1. Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP như:

- Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ

1. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ không phải qua tập sự và được xếp vào bậc lương phù hợp với vị trí việc làm theo quy định.”

- Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác

1.Người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thăng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a) Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;

c) Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ;

d) Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư;

đ) Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

2. Mỗi thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng 01 lần để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.”

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP như:

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 5 như sau:

“Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.”

- Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Chính sách về tiền lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân.

3. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.”

2. Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/4/2020.

Theo Nghị định, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư đối với chương trình, dự án thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do bộ, cơ quan Trung ương quản lý:

- Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư: Chương trình, dự án nhóm A, B, C của cơ quan nhà nước thuộc cấp mình quản lý; chương trình, dự án nhóm A của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự bảo đảm chi thường xuyên; chương trình, dự án nhóm A, B của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc khác, trừ các đơn vị được quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C thuộc đơn vị mình quản lý.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C thuộc đơn vị mình quản lý.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập khác, trừ các đơn vị được quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 5 Nghị định này quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C thuộc đơn vị mình quản lý.

thi hanh luat dau tu cong
Ảnh minh họa: Internet

Trong thời gian 10 ngày kể từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 Điều 5 và Điểm b, c, d Khoản 2 Điều 5 gửi quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án cho bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp quản lý để báo cáo.

Thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C kể từ ngày Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:

- Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 60 ngày.

- Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 45 ngày.

- Dự án nhóm A: Không quá 45 ngày.

- Dự án nhóm B, C: Không quá 30 ngày.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với các quy định tại các Điều 29, 30, 31 của Luật Đầu tư công, trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan trình thẩm định bổ sung hồ sơ hoặc hoàn chỉnh nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án.

Thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư đối với chương trình, dự án thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do bộ, cơ quan Trung ương quản lý:

- Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C của cơ quan nhà nước thuộc cấp mình quản lý.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định đầu tư chương trình, dự án nhóm A, B, C do đơn vị mình quản lý.

- Đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định này được làm chủ đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng do mình quyết định đầu tư.

Về thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công:

- Thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng kể từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:

+ Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 60 ngày.

+ Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 45 ngày.

+ Dự án nhóm A: Không quá 45 ngày.

+ Dự án nhóm B, C: Không quá 30 ngày.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án không phù hợp với các quy định tại Điều 44 của Luật Đầu tư công, trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan trình thẩm định bổ sung hồ sơ hoặc hoàn chỉnh nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án.

- Thời gian thẩm định dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng.

- Thời gian thẩm định nội bộ do người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quy định.

- Trường hợp cần gia hạn thời gian thẩm định chương trình, dự án, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án cho phép gia hạn thời gian thẩm định. Thời gian gia hạn không quá thời gian thẩm định tương ứng được quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định này.

3. Nghị định số 43/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.

Theo đó, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:

- Thuốc làm mất tri giác.

- Thuốc làm liệt hệ vận động.

- Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

Một liều thuốc gồm 03 loại thuốc quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này và dùng cho 01 người. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Bảo quản thuốc theo điều kiện ghi trên nhãn liều thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình được quy định như sau:

- Cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ cho thi hành án tử hình: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ vào tình hình thực tiễn để đầu tư xây dựng nhà thi hành án tử hình và phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình tại Công an cấp tỉnh, đơn vị quân đội cấp quân khu để bảo đảm phục vụ công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

- Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bao gồm:

+ Giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án.

+ Máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển.

+ Máy kiểm tra nhịp đập của tim.

+ Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án.

+ Các dụng cụ và trang thiết bị khác phục vụ cho thi hành án.

Chi phí mai táng người bị thi hành án tử hình bao gồm: 01 quan tài bằng gỗ, 01 bộ quần áo, 04 m vải liệm, hương, nến, rượu, cồn để làm vệ sinh khi liệm tử thi và các chi phí mai táng khác.

Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi, tro cốt về mai táng thì phải tự chịu chi phí và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

4. Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/4/2020.

Thông tư này quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.

Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các đối tượng sau đây vi phạm pháp luật của nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội thì cũng áp dụng Thông tư này để xem xét, xử lý kỷ luật:

- Người lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

- Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

- Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc làm nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.

Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Khoản 1 Điều 50 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xếp từ thấp đến cao như sau: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng cấp bậc quân hàm; giáng chức; cách chức; tước quân hàm sĩ quan; tước danh hiệu quân nhân.

Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo quy định Khoản 1 Điều 60 Luật Nghĩa vụ quân sự được xếp từ thấp đến cao như sau: Khiển trách; cảnh cáo; giáng cấp bậc quân hàm; giáng chức; cách Chức; tước danh hiệu quân nhân.

Hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 50 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xếp từ thấp đến cao như sau: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.

Thông tư quy định xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội, như:

Vi phạm chế độ trách nhiệm của người chỉ huy:

- Người chỉ huy trực tiếp và trên một cấp do thiếu trách nhiệm trong quản lý, chỉ huy mà để quân nhân; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc quyền vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội đến mức bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

- Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến giáng chức, cách chức:

+ Biết hoặc phát hiện dấu hiệu cấp dưới thuộc quyền có hành vi vi phạm nhưng không có biện pháp kịp thời ngăn chặn.

+ Bao che cho hành vi vi phạm của cấp dưới.

- Trường hợp người vi phạm đã chết, căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh và tính chất vụ việc để xử lý trách nhiệm của người chỉ huy theo Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 11 Thông tư này.

Làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới:

- Người chỉ huy hoặc cấp trên dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể của cấp dưới thì bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

- Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:

+ Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự:

- Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự, bí mật nhà nước nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

- Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:

+ Đã được nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng thực hiện không nghiêm.

+ Trong khu vực có tình hình an ninh chính trị mất ổn định.

+ Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

+ Đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.

5. Thông tư số 25/2020/TT-BQP ngày 07/3/2020 của Bộ Quốc phòng quy định về xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/4/2020.

Thông tư này quy định việc lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan đến lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Đối tượng, căn cứ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (viết tắt là TCVN/QS):

- Đối tượng xây dựng của TCVN/QS, gồm:

+ Vũ khí trang bị, sản phẩm, hàng quốc phòng; công trình quốc phòng;

+ Thuật ngữ trong các ngành, chuyên ngành trong quân đội;

+ Phương pháp đo, kiểm tra, thử nghiệm, lấy mẫu;

+ Lĩnh vực, quá trình cụ thể trong hoạt động quân sự, quốc phòng.

- Căn cứ để xây dựng TCVN/QS, gồm:

+ Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài.

+ Tiêu chuẩn, tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất hoặc tính năng chiến kỹ thuật của vũ khí trang bị mua sắm nhập khẩu, sản phẩm, hàng quốc phòng, công trình quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng phê duyệt.

+ Hồ sơ thiết kế kỹ thuật sản phẩm quốc phòng được phê duyệt Dấu B theo quy định của Bộ Quốc phòng.

+ Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật.

+ Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, giám định.

- Chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài thành TCVN/QS khi có đối tượng phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này và đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Đối tượng, căn cứ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (viết tắt là QCVN/BQP):

- Đối tượng xây dựng QCVN/BQP, gồm:

+ Phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.

+ An toàn, vệ sinh lao động đối với phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.

+ An toàn lao động đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên sử dụng cho mục đích quốc phòng, đặc thù quân sự.

+ An toàn, an ninh trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

- Căn cứ để xây dựng QCVN/BQP, gồm:

+ Tiêu chuẩn quốc gia.

+ Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

+ Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài.

+ Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật.

+ Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm.

Đối tượng, yêu cầu, căn cứ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (viết tắt là TCQS):

- Đối tượng xây dựng TCQS, gồm:

+ Các loại phụ tùng, bộ phận, chi tiết, vật tư và các sản phẩm khác để đảm bảo đồng bộ phục vụ cho quá trình sản xuất, sửa chữa, cải tiến vũ khí trang bị.

+ Các vũ khí trang bị đặc thù sử dụng trong phạm vi của đơn vị.

- Yêu cầu:

+ Không được trái với QCVN/BQP, TCVN/QS và các quy định của pháp luật có liên quan.

+ Phải phù hợp với trình độ tiến bộ khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, sản xuất, sửa chữa của đơn vị.

- Căn cứ để xây dựng TCQS, gồm:

+ Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm, nhu cầu và khả năng thực tiễn của đơn vị; tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương ứng được khuyến khích sử dụng để xây dựng hoặc chấp nhận thành TCQS.

+ Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của đối tượng xây dựng TCQS được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng của đối tượng xây dựng tiêu chuẩn.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: