Ngày 13-5-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Hồ Chủ tịch cho Đại đoàn 312 sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Ảnh tư liệu/ theo https://qdnd.vn
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố mang ý nghĩa quyết định. Trong suốt quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao, kịp thời chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận. Người đã truyền cho các chiến sỹ ta ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, gian khổ giành thắng lợi hoàn toàn. Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2019), xin trích đăng những tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến thắng Điện Biên Phủ.
1. Thư gửi cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ
Thân ái gửi cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ,
Thu - Đông nǎm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm cǎn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.
Nǎm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng.
Nǎm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh:
Quyết tâm tiêu diệt địch,
Quyết tâm giữ vững chính sách,
Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi.
Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 12 nǎm 1953
Hồ CHÍ MINH”
(In trong sách Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, tr.1501)
2. Thư gửi cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ (3-1954)
Thân ái gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận,
Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khǎn, nhưng rất vinh quang.
Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khǎn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to.
Bác hôn các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 3 nǎm 1954
HỒ CHÍ MINH”
(Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 131, ngày 14-3-19542)
3. Điện của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ
Thân ái gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ,
Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một Chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng.
Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.
Ngày 15 tháng 3 năm 1954
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM”
(Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 133, ngày 18-3-19543)
4. Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ
Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.
Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sỹ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.
Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao.
Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.
Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu "Chiến sỹ Điện Biên Phủ". Các chú tán thành không?
Bác dặn các chú một lần nữa:
Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
Bác hôn các chú!
Bác
HỒ CHÍ MINH”
(Báo Nhân Dân, số 184, từ ngày 122 đến ngày 15-5-19544)
5. Tặng bộ đội Điện Biên Phủ
"Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá
Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.
Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được
Gian khổ không thể làm lòng ta sờn…”5.
6. Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ
"20 tháng 11 năm cũ,
Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ.
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất.
Chúng khoe rằng: "Kế hoạch Nava
Thật là mạnh dạn và tài hoa.
Phen này Việt Minh phải biết tay,
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!"
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Nava tới.
*
* *
Bên ta thì:
Bộ đội, dân công quyết một lòng,
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,
Khắc phục khó khăn và hiểm trở;
Đánh cho giặc tan mới hả dạ.
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày,
Không quản gian khổ và đắng cay,
Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ,
Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ.
*
* *
13 tháng 3 ta tấn công,
Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:
"Mình có thầy Mỹ lo cung cấp,
Máy bay cao cao, xe tăng thấp,
Lại có Nava cùng Cônhi,
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy.
Chúng mình chuyến này nhất định thắng,
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng".
*
* *
Hơn 50 ngày, ta đánh đồn,
Ta chiếm một đồn, lại một đồn.
Quân giặc chống cự tuy rất hăng,
Quân ta anh dũng ít ai bằng.
Nava, Cônhi đều méo mặt,
Quân giặc tan hoang ta vây chặt,
Giặc kéo từng loạt ra hàng ta.
Quân ta vui hát "khải hoàn ca".
Mười ba quan năm đều hàng nốt,
Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.
Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây,
Đều là tù binh hoặc bỏ thây.
*
* *
Thế là quân ta đã toàn thắng
Toàn thắng là vì rất cố gắng.
Chiến sỹ viết thư dâng Cụ Hồ:
"Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,
Chúng cháu cố gắng đã sắm được”.
C.B”
(Báo Nhân Dân, số 184, từ ngày 122 đến ngày 15-5-19546)
7. Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ
Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.
Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 8 tháng 5 năm 1954
HỒ CHÍ MINH”
(Báo Nhân Dân, số 187, từ ngày 22 đến ngày 24-5-19547)
Còn nữa
Thu Hiền (tổng hợp)
--------------
Chú thích:
1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.378, tr.433, tr.434, tr.470.
5. Theo http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=5011&print=true
6, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 8, tr. 471-472, tr.466.
8. Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ
I
"NÓI LÁO TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT NGHE"
Những mẩu chuyện anh dũng của quân và dân ta các báo đã kể nhiều. Đây tôi chỉ kể vài mẩu chuyện không anh dũng của địch. Trước hết là bọn Chính phủ phản động Pháp rất thạo nghề nói láo. Vài thí dụ:
- Tháng 5 năm 1947, Bộ trưởng Quốc phòng là Cốt Phôrê nói: "Quân đội Pháp chiếm đóng tất cả các thành thị và đường giao thông. Vậy ở Đông Dương không có vấn đề quân sự nữa".
- Tháng 3 năm 1949, Cốt Phôrê lại nói: "Tôi sẽ làm tròn phận sự, tôi sẽ không để chiến tranh tê liệt".
- Tháng 10-1950, sau khi Pháp thất bại ở biên giới, Bộ trưởng Quốc phòng mới là Plêven nói: "Từ nay, Pháp sẽ bắt ép quân đội Việt Minh rời xa căn cứ của họ, Pháp sẽ chọn những mặt trận có lợi cho mình để trả thù cho những binh sĩ Pháp đã hy sinh ở Cao Bằng và Lạng Sơn".
- Tháng 11-1950, Bộ trưởng "Khối liên minh Pháp", là Lơtuốcnô nói: "Pháp rút lui khỏi biên giới để tập trung thêm quân dự bị. Đồng thời để bắt ép Việt Minh phải kéo dài đường giao thông của họ, do đó mà làm cho địch yếu thêm".
- Tháng 12-1951, Plêven lại nói: "Kế hoạch của Pháp hiện nay sẽ đưa đến thắng lợi trong 15 hoặc 18 tháng".
- Tháng 10-1953, Thủ tướng Lanien nói: "Kế hoạch Nava sẽ tăng cường bộ đội cơ động Pháp, sẽ bình định xong đồng bằng Bắc Bộ và sẽ chủ động trong những cuộc tiến công lớn... Lực lượng Pháp ngày càng tăng, về bộ đội cũng như về vũ trang".
- Tháng 2-1954, khi sang Đông Dương, Plêven nói: "Tôi sang đây để giúp Nava chuẩn bị kế hoạch tiến công". Khi trở về Pháp, Plêven nói: "Tướng Nava đoán chắc rằng chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ không đưa lại kết quả gì cho Việt Minh".
Thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ đã chứng tỏ rằng: Bọn chúng chủ quan và nói láo mất mùa.
II
NỘI BỘ PHÁP LỦNG CỦNG
Khi thất bại, thì bọn chính trị Pháp đổ lỗi cho bọn quân sự. Bọn quân sự cãi lại.
Ngày 29-4, tờ báo tư sản Pháp Người xem xét đăng những ý kiến của một số lãnh tụ quân sự Pháp, tóm tắt như sau:
- Khi đã phải rút khỏi Lai Châu và Nà Sản, mà Pháp lại đưa gần 2 vạn quân Pháp vào thung lũng Điện Biên, đó là một tội ác chính trị... Đến mùa mưa, thì quân đội Pháp hoặc chết đuối hết, hoặc là đầu hàng.
- Hầu hết những tiểu đoàn tinh nhuệ Pháp đã đưa đến Điện Biên Phủ. Những cuộc đánh nhau ở đồng bằng, nhất là trên đường số 5, ngày thêm dữ đội. Điều đó làm cho Pháp rất lo ngại... Các lãnh tụ quân sự Pháp đều cho rằng Bắc Bộ như đã mất rồi. Ở Sài Gòn người ta bắt đầu lo sợ.
- Quân đội Bảo Đại không được 5 vạn người có sức chiến đấu. Phần đông chỉ chờ dịp để chuồn. Quân đội kháng chiến, dù là bộ đội địa phương, cũng không kém quân đội Pháp.
- Mặc dầu những thất bại ở Hòa Bình và Điện Biên Phủ, tinh thần sĩ quan Pháp vẫn khá vững. Nhưng khi họ hiểu rằng họ phải hy sinh cho lợi ích của Mỹ và của Bảo Đại (tên vua cỏ mà cả quân đội Pháp đều khinh rẻ) - thì họ rất tức tối.
- Máy bay Mỹ dội đạn lửa khắp xung quanh Điện Biên Phủ không làm núng quân đội kháng chiến, mà chỉ tàn phá những làng mạc đông dân. Sự can thiệp của Mỹ đối với ảnh hưởng chính trị thì rất tai hại, đối với kết quả quân sự thì không ăn thua.
- Nói tóm lại: Các lãnh tụ quân sự đều nhất trí rằng Pháp không thể giữ Bắc Bộ nữa. Và nếu thất bại ở Điện Biên Phủ thì tình hình Pháp sẽ càng khó khăn.
Trên đây là ý kiến của một nhóm lãnh tụ quân sự Pháp.
Nhưng chúng ta chớ vì những ý kiến ấy mà chủ quan khinh địch.
III
PHÁP VỠ ĐẦU, MỸ CÀNG MÉO MẶT
Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho thực dân Pháp, càng là một thất bại nhục nhã cho bọn can thiệp Mỹ. Vì Mỹ đã định ra kế hoạch Nava, đã giúp tiền bạc và vũ khí để thực hiện kế hoạch ấy.
Hồi tháng 10-1953, các báo tư sản Pháp đã viết: Chính phủ Pháp vâng lệnh Mỹ mà kéo dài chiến tranh. Mỹ xuất tiền, Pháp thì xuất xương máu. Binh sĩ Pháp đã thành một quân đội đánh giặc thuê. (Báo Thế giới ).
Mỹ sợ Pháp đàm phán và bắt ép Pháp bơi theo cuộc chiến tranh thất vọng. (Báo Chiến đấu).
Trong trận Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã nói: Mỹ sẽ hết sức giúp cho Pháp giành lấy thắng lợi.
Tổng thống Mỹ đã viết thư khuyến khích bộ đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Đến khi Pháp thất bại, Tổng thống Mỹ lại gửi điện vuốt đuôi: "Tôi tỏ lòng kính trọng quân đội Pháp anh dũng ... Thất bại tạm thời cũng không thể làm giảm bớt lịch sử vẻ vang của quân đội Pháp".
Tháng 2-1954, đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ sang xem xét Đông Dương. Khi trở về Mỹ, họ báo cáo rằng:
"Về quân sự, 8 năm nay Việt Minh đã giành được nhiều thắng lợi. 18 tháng nay, Pháp dùng chiến thuật tiến công, nhưng không có kết quả, dù quân Pháp có 50 vạn người chống lại 30 vạn người của quân Việt Minh. Dù sao, Mỹ cũng cần tiếp tục giúp Pháp, nếu không thì Pháp không thể chiến tranh nữa".
Thế là Mỹ dần dần trở nên kẻ địch chính của quân đội và nhân dân ta.
IV
TRỜI ĐẤT VIỆT KHÔNG DUNG GIẶC PHÁP
Địch cậy rằng chúng đã đưa phần lớn quân đội tinh nhuệ đến Điện Biên Phủ, cho nên chúng rất chắc ăn.
Hôm 21-1, bọn chỉ huy Pháp thách: "Võ Nguyên Giáp có giỏi thì đến đánh Điện Biên Phủ!".
9-3, Nava nói: "Việt Minh sẽ bị đánh tan ở Điện Biên Phủ".
13-3, ta tấn công đợt 1, Pháp thất bại. Nhưng hôm 15-3, Nava và Cônhi vẫn múa mép: "Chắc rằng Pháp sẽ thắng".
Bọn chỉ huy Pháp huênh hoang như vậy, nhưng tinh thần binh sĩ Pháp thì thế nào ?
Ngay sau hôm ta tấn công đợt 1, tên quan năm chỉ huy pháo binh địch tự tử; tên quan năm tham mưu trưởng bị đuổi về Hà Nội.
Báo Thế giới (22-4) viết: "Quân nhảy dù Pháp chẳng còn tinh thần gì mà nói... Mặt người nào cũng tái mét. Họ viết "Di chúc" để lại. Dốc hết cốc rượu cuối cùng, họ bắt tay nhau, im lặng không nói một lời, bước lên máy bay. Rồi họ phó mặc trời. Họ biết rằng nếu nhảy sai một chút, thì may phúc lắm là trọn đời làm tù binh của Việt Minh".
Báo ấy viết tiếp: "Một quan năm chỉ huy đội máy bay mặt mày hốc hác, nói một cách mỉa mai: "Chúng ta có nhiều máy bay; chứng cớ là ngày nào Việt Minh cũng bắn rơi mấy chiếc. Phi công thì người nào cũng mệt nhừ. Chính tôi đây, hôm nay tôi đã bay suốt 17 tiếng đồng hồ. Nếu tôi phải bay một lần nữa, thì tôi không đảm bảo máy bay của tôi sẽ ra sao!"".
Báo ấy viết thêm: "Tính đến 22-4, Bộ Tư lệnh Pháp nhận đã mất 23 chiếc máy bay. Kỳ thật đã mất 55 chiếc ở Điện Biên Phủ".
Địch thả dù viện binh và tiếp tế xuống Điện Biên Phủ, phần lớn dù đã lọt vào tay ta. Như: Ngày 4-5, chúng thả 234 dù, thì 222 chiếc bị ta tóm được.
Tối 4-5, chúng thả 280 dù, thì 200 chiếc bị ta tóm được.
Hôm 5-5, chúng thả 759 dù thì 337 chiếc bị ta tóm được.
V
QUAN BINH PHÁP KHÔNG THƯƠNG THƯƠNG BINH PHÁP
Hôm 3-5, Tổng chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ là Đờ Cát dõng dạc tuyên bố: "Chúng tôi quyết giữ Điện Biên Phủ cho đến người cuối cùng! Chúng tôi quyết không chịu hàng!".
Nhưng 4 hôm sau, đến trận cuối cùng, cờ đỏ sao vàng của ta tung bay đến đâu thì cờ trắng xin hàng của địch lô nhô đến đó. Cả quan lẫn lính địch kéo nhau từng đàn ra hàng. Năm chiến sĩ ta là các đồng chí Luật, Lam, Hiên và hai đồng chí nữa đánh thốc vào Bộ Tư lệnh địch. Tướng Đờ Cát với 4 tên quan năm, 6 tên quan tư và 10 tên sĩ quan nữa giơ tay xin hàng.
Thế là ta đã toàn thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ta tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 binh sĩ Pháp, trong đó có độ 1.000 thương binh. Khắp thế giới đều biết chính sách nhân đạo của ta đối với thương binh (và tù binh) địch. Nhưng chính bọn chỉ huy địch đã đối với thương binh Pháp thế nào? Hãng thông tấn U.P Mỹ (07-5) viết: "Hơn 1.000 thương binh quằn quại dưới hầm tối đen và ngạt thở, bên cạnh sở chỉ huy Pháp... Đến phút cuối cùng, tướng Đờ Cát đã ra lệnh cho súng lớn bắn vào sở chỉ huy...".
VI
TỪ BIÊN GIỚI ĐẾN ĐIỆN BIÊN PHỦ
Tháng 10-1950, trong trận giải phóng biên giới, ta tiêu diệt và bắt sống hơn 4.500 địch, trong đó có 3 tên quan năm. Trận ấy đã làm cho cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã nói: "Đó là thất bại to nhất trong lịch sử thực dân Pháp".
Tiếp đến những trận Hoà Bình, phủ Nho Quan, vân vân, Pháp cũng thất bại.
Đến Điện Biên Phủ thì làm cho cả thế giới xôn xao. Bạn ta và nhân dân cả châu Á thì vui mừng. Phe đế quốc, nhất là Pháp - Mỹ thì ngơ ngác. Một mặt vì từ trước chúng tuyên truyền quá huênh hoang. (Cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ còn múa mồm nói: Pháp chắc thắng lợi ở Điện Biên Phủ - Eisenhower predicts Điên Biên Phu victory) - Mặt khác, chúng thất bại cũng nặng thật: Mất 25 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất, gần 20 tên quan năm và 1 tên thiếu tướng...
Báo chí phản động Pháp - Mỹ đã phải nhận rằng: "Điện Biên Phủ là cuộc thất bại to nhất từ ngày Pháp đầu hàng Đức (1940). Quân viễn chinh Pháp đã bị chặt mất đầu".
Tin Điện Biên Phủ thất bại về đến Pháp đúng vào ngày cả nước Pháp đang tưng bừng sắm sửa ăn mừng "thắng" Đức (1945). Thành thử cuộc ăn mừng cụt hứng mà hóa ra cuộc truy điệu.
Ảnh hưởng của Điện Biên Phủ: Hiện nay, kiều dân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng, vân vân, đều chuẩn bị cuốn gói chuồn. Các nhà tư bản Pháp ở vùng tạm bị chiếm thì rút lui vốn liếng có trật tự, một đồng bạc Mỹ trước kia đổi 34 đồng Đông Dương, nay đổi 100 đồng. Tinh thần binh sĩ Pháp rất chán nản. Ngụy binh rất hoang mang, đã có những nhóm vác súng chạy theo ta. Thực dân Pháp thì trách Mỹ không hết sức, không kịp thời cứu vãn. Đế quốc Mỹ thì trách Pháp hèn hạ, bất tài. Nội bộ Chính phủ Pháp lục đục, tên này đổ lỗi cho tên kia. Bại tướng Nava bị cách chức. Tên tướng Ely sang thay...
Càng thất bại thì địch càng hung dữ, càng gần thắng lợi thì ta càng gặp nhiều khó khăn. Thật vậy, hiện nay ở Hội nghị Giơnevơ, ngoài mồm thì địch nói muốn thương lượng, nhưng sự thật thì chúng đang gấp rút điều binh khiển tướng để tiếp tục chiến tranh.
Để tranh lấy thắng lợi mới, chúng ta phải ra sức vượt khó khăn mới; quân, dân và cán bộ ta, mỗi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ, tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan. Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta.
Đ.X.”
Báo Cứu quốc, các số:
2605 ngày 26-5-1954,
2606 ngày 28-5-1954,
2608 ngày 31-5-1954,
2610 ngày 02-6-1954,
2611 ngày 04-6-1954,
2613 ngày 07-6-1954.8
9. Nava Chinh phu ngâm
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khiến Nava nhiều nỗi chuân chiên,
Thua to ở trận Điện Biên,
Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này!
Cút về Tây tâm lòng xấu hổ,
Xấu hổ này biết đổ ai đây!
Bước chân lên chiếc tàu bay,
Bước đi một bước dây dây lại dừng,
Quân kháng chiến, tưởng chừng dễ (nuốt) ực,
Nào ngờ Na hết sức chủ quan,
Hơn hai mươi mốt tiểu đoàn,
Chỉ trong một trận tan hoang tơi bời!
Thôi, Na hẵng cút về nước mẹ,
Quyền chỉ huy lại để Salan,
N. đi S. lại lăng nhăng,
Thằng đi, thằng ở, chẳng thằng nào hơn.
*
Giang sơn này giang sơn dân Việt,
Toàn quốc dân kiên quyết đấu tranh.
Quyết tâm thì chắc công thành,
Tự do độc lập quang vinh đời đời.9
Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ, chiến sỹ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch. Ảnh internet
10. Điện Biên Phủ
Cuộc đại thắng của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ đến nay đã gần 1 năm. Nhưng tiếng gọi của Điện Biên Phủ vẫn còn vang to ở Pháp. Vì:
- Hiện nay ở Pháp đang mở cuộc điều tra vì ai mà quân đội Pháp đã thất bại ở “Điện Biên Phủ”.
- Một khóa huấn luyện sĩ quan ở trường đại học quân sự Pháp lấy tên là khóa “Điện Biên Phủ”.
- Ở cửa “Khải Hoàn” tại Pari, trước đây chỉ có ngôi mộ “người lính vô danh” đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất; nay lại thêm một tấm bia kỷ niệm “người lính vô danh” trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Mà tấm bia này cũng vì Điện Biên Phủ mà có.
- Một nhà báo nổi tiếng là ông Xtêphan (đã từng hăng hái chống chiến tranh ở Việt Nam và viết nhiều bài về kế hoạch Nava) vừa bị bắt giam. Chính phủ Pháp vu cho những bài của ông ta viết đã làm lộ bí mật cho nên quân đội Pháp đã thua to ở Điện Biên Phủ. Vụ này làm cho dự luận Pháp sôi nổi phản đối. Trong một bài bênh vực ông Stêphan, ông Môriắc (một vị Hàn lâm ngoan đạo) viết đại ý như sau: “Cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài suốt 8 năm, kết quả nhất định đi đến Điện Biên Phủ. Những người cầm quyền Pháp vì mù quáng mà thất bại, họ lại đổ lỗi cho những người viết báo. Cách vu cáo ấy rõ là dại dột đê hèn…”.
Xưa kia vua Pháp là Napôlêông đã gặp một Điện Biên Phủ ở Mátxcơva (năm 1812) và một Điện Biên Phủ khác ở Oatéclô (năm 1818), hồi đó ông Stêphan đã ra đời đâu.
C.B.”
(Báo Nhân Dân, số 430, ngày 07-5-1955.10)
11. Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ
Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước ta tuyên bố độc lập. Đảng và Chính phủ ta chủ trương chung sống hòa bình. Nhưng thực dân Pháp lại muốn cướp nước ta một lần nữa. Toàn Đảng và toàn dân ta quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Lúc đầu, địch mạnh hơn ta gấp trăm gấp ngàn lần về vật chất. Nhưng về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần. Căn cứ vào thực tế đó, Đảng ta đã nêu khẩu hiệu: "Kháng chiến sẽ trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi".
Đảng ta nắm vững chiến lược tất thắng là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhân dân ta từ Bắc đến Nam đoàn kết một lòng, làm theo lời Đảng. Chiến sĩ ta (quân đội chính quy và lực lượng du kích) anh dũng phi thường. Nhờ vậy, ta đã chuyển từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ là kết quả tất nhiên của sự quyết tâm và cố gắng của quân và dân ta.
Ngày 20-11-1953, giặc Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Chúng tập trung vào đó 17 tiểu đoàn, 10 đại đội và những bộ phận khác, cộng là 16.200 binh sĩ tinh nhuệ nhất của chúng. Đó là kế hoạch Nava hòng "bình định" Việt Nam trong 18 tháng. Kế hoạch này đã được Mỹ đồng ý và giúp sức.
Ngày 04-12-1953, Quốc hội ta thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Ngày 13-3-1954, quân đội ta bắt đầu phản công. Sau 55 ngày và 55 đêm chiến đấu vô cùng ác liệt, mồng 07-5-1954 quân ta hoàn toàn thắng lợi.
Như cá nằm trong chậu, quân địch chết, bị thương và bị bắt hết, trong đó có: 1 tướng, 16 tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Ta thu toàn bộ vũ khí và phá hủy 62 chiếc máy bay.
Để phối hợp với Chiến dịch Điện Biên, thượng tuần tháng 3-1954, du kích ta đã đốt cháy 59 chiếc máy bay của địch ở Cát Bi và 18 chiếc ở Gia Lâm. Ở các nơi khác, từ Bắc đến Nam, quân ta đều đánh mạnh. Cộng tất cả các mặt trận, quân ta đã tiêu diệt hơn 112.000 tên địch và phá hủy hơn một nửa số máy bay của chúng.
Đối với thực dân Pháp "đó vừa là thất bại chính trị nặng nề vừa là thất bại quân sự vô cùng thảm hại, vì đó là lần đầu tiên mà một cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại" (lời Bécna Phan).
Thật vậy, nhân dân ta có thể tự hào là người đầu tiên đã đập tan lực lượng hùng mạnh và uy tín giả tạo của bọn thực dân và do đó mà thúc đẩy các dân tộc thuộc địa anh em vùng lên giành tự do, độc lập. Thắng lợi Điện Biên là thắng lợi chung của nhân dân ta, của phe xã hội chủ nghĩa và của các dân tộc chống đế quốc thực dân.
Hiện nay đế quốc Mỹ đang đi theo vết xe cũ của thực dân Pháp. Chúng cũng đặt ra "Kế hoạch 18 tháng" hòng bình định miền Nam Việt Nam. Chắc rằng cuối cùng chúng cũng sẽ thất bại nhục nhã như thực dân Pháp đã thất bại ở Điện Biên Phủ.
Đồng bào miền Nam thì đang nắm vững chiến lược tất thắng là: Đoàn kết, tin tưởng, bền bỉ, quyết thắng. Đồng bào miền Nam đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong gần 20 năm, lại được nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới ủng hộ. Vì vậy cuối cùng đồng bào miền Nam nhất định thắng lợi.
T.L.
(Báo Nhân dân, số 3327, ngày 07-5-1963.11)
Còn nữa
Thu Hiền (tổng hợp)
--------------
Chú thích:
8. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 8, tr.495-501.
9. Theo http://thegioidisan.vn/vi/hai-tu-lieu-bac-ho-voi-chien-thang-dien-bien-phu.html
10. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 9, tr.451-452.
11. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 14, tr.77-78.
12. Nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ mười chiến thắng Điện Biên Phủ, thiên hạ đang dự đoán sẽ có một Điện Biên Phủ mới ở miền Nam Việt Nam. Người Pháp nói nhiều về điều đó, vì họ có nhiều kinh nghiệm! Họ nói: "Mỹ đang thua ở miền Nam Việt Nam và đang đi đến một Điện Biên Phủ" (AFP, 16-4-1964).
Bác Hồ với các chiến sĩ Điện Biên tiêu biểu. Ảnh tư liệu
Năm 1954, trước ngày quân ta chiến thắng Điện Biên Phủ độ một tháng, bọn đầu sỏ thực dân Pháp vẫn ba hoa rằng "Pháp chắc sẽ thắng". Hiện nay ở miền Nam, bọn Mỹ và tay sai đã sa lầy, nhưng chúng cũng ba hoa rằng chúng sẽ không thua. Kế hoạch 18 tháng của Pháp (Nava) đã thất bại. Kế hoạch 18 tháng của Mỹ (Taylo) cũng phá sản rồi. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến, Pháp mạnh, ta yếu. Nhưng ta càng đánh càng mạnh. Kết quả ta đã thắng, Pháp đã thua. Ngày nay ở miền Nam, Mỹ và bọn Việt gian đang ra sức cựa quậy. Nhưng đồng bào miền Nam càng đánh càng thắng và sẽ thắng hoàn toàn. Đó là những kinh nghiệm lịch sử giống nhau.
- Giữa năm 1961, tổng Giôn (hồi đó là Phó Tổng thống Mỹ) đã ca tụng Diệm là "người cha của dân tộc, dũng cảm và tinh anh!". Cuối năm 1963 cũng chính bọn Giôn lại cho Diệm là một tên độc tài thối nát và bất lực, đã cho giết chết Diệm và đưa Dương Văn Minh lên. Mồ Diệm cỏ chưa mọc, thì chúng đã hạ Dương xuống và đưa Khánh thay vào. Chúng lại ca tụng Khánh "một lãnh tụ tài năng lỗi lạc!"...
Mới được Mỹ cất nhắc, bọn Khánh - Hoàn đã cắn xé nhau kịch liệt. Báo chí Mỹ đã nói: "Nội bộ Chính phủ Khánh rất lục đục" (Nữu Ước thời báo, 6-4-1964). Và "sự chia rẽ ngày càng phát triển. Tiếng đồn đảo chính lại ầm ĩ. Tình hình càng lộn xộn và sa lầy" (Nữu Ước luận đàm, 09-4-1964).
Đế quốc Mỹ và lũ bù nhìn đang sa lầy trong hầm tối. Tháng 12-1962, mồ ma tổng Ken đã nói: "Cuộc chiến tranh chống du kích gặp rất nhiều khó khăn. Cần 10 hoặc 11 tên lính chính quy để chống lại một người du kích. Vì vậy Mỹ chưa thấy đoạn cuối cùng của đường hầm".
Đường hầm đó sẽ dẫn chúng đến chỗ diệt vong. Dư luận Mỹ và thế giới đều nói như vậy:
"Thay đổi một chế độ thối nát bằng những tên tướng cướp để chiến tranh. Mỹ nhất định sẽ thất bại" (báo Mỹ Người chiến sĩ, 10-02-1964). Vì "sự tan rã về chính trị và tinh thần đã phát triển một cách thảm hại ở Sài Gòn" (Nữu Ước luận đàm, 06-3-1964).
Các báo tư sản Anh, như tờ Thông tin hằng ngày (04-3-1964) thì viết: "Mỹ đang đứng trước một thất bại rõ ràng và nhục nhã". Các báo tư sản Pháp, như tờ Rạng đông (12-3-1964) cũng viết: "Mỹ đã gần thất bại hơn là người ta tưởng...".
- Để hòng cứu vãn tình hình tuyệt vọng đó, hôm 21-2-1964 tổng Giôn đe dọa "Bắc tiến". Hồi tháng 3, Mặt - nạ (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) sang Sài Gòn hứa "tổng viện trợ" cho bọn Khánh - Hoàn. Bọn này thì hứa với Mỹ "tổng động viên" để đẩy mạnh chiến tranh, đồng thời chúng đi cầu cứu với bọn Phumi ở Lào và bọn Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan! Đến tháng 4, Định rút (Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ) cũng khẩn khoản yêu cầu bảy nước khác trong "Khối Đông - Nam Á" giúp vào cuộc chiến tranh "bẩn thỉu thối tha và tuyệt vọng" ở miền Nam Việt Nam. Nhưng Pháp đã cự tuyệt và Thủ tướng Pháp đã nói: “Không thể nào có thắng lợi quân sự ở miền Nam Việt Nam". Ngoại trưởng Pakixtan thì nói Chính phủ Đại Hồi không đồng ý với việc "Bắc tiến". Còn năm nước nữa thì chỉ hứa một cách miễn cưỡng.
Sau khi tổng Giôn ba hoa "Bắc tiến", thì Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác đập lại ngay và đòi Mỹ phải rút khỏi miền Nam, việc của miền Nam phải do nhân dân miền Nam tự quyết định lấy.
Nhân dân và Chính phủ ta thì nghiêm khắc cảnh cáo đế quốc Mỹ và bè lũ Khánh - Hoàn rằng: Nếu chúng điên cuồng mà xâm phạm đến miền Bắc thì chúng sẽ bị chôn vùi.
Chợt thấy mình hớ hênh lỡ miệng, hôm 15-3-1964, tổng Giôn đã thề hết thành hoàng thổ công rằng y tuyệt đối không có âm mưu "Bắc tiến".
- Cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra, chẳng những làm thiệt hại đến đồng bào miền Nam ta, mà cũng làm cho nhân dân Hoa Kỳ chết người hại của. Bởi vậy, không những đồng bào ta mà nhân dân Hoa Kỳ cũng chống đế quốc Mỹ.
Từ tháng 4-1962 hơn 60 vị nhân sĩ Mỹ nổi tiếng do giáo sư Pôlinh dẫn đầu, đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Kế đến 15.000 lãnh tụ các tôn giáo ở Mỹ, nhiều đoàn thể công nhân, phụ nữ và thanh niên Mỹ đã thông qua nghị quyết hoặc tổ chức biểu tình chống chiến tranh.
Tháng 4 vừa rồi, các sinh viên Trường đại học Hêvơpho đã gửi thuốc men ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam. Hôm 25-4, 87 sinh viên ở 12 trường đại học Mỹ đã tuyên bố:
"Nếu phải đi lính, họ kiên quyết không sang miền Nam Việt Nam, vì cuộc chiến tranh ở đó là nhằm đàn áp phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc".
Thậm chí trong tầng lớp thống trị Mỹ cũng có người kịch liệt chống chiến tranh ở miền Nam, như các thượng nghị sĩ Moxơ, Gruninh, Gioócđan... Ông Moxơ tuyên bố: "Chiến tranh ở Nam Việt là phi pháp... Chính phủ Mỹ lừa bịp nhân dân rằng chiến tranh đó là vì tự do... Sự thật đó là cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành bởi một chính phủ bù nhìn do Mỹ nặn ra... Đó là một trang lịch sử nhục nhã cho nước Mỹ... Phải chấm dứt việc đẩy thanh niên Mỹ đi chết ở Nam Việt một cách vô lý... và bàn tay của Chính phủ Mỹ đã vấy máu... Nhân dân Mỹ chống cuộc chiến tranh đó. Nếu có cuộc trưng cầu dân ý, thì cứ năm người Mỹ sẽ có bốn người bỏ phiếu chống cuộc chiến tranh đó của Mỹ...".
- Nhân dân miền Nam biết ơn những người Mỹ tiến bộ; đồng thời ra sức giáng vào đầu bọn đế quốc Mỹ và lũ bù nhìn những vố thật đau.
Tờ báo tư sản Tây Đức Nhân dân (27-3-1964) viết: "Mỹ chỉ có một khả năng là ủng hộ một chế độ độc tài quân phiệt... và việc đó chắc chắn sẽ đưa đến một Điện Biên Phủ".
Thật vậy! Lịch sử trong vài mươi năm nay đã chứng tỏ rằng: Lũ đế quốc thực dân dù có binh hùng tướng mạnh đến mấy, chung quy cũng thất bại. Đế quốc Mỹ đã thất bại ở Trung Quốc, ở Triều Tiên, ở Cuba, thực dân Pháp đã thất bại ở Việt Nam và ở Angiêri. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhất định cũng sẽ thất bại. Ông U Than (Tổng thư ký Hội Liên hợp quốc) nói rất đúng: "Biện pháp quân sự đã không giải quyết được vấn đề Việt Nam hồi năm 1954. Không có lẽ gì biện pháp quân sự lại đưa đến kết quả mười năm sau" (các báo phương Tây ngày 29-4-1964).
Dù cuộc kháng chiến phải lâu dài, gian khổ, song nhân dân miền Nam nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi vì có chính nghĩa. Thắng lợi vì triệu người một lòng, đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận giải phóng miền Nam, kiên quyết chiến đấu vì độc lập tự do, vì thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi vì có các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ và được nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới (kể cả nhân dân Mỹ) đồng tình.
Vì vậy, dù lúc đầu chỉ có những vũ khí thô sơ, đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.
Hãy lấy năm 1963 làm ví dụ:
Bắt đầu từ tháng 01-1963, nhân dân miền Nam thắng to ở Ấp Bắc. Rồi liên tiếp thu được nhiều thắng lợi suốt cả năm và kết thúc năm ngoái bằng trận tiêu diệt tiểu đoàn "Cọp đen" (hôm 31-12-1963). Trong cả năm đó, nhân dân miền Nam:
- Đã tiêu diệt hơn 80.000 binh sĩ địch (trong số đó có độ 1.000 tên Mỹ),
- Đã bắn rơi và bắn hỏng hơn 690 chiếc máy bay (phần nhiều là máy bay lên thẳng),
- Đánh đắm 120 tàu quân sự lớn và nhỏ,
- Phá huỷ 32 đầu xe lửa và 343 toa,
- Lấy được của địch hơn 10.000 súng các loại.
Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết lấy vấn đề nội bộ của mình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, Campuchia và Lào.
CHIẾN SĨ
(Báo Nhân dân, số 3690, ngày 07-5-196412)
13. Lời ghi trong Sổ lưu niệm của Nhà bảo tàng Điện Biên Phủ
“Trước đây 10 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công.
Ngày 7 tháng 5 năm 1964
HỒ CHÍ MINH”
(In trong sách Những bài nói và viết của Hồ Chủ tịch với các dân tộc Tây Bắc, Ban Tuyên giáo Khu Tây Bắc xuất bản, 1970, tr.5813)
14. "Uy danh lừng lẫy khắp nǎm
Sân bay Biên Hòa vừa là một sân bay “bí mật nhất”, vừa là một trong ba sân bay to nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Chung quanh sân bay dầy đặc mấy lớp dây thép gai có điện. Ngoài thì có bãi mìn. Ngoài nữa là những “ấp chiến lược”. Bên trong có nhiều tháp canh. Mấy tiểu đoàn lính Mỹ và lính ngụy cùng chó ngao ngày đêm canh gác. Bọn Mỹ cho đó là một sân bay tuyệt đối vững chắc, trời cũng không làm gì được”.
Thế mà đêm 31-10-1964, trường bay đó đã bị một đội du kích miền Nam đánh tan tành. Thắng lợi đó đã vang ầm thế giới. Bạn ta thì phấn khởi vui mừng. Bọn Mỹ thì hoang mang kinh sợ. Thí dụ:
- Báo Sao đỏ Liên Xô viết: “Đã đến lúc Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh bẩn thỉu và rút hết lực lượng xâm lược ra khỏi miền Nam Việt Nam”. Các báo Trung Quốc đều nhiệt liệt hoan hô thắng trận Biên Hòa và viết: “Ở Nam Việt Nam, việc Mỹ thất bại nhất định không thể tránh khỏi”. Báo Anmana ở Irắc viết: “Du kích đánh vào sân bay Mỹ ở Biên Hòa chứng tỏ rằng không lực lượng nào ngǎn được bước tiến của cách mạng Nam Việt Nam”.
- Các báo phương Tây thì mỉa mai Mỹ. Báo Anh viết: Trận Biên Hòa “đối với Mỹ là một đòn rất đau về quân sự cũng như về chính trị… Đó là một hành động đốt râu chú Sam…”. “Đó là một vố sấm sét giáng vào uy tín Mỹ”. Báo Pháp Lơ Phigarô viết: “Biên Hòa gần Sài Gòn mà du kích đã đánh được, thì họ có thể đánh bất cứ nơi nào”. Báo Nhân đạo viết: “Thắng trận của du kích ở Biên Hòa đã chứng tỏ rằng dù bọn đế quốc dùng cách gì cũng không thể thành công trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, chứng cớ ấy càng hùng hồn vì ở Nam Việt Nam là một cuộc đọ sức giữa một đế quốc rất mạnh với một xứ bé nhỏ nhưng mà anh dũng”.
- Dư luận Mỹ thì rất bi. Báo thì viết: “Đó là một cuộc tập kích cực kỳ tai hại cho Mỹ”. Báo thì viết: “Trận này làm cho Mỹ mất cả mặt. Nếu ở vào địa vị tổng Giôn, Taylo, v.v. thì chúng tôi phải đỏ mặt tía tai”. Báo thì viết: “Việt cộng đã giành được một thắng lợi đột xuất… Người Mỹ chúng ta ở đó còn làm được việc quái gì nữa!…”. Thời báo Nữu ước viết: “Du kích đánh vào sân bay Biên Hòa nhanh chóng và trúng đích một cách làm cho người ta phải kinh ngạc. Cuộc chiến tranh chống Việt cộng bây giờ tuyệt vọng hơn bao giờ hết… Dù Mỹ bỏ vào bao nhiêu sức người và tiền bạc cũng không ngǎn được thế đang tiến lên của Việt cộng”. Luận đàm Nữu Ước viết: “Người Mỹ chúng ta hiện đang bị thất bại nhiều hơn bao giờ hết”.
Những lời thú nhận của tướng tá và chính khách Mỹ cũng thú vị. Ví dụ: Tên Tổng tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn nói: “Du kích đã dùng súng cối Mỹ bắn lại quân đội Mỹ và máy bay Mỹ!”. Níchxơn, cựu Phó Tổng thống Mỹ, thì thú nhận rằng: “Cuộc thất bại ở Biên Hòa là một tai họa to nhất cho Mỹ từ sau cuộc thất bại to lớn ở cảng Trân Châu” (cảng Trân Châu là một cǎn cứ to nhất của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương bị Nhật Bản đánh chiếm cuối nǎm 1941).
Cuộc thắng lợi ở Biên Hòa rất lừng lẫy mà cũng rất giản đơn.
Chín chiến sĩ Quân giải phóng mò đến gần sân bay Mỹ 800 thước, bắn độ 100 phát súng cối của Mỹ vào sân bay, sau 15 phút thì rút lui an toàn vô sự.
Kết quả là bắn tan 21 máy bay phản lực và 8 máy bay loại khác. Phá huỷ 1 đài quan sát, 2 kho chứa dầu, 4 trại lính, 18 nhà sĩ quan. Giết 4 và làm bị thương 72 tên Mỹ.
Về số Mỹ chết và bị thương, một thượng nghị sĩ Mỹ là Thớtmơn tuyên bố rằng: “Đến ba, bốn trǎm Mỹ chết và bị thương, nhưng Chính phủ Mỹ đã che giấu sự thật”.
Nếu cộng kết quả chiến đấu trong chín tháng đầu nǎm nay với cuộc thắng lợi Biên Hòa, thì càng thấy thắng lợi này to lớn. Trong chín tháng đầu nǎm, đồng bào miền Nam đã:
Tiêu diệt 83.000 địch (trong số đó có 625 “cố vấn” Mỹ).
Thu được 11.770 súng các loại,
Bắn rơi và bắn hỏng 660 máy bay,
Phá hủy hơn 3.100 “ấp chiến lược”,
Giải phóng thêm 174 vạn đồng bào khỏi ách kìm kẹp,
Giác ngộ 58.000 binh sĩ ngụy bỏ hàng ngũ địch.
Trước trận Biên Hòa, dư luận Hoa Kỳ đã thấy tình trạng bi và bí của Mỹ. Như báo Tin tức Mỹ và thế giới đã viết: “Mỹ đang sụp đổ ở Nam Việt Nam cũng như đã sụp đổ ở Trung Quốc trước đây… Mỗi ngày Mỹ càng đến gần thất bại thảm hại… Phải chǎng Mỹ đang nhanh chóng nhận lấy một Điện Biên Phủ ở Nam Việt Nam”.
Chắc bà con còn nhớ rằng hồi tháng 3-1954, du kích ta phá 60 máy bay Pháp ở Cát Bi và 25 chiếc ở Gia Lâm, để báo hiệu cho cuộc đại thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Rất có thể trận thắng ở sân bay Biên Hòa báo hiệu một Điện Biên Phủ ở miền Nam, như tờ báo Mỹ đã nói.
Nếu muốn tránh thất bại nhục nhã như ở Điện Biên Phủ thì Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, rút ngay quân đội của chúng về nước mẹ, để nhân dân miền Nam giải quyết công việc nội bộ của họ, như Hiệp định Giơnevơ đã quy định.
Đồng bào miền Nam ngày càng đánh mạnh, càng mạnh càng thắng, nhưng không vì thắng mà kiêu, không chủ quan khinh địch và tin chắc rằng cuối cùng thắng lợi nhất định về tay ta. Vậy có thơ rằng:
Uy danh lừng lẫy khắp nǎm châu,
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu,
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng,
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!
CHIẾN SĨ”
(Báo Nhân Dân, số 3878, ngày 12-11-196414)
15. "Hai ngày kỷ niệm vẻ vang
Mồng 07-5, kỷ niệm đại thắng Điện Biên Phủ của nhân dân ta.
Mồng 09-5, kỷ niệm đại thắng của Liên Xô cùng các đồng minh đánh tan lực lượng phát xít Đức - Ý - Nhật.
Hơn 20 năm trước đây, tên trùm ác quỷ phát xít Hítle cùng với Mútxôlôni) và bọn quân phiệt Nhật đã gây ra cuộc đại Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Lúc đầu bọn Hítle "khạc ra lửa, thở ra sấm", chỉ trong mấy tháng quân phát xít Đức đã đánh bại l0 nước châu Âu và nước Anh cũng bị chúng uy hiếp nghiêm trọng.
Chúng vơ vét và tập trung sức của, sức người của các nước đó để tiến công Liên Xô vào giữa năm 1941.
Hítle có 214 Sư đoàn và 7 Lữ đoàn bộ binh, thì hắn đã dùng trên mật trận Liên Xô 152 Sư đoàn và 2 Lữ đoàn cùng 48 sư đoàn của các nước chư hầu. Có khi Hítle đã tung ra 239 sư đoàn trong một lúc.
Liên Xô đã phải chịu gánh nặng nhất trong cuộc chiến tranh.
Năm đầu, Liên Xô đã gặp những khó khăn không thể tưởng tượng được Lêningrát bị vây kín. Xtalingrát và nhiều thành phố lớn khác bị giặc phá tan tành...
Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, quân và dân Liên Xô đã quết tâm hy sinh tất cả để đánh thắng và đã thắng to. Cuối cùng, 507 sư đoàn phát xít đã bị Hồng quân tiêu diệt hoặc làm tan rã. Hồng quân đã giết, làm bị thương và bắt làm tù binh ngót 10 triệu binh sĩ phát xít.
Tổng thống Mỹ Rudơven đã nói rằng: "Riêng người Nga đã tiêu diệt quân lính Đức và phá hoại vũ khí Đức nhiều hơn cả 25 nước đồng minh cộng lại".
Người ghét cay ghét đắng cộng sản là Thủ tướng Anh Sớcsin cũng phải nhận rằng: "Đó là người Nga họ đã đập bẹp các guồng máy quân sự của phát xít Đức".
Sau mấy năm trời chúng đã làm cho 30 triệu người bỏ mạng trong chiến tranh, quân phiệt Nhật đã phải đầu hàng, Mútxôlôni đã bị treo cổ, Hítle đã uống thuốc độc chết. Đó là kết cục tất nhiên của những bọn hiếu chiến. Ngày nay, bọn đế quốc Mỹ đang đi theo vết xe này.
Thắng lợi của Liên Xô đã tạo điều kiện cho một số nước Châu Á và Châu Âu xây dựng nên chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp gây chiến với ta. Chúng hòng cướp nước ta một lần nữa. Chúng cho rằng chúng mạnh hơn ta gấp trăm nghìn lần, chóng là nửa năm, chầy là 18 tháng, chúng sẽ nuốt chửng nước ta. Nhưng chúng đã lầm to.
Về lực lượng vật chất, thì Pháp mạnh hơn ta thật. Chúng có xe tăng, đại bác, tàu chiến, máy bay. Lại có những đội quân liều lĩnh, những tên tướng nổi tiếng như Lơcléc, Tátxinhi...
Ta thì hầu như hai bàn tay không, cái gì cũng thiếu. Lúc đó những người nhát gan đã nói:"Ta đánh nhau với Pháp, khác nào châu chấu đấu với ông voi!". Nhưng về tinh thần và chính trị, thì ta mạnh gấp trăm gấp nghìn thực dân Pháp. Ta có chính nghĩa. Ta có lòng nồng nàn yêu nước và sức đoàn kết chặt chẽ của toàn dân. Ta có sự lãnh đạo khôn khéo của Đảng.
Nắm chắc điều kiện thắng lợi đó, Đảng ta đã nêu lên khẩu hiệu: "Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Quả nhiên, ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng hèn. Sau tám, chín năm kháng chiến cực kỳ gian khổ và vô cùng anh dũng, ta đã thu được đại thắng Điện Biên.
Tính tất cả mấy năm đánh nhau, số địch bị giết, bị thương và bị bắt là:
Binh sĩ thực dân Pháp chính cống: 70.900 tên,
Binh sĩ Âu - Phi: 72.000 tên,
Binh sĩ ngụy quân: 419.000 tên.
Kinh nghiệm đó cho phép ông Moxơ, Thượng nghị sĩ Mỹ, đoán rằng, phái thêm mấy vạn tên lính Mỹ sang đất Việt, thì sẽ có mấy nghìn tên trở về Mỹ trong những chiếc quan tài.
Hiện nay về mọi mặt, ta đã mạnh hơn trước nhiều. Ta lại có các nước anh em giúp đỡ, nhân dân khắp thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, ủng hộ và đồng tình. Ta nhất định thắng.
Đế quốc Mỹ miệng thì nói "đàm phán không điều kiện", nhưng vẫn điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh và đưa thêm quân đội vào miền Nam, vẫn tiếp tục ném bom phá phách miền Bắc. Dù sao, chúng nhất định sẽ thất bại như thực dân Pháp đã thất bại.
Trước mắt đế quốc Mỹ chỉ có hai con đường: Một là tự động chấm dứt ngay chiến tranh và rút khỏi miền Nam một cách "lịch sự". Hai là ngoan cố bị động chờ quân và dân miền Nam tống cổ chúng về nước mẹ Hoa Kỳ.
CHIẾN SĨ”
(Báo Nhân Dân, số 4053, ngày 09-5-196515)
Thu Hiền (tổng hợp)
Hết
--------------
Chú thích:
12, 13, 14, 15. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 14, tr.315-319, tr.320, tr.412-415, tr.541-543.