Nhật Bản
Năm 1956. Tháng 7, ngày 10
Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Văn hóa của Uỷ ban đoàn kết châu Á của Nhật Bản đang ở thăm Việt Nam. Nói chuyện với Đoàn, Người cảm ơn Đoàn đã sang thăm và tìm hiểu đất nước Việt Nam và chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển.
- Báo Nhân Dân, số 858, ngày 10-7-1956.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 6, tr. 300-301.
Năm 1957. Tháng 7, ngày 04
Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nhận tặng phẩm của các đại biểu hòa bình Nhật Bản.
- Báo Nhân Dân, số 1214, ngày 5-7-1957.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 6, tr. 480.
Năm 1960. Tháng 4, ngày 11
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Ủy ban Hòa bình và Hội Hồng thập tự Nhật Bản sang tiếp nhận kiều dân Nhật ở Việt Nam hồi hương.
- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 97.
Năm 1960. Tháng 6, ngày 01
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn đồng chí Xando Nôxaka, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản.
- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 106.
Năm 1961. Tháng 8, ngày 12
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Hội nghị quốc tế chống bom nguyên tử họp ở Tôkyô (Nhật Bản).
Bức điện có đoạn: “Để cho những tội ác kinh khủng do đế quốc Mỹ gây ra ở Hirôsima và Nagadaki không bao giờ còn diễn lại, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống việc thử bom nguyên tử và bom khinh khí, kiên quyết đấu tranh đòi giải trừ quân bị toàn bộ và triệt để”.
- Báo Nhân Dân, số 2700, ngày 12-8-1961.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 8, tr. 117-118.
Năm 1963. Tháng 5, ngày 16
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các Đoàn đại biểu Hội đồng toàn quốc các công đoàn Nhật Bản, Đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn cách mạng Cuba và Đoàn đại biểu Tổng Công hội Inđônêxia. Người ân cần hỏi thăm sức khoẻ các đại biểu và nhờ chuyển lời thăm hỏi của Người tới anh chị em công nhân, lao động và các cháu thiếu nhi Nhật Bản, Cuba, Inđônêxia.
- Báo Nhân Dân, số 3337, ngày 17-5-1963.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 8, tr. 393.
Năm 1963. Tháng 11, ngày 11
Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn ca múa dân gian “Oarabida” Nhật Bản. Người ân cần hỏi thăm sức khoẻ và nói chuyện thân mật với ông Trưởng đoàn Hara Tarô và các nghệ sĩ trong đoàn, sau đó cùng chụp ảnh kỷ niệm.
- Báo Nhân Dân, số 3515, ngày 12-11-1963.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 8, tr. 458.
Năm 1963. Tháng 11, trước ngày 21
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên báo Akahata (Cờ Đỏ) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản - về một số câu hỏi liên quan đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nghiệp đấu tranh của đồng bào miền Nam, sự đoàn kết quốc tế, quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam, v.v..
Trả lời câu hỏi về đặc điểm và triển vọng của tình hình Việt Nam hiện nay, Người nêu rõ: Chỉ mới hơn chín năm kể từ sau khi hòa bình lập lại (1954), nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh và chia ruộng đất cho dân cày, đã căn bản hòan thành thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ người bóc lột người và hiện nay đang bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Với quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân Việt Nam đang ra sức tiến mạnh trên con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa… Mặc dù còn nhiều khó khăn, miền Bắc nhất định sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Về tình hình miền Nam, Người khẳng định: Dù phải chịu muôn ngàn đau khổ dưới chế độ tàn khốc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng bào miền Nam không bao giờ chịu khuất phục, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng để tự giải phóng mình, và nhất định sẽ thắng lợi. Cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, dù có khó khăn gian khổ, nhưng với sự ủng hộ của đồng bào cả nước, của nhân dân tiến bộ toàn thế giới (kể cả nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và công lý), đồng bào miền Nam cuối cùng sẽ là người chiến thắng, miền Nam Việt Nam sẽ được giải phóng hòan toàn.
Người tuyên bố: “Vấn đề miền Nam chỉ có một cách giải quyết là: đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ”.
- Báo Nhân Dân, số 3524, ngày 21-11-1963.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr. 173-176.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.8, tr. 461-462.
Năm 1964. Tháng 4, ngày 12
Trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản đang thăm Việt Nam.
- Báo Nhân Dân, số 3667, ngày 13-4-1964.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 51.
Năm 1964. Tháng 4, ngày 18
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Trung ương Đảng tổ chức tiễn Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản.
- Báo Nhân Dân, số 3673, ngày 19-4-1964.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 54.
Năm 1964. Tháng 4, ngày 19
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến 12 phố Ngô Quyền tiễn Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản về nước.
- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 292.
Năm 1964. Tháng 7, cuối tháng
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng Hội nghị thế giới chống bom nguyên tử và khinh khí đang họp tại Nhật Bản. Người khẳng định nhân dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nhật Bản đòi triệt để cấm vũ khí nguyên tử, đòi huỷ bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Nhật và tin tưởng Hội nghị sẽ lên án những âm mưu gây chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, động viên nhân dân các nước tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới.
- Báo Nhân Dân, số 3776, ngày 01-8-1964.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr. 302.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 92.
Năm 1964. Tháng 9, ngày 03
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nhật Bản Iôcô Mátxuôca. Người nêu rõ ý nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam không chỉ vì độc lập, thống nhất của nước Việt Nam mà còn vì sự nghiệp chung của phong trào giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới.
Về triển vọng của sự thống nhất đất nước Việt Nam, Người khẳng định: “Miền Nam nhất định sẽ được giải phóng, sự nghiệp đấu tranh để hòa bình thống nhất đất nước chúng tôi nhất định sẽ thành công”.
Về đặc điểm của công cuộc xây dựng miền Bắc, Người nêu rõ: “Chúng tôi xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một nước vốn là thuộc địa, một nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá. Hoàn cảnh ấy cố nhiên gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn. Song, những thắng lợi bước đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho phép chúng tôi tin tưởng chắc chắn ở sự cần thiết và khả năng của một nước như nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi không phải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”.
Người còn nêu một số vấn đề về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại; về quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
- Báo Nhân Dân, số 3811, ngày 06-9-1964.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 107-108.
Năm 1964. Tháng 12, ngày 01
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu nhân dân Nhật Bản sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
- Ảnh tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 156-157.
Năm 1965. Tháng 2, ngày 04
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn các nhà văn và phóng viên Vô tuyến truyền hình Nhật Bản.
- Ảnh tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 187.
Năm 1965. Tháng 3, ngày 30
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng sinh nhật lần thứ 73 của Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Nôxaca Xanđô.
- Báo Nhân Dân, số 4036, ngày 21-4-1965.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 214-215.
Năm 1965. Tháng 4, ngày 05
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Yôshisa Tacanô, phóng viên báo Acahata, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Người nêu lên vị trí, ý nghĩa quốc tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án những hành động của đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh ở miền Nam, trong đó có việc Mỹ hối thúc đàm phán Nhật Bản - Nam Triều Tiên nhằm lôi kéo Nhật tham gia tích cực hơn nữa vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, leo thang đánh phá miền Bắc và khẳng định: Chống lại và làm thất bại những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quyền sống, đó là quyền thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu yêu nước cho đến thắng lợi cuối cùng. Lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam là Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt đánh phá miền Bắc. Người đánh giá cao thắng lợi của Hội nghị nhân dân Đông Dương và cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản chống lại những âm mưu và hành động của Mỹ.
- Báo Nhân Dân, số 4024, ngày 09-4-1965.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 218-219.
Năm 1965. Tháng 7, ngày 02
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn tới đồng chí Nôxaca Xanđô, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản đã chúc mừng sinh nhật lần thứ 75 của Người.
- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 393.
Năm 1965. Tháng 7, trước ngày 26
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Hội nghị Quốc tế lần thứ 11 chống bom nguyên tử và bom khinh khí. Người khẳng định sự đồng tình ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản đòi triệt để cấm vũ khí hạt nhân, huỷ bỏ các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật Bản; đòi Mỹ trả lại Ôkinaoa và Ôgaxaoara cho Nhật Bản. Người cảm ơn sự ủng hộ của Hội đồng Chống bom nguyên tử và bom khinh khí của nhân dân Nhật Bản đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
- Báo Nhân Dân, số 4131, ngày 26-7-1965.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 273.
Năm 1966. Tháng 2, ngày 17
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Trường Chinh và một số đồng chí lãnh đạo Đảng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Miyamôtô Kêngi dẫn đầu sang thăm Việt Nam.
- Báo Nhân Dân, số 4336, ngày 18-02-1966.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 372.
Năm 1966. Tháng 2, ngày 18
Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc do Trung ương Đảng tổ chức chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Bí thư Miyamôtô Kêngi dẫn đầu đang ở thăm Việt Nam.
- Báo Nhân Dân, số 4337, ngày 19-02-1966.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 373.
Năm 1966. Tháng 02, ngày 27
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc của Trung ương Đảng chiêu đãi Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản.
- Báo Nhân Dân, số 4346, ngày 28-2-1966.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 375.
Năm 1966. Tháng 3, ngày 03
Báo Nhân dân đăng điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị toàn quốc Ngày Bikini (1-3) tại Nhật Bản kỷ niệm ngày thảm họa Bikini.
- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 449.
Năm 1966. Tháng 3, ngày 14
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn quay phim truyền hình Nhật Bản.
- Ảnh tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 380.
Năm 1966. Tháng 4, trước ngày 12
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Đoàn Vô tuyến truyền hình Hãng tin Nihông Đenpa (Nhật Bản) về tình hình cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và một số vấn đề thời sự khác.
Trả lời câu hỏi về đặc điểm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và triển vọng của nó, Người cho biết cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam ngày càng ác liệt và mở rộng trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam; những thất bại của Mỹ ngày càng nặng nề. Nhân dân Việt Nam càng đoàn kết chiến đấu và thất bại cuối cùng của Mỹ là không thể tránh khỏi.
Trả lời câu hỏi về tình hình Đông Dương, Người cho biết những hành động của đế quốc Mỹ và tay sai đối với Lào và Campuchia là nằm trong âm mưu của Mỹ nhằm mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn Đông Dương; nhân dân Đông Dương sẽ càng đoàn kết, càng kiên quyết chiến đấu.
Trả lời câu hỏi về hoạt động “công tác hòa bình” của Chính phủ Nhật Bản, Người khẳng định, đó là sự phụ họa với chiến dịch lừa bịp “đi tìm hòa bình” của Tổng thống Mỹ Giônxơn; nếu Chính phủ Nhật Bản muốn thật sự đóng góp vào việc lập lại hòa bình ở Việt Nam thì phải chấm dứt hành động đó.
Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của bức thư của Người gửi các vị đứng đầu các nước (ngày 24-1-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, lập trường của Chính phủ và nhân dân Việt Nam nêu trong bức thư là chính nghĩa; lập trường đó đang được Chính phủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới đồng tình ủng hộ. Người đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành trước sự đồng tình, ủng hộ quý báu đó.
- Báo Nhân Dân, số 4389, ngày 12-4-1966.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 70-73.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 9, tr. 392-393.
Năm 1966. Tháng 12, ngày 20
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư của các báo Nhật Bản Chunichi Simbun, Tôkyô Simbun, Nisi, Nihông Simbun và Hôkaiđô Simbun, cảm ơn nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Nhật Bản Akahata. Trả lời câu hỏi về việc Mỹ cho máy bay bắn phá khu vực nội thành Hà Nội và âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, Người nêu rõ những thắng lợi quan trọng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền Nam - Bắc; vạch ra những thủ đoạn “thương lượng hòa bình” giả tạo của Mỹ. Người nói: “Vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hòa bình ở châu Á và thế giới, nhân dân Việt Nam không sợ hy sinh gian khổ, quyết đánh, quyết thắng và nhất định sẽ thắng giặc Mỹ xâm lược”. Về những câu hỏi khác, Người khẳng định muốn giải quyết những vấn đề Việt Nam, Chính phủ Mỹ phải rút quân về nước, phải triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Người mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ hơn nữa của Đảng Cộng sản và nhân dân Nhật Bản.
- Báo Nhân Dân, số 4644, ngày 25-12-1966.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.9, tr. 494-495.
Năm 1967. Tháng 7, ngày 31
Báo Nhân Dân đăng điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Hội nghị thế giới lần thứ 13 chống bom nguyên tử và bom khinh khí họp ở Nhật Bản.
- Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954 - 1969), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.2, tr. 536.
Năm 1968. Tháng 7, ngày 31
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị thế giới lần thứ 14 chống bom nguyên tử và bom khinh khí họp tại Nhật Bản, nêu rõ lập trường của nhân dân ta hòan toàn đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Nhật Bản đòi triệt để cấm bom nguyên tử và bom khinh khí, đòi huỷ bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Nhật, đòi xoá bỏ “Hiệp ước an ninh” Nhật - Mỹ, đòi trả lại Ôkinaoa cho Nhật, chống việc phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Nhân dịp khai mạc Hội nghị, Người bày tỏ lời cảm ơn nhân dân Nhật, Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí đã ủng hộ cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Việt Nam.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 10, tr. 238-239.
Năm 1969. Tháng 7, ngày 29
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị thế giới lần thứ 15 chống bom nguyên tử và bom khinh khí họp tại Nhật Bản.
Bức điện nêu rõ lập trường của nhân dân ta hòan toàn đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới; đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân Nhật đã dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
- Báo Nhân Dân, số 5586, ngày 31-7-1969.
- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.10, tr. 386.
Còn nữa
Huyền Anh (Tổng hợp)