1. Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2020.
Nghị định quy định, thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước như sau:
- Tên thủ tục hành chính: Thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
- Cách thức thực hiện:
+ Nộp ngân sách nhà nước theo phương thức nộp trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan thu hoặc ngân hàng.
+ Nộp ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử.
Ảnh minh họa: Internet
Thủ tục hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước như sau:
- Tên thủ tục hành chính: Thủ tục hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
- Cách thức thực hiện: Người được hoàn trả hoặc người được ủy quyền làm thủ tục nhận tiền hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước thực hiện hoàn trả mở tài khoản thanh toán hoặc nhận tiền hoàn trả thông qua tài khoản của người được hoàn trả theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước như sau:
- Tên thủ tục hành chính: Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
- Cách thức thực hiện:
+ Gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước.
+ Gửi hồ sơ và nhận kết quả qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước trong trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước (đơn vị truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước).
Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp:
- Tên thủ tục hành chính: Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp.
- Cách thức thực hiện:
+ Gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước.
+ Gửi hồ sơ và nhận kết quả qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước trong trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước (đơn vị truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước).
Đối với thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước:
- Tên thủ tục hành chính: Thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Cách thức thực hiện:
+ Gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước.
+ Gửi hồ sơ và nhận kết quả qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước trong trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước (đơn vị truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước).
Trình tự thực hiện, thành phần, số lượng hồ sơ, thời gian giải quyết, đối tượng thực hiện… của các thủ tục cũng được quy định trong Nghị định này.
2. Nghị định số 14/2020/NĐ-CP ngày 24/01/2020 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2020.
Theo Nghị định, nhà giáo được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảohiểm xã hội từ 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên;
- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011.
- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01/01/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính như sau:
Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp
Trong đó:
- Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.
- Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.Tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.
Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định này, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 01/01/2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.
Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ trợ cấp như sau:
- Đối với nhà giáo đang hưởng lương hưu: Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp ban hành kèm theo Nghị định này.
- Đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 01/01/2012 trở về sau, hồ sơ bao gồm:
+ Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp của thân nhân.
+ Bản chụp Giấy chứng tử hoặc Giấy báo tử hoặc Quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết (mang theo bản chính để đối chiếu).
+ Văn bản ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này; trường hợp chỉ có một thân nhân thì không cần văn bản ủy quyền này.
3. Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2020.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam về việc nhập, trở lại, thôi, tước quốc tịch Việt Nam; hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; thông báo kết quả giải quyết các việc về quốc tịch; đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch.
Một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam như sau:
- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
- Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam:
- Điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam đối với người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và người trở lại quốc tịch Việt Nam mà có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Người thực hiện đầu tư tại Việt Nam phải có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó.
Một số giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam như sau:
- Giấy tờ xác nhận việc người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc bảo đảm cho người đó được nhập quốc tịch nước ngoài; trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh người đó đang có quốc tịch nước ngoài.
- Giấy tờ quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam là giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, cách chức, giải ngũ hoặc phục viên căn cứ vào quy chế của ngành để xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật, an ninh quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó.
- Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng thôi quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ thôi quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó thôi quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.
4. Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2020.
Nghị định này quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Phương thức kiểm tra định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hằng năm, khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
- Theo đề nghị của tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Theo đề nghị của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Theo yêu cầu quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.
- Việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đối với vụ việc phức tạp.
Phương thức kiểm tra đột xuất được tiến hành trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế, khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức hoặc có phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chính xác, có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
- Khi phát hiện vướng mắc hoặc dấu hiệu vi phạm trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gửi đến hoặc đang được lưu trữ, bảo quản theo quy định.
- Qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Đoàn kiểm tra được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Đoàn kiểm tra được thành lập theo hình thức liên ngành, trừ các trường hợp sau đây:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình.
Đoàn kiểm tra phải có từ 05 thành viên trở lên, bao gồm:
- Trưởng đoàn.
- 01 Phó rưởng đoàn.
- Các thành viên.
Thành viên của đoàn kiểm tra phải không trong thời gian chấp hành kỷ luật hoặc bị tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật.
Thành viên của đoàn kiểm tra không được tham gia đoàn kiểm tra trong trường hợp có vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh ruột, chị ruột hoặc em ruột của mình, của vợ hoặc chồng mình là đối tượng được kiểm tra hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của tổ chức là đối tượng được kiểm tra trực tiếp.
Ngoài ra, nội dung, quyết định, trình tự kiểm tra… được quy định cụ thể trong Nghị định này.
Khánh Linh (tổng hợp)