1. Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ chống tin nhắc rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2020.

Nghị định này quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn (SMS, MMS, USSD), thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Các biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác:

- Xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

- Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

- Theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nguồn phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

cuoc goi rac
Ảnh minh họa: Internet

- Tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

- Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại.

- Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

- Tăng cường phối hợp trong nước và quốc tế về chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet được quy định như sau:

- Chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) hoặc của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử.

- Được quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo.

- Phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử, Người quảng cáo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nghị định này còn sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như: Bổ sung điểm c, d, đ khoản 2; điểm p, q, r, s khoản 4; điểm e, g khoản 6, khoản 7a, điểm c khoản 10 Điều 94 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP:

“Điều 94. Vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng;

d) Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo;

đ) Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

p) Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

q) Gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;

r) Không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo;

s) Không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

e) Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

g) Gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

7a. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

c) Buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”.

2. Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2020.

Theo đó, một số công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động như sau:

- Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám sát hoạt động máy, thiết bị thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- Trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại theo phân loại của hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.

- Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ.

- Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động các máy, thiết bị gồm: Búa máy, tàu hoặc máy hút bùn, máy bơm; máy bơm vữa, trộn vữa, máy phun vữa, máy phun bê tông; máy mài, cắt, tạo nhám bê tông; máy phá dỡ đa năng; máy khoan cầm tay; trạm trộn bê tông, trạm nghiền, sàng vật liệu xây dựng; máy xúc, đào, ủi, gạt, san, lu, đầm; vận hành xe tự đổ có tải trọng trên 5 tấn.

- Trực tiếp lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại máy mài, cưa, máy phay, máy bào, máy tiện, uốn, xẻ, cắt, xé chặt, đột, dập, đục, đập, tạo hình, nạp liệu, ra liệu, nghiền, xay, trộn, cán, ly tâm, sấy, sàng, sàng tuyển, ép, xeo, chấn tôn, tráng, cuộn, bóc vỏ, đóng bao; các loại kích thủy lực; máy đánh bóng, đánh nhám, băng chuyền, băng tải, súng bắn nước, súng khí nén; máy in công nghiệp.

- Trực tiếp làm khuôn đúc, luyện, đúc, tẩy rửa, mạ, làm sạch bề mặt kim loại; chế biến kim loại; các công việc luyện quặng, luyện cốc; làm các công việc ở khu vực lò quay sản xuất xi măng, lò nung hoặc buồng đốt vật liệu chịu lửa, luyện đất đèn; vận hành, sửa chữa, kiểm tra, giám sát, cấp liệu, ra sản phẩm, phế thải các lò thiêu, lò nung, lò luyện.

- Làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm.

- Công việc trên sông, trên biển, trên mặt nước, trên các nhà giàn, lặn, giám thị lặn; chế tạo, đóng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hầm tàu, phương tiện thủy.

- Công việc tiếp xúc bức xạ ion hóa, phóng xạ, hạt nhân; vận hành máy soi, chiếu, chụp có sử dụng bức xạ hạt nhân, điện từ trường.

- Công việc tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 3KHz trở lên.

- Điều tra quy hoạch rừng; khảo sát địa chất, địa hình, thực địa biển, địa vật lý; khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí; chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền.

- Các công việc xây dựng gồm: Giám sát thi công; khảo sát xây dựng; thi công, lắp đặt đối với công trình; sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình; vận hành, chạy thử công trình.

3. Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2020.

Thông tư này quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 nhưng không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Thông tư này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục bao gồm: Cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).

Việc xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo quy định như sau:

- Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) phê duyệt trước ngày 15/12/2020 để triển khai thực hiện.

- Nội dung chính của kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, bao gồm:

+ Số lượng, danh sách giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo từng đối tượng quy định Điều 3, Điều 4 Thông tư này.

+ Việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm khác tại cơ sở giáo dục đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

+ Việc giải quyết chế độ hưu trí, thôi việc, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 và khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

+ Nội dung, thời gian và hình thức tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

+ Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch.

4. Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/10/2020.

Thông tư quy định, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (gọi chung là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 (muời lăm) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

Nhiệm vụ của Hội đồng:

- Lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này và các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

- Đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa được quy định cụ thể trong Thông tư này.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: