7. Nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội)
Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc.
Nhiệm vụ chính của thanh niên học sinh là học. Dưới chế độ thực dân phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi, số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết.
Mục đích giáo dục nô lệ của thực dân phong kiến chỉ để đào tạo ra những trí thức nô lệ để hầu hạ chúng.
Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập.
Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để:
- Yêu Tổ quốc: Cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.
Yêu nhân dân: Việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.
Yêu lao động: Ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.
Yêu khoa học: Cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.
Yêu đạo đức: Chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.
Học để phụng sự ai ?
Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà.
Học phải đi đôi với hành: Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe).
- Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ.
- Ở xã hội: Các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: Tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ, v.v..
Bác khuyên lớp này thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác, trong việc học và hành, làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp.
Trong mấy năm kháng chiến, các anh hùng quân đội, các chiến sĩ kiểu mẫu ở nhà máy, nông thôn, ở công trường (thanh niên xung phong) đại đa số là thanh niên. Bác mong rằng thanh niên học sinh noi gương anh dũng ấy mà làm đúng những lời Bác dặn.
(Nói ngày 18-12-1954, đăng trên Báo Nhân Dân số 297 ngày 23-12-1954).
8. Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam
Hôm nay, Bác thay mặt Chính phủ đến hỏi thăm các cháu và chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, thi đua học tập, cố gắng tiến bộ.
Sau đây, Bác nêu vài ý kiến về việc giáo dục thanh niên để giúp các thầy giáo và các cháu nghiên cứu.
Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?
Trong mấy mươi năm nô lệ, đế quốc và phong kiến đã dùng giáo dục nô lệ để nhồi sọ thanh niên ta, làm cho thanh niên ta hư hỏng. Ngày nay, dân tộc ta đã được giải phóng, thì thanh niên ta cũng cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập. Nay, Bác chỉ tóm tắt nêu mấy điểm:
Những điều nên làm: Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn.
Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta. Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
- Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới.
Thí dụ: Đế quốc Mỹ ép Quốc hội Pháp thông qua hiệp định để Tây Đức vũ trang lại, tức là để gây chiến tranh, nếu có chiến tranh thì sẽ ảnh hưởng không ít đến nước ta. Nhân dân ta ra sức giữ gìn hòa bình, khôi phục lại kinh tế, chống đế quốc Mỹ, như thế là góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hòa bình thế giới.
- Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?
- Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.
Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Thanh niên và xã hội:
- Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hóa độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh, v.v. để làm cho thanh niên hư hỏng, trụy lạc. Thậm chí một số thanh niên hóa ra lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, v.v.. Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên.
Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”. Đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường. Các anh chị em nhân viên thì nên thi đua sao cho cơm lành canh ngon để cho học sinh ăn no, học tốt. Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi.
Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên. Ở trường này, các cháu học tập, ăn ở tập thể đông đảo, trai có, gái có. Các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em, chị em; đồng thời phải kính trọng nhau như đồng học, đồng chí. Quyết chớ phóng túng, lôi thôi. Phải làm cho cha mẹ các nữ học sinh yên tâm và tin cậy, phải giữ vững danh dự của trường và danh dự của tất cả học sinh. Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng.
Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.
- Trường này là Trường Đại học nhân dân, các cháu học với các thầy giáo, đồng thời phải học nhân dân. Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có nhiều thanh niên gương mẫu. Điều đó chứng tỏ rằng thanh niên ta nói chung rất hăng hái, rất tốt… Vài thí dụ: Trong bộ đội có những thanh niên anh như La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên... Ở công trường đường xe lửa có những chiến sĩ gương mẫu như Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Trọng Tùy, Lê Văn Phát và nhiều thanh niên khác. Trong thời kỳ kháng chiến, họ là những chiến sĩ du kích anh dũng. Ngày nay, trong công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà, họ là những chiến sĩ lao động anh dũng. Thanh niên ở các công trường, các nhà máy khác cũng vậy. Như đoàn thanh niên xung phong, gặp việc gì khó, việc gì cần, họ cũng đều xung phong.
Mong các cháu noi theo những gương thanh niên kiểu mẫu ấy, các cháu cùng thi đua học tập, thi đua tiến bộ, xung phong công tác xã hội, để góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước, để xứng đáng là lớp đầu tàu của Trường Đại học nhân dân, để rèn luyện thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà.
(Ngày 19-01-1955, đăng trên Báo Nhân Dân, số 326, ngày 21-01-1955)
9. Nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Bác thân ái chúc:
Toàn thể thanh niên đoàn kết, phấn đấu, mạnh dạn, vui vẻ và tiến bộ không ngừng để giúp sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Bác nói chuyện về những kinh nghiệm trong thời kỳ thanh niên của Bác.
Kinh nghiệm thế giới:
Bác đã kinh qua hai cuộc chiến tranh thế giới. Trong cuộc Chiến tranh thứ nhất, dù kỹ thuật máy bay và xe tăng chưa phát triển mấy, nhưng các nước giao chiến cũng bị chết người hại của rất nhiều. Tám, chín năm sau, vẫn chưa khôi phục được tình hình trước chiến tranh.
Khi chiến tranh, thực dân Pháp bắt hàng vạn thanh niên ta đi lính đánh thay cho chúng. Số đông thanh niên ấy có đi mà không có về. Sau chiến tranh, thực dân Pháp thẳng tay bóc lột nhân dân ta để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh đã gây ra cho Pháp.
Chiến tranh đang kéo dài, thì cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga nổ bùng và thắng lợi. Sau chiến tranh, bọn đế quốc ra sức bồi dưỡng lực lượng cho phát xít Đức, ý, Nhật, nhằm đẩy chúng đánh bẹp Liên Xô. Không ngờ bọn phát xít quay đánh các nước đế quốc trước. Do đó mà có cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hồi đó, các thứ vũ khí mới như máy bay, xe tăng đã phát triển nhiều, Mỹ đã bắt đầu dùng bom nguyên tử ở Nhật. Kết quả là hàng chục triệu người đã thiệt mạng, hàng nghìn thành thị và hàng vạn nông thôn bị phá tan tành. Trong cuộc Chiến tranh thứ hai này, thực dân Pháp lại bắt thanh niên ta làm bia đỡ đạn cho chúng, lại vơ vét đến cùng tài sản của nhân dân ta.
Trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, tư bản Mỹ đã lợi dụng tình hình khó khăn của các nước để buôn bán làm giàu, nhất là bán vũ khí. Vì vậy, Mỹ đã trở nên tên trùm của phe đế quốc hiếu chiến.
Kinh nghiệm thứ nhất là: Chiến tranh chỉ đưa nhân dân thế giới đến chỗ chết chóc và bần cùng, cho nên nhân dân thế giới, nhất là thanh niên thế giới cần phải đoàn kết để chống lại chiến tranh, để gìn giữ hòa bình.
Trong 40 năm qua, ngoài hai cuộc đại chiến, thế giới có những biến đổi rất to lớn. Trước đây 39 năm, trên thế giới chỉ có những nước tư bản và đế quốc thống trị những nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ năm 1917, cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở Nga, một phần sáu quả đất thoát khỏi tư bản và phong kiến; đã xây dựng một chế độ mới, một chế độ không có người bóc lột người. Nhưng hồi đó, chế độ xã hội chủ nghĩa mới xây dựng ở một nước rất cô đơn, lại bị quân đội của 14 nước đế quốc (đứng đầu là Mỹ, Anh, Pháp) tấn công. Nhờ nhân dân đoàn kết mà Liên Xô đã thắng lợi, bọn đế quốc đã thất bại.
Từ 10 năm lại đây, đại gia đình xã hội chủ nghĩa đã từ một nước tăng đến 13 nước, trong đó có cả nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta. Và từ 200 triệu nhân dân tăng đến hơn 900 triệu. 13 nước Á - Phi trước đây là thuộc địa hoặc nửa thuộc địa, nay đã được giải phóng thành những nước độc lập, tự do, trong đó có những nước to lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... Tất cả các nước trên đây đều ở trong phe hòa bình gồm 1.500 triệu nhân dân, tức là hơn một nửa số nhân dân trên thế giới, trong đó một phần lớn là thanh niên.
Kinh nghiệm thứ hai là: Chủ nghĩa đế quốc ngày càng suy yếu, lực lượng xã hội chủ nghĩa và hòa bình ngày càng mạnh thêm.
*
* *
Kinh nghiệm trong nước:
Cách đây 12 năm, nước ta bị thực dân Pháp rồi đến đế quốc Nhật thống trị. Nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, cực khổ và nhục nhã vô cùng. Hễ ai nói đến yêu nước, đoàn kết, tự do là bị chúng bắt bớ, tù đày, chém giết, trẻ không tha già không từ. Trong mấy mươi năm đấu tranh cách mạng, nhiều thanh niên đã oanh liệt hy sinh.
Riêng về mặt văn hóa là cực kỳ quan hệ đến thanh niên, bọn đế quốc đã dùng chính sách ngu dân và đưa thanh niên vào chỗ đen tối. Khi chúng cần một số người để sai khiến thì chúng nhồi sọ thanh niên ta với một thứ giáo dục nô lệ. Chính người Pháp cũng đã nhận rằng: Tiệm thuốc phiện nhiều hơn trường học. Thí dụ năm 1944 cả nước từ Bắc đến Nam chỉ có 534.600 học sinh tiểu học, 7.000 học sinh trung học cấp 2 và cấp 3 kể cả học sinh Miên, Lào, Pháp và Ấn Độ, 618 sinh viên đại học. Cả nước cộng lại chỉ có chừng 540.000 học sinh. Hơn 80% nhân dân ta mù chữ.
Ngày nay, mặc dù chúng ta còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính - khó khăn ấy do chế độ thực dân và mấy năm chiến tranh để lại - ở miền Bắc nước ta năm nay có:
750.000 học sinh tiểu học, chưa kể hơn 40 vạn trẻ em học vỡ lòng,
58.000 học sinh cấp 2,
6.500 học sinh cấp 3,
3.900 sinh viên đại học,
11.000 học sinh chuyên nghiệp.
Cộng là 829.400.
Chỉ sáu tháng đầu năm nay đã có hơn 41 vạn đồng bào thoát nạn mù chữ. Và cuối năm nay, toàn thể nhân dân ở nhiều xã và thành phố sẽ đều biết đọc, biết viết; thành tích tốt đẹp ấy một phần lớn là thành tích của thanh niên ta.
Nếu không có chế độ phát xít Mỹ - Diệm ở miền Nam thì nhân dân ta và nhất là thanh niên ta sẽ tiến bộ về mọi mặt nhiều hơn nữa và tốt đẹp hơn nữa.
Kinh nghiệm là: Miền Bắc nước ta đã từ một thuộc địa bị áp bức, bóc lột, nay đã hoàn toàn giải phóng, có một chế độ dân chủ cộng hòa. Nhân dân ta làm chủ đất nước ta. Nhiệm vụ của thanh niên ta là phải đoàn kết phấn đấu, ủng hộ chế độ của ta, hăng hái góp sức vào sự nghiệp thống nhất nước nhà.
*
* *
Kinh nghiệm bản thân:
Hồi Bác thanh niên như các cháu, tình hình thế giới và tình hình trong nước rất đen tối như đã kể trên. Cho nên Bác và thanh niên hồi đó đều cùng bị áp bức, bóc lột như tất cả đồng bào khác. Đau lòng vì dân tộc bị nô lệ, Bác đã đi đến nhiều nước ngoài, làm nhiều nghề để sống, sống để tìm con đường cách mạng.
Lúc đã ngoài 25 tuổi, Bác còn chưa biết Đảng là gì, Đoàn là gì, phải tìm tòi lâu dần dần mới biết. Ngày nay, chẳng những thanh niên mà các cháu nhi đồng 9, 10 tuổi đều đã biết Đảng, biết Đoàn và hiểu biết nhiều công việc khác. Nhờ ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười và cách mạng Trung Quốc, phong trào cách mạng nước ta tiến lên mạnh, Đảng và Đoàn thanh niên thành lập - lúc đó Bác đã hơn 35 tuổi.
Trong mấy mươi năm, Đảng và Đoàn phải hoạt động bí mật. Địch khủng bố gắt gao và thường xuyên. Nhiều đồng chí đã hy sinh vẻ vang vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì cách mạng. Nhờ đường lối, chính sách của Đảng đúng, nhờ đảng viên và đoàn viên kiên quyết, dũng cảm và tin tưởng vững chắc, cho nên dù hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, dù nhiều đồng chí đã bị bắt bớ, hy sinh, Đảng và Đoàn vẫn phát triển ngày càng mạnh.
Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng và Đoàn, nhiều chiến sĩ, anh hùng thanh niên đã nảy nở trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc toàn dân kháng chiến và trong việc xây dựng nước nhà hiện nay.
Kinh nghiệm là: Nếu so với thanh niên lớp trước trong đó có cả Bác thì thanh niên ta ngày nay tiến bộ hơn nhiều, sung sướng hơn nhiều.
Ngày nay, thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có Mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình. Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh - để mình làm chủ mai sau.
Tóm tắt kinh nghiệm của Bác là như thế.
Cuối cùng Bác chúc Đại hội thành công tốt đẹp, và gửi lời thân ái chúc toàn thể thanh niên trong nước và thanh niên Việt kiều ở nước ngoài đoàn kết và tiến bộ.
(Nói ngày 15-10-1956, trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
10. Đời sống mới (trích)
Hỏi: Thế nào là đời sống mới trong một trường học?
Đáp: Trong một trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật.
Từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà.
Vì vậy, cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.
Phải dùng những lời lẽ giản đơn, những thí dụ thiết thực mà giải thích: Dân chủ là gì, tự do là gì, thuộc địa là gì. Vì sao ta phải kháng chiến. Họ có thể làm những việc gì để giúp đỡ kháng chiến. Nên giữ bí mật thế nào, đề phòng Việt gian thế nào. Nên giúp đồng bào tản cư thế nào. Nên giúp bình dân học vụ thế nào, v.v..
Cố nhiên, trong lúc dạy, chớ nên làm cho học trò có tư tưởng vị quốc như bọn phát xít, vị quốc nghĩa là chỉ biết yêu trọng nước mình mà khinh ghét nước người. Cũng phải tránh cách nói vu vơ, như có người nói chuyện với các em nhi đồng, mà đem "tân dân chủ" và "cựu dân chủ" ra mà nói. Nói tóm lại: Trong chương trình học, phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, mà giáo dục thực dân còn để lại.
Hơn nữa, phải khuyên học trò tham gia việc tăng gia sản xuất. Điều này cũng quan trọng lắm. Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khoẻ của họ. Đại khái đời sống mới của một trường học là như thế.
Lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này với trường khác, làm cho học trò thêm hăng hái.
Viết xong ngày 20/3/1947
Ký tên: TÂN SINH
(Trích trong tác phẩm "Đời sống mới")
Tâm Trang (tổng hợp)