Chỉ mục bài viết

 6. Với các lực lượng vũ trang

"Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

"Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435).

Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.217).

"Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển, coi kỷ luật nghiêm như sắt, coi tinh thần vững như đồng, coi chí khí quật cường tất thắng, coi đạo đức: Trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.371).

"Người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu. Phải giữ đúng đạo đức của quân nhân".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.236).

"Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt.

Công an phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân đều là người giúp việc của mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân. Như thế công tác mới có kết quả. Hồi kháng chiến, bộ đội cũng thế, nhất là du kích, đều luôn luôn được nhân dân ủng hộ mà giành được thắng lợi. Chúng ta phải dựa vào dân.

Đoàn kết, cảnh giác,

Liêm chính, kiệm cần,

Hoàn thành nhiệm vụ,

Khắc phục khó khăn,

Dũng cảm trước địch,

Vì nước quên thân,

Trung thành với Đảng,

Tận tụy với dân".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.154-156).

"... Hỏi: Đời sống mới trong bộ đội nên như thế nào?

Đáp: Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới.

Một là kỷ luật phải cực kỳ nghiêm.

Hai là siêng luyện tập.

Ba là làm cho trong bộ đội ai cũng biết chữ. Trong các bộ đội ta, ít nhất là một phần nửa binh sĩ đã biết chữ. Những người chỉ huy phải tổ chức cho khéo, ngoài những lớp học, giao cho mỗi một người biết chữ phụ trách dạy cho một hay hai người chưa biết, thì trong vài ba tháng, tất cả binh sĩ đều biết chữ.

Bốn là một người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước.

Năm là bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất... Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc.

Sáu là tiết kiệm. Tiết kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn. Nhờ thế mà bớt dần nguyên liệu, bớt được công khó rèn đúc, công khó vận tải đem tài liệu và công phu đó làm việc khác.

Tiết kiệm lương thực và vải vóc, chớ nghĩ rằng cơm ăn áo mặc đã có Chính phủ lo, đã có đồng bào giúp, thì ta không cần tiết kiệm. Bộ đội có hàng mấy vạn người. Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to.

Bảy là vệ sinh. Bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh.

Tám là ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu.

Hay giúp đỡ dân, giữ đúng kỷ luật thì được như thế.

Chín là đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng.

Bộ đội này thi đua với bộ đội khác làm đời sống mới".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.103-104).

"Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.273).

"Công tác của người tướng là:

1. Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng.

Báo cáo từ dưới lên, phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực.

Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ.

2. Đối với binh sĩ, thì từ lời ăn, tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.

Bộ đội cũng ví như con dao, cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm tập luyện sẽ tiến bộ. Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu.

3. Đối với dân, thì chắc các đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.

4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: "Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức lực mới bắt được!". Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.480).

"Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng...

Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v.v… Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn lễ phép. Tránh hách dịch".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.499).

7. Đối với người cao tuổi

"Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.24).

“Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi; nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào chân bọn hung ác.

Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tin trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hiểu điều nên hiểu, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây, đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.233).

"Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn.

... Càng già, càng dẻo lại càng dai,

Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai.

Đôn đốc con em làm nhiệm vụ,

Vuốt râu mừng xã hội tương lai.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.213-214).

"... Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.46).

“Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp, phụ lão phù trợ.

Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo các cụ cũng phải lo. Nước nhà vui các cụ đều cùng được vui”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.232).

“Tuổi già nhưng chí không già,

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.388).

“Những vị Thượng thọ… là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.521).

“Tuổi cao chí khí càng cao,

Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,

Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.375).

“Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ. Trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta có những đội du kích “bạch đầu quân”. Sự chiến đấu anh dũng và hy sinh oanh liệt của những “đội viên tóc bạc răng long” đó làm cho lũ giặc kinh hồn và khuyến khích chiến sỹ ta càng thêm dũng cảm. Các cụ đã góp phần không nhỏ vào cuộc thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.691).

8. Với thiếu niên, nhi đồng

“Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.240).

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.35).

"Nay Bác viết mấy chữ, để cám ơn các cháu và khuyên các cháu:

1. Phải siêng học,

2. Phải giữ sạch sẽ,

3. Phải giữ kỷ luật.

4. Phải làm theo đời sống mới,

5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.421).

"Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa.

Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả. Nhiều thư của các cháu gửi cho Bác Hồ viết như người lớn viết đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh.

Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội, chúng đều vui, đều học. Muốn vậy các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng.

Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước".

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.85).

“Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.

Sau đây Bác viết mấy dòng,

Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.185).

“Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh?

Tính các cháu ngoan ngoãn,

Mặt các cháu xinh xinh,

Mong các cháu cố gắng,

Thi đua học và hành.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,

Tuỳ theo sức của mình:

Để tham gia kháng chiến,

Để gìn giữ hòa bình.

Các cháu hãy xứng đáng:

Cháu Bác Hồ Chí Minh!”

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.499).

“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

- Học tập tốt, lao động tốt.

- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Giữ gìn vệ sinh.

- Thật thà, dũng cảm.

Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.131-132).

“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm súc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực…

Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.579).

“Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.26).

“9 Tết Trung thu,

8 năm kháng chiến,

Các cháu khôn lớn,

Bác rất vui lòng.

Thu này Bác gửi thơ chung,

Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,

Thu này hơn những thu qua,

Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.

Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông,

Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay.

Các cháu vui thay!

Bác cũng vui thay!

Thu sau so với Thu này vui hơn”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.238-239).

“Bắc Nam sẽ sum họp một nhà,

Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung.

Nhớ thương các cháu vô cùng,

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.754).

ThS. Dương Quốc Thành

Bài viết khác: