1. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.

Theo Nghị định, có hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính đó là cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.

buu chinh vien thong
Ảnh minh họa: Internet

Một số vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn thông tin và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không công bố thông tin về địa chỉ tiếp nhận sự cố trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử.

+ Không khai báo hồ sơ, cung cấp, cập nhật thông tin về đầu mối ứng cứu sự cố, nhân lực kỹ thuật an toàn thông tin, ứng cứu sự cố thuộc phạm vi quản lý tới cơ quan điều phối quốc gia.

+ Cập nhật thông tin về đầu mối ứng cứu sự cố không đúng thời gian quy định khi có thay đổi.

+ Vi phạm quy chế hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia hoặc không tuân thủ các yêu cầu điều phối của cơ quan điều phối.

+ Không báo cáo sự cố an toàn thông tin mạng tới chủ quản hệ thống thông tin, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp, Cơ quan điều phối quốc gia đúng thời gian quy định kể từ khi phát hiện sự cố.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không báo cáo với Cơ quan điều phối quốc gia khi tiếp nhận thông tin, phát hiện sự cố đối với hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý.

+ Không phản hồi cho tổ chức, cá nhân đã gửi thông báo hoặc báo cáo ban đầu về sự cố.

+ Không triển khai ngay các hoạt động ứng cứu sự cố và báo cáo theo quy định.

+ Không tiến hành phân tích, xác minh, đánh giá tình hình, sơ bộ phân loại sự cố và triển khai ngay các hoạt động ứng cứu sự cố và báo cáo theo quy định.

+ Không báo cáo về sự cố, diễn biến tình hình ứng cứu sự cố, đề xuất hỗ trợ ứng cứu sự cố hoặc nâng cấp nghiêm trọng của sự cố cho chủ quản hệ thống thông tin, Cơ quan điều phối quốc gia và đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp.

Một số vi phạm quy định về an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số, chứng thư số:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cản trở trái pháp luật hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số.

+ Không bảo đảm bí mật, an toàn trong việc lưu trữ thông tin liên quan đến nhân thân của tổ chức, cá nhân xin cấp chứng thư số.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Trộm cắp, gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép khóa bí mật của người khác.

+ Không bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tạo và chuyển giao chứng thư số cho thuê bao hoặc không bảo đảm bí mật toàn bộ quá trình tạo cặp khoá cho tổ chức, cá nhân xin cấp chứng thư số.

+ Sử dụng thiết bị không đúng quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng để tự tạo cặp khóa.

+ Không lưu trữ bí mật những thông tin về nhân thân và khóa bí mật của thuê bao trong suốt thời gian tạm dừng chứng thư số.

+ Không bảo đảm giữ bí mật khóa bí mật của thuê bao trong trường hợp thuê bao ủy quyền.

2. Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 7 như sau:

“g) Thẩm tra thiết kế xây dựng”.

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 63 như sau:

“a) Người được thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.”

Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 63 như sau:

“d) Bán, cho thuê mua, đổi, thế chấp hoặc góp vốn bằng nhà ở mà nhà ở đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.”

Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 64 như sau:

“c) Cho thuê lại hoặc ủy quyền quản lý nhà ở công vụ.”

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 67 như sau:

“a) Chiếm dụng hoặc sử dụng công sở vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, cho thuê làm nhà ở hoặc các mục đích khác không đúng công năng sử dụng của công sở.”

Nghị định số 21/2020/NĐ-CP bãi bỏ nhiều quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, như:

- Bãi bỏ quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 7 về vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

- Bãi bỏ quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có một trong các hành vi: Không có hợp đồng lao động đối với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2; điểm d khoản 3; điểm d, điểm đ, điểm i, khoản 5 Điều 23 về vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xây dựng.

- Bãi bỏ quy định: Đối với hành vi không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng, ngoài việc bị xử phạt theo quy định, nhà thầu nước ngoài còn bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

- Bãi bỏ quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 38 về vi phạm quy định về kiểm định, thí nghiệm, đào tạo trong hoạt động xây dựng…

3. Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.

Nghị định này quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì bị xử phạt theo hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như:

- Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc từ 06 tháng đến 12 tháng.

- Tước quyền sử dụng Chứng chỉ kiểm định viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với kiểm định viên.

- Tịch thu Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

- Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

- Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

- Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm.

- Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không phải là trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập hợp pháp hoặc không có Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.

Một số vi phạm quy định về tiền lương:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.

+ Không lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

+ Khi thay đổi hình thức trả lương, người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện.

+ Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động.

+ Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện.

+ Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.

- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.

+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.

+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.

+ Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.

+ Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

4. Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ số gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020.

Theo Thông tư, khi chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu người tiếp nhận hồ sơ, người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì đề nghị người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản. Bản dịch ra tiếng Việt không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, nhưng người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.

Cách thức chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản:

- Lời chứng phải ghi ngay phía dưới chữ ký được chứng thực hoặc trang liền sau của trang giấy tờ, văn bản có chữ ký được chứng thực. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.

- Trường hợp giấy tờ, văn bản có nhiều người ký thì phải chứng thực chữ ký của tất cả những người đã ký trong giấy tờ, văn bản đó.

Chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quy định như sau:

- Trường hợp người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thì các bên phải ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp người giao kết hợp đồng, giao dịch là đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực, thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng, giao dịch. Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu chữ ký trong hợp đồng, giao dịch với chữ ký mẫu. Nếu thấy chữ ký trong hợp đồng, giao dịch khác chữ ký mẫu, thì yêu cầu người đó ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.

Người tiếp nhận hồ sơ phải chịu trách nhiệm về việc các bên đã ký trước mặt mình.

- Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, hồ sơ. Nếu thấy đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch trước khi người có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: