Phần 2. Giai đoạn 1930-1945
* Cuối tháng 5 năm 1930 : Từ Xinhgapo, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hồng Kông.
* Tháng 6- 1931
- Ngày 6: Sáng sớm, Nguyễn Ái Quốc - tên trong thẻ căn cước là Tống Văn Sơ, bị cảnh sát Hồng Kông, dưới sự chỉ đạo của thanh tra cảnh sát Carây (A.E. Carey) bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168, đường Tam Lung ( có tài liệu ghi là Tam Kung), Cửu Long mà không có lệnh bắt. Cùng bị bắt với Nguyễn Ái Quốc còn có Lý Phương Thuận (Lý Sâm). Cảnh sát thu được một số giấy tờ do Người ghi những địa danh mà cảnh sát Anh và mật thám Pháp không xác định được.
- Từ ngày 6 đến ngày 11: Nguyễn Ái Quốc bị giam trong nhà giam của Sở Cảnh sát Hồng Kông. Được một người Việt Nam báo tin Người bị bắt và nhờ giúp đỡ, F.H.Lôdơbi (Francis Henry Loseby - Luật gia dân chủ tiến bộ người Anh, lúc đó là Giám đốc Công ty Luật sư RUSS của người Anh ở Hồng Kông) đến thăm Người. Khi Nguyễn Ái Quốc nói không có tiền để nhờ cãi, ông Lôdơbi đã hứa sẽ giúp “vì danh dự chứ không nhất thiết vì tiền”.
Người đã cung cấp những thông tin cần thiết cho luật sư và cùng luật sư thống nhất về phương hướng bào chữa.
- Ngày 11: Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ nhất).
- Từ ngày 12 đến ngày 18: Nguyễn Ái Quốc bị đưa từ Nhà giam của Sở Cảnh sát Hồng Kông đến giam tại ngục Víchtôria.
- Ngày 15: Nhiều tài liệu do Nguyễn Ái Quốc viết bị cảnh sát tìm thấy ở Văn phòng của Hile Nulen (Hilaire Noulens) - Thư ký Chi nhánh Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản khi ông này bị bắt ở Thượng Hải.
- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc được luật sư người Anh F.H. Lôdơbi đến gặp tại ngục Víchtôria.
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc bị Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam (Lệnh thứ hai).
* Ngày 27- 6- 1932: Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh đã được các luật sư của Nguyễn Ái Quốc và luật sư của Bộ Thuộc địa cùng nhau thoả thuận giải quyết một số điều khoản như sau:
Nguyễn Ái Quốc sẽ rút đơn kháng án nếu chính quyền Hồng Kông cam kết:
1- Bỏ việc chỉ định "tàu biển" trong lệnh trục xuất.
2- Trong bất cứ trường hợp nào cũng không giao người kháng án cho Pháp hoặc đến một lãnh thổ do Pháp bảo hộ hoặc xuống một tàu biển của Pháp.
3- Chính quyền Hồng Kông sẽ hết sức cố gắng để bảo đảm rằng người kháng án sẽ đến được nơi muốn đến.
4- Chi 250 bảng Anh cho phí tổn của người kháng án.
* Mùa Xuân, trước tháng 6- 1934: trong bộ quần áo dài Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bước lên một chiếc tàu hàng Xôviết ở Thượng Hải để đi Liên Xô. Sau mấy ngày, tàu cập cảng Vlađivôxtốc (Liên Xô). Tháng 6 -1934 Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva.
* Ngày 29- 6 - 1935: Hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc từ sau khi thoát khỏi nhà tù Hồng Kông được đề cập trong thư của Trưởng phòng Đông Dương Vêra Vaxiliêva gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, bày tỏ băn khoăn về việc Nguyễn Ái Quốc dễ dàng thoát khỏi nhà tù Hồng Kông, sự theo dõi sát sao của cảnh sát Pháp và việc tại sao Nguyễn Ái Quốc không được đi thực tế và tham gia vào công tác bí mật của Đảng. Bức thư có đoạn: "Tháng 6 - 1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Qua lời kể của đồng chí thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp... Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vayăng Cutuyariê (Vaillant Couturier) trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần phải được kiểm chứng một cách thận trọng. Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lênin tại Mátxcơva, nơi đồng chí đang nghiên cứu... Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lập mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật ".
* Mùa Hè 1936: Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chuẩn bị cho các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Hưu về nước qua đường Pháp - Hồng Kông - Việt Nam. Người dặn kỹ kinh nghiệm, mật hiệu liên lạc khi đến Hồng Kông... Người còn dặn mấy ý kiến chuyển tới đồng chí Duy (tức Lê Hồng Phong) ở Thượng Hải: Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào; không thoả hiệp với bọn tơrốtxkít; lập Mặt trận Dân tộc dân chủ rộng rãi chống phátxít, chống chiến tranh đế quốc...
Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về nước. Người dự định sang Béclin rồi sang Pháp, và từ Pháp đi tàu về Đông Dương... Nếu gặp khó khăn thì đến Thượng Hải, nơi Quốc tế Cộng sản đã lập lại các cơ sở liên lạc của mình, rồi tìm đường về Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc được Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản mời đến làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường... Song, chuyến đi này phải huỷ bỏ vì tình hình thay đổi.
Trong khi chờ đợi một dịp khác, Nguyễn Ái Quốc vào làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa đặt trụ sở tại nhà số 25, đại lộ Tvécxkôi ở Mátxcơva.
* Khoảng giữa năm 1937: Nguyễn Ái Quốc (Lin) dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp Nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc ( Kết quả được trích từ “Phiếu cá nhân” của nghiên cứu sinh: LIN, kỳ I, năm thứ nhất, năm học 1937-1938).
Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong hai nghiên cứu sinh không đăng ký đi nghỉ hè một tháng theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa dành cho các nghiên cứu sinh.
* Ngày 6- 6 - 1938: Nguyễn Ái Quốc (Lin) viết Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản. Toàn văn bức thư (viết bằng tiếng Pháp) như sau:
Đồng chí thân mến,
Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng.
Tôi sẽ rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi.
Đồng chí thân mến, xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em của tôi.
6-6-1938 LIN
* Tháng 6 - 1939
- Ngày 23: Bài viết Thư từ Trung Quốc - Về chủ nghĩa Tờrốtxki khởi đầu bằng dòng chữ “Quế Lâm, ngày 10-5-1939”, ký tên P.C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Notre Voix. Nguyễn Ái Quốc chuyển đến người đọc năm nhận định về chủ nghĩa Tờrốtxki và bọn tờrốtxkít:
1. Đây là một vấn đề liên quan đến toàn quốc, toàn dân: Một vấn đề chống lại Tổ quốc, chứ “không phải là sự tranh cãi trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
2. Bọn phát xít Nhật và bọn phát xít nước ngoài tuyên truyền xuyên tạc, làm cho người ta tưởng rằng những người cộng sản và bọn tờrốtxkít là cùng một cánh với nhau.
3. Bọn tờrốtxkít ở tất cả các nước là những bè lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phátxít.
4. Ở tất cả các nước, bọn tờrốtxkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che giấu những công việc kẻ cướp, bẩn thỉu của chúng.
5. Bọn tờrốtxkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất.
Cuối thư, Người hẹn sẽ nói rõ hơn về hành động của bọn tờrốtxkít Trung Quốc trong một bức thư sau. Kèm theo một lời chào: “Mong sớm được gặp lại các bạn”.
- Từ ngày 20-6 đến tháng 9- 1939: Với bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc tham gia khoá 2 lớp huấn luyện cán bộ du kích Nam Nhạc (Hồ Nam, Trung Quốc) phụ trách việc nghe đài lấy tin cho lớp huấn luyện. Cùng với các giáo quan và cán bộ được Đảng Cộng sản Trung Quốc phái đến, đồng chí Hồ Quang ở trong khu vườn cam thuộc một trang trại của địa chủ ở phía tây thị trấn Nam Nhạc. Trong nơi đóng quân có đặt điện đài để nghe tin tức trong nước và thế giới và để liên lạc với Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm.
* Tháng 6 - 1940
- Đầu tháng: Nguyễn Ái Quốc, mang bí danh đồng chí Vương, gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vừa từ trong nước sang tại công viên Thuý Hồ ( Vân Nam- Trung Quốc). Người nói chuyện với các đồng chí, hỏi thăm về các khó khăn khi đi đường, về Mặt trận Dân chủ trong nước gần đây, về chuyện làm báo... Trả lời câu hỏi (do Hoàng Văn Thụ dặn xin ý kiến Nguyễn Ái Quốc) về vấn đề “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”, Người nói: “Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra” và nói thêm: “Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí”...
Nguyễn Ái Quốc với bí danh Hồ Quang, giới thiệu đồng chí Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) và đồng chí Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi hai đồng chí lên đường, Người căn dặn: Lên đấy “Cố gắng học thêm quân sự”. Người viết một giấy ký tên Hồ Quang giới thiệu hai đồng chí này đến Quý Dương, để từ đó đi Diên An.
- Sau ngày 20: Ở Côn Minh, sau khi nghe tin Pari bị quân Đức chiếm (20-6-1940), Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp tại một ngôi nhà nhỏ là phòng họp và Toà soạn của báo Đ.T. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Hội nghị tán thành nhận định trên. Khi có người băn khoăn vì không có vũ khí để cướp chính quyền, Người vạch rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí? Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí”.
Nguyễn Ái Quốc điện cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (đang chờ xe tại Quý Dương) không đi Diên An nữa, mà đợi tại Quế Lâm để tìm cách về nước, vì Chính phủ Pháp đã đầu hàng phát xít Đức chiếm đóng.
Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đến Quý Dương để cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp "đi Quế Lâm để tìm cách về nước". Cử Trần Văn Hinh (vừa ở Nam Kỳ sang) đi Diên An để xây dựng quan hệ mới, đón chuyển biến mới của tình hình thế giới.
Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trùng Khánh bằng máy bay. Một trong những mục đích của chuyến đi này là tìm gặp Chu Ân Lai để trao đổi ý kiến về thời cuộc. Trước khi đi, Người dặn đi dặn lại Vũ Anh và các đồng chí ở Côn Minh lo chuẩn bị mọi mặt để khi Người trở lại có thể lên đường về nước ngay.
* Khoảng giữa năm 1941: Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương. Người trực tiếp giảng bài, đồng chí Đức Thanh đi sát giúp đỡ học viên hằng ngày.
Trong buổi khai mạc lớp học, sau khi đồng chí Đức Thanh phổ biến chương trình lớp học, Nguyễn Ái Quốc giảng bài tình hình thế giới. Người chỉ rõ: “Bọn phát xít đã tấn công Liên Xô, Tổ quốc của cách mạng thế giới, nhưng nhân dân Liên Xô nhất định sẽ chiến thắng. Việt Nam ta cũng đứng ở trong phe dân chủ mới, ủng hộ Liên Xô chống lại phe phát xít”.
Trong các buổi học sau, Nguyễn Ái Quốc giảng về tình hình trong nước và nhiệm vụ của cách mạng trước mắt, về năm bước công tác quần chúng. Trong những buổi huấn luyện quân sự, Người giảng về chiến thuật du kích, các hình thức đánh du kích.
Sau bốn ngày huấn luyện, các học viên tập vận dụng những điều đã học vào công tác vận động quần chúng. Nguyễn Ái Quốc đóng vai một quần chúng, các học viên làm người tuyên truyền cách mạng. Sau khi học tập, Người nhận xét chỗ sai, chỗ đúng của từng học viên.
Lớp học kết thúc, Nguyễn Ái Quốc phái ba đồng chí (Nam Tuấn, Ái Nam, Xuân Trường) về Hà Quảng tiếp tục hoạt động, hai đồng chí (Đồng chí Quý và đồng chí Quang Trung) lại sang bên kia biên giới nhận nhiệm vụ khác.
- Tháng 6, ngày 6 - 1941: Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ Tám về tổ chức Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc viết thư Kính cáo đồng bào gửi các tầng lớp nhân dân cả nước. Mở đầu bức thư, Người nêu lên tình cảnh khổ nhục của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập tự do. Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín” và vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”... Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết... Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng...”.
Cuối thư, Người kêu gọi: “... Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!
Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!
Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật!
Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!
Thế giới cách mạng thành công muôn năm!”.
- Khoảng cuối tháng 6- 1941:
Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) chọn một số thanh niên Cao Bằng đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc) . Mỗi học viên được nhận một tên mới, lý lịch mới và thống nhất gọi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là Hoàng Quốc Tuấn ( Theo Hoàng Quốc Việt, Phan Việt Bắc, ... 10 người được chọn là: 1- Nông Văn Chí (tên thật là Đơ), bí danh Phan Việt Bắc. 2- Nguyễn Văn Chí (tên thật là Liên), bí danh Đông Tùng. 3- Lưu Minh Đức (tên thật là Lưu Khải Hoàn). 4- Lý Đạt Thành (tên thật là Hoàng Văn Ròng), bí danh Hoàng Việt Huy. 5- Lý Quang Vinh (tên thật là Đoàn Văn Mưu), bí danh Dương Công Khởi. 6- Nguyễn Hữu Hào (tên thật là Nguyễn Văn Khanh), bí danh Vũ Lâm. 7- Đoàn Hồng Sơn (tên thật là Đoàn Văn Ngô).8- Trần Quốc Quang, bí danh Hoàng Hoa. 9- Triệu Văn Minh, chưa rõ tên thật và bí danh. 10- Phạm Văn Quý, chưa rõ tên thật và bí danh.).
* Tháng 6 - 1942
- Ngày 24: Dọc lên vùng núi Lũng Dẻ, thuộc khu núi đá Lam Sơn, Nguyễn Ái Quốc tức cảnh đọc bài thơ chữ Hán: Thướng Sơn.
Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thướng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai.
Dịch thơ: Lên núi:
Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai.
(Bản dịch thơ của Tố Hữu)
- Ở một địa điểm gần Lũng Lừa, vào những buổi tối, Nguyễn Ái Quốc hướng dẫn cho các đồng chí Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc, Vân Trình, Bình Dương (tức Khoa), Hồng My (tức Trương Nam Hiến), Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) học tập Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga.
- Sau đợt công tác ở Hoà An, Nguyên Bình (Cao Bằng), Nguyễn Ái Quốc trở lại Pác Bó. Người cải trang thành một thầy lang, kiêm thầy cúng: Mặc bộ quần áo chàm địa phương, chân đi giày vải, cuốn trên đầu một chiếc khăn to che lấp cả vầng trán cao, sau lưng đeo lủng lẳng một cái nón kiểu địa phương, tay chống gậy đi theo đồng chí liên lạc trong vai người đi đón thầy cúng, gánh sách cúng, hộp ấn gỗ, hộp bút lông, một cái thanh la nhỏ, mấy bó hương, một con gà nhỏ và một chai rượu. Người đã qua trạm gác của địch ở ngã ba Đôn Chương (gần Nà Mạ - Cao Bằng) an toàn. Nguyễn Ái Quốc ở Nà Mạ một buổi. Người hỏi chuyện Kim Đồng, khuyên Kim Đồng cố gắng hơn nữa... Tối hôm đó, Kim Đồng hoàn thành nhiệm vụ đưa Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó.
* Từ tháng 5 đến tháng 7- 1943: Trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 121: Độc Tưởng công huấn từ (Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng); bài 122: Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm Phó Tư lệnh (Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó Tư lệnh); bài 123: Tặng tiểu Hầu (Hải) (Tặng chú Hầu (Hải)).
Hồ Chí Minh chưa được tự do nhưng không còn phải chịu đói và bị ngược đãi nữa. Người được phép đọc sách báo và thỉnh thoảng gửi về Việt Nam những tờ báo trong đó Người lồng một vài tin tức. Đối với người Trung Quốc, Người có vẻ một học giả cao tuổi, lễ độ và trầm lặng. Người dịch cuốn Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và Trung Quốc đích mệnh vận (Vận mệnh của Trung Quốc) của Tưởng Giới Thạch ra tiếng Việt.
* Cuối tháng 5, đầu tháng 6 - 1945: Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ học viên Trường Quân chính kháng Nhật tại Tân Trào. Người ân cần hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập của học viên, tình hình làm ăn của đồng bào.
Anh em chỉ biết Người là một ông cụ người Nùng, nói sõi tiếng Kinh.
- Trước ngày 4 - 6 - 1945: Hồ Chí Minh nghe báo cáo về những nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ngày 15 tháng 4 và chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân giải phóng”.
Người còn bàn với Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng làm bản dự thảo về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác.
Tại thôn Tân Lập (Tân Trào), Hồ Chí Minh đi thăm nơi ăn ở của đơn vị Giải phóng quân. Thấy nền nếp thiếu trật tự, Người gặp đồng chí chỉ huy để góp ý kiến. Đồng chí chỉ huy nói: “Phê bình chúng tôi! Chuyện ấy đã có cấp trên của chúng tôi”. Người ôn tồn nói: “Tôi là người dân, tôi có quyền phê bình, góp ý với bộ đội chứ!... Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà!”.
- Trong tuần lễ đầu tháng 6: Hồ Chí Minh điện cho Pátti, báo tin Người đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hoá.
- Ngày 9: Hồ Chí Minh viết thư cho Sáclơ Phen. Toàn văn bức thư như sau:
Ông Phen thân mến!
Ông T. và người giúp việc của ông ta vẫn mạnh khoẻ. Chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà. Tôi hy vọng ông sẽ đến thăm chúng tôi một ngày gần nhất.
Ông làm ơn đưa bức thư này tới người bạn của tôi tên là Tống Minh Phương ở quán cà phê Đông Dương. Mười hoặc mười hai ngày sau đó họ sẽ trao cho ông một gói quà trong đó có lá cờ của Đồng minh. Tôi rất cảm ơn ông nếu ông gửi những thứ đó cho tôi bằng cách nhanh nhất.
Xin gửi ông và ông Bécna cùng các bạn những lời tốt đẹp nhất.
Chúc ông sức khoẻ và may mắn.
9-6-1945
Thân mến
HỒ
- Giữa tháng 6: Hồ Chí Minh, qua một trong những đầu mối tiếp xúc giữa Người với Pátti, được biết rằng có một toán người Mỹ, do một sĩ quan cấp cao đứng đầu, sẽ được thả dù xuống Tuyên Quang và yêu cầu phía Việt Nam chuẩn bị.
Hồ Chí Minh đến xóm Lũng Cò (thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát địa hình và tìm hiểu tình hình mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng minh.
- Tháng 6, ngày 14 (5 tháng 5 âm lịch): Vì bận việc nên Hồ Chí Minh không nhận lời mời của gia đình ông Nguyễn Tiến Sự đến ăn Tết Đoan ngọ.
Thấy mẹ con bà Sự mang quà lên biếu, có người khác trong làng bắt cả gà sống lên theo, Người rất trân trọng tấm lòng của đồng bào nhưng từ chối và nói: "Tôi có phải là thầy cúng đâu mà ông mang gà sống lên. Ông mang về nhà đi".
- Khoảng cuối tháng 6: Hồ Chí Minh đến thăm lớp báo vụ được tổ chức trên bờ một con suối, gần lán làm việc của Người tại Nà Lừa.
Nhận được báo cáo do giao thông hoả tốc chuyển đến đề nghị chuyển nơi ở vào sâu trong núi hơn vì quân Nhật huy động lực lượng lớn sắp đánh vào Tân Trào, Hồng Thái, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Địch không thể vào tới đây nếu ta quyết tâm chiến đấu và biết tổ chức cách đánh chặn chúng lại, mặc dầu lực lượng ta rất nhỏ. Không chuyển vị trí”.
- Ngày 30: Qua vô tuyến điện, Hồ Chí Minh trả lời Pátti rằng Người đồng ý tiếp nhận một toán người Mỹ và yêu cầu cho biết bao giờ thì người Mỹ có thể đến.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)