1. Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020.
Theo Nghị định, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt các tiêu chí sau:
- Đã công bố định hướng phát triển thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu trong sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học; được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
- Có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm.
Ảnh minh họa: Internet
- Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học.
- Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này.
- Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học.
- Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là giảng viên, cán bộ được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do trường đại học trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.
Theo Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung:Sứ mạng, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học; các quy chế, quy định nội bộ; danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác; kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm; chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng; các nội dung khác theo quy định của pháp luật…
Từ Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương” thì Nghị định này hướng dẫn: Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng được cấp cho các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, thuộc hệ thống giáo dục đại học, gồm:Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền; bằng dược sĩ; bằng bác sĩ thú y; bằng kỹ sư; bằng kiến trúc sư; cùng một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
2. Thông tư số 15/2019/TT-BNV ngày 27/11/2019 của Bộ Nội vụ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ liên tịch ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2020.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên tịch ban hành sau đây:
- Thông tư liên tịch số 125/TT-LB ngày 24/6/1995 của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động - thương binh vả xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Thông tư liên tịch số 54/1999/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 29/12/1999 của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
- Thông tư liên tịch số 72/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 26/12/2000 của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
3. Thông tư số 23/2019/TT-BGDĐT ngày 25/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 17/2014/TT-BGDĐT ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2020.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 5 vào Điều 3 như sau:
“Thủ trưởng các đơn vị, giám đốc các dự án, đề án, chương trình thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý tham gia không quá 02 (hai) lần mỗi năm các đoàn ra trong Kế hoạch khi có nội dung phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, trừ trường hợp tham gia đoàn tháp tùng, tùy tùng theo yêu cầu của cấp trên, làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đàm phán quốc tế do yêu cầu công tác và các trường hợp khác được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép; không cử nhiều hơn 01 đoàn đi công tác trong cùng thời gian, địa điểm, cùng một sự kiện theo lời mời của cùng một đối tác”.
Sửa đổi bổ sung khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 4 như sau:
“2. Đoàn do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đi thăm và làm việc chính thức với các nước; tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Đoàn tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, các đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.
4. Đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; đàm phán, làm việc trong khuôn khổ các dự án, chương trình hợp tác đã ký kết; tham gia các hội chợ, triển lãm giáo dục quốc tế trong kế hoạch của các chương trình, dự án hoặc tham gia các hoạt động khác thuộc lĩnh vực giáo dục.”
- Bổ sung khoản 5 Điều 4 như sau:
“5. Công chức, viên chức tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ; tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.”
- Bổ sung khoản 4, khoản 5 vào Điều 8 như sau:
“4. Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị đi công tác nước ngoài không theo đoàn, đề nghị gửi báo cáo kết quả chuyến công tác cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý công chức, viên chức trong việc đi công tác nước ngoài.
5. Trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, các đơn vị gửi báo cáo công tác quản lý đoàn ra, tổng hợp kết quả chuyến công tác nước ngoài, số lượng văn bản ký kết trong các chuyến công tác (nếu có), việc triển khai kết quả chuyến công tác về Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
4.Thông tư số 28/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020.
Theo đó, việc xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em được thực hiện như sau:
- Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chủ đề, hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em.
- Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai hoặc kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Tháng hành động vì trẻ em vào chương trình, kế hoạch hằng năm.
Thời gian tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em vào tuần cuối tháng 5 hoặc ngày 01/6 hằng năm.
Các nội dung hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em:
- Truyền thông:
+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án cho trẻ em.
+ Xây dựng các thông điệp triển khai chủ đề, nội dung hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em.
+ Xây dựng các tài liệu, sản phẩm truyền thông.
+ Tổ chức hoạt động xã hội vì trẻ em tại cộng đồng.
- Vận động nguồn lực: Quỹ Bảo trợ trẻ em, quỹ tài chính ngoài ngân sách, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ quan, tổ chức hoạt động vì trẻ em vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước, nước ngoài để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên hoặc xây dựng các công trình cho trẻ em phù hợp với quy định của pháp luật.
- Hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em bao gồm:
+ Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức đối thoại, thăm dò, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đối với các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
+ Tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương; các hoạt động khác thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.
+ Tổ chức các lớp hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.
- Tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư.
- Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh bảo đảm an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
- Kiểm tra, rà soát, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em.
- Thực hiện phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em .
5. Thông tư số 29/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, những vấn đề mà trẻ em và cộng đồng xã hội quan tâm hoặc luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em để xác định nội dung diễn đàn trẻ em cho phù hợp.
- Vềthời gian:
+ Diễn đàn trẻ em quốc gia tổ chức ít nhất một lần trong thời gian thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
+ Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức định kỳ hằng năm hoặc 2 năm một lần.
+ Diễn đàn trẻ em khác được tổ chức khi cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em lấy ý kiến trẻ em về những vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
- Thời lượng tổ chức diễn đàn trẻ em phải phù hợp với nội dung, hoạt động diễn đàn; phải bảo đảm để trẻ em thảo luận và gặp mặt đối thoại với đại diện các cơ quan, tổ chức, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cuộc sống của trẻ em tham gia diễn đàn.
+ Diễn đàn trẻ em quốc gia tổ chức tối thiểu trong 02 ngày.
+ Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức trong 01 ngày.
+ Diễn đàn trẻ em khác căn cứ vào nội dung và điều kiện cụ thể để xác định thời lượng tổ chức phù hợp.
Trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp phải bảo đảm số lượng như sau:
- Diễn đàn trẻ em quốc gia tối thiểu 100 trẻ em.
- Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh tối thiểu 50 trẻ em.
- Diễn đàn trẻ em cấp huyện tối thiểu 40 trẻ em.
- Diễn đàn trẻ em cấp xã tối thiểu 30 trẻ em.
- Diễn đàn trẻ em khác tối thiểu 50 trẻ em.
Mỗi người phụ trách trẻ em chịu trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ không quá 05 trẻ em.
6. Quyết định số 04/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/02/2020.
Quyết định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ
Sửa đổi Khoản 2 Điều 6như sau:
“2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh, trình Bộ Công Thương phê duyệt, trừ các Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc trên biển thực hiện theo khoản 6 Điều 56 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015”.
Danh mục các loại hóa chất độc tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung như sau:
- Loại bỏ Oxy tại số thứ tự 27 ra khỏi Danh mục.
- Bổ sung Thủy ngân và các hợp chất Thủy ngân, ngưỡng tồn trữ 1 kg vào Danh mục.
Khánh Linh (tổng hợp)