Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

* Tháng 6 -1946

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pêgu (Rănggun) đi Cancútta (ấn Độ). 11 giờ đến Cancútta. Đại biểu Toàn quyền Anh và Lãnh sự Pháp ra sân bay đón.

- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện về cho Chính phủ: “Chúng tôi đã tới Cancútta được bình yên cả, sau một đêm ngủ ở Pêgu (Rănggun). Hôm tới, chúng tôi sẽ lại lên đường. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu”. 11 giờ, Người đến thăm chính thức Thống đốc xứ Bănggan (Bengale).

- Ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sanđécnago (Changdernagor) theo lời mời của Tỉnh trưởng tỉnh này.

Trả lời phỏng vấn một tờ báo lớn ở Cancútta về Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Người nói: “Thực là một sự mỉa mai nếu lại đặt cho Đông Dương một viên toàn quyền, song tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán chính thức ở Pari sẽ có kết quả tốt... Việt Nam không có tham vọng gì về đất đai của hai nước láng giềng. Hiện giờ, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và hai nước đó chưa có, nhưng rồi thế nào cũng phải có”. Về cuộc xung đột Pháp - Xiêm, Người nói: “Việc đó thuộc thẩm quyền của Pháp” và khẳng định Việt Nam rất có cảm tình với ấn Độ.

Trên báo Quyết Thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ, xuất bản tại Thuận Hoá (Huế), số 47, ngày 3-6-1946 đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi với nội dung sau: "Tôi vừa tiếp được bức ảnh thêu và phong thư. Trước hết, tôi cám ơn tấm lòng thân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã chứng tỏ rằng: Thủ công nghệ của nước ta mai sau chẳng những có thể tranh đua mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công mỹ nghệ trong thế giới. Ba là tôi mong anh em sẽ cho tôi biết cách tổ chức và đời sống của anh em trong trại. Bốn là tôi ao ước rằng: nhờ sự cần kiệm của anh em, Trại nhà nghèo sẽ mau tiến bộ thành Trại nhà khá, rồi dần dần thành Trại nhà giàu làm kiểu mẫu cho anh em khác. Chúc anh em gắng sức và mạnh khoẻ"

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Cancútta tới Agra (Agra).

- Ngày 5: 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Agra đến Carasi (Karachi, nay thuộc Pakixtan). Tổng đốc người Anh ra sân bay đón và mời Người về nghỉ tại Phủ Tổng đốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện về cho Chính phủ: “Đến Carasi 12 giờ ngày 5 tháng 6. Tôi vẫn khoẻ. Tướng Xalăng và tôi là thượng khách của Chính phủ ở đây. Tôi lại khởi hành buổi sáng thứ ba".

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Habanha (Habangna, Irắc). Người nghỉ lại ăn cơm trưa rồi lên đường đi tiếp.

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Cairô (Cairo), Thủ đô Ai Cập. Đại diện Sứ quán Pháp ra sân bay đón và mời Người về nghỉ tại Sứ quán.

Người gửi điện về cho Chính phủ: "Ngày 7 tháng 6, đến Lơke. Tất cả đều như thường. Cho chúng tôi biết ngày khởi hành của hai đại biểu và tin tức trong nước. Gửi cho phái đoàn ngoại giao. Chuyển lời chào thân ái của tôi tới các vị Uỷ viên Pháp, tướng Lơcléc và Valuy".

Cùng ngày, bài viết Đặt kế hoạch tác chiến, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 260. Người lược dịch phương pháp dùng binh của Tôn Tử và bổ sung thêm cho phù hợp với điều kiện chiến tranh mới, từ việc đặt ra kế hoạch cho đến đường lối chiến lược, chiến thuật. Ngườiã chỉ ra 12 điểm chủ yếu và bí quyết của các nhà quân sự “Nhưng trong việc quân, những việc bất trắc thực là thiên biến vạn hoá và thường xảy ra luôn luôn. Phải biết tuỳ cơ ứng biến, không thể bắt chước mà bảo được. Chiến thuật cốt yếu để được thắng lợi là phải áp dụng thuật giả trá và tuyệt đối giữ bí mật”.

- Ngày 8: Tại khách sạn nhỏ của Pháp tại Cairô, trước lúc dùng bữa sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng R. Xalăng: “Tôi vừa mới quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái Chính phủ Nam Kỳ. Tôi vừa được biết tin này qua báo chí và đài phát thanh ở Cairô. Tôi được biết, vào lúc 9 giờ sáng ngày 1 tháng 8 ông Xêđin (Cao uỷ Pháp ở Nam Bộ) đã đọc một bức thư của Đô đốc Đácgiăngliơ, chế tạo ra cái Chính phủ này, có bác sĩ Thỉnh làm Chủ tịch và đại tá Xuân làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam Bộ thành một thứ Andát Loren mới, nếu không chúng ta sẽ đi tới cuộc chiến tranh trăm năm đấy. Ông hãy làm ơn đưa tôi quay trở lại Hà Nội".

Tướng R. Xalăng đề nghị Chủ tịch cứ đi Pháp, vì ở đó "người ta" đang chờ Người để "thanh toán các vấn đề". Một lát sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp với R. Xalăng: Thôi được, tôi tin ông vì ông là một sĩ quan. Tôi biết ông coi trọng chúng tôi và ở Pháp tôi cũng nhiều bạn.

- Ngày 9: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Chính phủ Pháp từ Pari, đề nghị Người đến Can (Cannes) nghỉ tạm, chờ Chính phủ mới của Pháp thành lập sẽ đón Người về Pari.

- Ngày 10: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Chính phủ Pháp cải chính bức điện ngày 9-6, đề nghị Người đến Biarít ( Pháp) chờ Pháp lập Chính phủ mới.

Trong thời gian chờ đợi ở Cairô, Người cùng một số anh em trong đoàn đi thăm thành phố, xem các hiệu sách. Có lần khi vào nghỉ ở một hàng giải khát, một người đến xin được chụp ảnh Người.

- Ngày 11: Sáng, rời Cairô đi Angiêri. Người điện về cho Chính phủ: “11 giờ, rời Cairô. Tất cả đều như thường. Từ khi rời Hà Nội không được biết tin tức gì cả. Đánh điện cho biết ngay".

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bixcra (Biskra, Angiêri). Tỉnh trưởng người Pháp ra đón Người.

- Ngày 12: Nghỉ tại Khách sạn Pale (Palais), Người điện về cho Chính phủ ta: “Thứ tư ngày 11 chúng tôi tới Biarít, gặp Mạnh Hà, Trần Ngọc Danh, Bửu Hội và nhiều đại biểu của các đoàn thể kiều bào. Chúng tôi ở đây vài ngày để đợi Chính phủ Pháp thành lập. Nhắc những vị đại biểu còn thiếu đi ngay và cho chúng tôi biết ngày đi. Cho biết tin trong nước."

Trong ngày, Người tiếp J.Xanhtơny, đại diện Ngoại trưởng Pháp và ông Quận trưởng Bayon đến chào.

- Ngày 13: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trên bãi biển khoảng 1 giờ, sau đó tiếp đại biểu Việt kiều từ nhiều nơi ở Pháp đến Biarít chào mừng Người. Nhiều người quyên tiền nhờ Chủ tịch chuyển giúp về nước.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Việt kiều đã quyên góp ủng hộ đất nước và nhận điện của nhiều Việt kiều các nước Pháp, Anh, Mỹ, Tân Đảo... gửi tới chúc mừng.

- Ngày 14: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo trên bãi biển, sau đó tiếp kiều bào, nhân sĩ đến thăm.

Tổng Công hội Pháp gửi điện chúc mừng Người và khẳng định tinh thần đoàn kết của những người lao động Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Người nhận được thư chúc mừng của ông Giuýtxtanh Gôđa (Justin Godart), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP vì Chính phủ mới của Pháp chưa thành lập. Người chỉ nói qua về những nguyên tắc cụ thể để có thể đem lại kết quả cho cuộc đàm phán, về ảnh hưởng của văn hoá Pháp trên thế giới, và kết luận: “Dùng văn minh mà chinh phục người ta thì bền vững hơn dùng súng đại bác”.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu (ký bút danh Q.T.) và Phương pháp tác chiến (ký bút danh Q.Th.) đăng trên báo Cứu quốc, số 266.

Trong bài Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Người biểu dương những việc làm tốt của Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu "Anh em Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu đáng làm gương cho không những tự vệ các địa phương mà cho cả các hạng thanh niên".

Bài Phương pháp tác chiến giới thiệu cách đánh trong Binh pháp Tôn Tử: phải đánh thật nhanh để thắng nhanh... nhưng đánh thật nhanh không phải là hấp tấp vội vàng mà quên cả cơ mưu, phải vừa nhanh vừa có mưu cơ mới quyết định được thắng lợi... “Cho nên người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy”.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin Đô đốc Đácgiăngliơ từ Sài Gòn trở về Pari.

- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vùng ngoại ô Biarít, đến gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha, thăm động Luốcđơ (Lourdes) và một vài nơi khác.

- Ngày 17: Cùng J.Xanhtơny, tướng Raun Xalăng, Pơti (Petit) đại biểu Quốc hội kiêm Thị trưởng Biarít đi thăm phong cảnh miền núi Pirênê và thị trấn Xanh - Giăng đơ Luyz (Saint-Jean de Luz), dự ngày hội của dân làng Xarơ (Sare), xem đánh cầu Pơlốt (Pelote). Sau cuộc múa hát, đánh cầu do nhân dân địa phương tổ chức để chào mừng, Người dự tiệc rượu cùng các quan chức trong vùng, chụp ảnh với các em thiếu nhi.

Trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Pháp AFP, Người nói: “Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp - Việt này. Hai nước Pháp - Việt xa nhau không phải vì văn hoá, lý tưởng, mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của Việt Nam”.

Cùng ngày, Người nhận được điện chúc mừng của Hội hữu nghị Pháp - Việt.

- Ngày 18: Sáng, cùng J.Xanhtơny đặt vòng hoa trước Đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong tại Biarít nhân kỷ niệm ngày tướng Sáclơ đờ Gôn (Charles de Gaulle) ra lời hiệu triệu kháng chiến.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu Chính phủ Pháp, nhân viên trong Phái đoàn Việt Nam và hoạ sĩ Việt kiều  Mai Trung Thứ đi thăm đồng bằng phía bắc Biarít.

Cùng ngày, bài viết Tại sao hợp tác xã chưa thấy xuất hiện ở thôn quê (ký bút danh Q.Th.), đăng trên báo Cứu quốc, số 270. Theo tác giả, có tình hình đó là do:

1. Những tri thức phổ thông chưa được phổ cập ở thôn quê. Khác với các nước, ở nước ta, những tri thức về hợp tác xã đối với chúng ta đến nay vẫn còn rất mới lạ. "Chúng ta chưa hiểu rõ lợi ích của hợp tác xã thế nào và cách thức tổ chức thế nào nên không dám bạo dạn đứng ra khởi xướng lập hợp tác xã".

2.  Thiếu cán bộ hoạt động: Người hành nghề kinh doanh ít, lại không thạo tính toán, chỉ làm theo lối buông trôi, gặp chăng hay chớ.

Để phổ cập hợp tác xã thôn quê, cũng theo tác giả, những điều kiện cần thiết là:

1. Cổ động tuyên truyền: Xuất bản sách báo nói về hợp tác xã phát cho dân quê; Chính phủ cử người xuống các  địa phương giảng giải cho dân chúng hiểu rõ lợi ích và cách thức tổ chức hợp tác xã.

2. Mở lớp huấn luyện cán bộ chuyên về hợp tác xã.

3. Làm thí điểm. "Chỉ khi nào dân chúng thấy lợi ích của hợp tác xã đã hiển nhiên thì khi đó phong trào hợp tác xã mới có thể sôi nổi, bồng bột được".

- Ngày 20: Chiều, Người tiếp Bộ trưởng Quân giới Tilông (Tillon) và ba nghị sĩ Pháp đến Biarít chào mừng. Người mời họ ăn cơm chiều và nghỉ lại đến sáng hôm sau.

- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bờ biển Biarít.

Cùng ngày, bài viết giới thiệu về Binh pháp Tôn Tử với nhan đề: Vấn đề quân nhu và lương thực, ký tên Q.Th., đăng trên báo Cứu quốc, số 272. Trích dẫn và phân tích những câu nói của Tôn Tử về vấn đề cung cấp quân nhu và lương thực trong chiến tranh, tác giả rút ra kết luận: "Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực không thể thắng trận được. Nếu việc cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men, súng ống, đạn dược cho quân đội ngoài mặt trận không làm được đầy đủ chu đáo, binh sĩ bị hãm vào vòng thiếu thốn, sẽ mất hết tinh thần chiến đấu... Cho nên, người làm tướng giỏi phải tìm hết mưu kế để cướp lấy lương thực của quân địch".

- Ngày 22: 12 giờ, rời Khách sạn Pale đi Pari. Quan chức địa phương tổ chức tiễn Người trọng thể. 13 giờ, máy bay cất cánh tại sân bay Pácmơ Biarít (Parme Biarritz), trên cắm quốc kỳ hai nước Việt Nam và Pháp.

16 giờ 10 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiê (Le Bourget). Nhà ga sân bay được trải thảm nhung đỏ, treo cờ Việt Nam và Pháp. Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariúyt Mutê (Marius Moutet), Bộ trưởng Lễ tân đại diện Chính phủ Pháp, J. Đuymen (Jacques Dumaine), các tướng lĩnh đại diện các quân, binh chủng, đại biểu các đảng, đoàn thể, trên một nghìn Việt kiều và nhân dân Pari đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay. Sau lễ chào cờ, Người cùng đại diện Chính phủ Pháp đi duyệt đội danh dự. Trước khi lên ôtô, Người nói trước máy ghi âm của phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP: “Tôi rất lấy làm bằng lòng được đặt chân lên đất của một nước đã chịu đau khổ nhiều vì lý tưởng và tự do. Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi tôi một cách long trọng. Mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt Nam cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”.

Đoàn xe đưa Người về Khách sạn Roayan Môngxô (Royal Monceau) nằm trên đại lộ Ôsơ (Hoche), gần Phủ Tổng thống Pháp. Đi dẫn đường và hộ vệ có nhiều xe ô tô và xe mô tô của Cục Công an Pari và Bộ Nội vụ. Hai bên đường từ trường bay về khách sạn, cách mấy chục thước lại có một cảnh binh đứng canh, cấm xe cộ và người qua lại. Dân chúng đứng hai bên đường xem rất đông, nhiều lúc họ vỗ tay và hoan hô tỏ tình thân thiện.

Tại khách sạn cũng có lính danh dự đứng chào và canh gác. Trước khách sạn có treo một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn.

- Ngày 23: 12 giờ, Người tiếp tướng Gioăng (Juin), Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đến chào. 16 giờ, Người tiếp một số trí thức Việt Nam tại Pháp, phần nhiều là thầy thuốc, kỹ sư và một vài hoạ sĩ, ai cũng náo nức muốn về để giúp Tổ quốc.

17 giờ 15, tại Khách sạn Roayan Môngxô, Người mở tiệc trà đón hơn 50 thiếu nhi Việt Nam ở Pari cùng cha mẹ các cháu đến chào. Người trao lá cờ của nhi đồng Hoàng Diệu (Hà Nội) cho em Trương Hồng Quân, 12 tuổi, đại diện nhi đồng Việt Nam tại Pari. Người cùng các em trò chuyện và chụp ảnh kỷ niệm.

- Ngày 24: 8 giờ, Người tiếp khoảng 100 đại biểu kiều bào Nam Bộ đến chào mừng và nghe thông báo tình hình nước nhà. 9 giờ 30, Người gặp đại biểu trí thức Nam Bộ tại Pháp. 13 giờ, Người tiếp Bộ trưởng Mariúyt Mutê và J.Xanhtơny cùng một số nhân viên cao cấp trong Chính phủ Pháp. 18 giờ, Người tiếp Đô đốc Đácgiăngliơ đến chào.19 giờ, Người tiếp Ban lãnh đạo Hội hữu nghị Pháp - Việt đến chào.

Cùng ngày, Người còn tiếp Luật sư Giôê Noman (Joé Nordman), Chủ tịch Công đoàn báo chí Pháp và nhận được nhiều thư, điện chúc mừng của kiều bào ở khắp nơi gửi đến.

- Ngày 25: 6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đến thăm và đặt vòng hoa tại mộ ông Khánh Ký trong nghĩa trang Tioa Paridiêng (Thiois Parisien).

13 giờ 30, Người tiếp hơn 100 đại biểu chiến binh, công binh Việt kiều.

15 giờ 15, Người làm việc với Phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc đàm phán.

16 giờ, Người tiếp phóng viên báo L'Humanité Dimanche đến chụp ảnh.

17 giờ 10, tại Khách sạn Roayan Môngxô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 84 đại biểu các báo Pháp và báo nước ngoài. Người nói: “Từ khi tới Pháp, ở Biarít thăm Baxcơ và cho tới khi đến Pari, tôi được Chính phủ đón tiếp long trọng, nhân dân Pháp và các nhà báo chào mừng nồng nhiệt. Tôi rất cảm ơn. Hôm nay, tôi chưa thể tuyên bố gì, để đợi Chính phủ Pháp tiếp chính thức”. Sau đó, Người mời các phóng viên dự tiệc trà. Trước khi tiệc tan ( hồi 18 giờ), Người cầm những bông hoa trên bàn tiệc tặng mỗi nữ phóng viên một bông, còn lại một bông, Người tặng cho nam phóng viên nhiều tuổi nhất.

18 giờ 30, Người tiếp và mời cơm các lãnh tụ Đảng Cộng hoà bình dân (M.R.P) gồm các ông Mác Ăngđrê (Max André), Môrixơ Suman (Maurice Schuman) - Chủ tịch Đảng, Phrăngxixcơ Gay (Francisque Gay) - Bộ trưởng, étmông Misơlê (Edmond Michelet) - Bộ trưởng, Côlanh (Colin), Goócte (Gortais), Đơbây (Debay), Amôri (Amaury), và Ternoa (Terrenoir). Phía Việt Nam có các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Mạnh Hà.

21 giờ 15, tiệc tan, nhưng Tổng thư ký M.R.P và ông Anbe, Tổng biên tập một tờ báo, còn nán lại trò chuyện với Người đến 22 giờ.

- Ngày 26: 7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm “đột kích” anh em trong Phái đoàn Việt Nam ở Khách sạn Xanhtơ Annơ (Sainte Anne) và Khách sạn Luvrơ (Louvre).

10 giờ 20, Người tiếp các đại biểu Liên đoàn ái hữu người Việt Nam ở Liông (Lyon), Pari, Boócđô (Bordeaux), Tuludơ (Toulouse) và các tỉnh khác đến chào và thông báo với Người về tình hình kiều bào ta ở Pháp.

13 giờ, Người mời cơm ông bà P.Cốt (P.Cot).

17 giờ, Người tiếp Luật sư Mác Clanhvin Blôngcua (Max Clainville Bloncourt) đến thăm.

20 giờ, Người tiếp và mời cơm các yếu nhân Đảng Xã hội Pháp (S.F.I.O): bà Mácty Cápgra (Marty Capgras); ông Bộ trưởng Ăngđrê Philíp (André Philip), ông Bộ trưởng Mariúyt Mutê (Marius Moutet), nghị sĩ Sáclơ Luyxi (Charles Lussy), và các uỷ viên Trung ương Ru (Roux), Xtiblơ (Stible), v.v.. Có bốn đại biểu trong Phái đoàn Việt Nam cùng dự.

- Ngày 27: 20 giờ, Người tiếp đại biểu Đảng Cộng sản Pháp: bà Braoong (Braun), Phó Chủ tịch Quốc hội; nghị sĩ P.Vayăng Cutuyriê (P. Vaillant Couturier); ông bà M.Casanh (M.Cachin); ông M.Tôrê, Phó Chủ tịch Chính phủ; J.Đuyclô (J.Duclos), Phó Chủ tịch Quốc hội; các uỷ viên Trung ương A.Mácty (A.Marty); Lêông Môve (Léon Mauvais); Bộ trưởng Xây dựng Ph.Bi-u (F.Billoux); Bộ trưởng Quân khí C.Tilông (C.Tillon)... Cùng tiếp khách có các ông Hoàng Minh Giám và Phạm Huy Thông.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho Bộ trưởng Bộ nước Pháp hải ngoại Mariúyt Mutê, phản kháng việc quân đội Pháp chiếm đóng Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội.

- Ngày 28: 12 giờ, Người tiếp tướng Gioăng và tướng Đơvedơ (Devèze) đến thăm.20 giờ, Người tiếp Đoàn đại biểu Phụ nữ quốc tế đến thăm. Các đại biểu đã thông báo với Người: Trong cuộc họp cùng ngày, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới đã công nhận Hội Phụ nữ Việt Nam là hội viên. Người nói với các đại biểu vài nét về những thành tích, những hy sinh, nỗ lực của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành chính quyền cũng như bảo vệ và xây dựng đời sống mới.

- Ngày 29: 12 giờ, Người đi dự cơm trưa tại gia đình Đô đốc Đácgiăngliơ. Cùng dự có các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Mạnh Hà và một số người bạn Pháp.

20 giờ, Người tiếp Thư ký Liên đoàn thể dục, thể thao và lao động Henri Grexanh (Hanri Gressin) và đại biểu các tổ chức thanh niên Pháp như Thanh niên Công giáo, Thanh niên dân chủ, Thanh niên cộng hoà, Thanh niên hướng đạo và đoàn đại biểu Hội Thanh niên thế giới gồm có người Mỹ, Anh, Đan Mạch... Các đại biểu hỏi thăm tình hình thanh niên Việt Nam. Với mỗi câu hỏi, Người đều trả lời hai lần, một lần bằng tiếng Anh và một lần bằng tiếng Pháp. Các đại biểu đề nghị được gọi Người là bác hồ và thông báo: Hội Thanh niên thế giới đã công nhận thanh niên Việt Nam gia nhập Hội.

- Cuối tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp một số nhà tư bản đại diện cho các xí nghiệp công nghiệp, thương mại của Pháp ở Đông Dương. Người nói đến tình trạng thiếu kỹ sư và chuyên gia các ngành mà Việt Nam rất cần và mong muốn cuộc đàm phán tại Phôngtennơblô sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

* Tháng 6- 1947

- Ngày 2: Tại Tân Trào (Tuyên Quang), 1 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ.

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tướng Raun Xalăng (Raul Salan) vừa trở lại Đông Dương nhận chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp thay Tướng Valuy (Valluy). Đồng thời, nhờ Xalăng chuyển bức thư của Người viết gửi Lêông Bơlum. Trong Thư gửi Tướng R. Xalăng có đoạn:"Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta lại trở thành bạn hữu của nhau. Chúng ta đã từng là bạn. Giữa hai chúng ta hiện nay vẫn là bạn bè của nhau. Ngài muốn như vậy chứ?. Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá huỷ nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước tới nay. Tôi đảm bảo với ngài rằng binh lính và thường dân Pháp ở chỗ chúng tôi được đối xử rất tử tế. Tôi hy vọng người của chúng tôi trong tay các ngài cũng được đối xử như vậy".

Trong Thư gửi Chủ tịch Lêông Bơlum, sau khi nêu rõ "những nét thật đặc biệt" về nguyên nhân, về diễn biến và hậu quả của chiến tranh, Người viết:"Vậy làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này, làm thế nào để lập lại hoà bình?. Tôi cho rằng, chỉ có một chính sách phù hợp là chính sách mà chính ngài đã đề ra trên báo Dân chúng (ngày 12-12-1946), một chính sách hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Vì lợi ích và tương lai chung của hai dân tộc chúng ta, tôi hy vọng các ngài sẽ cố gắng làm cho chính sách khôn ngoan và hào hiệp đó được thực hiện".

- Ngày 12: Viết thư gửi Đại hội Đảng bộ Liên khu IV, Người căn dặn: "Hội thì phải nghị, nghị thì phải quyết, quyết thì phải hành" và nhấn mạnh: "Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp tức là những người phụ trách vận mệnh an nguy của nước nhà và dân tộc. Vì vậy mỗi đồng chí phải gắng làm cho đúng năm chữ: Trí, Nhân, Dũng, Nghĩa, Liêm... Nếu thiếu một trong năm điều đó, tức là một khuyết điểm to và ảnh hưởng đến công tác.

- Ngày 16: Viết Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ, Người khen ngợi mọi người đã cố gắng vượt qua thiếu thốn gian khổ, cùng nhau đoàn kết, đồng cam cộng khổ tham gia kháng chiến. Người chỉ rõ: cuộc trường kỳ kháng chiến chính là "một viên đá thử vàng đối với mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ".

Lấy tư cách "như một người anh", Người nêu một số kinh nghiệm bản thân, khuyên nhủ và căn dặn mọi người những việc làm thiết thực để giữ vững, nâng cao tinh thần và sức mạnh mỗi người góp phần làm cho cuộc kháng chiến cứu nước mau đi đến thắng lợi.

- Ngày 17: Tại Tân Trào (Tuyên Quang), từ 14 giờ đến 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Đảng đoàn Chính phủ. Từ 20 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau (18-6), Người chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ, bàn hai vấn đề chính: Kỷ niệm sáu tháng kháng chiến và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo và thảo luận về tình hình quân sự trong sáu tháng qua.

- Ngày 19: Nhân kỷ niệm cuộc kháng chiến toàn quốc tròn sáu tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi đồng bào và toàn thể các chiến sĩ vệ quốc quân, dân quân tự vệ. Người nêu rõ những thất bại của địch, sự trưởng thành của ta qua sáu tháng chiến đấu và phân tích những nguyên nhân dẫn tới thắng lợi: Vì kháng chiến của ta là chính nghĩa; Vì đồng bào ta đại đoàn kết; Vì tướng sĩ ta dũng cảm; Vì chiến lược ta đúng; Vì ta nhiều bầu bạn. Người kêu gọi: "Chúng ta quyết hy sinh chịu khổ và gắng sức 5 năm, 10 năm để phá tan cái xiềng xích nô lệ 80 năm vừa qua, để tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho muôn đời sắp đến".

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới, nêu rõ ý nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và kêu gọi nhân dân Pháp, nhân dân châu á, các nhân sĩ dân chủ trên thế giới hãy cùng hành động với nhân dân Việt Nam, hãy "lên tiếng ủng hộ hoà bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam".

- Ngày 22: Trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài về những câu hỏi liên quan đến tính chất của Chính phủ Việt Nam, thời hạn kết thúc chiến tranh, chương trình kiến thiết của Việt Nam sau chiến tranh... Nói về chương trình kiến thiết bước đầu của Việt Nam sau chiến tranh, Người "rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi".

Đề cập tới vai trò của trí thức Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Người khẳng định: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc".

- Ngày 30: Điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Đảng Dân chủ Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 3 ngày thành lập Đảng Dân chủ, Người chỉ rõ: Đảng Dân chủ có nhiệm vụ rất quan trọng là "làm cho dân chủ thắng lợi hoàn toàn". Người mong các đảng viên Dân chủ nêu cao tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua bằng hành động cụ thể trong thực tế cứu nước và xây dựng đất nước, đồng thời từng đảng viên "phải là người kiểu mẫu trong sự hy sinh phấn đấu cho Tổ quốc, cho đồng bào".

- Tháng 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo Việt Nam về những lời tuyên bố mới đây của Cao uỷ Bôlaéc (Bollaert). Người công nhận ông ta đã có những ý kiến đúng đắn về hướng giải quyết cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng điều kiện họ đưa ra thì không thể nào chấp nhận được. Một lần nữa, Người nhắc lại thiện chí của Chính phủ ta trong việc giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam.

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự Thật:

1. Bài Cán bộ tốt và cán bộ xoàng (ký bút danh A.G.), đăng trên số 77. Người chỉ rõ: Nơi nào có cán bộ tốt thì "công việc rất phát triển", nơi nào cán bộ xoàng thì "công việc cứ luộm thuộm". Bằng những ví dụ điển hình ở những địa phương có cán bộ "tốt" và cán bộ "xoàng", Người kết luận: "Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn".

2. Bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền (ký bút danh A.G.) đăng trên số 79. Người hướng dẫn cho các cán bộ tuyên truyền cách tuyên truyền để "dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm". Muốn vậy, theo tác giả, người đi tuyên truyền phải hiểu rõ nội dung, phải biết cách nói, phải có lễ độ, phải chịu khó, chịu khổ đi sát với dân.

* Tháng 6- 1948

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố sau khi Pháp thành lập Chính phủ bù nhìn toàn quốc tại Hà Nội. Tuyên bố nêu rõ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam "không bao giờ thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào" và "sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy".

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi nhân dân cả nước và toàn thể các tướng sĩ nhân dịp 1.000 ngày kháng chiến. Sau khi nhắc lại truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam, phân tích những điều kiện và hoàn cảnh của cuộc kháng chiến hiện nay, tình hình địch ta và triển vọng của cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, Lời kêu gọi viết:"Chúng ta đủ điều kiện thắng lợi. Chúng ta chắc thắng lợi. Song chúng ta phải biết rằng, càng gần đến thắng lợi thì càng gay go. Mà gay go càng nhiều, thì thắng lợi càng to. Vì vậy, mỗi một người quốc dân phải tẩy sạch cái thói: Khi thì quá lạc quan, khi thì quá bi quan. Phải tẩy sạch cái chứng cầu yên, gặp sao hay vậy, muốn ăn quả mà biếng trồng cây.

Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do. Đã đoàn kết, ta phải đoàn kết chặt chẽ rộng rãi thêm. Đã cố gắng, ta phải hăng hái mà cố gắng mãi. Mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào Thi đua ái quốc làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình, phải cố làm cho được.

Như vậy, thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công".

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi nêu rõ mục đích, phương châm và khẩu hiệu của thi đua ái quốc, những nội dung thi đua cụ thể cho từng giới đồng bào và hô hào mọi tầng lớp nhân dân ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Người tin tưởng: "Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi".

- Trước ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho anh em thương binh Trại an dưỡng Liên khu X. Thư viết:"Cảm ơn các chú đã gửi chè biếu tôi. Chè ngon lắm, vì tự các chú đã sản xuất được. Tôi rất vui lòng, các chú hăng hái tham gia cuộc Thi đua ái quốc, quyết chí đi đến tự cấp tự túc. Tôi chắc các chú sẽ thành công".

- Ngày 14: Sáng, dự họp Đảng đoàn Chính phủ để đánh giá công việc của các bộ từ sau ngày kháng chiến, đặc biệt là sự phối hợp chương trình hoạt động giữa các bộ. Phát biểu tại cuộc họp, Người lưu ý về tình trạng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cần khắc phục thiếu sót đó theo nguyên tắc: Tổ chức hợp lý, chỉ đạo hợp lý và thi hành hợp lý.

- Ngày 16: Sáng, chủ tọa cuộc họp Hội đồng liên bộ. Một trong những vấn đề được bàn nhiều là biện pháp đối phó với chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân và thái độ đối với Vĩnh Thuỵ.

- Ngày 19: Nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, Người gửi thư cho các cán bộ và chiến sĩ, biểu dương những cố gắng tiến bộ của bộ đội trong mùa "luyện quân lập công" vừa qua. Những đơn vị có thành tích xuất sắc nhất được Người nêu tên cụ thể. Người còn nhắc đến những đóng góp của các đội du kích, phụ lão, phụ nữ, các cháu liên lạc "đã làm cho thế giới biết rằng: người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sĩ yêu nước và dũng cảm, tranh đấu hy sinh cho Tổ quốc", và căn dặn mọi người "phải tiếp tục tiến bộ mau hơn nữa, nhiều hơn nữa", "phải thi đua nhau, đánh những trận to lớn hơn nữa, giết nhiều giặc, cướp nhiều súng hơn nữa".

Trong ngày, Người dự Lễ kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, cũng là Lễ phát động thi đua ái quốc. Tại buổi lễ, Người nói chuyện về tình hình, nhiệm vụ, giải thích về thi đua.

- Ngày 21: Gửi điện khen đồng bào xã Giới Xuân (Gia Định, Nam Bộ) về thành tích đã thanh toán xong nạn mù chữ, Người mong các xã khác cố gắng noi gương Giới Xuân: "Chúng ta cần phải đánh tan giặc dốt, cũng như đánh tan giặc ngoại xâm".

- Trước ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các khu về việc tổ chức kỷ niệm 1.000 ngày chiến đấu của đồng bào miền Nam. Bức thư có đoạn: "Để nhớ đến bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ đã bỏ mình vì nước trên bãi chiến trường hoặc dưới sự tàn sát của quân giặc; để ghi công những chiến sĩ đã tiên phong giữ vững nền độc lập và thống nhất của nước nhà, toàn quốc sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 ngày chiến đấu của đồng bào miền Nam."Nhân dịp ấy, Chính phủ sẽ tuyên dương công trạng và thăng thưởng các chiến sĩ miền Nam đã có công đặc biệt với nước nhà. Các khu cần báo cáo gấp để Chính phủ xét".

- Trước ngày 26: Nhân dịp Hội nghị kinh tế lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi hội nghị, nhấn mạnh: "Chúng ta kháng chiến về mọi mặt. Kinh tế là một mặt trận rất quan trọng.

Chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kinh tế lại là một ngành hoạt động tối quan trọng.

Bây giờ chúng ta phải có một nền kinh tế kháng chiến. Nền kinh tế đó làm cơ sở cho nền kinh tế kiến quốc.

Vì vậy chúng ta phải có chương trình kế hoạch kinh tế rất thiết thực. Chúng ta phải làm cho "Thực túc binh cường". Khi đã có kế hoạch đó, thì chúng ta phải cố gắng thực hiện cho kỳ được".

- Trước ngày 30: Gửi thư tới đồng bào các tỉnh có đê, Người nhắc nhở mọi người phải coi việc giữ vững đê điều để chống giặc lụt cũng là công việc kháng chiến, và mong đồng bào sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn.

Gửi thư cho ông Hoàng Đạo Thúy đề nghị ông làm Tổng thư ký cho Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Bức thư viết: "Gửi ông Hoàng Đạo Thuý.

Lão đồng chí,

Nay có một việc rất quan trọng, cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác. Tức là việc làm Tổng Bí thư cho Ban thi đua Trung ương.

Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy, chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên Quốc phòng và Tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp. Song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách thu xếp".

* Tháng 6- 1949

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Khâu Lấu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Thế nào là liêm, ký bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1257. Sau khi phân tích những nội dung mới của chữ Liêm và nêu cụ thể của những hành vi bất liêm cùng tác hại của nó, bài báo có đoạn:"Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên.Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư".

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

"Quan tham vì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra Liêm.

Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm.

Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì".

- Ngày 2: Nhân ngày mở đầu cuộc vận động "Rèn cán chỉnh quân" (rèn luyện cán bộ chấn chỉnh quân đội), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc toàn thể quân đội, dân quân và công nhân quốc phòng hăng hái xung phong thi đua, thành công vẻ vang trong cuộc vận động này. Người nhắc nhở: "Sự thành công phần lớn là do cán bộ, vậy cán bộ phải cố gắng hơn mọi người để làm kiểu mẫu cho mọi người".

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Thế nào là Chính, ký bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1258. Bài báo có đoạn: "Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà."Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả, mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn". Người nêu những điều cần thiết để mỗi người thực hiện được chữ Chính.

- Ngày 4, 5, 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp của Trung ương, lần lượt thảo luận các đề án về chính trị, dân sự, quân vận, kinh tế.

Ngày kỷ niệm sinh nhật của Người (19-5), đồng bào các nơi gửi tới rất nhiều tặng phẩm. Người đem đến hội nghị một số. Giờ nghỉ, quà ít người nhiều, Người cho "bốc thăm", có người trúng bộ quần áo lụa, có người trúng gói trà, người trúng chai mật ong, v.v.. Không khí vui vẻ mà đầm ấm.

- Từ ngày 14 đến ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ để nhận định về tình hình thế giới, trong nước, bàn một số vấn đề của các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Nội chính... Tổng kết phiên họp, Người nhấn mạnh:

a- Mọi việc muốn thành công cần phải trông vào dân. Các kế hoạch chương trình cần phổ biến cho dân hiểu và vận động dân tham gia.

b- Cán bộ cần chú ý giúp cho nhân viên quán xuyến công việc, trông xa và trông rộng, nhìn rõ công việc chung.

c- Trong kế hoạch thi đua của các Bộ, cần phải chú ý việc tuyên truyền trong dân...

d- Các Bộ và các cơ quan phải luôn luôn giữ bí mật, quân sự hoá, chuẩn bị tinh thần và vật chất để sẵn sàng đối phó với mọi chuyển biến của thời cuộc.

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Lê Quyết Thắng, viết xong cuốn sách Cần kiệm liêm chính. Cuốn sách gồm bốn chương: Cần, Kiệm, Liêm, Chính mà nội dung đã được Người viết trong bốn bài báo: Thế nào là Cần, Thế nào là Kiệm, Thế nào là Liêm, Thế nào là Chính, lần lượt đăng trên báo Cứu quốc các ngày 30-5-1949, 31-5-1949, 1-6-1949 và 2-6-1949.

- Trong tháng 6

+ Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Franc-Tireur về quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và Trung Quốc, về kết quả những cải cách xã hội ở Việt Nam, về bản ký kết giữa Chính phủ Pháp và Bảo Đại. Trả lời câu hỏi: "Cụ có sợ Trung Hoa và Liên Xô sẽ thống trị Việt Nam không?", Người nói: "Chúng tôi không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị được chúng tôi".

+ Gửi thư cho Hội nghị thi đua ái quốc, sau khi biểu dương "phong trào khá cao và rộng, bộ đội, đoàn thể, cơ quan và nhân dân hăng hái, nhiều đơn vị đã có kết quả khá", Người nhận xét: "Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng. Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm". Người mong Hội nghị bàn cách sửa chữa những khuyết điểm ấy và mỗi cán bộ, mỗi người dân, mỗi ngành đều ra sức thiết thực thi đua với tinh thần chuẩn bị tổng phản công.

Huyền Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: