* Tháng 8 -1908:Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Sinh Côn có thể được nhận vào Trường Quốc học Huế, theo thư của ông Hiệu trưởng Quốc học Sukê (Chouquet) gửi ông Khâm sứ Trung Kỳ.
* Ngày 26 - 8- 1911 :Nguyễn Tất Thành đến Đoongkéc (Dunkerque), một hải cảng của Pháp trên bờ biển Măngsơ (Manche), theo hành trình của tàu.
* Đầu tháng 8 -1914:Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh ở Pháp. Bức thư có đoạn:
“Kính gửi Nghi Bá đại nhơn,
“Tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vòng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn giông bão này. Định mệnh sẽ dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ là người thắng.
Các nước trung lập đang còn lưỡng lự và các nước tham chiến chưa rõ được ý họ. Tình hình như vậy, ai nhúng mũi vào thì chỉ có thể đứng về phía này hoặc phía kia. Hình như người Nhật có ý nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong vòng ba, bốn tháng nữa, số phận châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều”.
Xin gửi lời thăm Nghi Bá và em Dật. Xin trả lời cháu sớm về địa chỉ sau đây:
Nguyễn Tất Thành
Số 8 đường Xtêphen Tôttenham, Luân Đôn"
* Tháng 8 - 1919.
- Ngày 2 :Bài viết Vấn đề dân bản xứ của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo L' Humanité. Bài báo nhắc lại những nội dung chính của bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây hồi tháng 6-1919, khẳng định nguyện vọng đó của nhân dân Việt Nam là chính đáng; đồng thời tố cáo, lên án chính sách cai trị, những thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân Pháp ở Đông Dương và tin tưởng rằng nhân dân tiến bộ Pháp sẽ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do và công lý của nhân dân Việt Nam.
- Ngày 3:Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Giăng Ajanbe (Jean Ajalbert). Toàn văn bức thư như sau:
Pari, ngày 3-8-1919
Thưa Ngài,
Được biết Ngài quan tâm đến đất nước chúng tôi, tôi xin mạn phép gửi đến Ngài:
1. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam;
2. Một bài của báo L'Humanité viết về các yêu sách đó;
3. Một bài báo của Courrier Colonial cũng viết về đề tài đó;
4. Bản tin của Liên minh nhân quyền có đăng bài điều trần của cụ Phan Châu Trinh.
5. Địa chỉ của Ngài là do Giáo sư Gabrien Xailơ (Gabriel Seailles) vui lòng cung cấp cho chúng tôi.
Nguyễn Ái Quốc
6 Villa des Gobelins
* Tháng 8 - 1920
- Ngày 21:Nguyễn Ái Quốc ốm, phải vào nằm điều trị tại Bệnh viện Côsanh (Cochin).
- Ngày 24:Nguyễn Ái Quốc đến nhà số 6 phố Buyô (Buot) tìm người chủ gian hàng mà Phan Châu Trinh đã thuê để đặt xưởng ảnh.
-Khoảng cuối tháng 8: Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh lớn do Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại rạp xiếc Mùa Đông (Pari) để nghe Mácxen Casanh và L.O. Phơrốtxa (L.O. Frossaard), đại biểu vừa được Đảng cử đi Nga về báo cáo những vấn đề liên quan đến Quốc tế III.
* Tháng 8- 1921
- Trước ngày 4:Nguyễn Ái Quốc nhận tại nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh một gói chừng 20 tờ báo Le Libertaire có đăng bài của Vinhê Đốctông mà Nguyễn Ái Quốc gợi ý viết. Bài này buộc tội chính quyền Pháp ở Đông Dương khuyến khích việc tiêu thụ rượu cồn và thuốc phiện.
- Ngày 13:Nguyễn Ái Quốc đến nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh từ 6 giờ đến 18 giờ 30, thăm ông Phan Văn Trường. Sau đó đến số 167 phố Soadi họp Chi bộ Đảng Xã hội (SFIC) Quận 13.
- Ngày 14 và ngày 15:Tại số 6 Vila đê Gôbơlanh, Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh, Phan Cao Đoan, Lê Văn Xao, Phan Cao Lục đã họp với nhau nhân có "đồng bào" của họ là Hoàng Khang đến thăm.
- Ngày 17:Nguyễn Ái Quốc viết bài Vụ âm mưu ở Đông Dương để gửi cho Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. Tác giả kịch liệt phê phán cái gọi là "cán cân công lý" của thực dân Pháp ở Đông Dương. Núp dưới những từ "tự do", "bình đẳng", "bác ái",nhà cầm quyền Pháp câu kết với bọn quan lại người bản xứ đã tìm mọi thủ đoạn bỉ ổi để bịa đặt ra các vụ"bạo động",tương tự như các "Vụ âm mưu bônsêvích" ở chính quốc. Mục đích của bọn chúng là thông qua các "sự kiện chính trị" lừa bịp đó, sẽ được quan trên tăng thêm bổng lộc và chức quyền. Kết quả đã làm cho hàng trăm gia đình người Việt Nam tan nát, hàng nghìn người bị tù đày, bị bắn giết một cách oan uổng...
Nhưng sớm hay muộn, những âm mưu, thủ đoạn xấu xa đó sẽ bị bóc trần trước công chúng Pháp và Việt Nam. Bài viết nêu rõ quyết tâm của nhân dân Việt Nam là "sẽ kiên quyết đưa sự bất công ghê gớm và phi lý ấy ra phản đối trước tất cả những người Pháp chân chính" và"sẽ đấu tranh đòi cho công lý phải được thực hiện".
*Tháng 8- 1922
- Ngày 1:Bốn bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria, số 5.
Bài thứ nhất: Sở thích đặc biệt, bút danh NG.A.Q. Tác giả mượn lời giải thích của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xarô về những"Sở thích đặc biệt" của "Đức Vua Khải Định" để tố cáo sự trác táng của vị"Hoàng đế nước An Nam này".
Bài thứ hai: Khai hoá giết người, bút danh Nguyễn A.Q. Tác giả kể lại cái chết thảm thương của ông Lê Văn Tài, 50 tuổi, có 25 năm làm công cho Sở hoả xa Nam Kỳ, để tố cáo: "Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì xứ An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người!".Và đặt câu hỏi:"Như vậy nghĩa là thế nào hỡi Đấng chí tôn Khải Định và Cụ lớn Xarô?".
Bài thứ ba: Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp, ký tên Nguyễn Ái Quốc, thuật lại vụ lính Pháp thay nhau hãm hiếp một em bé 8 tuổi và hai phụ nữ Việt Nam rồi giết hại một cách man rợ những chị em này để cướp lấy tư trang.
Nhân vụ này, tác giả lên án chế độ thực dân Pháp đối với phụ nữ Việt Nam:"Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa. Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau... lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ".
- Ngày 7:Nguyễn Ái Quốc họp Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp và đi bán báo Le Paria.
- Ngày 9: Thư gửi Khải Định của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên tờ Le Journal du Peuple. Ngòi bút châm biếm sâu cay của tác giả đã vạch trần không thương xót thân phận đích thực của Hoàng thượng Khải Định trong thời gian Ngài “tham quan”ở cái nước Pháp đầy lạc thú này, sự mê muội của đấng An Nam Hoàng đế trước những cám dỗ vật chất, những lời tán tụng hèn hạ trong những bài diễn văn của mấy nhà đương cục và trong những bài báo được trả tiền trước, đã không thấy được gì về lịch sử và văn hoá nước Pháp, về nguyện vọng và tình cảm của quần chúng lao động Pháp.
Dù vậy, tác giả tin rằng:"Hoà lẫn với tiếng sóng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân - một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực - một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi".
- Ngày 17:Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Dưới sự bảo hộ của... đăng trên báo L'Humanité. Bài báo đưa ra những bằng chứng về tội ác của tên Đáclơ, Công sứ tỉnh Thái Nguyên, mà theo tác giả, lẽ ra tên này "đáng phải tù ít nhất gấp ba lần 20 năm khổ sai". Vậy mà chính quyền thuộc địa lại phong hắn chức "Chánh giám khảo các trường lớn ở Hà Nội và bổ nhiệm hắn làm đổng lý văn phòng của viên Thống sứ Bắc Kỳ".Chưa hết,"Hắn đã trở thành Uỷ viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, nghĩa là người cộng tác trực tiếp của các Ngài Xarô và Utơrây và làm chủ vận mệnh những người nhà quê ở Sài Gòn".
Tác giả nêu câu hỏi: "Ở cái thiên đường Đông Dương, người ta được phép và có thể làm bất cứ gì, có phải như thế không, Ngài toàn quyền Lông?".
- Ngày 19:Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Chủ nghĩa cộng sản và thanh niên Trung Quốc, đăng trên báo L'Humanité. Tác giả giới thiệu sơ lược các mốc phát triển của phong trào thanh niên xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc từ năm 1920 đến Đại hội Thanh niên Cộng sản toàn Trung Quốc tháng 5-1922 và những kết quả của đại hội này.
- Ngày 27:Nguyễn Ái Quốc đi dạo ở khu rừng Phôngtennơblô (Fontainebleau) với một số đảng viên cộng sản Chi bộ Quận 17.
* Tháng 8- 1923
Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Ách áp bức không từ một chủng tộc nào, đăng trên báo Le Paria, số 17.
Sau khi thuật lại đám tang của phái viên Xôviết bị bọn phát xít ám sát ở Lôdannơ (Lausanne - Thụy Sĩ) và đám tang một công nhân người Tuynidi bị cảnh sát giết ở Pari, bài báo nêu nhận xét: “Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân, người ở Lôdannơ cũng như ở Pari, những người ở Havrơ cũng như những người ở Máctiních, đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở”.
Bài báo kết luận:“Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ”.
* Tháng 8 -1924
Bài Tình hình những người lao động ở Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Un Annamite (Một người An Nam), đăng trên báo Le Paria, số 28. Nội dung bài báo là bản tham luận của tác giả đọc tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ ngày 21-7-1924 đã được tác giả sửa chữa và bổ sung thêm một số câu.
* Tháng 8- 1925
- Ngày 23:Nguyễn Ái Quốc viết bài văn vần, nhan đề Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết, kêu gọi mọi giới đồng bào kết đoàn vì sự nghiệp chung.
"Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn
Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên
Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm hoạ
Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi.
...
Hãy liên kết như thể thân mình
Ngũ quan cùng với tay chân dính liền
Tách rời nhau thời không thể sống
Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi".
- Trong tháng 8 1925:Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông - Varen và Đông Dương, đăng trên báo Le Paria, số 35.
Tác giả đã phân tích những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Xã hội Pháp trước nguy cơ chia rẽ, tình hình nghiêm trọng ở Đông Dương và quanh Đông Dương, vạch trần những tính toán của Panhlơvê (Painlevé) trong quyết định đưa Varen (Varenne) sang làm Toàn quyền Đông Dương.
* Tháng 8 -1926
- Ngày 14:Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phong trào cách mạng ở Đông Dương, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 91. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến những hành động yêu nước "lần đầu tiên người ta thấy ở Đông Dương",như phong trào phản đối việc bắt bớ và xử án cụ Phan Bội Châu đã buộc tên Toàn quyền Varen phải ân xá cho nhà lão thành cách mạng này, như cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng yêu nước chống bọn thực dân phản động dưới danh nghĩa một cuộc đón rước Bùi Quang Chiêu - một người thuộc phái Quốc gia mới ở Pháp về, như phong trào để tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh diễn ra sôi nổi trong khắp cả nước bất chấp sự đe doạ và đàn áp của chính quyền thuộc địa.
Các tổ chức chính trị cũng lần lượt ra đời. Bắc Kỳ có Phục Việt, kêu gọi"Người Việt Nam không thể đội trời chung với người Pháp!... Hỡi dân tộc Việt Nam! Hãy mau mau thức tỉnh...". Nam Kỳ có Đảng Lập hiến của một nhóm trí thức Tây học chủ trương"Pháp - Việt đề huề", có tổ chức Thanh niên An Nam hoạt động tích cực, hướng tới việc thành lập đảng...
Cuối cùng, bài viết có đoạn: "Tình hình chính trị ở Đông Dương có thể tóm tắt trong lời than vãn sau đây của một tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ: "Vụ biến động này... đã làm cho nước ta xưa nay yên ổn biết bao, đã trở thành trung tâm của những cuộc biến động và hỗn loạn".
* Khoảng đầu tháng 8-1928
Nguyễn Ái Quốc đến Uđon ( Thái Lan), Người đến Noong Bùa là nơi Việt kiều đông nhất trong tỉnh.
Ở Uđon, Người lấy tên là Chín. Mọi người tôn trọng gọi là “Thầu Chín” (ông già Chín) mặc dầu Người mới 38 tuổi.
Trong cuộc họp đầu tiên khi tới Uđon, Người báo cáo trước Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về tình hình và triển vọng của cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh đến phẩm chất của người cách mạng là phải biết chịu đựng gian khổ, kiên trì đấu tranh với khó khăn, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, không ngừng rèn luyện ý chí phấn đấu.
Người chủ trương phải mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trước kia Hội hợp tác chỉ thu hút những thanh niên ở trong nước ra, nay cần kết nạp cả những kiều bào hăng hái cách mạng và tình nguyện gia nhập.
Người đề nghị đổi tên báo Đồng thanh - tờ báo của Hội thân ái xuất bản từ năm 1927, thành báo Thân ái và yêu cầu nội dung tờ báo này phải rõ ràng, bài viết phải ngắn gọn dễ hiểu, phát hành càng rộng càng tốt.
Người còn chủ trương phải làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với người Việt Nam và cách mạng Việt Nam; giáo dục kiều bào tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân bạn; khuyên mọi người học chữ Xiêm, tiếng Xiêm, đồng thời mở rộng việc vận động học chữ quốc ngữ. Với các cán bộ phụ trách, Người khuyên cố gắng tạo khả năng hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp hơn nữa.
Những ngày ở Uđon, cùng với công tác chấn chỉnh xây dựng tổ chức, Nguyễn Ái Quốc dành khá nhiều thời gian để dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ Việt Nam hoạt động ở Xiêm. Người đã dịch hai cuốn Nhân loại tiến hoá sử và Cộng sản A.B.C.
Các buổi tối, Người thường tổ chức nói chuyện với kiều bào. Những buổi nói chuyện đó, nhà chật ních người. Bà con rất thích đến nghe, vì “Thầu Chín”nói chuyện vừa hấp dẫn lại thiết thực, từ câu chuyện làm ăn đưa đến câu chuyện chính trị. Bà con thấy“Thầu Chín” vừa đáng kính, vừa gần gũi nên thường hỏi ý kiến về chuyện gia đình, chuyện làm ăn.
Nguyễn Ái Quốc sống như mọi người, cũng đào giếng, cũng vỡ đất làm vườn. Khi Chính phủ Xiêm cho phép mở trường học, Người đã tham gia với kiều bào gánh gạch, đào móng, đắp nền. Người vui vẻ chịu chung với các đồng chí những vất vả, kham khổ về đời sống vật chất. Bữa cơm nhiều khi chỉ có rau sam hoặc rau lang chấm muối, thậm chí chỉ có muối. Kiều bào ở gần, biết “Thầu Chín" hay hút thuốc lá, mỗi khi đi chợ đã không quên mua gửi biếu vài bao thuốc.
Thời gian ở Uđon, Nguyễn Ái Quốc đã đến Noọngkhai gặp gỡ một số cán bộ hoạt động ở Viêng Chăn sang để tìm hiểu tình hình phong trào Lào và khả năng đặt mối liên hệ với Xiêm để đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng ở
Việt Nam.
* Khoảng cuối tháng 7 đến cuối tháng 10 -1929
Rời tỉnh Sacôn Nakhôn, Nguyễn Ái Quốc đến tỉnh Nakhôn Phanom nằm kề sát bờ sông Mê Kông cách Thủ đô Băng Cốc 735km theo đường ôtô.
Tại tỉnh Nakhôn Phanom, Nguyễn Ái Quốc đã đi tuyên truyền vận động Việt kiều ở trung tâm huyện Thà U Then, trung tâm huyện Thạt Phanom và ở thị xã Nakhôn Phanom. Nơi hoạt động lâu nhất trong thời gian Người ở Nakhôn Phanom là làng Bản Mạy, còn có tên gọi là Nà Thoọc. Người đã xây dựng phong trào Việt kiều ở Bản Mạy trở thành một trong những địa điểm quan trọng của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Sau một thời gian ở Nakhôn Phanom, Nguyễn Ái Quốc đến huyện Amnạt Charơn, còn có tên gọi là Bùng, huyện Bùng, tỉnh Ubon Ratchathani(từ năm 1993, được nâng lên cấp tỉnh gọi là tỉnh Amnạt Charơn).
Tại tỉnh Amnạt Charơn, Người hoạt động chủ yếu ở huyện Bùng.
Rời Amnạt Charơn, Nguyễn Ái Quốc đến tỉnh Ubon Ratchathani, phía đông giáp sông Mê Kông, phía nam giáp Campuchia, cách Thủ đô Băng Cốc 575km theo đường xe lửa. Người hoạt động chủ yếu ở Bản Thà thuộc tỉnh Ubon Ratchathani. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác một bài thơ, giao cho đồng chí Nguyễn Tài ghi lại, sau đó đăng báo Thân ái:
Hợp tác nề có anh thợ Vượng
Tay nghề hay tính bướng cũng hay
Những khi đi họp hàng ngày,
Khi thì nói đổng, khi thì đòi ra.
Chị khuyên bảo thiết tha khuyên bảo,
Không nghe, coi táo bạo hung hăng.
Rằng em chỉ muốn anh bằng người ta.
Chị kiên nhẫn bẩy ba kiên nhẫn
Làm cho anh đổi giận sang hiền
Anh nghe lời vợ anh khuyên,
Hội giao công việc anh chuyên cần làm
Làm đúng đắn không ham lợi vặt,
Nói như làm thẳng thắn phân minh.
Một người trước bướng nay lành,
Cả Hội hợp tác khen anh vô cùng.
Tiếng chị Vượng khuyên chồng kết quả.
Chị em đều hỉ hả mừng vui.
Đăng lên mặt báo để rồi,
Để rồi học tập, để rồi làm gương.
Nguyễn Ái Quốc còn đến tìm hiểu phong trào của Việt kiều ở thị xã Phi Mun, thuộc tỉnh Amnạt Charơn.
Tiếp đó Nguyễn Ái Quốc đến Mục Đa Hản, là một huyện của Nakhôn Phanom(từ năm 1982 được nâng lên thành tỉnh Mục Đa Hản)giao cho cán bộ tổ chức cơ sở xây dựng một địa điểm liên lạc và chuyển tài liệu báo chí về nước.
Từ Mục Đa Hản, Nguyễn Ái Quốc có ý định đi xuyên qua đất Lào để tiếp cận với phong trào trong nước nhưng không thực hiện được. Trong báo cáo ngày 18-2-1930, gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có nhắc lại việc này:“Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng”.
Địa điểm cuối cùng trên đất Thái Lan mà Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến là tỉnh Noọng Khai, nằm sát bờ sông Mê Kông đối diện với Thủ đô Viêng Chăn của nước Lào, cách Thủ đô Băng Cốc 616km. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc thường ở và làm việc tại chùa Xỉ Xum Xưn. Đây là nơi Nguyễn Ái Quốc hẹn các đồng chí đang sinh hoạt trong chi bộ Viêng Chăn, vượt sông Mê Kông sang làm việc./.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)