Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người". Đồng thời với việc giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau những lần phải trì hoãn do chiến tranh, ngày 02/9/1973, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình trung tâm trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình. Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình đã trở thành địa chỉ hướng đến đầu tiên của du khách mỗi khi tới Thủ đô Hà Nội, là nơi hội tụ tình cảm và niềm tin của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam.
Cỏ trồng trên Quảng trường Ba Đình là giống cỏ lá gừng, được đưa từ miền Nam ra trồng, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, vừa phù hợp với kiến trúc cảnh quan của Công trình Lăng vừa tạo cho không gian nơi đây giản dị nhưng trang trọng và thiêng liêng.
Nhiệm vụ duy trì, chăm sóc và tôn tạo sân cỏ Quảng trường Ba Đình
Ngay từ khi khánh thành Công trình Lăng, công tác duy trì, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ đã được quan tâm chú trọng. Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình luôn tự tìm tòi, nghiên cứu, tổ chức nhiều hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, ngành… tìm ra biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp để các loài cây, đặc biệt là thảm cỏ sân Quảng trường Ba Đình luôn sinh trưởng, phát triển xanh tốt góp phần trang trí, tôn tạo cảnh quan khu vực Lăng phục vụ đồng bào cả nước và du khách về viếng Bác.
Với đặc tính thực vật học của cỏ lá gừng là cây thân thảo, tuổi thọ (vòng đời và chu kỳ sống) của cây có hạn. Đồng thời, trước những biến đổi phức tạp của khí hậu, đất trồng ngày càng thiếu hụt dinh dưỡng và thoái hóa sau nhiều năm độc canh một loại cây trồng trên đất khiến đất suy thoái, mất dần cấu trúc, tính chất lý hóa của đất thay đổi, mất cân bằng các nguyên tố khoáng, hệ vi sinh vật có ích giảm dần tiềm ẩn nhiều dịch bệnh dẫn đến thảm cỏ bị hạn chế sinh trưởng. Tình trạng cỏ lá gừng bị già hóa, phát triển kém thường xuyên diễn ra, hàng năm phải trồng dặm bổ sung, ảnh hưởng đến mỹ quan chung khu vực. Năm 2020, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, Lãnh đạo Ban xây dựng kế hoạch cải tạo 49 ô cỏ nhằm khắc phục tình trạng cỏ già hóa, sinh trưởng phát triển kém và đưa máy cắt cỏ thế hệ mới vào thực hiện công tác duy trì sân cỏ.
Nhiệm vụ cải tạo một phần các ô cỏ đã được Đảng ủy Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình xác định là nội dung trọng tâm trong kế hoạch công tác năm gắn với nhiệm vụ tu bổ định kỳ năm 2020, đồng thời giao cho Phòng Kế hoạch - Tổng hợp là cơ quan chủ trì phối hợp triển khai thực hiện. Theo đó, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã tổ chức nhiều hội nghị họp bàn phương án, giải pháp thi công. Đến ngày 17/6/2020, công trình cải tạo các ô cỏ được khởi công trong khí thế phát động ra quân tu bổ định kỳ năm 2020. Để bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường khu vực, Ban đã thực hiện quây hàng rào tôn bảo vệ.
Trong quá trình thực hiện, phương án cải tạo các ô cỏ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng trong và ngoài Ban Quản lý Lăng. Các cán bộ được giao phụ trách có trình độ năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, luôn phát huy cao tinh thần trách nhiệm và sự tâm huyết.
Công tác thi công đã gặp rất nhiều khó khăn như: Mặt bằng thi công không cho phép đưa các máy móc, trang thiết bị hiện đại, công suất lớn vào công trường; các loại ô tô vận chuyển đất thải, đưa đất mới vào công trình chỉ được phép hoạt động sau 21 giờ đêm; việc thi công trồng cấy cỏ dưới điều kiện thời tiết nắng nóng, bất thuận ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công, khó khăn trong công tác tưới duy trì độ ẩm và quá trình hồi xanh của cỏ. Để đảm bảo tỷ lệ sống và chất lượng hồi xanh của thảm cỏ, các tổ công nhân phải thực hiện cấy cỏ vào ca đêm. Khắc phục mọi khó khăn, các cán bộ viên chức, người lao động trong Ban đã không quản ngại vất vả, sớm tối bám sát kế hoạch, chủ động phối hợp triển khai thi công bảo đảm tiến độ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng.
Tổ chức thi công trồng cấy cỏ ngày và đêm
Nhìn lại quá trình cải tạo các ô cỏ, chúng tôi vừa vui mừng song cũng vô cùng xúc động. Với khối lượng công việc lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, dưới điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc, đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường khu vực luôn sạch sẽ, toàn bộ khối lượng đất và cỏ rác thải phải được đóng bao, tập kết, vận chuyển, bồi đất màu theo quy trình nghiêm ngặt. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể các cán bộ, viên chức trong Ban, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng và đơn vị nhà thầu thi công, sau hơn một tháng thi công, đến nay, kế hoạch cải tạo các ô cỏ sân Quảng trường Ba Đình đã hoàn thành đúng tiến độ.
Cùng với việc cải tạo trồng mới các ô cỏ, công tác duy trì, chăm sóc cỏ sau cải tạo cũng luôn được quan tâm chú trọng. Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã tăng cường các biện pháp chăm sóc đặc biệt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng những sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học dễ tiêu, thân thiện với môi trường để phun qua lá, bón qua gốc giúp cỏ hấp thụ dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất. Đồng thời làm tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh hại trên thảm cỏ; tổ chức cắt tỉa bỏ đầu lá khô, tăng cường tưới nước thủ công bổ sung kết hợp hệ thống tưới phun tự động bảo đảm đủ độ ẩm giúp cỏ lá gừng nhanh chóng hồi xanh. Đến nay, cơ bản các ô cỏ mới được cải tạo đã ổn định sinh trưởng, ra nhiều mầm xanh và lá mới.
Tiếp nối những thành công trong công tác cải tạo năm 2020, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình sẽ tiếp tục đề xuất, xây dựng kế hoạch cải tạo các ô cỏ còn lại trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng làm tốt công tác chuẩn bị tốt về mọi mặt nhất là về phương tiện, máy móc trang thiết bị và các giải pháp thi công. Bên cạnh đó, Ban luôn động viên đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động phát huy tối đa sự cố gắng nỗ lực, tinh thân trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban góp phần bảo đảm tốt công tác duy trì, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng một sân cỏ kiểu mẫu, vừa thể hiện sự giản dị vừa bảo đảm sự văn minh và hiện đại, xứng đáng là điểm sáng về môi trường xanh, sạch, đẹp, phù hợp với kiến trúc công trình Lăng, Đảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình xác định nhiệm vụ trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đầu tư chăm sóc đồng bộ hệ thống sân cỏ lá gừng trên sân Quảng trường Ba Đình, làm tốt công tác phòng trừ dịch hại, duy trì cắt tỉa theo quy trình kỹ thuật, phòng trừ cỏ dại, cỏ tạp. Theo đó, cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị máy móc thực hiện công tác duy trì chăm sóc sân cỏ như máy cắt và thu gom cỏ; máy phun sâu công suất lớn; hoàn thiện hệ thống tưới kết hợp hệ thống châm phân tự động, tăng cường tần suất tưới vào mùa khô. Chọn lựa các loại phân bón dễ tiêu có nguồn gốc hữu cơ thân thiện với với môi trường vừa có khả năng cung cấp đủ dinh dưỡng cho cỏ sinh trưởng, phát triển, vừa có khả năng cải tạo đất. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động trong quản lý, duy trì, chăm sóc sân cỏ Quảng trường Ba Đình, nêu cao ý thức trách nhiệm và niềm vinh dự tự hào đối với công việc mình được giao phó, phát huy tối đa sức mạnh tập thể để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao./.
Hoàng Xuân Lam