1. Giai cấp công nhân
- "Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ.
… Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng v.v., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân.
... Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Quyền lợi của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.
… Các chú phải nhớ công nhân trẻ làm tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, bồi dưỡng văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”; đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài nữa".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.678-684).
- "Công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.480).
- "Giai cấp công nhân là chủ các xí nghiệp, nông dân lao động là chủ ruộng đất. Là người chủ nước nhà, công và nông cần phải thi đua sản xuất để tạo điều kiện nâng cao dần đời sống của nhân dân. Đồng thời phải luôn luôn cảnh giác, để trừng trị bọn phá hoại, để bảo vệ tài sản và hạnh phúc của mình và của toàn dân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.205).
- "Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.447).
- "Các cô, các chú muốn hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước thì phải: Tăng năng suất, tăng chất lượng, đồng thời phải hạ giá thành. Tóm lại: Phải làm mau, làm tốt, làm rẻ, làm nhiều".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.537).
- "Công nhân là giai cấp lãnh đạo, các cô, các chú đã hiểu như thế và đồng bào cũng hiểu như thế, nhưng muốn lãnh đạo thì phải gương mẫu. Vì vậy cần phải khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm sẵn có, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho để xứng đáng là ông chủ, bà chủ, xứng đáng là vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, xứng đáng là một bộ phận trong gia đình xã hội chủ nghĩa".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11 tr.111).
- "Vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn rất quan trọng. Các cô, các chú phải lãnh đạo công nhân thi đua yêu nước cho tốt, hoàn thành kế hoạch 3 năm sớm chừng nào hay chừng ấy để có thời gian chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm. Thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.633).
- "Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy. Nếu ta sản xuất xấu, chẳng những mất công, tốn nguyên liệu mà lại mất cả uy tín nữa. Do đó, cần phải làm cho tốt".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.268).
- "Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng. giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà. Vậy, đã là người chủ nước nhà, thái độ phải thế nào cho đúng?
Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Công nhân phải hiểu xí nghiệp là của mình, làm chủ nước nhà là nói chung, làm chủ xí nghiệp là nói riêng, xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên. Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải như thế nào?
Chế độ này của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm.
Của cải mình lao động ra là của nước nhà, của nhân dân, là của mình, là của công. Nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân phải bảo vệ của cải ấy. Để bảo vệ của cải chung đó, đối với thói tham ô, lãng phí, ta phải chống lại...
Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ.
Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu...
Tóm lại, về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.295-298).
- "Anh hùng, chiến sỹ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, cho họ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.200).
- "... Chế độ ta là chế độ dân chủ, Đảng và Chính phủ ta chỉ lo phục lợi ích của nhân dân. Đồng bào tất cả các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.282).
- " ... Công đoàn có một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên, các anh hùng và chiến sỹ lao động phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi công việc...".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.293).
- "... Làm chủ là: Biết cần kiệm xây dựng nông trường, xây dựng đất nước; biết đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và công nhân, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương...".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.479).
- "Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, anh hùng lao động, mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.556)
2. Giai cấp nông dân
- "Chiến sỹ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất.
Ruộng rẫy là chiến trường,
Cày cuốc là vũ khí,
Nhà nông là chiến sỹ,
Hậu phương thi đua với tiền phương".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.44).
- "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay!
Tăng gia sản xuất nữa!... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.609).
- "Toàn thể đồng bào nông dân phải ra sức thi đua:
- Cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu,
- Cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ bỏ phân,
- Chống hạn, phòng lụt, diệt sâu bọ,
- Khai phá ruộng hoang,
- Chăn nuôi nhiều gia súc,
- Tiết kiệm về mọi mặt.
Đó là một cuộc thi đua yêu nước, ý nghĩa rất to lớn. Tôi kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia phong trào thi đua này. Thế là đồng bào gúp phần vào công cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.299-300).
- "Để làm cho nước mạnh, dân giàu, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, để góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xây đắp hạnh phúc của mình và gia đình mình, đồng bào nông dân ta hãy hăng hái tiến lên, ra sức chống úng, phòng lụt, phòng bão và chăm sóc đồng ruộng, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, quyết tâm thu hoạch vụ mùa thắng lợi vượt bậc và toàn diện!".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.263).
- "Các hợp tác xã đều phải:
+ Đoàn kết chặt chẽ giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa ban quản trị và xã viên;
+ Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh;
+ Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.
Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.260).
- "Bài hát "Tám điều cần thiết", kính tặng bà con Hiệp An và toàn thể đồng bào nông dân ta:
1- Là nước phải đủ,
2- Là phân phải nhiều,
3- Bừa kỹ, cày sâu,
4- Phải chọn giống tốt,
5- Nèn cấy dày cột,
6- Là phòng chuột, sâu,
7- Là nhắc nhủ nhau, việc cải tiến kỹ thuật,
8- Phải quản lý tốt từ đầu đến cuối mùa.
Tám điều cố gắng thi đua,
Thì ta nắm chắc vụ mùa thắng to".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.225).
- "Đồng bào nông dân ta sẵn có truyền thống cần cù lao động và hăng hái phấn đấu. Khi đó thấm nhuần tinh thần của Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, chắc nông dân ta sẽ rất phấn khởi và sẽ có một chuyển biến to lớn trong sản xuất nông nghiệp".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.165).
- "Thực túc thì binh cường!"
Chiến sỹ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất.
Ruộng rẫy là chiến trường
Cuốc cày là vũ khí,
Nhà nông là chiến sỹ,
Hậu phương thi đua với tiền phương.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.178).
- "... Phải củng cố hợp tác xã cho tốt. Muốn hợp tác xã tốt, phải thế nào? Phải nâng cao tinh thần làm chủ: Làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, làm chủ đất nước... Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh. Làm chủ hợp tác xã là thế nào? Là phải coi công việc của hợp tác xã như công việc của mình, chứ không phải làm sao cũng được".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.455).
- "... Các hợp tác xã đều phải:
Đoàn kết chặt chẽ, giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa bản quản trị và xã viên.
Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh.
Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.
Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất, và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.195).
ThS. Dương Quốc Thành (tổng hợp)
.3. Đội ngũ trí thức
- "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Cố gắng trau dồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.466).
- "Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.505).
- "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.290).
- "Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.389).
- "Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.
"Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.343).
- "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.157).
- "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.184).
- "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.275).
- "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.466).
- "Văn nghệ sĩ sáng tác để động viên tinh thần dân tộc và để tuyên truyền kháng chiến ra nước ngoài; các viên chức triệt để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Làm việc với tinh thần chiến sĩ, với phương pháp khoa học và lề lối dân chủ, để thực hiện chính sách của Chính phủ đến tận mọi người dân".
- "Nói riêng là giới văn nghệ đã có những đóng góp đáng kể. Già trẻ, gái trai, Nam - Bắc tất cả chúng ta đoàn kết; các ngành văn nghệ đoàn kết; đoàn kết nhằm vào mục đích chung phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta làm thế thì văn nghệ sĩ nhất định sẽ tiến bộ hơn nữa, đồng thời có lực lượng mà giúp đỡ nhân dân tiến bộ hơn nữa".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.513).
- "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm Xuân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.505).
- "Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.97).
- "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều.
Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ.
... Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đeo cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.
Vì vậy những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.
Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.
Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn.
Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.
Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.
Vì vậy chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.
... Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.275-276).
- "Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.
Các bạn là viên chức của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể dân chủ cộng hòa của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương " phụng công thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.472).
- "Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm. Bác nói thế là hết. Văn hay không cần nói dài".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.389).
4. Với phụ nữ
- “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.300).
- “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.301).
- “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.60).
- “Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Tổ chức và phát triển hợp tác xã cho tốt. Làm cho gia đình ngày càng no ấm, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước. Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới… Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau… Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được…”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.263).
- “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.340).
- “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617).
- “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.506).
- “… Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.491).
- "Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa.
… Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.300-301).
- "Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng, Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.60).
- "2. Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm...
3. Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: Ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v. còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong.
4. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi....
5. Để làm tốt những việc nói tên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.263).
5. Đạo đức công dân
"Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là:
- Tuân theo pháp luật Nhà nước.
- Tuân theo kỷ luật lao động.
- Giữ gìn trật tự chung.
- Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.
- Hăng hái tham gia công việc chung.
- Bảo vệ tài sản công cộng.
- Bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của, sức người. Điều đó tỏ rằng đại đa số nhân dân ta đã tự giác, tự động làm trọn nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Nhưng vẫn có một số ít người không làm đúng như vậy. Họ muốn hưởng quyền lợi mà không muốn làm nghĩa vụ. Thậm chí có những người phá hoại pháp luật (như tham ô, buôn gian, lậu thuế, trộm cắp, lưu manh...). Những thói xấu đó là do: a) Ảnh hưởng của xã hội cũ, của chế độ thực dân, phong kiến còn lại. b) Bọn đế quốc, phong kiến tuyên truyền lừa bịp, xui giục phỉnh phờ, làm cho một số người lạc hậu trốn tránh nghĩa vụ, làm trái phép luật, trái đạo đức công dân. Cho nên chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ của nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc. Giáo dục có nhiều cách: Giúp quần chúng giáo dục quần chúng bằng cách tự phê bình và phê bình để dạy dỗ lẫn nhau. Cán bộ giáo dục quần chúng bằng cách vạch rõ âm mưu của địch, lấy sự thật mà giải thích cho quần chúng rõ địa vị cao quý của người chủ nước nhà, lực lượng xây dựng to lớn của ta, tương lai vẻ vang của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người. Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.258).
ThS. Dương Quốc Thành (tổng hợp)
6. Với các lực lượng vũ trang
"Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
…
"Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435).
Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.217).
"Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển, coi kỷ luật nghiêm như sắt, coi tinh thần vững như đồng, coi chí khí quật cường tất thắng, coi đạo đức: Trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.371).
"Người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu. Phải giữ đúng đạo đức của quân nhân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.236).
"Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt.
…
Công an phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân đều là người giúp việc của mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân. Như thế công tác mới có kết quả. Hồi kháng chiến, bộ đội cũng thế, nhất là du kích, đều luôn luôn được nhân dân ủng hộ mà giành được thắng lợi. Chúng ta phải dựa vào dân.
…
Đoàn kết, cảnh giác,
Liêm chính, kiệm cần,
Hoàn thành nhiệm vụ,
Khắc phục khó khăn,
Dũng cảm trước địch,
Vì nước quên thân,
Trung thành với Đảng,
Tận tụy với dân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.154-156).
"... Hỏi: Đời sống mới trong bộ đội nên như thế nào?
Đáp: Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới.
Một là kỷ luật phải cực kỳ nghiêm.
Hai là siêng luyện tập.
Ba là làm cho trong bộ đội ai cũng biết chữ. Trong các bộ đội ta, ít nhất là một phần nửa binh sĩ đã biết chữ. Những người chỉ huy phải tổ chức cho khéo, ngoài những lớp học, giao cho mỗi một người biết chữ phụ trách dạy cho một hay hai người chưa biết, thì trong vài ba tháng, tất cả binh sĩ đều biết chữ.
Bốn là một người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước.
Năm là bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất... Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc.
Sáu là tiết kiệm. Tiết kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn. Nhờ thế mà bớt dần nguyên liệu, bớt được công khó rèn đúc, công khó vận tải đem tài liệu và công phu đó làm việc khác.
Tiết kiệm lương thực và vải vóc, chớ nghĩ rằng cơm ăn áo mặc đã có Chính phủ lo, đã có đồng bào giúp, thì ta không cần tiết kiệm. Bộ đội có hàng mấy vạn người. Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to.
Bảy là vệ sinh. Bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh.
Tám là ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu.
Hay giúp đỡ dân, giữ đúng kỷ luật thì được như thế.
Chín là đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng.
Bộ đội này thi đua với bộ đội khác làm đời sống mới".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.103-104).
"Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.273).
"Công tác của người tướng là:
1. Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng.
Báo cáo từ dưới lên, phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực.
Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ.
2. Đối với binh sĩ, thì từ lời ăn, tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.
Bộ đội cũng ví như con dao, cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm tập luyện sẽ tiến bộ. Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu.
3. Đối với dân, thì chắc các đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.
4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: "Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức lực mới bắt được!". Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.480).
"Tư cách người công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng...
Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v.v… Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn lễ phép. Tránh hách dịch".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.499).
7. Đối với người cao tuổi
"Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.24).
“Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi; nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào chân bọn hung ác.
Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tin trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hiểu điều nên hiểu, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây, đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.233).
"Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn.
... Càng già, càng dẻo lại càng dai,
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai.
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ,
Vuốt râu mừng xã hội tương lai.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.213-214).
"... Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.46).
“Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp, phụ lão phù trợ.
Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo các cụ cũng phải lo. Nước nhà vui các cụ đều cùng được vui”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.232).
“Tuổi già nhưng chí không già,
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.388).
“Những vị Thượng thọ… là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.521).
“Tuổi cao chí khí càng cao,
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.
Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.375).
“Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ. Trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta có những đội du kích “bạch đầu quân”. Sự chiến đấu anh dũng và hy sinh oanh liệt của những “đội viên tóc bạc răng long” đó làm cho lũ giặc kinh hồn và khuyến khích chiến sỹ ta càng thêm dũng cảm. Các cụ đã góp phần không nhỏ vào cuộc thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.691).
8. Với thiếu niên, nhi đồng
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.240).
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.35).
"Nay Bác viết mấy chữ, để cám ơn các cháu và khuyên các cháu:
1. Phải siêng học,
2. Phải giữ sạch sẽ,
3. Phải giữ kỷ luật.
4. Phải làm theo đời sống mới,
5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.421).
"Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa.
Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả. Nhiều thư của các cháu gửi cho Bác Hồ viết như người lớn viết đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh.
Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội, chúng đều vui, đều học. Muốn vậy các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng.
Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước".
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.85).
“Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết mấy dòng,
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.185).
“Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh?
Tính các cháu ngoan ngoãn,
Mặt các cháu xinh xinh,
Mong các cháu cố gắng,
Thi đua học và hành.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,
Tuỳ theo sức của mình:
Để tham gia kháng chiến,
Để gìn giữ hòa bình.
Các cháu hãy xứng đáng:
Cháu Bác Hồ Chí Minh!”
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.499).
“- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
- Học tập tốt, lao động tốt.
- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
- Giữ gìn vệ sinh.
- Thật thà, dũng cảm.
Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.131-132).
“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm súc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực…
Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.579).
“Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.26).
“9 Tết Trung thu,
8 năm kháng chiến,
Các cháu khôn lớn,
Bác rất vui lòng.
Thu này Bác gửi thơ chung,
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,
Thu này hơn những thu qua,
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.
…
Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông,
Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay.
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với Thu này vui hơn”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.238-239).
“Bắc Nam sẽ sum họp một nhà,
Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.754).
ThS. Dương Quốc Thành