Chỉ mục bài viết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tập hợp mọi lực lượng, mọi người yêu nước, tiến bộ dưới ngọn cờ của Đảng, của dân tộc. Với tư tưởng và đạo đức trong sáng, Người kêu gọi, động viên và khuyến khích những hiền tài, trí thức, những nhà khoa học, Việt kiều yêu nước… tham gia cách mạng, vào công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước, trong đó Người dành nhiều tình cảm và rất quan tâm đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước ta. Người luôn đề cao vai trò, trân trọng và động viên đội ngũ này đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định: Cách mạngrất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức. “Do vậy, Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũtiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ratrí thức mớitừ lớp công nhân, nông dân ra. Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”; “… Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chính những sự quan tâm sâu sắc đó đã dẫn đắt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đem trí tuệ, tài năng và nhiệt tình cống hiến cho đất nước, dân tộc.

Sau đây chúng ta cùng đọc lại những trang viết, những câu chuyện kể, những dòng hồi ký để hiểu sâu sắc hơn những tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và sự ngưỡng mộ, trân trọng, lòng tôn kính sâu sắc của trí thức, văn nghệ sĩ đối với Bác:

bac-ho-voi-nhung-tri-thuc
Chủ tịchHồChí Minhnói chuyện với các trí thức năm 1964. (GSTrần Hữu Tước ngồi bên trái Bác Hồ). Ảnh http://baotanglichsu.vn/

Không có nhân dân thì không có Bác

 Thật ra, trong chuyến đi thăm Việt Nam vào cuối năm 1958 ấy, những ngày đầu tôi không có ý nghĩ, hoặc đúng ra là không mơ ước được nặn tượng Bác Hồ, bởi vì tôi thấy mình chỉ là một nghệ sĩ điêu khắc bình thường, mà Bác Hồ thì bận trăm công nghìn việc, làm sao có thể được gặp Bác, nói chi đến chuyện được ở bên Người từ ngày này sang ngày khác để nặn tượng Người!

 Nhưng rồi, chính trên những chặng đường đã đi qua ở Việt Nam lúc ở Hà Nội cũng như ở Tây Bắc, ở Hòn Gai cũng như Hòa Bình, Bắc Ninh hay Nam Định - được tiếp xúc với các đồng chí và nhân dân Việt Nam, thấy rõ lòng kính yêu vô hạn của họ đối với Bác Hồ, tôi càng thôi thúc là làm sao nặn được một bức tượng về Bác Hồ.

 Mong ước của tôi lại hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các đồng chí ở Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ Đức tại Hà Nội. Tôi giãi bày tất cả những gì đang nung nấu trong lòng tôi và chỉ yêu cầu Đại sứ quán đề đạt gấp nguyện vọng đó lên Bác Hồ.

 Chừng một tuần sau, tôi sung sướng được Bác cho đến gặp. Tôi nhớ hôm ấy có cả đồng chí nhà thơ Tố Hữu và Đại sứ Phuytxnơ. Bác niềm nở bắt tay tôi và ân cần hỏi thăm sức khỏe, gia đình và công tác. Người hỏi cảm tưởng của tôi sau những chuyến đi địa phương và về nền mỹ thuật Việt Nam. Tôi có thể thưa với Bác biết bao nhiêu điều, song trong giờ phút ấy, đứng bên Người, tôi cảm thấy thiêng liêng và xúc động quá! Tôi chỉ xin thưa với Bác rằng tôi có nhiều cảm nghĩ rất tốt đẹp về những ngày ở Việt Nam và hiện có nguyện vọng cao nhất, duy nhất là được làm phiền Bác một thời gian để có thể đem về cho nhân dân Cộng hòa dân chủ Đức một kỷ niệm lâu bền.

Bác nhìn Đại sứ Phuytxnơ, rồi lại nhìn tôi với nụ cười đôn hậu và bảo:

 - Tôi được biết nguyện vọng của đồng chí rồi. Thế này nhé: Tôi đồng ý đáp lại yêu cầu của đồng chí. Mỗi buổi sáng, đồng chí đến chỗ tôi làm việc độ một giờ rưỡi. Có thể cho một số anh chị em Việt Nam cùng đến làm.

 Tôi xúc động cảm ơn Bác và chào Người ra về với một cảm giác lâng lâng, khó tả...

 Hai ngày sau, tôi và các đồng chí Việt Nam cùng lên chỗ Bác. Thấy chúng tôi vào, Bác tươi cười nói với các bạn đồng nghiệp Việt Nam của tôi:

 - Các chú phải cố gắng nhé. Thi đua với đồng chí Đrắcke mà làm, không thì xấu hổ đấy!

 Thật ra, mấy anh em chúng tôi đều phải cố gắng cả.

 Thoạt đầu, công việc tiến hành không được dễ dàng lắm. Tôi thấy bố trí Bác ngồi cạnh một cái bàn ở góc phòng là không thể được. Bởi vì chúng tôi sẽ khó lòng mà đi quanh Bác để nghiên cứu từng đường nét trong quá trình phác thảo, tạo hình.

 Lẽ ra phải có hai cách: Hoặc mời Bác đứng, hoặc mời Bác ngồi trên một chiếc ghế quay, thì chúng tôi mới có điều kiện nhìn Bác dưới một thứ ánh sáng cố định. Thế nhưng, làm như vậy, một phần sẽ gây phiền phức cho Bác nhiều quá, phần khác cũng phải chiếu cố lẫn nhau, không lẽ ai cũng muốn quay cả!

 Cuối cùng, tôi nêu lên yêu cầu là mời Bác ngồi ở giữa phòng, cho kê cao bàn làm việc và ghế ngồi của Bác. Các đồng chí Việt Nam tỏ vẻ e ngại. Tôi nói:

 - Các đồng chí cứ thưa với Bác rằng đó là đề nghị của tôi!

 Quả nhiên, đề nghị đó được chấp nhận. Bàn ghế của Bác được kê cao bằng một chiếc phản loại gỗ tốt. Mấy anh em nghệ sĩ Việt Nam đều phấn khởi về sự thay đổi này.

Tôi là người đã nặn tượng nhiều danh nhân như Các Mác, Gớt, Bêthôven, Humbôn... nhưng chưa bao giờ được gặp các vị ấy ở ngoài đời! Đây là lần đầu tiên tôi nặn tượng một vị lãnh tụ nổi tiếng mà chính mắt mình được trông thấy. Do ưu thế của nghề nghiệp, tôi có điều kiện ngắm nhìn rất kỹ gương mặt Bác. Do đó, đến hôm nay sau ngót 20 năm trời, tôi vẫn nhớ rõ đôi mắt sáng ngời, chòm râu bạc trắng như cước, vầng trán cao và cả những đường nhăn, những chấm mồi trên da mặt Bác. Tất cả đều toát ra vẻ hiền từ, độ lượng, bao dung của một vị cha già rất thân yêu, bình dị và hấp dẫn. Chỉ tiếc rằng tôi không thể thưa chuyện nhiều với Người, một phần do phải tập trung làm việc, một phần vì tôi không biết nói tiếng Pháp. Ở cái tuổi ngót 70, Bác ngồi yên được lâu như vậy là rất kiên trì. Tôi không hề thấy Bác tỏ ra mệt mỏi, trái lại, còn đọc báo, xem tài liệu hoặc thỉnh thoảng viết gì đó vào một cuốn sổ tay...

 Thời gian chúng tôi làm việc bên Bác tổng cộng khoảng 12 tiếng đồng hồ. Đó là 12 tiếng đồng hồ vô cùng quý báu trong đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Hôm cuối cùng, trước khi chia tay, Bác ngồi nán lại với chúng tôi chừng 20 phút. Bác xem qua những gì chúng tôi làm được. Tôi xúc động một lần nữa bày tỏ lòng cảm ơn đối với Người, đã vì nguyện vọng của một nhà điêu khắc bình thường mà dành cho một số thời gian quý báu. Bác cười:

 - Chúng tôi phải cảm ơn đồng chí mới đúng chứ! Quan trọng là tôi có giúp ích được gì cho công việc của đồng chí không thôi!

 Về công việc đã tiến hành trong Phủ Chủ tịch, dĩ nhiên chưa kết thúc. Tôi chỉ có thể tạo dáng bằng đất nung, sau đó nhờ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội cho đúc khuôn bằng thạch cao, rồi đóng hòm thật cẩn thận để mang về nước. Ở Béclin, tôi đã cho đổ đồng được 5 bức tượng cỡ vừa. Hiện nay, một bức được đặt tại Trường đào tạo sĩ quan biên phòng Hồ Chí Minh ở ngoại ô Béclin, một bức tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật, một bức tại Viện bảo tàng Trung ương, một bức đặt tại công viên Tờrếptô và bức nữa thì đã gửi sang Việt Nam...

Tôi không dám nói rằng có thể hài lòng về tác phẩm của mình, nhưng ít nhất với bức tượng đó, tôi cũng giữ lại được một kỷ niệm đẹp đẽ giữa bao nhiêu tình cảm chân thành nhất của mình đối với đất nước Việt Nam, đất nước của Bác Hồ.

 * HENRÍCH ĐRẮCKE* 

Nghệ sĩ điêu khắc người Đức

(Lược trích theo sáchNhững trái tim đồng chí, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983).

Bác Hồ - Một cuộc đời vì nhân dân

… “Nếu đồng chí muốn đi theo Hồ Chủ tịch lên K thì ngày mai, 5 giờ sáng, đề nghị đồng chí đợi chúng tôi ở ngã ba T.Đ trên đường đi Tuyên Quang”.

 Tôi hết sức sung sướng và cảm động khi nhận được những dòng thông báo trên đây, do Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao gửi cho. Thế là một trong những mong ước lớn nhất của tôi sắp trở thành hiện thực. Tính từ ngày đặt chân tới Việt Nam đã hai tháng rồi còn gì! Dịp ấy, tôi được cử dẫn đầu một đoàn cán bộ Cộng hoà Dân chủ Đức gồm 5 nhà văn, nhà báo và nhà điện ảnh sang thăm đất nước các đồng chí từ tháng 11 năm 1954 đến tháng giêng năm 1955. Các bạn điện ảnh đang quyết tâm hoàn thành hai bộ phim tài liệu quý về đất nước và con người Việt Nam; còn tôi, tôi cũng phải mang về nước những gì có ích cho nhân dân ở nhà. Tôi ao ước có ngày được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của nhân dân Việt Nam, và sẽ viết một bài về Người.

 Sáng ấy, tôi dậy rất sớm, cẩn thận cất vào túi mảnh giấy có dòng thông báo quan trọng về việc đi gặp Bác Hồ và vội vã lên đường. Tại ngã ba T.Đ, tôi nhập vào đoàn xe như đã hẹn. Khi đoàn xe dừng lại trước bờ sông thì mặt trời đã nhô ra khỏi rặng tre, đỏ lựng. Tôi nhìn thấy những chiếc thuyền nan đang chờ khách tới. Tôi cùng mọi người xuống thuyền. Trong số đó có một ông cụ mặt bịt kín bằng chiếc khăn len, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Ông cụ ngồi khuất trong một góc kín, đã bỏ chiếc khăn len ra khỏi mặt. Người phụ nữ lái thuyền và tôi cùng nhận ra ngay: Đó là Hồ Chủ tịch. Tôi thật xúc động, muốn bước tới chào Người, nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi chỉ ngồi im. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ trong trường hợp như vậy đấy!

 Khi đoàn xe tạm nghỉ để ăn sáng, tôi mới dám đến gần Người. Bác Hồ mỉm cười chào tôi bằng tiếng Đức: "Mời đồng chí ngồi xuống đây!". Các đồng chí khác cũng quây quần bên Người. Bữa ăn sáng thật đơn giản: Cơm nắm với một ít trứng và cá nướng. Tôi cũng lấy thức ăn mang theo, nhưng Bác Hồ bảo ăn cùng với Người.

Thoạt tiên, Bác Hồ nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Dần dần, như nhớ lại được nhiều từ hơn, Người nói bằng tiếng Đức. Giữa một vùng quê Việt Nam hùng vĩ, được nghe Người, nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, nói tiếng nói của dân tộc chúng tôi, tôi không khỏi xúc động. Và trong giây phút ấy, tôi thoáng nghĩ về quê hương, nơi hàng chục năm về trước Bác Hồ đã đặt chân tới. Người nhắc đến Vinhem Pích, vị Chủ tịch đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức, với một tình cảm đằm thắm. Người đưa mắt nhìn ra xa, rồi quay lại nói với tôi: “Phong trào công nhân Đức là cả một lực lượng mạnh!”.

 Bác Hồ chợt quay lại phía tôi, cười hiền hậu: “Ở Béclin, bia “bốc” còn ngon như trước không?”. Tôi phải bật cười và không khỏi ngạc nhiên, bởi vì, sau mấy chục năm trời, Bác Hồ vẫn còn nhớ đến loại bia mạnh có tiếng bên Đức. Người cho biết, khi ở Béclin, Người thường đến ăn tại tiệm “Asinhngo”, một tiệm ăn rẻ tiền. Thỉnh thoảng Người có mua một cốc bia “bốc” để uống.

 Tôi lặng lẽ nhìn gương mặt Bác. Đó là gương mặt của một người cha suốt đời chịu đựng hy sinh để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình. Người nói như tâm sự: “Tôi ít khi được ngồi nghỉ ngơi như thế này. Đồng chí bác sĩ của tôi khuyên thỉnh thoảng nên nghỉ một chút và quả làm như vậy tốt hơn”.

Buổi chiều, Hồ Chủ tịch cho chúng tôi dừng lại ở một làng quê ven sông Hồng. Chúng tôi theo Người bước trên con đường trải nhựa, chạy ngoằn ngoèo trong xóm, lẫn trong bóng mát của những rặng chuối tiêu. Người đến thăm các gia đình trong làng. Hệt như một người cha đi vắng lâu ngày nay về thăm các con vậy. Điều gì Người cũng muốn biết: Lúa cấy ra sao, sức kéo có đủ không? bao nhiêu cháu học cấp 1, cấp 2, v.v.. Người cũng không ngần ngại lắng nghe cả những phân trần của bà con trong việc phân chia ruộng đất, trâu cày. Đó là những lời nói thật thà, cởi mở. Còn có thể tin ai hơn “Cha Hồ” - Người suốt đời chăm lo lợi ích của nông dân, công nhân, luôn luôn chia sẻ niềm vui, nỗi khổ của họ? Nhưng cái chính là họ đều thưa với vị Chủ tịch của mình về những đổi mới tốt đẹp. Họ khoe với Người về căn nhà tranh mới xây, về bát cơm đầy, về tấm áo lành lặn. Và Bác Hồ, người cha hiền từ của họ đã mỉm cười hài lòng. Người cầm tay họ, ân cần khuyên bảo điều này, điều nọ. Không ít người đã khóc vì vui sướng, xúc động.

 Xe chúng tôi đã đi được một chặng đường rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn triền miên trong ý nghĩ về cái làng Việt Nam với những con người chân chất, hồn hậu ấy. Và tôi lại càng nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người đã, đang và sẽ không ngừng mong cho họ một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn…

  Nhà báo Đức

PHRANXƠ PHABE

(Lược trích theo sáchNgười là Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995).

Ba lần được chiếu phim để Bác xem

… Đêm hôm đó chiếu phimĐôngkysốttại Phủ Chủ tịch. Phim hết. Đèn bật sáng. Mọi người vỗ tay. Bác rẽ đám đông đi thẳng đến chỗ chúng tôi. Sau khi khen ngợi tinh thần phục vụ của chúng tôi, Bác nói: TruyệnĐôngkysốt,Bác xem rồi. Phim Bác cũng đã được xem. Hôm nay xem lại, nghe chú nói, Bác vẫn thấy khó hiểu.

 Quay lại phía người xem phim, Bác hỏi: Thế nào, các cô, các chú có hiểu không?

 - Dạ, truyện phim rắc rối lắm ạ. Bác quay về phía tôi, nói tiếp:

 - Khó hiểu, không phải vì chú nói kém, mà vì bản thuyết minh dịch nhiều lời quá.

Một buổi khác, tôi lại được cử đi thuyết minh phim để phục vụ các đồng chí dân tộc miền núi do Bác chiêu đãi. Lúc sắp chiếu, Bác dặn tôi: Hôm nay chú nói để bà con nông dân nghe, nhất là bà con nông dân miền núi, chú nói thế nào cho bà con hiểu được thì nói.

 Một lần nữa, tôi lại được cử đi thuyết minh phim để Bác nghe. Người xem cùng với Bác hôm đó toàn là cán bộ. Tôi nghĩ trình độ của các đồng chí đó cao, chẳng cần phải giới thiệu truyện phim trước. Khi tôi xin phép để chiếu phim, Bác ngồi gần đấy quay lại nhắc: Ấy, chú phải kể tóm tắt truyện phim. Có chỗ nào rắc rối phải giải thích để người xem hiểu… Chiếu trong nhà, tiếng lại oang oang. Bác ngồi gần nghe còn rõ, các cô các chú ngồi xa, sợ nghe không rõ tiếng thuyết minh. Phải kể truyện phim thì người xem mới nắm được hết.

Ba lần được đi chiếu phim để Bác xem, ba lần tôi đều được Bác nhắc nhở, dạy dỗ về ý thức phục vụ. Bác của chúng ta quan tâm chu đáo tới từng việc nhỏ. Và từ đấy, anh em chúng tôi ra sức viết những bản thuyết minh phim và nói sao cho giản dị, dễ hiểu như lời Bác dạy…

 QUANG KHANG

 Nhân viên chiếu phim.

(Lược trích theo sáchMuôn vàn tình thân yêu, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1975).

Bác hiểu rõ những khó khăn nghề nghiệp của chúng tôi

 … Bác Hồ của chúng ta, trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đã lăn lộn tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội ở cơ sở thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau. Cho nên, Bác thông cảm rất mực công việc cùng những khó khăn, những yêu cầu riêng biệt của từng ngành chuyên môn. Riêng anh chị em làm công tác nhiếp ảnh, điện ảnh chúng tôi đã nhiều dịp được thấy rõ điều đó. Tôi còn nhớ mãi trường hợp xảy ra trong dịp phục vụ hội nghị thành lập Mặt trận Liên Việt.

 Hội nghị được tổ chức trong một khu rừng Việt Bắc, vào những năm kháng chiến chống Pháp. Bộ phận điện ảnh, nhiếp ảnh phục vụ hội nghị gồm có các anh Đinh Đăng Định, Lê Minh Hiền và tôi. Hội trường là một ngôi nhà tre, lợp lá cọ, rộng, thoáng, do anh em công binh cấp tốc dựng trong một thời gian ngắn. Cho đến giờ phút chót, mọi công việc chuẩn bị đều đã chu tất, riêng có ba chúng tôi vẫn bồn chồn không yên. 

 Chúng tôi đã được phổ biến kỹ càng về tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị. Một sự kiện lịch sử lớn lao nhường ấy, tất phải được ghi hình ảnh để lưu lại về sau, đó là điều cần phải thực hiện bằng mọi cách. Nhiệm vụ đó ba anh em chúng tôi phải đảm đương. Nhưng, trong hoàn cảnh kháng chiến, máy móc cũ kỹ kém phẩm chất, đèn chụp không có, nơi họp lại ở trong nhà giữa rừng rậm, thiếu ánh sáng, làm sao có thể bảo đảm những hình ảnh tốt?

 Chúng tôi lo lắng, bàn đi bàn lại, tìm cách khắc phục khó khăn, cuối cùng đi đến kết luận: Chỉ còn cách xin được phép dỡ một phần mái phía trên chỗ Đoàn chủ tịch ngồi. Một yêu cầu mà bản thân chúng tôi cũng thấy là có phần quá mức. Nhưng vì bí quá, nên chúng tôi vẫn phải đánh bạo đề đạt ý kiến đó với các đồng chí phụ trách tổ chức hội nghị. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mọi lẽ, các đồng chí đó cũng thấy đề nghị của chúng tôi là cần thiết cho yêu cầu nghiệp vụ để hoàn thành trách nhiệm được phân công, nhưng vẫn do dự không dám quyết định.

 - Chuyện này gay đấy, dỡ mái ngay trên đầu Đoàn chủ tịch đâu phải là chuyện có thể tự quyết định nổi được. Có lẽ phải xin ý kiến của Bác mới xong. Một đồng chí phụ trách tổ chức hội nghị nói. Chúng tôi nhìn nhau ngần ngại: Ai dè cái công việc nhỏ đó mà lại phải trình lên Vị Chủ tịch nước giải quyết! Nhưng biết làm sao được.

… Chúng tôi theo các đồng chí phụ trách lên chỗ Bác.

 Sau khi báo cáo tình hình chuẩn bị hội nghị, các đồng chí đó nêu lên một vài vấn đề tồn tại, trong đó có cái mắc mớ của chúng tôi. Bác ngồi trong khoang Nhà sàn, im lặng nghe, thỉnh thoảng gật đầu vẻ bình tĩnh quen thuộc. Nhưng ba chúng tôi thì phấp phỏng, ruột cứ như lửa đốt. Bác sẽ cho chỉ thị sao đây? Liệu chúng tôi có làm phiền Bác không?

 Nhưng cái kết thúc lại rất nhanh chóng, bất ngờ. Không cần hỏi thêm chi tiết, Bác thấy rõ ngay những khó khăn về nghề nghiệp của chúng tôi và Bác nói: Dỡ thì dỡ, nhưng làm xong phải lợp lại ngay đấy.

 ... Cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi chuyển sang tập sự cầm máy quay. Tôi tự cho mình may mắn và hạnh phúc đặc biệt vì được bắt đầu vào nghề điện ảnh bằng những hình ảnh quay về lãnh tụ kính yêu của chúng ta. Tôi đã ghi được hình ảnh Bác ngồi đọc sách bên cửa sổ nhà sàn. 

 Hình ảnh này đã được sử dụng trong các bộ phimVài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,79 mùa XuânNgười là Hồ Chí Minh.

 Sau mỗi buổi xem phim, Bác thường nói chuyện với anh chị em làm phim. Tôi còn nhớ sau khi xem phim Nổi gió, Bác còn đi dạo trong vườn trò chuyện mãi với anh chị em làm phim chúng tôi. Một hôm, sau khi chiếu một bộ phim mới xây dựng, đồng chí Phạm Tuấn Khánh, hồi đó là Giám đốc Xưởng phim Truyện kiêm Cục trưởng Cục Điện ảnh, xin Bác cho ý kiến về nội dung, hình thức cùng những ưu khuyết điểm của phim. Bác chỉ vào anh chị em cán bộ, công nhân viên phục vụ trong Phủ Chủ tịch nói: Các chú nên hỏi ý kiến quần chúng… 

Đã bốn năm rồi, tôi vẫn làm phim truyện, nhưng không bao giờ còn được mang phim của mình vào chiếu báo cáo Bác nữa. Bác đã đi xa rồi.

 Những ngày này, đang cùng một số anh chị em bắt tay xây dựng bộ phim truyện mới, có lúc tôi bỗng tưởng tượng ra những khi hoàn thành phim mang vào trình Bác, Bác sẽ lại cho chúng tôi kẹo, cả ăn tại chỗ lẫn mang phần về nhà. Bác sẽ lại đi dạo trong vườn với chúng tôi và sương xuống, anh Kỳ sẽ lại khoác áo ngoài lên đôi vai của Bác… 

 Tôi rưng rưng xúc động và lại nghĩ mình phải cố gắng hơn để xứng với công ơn của Bác, với những lần được gặp Bác, được nghe Bác căn dặn và dạy dỗ…

 NGUYỄN ĐĂNG BẢY

 Nhà nhiếp ảnh, đạo diễn điện ảnh.

(Lược trích theo sáchMuôn vàn tình thân yêu, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1975).

Bác Hồ đến thăm Trường điện ảnh

 … Ngày 20-7-1959, bộ phim truyện đầu tiênChung một dòng sôngra đời, thì mãi ba tháng sau, ngày 31-10-1959, Trường Điện ảnh mới được thành lập. Đối với các nước, có trường rồi mới có phim truyện. Hoàn cảnh của ta có khác. Ta làm phim rồi mới mở trường. Một số diễn viên tham gia đóng bộ phim truyện Chung một dòng sông đã được chọn đi học lớp đạo diễn và diễn viên đầu tiên của ta.

 Ngày đó, Trường Điện ảnh còn đặt ở ngôi nhà nhỏ số 7 phố Trần Phú (nay là Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam). Trong không khí học tập sôi nổi, sau hơn ba tháng khai trường, vào ngày 10-2-1960, có tiếng chuông điện thoại đổ hồi. Tôi cầm ống nghe:

 - Alô! Tôi nghe đây! Trường Điện ảnh đây!

 Ở đầu dây bên kia là tiếng anh Phạm Tuấn Khánh

 - Alô! Các đồng chí chuẩn bị đón một đồng chí lãnh đạo đến thăm trường nhé!

 Tôi không thể nào ngờ người đó lại là Bác Hồ. Thực ra, nếu có biết là Bác đến, trường cũng chẳng kịp chuẩn bị gì hơn. Vả lại, đối với Bác, Bác ưa sự giản dị, không thích lễ nghi. Lúc đó, học sinh lớp đạo diễn, diễn viên đang học múa.

 Sự xuất hiện của Bác quá đột ngột và vượt quá mơ ước của anh chị em. Mọi người chạy ùa ra, vây quanh lấy xe của Bác, mừng vui đến trào nước mắt: “Bác đến! Bác đến!”.

 Chờ cho làn sóng mừng vui lắng xuống, Bác đưa mắt trìu mến nhìn khắp lượt cả lớp đạo diễn, diễn viên thân mật như người cha ở giữa đàn con. Đang giờ tập múa, nên anh chị em quần ống chẽn, áo bó sát người, các diễn viên lúc đó tuổi chỉ chừng mười bảy, mười tám, nhất là các cô còn trẻ măng, ríu rít như chim.

 Bác hỏi luôn: - Phi Nga đâu?

 Thật khó mà diễn tả được tình cảm của anh chị em lúc đó. Riêng đối với Phi Nga, lấy gì đo được hết nỗi sung sướng của chị khi được Bác ân cần nhắc đến tên. Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc bận trăm công nghìn việc, vẫn nhớ đến tên một diễn viên đóng vai Hoài trong phimChung một dòng sông, bộ phim đầu tay của nền nghệ thuật phim truyện Việt Nam.

 Lúc đó, Phi Nga đang đứng ở vòng ngoài. Ai đo được sự xúc động của người nữ diễn viên, người miền Nam tập kết này? Mọi người mới dãn ra, nhường lối cho Phi Nga đến gần Bác. Bác xoa đầu và hôn vào trán Phi Nga.

 Rồi Bác xem các học viên làm bài tập. Bác dừng lại giữa một toán khác đang tập múa balê. Anh chị em quây lấy Bác yêu cầu: “Bác cùng nhảy với chúng cháu cho vui ạ?”

Bác nhìn mọi người, cười độ lượng và hỏi: 

-  Các cháu đang tập môn gì?

- Dạ thưa Bác, giờ này chúng cháu đang tập vũ ạ. Một học viên nhanh miệng trả lời Bác. Bác cười hóm hỉnh: “Vũ” là gì nhỉ?

 Biết Bác muốn nhắc mọi người về cách nói năng sao cho dễ hiểu, một đồng chí vội thưa lại: 

 - Dạ thưa Bác, là tập múa ạ.

 Rồi Bác lại hỏi: Về chuyên môn, các cháu học như thế nào?

 Xuân Tạc trả lời Bác: 

- Sau phần lý thuyết do chuyên gia hướng dẫn, chúng cháu tập “tiểu phẩm” ạ.

 - Cháu nói cái gì? Biết mình lại lỡ lời, Xuân Tạc vội chữa lại: Dạ, thưa Bác là tập những trích đoạn ạ.

 Bác lại cười. Không khí đầm ấm, thân mật quá!

 Xuân Tạc vốn là một nông dân quê ở Hải Hưng, và đã từng đi bộ đội thời kỳ chống Pháp, nay được đi học điện ảnh, lại được gặp Bác thật vinh dự không ngờ.

 Bác xem các học viên múa. Mọi người được múa cho Bác xem, chân bước, tay cử động mà tâm trí thì dồn cả vào Bác.

 Tôi đứng cạnh Bác, báo cáo với Bác về tình hình học tập.

 Bác vừa nghe, vừa gật đầu. Sau đó Bác nói mấy câu: Bác đến thăm các cháu. Chúc các cháu học tập có kết quả. Bây giờ Bác về…

 Mọi người lại quây lấy Bác, theo Bác ra xe. Ai cũng cảm thấy sung sướng về những giây phút ngắn ngủi được sống bên Bác. Ở Bác toát ra một cái gì làm cho không khí xung quanh trở nên đầm ấm, thân mật và thoải mái lạ thường, dù là lần đầu tiên được gặp Bác.

Kể từ lúc Bác đến cho đến lúc Bác đi, mọi sự việc chỉ diễn ra trong vòng độ mười lăm phút. Nhưng với mười lăm phút quý báu đó, Bác đã để lại cho mọi người những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt…

NGUYỄN NGỌC TRUNG

Học viên lớp đạo diễn, diễn viên.

 (Lược trích theo sáchMuôn vàn tình thân yêu, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1975).

Được vẽ và nặn tượng Bác

Từ cách mạng đến nay, tôi may mắn được gặp Bác nhiều lần, lần nào cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi chỉ xin kể lại một vài mẩu chuyện nhỏ:

 Năm 1958, chúng tôi xin được gặp Bác để vẽ và nặn tượng Bác. Mãi chúng tôi mới được tin lên chỗ Bác ở. Hôm ấy quả là một ngày vui đáng ghi nhớ. Cùng đi với chúng tôi có anh Diệp Minh Châu, anh Trần Văn Lắm và một nhà điêu khắc người Đức. Từ một đất nước xa xôi sang, anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi chỉ mong mỏi được gặp và trực tiếp nặn tượng Bác.

 Được toại nguyện, anh bạn người Đức và cả chúng tôi xiết bao mừng rỡ. Có điều hôm đầu, Bác ngồi thấp mà anh bạn của chúng ta vừa cao lớn vừa đứng nặn theo tư thế và công việc của một nhà điêu khắc. Vì vậy, anh bạn luôn phải khom người. Sau buổi hôm đó, chúng tôi nghĩ ra một cách để giải quyết cái khó khăn nghề nghiệp của anh bạn.

 Chúng tôi mang bục gỗ và đặt bàn làm việc của Bác lên đấy. Ngắm nghía thấy vừa tầm nặn, chúng tôi thích thú lắm, nhất là anh bạn người Đức.

 Sáng hôm sau, chúng tôi đến thật sớm nhưng khi bước vào, chúng tôi thấy Bác đã ở đấy rồi. Một chân Bác đứng dưới đất, còn chân kia đặt lên bục. Vừa trông thấy chúng tôi Bác đã vui vẻ hỏi: Các chú có biết ngày xưa người ta xưng với vua như thế nào không? Bị hỏi bất ngờ, chúng tôi bỗng nhiên lúng túng nhìn nhau, nhưng rồi cũng mạnh dạn trả lời: Thưa Bác, người ta xưng là “tâu bệ hạ” ạ!

 Bác bèn trỏ vào cái bục, châm biếm: Thế các chú muốn Bác làm vua hay sao mà lại mang cái bệ này đến? Biết Bác đùa, chúng tôi ai nấy đều im, Bác lại nói tiếp: Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện.

 Chúng tôi đang lo Bác không lên bục, ngồi vào bàn làm việc. Nhưng đoán được tâm trạng đó, Bác vui vẻ bảo: Nói thế thôi chứ bây giờ Bác cũng “thượng bệ” cho các chú vui lòng...

 Đúng là Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc nào cũng thanh thản, ung dung. Vẽ và nặn tượng Bác cho được cái thần thái ấy quả không phải dễ. Cho đến nay chúng tôi cảm thấy tranh mình chưa thể hiện và lột tả được hết những nét riêng đáng quý đó của Bác, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

 Lúc Bác còn sống, Bác thường đến thăm các cuộc triển lãm nghệ thuật. Lúc không đi được thì Bác có thư. Thư Bác gửi cho giới họa sĩ chúng tôi năm 1951 là một văn kiện lịch sử quan trọng, là kim chỉ nam hành động quý báu và thiết thực cho giới chúng tôi nói riêng, cho ngành văn nghệ nói chung, vì đến nay mỗi khi đọc lại bức thư ấy, chúng tôi càng thấy đúng và trong sáng, vẫn thấy phải cố gắng rất nhiều nữa mới mong có thể đạt được phần nào lời khuyên dạy của Người.

 Năm 1963, Bác có đến thăm Triển lãm nghệ thuật tạo hình trưng bày ở phố Tràng Tiền. Sau khi xem, Bác có nhận xét: Các chú làm việc tốt đấy. Tranh, tượng thế là có tình người. Sau đó, Bác hỏi chúng tôi về phong trào mỹ thuật, về đội ngũ sáng tác mỹ thuật  (có bao nhiêu nữ, bao nhiêu anh chị em người dân tộc, bao nhiêu anh chị em trẻ), rồi Bác bảo: Các chú là lớp người đi trước, nên dìu dắt anh chị em lớp trẻ, có kinh nghiệm gì thì phải tận tình bày vẽ cho anh chị em. Nhưng cũng phải cẩn thận, chú ý đừng để mất khiếu sáng tạo của họ.

 Xem tranh sơn mài, Bác khuyên chúng tôi nên nghiên cứu sao cho chất liệu này giữ được bền hơn nữa. Về nghệ thuật khảm trai, Bác cũng có ý kiến: Các chú cần cố gắng duy trì loại này. Nó quý lắm. Nó là cái vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông ta xưa, phải phát triển nó lên.

 Trước khi rời khỏi phòng triển lãm, Bác nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng làm tốt hơn, phải đem nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Lời khuyên dạy của Bác thật là đầm ấm, mãi mãi còn in sâu trong lòng chúng ta. Chúng ta nguyện suốt đời ghi nhớ và làm theo lời dạy bảo của Người để xứng đáng với Người, với công ơn và sự quan tâm to lớn của Người.

 Hoạ sĩ TRẦN VĂN CẨN 

(Lược trích theo sáchBác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995).

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: