Chỉ mục bài viết

1. Giai cấp công nhân

- "Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ.

… Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng v.v., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân.

... Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Quyền lợi của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.

… Các chú phải nhớ công nhân trẻ làm tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, bồi dưỡng văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”; đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài nữa".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.678-684).

- "Công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.480).

- "Giai cấp công nhân là chủ các xí nghiệp, nông dân lao động là chủ ruộng đất. Là người chủ nước nhà, công và nông cần phải thi đua sản xuất để tạo điều kiện nâng cao dần đời sống của nhân dân. Đồng thời phải luôn luôn cảnh giác, để trừng trị bọn phá hoại, để bảo vệ tài sản và hạnh phúc của mình và của toàn dân".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.205).

- "Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.447).

- "Các cô, các chú muốn hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước thì phải: Tăng năng suất, tăng chất lượng, đồng thời phải hạ giá thành. Tóm lại: Phải làm mau, làm tốt, làm rẻ, làm nhiều".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.537).

- "Công nhân là giai cấp lãnh đạo, các cô, các chú đã hiểu như thế và đồng bào cũng hiểu như thế, nhưng muốn lãnh đạo thì phải gương mẫu. Vì vậy cần phải khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm sẵn có, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho để xứng đáng là ông chủ, bà chủ, xứng đáng là vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, xứng đáng là một bộ phận trong gia đình xã hội chủ nghĩa".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11 tr.111).

- "Vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn rất quan trọng. Các cô, các chú phải lãnh đạo công nhân thi đua yêu nước cho tốt, hoàn thành kế hoạch 3 năm sớm chừng nào hay chừng ấy để có thời gian chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm. Thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.633).

- "Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy. Nếu ta sản xuất xấu, chẳng những mất công, tốn nguyên liệu mà lại mất cả uy tín nữa. Do đó, cần phải làm cho tốt".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.268).

- "Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng. giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà. Vậy, đã là người chủ nước nhà, thái độ phải thế nào cho đúng?

Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Công nhân phải hiểu xí nghiệp là của mình, làm chủ nước nhà là nói chung, làm chủ xí nghiệp là nói riêng, xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên. Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải như thế nào?

Chế độ này của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm.

Của cải mình lao động ra là của nước nhà, của nhân dân, là của mình, là của công. Nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân phải bảo vệ của cải ấy. Để bảo vệ của cải chung đó, đối với thói tham ô, lãng phí, ta phải chống lại...

Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ.

Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu...

Tóm lại, về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.295-298).

- "Anh hùng, chiến sỹ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, cho họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.200).

- "... Chế độ ta là chế độ dân chủ, Đảng và Chính phủ ta chỉ lo phục lợi ích của nhân dân. Đồng bào tất cả các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.282).

- " ... Công đoàn có một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên, các anh hùng và chiến sỹ lao động phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi công việc...".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.293).

- "... Làm chủ là: Biết cần kiệm xây dựng nông trường, xây dựng đất nước; biết đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và công nhân, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương...".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.479).

- "Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, anh hùng lao động, mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.556)

2. Giai cấp nông dân

- "Chiến sỹ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất.

Ruộng rẫy là chiến trường,

Cày cuốc là vũ khí,

Nhà nông là chiến sỹ,

Hậu phương thi đua với tiền phương".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.44).

- "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay!

Tăng gia sản xuất nữa!... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.609).

- "Toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:

- Cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu,

- Cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ bỏ phân,

- Chống hạn, phòng lụt, diệt sâu bọ,

- Khai phá ruộng hoang,

- Chăn nuôi nhiều gia súc,

- Tiết kiệm về mọi mặt.

Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào gúp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.299-300).

- "Để làm cho nước mạnh, dân giàu, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, để góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xây đắp hạnh phúc của mình và gia đình mình, đồng bào nông dân ta hãy hăng hái tiến lên, ra sức chống úng, phòng lụt, phòng bão và chăm sóc đồng ruộng, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, quyết tâm thu hoạch vụ mùa thắng lợi vượt bậc và toàn diện!".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.263).

- "Các hợp tác xã đều phải:

+ Đoàn kết chặt chẽ giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa ban quản trị và xã viên;

+ Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh;

+ Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.

Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.260).

- "Bài hát "Tám điều cần thiết", kính tặng bà con Hiệp An và toàn thể đồng bào nông dân ta:

1- Là nước phải đủ,

2- Là phân phải nhiều,

3- Bừa kỹ, cày sâu,

4- Phải chọn giống tốt,

5- Nèn cấy dày cột,

6- Là phòng chuột, sâu,

7- Là nhắc nhủ nhau, việc cải tiến kỹ thuật,

8- Phải quản lý tốt từ đầu đến cuối mùa.

Tám điều cố gắng thi đua,

Thì ta nắm chắc vụ mùa thắng to".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.225).

- "Đồng bào nông dân ta sẵn có truyền thống cần cù lao động và hăng hái phấn đấu. Khi đó thấm nhuần tinh thần của Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, chắc nông dân ta sẽ rất phấn khởi và sẽ có một chuyển biến to lớn trong sản xuất nông nghiệp".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.165).

- "Thực túc thì binh cường!"

Chiến sỹ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất.

Ruộng rẫy là chiến trường

Cuốc cày là vũ khí,

Nhà nông là chiến sỹ,

Hậu phương thi đua với tiền phương.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.178).

- "... Phải củng cố hợp tác xã cho tốt. Muốn hợp tác xã tốt, phải thế nào? Phải nâng cao tinh thần làm chủ: Làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, làm chủ đất nước... Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh. Làm chủ hợp tác xã là thế nào? Là phải coi công việc của hợp tác xã như công việc của mình, chứ không phải làm sao cũng được".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.455).

- "... Các hợp tác xã đều phải:

Đoàn kết chặt chẽ, giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa bản quản trị và xã viên.

Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh.

Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.

Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất, và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.195).

ThS. Dương Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: