Những câu chuyện kể về tình cảm, sự quan tâm của
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ
Việt Nam và quốc tế (Phần 4)
Kỷ niệm với Cụ Hồ
30-4-1947.Sáng mai dậy, tập thể thao, cuốc đất làm vườn rau và tắm suối. Trong người khoẻ quá. Ở đây khí hậu hình như tốt, mỗi lần đi về, nghỉ vài hôm lại thấy khoẻ người và sung sức lại. Ham làm việc và ăn ngủ ngon.
Ăn cơm xong, 10 giờ cùng với Tiến1đi ra Minh Khai để tìm người liên lạc đưa đến địa điểm Hội đồng Chính phủ.
Phải đi non mười cây số mới đến địa điểm. Gặp các ông Bộ trưởng và Thứ trưởng cùng cụ Bùi2đã nằm chờ sẵn ở đây. Mừng rỡ quá, trong rừng sâu, mỗi người chiếm một góc núi, nay gặp nhau chung một chỗ, ai nấy đều tỏ sự vui mừng. Có đôi người phải đi chừng 20 hay 30 cây số mới đến và phải đi từ hôm qua.
Gần tối, trong lúc chúng mình đang ăn cơm, thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ quần áo bí mật của Cụ. Lần này thì Cụ lưng mang một gùi, vai mang súng, người mặc bộ quần áo nâu, đội mũ như bộ đội, mặt che đậy hết nửa, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được. Bắt tay vui vẻ tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo lấy thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn chung trong lúc mâm cơm đã gần tàn. Chúng mình nhiều người ngồi nán lại để kéo dài bữa cơm và tiếp chuyện với Cụ. Cụ và hai người phục vụ phải đi hàng mấy chục cây số mới đến đây. Có lẽ Cụ đi mất hàng ngày đường.
7 giờ bắt đầu hội đồng. Ai nấy ngồi xếp vây quanh mấy chiếc chiếu trải dài. Giữa để mấy ngọn đèn dầu, chúng mình có cảm tưởng như ngồi trong một sòng xóc đĩa. Ai nấy nhìn nhau cười, Cụ cũng cười.
Hội đồng hôm nay có hai tin buồn: Cái chết của Cụ Huỳnh3và Nam4.
Cụ nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sĩ trong Chính phủ sau khi tất cả đều đứng mặc niệm một phút. Mọi người đều cảm động trước cái chết đau thương của hai người trong lúc quốc dân đương cần nhân tài để đảm đương việc nước. Cụ Chủ tịch nói với một giọng rất đau đớn như Cụ đã mất một người anh và một người con.
Sau đó, Cụ báo cáo tình hình chính trị chung ngoài nước và trong nước.
Thủ tướng Chính phủ Nam Dương quần đảo5có gửi điện cho Cụ hoan nghênh tinh thần chiến đấu của dân tộc Việt Nam, tỏ thiện cảm đối với ta và yêu cầu trao đổi giữa Chính phủ ta và Nam Dương đại biểu chính thức để nối sự bang giao giữa hai nước. Chính phủ đồng ý và đã cử Phạm Ngọc Thạch.
Đại biểu Hồng thập tự quốc tế đã gặp đại biểu Hồng thập tự ta là Tôn Thất Tùng hai lần và hình như lãnh sự hai nước Anh và Mỹ tỏ ý chờ đợi ngoại giao ta để trao mật thơ gì nhưng không gặp, họ có ý mong chờ lần khác. Cụ phái Giám6gặp họ lần này và đồng ý gặp đại biểu Hồng thập tự quốc tế vì họ tha thiết yêu cầu gặp Cụ nhưng Cụ không tiếp được.
Theo quyết nghị chung, mỗi người cần nghĩ kỹ vấn đề sẽ thương lượng với Pháp. Viết ra rồi gửi cho Cụ trước kỳ Hội đồng sau, định vào ngày 15-5.
Cử người thay cụ Huỳnh và Nam, Hội đồng đã chuẩn y cử ông Tôn Đức Thắng và Trần Duy Hưng.
Có vài người đề cử chính mình đảm đương Bộ Nội vụ, nhưng Bộ Tài chính lúc này phải đảm đương nhiều việc quan hệ quá, chúng mình khó dời Bộ ấy cho ai trong lúc này.
Ngoài ra có một ít vấn đề lặt vặt, rồi đến báo cáo về quốc phòng của Giáp7.
Bộ Tài chính kỳ này phải làm mấy việc: Kiểm điểm công việc của Thuế quan Bắc Cạn, thu thuế rẫy cho Mán và định lại phụ cấp chức vụ cho các nhân viên mới.
Đến 3 giờ khuya, Cụ cho ăn cháo gà như mọi lần khác từ ngày Chính phủ phải họp ban đêm. Tất cả đều phải ngủ lại, mai sáng mới ai về góc núi ấy.
Phác thảo thư gửi cho Hội Phụ nữ:
Tin cho các chị biết, Cụ già chúng ta mạnh khoẻ hơn hết. Nói đến chuyện cải trang của Cụ thì rất thần tình. Đố ai biết là ai? Nhiều lúc chúng tôi ngồi với nhau trong một địa điểm giữa rừng, đương tụm năm tụm ba tán chuyện thì thào với nhau để chờ Cụ thì đột nhiên một người đi săn ở đâu lại, đeo súng, mang ba lô cẩn thận, đội mũ tròn theo kiểu nhà binh, bộ râu che kín, chẳng ai nhìn ai, thì ra Cụ đã đến, cười và bắt tay từng người một. Các chị có tưởng tượng sức dẻo dai của Cụ! Đi bộ hàng hai ba chục cây số, khi xe hơi bị sa lầy, nai lưng xuống đẩy như tất cả mọi người. Thế đủ biết. Dầu sao, mấy cái răng khuyết của Cụ cũng là một đặc điểm đặc biệt, khiến cứ mỗi lần Cụ cười người ta cứ tưởng nhớ đến bao nhiêu khổ hạnh của Cụ, bao nhiêu lần lăn lóc trên trường chiến đấu, mà ngày nay một làn nhăn trên trán, một răng khuyết là một tiêu biểu hùng hồn.
Kể các chị nghe một vài công việc làm của Cụ về sau này nhé. Công việc chung thì nhiều lắm, nhưng đặc biệt và có lẽ người ta thích nhất là những lời tuyên bố trên báo của Cụ về cái chết của Guffet8và Debe9kẻ thù số một của dân Việt Nam. Người ta phê bình bài văn của Khổng Minh tế Chu Du ngày xưa cũng không khôn khéo và “cay” bằng, các chị đã xem bài ấy chưa? Tìm mà xem.
Một nhân vật đem biếu Cụ một cây baton làm bằng xương rắn. Khớp xương rắn tự nhiên xếp thành hình nhiều chữ “nhân” chắp lại. Một phiên Hội đồng Chính phủ, Cụ đem tặng cụ Bùi cây baton quý báu ấy với câu nói vừa giản dị vừa ý nghĩa: “Khi đỡ tay tới cây gậy này, cụ sẽ luôn luôn nghĩ đến nhân dân”. Các chị xem, khéo léo và ngộ nghĩnh biết bao nhiêu! Sau khi nhận cây gậy ấy chắc cụ Bùi, mặc dầu đau yếu và tật bệnh, không bao giờ nghĩ đến sự ngần ngại trong bước đường chiến đấu gian lao này.
Nhưng còn đối với chúng tôi, thì chẳng bao giờ Cụ tặng cho cái gì cả. May ra thỉnh thoảng Cụ thết một bữa cháo gà sau khi thức một đêm sáng trắng khi họp Hội đồng Chính phủ.
Còn nhiều việc nhưng hãy tạm gác để kỳ sau.
Tôi vẫn được mạnh và luôn vui sướng với cảnh núi rừng. Đêm nào cũng nghe thấy tiếng hươu nai. Thú vị chán.
Vẫn cứ còn thì giờ để nhìn trăng và nhìn mây.
Mỗi lần thấy chim bay về Nam lại tưởng tượng, hình như miền Nam đối với chúng tôi có gì quyến luyến lạ.
Chào các chị và chúc các chị mạnh và cố mà “tự túc”.
7-2-1948.
Hôm nay nhằm ngày 28 Tết.
… Chúng mình, sau khi leo bao nhiêu đèo, qua bao nhiêu suối, mới đến chỗ ở của Cụ. Tại đây đã sẵn có các anh Nhân, Thọ, Hai, Việt, Cù Vân. Cụ vẫn khoẻ mạnh và tiếp chúng mình với bao niềm nở, vui vẻ. Vì trời hôm nay mưa to, đường sá lầy lội, gần tối chúng mình mới đến, một bếp lửa đỏ sẵn sàng để chúng mình sưởi cho đỡ rét. Cuộc họp hôm nay cũng đến 20 người, văn có, võ có, kể cũng vui. Trước khi ngồi vào tiệc, Hồ Chủ tịch đưa một ít vấn đề để anh em có mặt tham gia ý kiến, và giải quyết, rồi công việc ai người ấy làm.
Bữa cơm thân mật, đoàn kết trong rừng của Hồ Chủ tịch thết đãi trong dịp Tết, thanh đạm mà mặn mà, một quang cảnh Tết trong lúc súng nổ bốn phương, ngồi vào tiệc chúng mình cảm thấy bao nhiêu thú vị. Câu chuyện, tiếng cười kéo dài mãi đến 8-9 giờ tối mới xong. Rồi một số từ giã ra về, còn số khác ở lại nghỉ đợi qua ngày mai. Chúng mình và ít anh nữa tiếp tục chuyện trò với Hồ Chủ tịch đến về khuya mới đi nghỉ. Cụ kể chuyện lúc ở Tầu, khi ở châu Âu, những ngày bị đế quốc Anh, Pháp bắt giam chỗ này chỗ kia với một vài câu chuyện Tết ở đất khách quê người. Cụ đã cho chúng mình một ít kinh nghiệm trong đời vận động bí mật ở ngoại quốc…
…
10-2-1948- ATK. Mồng một Tết.
Từ 4 giờ khuya, sau khi nghe một hồi trống, dân chúng quanh vùng đều la ó vang, những tiếng đi cầy, đi cuốc, đi đốn cây, chặt lá, v.v. và v.v. cả những việc làm hằng ngày đều đem ra nói lên, hình như cảnh cáo với năm mới!... Lúc đó chúng mình nghe không hiểu là việc gì. Thậm chí nghe những tiếng “chạy máy bay, chạy máy bay” inh ỏi… Sau hỏi các vị phụ lão mới biết là theo tục lệ dân phải nói ra như thế để khỏi phải kiêng cữ gì nữa. Qua đầu năm ai làm gì thì làm, không phải lo chọn ngày, chọn giờ gì nữa. Phong tục kể cũng lạ.
Sáng mồng một Tết, ăn sáng xong, các anh Cả, Lê, Hưng, Mỹ, Dần và mình lên ngựa đi thăm cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và cụ Vi Văn Định. Một bầy ngựa rong ruổi trong cảnh rừng núi, qua đèo, qua suối, qua bao nhiêu trạm liên lạc, đến nơi vào khoảng 12 giờ trưa.
Trong một gian nhà lá, bốn phía che rất kín cây lá um tùm, cụ Bùi và cụ Vi tiếp chúng mình trong lúc các cụ đương giữa bữa bánh chưng, giò chả. Vui mừng quá, các cụ không ngờ chúng mình băng ngàn băng suối đến thăm các cụ, trong quang cảnh ấy. Anh Tạo, đại biểu Quốc hội Nam Bộ, Hưng đại biểu Bắc Bộ, chúng mình là đại biểu Trung Bộ, anh Cả đại biểu Tổng bộ Việt Minh và Liên Việt, Mỹ văn phòng Cụ Chủ tịch và Lê công an Việt Nam, kể ra cuộc đi thăm cũng có vẻ long trọng lắm.
Cùng hai cụ ra chụp ảnh làm kỷ niệm. Sau khi uống vài cốc nước và ăn mứt của các cụ đãi, chúng mình mời cụ Vi ra dạy cho một ít kinh nghiệm về việc cưỡi ngựa và nuôi ngựa. Cụ Vi thật là người rất sành về môn ấy.
2 giờ mới từ giã các cụ ra đi.
Theo chương trình đã định trước, từ 12 giờ trưa đến thăm cụ Phan Kế Toại tại Bộ Nội vụ, nhưng vì không rõ đường và tính sai nên mãi đến 3 giờ mới đến Bộ Nội vụ.
Một cảnh tượng làm cho chúng mình ngạc nhiên là khi gần đến cơ quan, một tiếng súng nổ báo hiệu rồi tiếng đì đùng nổ ran liên tiếp, giống hệt như tiếng pháo. Một cổng chào đã dựng sẵn cách cơ quan 50 thước, ông Phạm Khắc Hoè, Đổng lý văn phòng ra đón chúng mình. Vào cơ quan gặp cụ Phan và các nhân viên đông đúc, thanh niên nam nữ đủ mặt, vây quanh chúng mình giữa mấy đống lớn đốt cháy bừng bừng và tiếng nứa nổ làm chúng mình đã tưởng là tiếng pháo. Quang cảnh thật là “Tết” trăm phần trăm.
Một phòng tiếp khách cũng trang hoàng sẵn sàng, rất nhiều cành hoa đặt dưới ngọn cờ đỏ sao vàng bao phủ ảnh của Hồ Chủ tịch. Anh Hoè đọc bài thơ chúc Tết, có rót rượu, có dâng hoa. Chúng mình hai Bộ trưởng và đại biểu Tổng bộ Việt Minh, mỗi người được tặng một bó hoa mào gà tươi thắm, rồi một bài thơ có câu hát “Tiến quân ca” tất cả mọi người đều đứng dậy cất giọng hát bài “Quốc ca”. Kể cũng tinh thần lắm!
Chén rượu vang, vài miếng bánh chưng, mứt, trà, kể cũng khá đầy đủ…
Quang cảnh trong bữa tiệc vừa vui vừa có ý nghĩa, vì anh em công an luôn luôn dùng tên các cuộc chiến thắng của bộ đội ta như “Sông Lô”, “Bông Lau” để tặng nhau. Giữa bữa tiệc, bài hát đưa ra khi hùng hồn, khi du dương uyển chuyển. Anh em có nói chúc mừng chúng mình và nhờ đưa lời chúc lên Hồ Chủ tịch và Chính phủ…
1. Tên một cán bộ trợ lý của đồng chí Lê Văn Hiến.
2. Bùi Bằng Đoàn.
3. Huỳnh Thúc Kháng.
4. Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
5. Nay là Inđônêxia (BT).
6. Hoàng Minh Giám.
7. Võ Nguyên Giáp.
8. Guffet: Tướng Pháp.
9. Debe: Đại tá Pháp.
(Lược trích theo sáchMãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1999).
Bốn mươi ngày cùng về với Bác
… Mùa Thu năm 1946, tôi và ba đồng chí nữa được vinh dự theo Bác về nước trên chiếc tàu Đumông Đuyếcvin, một chiếc tàu chiến của hải quân Pháp. Bốn mươi ngày lênh đênh trên mặt biển, được sống thân mật, gần gũi Bác, đã để lại trong tâm trí tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Rất tiếc rằng lúc bấy giờ tôi không ghi nhật ký và đến nay đã hai mươi năm rồi, thời gian và trí nhớ không cho phép cho tôi ôn lại đầy đủ, chi tiết những sự việc cụ thể trong những ngày được sống gần Bác.
Tuy nhiên, đối với tôi, bốn mươi ngày đi theo Bác là cả một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, là một trường đại học lớn của tôi.
Lúc ở bên Pháp, tôi chỉ là một kỹ sư yêu nghề hàng ngày mải mê với học tập, nghiên cứu, hiểu biết rất ít về phong trào cách mạng trong nước (thực ra có một phần bởi chính sách lừa bịp của thực dân đế quốc). Tôi có biết về Bác qua quyển:Bản án chế độ thực dân Pháp (Le procès de la colonisation fran-caise)của Bác và những mẩu chuyện ngắn về Bác do các cụ cùng thời với Bác kể lại, còn cả cuộc đời dài hoạt động của Bác ở nước khác, tôi hầu như không biết mấy. Những ngày đi theo Bác, tôi mới hiểu biết thêm về Bác, người đã dắt dẫn, rèn luyện và đào tạo tôi trở thành người trí thức chân chính, người cán bộ cách mạng.
Trên chuyến xe lửa từ Pari đi Mácxây, chuẩn bị lên tàu. Bác nói với chúng tôi: Nước ta còn nghèo vì tám mươi năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam Bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều, chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào... Lời nói ngắn ngủi và cảm động đó như mãi mãi khắc ghi trong lòng tôi.
Lên tàu, chúng tôi chung sống với Bác thân mật, ấm cúng như trong một gia đình mà Bác vừa là người cha, vừa là người phụ trách hướng dẫn các buổi sinh hoạt của chúng tôi. Đều đặn mỗi ngày ba buổi: Sáng, chiều, tối, chúng tôi hội họp quây quần bên cạnh Bác, nghe Bác kể chuyện về tình hình thế giới, tình hình cách mạng trong nước, nhất là từ năm 1940 đến ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.
Chúng tôi chăm chú theo dõi từng lời, từng ý và đề ra những thắc mắc của mình, Bác lại nêu lên để cho chúng tôi trao đổi thảo luận và cuối cùng Bác nhận xét, phân tích, giải đáp. Các buổi sinh hoạt nhẹ nhàng, thoả mái, với lời lẽ đơn giản dễ hiểu của Bác là những buổi giáo dục thật là sinh động và có sức hấp dẫn lạ thường. Bác đi từ sự việc nhỏ đến lớn, từ nhận thức lý luận liên hệ đến thực tiễn, từ tình hình thế giới dắt dẫn chúng tôi về với cách mạng trong nước, về với nhiệm vụ cụ thể của mình.
Trên đường về nước, tàu chúng tôi đi ven theo địa giới các nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Á. Cứ mỗi lần qua một nước là Bác vừa chỉ, vừa kể cho chúng tôi biết tình hình cụ thể của mỗi nước đó. Khi tàu ghé lại một vài bến cảng ở châu Phi, Bác bảo chúng tôi chú ý xem xét, quan sát cuộc sống lao động vất vả đầy kham khổ của nhân dân các nước dưới chính sách thực dân hà khắc của đế quốc Pháp, đế quốc Anh. Những lời giáo dục của Bác kết hợp với những hiện tượng cụ thể, những điều tai nghe mắt thấy đã có tác dụng nâng cao nhận thức của chúng tôi về lịch sử phát triển của cách mạng thế giới và trong nước, đã dẫn dắt chúng tôi nhìn thấy rõ ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đặc biệt đối với chúng tôi là những trí thức ở nước ngoài mới về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác chú ý đi sâu vào tâm tình, khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở bản thân, tin ở tập thể, ở cách mạng nhất định thắng lợi. Bác nói với chúng tôi: Ở nhà không có gì đâu, nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song, nước ta giàu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giàu về quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm. Như vậy các chú có làm được không?
Lời nói thân yêu của Bác đã cảm hoá và chinh phục trái tim của chúng tôi.
Đối với chúng tôi, đối với quần chúng thì Bác hết lòng tin yêu, nhưng đối với sức mạnh của kẻ thù thì Bác tỏ ra không hề nao núng. Tôi còn nhớ lúc đi tàu, thỉnh thoảng có những hôm, tên đại tá chỉ huy tàu tổ chức các cuộc tập trận. Giữa biển cả mênh mông, tiếng súng đại bác, súng phòng không, súng máy các loại thi đua nhau gầm thét, khói mịt mù, nước biển tung toé ngoài khơi xa. Thoạt tiên trong chúng tôi cũng có những người hồi hộp, nhưng riêng Bác vẫn điềm nhiên, ung dung hút thuốc lá, đứng nhìn xem và mỉm cười bảo chúng tôi: Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần các chú. Các chú sợ không?
Nhân đó, Bác chỉ cho chúng tôi thấy: Bọn đế quốc thường hay phô trương, khoe khoang về sức mạnh vật chất, còn nhân dân cách mạng tuy nghèo, nhưng hàng triệu người đoàn kết thành một khối, có tinh thần dũng cảm và mưu trí, nhất định đánh bại được bọn chúng. Lòng Bác mênh mông như biển cả, âu yếm như mẹ hiền, Bác luôn ân cần chăm sóc chúng tôi. Buổi sáng, Bác đánh thức chúng tôi dậy, nhắc nhở việc thu xếp trật tự, hành lý gọn gàng.
Ngoài những buổi sinh hoạt, Bác đôn đốc chúng tôi tranh thủ đi sát anh em thủy thủ, gây cảm tình với quần chúng. Đây là một vấn đề khó khăn cho tôi trong buổi đầu. Tôi chưa quen công tác vận động quần chúng, hơn nữa phải gần gũi những người lính nước ngoài thì lại càng phức tạp, lúng túng hơn. Tôi báo cáo xin ý kiến Bác.
Bác vui vẻ ân cần chỉ dẫn cách thức làm quen, đi sát anh em thủy thủ, phương pháp đi từ thăm hỏi tình hình sức khoẻ, gia đình, công việc làm ăn, đời sống đến việc khơi gợi lòng yêu nước, tính dân tộc, rồi tiến đến gây cảm tình của họ đối với nhân dân ta. Đối với Bác, công tác vận động quần chúng trở thành quen thuộc và tự nhiên. Đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, ở khách sạn, ở trên xe lửa, tàu thủy, nhà ga,... từ em bé, cụ già, người gác cổng đến những người trí thức, quan chức khác, Bác cũng có thể gần gũi, bắt tay, trò chuyện lịch thiệp.
Một món quà nhỏ, một bó hoa người ta biếu Bác, Bác cũng vui vẻ đem phân chia, thân mật tặng lại cho các cụ già, các em thiếu nhi Pháp. Những cử chỉ chân thành và mến thương của Bác đã làm cho anh em thuỷ thủ thật lòng kính yêu Bác như cha. Họ nói: Chúng tôi đã đi khắp nơi, nhưng chưa thấy được một vị lãnh đạo có đạo đức lớn lao như vậy. Trong khi đó thì bọn chỉ huy trên tàu lại run sợ, lo lắng, lúng túng nhưng không tìm ra được cách đối phó.
Cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi, toàn tâm toàn ý vì dân, vì nước của Bác đã chung đúc mọi tinh hoa phong phú của dân tộc, từ lời ăn tiếng nói đến đạo đức của con người. Tôi đã học qua một số trường đại học, tôi đã có dịp tiếp xúc làm việc với một số giáo sư nổi tiếng, nhưng tôi chưa bao giờ được gặp một người thầy vĩ đại, có một hiểu biết rộng rãi, uyên thâm, có một phương pháp giảng dạy dễ hiểu, sâu sắc như Bác.
Tàu Đumông Đuyếcvin là một chiếc tàu chiến đã cũ, chạy lừ đừ chậm chạp. Lúc bấy giờ, tình hình ở nước nhà đang căng thẳng, ai nấy đều sốt ruột mong về sớm, nhưng giờ đây nghĩ lại, đối với chúng tôi, đó là một dịp may hiếm có để được kéo dài những ngày chung sống với Bác.
Ngày 20-10-1946, tàu cập bến Hải Phòng. Cán bộ và nhân dân khắp nơi nô nức, vui mừng đón Bác. Lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng và cảm động khi trở lại đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc thân yêu. Đất nước giờ đây đã đổi mới. Nhân dân lao động đang hưởng một cuộc đời độc lập, tự do. Không còn những cảnh lầm than nô lệ, bị áp bức như trước kia nữa. Giờ đây, tôi trở về với Tổ quốc, cùng đi với Bác, được chứng kiến cuộc đón rước nồng hậu của đồng bào ruột thịt.
Tôi suy nghĩ phải làm gì để đền đáp lại niềm vinh dự to lớn mà Bác và nhân dân đã dành cho chúng tôi. Sáng hôm sau, tôi đến gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp. Mới bắt tay, đồng chí đã nói với tôi một câu ngắn ngủi và cảm động: Ở nhà chờ đợi anh, rất mừng là được tin anh về cùng với Bác.
Trước đôi mắt sáng và kiên nghị của đồng chí, tôi băn khoăn lo lắng trước nhiệm vụ nặng nề sẽ phải đảm nhiệm. Nhưng nhớ những lời dạy bảo, động viên của Bác lúc ở trên tàu, tôi thấy tự tin ở mình, ở tập thể và tôi đã đáp lời đồng chí: Cảm ơn anh tin tưởng. Tôi sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng…
Về đến nhà chẳng được bao lâu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác giao cho tôi phụ trách công tác trong ngành quân giới. Bác bảo tôi: “Đây là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chú cố gắng cộng tác với anh em, ra sức xây dựng ngành quân giới, phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc có ý nghĩa rất lớn đối với dân, với nước”. Và cũng từ đó, tôi mang tên là Trần Đại Nghĩa.
Bắt tay vào nhiệm vụ, tôi càng thấy thấm thía hơn những lời dạy của Bác.
Ngày đầu kháng chiến, những khó khăn dồn dập đến. Các cơ sở phải rút vào rừng núi: Máy móc, nguyên liệu chưa có bao nhiêu. Tất cả phải dựa vào sức mình.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Thà chết chứ không trở lại cuộc đời nô lệ! Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”, nhân dân ta muôn người như một, đứng dậy chống quân thù. Chí căm thù sâu sắc và sức mạnh vĩ đại của quần chúng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác đã động viên, giúp đỡ chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn. Tôi cùng anh em say sưa nghiên cứu, sản xuất và đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân ngành quân giới.
Hình ảnh hy sinh chiến đấu của anh em bộ đội ngoài chiến trường, của anh Ngô Gia Khảm và các đồng chí khác càng như thúc giục tôi quyết tâm đem hết sức mình cải tiến các bản vẽ, tính toán các số liệu, tiến hành nghiên cứu thiết kế các loại vũ khí thích hợp ở chiến trường trong từng giai đoạn. Nhớ lời Bác, bên cạnh công tác nghiên cứu, tôi không quên việc giúp đỡ, hướng dẫn anh em trong ngành những hiểu biết cần thiết về lý luận như: lý thuyết về pháo binh, về hoá chất, về tính năng vũ khí, cách sử dụng, sửa chữa, bảo quản. Ngày đêm, tôi miệt mài trong công tác, mải mê với con tính, với bản vẽ, có khi quên cả một số sinh hoạt cần thiết như ăn, ngủ, tắm, cắt tóc,... và tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác tuyên dương công trạng và tập thể bầu là Anh hùng Lao động.
Vinh dự to lớn đó thuộc về anh em cán bộ công nhân ngành quân giới, thuộc về nhân dân lao động, trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo dìu dắt của Bác, đã đóng góp một phần.
Những lời dạy của Bác như một bức cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.
(Lược trích theo sáchChúng ta có Bác Hồ, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1999).
Mỗi lời nói của Bác là một bài học rất mới
Người phụ trách kiểm duyệt sách báo trong vài ngày đầu sau khi ta giành chính quyền là đồng chí Như Phong. Nhưng vì anh Phong rất bận công tác biên tập báo Cứu quốc, cho nên tôi thay. Tôi không biết sử dụng nhân viên kiểm duyệt cũ thế nào, vì chưa từng làm lãnh đạo nên tất cả các việc, một mình tôi cáng hết.
Một hôm, tôi nhận được điện thoại gọi tôi sang bên Cụ, trình với Cụ về công tác kiểm duyệt (Cụ là tiếng ngày ấy ta gọi Bác Hồ). Tôi vừa mừng vừa lo. Hôm sau, tôi ăn mặc thật chỉnh tề, sang bên Phủ Chủ tịch. Lâu ngày rồi, vì 25 năm đã trôi qua, tôi không nhớ tất cả và nhớ từng câu Bác hỏi, từng lời tôi thưa. Nhưng có nhiều câu Bác nói thì chắc rằng không bao giờ tôi quên. Vì nó là những bài học làm người, những bài học rất mới. Mới là vì không có gì là cao xa.
Nói đến công việc của tôi hàng ngày, Bác khen tôi chịu khó, một mình mà cáng được cả công việc của hơn hai chục người. Tôi đương tủm tỉm vì được Bác khen, thì Bác bảo: Sao không chia việc cho người ta làm? Không ai là người vô dụng đâu. Mình làm cho họ thành vô dụng, thì nhàn cư, họ sẽ vi bất thiện đấy.
Bác hỏi tôi, mỗi ngày đọc năm báo hàng ngày và một ít bài của hàng tuần, thì có đọc kỹ không? Còn ai dám nói với Bác là đọc kỹ! Tôi đáp chắc còn nhiều thiếu sót lắm. Bác lại hỏi:
- Có đọc quảng cáo không?
- Thưa không ạ.
Bác lắc đầu:
- Phải đọc hết.
Đến lề lối làm việc của tôi, tức là đọc các bản in rập, thấy có chữ nào, câu nào hại cho đường lối chính trị, thì xoá đi và ký tên ở cạnh, Bác ân cần căn dặn tôi: Kiểm duyệt với báo chí phải thân với nhau. Người ta đã đặt hết tâm trí mới viết ra bài, cũng như đẻ được một đứa con. Nay mình thấy cái mặt, cái tay đứa bé có vết hoặc có ghẻ, thì mình phải bảo người ta chữa, và chữa như thế nào. Chính quyền là của nhân dân, cơ quan ngôn luận cũng là của nhân dân. Chính quyền phải giúp ngôn luận tiến bộ. Chú phải gần gũi các báo để hướng dẫn họ.
Tôi nghĩ, rồi thưa thật rằng việc này khó quá. Tôi không gặp người viết bao giờ. Và cũng vì bận quá nên không thể gặp gỡ riêng ai được. Và một lo ngại nữa là tôi sợ trình độ của tôi kém quá, không thể làm nổi.
Nghe thấy vậy, Bác mở từng tờ báo để ở trên bàn. Tôi thấy nhiều bài và cả quảng cáo nữa, có những nét gạch bằng bút chì xanh và bút chì đỏ. Bác bảo gạch bằng bút chì xanh là lỗi về chính trị, gạch đỏ là lỗi về chữ nghĩa, ví dụ lỗi chính tả, lỗi mẹo luật, lỗi đặt câu, ý ngắn mà lời quá dài, văn cầu kỳ không đúng chỗ, hoặc có chữ khó hiểu.
Bác lấy tờ Quốc gia làm thí dụ. Tôi thấy nhiều gạch xanh đỏ quá. Tôi nói:
- Thưa Cụ, cháu ngại nhất là phải đọc tờ này, vì bài kém, in cũng kém.
- Thế mới càng phải đọc chứ.
Câu nói làm tôi sửng sốt.
Những ngày này, đất nước ta vừa phải chịu những sóng gió từ bên ngoài vừa phải lo diệt giặc đói, diệt giặc dốt ở trong nước. Bác là người đứng mũi chịu sào trước cơn phong ba bão táp này, Bác để thì giờ nào mà đọc tất cả các báo, lại đọc kỹ hơn cả tôi là người có nhiệm vụ phải đọc, để Bác chú ý không những đến lầm lỗi về chính trị, mà cả đến lầm lỗi về câu, về chữ?
Nghe Bác nói về câu và chữ, tôi càng phải suy nghĩ. Bác ở nước ngoài mấy chục năm, đã từng viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, thế mà sao Bác không quên tiếng mẹ đẻ, còn thạo hơn cả những người chỉ ở trong nước và sinh nhai bằng chữ nghĩa của nhà.
Sau hôm đó, cứ hàng tháng, Bác lại triệu tập chúng tôi một lần vào Phủ Chủ tịch. Ngoài đường lối chính trị, Bác luôn luôn khuyên chúng tôi phải viết cho dễ hiểu. Bác bảo viết để người kém hiểu được hãy nên viết. Phải viết ngắn, gọn. Trong một tờ báo, bài ngắn bao giờ cũng được đọc trước tiên.
Một lần, trái với thường lệ, Bác không triệu tập chúng tôi vào ngày làm việc, buổi chiều, mà lại vào ngày chủ nhật, buổi sáng? Thì ra Bác định cho chúng tôi ăn sáng với Bác. Buổi ấy, Bác vui lắm. Đối với báo Cứu quốc là báo của Mặt trận, và nhất là đối với anh kiểm duyệt, thay mặt chính quyền, không những Bác không nghiêm như những lần trước, mà Bác còn cho hai người này ăn thêm nửa chiếc bánh của Bác. Bác bảo không phải Bác thiên vị, mà là Bác đền cho hai chú vẫn bị Bác phê bình gay gắt.
Giữa lúc chúng tôi đương cười vui, thì Bác hỏi tới báo Quốc gia và cầm cốc cà phê của Bác, sẻ cho anh ta một phần:
- Thưởng cho chú để chú cố gắng!
Câu nói toát ra tấm lòng thương mênh mông vô hạn đối với một người còn yếu kém về trình độ.
... Mỗi lần được họp với Bác, chúng tôi đều thấy sáng về chính trị và lớn dần về nghề, cả nghề viết báo lẫn nghề viết văn. Mỗi lời nói của Bác là một bài học rất mới…
(Lược trích theo sáchNgười là Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995).
Giờ phút thấy mình hạnh phúc nhất
… Tính lại trên năm chục năm trong nghề, tôi cũng được nhiều lần sung sướng đến rớm nước mắt. Nhớ nhất là lần chúng tôi lặn lội lên Tây Nguyên diễn cho cả ngàn bộ đội xem tuồngChị Ngộcủa Nguyễn Lai trước khi hạ đồn Măng Đen. Tôi trong vai ông Bằng, bà Liễu trong vai chị Ngộ. Cứ mỗi lớp chúng tôi bước ra sân khấu là toàn thể bộ đội vỗ tay như sấm dậy rồi lại hô vang như tiếng gào thét của núi rừng: Hãy trả thù cho chị Ngộ!... Còn lần nữa, đó là lần được diễn cho Bác Hồ và các đồng chí Trung ương xem.
Tôi không ngờ cái nghề diễn tuồng mà trước kia bị xem là “xướng ca vô loài” lại được Bác Hồ và các đồng chí Trung ương ngồi xem trân trọng đến thế. Ngày còn ở miền Nam, tôi chỉ ước ao được nhìn thấy Bác là thỏa nguyện lắm rồi. Ấy thế mà bữa đó, Bác còn bước lên sân khấu bắt tay anh chị em chúng tôi, lại ân cần dặn dò:
- Nghệ thuật của cha ông để lại hay lắm, tốt lắm! Phải giữ gìn cho được. Nhưng chớ có gieo vừng ra ngô!
Ngoài những lần đó ra, điều làm cho chúng tôi sung sướng nhất là nhờ sự dìu dắt của Đảng chúng tôi đã làm cho nhân dân yêu thích tuồng và quý trọng nó...
(Lược trích theo sáchBác Hồ với văn nghệ sĩ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1995).
Cây đàn của Bác
Hội trường Câu lạc bộ Quân đội chưa hôm nào đông người đến dự như hôm ấy. Chúng tôi sắp mở màn một chương trình đặc biệt để chào mừng Đoàn văn công quân đội Liên Xô sang thăm nước ta. Thực ra thì chương trình biểu diễn của chúng tôi cũng không có gì mới so với những đêm biểu diễn gần đây. Nhưng cái mới lại ở phía khán giả: lần đầu tiên từ sau hoà bình lập lại, một đoàn nghệ thuật nước bạn đến thăm ta. Tâm lý chung của chúng tôi, cả diễn viên lẫn khán giả quân đội đều muốn biết các đồng chí bạn đánh giá, hưởng ứng nền nghệ thuật dân tộc còn non trẻ của ta như thế nào.
Riêng tôi, tôi rất hồi hộp. Tuy tôi đã biết đàn từ hai chục năm nay, ba tôi dạy tôi đàn từ năm lên 10 tuổi, năm tôi 15 tuổi đã biết cắp đàn đi kiếm cơm thiên hạ, nhưng từ khi mất một cánh tay, tập đàn ghi ta bằng một tay đến giờ, tôi chưa tham gia buổi biểu diễn nào quan trọng như buổi này.
Sau buổi diễn, tôi chưa kịp đứng dậy chào thì một tràng vỗ tay đã rộ lên, nhất là ở hàng ghế các đồng chí bạn. Tiếng vỗ tay đòi tôi phải đàn lại lần thứ hai. Lần thứ hai vừa dứt thì lại tiếp một tràng vỗ tay nữa không kém nhiệt tình. Theo lệnh của Đoàn trưởng, tôi đàn thêm lần thứ ba, rồi lại phải đàn lại lần nữa…
Lần nào tôi cũng cố gắng đàn cho trọn vẹn, nhưng hầu như không có lần nào tôi thật hài lòng với mình cả. Hình như tôi chưa tự tin lắm ở mình. Đáng lẽ phải tập trung tư tưởng để thể hiện đúng tình cảm bài nhạc thì hình như tôi lại quá quan tâm đến vấn đề thành công hay thất bại nhiều hơn. Đến hết lần thứ tư, Đoàn trưởng ra lệnh đóng màn. Nhưng lá màn sân khấu chưa kịp buông xuống thì các đồng chí bạn đã đứng cả dậy, chạy lên sân khấu ôm lấy tôi thân thiết, xúc động.
Tôi lúng túng ngước lên bắt gặp đôi mắt của một đồng chí bạn long lanh ướt. Tôi bàng hoàng cả người, gần mười lăm năm sống với sân khấu, chưa bao giờ tôi gặp một đối tượng khán giả nào hoan nghênh mình nhiệt tình đến thế, mặc dầu tôi biểu diễn hãy còn nhiều thiếu sót.
Đồng chí đoàn trưởng bạn đã kéo tôi xuống ngồi cạnh cho đến hết buổi biểu diễn. Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, đầu óc còn chưa bình thường thì một tin mừng đột ngột đến với tôi. Tin vui như một luồng ánh sáng cực mạnh rọi tới làm tôi bàng hoàng cả người: Tôi được Bác gọi lên hỏi chuyện. Các đồng chí cùng đơn vị cũng rất mừng cho tôi được gặp Bác. Các đồng chí xúm lại mặc cho tôi bộ quân phục mới nhất, cắt tóc cho tôi, ngắm vuốt cho tôi từng tý. Hình như qua sự chăm sóc cho tôi, các đồng chí cảm thấy mình cũng có phần được đi gặp Bác.
Gần 7 giờ sáng, một chiếc commăngca đến đón tôi đi. Chiếc xe đi trong phố đông người mà tôi tưởng như đi trong giấc mộng. Bác hỏi tôi về tình hình tập kết, về sức khoẻ ba má tôi. Lần đầu tiên gặp Bác mà sao tôi cảm thấy Bác gần gũi thân thiết lạ thường. Bác bảo: Hôm qua cháu phục vụ các đồng chí Liên Xô được hoan nghênh lắm nên hôm nay Bác gọi đến để hỏi chuyện.
Bác nói thêm: Cháu về thăm Bác hôm nay như về thăm gia đình, cứ nói chuyện tự nhiên, không phải bỡ ngỡ gì.
Đến lúc Bác nắn nắn cánh tay còn lại của tôi như người cha lâu ngày mới gặp muốn xem con ốm, mập ra sao thì tự nhiên nước mắt tôi trào ra, không ghìm lại được nữa. Bác ân cần và nhân hậu hơn cả một người cha: Cháu bị thương từ hồi nào? Cháu tập đàn một tay thế có gian khổ không?
Bác bảo tôi cứ kể chuyện thoải mái, Bác sẵn sàng nghe chuyện tôi cả sáng nay. Thú thực, lúc được Bác cho gọi, tôi cứ tưởng mình chỉ được gặp Bác độ mươi phút là cùng và trong khoảng thời gian quý báu ấy, tôi sẽ được nghe Bác dạy bảo là chủ yếu. Tôi có ngờ đâu thì giờ của một vị Chủ tịch nước quý như vậy Người lại bỏ cả ra một buổi sáng để hỏi chuyện tôi, một diễn viên nhạc bình thường như bao nhiêu anh chị em diễn viên khác.
Trước sự quan tâm của Bác, trước cặp mắt dịu dàng khuyến khích của Bác, những e dè đầu tiên của tôi vụt tiêu tan. Bác chăm chú nghe, đôi mắt đầy thông cảm. Đến những cảnh khổ tôi phải chịu, mắt Bác long lanh chớp chớp. Qua đôi mắt ấy, tôi biết Bác đã hiểu hết tình cảnh và tâm tư nguyện vọng của nhân dân miền Nam dù rằng trong những ngày gay go gian khổ, Bác chưa vào thăm được.
Bác nghe chuyện tôi cả buổi sáng hôm ấy, Bác giữ tôi lại ăn cơm với Bác.
Khi tôi xin phép Bác ra về để Bác đi nghỉ, Bác hỏi tôi: Bây giờ cháu tập đàn còn khó khăn gì không? Tôi báo cáo với Bác là do tôi gẩy đàn ở trên cần đàn nên tiếng không vang được, tôi đang hy vọng đoàn sẽ sắm cho cái máy tăng âm.
Bác gật đầu và bảo tôi chiều lại đến đàn cho Bác nghe, Bác muốn nghe riêng những bài tôi sẽ đàn tối nay. Tối nay là tối Bác thết tiệc Đoàn nghệ thuật quân đội Liên Xô. Buổi chiều, theo lệnh Bác, tôi và anh Phan Nhung đàn cò cùng em Thiện, một em bé miền Nam có giọng hát hay, đến chỗ Bác.
Chúng tôi đến thì đã thấy Bác để sẵn cho chúng tôi cây đàn ghita có cắm điện và bộ phận tăng âm. Chúng tôi hát và đàn để Bác nghe. Sau đó Bác bảo tôi đàn riêng với cây đàn mới có cắm điện. Tiếng đàn rung lên vang khắp căn phòng. Tôi sung sướng được đàn riêng để Bác nghe.
Sau buổi phục vụ, Bác khen tôi có chí rồi Bác thưởng cho tôi cây đàn và chiếc máy tăng âm mà tôi ao ước từ lâu. Tôi sung sướng cắp cây đàn Bác cho, anh Phan Nhung xách chiếc máy tăng âm. Tuy không nói ra nhưng tôi đã thầm hứa với Bác: Suốt đời, cháu sẽ cố gắng để xứng đáng được sử dụng, gìn giữ những vật quý Bác cho này.
Khi chúng tôi ra về để chuẩn bị cho buổi tiếp xúc tối nay. Bác dặn chúng tôi:
- Các cháu được các đồng chí Liên Xô rất yêu mến vì các cháu thay mặt cho quân đội ta, cho nhân dân ta. Người ta càng yêu các cháu bao nhiêu, người ta lại càng yêu quân đội ta, nhân dân ta bấy nhiêu cho nên các cháu phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Dọc đường về, từng lời từng ý Bác dặn cứ vang lên trong tâm trí tôi, và đến lúc đó tôi mới thấm thía ý nghĩa của từng câu Bác dặn: “Các cháu được các đồng chí Liên Xô rất yêu mến vì các cháu thay mặt cho quân đội ta, cho nhân dân ta…”. Tôi chợt giải đáp được cái ngỡ ngàng khó hiểu tối qua của tôi khi được các đồng chí Liên Xô hoan nghênh quá mức. Các đồng chí Liên Xô đã nhìn thấy qua trường hợp tôi một dân tộc yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, nhưng khi cần thiết phải cầm vũ khí để bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ lý tưởng của mình thì dân tộc ấy sẵn sàng hy sinh tất cả.
Suốt 14 năm qua, cây đàn và bộ máy tăng âm Bác cho, cánh tay phải Bác chắp lại cho tôi, lúc nào cũng ở bên tôi qua hàng ngàn đêm biểu diễn. Tôi nguyện sẽ đem cả cuộc đời làm nghệ thuật của tôi để thực hiện những ước mơ cao đẹp mà Người đã dẫn dắt tôi đi từ một phần tư thế kỷ này…
(Lược trích theo sáchChúng ta có Bác Hồ,Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1999).
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)