1. Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2020.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự như sau:

Khoản 3 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau: “3. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án.”

Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Căn cứ bản án, quyết định được thi hành hoặc kết quả xác minh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

2. Trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ủy thác theo thứ tự sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự.

b) Nơi có tài sản đủ để thi hành án.

c) Nơi có tổng giá trị tài sản lớn nhất.

3. Trường hợp bản án, quyết định tuyên tài sản bảo đảm cho khoản phải thi hành án cụ thể mà tài sản đó ở nơi khác thì phải ủy thác khoản phải thi hành án đó đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản bảo đảm.

Trường hợp tài sản đang xử lý để thi hành án nhưng có tranh chấp và đã được tòa án thụ lý giải quyết mà đương sự có tài sản ở địa phương khác thì ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản để thi hành án. Cơ quan thi hành án nơi ủy thác phải thường xuyên cập nhật, theo dõi và thông báo ngay cho cơ quan thi hành án nhận ủy thác biết kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án để phối hợp tổ chức thi hành án. Cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác phải kịp thời thông báo tiến độ, kết quả xử lý tài sản cho cơ quan ủy thác thi hành án để theo dõi, phối hợp trong việc tổ chức thi hành án.

4. Quyết định ủy thác thi hành án phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.

Khi gửi quyết định ủy thác thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải gửi kèm theo bản án, quyết định; bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản và các tài liệu khác có liên quan, nếu có. Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì Chấp hành viên sao chụp bản án, quyết định và các tài liệu khác có liên quan thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác.

Các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, quyết định tạm hoãn xuất cảnh và các quyết định về thi hành án khác liên quan đến khoản ủy thác có hiệu lực cho đến khi có quyết định thay thế của cơ quan nhận ủy thác.”

Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ Điểm b Khoản 2 Điều 64: “b) Các tài liệu chứng minh lý do xin miễn nhiệm Chấp hành viên: giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện trở lên cấp trong thời hạn 6 tháng hoặc giấy chứng nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc các giấy tờ phù hợp khác, nếu có.”

2. Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2020.

Nghị định này quy định về khu vực và công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài; giấy phép, điều kiện và thủ tục cấp, đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập; điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

vb thang 5
Ảnh minh họa: Internet

Nghị định này áp dụng với các đối tượng:

- Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức quy định tại Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn:

- Vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ Việt Nam đồng).

- Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản và đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông được quy định rõ trong Nghị định này.

3. Thông tư số 06/2020/TT-BTTTT ngày 03/4/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức nghe, đọc, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/5/2020.

Thông tư này quy định định mức tin, bài đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu, từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc đối với tác phẩm báo chí phát hành mới trong một ngày làm việc; làm căn cứ để tính chi phí thù lao cho người đọc, nghe, xem kiểm tra báo chí lưu chiểu hằng tháng.

Áp dụng với các đối tượng sau:

- Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Người đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu, bao gồm cán bộ công chức và cộng tác viên (nếu có).

- Các cơ quan liên quan đến quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu.

Một số quy định chung về định mức đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu như sau:

- Tin viết: Phản ánh, tường thuật sự kiện; phân tích các báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật mới; có sự so sánh, đánh giá các sự kiện; sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

- Bài viết: Có sự tổng hợp, so sánh, phát hiện vấn đề mới, sử dụng ngôn ngữ chuyên môn nhưng phải dễ đọc, dễ hiểu.

- Ảnh/tranh: Là ảnh chụp, tranh vẽ có chất lượng, có thông tin rõ nét về vấn đề cần được phản ánh; phản ánh chính xác vấn đề, sự kiện; bố cục, màu sắc đẹp, thể hiện được tính báo chí; minh họa rõ nét cho tin bài.

- Chương trình phát thanh, chương trình truyền hình: Là tập hợp các tin, bài trên báo nói, báo hình theo một chủ đề trong thời lượng nhất định, có dấu hiệu nhận biết mở đầu và kết thúc.

- Trang báo in tiêu chuẩn

+ Một trang báo in kích cỡ A4 tiêu chuẩn có kích thước là 21 cm x 29,7cm (tương ứng với diện tích 623,7cm2).

+ Trang báo in có kích cỡ khác với cỡ trang giấy A4 được tính quy đổi theo kích cỡ A4 với hệ số quy đổi được tính theo công thức sau:

Hệ số quy đổi = Diện tích (cm2) của trang báo in cần quy đổi chia (:) cho diện tích tiêu chuẩn của trang báo in kích cỡ A4 (623,7cm2).

4. Thông tư số 17/2020/TT-BTC ngày 27/3/2020 của Bộ Tài chính bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong lĩnh vực dự trữ nhà nước, quản lý giá, quản lý tài chính đầu tư và quản lý tài chính hành chính sự nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2020.

Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 06 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực dự trữ nhà nước sau đây:

- Thông tư số 21/2013/TT-BTC ngày 25/02/2013 của Bộ Tài chính quy định về mức phí nhập, xuất và bảo quản hạt giống rau dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

- Thông tư số 22/2013/TT-BTC ngày 25/02/2013 của Bộ Tài chính quy định về mức phí nhập, xuất và bảo quản thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

- Thông tư số 32/2016/TT-BTC ngày 25/02/2016 của Bộ Tài chính về việc tiếp tục áp dụng định mức phí nhập, xuất và bảo quản hạt giống rau và thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tại Thông tư số 21/2013/TT-BTC, Thông tư số 22/2013/TT-BTC đến năm 2016.

- Quyết định số 35/2004/QĐ-BTC ngày 14/04/2004 của Bộ Tài chính về việc ban hành các tiêu chuẩn về bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia.

- Quyết định số 53/2007/QĐ-BTC ngày 22/6/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành tiêu chuẩn ngành: Máy phát điện - quy phạm bảo quản dự trữ quốc gia.

- Quyết định số 76/2007/QĐ-BTC ngày 30/8/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Tiêu chuẩn ngành: Thóc đổ rời trong điều kiện áp suất thấp - Quy phạm bảo quản dự trữ quốc gia.

Bãi bỏ toàn bộ 03 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực quản lý giá sau đây:

- Thông tư số 89/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu.

- Thông tư số 198/2014/TT-BTC ngày 18/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp tính giá thành cá tra nguyên liệu.

- Quyết định số 128/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quyết định 13/2006/QĐ-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Bãi bỏ toàn bộ 05 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực quản lý tài chính đầu tư sau đây:

- Thông tư số 163/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khen thưởng thi đua trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La.

- Thông tư số 174/2009/TT-BTC ngày 08/09/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

- Thông tư số 241/2009/TT-BTC ngày 29/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc.

- Thông tư số 72/2010/TT-BTC ngày 11/05/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư tại 11 xã thực hiện Đề án "Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

- Thông tư số 157/2012/TT-BTC ngày 27/9/2012 của Bộ Tài chính quy định về khen thưởng thi đua trên công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu.

Bãi bỏ toàn bộ 08 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành trong lĩnh vực quản lý tài chính hành chính sự nghiệp sau đây:

- Thông tư số 30/2010/TT-BTC ngày 05/3/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường bộ, đường thuỷ nội địa.

- Thông tư số 223/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê.

- Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24/05/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

- Thông tư số 174/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam.

- Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

- Thông tư liên tịch số 18/2012/TTLT-BTC-BTTTT ngày 14/02/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương giai đoạn 2011-2015.

- Thông tư liên tịch số 105/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 06/08/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 năm 2014 tại Việt Nam.

- Thông tư liên tịch số 12/2014/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 24/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”.

Khánh Linh (tổng haợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: