Thứ bảy, 30/03/2024

Chỉ mục bài viết

1. Thư gửi các bạn thanh niên (17-8-1947)

Các bạn thanh niên yêu quý,

Nhân dịp Hội nghị thanh niên Việt Nam, tôi gửi lời chào các bạn được kết quả mỹ mãn.

Sau đây mấy ý kiến để giúp các bạn thảo luận:

Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.

Chúng ta phải nhận rằng thanh niên ta rất hăng hái. Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng phong trào thanh niên ta còn chật hẹp, mặc dầu từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, thanh niên có cơ hội để phát triển một cách mau chóng và rộng rãi hơn.

Vậy nên nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ.

Theo ý tôi muốn đạt mục đích đó, thì mỗi thanh niên, nhất là một cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:

a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).

b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.

c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.

d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.

e) Quyết tâm làm gương về mặt: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.

f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết.

Như thế thì ai cũng phải yêu mến kính phục thanh niên và phong trào thanh niên nhất định sẽ ăn sâu lan rộng.

Hiện nay thanh niên không thiếu gì nơi hoạt động, không thiếu gì công việc làm: Nào ở bộ đội, dân quân du kích, nào mở mang bình dân học vụ, nào tăng gia sản xuất, v.v..

Có chí làm thì quyết tìm ra việc và quyết làm được việc.

Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.

Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được.

Đó là những kinh nghiệm của một người bạn có lịch duyệt thật thà đem bày tỏ với các bạn. Mong các bạn gắng sức và thành công.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 17 tháng 8 nǎm 1947

HỒ CHÍ MINH

(Trích trong sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin Việt Nam, 1949)

2. Bài nói tại Đại hội thanh niên cứu quốc toàn xứ

……

Vài lời phê bình thanh niên: Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên. Chẳng hạn như trong tổ chức còn phân ra nam nữ, không giúp đỡ cho các chị em nữ thanh niên phát triển, số phụ nữ cũng ngang bằng số đàn ông, vậy mà gạt các chị em ra ngoài, tổ chức thanh niên có khác gì đi có một chân.

Một điều nữa là thanh niên có hăng hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại.

Nhiệm vụ chính của thanh niên là xung phong trong ba việc cần yếu nói trên. Và khẩu hiệu là: Làm, phải cho thắng, nhất định không cho bại.

(Bài đăng trên Báo Cứu quốc, số 101 ngày 26-11-1945).

3. Thanh niên phải làm gì?

Thanh niên ta tuy đã có một đoàn thể của mình là Đoàn Thanh niên Việt Nam, nhưng vẫn có một số đông chưa tổ chức, chưa hoạt động - Vì sao thế?

Theo sự nhận xét riêng của tôi, thì do những khuyết điểm này:

1- Tổ chức chỉ có bề rộng mà không có bề sâu. Xem trên báo, thì thấy tỉnh này đã thành lập Đoàn, tỉnh kia cũng thế. Nhưng về các huyện, các làng thì ít nơi biết Đoàn Thanh niên Việt Nam.

Phần đông thanh niên trong tổ chức là thanh niên trí thức. Còn nữ thanh niên và thanh niên các từng lớp khác, như binh sĩ, công nhân, nông dân, v.v., thì rất hiếm.

2- Mục đích thì nêu ra nhiều khẩu hiệu quá. Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào. Thậm chí không ai nhớ được những khẩu hiệu đó.

Vậy chỉ nên nêu ra vài khẩu hiệu chính, thiết thực và phổ thông, cho mỗi thanh niên có thể hiểu, nhớ và luôn nhằm vào đó mà theo.

3- Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực.

Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để.

Tôi thường nghe anh em trong Đoàn Thanh niên Việt Nam người thì phàn nàn rằng thiếu công việc để hoạt động, người thì phàn nàn Đoàn thiếu cán bộ.

Nếu thanh niên biết tìm thì không thiếu gì công việc, cũng không thiếu gì cán bộ.

Vài thí dụ: Nếu Đoàn Thanh niên Việt Nam khéo động viên và tổ chức nam nữ thanh niên trí thức, xung phong ra phụ trách công việc tiêu diệt giặc dốt thì tất cả thanh niên trí thức đều có công việc, mà Đoàn sẽ có công to với quốc dân. Nếu Đoàn khéo động viên và tổ chức nam nữ thanh niên nông dân xung phong ra phụ trách công việc tăng gia sản xuất, thì thanh niên trong thôn quê sẽ đều hoạt động, mà Đoàn sẽ có công to với Chính phủ. Còn nhiều việc khác, thanh niên có thể làm.

Bất kỳ công việc gì, cũng có người hăng hái hơn, đắc lực hơn, có sáng kiến hơn. Nếu Đoàn khéo chú ý, tìm tòi, cất nhắc thì đó là những cán bộ. Có lẽ những thanh niên đó viết không giỏi, nói không kêu nhưng họ làm được việc. Đó là cái chính. Thanh niên cần nhiều cán bộ như thế.

Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập.

Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị.

Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được.

Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp.

Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do.

Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà.

A.G.

(Bài đăng trên Báo Sự thật, số 89,ngày 10-02-1948

4. Bài nói tại Đại hội đại biểu thanh niên Hà Nội

Các anh em nếu đến đây để đợi nghe một bài diễn văn bóng bẩy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em. Những khuyết điểm ấy, có mấy điều lớn nhất sau đây:

Một là, thanh niên nhất là thanh niên Hà thành vốn giữ tính kiêu căng, biệt phái, bởi vậy những tổ chức đều chia rẽ, cô lập, chưa hợp thành được một mặt trận thống nhất.

Hai là, thanh niên tuy có hăng hái, sôi nổi nhưng kém sáng kiến; việc gì cũng đợi ở Tổng bộ hoặc Chính phủ ra cho mệnh lệnh, chỉ thị, giúp hộ ý kiến hoặc định hộ kế hoạch; lại không biết tự ý đề nghị với Chính phủ những việc cần phải làm hay phải sửa chữa.

Ba là, các đồng chí phụ trách thanh niên không chịu đào tạo, dìu dắt thêm những cán bộ mới, tuy những phần tử có thể trở nên cán bộ vẫn không thiếu trong đám thanh niên.

Bây giờ, cần phải làm sao cho mất những khuyết điểm ấy. Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên. Mỗi giới thanh niên có một nguyện vọng, quyền lợi, đường lối phát triển riêng. Bây giờ không phân biệt, giới nào cũng phải đứng chung trong một tổ chức duy nhất. Nhưng điều đó không phải sẽ cột chặt tất cả sự hoạt động riêng của mỗi giới, không cho tự phát triển, miễn là những hoạt động ấy không đi ngược lại với hướng hoạt động chung của toàn thể. Sau đó, việc nên chú ý đến là sự định rõ những công việc và nhiệm vụ của thanh niên như là: Đi sâu vào quần chúng để san sẻ những thường thức về chính trị và quyền lợi công dân; ủng hộ Chính phủ không phải chỉ bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám đốc, tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ; chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự luyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà. Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc.

(Bài đăng trên Báo Cứu quốc, số 53, ngày 28-9-1945).

5. Đội Thanh niên xung phong (11-11-1953)

Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ.

Hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, thanh niên là một lực lượng xung phong trong công cuộc xây dựng nhà nước.

Ở các nước bị đế quốc xâm lược, thanh niên là lực lượng xung phong chiến đấu để tranh lấy tự do và độc lập cho Tổ quốc mình.

Ngay ở các nước đế quốc, thanh niên cũng là những người hăng hái nhất trong đấu tranh cho hòa bình và tự do.

Ở nước ta từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, thanh niên đã tích cực tham gia trong mọi mặt công tác, từ tăng gia sản xuất ở hậu phương đến xung phong chiến đấu ngoài mặt trận.

Ngoài hai tổ chức chung là Thanh niên cứu quốc và Đoàn Thanh niên Việt Nam, ta lại có các đội thanh niên xung phong. Các đội đã có những thành tích về phục vụ chiến dịch và công tác cầu đường.

Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội thanh niên xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này.

Nhiệm vụ của Đội Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó dễ, và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên ta.

Thành phần của Đội gồm những thanh niên bần, cố và trung nông. Những thanh niên trí thức quen lao động. Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua, để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ.

Trong công tác thì đội viên phải thực tế lao động, làm kiểu mẫu. Phải chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, cố sức làm việc với tinh thần xung phong và thi đua. Làm việc gì phải học tập chuyên môn việc ấy. Thường xuyên tổ chức học tập văn hóa. Qua từng thời gian công tác sẽ luân chuyển về chỉnh huấn chính trị. Khi cần thiết thì Đội tổ chức luyện tập quân sự.

Về cung cấp thì thanh niên trong Đội được Đảng và Chính phủ ưu đãi như bộ đội.

Đó là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực.

Hiện nay trong cuộc phát động quần chúng, thanh niên nông dân đã giác ngộ thêm về quyền lợi giai cấp và hiểu rõ nhiệm vụ của mình, nên tinh thần lên cao. Ở nhiều nơi số thanh niên xung phong tòng quân và đi dân công, thường quá mức dự định. Cho nên Đội thanh niên xung phong đang nhằm tuyển thêm ở những xã đã phát động quần chúng, lấy những thanh niên hăng hái tình nguyện theo đúng điều kiện của Đội.

Điều kiện vào Đội: Tất cả những nam thanh niên từ 18 đến 25 tuổi có đủ sức khoẻ, thành phần và lý lịch tốt, tự giác tự nguyện phục vụ đến ngày kháng chiến thành công, và công nhận nội quy của Đội. Khi đã đủ những điều kiện trên, còn phải được Đoàn thanh niên ở xã bình nghị có xứng đáng rồi mới được công nhận vào Đội.

Vì vậy, được lựa chọn vào Đội là một vinh dự lớn cho thanh niên ta.

C.B.

(Bài đăng trên Báo Nhân Dân, số 147, từ ngày 11 đến 15-11-1953).

6. Nhân dịp Hội nghị Quốc tế bảo vệ quyền lợi thanh niên (06-4-1953)

Đại biểu thanh niên của 70 nước đã họp xong hội nghị ở Viên (Thủ đô nước Áo), bàn cách giữ gìn quyền lợi của thanh niên. Nhân dịp này, C.B. có mấy lời cống hiến cho thanh niên Việt Nam ta:

Hiện nay, quyền lợi chung của dân tộc và riêng của thanh niên ta, đang bị bọn đế quốc Pháp - Mỹ và lũ phong kiến bù nhìn xâm phạm. Để tranh lại và để giữ gìn quyền lợi của mình, thanh niên ta:

- Cần phải hăng hái tham gia kháng chiến,

- Cần phải rèn luyện mình thành những chiến sĩ kiên quyết và gan góc, không sợ nguy hiểm, không sợ khó khăn,

- Cần phải yêu lao động và kính trọng của công; chống quan liêu, tham ô, lãng phí,

-  Cần phải tuyệt đối yêu Tổ quốc, dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc,

-  Cần phải gắn chặt lòng yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế chân chính, thật thà trung thành với nhân dân, với Đảng và Chính phủ.

C.B. lại trích một đoạn trong bài hát của 16 triệu thanh niên cộng sản Liên Xô, để tặng thanh niên ta:

“Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả mọi khó khǎn.

Chiến thắng Nam cực, Bắc cực và chân trời.

Khi Tổ quốc bảo chúng ta làm việc gì to lớn gay go mấy.

Chúng ta cũng quyết tâm làm được, không ngần ngại, không kiêu căng”.

Đó cũng là con đường vẻ vang chung của thanh niên thế giới và riêng của thanh niên Việt Nam ta.

C.B.

(Bài đăng trên Báo Nhân Dân, số 105, từ ngày 6 đến 10-4-1953).

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: