĩnh gồm đất liền ở cửa biển Sa Kỳ và phường An Vĩnh. Xã An Hải gồm cả phường An Hải ở Cù Lao Ré mà đến đời Gia Long thứ 3 (1804) mới tách ra. Tại phía Nam cửa biển Sa Kỳ hiện còn di tích Vườn Đồn, nơi là đồn biển Sa Kỳ xưa. Tại đây cũng còn di tích miếu Cá Ông và di tích đình của xã An Vĩnh xưa (nay là thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Vùng cửa biển Sa Kỳ không có sông chảy ra nên không có hiện tượng cát bồi, có độ sâu tương đối tốt để làm cảng (thuyền) thời bấy giờ. Vì thế, hai bên cửa biển thuận lợi cho dân cư sinh sống, nhất là bờ phía Nam, xã An Vĩnh, sống về nghề biển và cả nông nghiệp, cách phủ lỵ Quảng Ngãi gần 30 km. Bờ phía Bắc thuộc xã An Hải, ít trù phú, ít dân cư hơn. Tuy nhiên nói chung, dân vùng cửa biển Sa Kỳ, cũng như dân Cù Lao Ré rất giỏi nghề đi biển xa mà thời nay gọi là “viễn dương”; họ không chỉ đi tìm những hải sản quý như hải sâm, ốc tai tượng ở vùng kế cận cù lao Ré mà còn muốn đến những vùng biển xa để khai thác.

Hoàng Sa với đầy ắp những hải vật quý lạ tất sẽ có sức hút họ đi tới đó. Nghề biển ở vùng này còn có được một thuận lợi là dễ dàng được cung cấp các vật liệu làm thuyền buồm như tre, lá, gỗ, kể cả gỗ kiền kiền làm cột buồm từ vùng rừng núi Quảng Ngãi, Quảng Nam ở cách không xa.

Về mặt vị trí địa lý, vùng Sa Kỳ - Cù Lao Ré lại là nơi nhô ra Biển Đông xa nhất. Do vậy, cũng như dân đất liền thời mở cõi ấy, dân vùng này được chính quyền thời Chúa Nguyễn tín nhiệm giao trọng trách khai khẩn tới đâu quản lý tới đó.

Ngoài ra, do hoàn cảnh lịch sử của xứ Đàng Trong, muốn tồn tại, từ thời Nguyễn Hoàng đã nghĩ đến phát triển giao thương ra biển khơi, tạo điều kiện phát triển mạnh đô thị giao thương quốc tế Hội An với sự có mặt của người Nhật, Trung Quốc, nhất là người phương Tây (mà từ đầu thế kỷ XVI họ đã phát triển giao thương về phương Đông, khi thiết lập được các thương điếm từ Malacca đến Macao).

Trận thủy chiến với người Hà Lan (hợp tác với quân Trịnh) ở gần cửa Thuận An thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thúc đẩy xứ Đàng Trong phải có kế hoạch thường xuyên thu lượm không những hải sản quý mà còn sản vật do đắm tàu, nhất là súng ống để tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến tranh với họ Trịnh ở Đàng Ngoài.

Đó là những lý do khiến Cù Lao Ré - cửa biển Sa Kỳ là cái nôi ra đời của đội Hoàng Sa.

Về thời gian ra đời của đội Hoàng Sa, các sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (Trung Quốc) viết năm 1696, chép “thời quốc vương trước” đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ Biên Tạp Lục viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1821) chép “quốc sơ trí Hoàng Sa”.

Tuy nhiên việc thành lập đội Hoàng Sa phải có trước hoặc trong thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), tức là trước hoặc trong thời điểm ra đời cuốn sách Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686), cuốn sách đã bắt đầu chép các hoạt động ở Hoàng Sa. Đó là khoảng thời gian mà các chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) Nguyễn Phúc Tần cai trị.

Ngoài ra, như ta đã biết ở trên, Phủ Biên Tạp Lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng tám âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Từ thời Nguyễn Phúc Nguyên tuy không còn ở Ai Tử, Quảng Trị nữa mà mới vào vùng Phước Yên, Quảng Điền, bên bờ sông Bồ, chi nhánh của sông Hương, song chính dinh chưa tới Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hòa năm đầu (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.

Như thế, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn hơn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời kỳ này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An ) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Nhưng dù ở thời Chúa Nguyễn nào thì thời điểm lập ra đội Hoàng Sa cũng chắc chắn ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XVII, hoặc nói như sử sách vào đầu thời chúa Nguyễn.

Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ tại phường An Vĩnh, Cù Lao Ré đã cho biết năm 1786 tức Thái Đức năm thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại.

Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến khi Gia Long năm thứ 2 (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại như Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXII đã ghi rõ: “Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Năm 1815, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.

Từ năm 1816, vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân cùng với đội Hoàng Sa lo việc kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn. Theo truyền thống, dân cù lao Ré vẫn tiếp tục đi biển trong đó có vùng Hoàng Sa có nhiều sản vật quý. Không có một văn bản nào ghi lại việc quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa ngoài Việt Sử Cương Giám Khảo Lược soạn năm 1877 của Nguyễn Thông cho biết đội Hoàng Sa bị bãi bỏ từ lâu, trước năm soạn cuốn sách này (1877).

Thời Tự Đức, người ta không thấy biên niên sử còn chép các hoạt động của đội Hoàng Sa, vì theo phàm lệ của Đại Nam Thực Lục đệ tứ kỷ chép vào đời Tự Đức, những việc thành lệ thường không được chép nữa mà thôi. Những hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như thủy quân từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã trở thành lệ thường, như đã chép trong sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ.

Tóm lại tuy không biết thời gian chính xác đội Hoàng Sa đã ngưng hoạt động, chỉ biết vào năm 1877, khi Nguyễn Thông viết sách Việt Sử Cương Giám Khảo Lược thì đội Hoàng Sa đã bị bãi bỏ từ lâu rồi. Từ năm 1816, thủy quân đã đảm trách những việc xem xét, đo đạc thủy trình, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa như trước nữa.

Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa là một tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính tư nhân vừa mang tính nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý thời ấy ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn trong hoàn cảnh tay cầm cuốc, tay cầm gươm để mở đất khai hoang mà người đứng đầu đơn vị hành chánh lớn nhất là chưởng dinh. Cần có dinh lũy để vừa cai quản về hành chánh, khai hoang vừa chỉ huy quân sự sẵn sàng chiến đấu.

Đây là một tổ chức đặc biệt ở Đàng Trong cũng như những tổ chức khác dưới triều Nguyễn như các sở đồn điền khẩn hoang, mà đứng đầu mỗi đồn điền là một quản cơ. Thời chúa Nguyễn, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn quyển 3, có nhiều tổ chức dân binh như đội thủ ngự (đội coi về Tuy là dân binh nhưng đội cũng được tổ chức theo hình thức tổ chức quân sự của Đàng Trong).

Theo binh chế ở Đàng Trong, ngoài chính binh (tinh binh còn gọi là nội binh), các quan trấn thủ, lưu thủ ở địa phương thường lấy dân địa phương làm binh canh giữ các nơi, gọi là ngoại binh (binh ấy còn gọi là thổ binh hoặc tạm binh, hoặc thuộc binh). Số binh này rất đông, gấp mấy lần chánh binh mà lại không được trả lương tháng như chánh binh, họ chỉ được miễn sưu thuế mà thôi. Phiên chế gồm: Dinh, cơ, đội, thuyền. Thuyền là đơn vị thấp nhất. Mỗi đội gồm từ 40 đến 60 người. Điều khiển đội có cai đội và đội trưởng.

Đứng đầu đội Hoàng Sa cũng là một cai đội; những thành viên trong đội được gọi là quân nhân, điều này đã thể hiện tính quân sự hóa nêu trên. (Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cũng gọi những người trong đội Hoàng Sa là quân nhân, và ông cũng ghi nhận một trường hợp 2 người bị trôi dạt vào cảng Thanh Lan (Hải Nam) và tám người khác bị mất tích khi bị bão vào năm Càn Long thứ 17 (1754)). Vì thế có dịch giả phương Tây dịch đội Hoàng Sa là “compagnie Hoàng Sa”, và phải hiểu là một tổ chức quân đội, chứ không phải là tổ chức hội buôn, mới đúng.

Người chỉ huy đội Hoàng Sa là cai đội phải là vị quan lớn như cai đội Thuyên Đức Hầu (được phong tước “hầu”) đã được Lê Quý Đôn tra cứu sổ sách suốt từ 1702 (Nhâm Ngọ) đến 1713 (Quý Tỵ). Hoặc như cai đội Phú Nhuận Hầu cũng thế, trong tờ trình ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803) đã kiêm luôn chức khâm sai cai thủ cửa biển Sa Kỳ và cai cơ thủ ngự (tờ kê trình của Phú Nhuận Hầu được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, nay là thôn Tây, xã An Vĩnh (nay là Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn) tỉnh Quảng Ngãi. Khâm sai cai thủ là chức trông coi cửa biển, thủ ngự là tổ chức tuần tra, chống trộm cướp thời Nguyễn.

Thời Chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để làm những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa theo phép tuyển như trên, song còn dựa vào khả năng đi biển mà tuyển chọn. Số lượng 70 là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa. Những quân nhân này chủ yếu là dân gốc xã An Vĩnh và một phần là dân xã An Hải ở đất liền và ngoài đảo cù lao Ré. Trong hầu hết các sử liệu chỉ nói đến xã An Vĩnh, chỉ riêng Việt Sử Cương Giám Khảo Lược, quyển 4 của Nguyễn Thông là nói đến hai hộ An Hải và An Vĩnh tức hai phường An Vĩnh và An Hải ở đảo Lý Sơn hay cù lao Ré.

Theo lời truyền miệng của dân địa phương Cù lao Ré để lại, việc tuyển lựa 70 suất của đội Hoàng Sa theo nguyên tắc định suất cho các dòng họ. Song cụ thể vẫn là theo lệ bổ tuyển quân nhân thời Chúa Nguyễn. Những người gọi là quân nhân ấy được tuyển theo hệ thống xã, huyện, phủ. Do phải luân phiên, nên hàng năm các đội Hoàng Sa phải lo điều chỉnh quân số sao cho đảm bảo lệ này.

Về mặt quyền lợi, ngoài việc được miễn sưu thuế, họ còn được hưởng phần dư, phần còn lại ngoài số sản vật thu được phải nộp cho nhà nước theo quy định. Lương thực mang đi cho 6 tháng được nhà nước cấp phát. Song chủ yếu là gạo, còn thức ăn phần lớn họ phải tự bắt cá, bắt chim ở các đảo để sống. Họ phải mang theo củi lửa. Đời sống của quân nhân trong đó có đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn khả quan hơn đời sống của người dân thời đó.

Tùy theo mỗi năm, số thuyền đi từ 4 hay 5 chiếc, có khi đến 18 chiếc. Số lượng 70 suất chia ra ở các thuyền, như vậy mỗi thuyền thông thường có khoảng 10 người. Mỗi chiếc thuyền do chủ thuyền hay thuyền trưởng cai quản.

Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư Địa Chí, Hoàng Việt Địa Dư Chí, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Nhất Thống Chí, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Theo Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; và theo Phủ Biên Tạp Lục thì thường đi vào tháng Giêng âm lịch đến tháng 8 về (nếu lương thực mang đi có 6 tháng, chép tháng Giêng là nhầm).

Từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tức khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch. Như thế việc chọn thời gian hoạt động trên của đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân. Đến tháng 8 gió Tây Nam yếu, chuyển qua gió Đông Bắc thì thuyền của đội Hoàng Sa trở về vào cửa Eo để nộp sản phẩm ở chính dinh là đúng lúc, hợp lý nhất.

Hầu hết các tài liệu đều viết tháng Ba âm lịch đi từ Cù Lao Ré đến nơi bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa là 3 ngày 3 đêm. Riêng Đại Nam Nhất Thống Chí ghi 3, 4 ngày đêm. Thời gian trên đều là thời gian thực tế đối với loại thuyền buồm nhẹ chạy nhanh khởi hành từ đất liền hay Cù Lao Ré đến đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Dĩ nhiên trong suốt 6 tháng hoạt động, đội Hoàng Sa tiếp tục đi khắp nơi, xa hơn, suốt các đảo từ phía Bắc. Riêng các hòn đảo xa phía Nam, ở cuối quần đảo Trường Sa hiện nay là Côn Đảo, Hà Tiên thì đã có đội Bắc Hải phụ trách và cũng lệ thuộc vào đội Hoàng Sa.

Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong khu vực có nhiều bão tố, nên điều kiện lúc bấy giờ không cho phép trú cả năm mà phải theo mùa. Như thế, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa cũng là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kéo dài từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX và theo luật lệ rõ ràng của nhà nước Việt Nam.

Nguyễn Nhã - Tiến sĩ sử học

Theo Tập sách Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
 được NXB Trẻ ấn hành năm 2008

Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: