Chỉ mục bài viết

 

Những  ngày sống đẹp

… Hôm nay 10-4-1952, chuẩn bị đến ngày khai mạc Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân. Các chiến sĩ đang hoàn thành việc viết báo cáo thành tích.

 Chúng mình rất lo, chiến sĩ đã đến đủ cả. Anh em viết chỉ có bốn người! Mà chiến sĩ thì đông: Các đoàn Liên khu 3, Liên khu 4, Liên khu 5, các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 351, Bình Trị Thiên, Liên khu Việt Bắc, đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ, cộng 104 người.

30-4-1952. Tối nay khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Trước ngày tới địa điểm, mình hành quân với đoàn “người ốm và cụ già”, cùng chị Tám, anh Bẩm, cụ Đĩnh, cụ Vấn, Nguyễn Huy Tưởng...

 Ba giờ chiều, hai đoàn chiến sĩ công - nông nghiệp múa kết đoàn, do anh Ngô Gia Khảm dẫn đầu đang đến chào thăm đoàn bộ đội thì Bác đến. Bác mặc quần áo ta màu nâu sẫm, đi dép cao su đen, cổ khoác cái khăn mặt. Tóc Bác bạc, răng trắng, da hồng. Bác đi nhanh vào nhà. Mình và Mai Văn Hiến nhảy vọt qua cửa sổ lên sàn. Thấy anh em xông đến đông quá, Bác “chạy” ngay. Bọn mình đuổi theo Bác, quăng hết cả dép lại. Anh em hò reo: - Bác là của ai? - Của chúng ta!- Bác của ai? - Của chúng ta!...

 Vào hội trường, Bác phê bình tranh vẽ đồng chí Xuphanuvông chưa giống và nói cần có thêm khẩu hiệu quốc tế. Anh chị em cứ quây quanh Bác mãi đến khi Bác bảo giải tán mới chịu về.

 Trước đó, Đinh Nói và chị Chiên được Bác giữ lại hỏi chuyện giữa đường, sau về nhà mới biết là Bác. Quãng bốn giờ chiều, Bác đến thăm đoàn chiến sĩ quân đội.

 Gần tối, Bác ngồi vui với anh chị em giữa bãi cỏ. Bác mời một cụ và chị Song Kim hát chèo, Bác chữa cho từng câu hát sai. Tối nhảy tập thể, Bác gom nam nữ thanh niên lại, khuyến khích nhảy cho vui.

 Tối, vào hội trường, Bác chỉ huy vỗ tay hoan hô các chiến sĩ báo cáo. Bác đánh nhịp cho hát nữa. Bác đi ở hội trường ung dung như đi trong nhà, trong gia đình. Bác đọc diễn văn khai mạc rồi anh Thận, anh Việt, bác Thắng, anh Văn lên nói. Đại biểu chiến sĩ già nhất Đại hội, 68 tuổi và chiến sĩ gái trẻ nhất phát biểu. Bác ôm hôn em gái nhỏ và tặng lại bó hoa rừng của Bác cho ông cụ râu bạc như cước.

 01-5-1952. Gần tối, Bác "đột kích" vào hội trường, ngồi dãy ghế dài không ai biết. Bác báo tin có anh em công nhân xưởng X sắp đến thăm Đại hội, đề nghị cử ba chiến sĩ công nông binh chuẩn bị ý kiến cám ơn anh em. Rồi Bác dẫn đầu đoàn người ra đón khách, y như một chính trị viên Đại hội. 

Đoàn khách vào hội trường. Các em thiếu nhi áo quần xanh lơ, mũ calô xanh lơ, vẫy quốc kỳ và cờ các nước bạn, giơ cao biểu ngữ mừng ngày 1 tháng 5 và chân dung Hồ Chủ tịch. Trong khi các đại biểu nói, Bác ngồi xuống ôm lấy các cháu thiếu nhi, như ông bế cháu trong nhà. Cuối cùng, Bác thay mặt cả chủ và khách cám ơn lẫn nhau, rồi Bác đứng ở giữa, ra hiệu cho hai đoàn quay đằng sau, từ biệt. Cả hai đoàn đều ngoái lại nhìn Bác, ai cũng vui sướng, nghẹn ngào. Đồng chí Ngô Đinh Đàn âu yếm quạt cho Bác và cố sức bước theo Bác...

 02-5-1952.Bác đột ngột vào lán bọn mình. Bác hỏi: “Ai ở đây”. Anh Vũ Cao thưa: “Thưa Bác, mấy anh em phục vụ ạ”. Bác bảo: “Ai mà chẳng phục vụ”. Rồi Bác đi vào góc lán, nhìn quanh. Bọn mình hố quá, vì trật tự nội vụ chưa được tốt. Phải ngăn nắp hơn nữa. May mà Bác không phê bình.

 Bác luôn chủ động, tự tay cầm đèn soi cho báo cáo viên khi điện yếu. Từ sáu rưỡi đến tám rưỡi sáng, các anh Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Cao Viết Bảo báo cáo. Chiến sĩ Phạm Văn Tham ra sức hò xen vào những câu ca dao phần lớn do anh em văn nghệ viết.

Tối, Bác điều khiển Đại hội. Sau giờ giải lao, Bác gọi các vị Chủ tịch đoàn lên ghế. Bác kêu: “Cô Chiên đâu?”. Chiên từ ngoài đồi chạy vào: “Thưa Bác cháu đây ạ”.

 Chiên ngồi lên ghế Chủ tịch đoàn, oằn mình. Có lúc chị rút khăn lau mồ hôi trán. Bác vội đứng dậy tới bên Chiên, cúi xuống hỏi. Chiên bối rối lắc đầu, tỏ ý không đau. Rồi chị cố gắng cười, vỗ tay. Nhưng sau đó Bác thấy có lúc Chiên khẽ nhăn mặt, Bác buộc Chiên phải về nghỉ. Bác biết Chiên yếu nhiều vì những đòn tra tấn dã man của giặc.

03-5-1952. Sáng, chị Chiên và Giáp Văn Khương báo cáo kết quả khá. Sau khi chị Chiên báo cáo, Bác đập mạnh tay xuống bàn, nói: “Báo động! Có máy bay địch tới!”. Cả Đại hội chạy ra hầm, nhanh và trật tự. Trở vào, Bác tuyên bố là tập báo động thôi và nhận xét về công tác phòng không, cần phải chu đáo, chớ chủ quan.

 04-5-1952.Kết thúc Đại hội....

(Lược trích theo sáchBác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995).

Bác đến Đại hội Nhà báo

… Những người viết báo chúng tôi thường may mắn được nhiều dịp gặp Bác. Riêng tôi ghi nhớ sâu sắc nhất là lần Bác đến nói chuyện tại Đại hội Nhà báo lần thứ hai.

 Bác đến, thể hiện sự chăm sóc của lãnh tụ đối với cán bộ và còn là sự quan tâm của một người viết báo lão luyện đối với lớp người sau. Chúng tôi hồ hởi đợi chờ. Hàng ngày ở toà soạn, chúng tôi thỉnh thoảng được nghe các đồng chí ở văn phòng Phủ Chủ tịch cho biết là Bác đã đọc bài báo này, bài thơ nọ và có ý kiến nhận xét rất cặn kẽ về những bài ấy. Có lần báoLao độngchúng tôi đăng một bài thơ vui trong mục “Nói thật không mất lòng” phê bình một công trường đã để nhà tắm nữ bị bên nam phá vách thôn tính, chị em làm việc xong không có nơi tắm nữa. Bài thơ đó đã được Bác đọc và chuyển đến các đồng chí lãnh đạo công trường. Hôm sau đi công tác lên Thái Nguyên, tôi đã thấy nhà tắm của công trường ấy được sửa sang tử tế, có giờ giấc phục vụ công nhân nam nữ chu đáo. Còn nhiều chuyện tương tự như vậy ở báo này hoặc báo khác mà chúng tôi gặp nhau thường hay truyền miệng cho nhau nghe. Mỗi lần như vậy chúng tôi thường thè lưỡi bảo nhau: May mà bài báo ấy đúng sự thật không thì chết!

 Bác quan tâm đến báo chí như vậy cho nên lần này Bác đến Đại hội chắc chắn là có nhiều chuyện thú vị lắm! Một số anh em chúng tôi bàn mảnh: Chuẩn bị mà nghe ông Cụ “điểm báo”!

 Sau khi chúng tôi nghe đồng chí Trường Chinh nói chuyện rất bổ ích thì Bác đến. Ngay từ phút đầu, Bác đã đem đến Đại hội không khí sôi nổi và tươi vui. Có thể nói hội trường hôm ấy vang lên tiếng cười thoả thuê từ đầu buổi đến cuối buổi. Riêng tôi, và một số bạn khác, chúng tôi cười đến chảy nước mắt. Hôm ấy, Bác vui lạ. Bước lên bục nói chuyện, Bác để chồng báo xuống và giơ hai tay ra hiệu ngồi xuống rồi Bác nói rất dí dỏm:  Mời toàn thể “an tọa”!

 Bác nhấn chữ “an toạ” cho vui, nhưng thực ra tôi hiểu là Bác có ý bảo rằng những người viết báo là sính dùng danh từ như vậy. Chắc mọi người cũng hiểu thế, cho nên nghe Bác nói cả hội trường ròn vang tiếng cười.

 Bác bảo mọi việc đồng chí Trường Chinh và anh Hoàng Tùng đã nói đầy đủ, Bác chỉ nói về nghiệp vụ thôi. Chúng tôi chăm chú nghe Bác nói về kinh nghiệm của Bác hồi viết báo ở Pháp, chuyện Bác dày công luyện tập khi viết một bài từ ngắn đến dài, rồi từ dài đến ngắn v.v..

 Nhận xét về báo chí của ta, Bác khen là đã đạt được thành tích rất đáng kể. Bác vui vẻ giới thiệu tỉ mỉ một số nhược điểm, khuyết điểm của các báo trong việc trình bày, trong văn phong, chạy tít đưa ảnh… Mấy phút im lặng. Bác lấy ra một tập báo Bác mang theo đã đánh dấu sẵn. Chúng tôi hồi hộp đợi chờ, lo lắng, không biết báo mình, bài mình có được nêu lên không? Bác cầm một tờ báo hàng tuần có in ảnh một nữ công nhân đang ngồi. Ảnh cỡ lớn, chiếm toàn bộ trang nhất, Bác giơ cao cho mọi người xem rồi hỏi: "Cô này đang ngồi làm gì đây?"

 Chúng tôi cũng chịu. Chỉ biết đó là một cô công nhân cũng khá xinh, để trang nhất cũng đẹp. Thế là Bác chỉ cho biết dùng một chiếc ảnh trên báo phải hết sức chú trọng nội dung, không được dễ dãi.

 Quay sang một tờ báo khác, Bác nói: Các chú là nhiều danh từ lắm! Thế “không phận” là gì? - Thưa Bác, là… là vùng trời ạ! - Thế gọi là vùng trời có phải ai cũng dễ hiểu hơn là dùng chữ “không phận” không? - Thưa Bác, dạ đúng như vậy ạ! Bác cười, khoả tay cho ngồi xuống. Bác nói thêm: Các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ chúng ta mỗi ngày một mai một đi. Bác lại lấy dẫn chứng: Chúng ta có hai chữ “vẻ vang” rất hay, lại không dùng, chỉ thích dùng chữ “vinh quang”. Nhiều người làm thơ lại gọi là quang vinh cho nó hợp vần.

 Bác lại lấy những tờ khác. Trên trang nhất tờ báo hàng ngày ấy có đưa tin về hai đoàn đại biểu trong phe xã hội chủ nghĩa cùng một ngày đến thăm nước ta. Bác chỉ vào đấy và phân tích: Như thế này là các chú bên trọng bên khinh. Hai đoàn đến cùng ngày tại sao lại đưa đoàn này lên trên, in chữ to, còn đoàn kia in chữ nhỏ, sắp ở dưới!

 Thật là sáng mắt! Bác còn chỉ rõ những chỗ sai lầm làm lộ bí mật về tài nguyên của quốc gia trong việc tuyên truyền trên báo. Đối với các báo chưa chú ý đầy đủ đến đối tượng của mình phục vụ, cũng được Bác nhắc nhở nghiêm khắc. Đến phần “điểm báo” địa phương. Bác kể cho nghe một câu chuyện mà không ai nhịn cười được. Nhân ngày sinh nhật Bác, tờ báo ở địa phương nọ có đăng thư của đồng bào chúc mừng Bác. Có đồng bào muốn chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu, lại viết là “chúc Bác bách niên giai lão”. Tờ báo ấy đăng nguyên văn như vậy.

 Bác cười và nhắc lại với mọi người: Họ chúc Bác “bách niên giai lão” mà báo cũng đăng đấy!

 Cái câu chúc mừng dành riêng cho cô dâu chú rể trong buổi thành hôn ấy, bỗng lại dành chúc thọ Bác làm mọi người càng cười dai dẳng. Thật chết cho cái bệnh sính chữ nghĩa.

 Những lần học nghiệp vụ, chúng tôi rất chú trọng học tập cách viết của Bác. Trong trang sử của Hội những người viết báo Việt Nam, chúng ta vô cùng sung sướng được có Bác - người viết báo lỗi lạc số một từ trước và hiện nay…

 (Lược trích theo sáchChúng ta có Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999).

Nhớ lại những ngày làm bộ phim

“Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”

 … Nói được một vài nét về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, đó là yêu cầu nội dung bộ phim mà mấy anh em chúng tôi phải thực hiện nhân ngày mừng thọ Bác bảy mươi tuổi (19-5-1960).

 Cách đây hơn mười năm, khi chúng tôi được làm phim về Bác, chắc chắn Bác sẽ không tán thành nếu như bộ phim đó không do Trung ương quyết định. Bác không muốn nhắc tới mình, mặc dù công lao của Bác đối với giai cấp, đối với nhân dân như trời biển. Hôm anh em tới quay cảnh Bộ Chính trị họp, vì hồi hộp, lúng túng không biết bố trí ra sao, thì Bác đã chủ động “đạo diễn” cho anh em quay phim. Đoạn đầu của bộ phim nhờ có Bác giúp đỡ đã thể hiện được tốt đẹp.

Tôi được đoàn làm phim trao nhiệm vụ nghiên cứu tập biên bản điều tra của Sở mật thám Pháp, theo dõi hoạt động của người thanh niên Việt Nam Nguyễn Ái Quốc những năm ở Pháp. Đó là một tài liệu đặc biệt hiếm có. Những dòng chữ khô khốc của thứ văn chương sen đầm đó đã làm dấy lên trong lòng tôi niềm xúc động thương cảm vô hạn bởi lịch sử đã đặt vận mệnh của cả dân tộc lên đôi vai mảnh dẻ của Người.

 Cuộc đời hoạt động của Bác Hồ vô cùng phong phú và vĩ đại. Bộ phim chỉ nói được một phần, cũng vì vậy, chúng tôi chỉ dám đặt tên phim làVài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Được Trung ương hết lòng giúp đỡ, bộ phim đã hoàn thành kịp thời. Đó là một điều vui mừng lớn của chúng tôi.

 Khi xong phim, được mang phim vào chiếu trong Phủ Chủ tịch, mỗi người chúng tôi vừa sung sướng, vừa hồi hộp. Mọi lần mang những thước phim khác vào chiếu để Bác xem, ai cũng có tâm trạng như vậy. Huống chi lần này lại chiếu một bộ phim nói về Bác. Buổi chiếu được tổ chức ngay ở ngoài sân. Đúng 19 giờ, Bác tới. Không khí trang nghiêm hẳn lên. Bác tươi cười hỏi: “Các chú có muốn nghe hát không?”. Tất cả trả lời: “Có ạ!”. Bác liền chỉ tay vào một đồng chí nữ danh ca hôm đó cùng ngồi xem và bảo chị hát cho mọi người nghe. Chị liền đứng dậy hát một bài dân ca miền Nam. Sau tràng vỗ tay tán thưởng của mọi người, Bác lại quay sang hỏi: “Các chú có muốn nghe một bài hát nữa không?”. Tiếng trả lời “Có ạ” lại vang lên. Bác trả lời rất vui: “Thế thì để đến lần sau”. Mọi người cười rộ trong tình cha con thoải mái và thân mật quá. Bác cũng cười theo.

 Phim bắt đầu chiếu. Hầu như suốt buổi chiếu tôi chỉ đăm đăm nhìn Bác. Bác xem rất chăm chú. Thốt nhiên, Bác đưa tay chấm mắt. Tôi giật mình xao xuyến nhìn vội lên màn ảnh. Bác xúc động vì hình ảnh về một địa phương xa xôi, nơi Bác để nhiều kỷ niệm, hay về hình ảnh một đồng chí quốc tế ngày nay không còn nữa…

 Phim chiếu xong. Dường như đoán biết ý chúng tôi mong chờ ý kiến Bác. Bác chỉ tay vào chỗ mọi người ngồi xem bảo: “Các chú hỏi ý kiến quần chúng đi đã”.

 Từ ngày đó tới nay, ý định được làm một bộ phim nữa về Bác nung nấu trong tôi. Nhưng đến nay, Bác đã vĩnh biệt chúng ta! Nghĩ tới Bác, tới công ơn của Bác, ý định trên của tôi càng thêm da diết. Đời đời ơn Bác, tôi sẽ ra sức làm phim cho hay hơn, cho tốt hơn, trong đó ước mơ của tôi là được làm những thước phim về Bác kính yêu…

(Lược trích theo sáchMuôn vàn tình thân yêu,Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1975).

Hai thế hệ trí thức đi theo con đường của Bác

Mùa Xuân Bính Thân 1956, Hà Nội đón cái Tết thứ hai từ khi Đảng và Bác Hồ về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến gian khổ. Nhưng Xuân Bính Thân 1956 cũng là mùa Xuân báo trước dã tâm vi phạm Hiệp định Giơnevơ, phá hoại tổng tuyển cử, thống nhất Tổ quốc của kẻ thù. Dường như tiên đoán được những điều đó, nhân dân Thủ đô đón Xuân nhưng vẫn nhớ đến miền Nam, muốn bày tỏ tình cảm với Bác Hồ và thể hiện quyết tâm sản xuất xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh làm hậu phương vững chắc và sẵn sàng chi viện cho miền Nam thành đồng Tổ quốc. Trong số hàng trăm lá thư của các tầng lớp nhân dân Thủ đô gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện đang lưu giữ, có một bức thư của một học sinh lớp Nhì C mà sau này trở thành một trong những nhà khoa học danh tiếng của nước nhà. Với lòng kính yêu Bác Hồ, với lời lẽ ngây thơ, nội dung bức thư đó như sau:

 “Kính gửi Bác Hồ, cháu là Tôn Thất Bách học sinh lớp Nhì C Trường Tiểu học Nguyễn Du. Hôm nay nhân ngày Tết cháu viết thư lên Bác. Cháu chúc Bác khoẻ mạnh để lãnh đạo toàn dân và cuối cùng cháu xin hứa với Bác cố gắng học tập chăm chỉ, giúp đỡ các bạn học sinh cùng tiến bộ để cùng vào Đội như cháu và để trở thành đội viên gương mẫu”.

 Phát huy truyền thống gia đình, vâng lời Bác Hồ dạy, giữ đúng lời hứa với Bác và quyết tâm đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, cậu học sinh lớp Nhì C năm ấy, con trai của Giáo sư Tôn Thất Tùng, người vinh dự được Bác Hồ đặt tên, nay là Giáo sư Tôn Thất Bách, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viện sĩ Y khoa.

 Tùng, Bách, phải chăng ý của Bác là mong trí thức Việt Nam mãi mãi tươi xanh, vững vàng như cây bách, cây tùng.

 (Lược trích theo sáchMãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999).

Bác Hồ với hai nghệ sĩ quân đội

... Nghệ sĩ Kim Ngọc - một giọng ca vàng của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị - đã nhiều lần được gặp Bác Hồ. Một lần, chị và hai diễn viên Thuỳ Chi, Xuân Đức được vào hát cho Bác nghe. Hát xong, lúc trở về, Bác chia kẹo cho từng người và thơm lên trán mỗi người. Bác nói: “Các cháu chỉ được thơm một cái thôi, Bác còn để dành cho các chiến sĩ của Bác”.

 Năm 1957, Đoàn Ca múa quân đội sang biểu diễn ở Triều Tiên đúng dịp Bác đang thăm nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Bác đến để thăm hỏi và động viên đoàn. Năm 1959, nghệ sĩ Kim Ngọc sinh cháu đầu lòng, thật là một tin vui cho gia đình nghệ sĩ. Sau khi sinh cháu, chị lại được gặp Bác. Vì vừa sinh con nên sức còn yếu, có lúc thấy giọng hát chị đuối dần.

 Bác nói với chị: “Cháu vừa sinh nở, người gầy lắm, phải chú ý bồi dưỡng cho mau lại sức”. Chị thưa với Bác là do sức khoẻ kém nên tiếng hát không được như trước. Bác lại bảo: “Thế thì cháu phải đi học thêm về ca nhạc dân tộc… chân không đến đất, cật không đến trời, thì không ứng dụng được đâu...”. Vâng lời Bác, sau đó chị đã xin đi học một lớp dân ca và nhờ đó sức hát lại lên.

Nghệ sĩ Tường Vi - một giọng ca được nhiều người yêu mến - cũng có hạnh phúc được gặp Bác nhiều lần, không phải chỉ gặp Bác mỗi khi vào biểu diễn phục vụ chiến sĩ ở tuyến lửa, ở nơi xa về. Những lần ấy Bác đều gọi vào và cho quà. Bác thường hỏi: “Nơi các cháu đi qua, đồng bào có bị đói không” và “Đơn vị các cháu đến, bộ đội có bị ghẻ không?”. Nghe câu hỏi của Bác, chị càng thấm thía sự quan tâm của Bác đối với mọi người...

 Nhưng lần ấy, Bác hỏi một câu mà nghệ sĩ Tường Vi và mấy bà mẹ trẻ là diễn viên của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị không thể ngờ tới: “Thế các cháu đi diễn dài ngày thì gửi con cho ai?”. Câu hỏi ấy làm cho các chị cảm động đến ứa nước mắt.

 Nghệ sĩ Tường Vi kể một câu chuyện rất riêng của mình. Đó là lần chị sinh cháu đầu lòng, không may cháu bị mất. Chị đau buồn quá đến phát ốm. Không rõ ai đã nói chuyện này với Bác, Bác cho gọi chị vào. Được Bác gọi, chị mừng quá, vội vào ngay. Bác nhìn chị hồi lâu rồi bảo: “Thôi, “thua keo này, bày keo khác”. Trông cháu thiếu máu quá, nghỉ hát, bồi dưỡng đã…”.

 Lần gặp Bác này, chị càng cảm nhận sâu sắc một điều: Bác quan tâm đến mọi người, đặc biệt là đối với các bà mẹ và trẻ em.

 Nghệ sĩ Tường Vi cũng kể đôi lời về “năng khiếu văn nghệ” của Bác. Một lần chị hát bài Phi đội ta xuất kích - một bài hát do chị sáng tác. Hát xong, Bác bảo: “Có một chỗ cao quá, bộ đội không hát được đâu. Lần sau, cháu phải chú ý sáng tác sao cho mọi người cùng hát được”.

 Bác lại bảo chị hát một bài hát nước ngoài, chị hát bài dân ca Nga. Bác gõ nhịp và hát theo, thì ra Bác cũng thuộc bài hát này. Và, theo nghệ sĩ Tường Vi, chị còn thấy Bác nhảy rất đẹp trong buổi liên hoan đón Tổng thống Xucácnô sang thăm Việt Nam...

 (Lược trích theo sáchMênh mông tình thương Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2002).

Một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh

… Cà phê tỏa hương thơm ngào ngạt, đồng chí Hồ Chí Minh tỏ vẻ hài lòng:

- Các đồng chí thứ lỗi cho: Tôi không xin phép trước được mời các đồng chí uống cà phê - Người nói, lẫn lộn tiếng Nga và tiếng Pháp.

Đồng chí Hồ Chí Minh cám ơn, nhận món quà của Antôcônxki, cám ơn cả tôi, như Người nói, vì tôi đã bỏ công mang cho Người cuốn sách, nhưng với những lời của tôi về Người như về một nhà thơ thì Người dứt khoát không tán thành. Đồng chí Hồ Chí Minh cứ thuyết phục tôi rằng Người không phải là nhà thơ, làm như tôi chưa hề đọc thơ Người hoặc không nhớ những vần thơ ấy. 

Chuyện trò với đồng chí Hồ Chí Minh thật thoải mái, như thể anh đã quen biết Người suốt đời rồi. Từ thơ ca câu chuyện chuyển sang các đề tài của văn học nói chung. Nhân tiện phải nói là đồng chí Hồ Chí Minh bắt từng người chúng tôi phải hứa rằng thế nào chúng tôi cũng phải viết về Việt Nam. 

- Thì hôm nay là ngày cuối cùng của các đồng chí ở đất nước chúng tôi, có đúng không? Nghĩa là, các đồng chí nhìn thấy đất nước chúng tôi. Và thấy nhân dân chúng tôi. Ấy đấy, bây giờ các đồng chí viết đi! Đừng bỏ qua ngóc ngách gay cấn nào hết, đừng im lặng làm ngơ chuyện gì hết. Chúng tôi quả sống vẫn còn rất nghèo, điều đó không thể không đập vào mắt các đồng chí. Các đồng chí cứ viết cả về điều đó, đừng ngại. Nói thật, đó là sự giúp đỡ tốt nhất của bạn bè. Văn học của chúng tôi, nghệ thuật của chúng tôi cũng luôn luôn tìm tòi những con đường để làm sao có thể kể một cách chân thực hơn và chân thành hơn cho nhân dân nghe về những mối lo âu và những suy nghĩ của nhân dân. Tất nhiên, ở chúng tôi cũng còn có những người trong giới văn học và nghệ thuật mà điều này còn chưa thấm tới tâm can của họ, biết làm sao được, - nhưng tôi muốn nói tới tuyệt đại đa số - và là điều quyết định! - phần lớn các nhà văn và các nhà công tác nghệ thuật của chúng tôi. Mà đó thực sự là những con người tiên tiến, những con người gắn bó với nhân dân chặt chẽ. Các bạn có gặp các nhà văn của chúng tôi không?

- Có ạ. Với Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, nữ thi sĩ Hằng Phương. Tiếc là nhiều người khác lúc này không có mặt ở Hà Nội.

- Sao lại đáng tiếc? Ngược lại, họ đi khắp đất nước là rất tốt. Và đến đây hóa ra là Chủ tịch biết gần như về tất cả mọi chi tiết công việc mỗi nhà văn đang làm. - Như tôi biết, Người nói, chính Tô Hoài, người mà các bạn đã gặp, hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu và tổ chức các đội du kích, cái đó cũng rất tốt. Hằng Phương, các bạn cũng đã làm quen với nữ thi sĩ ấy, trong thời gian cải cách ruộng đất đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó, thơ của cô ấy, như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn mà thôi. Và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy. Và như vậy là đúng, phải như vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta. Khi chúng tôi nói với các nhà hoạt động văn học nghệ thuật điều đó, bằng chính cái đó chúng tôi kêu gọi làm giàu cho họ chứ không phải là cho văn học và nghệ thuật nghèo đi. Chỉ có bọn thực dân Pháp âm mưu làm sa đọa những người Việt Nam có học, mà số người ấy mới ít ỏi làm sao! Chúng nói rằng nhân dân chỉ cần thứ văn hóa loại hai. Và vì thế chúng gửi sách sang đây không phải V.Huygô và A.Phrăngxơ mà là Klôt Farrê và sách của cái ông... tên ông ta là gì nhỉ, à hiện nay đang là Bộ trưởng...

 Chủ tịch nheo mắt cười mai mỉa: Bộ trưởng Bộ Văn hóa... của Đờ Gôn... à à Manrô... chúng rất quảng cáo ông ta. Và phim ảnh cũng vậy. Kể ra, thì họ phải ganh đua với ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tất nhiên lớn hơn nhiều. Còn bây giờ giới trí thức sáng tác của chúng tôi đang đi theo con đường đúng duy nhất: Xây dựng một nền văn học và nghệ thuật xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức.

Đồng chí Hồ Chí Minh lặng đi trong giây lát, suy nghĩ. 

Sau đó Người nói tiếp: Có điều các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải dứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác, nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xôviết chúng tôi thiếu, nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của dân tộc khác, chỉ riêng mặt nào đó - chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn học Trung Quốc, cái đó sẽ chẳng hay ho gì. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình. 

... Một lần nữa, Chủ tịch bắt chúng tôi hứa trở về sẽ viết về những điều đã thấy ở Việt Nam: Viết về mọi cái! Nếu các bạn thích cảnh trí lạ, mà các bạn thấy, hãy viết cả về nó, đó cũng là Tổ quốc của chúng tôi...

          Nhà thơ Liên Xô RUF BERSATXKI      

(Lược trích theo sáchNgười là Hồ Chí Minh,Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội,  1995).

Trí thức Sài Gòn giữ vững lời thề

… Tháng 9-1948, trên đường đi công tác ở ngoại ô Sài Gòn, tôi gặp lại anh Huỳnh Tấn Phát. Anh từ nội thành ra để trao đổi tình hình hoạt động của anh em Đảng Dân chủ trong giới trí thức tư sản. Anh nói: Anh chị em Đảng Dân chủ hoạt động tận tụy, có hiệu quả và giới trí thức tư sản thì đa số vẫn giữ vững lời thề độc lập của Thanh niên Tiền phong tại vườn ông Thượng, tháng 8-1945. Hàng chục trí thức cao cấp như tiến sĩ, bác sĩ, nha sĩ Nguyễn Xuân Bái; Michel Văn Vĩ, Phó giám đốc Ngân hàng Pháp - Hoa; dược sĩ Trần Kim Quan; kỹ sư Nguyễn Văn Đức; thương gia Phạm Văn Lạng… đều một lòng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân, gây ra nỗi thất vọng, phẫn nộ của Pháp và tay sai. Chính vì vậy, bọn tay sai Pháp lên tiếng xỏ xiên, nói họ là những trí thức “trùm chăn”, “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”, ăn lương của Pháp mà nói và làm theo Việt Minh.

 Năm 1949 và 1950, họ đã công khai ký vào 2 bản tuyên ngôn gửi cho Cao ủy Pháp Balalaert và đại tướng Revers - Tổng thanh tra quân đội Pháp ở Đông Dương. Hai bản tuyên ngôn mang hàng trăm chữ ký của trí thức tư sản có uy tín tại Sài Gòn, mạnh dạn lên án cuộc tái chiếm của Pháp và yêu cầu Chính phủ Pháp phải đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh, để lập lại hòa bình. Thái độ “trùm chăn” của họ là bất hợp tác với ngoại xâm, gián tiếp vạch tội bọn ngụy quyền bù nhìn. Thái độ ấy có tác dụng lớn đến tinh thần nhân dân Sài Gòn, đặc biệt là giới trí thức trẻ và các quan chức đàn em của các vị. Các cụ luôn có những cuộc họp bí mật bàn bạc về tình hình đất nước và động viên con em không hợp tác với địch.

 Những khi vùng chiến khu tạm yên ắng thì chúng tôi tổ chức mời các cụ bí mật vào tham quan bưng biền, xem điện ảnh và ca múa kịch, nhạc kháng chiến; thăm Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ mà hằng đêm các cụ đón nghe tin tức qua giọng trìu mến của hai phát thanh viên. Trong một lần đi như thế, cụ Michel Văn Vĩ vui mừng nói: “Tôi đã được bí mật kết nạp vào Đảng Dân chủ Việt Nam tại Sài Gòn, mang bí danh Huỳnh Đàn”. 

 Trường hợp cụ Nguyễn Xuân Bái cũng khá đặc biệt. Khi Mỹ tìm mọi cách o ép con trai cụ là tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh ra làm Phó Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn, thì cụ Bái vẫn xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo kháng chiến. Trong khi giữ chức Phó Thủ tướng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã kiên quyết không làm gì tổn hại đến cách mạng và dân tộc.

 Sau này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, các vị trí thức yêu nước có hành động mà anh chị em gọi là “tốc chăn” trái ngược với “trùm chăn”. Đó là việc thành lập một tổ chức chính trị: “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình” và cử một đoàn đại biểu vào chiến khu, do cụ Trịnh Đình Thảo đứng đầu. Với sự tham gia của các lực lượng này, Mặt trận thống nhất dân tộc được mở rộng và tăng cường sức mạnh đoàn kết. Bên cạnh lực lượng công - nông - trí thức hùng hậu lại có lực lượng trí thức tư sản điền chủ yêu nước thuộc nhiều xu hướng khác nhau.

 Chỉ có dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc ta mới thực hiện được sự đại đoàn kết rộng rãi như thế.

 Giới sử học nước ngoài coi hiện tượng “trùm chăn” và “tốc chăn” của lớp người tiêu biểu cho giới thượng lưu Sài Gòn là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử.

 (Lược trích theo sáchMãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999).

 Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: