Chỉ mục bài viết

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá; là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW sẽ làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Để góp phần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, đặc biệt là giúp mọi người hiểu thêm về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách làm việc, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài viết, bài nói của Người về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1. Về sự kết hợp tính nguyên tắc và tính linh hoạt, sáng tạo

“TINH THẦN TỰ ĐỘNG TRONG ỦY BAN NHÂN DÂN

Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú.

Nhiều Uỷ ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp. Ví dụ, nhận được chỉ thị phải tổ chức "Tuần lễ vàng", Uỷ ban nhân dân xã nọ đã biết chắc làng mình không ai có được một đồng cân vàng hay chỉ có rất ít, mà lại chủ trương chỉ lạc quyên độc một thứ vàng thôi, thì bảo đào ở đâu ra? Sao không biết quyên thóc, sắt, đồng, nếu làng ấy có nhiều các thứ ấy.

Khi có công tác thì đem thi hành một cách máy móc. Khi làm xong việc lại chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra mà làm nữa, cứ ỳ ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại.

Nhiều uỷ viên trong các Uỷ ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xở nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được. Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ.

Nhưng tự động không phải là tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu nghĩa tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng. Những ca bắt bớ, tịch thu tài sản bừa bãi thường xảy ra ở nhà quê.

Hành động như vậy, các Uỷ ban đó vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca.

Nói tóm lại, các nhân viên trong các Uỷ ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện...”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.44-45.

phan 1 b
Bác Hồ thăm khu Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá (Hà Nội) 2/1959.
Bác xem cả từng phần thức ăn của công nhân.  Ảnh tư liệu

“THƯ GỬI CÁC ĐỒNG CHÍ BẮC BỘ

…f) Làm việc lối bàn giấy

Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn.

g) Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm.

Trong những vùng chiến tranh lan đến, một số đồng chí đã tự tiện bỏ địa phương mình chạy sang vùng khác làm việc mà không hề có sự quyết định của đoàn thể, của cấp trên. Như vậy các đồng chí không những đã biểu lộ tinh thần kém cỏi, việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn không ưa thích thì bỏ, mà các đồng chí lại còn tỏ ra khinh thường kỷ luật của đoàn thể làm rối loạn hàng ngũ của đoàn thể.

Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc.

Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.89-90.

 “CÁCH LÃNH ĐẠO

… So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm.

Nghĩa là: Nói chuyện và bàn bạc với cán bộ như thế cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng. Nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với nhân dân. Đó là một vấn đề rất trọng yếu cho cách làm việc của Đảng.

Từ trước đến nay, nhiều nơi công việc không chạy, chính vì cán bộ không thực hành theo nguyên tắc đó. Nếu không làm theo nguyên tắc đó, thì dù chính sách hay trăm phần trăm, cũng hoá ra vô dụng.

Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:

1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.

2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.

3. Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ". Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.

4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.

5. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên".

Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.337-338.

“BỆNH MÁY MÓC

Một nhóm thợ đóng một cỗ xe ngựa rất khéo. Nhưng đóng rồi thì không dùng được. Vì cỗ xe to quá, đưa ra cửa phòng không lọt.

Nghe câu chuyện đó, ai không cười những người thợ kia là ngốc.

Song sự thật thì một số cán bộ ta vẫn thường "khoá cửa đóng xe" như những người thợ kia. Đó là họ mắc bệnh máy móc.

Vài thí dụ:

- Một đoàn thể kia báo cáo rằng: 85 phần trăm hội viên đã được huấn luyện. Tài thật! Nhưng khi xét lại, thì chương trình huấn luyện vẫn là "ba giai đoạn, bốn mâu thuẫn", và 85 phần trăm hội viên được huấn luyện kia vẫn không hiểu rõ công việc thiết thực của mình là gì.

- Một xã kia có đến 25 chương trình thi đua. Mỗi đoàn thể, mỗi ngành trong xã đều có một chương trình riêng, và không chương trình nào ăn khớp nhau hết. Kết quả là thi đua không có... kết quả.

- Tỉnh A báo cáo rằng: Phụ nữ toàn tỉnh góp quỹ Tham gia kháng chiến, và tỉnh có mấy vạn nữ du kích.

Xét ra thì thấy rằng: Tỉnh ấy đã ra lệnh bắt phụ nữ góp, và bắt phụ nữ có 3,4 con mọn cũng phải đi tập "một, hai".

Kết quả là không bằng tỉnh B đã biết dùng cách tuyên truyền giải thích cho nên phụ nữ đã xung phong góp quỹ nhiều hơn, và nữ du kích thì mạnh mẽ hơn.

- Khu nọ, trong một mùa đã có đến 450 cuộc đại hội. Đại hội chứ không phải hội nghị tầm thường đâu nhé! Kết quả là các cán bộ chỉ lo đi khai hội mà hết cả thời giờ, đến nỗi mọi công việc bị chậm trễ.

Bệnh máy móc ấy do đâu mà ra?

- Nó do bệnh chủ quan mà ra. Nó sẽ có hại gì?

- Nó sẽ làm hỏng công việc. Muốn chữa khỏi bệnh máy móc thì phải dùng cách gì?

- Đây là đơn thuốc chữa bệnh máy móc: Bất kỳ việc to việc nhỏ:

Phải xem xét kỹ lưỡng,

Phải bàn bạc kỹ lưỡng,

Phải hỏi dân kỹ lưỡng,

Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân,

Phải luôn luôn gần gụi dân.

Mong rằng các cán bộ ta cố gắng chữa hết bệnh máy móc, thì mọi việc sẽ đều thành công mau chóng”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, tr.307-308.

“CHỐNG NẠN GIẤY TỜ

Bộ Canh nông: Là một bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:

- Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.

- Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: Mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ.

- Không đúng nguyên tắc: Có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.

- Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được, phải gửi trả lại.

- Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển, mà nói cả những điều cần giữ bí mật.

Nguyên nhân: Vì không sát thực tế, không gần gũi quần chúng. Cán bộ chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị, thông tư... Nhưng không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị, là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế.

Cách chống nạn: Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên.

Kết luận: Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ. Nó là di tích của đế quốc và phong kiến, là hiện tượng tai hại của nạn quan liêu. Mà nạn quan liêu là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí.

Nhân dân rất mong các bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, tr.424-425.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp

Bài viết khác: