1. Thông tư số 26/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020.
Thông tư này quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Quản lý, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được quy định như sau:
- Việc quản lý, vận hành kỹ thuật Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Công nghệ thông tin) chịu trách nhiệm thực hiện.
- Dữ liệu thuộc các cơ sở dữ liệu thành phần trong Cơ sở dữ liệu ngành do các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
- Sở giáo dục và đào tạo quản lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của dữ liệu thuộc phạm vi tỉnh/thành phố trong Cơ sở dữ liệu ngành.
- Phòng giáo dục và đào tạo quản lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của dữ liệu thuộc phạm vi quận/huyện trong Cơ sở dữ liệu ngành.
- Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời về dữ liệu của cơ sở giáo dục đó trong Cơ sở dữ liệu ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Công nghệ thông tin) cung cấp tài liệu điện tử hướng dẫn sử dụng và các học liệu liên quan phục vụ nhu cầu tập huấn, sử dụng của người dùng tại địa chỉ https://csdl.moet.gov.vn; hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng qua địa chỉ thư điện tử This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Việc tổ chức hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ kỹ thuật sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tại các địa phương do địa phương thực hiện theo điều kiện và nhu cầu.
Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện sự cố kỹ thuật liên quan đến Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, các sở giáo dục và đào tạo tổng hợp, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Công nghệ thông tin) để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn thông tin hệ thống thông tin theo cấp độ và phù hợp các quy định hiện hành và các quy định hiện hành có liên quan.
2. Thông tư số 189/2019/TT-BQP ngày 04/12/2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/02/2020.
Theo Thông tư,tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Ảnh minh họa: Internet
Việc cấp mới chứng thư số cho cá nhân được quy định như sau:
- Cá nhân có văn bản đề nghị cấp mới chứng thư số gửi cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
- Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp mới chứng thư số đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Đối với việc cấp mới chứng thư số cho cơ quan, tổ chức:
- Người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu được cơ quan, tổ chức giao quản lý chứng thư số của cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị cấp chứng thư số gửi cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
- Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp mới chứng thư số đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Việccấp mới chứng thư số cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm:
- Người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu được cơ quan, tổ chức giao quản lý chứng thư số của thiết bị, dịch vụ, phần mềm có văn bản đề nghị cấp chứng thư số gửi cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
- Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp mới chứng thư số đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Sau khi bàn giao thiết bị lưu khóa bí mật cho thuê bao, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị thời điểm có hiệu lực của chứng thư số về Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Thuê bao có văn bản đề nghị gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số gửi cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Quy định về thu hồi chứng thư số, thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật:
- Thu hồi chứng thư số:
+ Thuê bao có văn bản đề nghị thu hồi chứng thư số gửi cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
+ Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị thu hồi chứng thư số đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
- Thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật:
+ Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật của chứng thư số hết hạn sử dụng hoặc chứng thư số bị thu hồi, bàn giao cho Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin. Biên bản giao, nhận thiết bị lưu khóa bí mật sau khi chứng thư số hết hạn sử dụng hoặc chứng thư số bị thu hồi.
+ Trong trường hợp thiết bị lưu khóa bí mật bị thất lạc, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp phải lập biên bản xác nhận gửi ngay về Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Về khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật:
- Thuê bao có văn bản đề nghị khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật gửi cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
- Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp gửi văn bản đề nghị khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin hoặc tổ chức được Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin ủy quyền.
3. Thông tư số 01/2020/TT-BTC ngày 03/01/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020.
Theo Thông tư, người nộp phí là các tổ chức kinh doanh bảo hiểm đã được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, bao gồm:Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; doanh nghiệp tái bảo hiểm; doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức thu phí theo quy định.
Mức thu phí quản lý và giám sát hoạt động bảo hiểm như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam: 0,03% phí bảo hiểm gốc (sau khi trừ các khoản hoàn, giảm phí bảo hiểm gốc).
- Doanh nghiệp tái bảo hiểm: 0,03% phí nhận tái bảo hiểm (sau khi trừ các khoản hoàn, giảm phí nhận tái bảo hiểm).
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: 0,03% doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm.
4. Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2020.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
- Sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 2 như sau:
“c) Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, tổ chức thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ bảo hiểm thất nghiệp và các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm thất nghiệp mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn để phản ánh các khoản thu, chi về chi phí quản lý và các quỹ của đơn vị. Tiền lãi phát sinh trên tài khoản này được sử dụng bổ sung nguồn chi phí quản lý và các quỹ của đơn vị.”
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo, được Nhà nước cấp chi phí chi trả bằng 0,65% tổng số tiền chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (trừ khoản chi trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động, chi đóng bảo hiểm y tế), trong đó chi cho tổ chức làm đại lý chi trả bình quân bằng 70% tổng số chi phí chi trả, mức chi cụ thể cho tổ chức làm đại lý chi trả của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.”
- Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và bổ sung Khoản 5 Điều 5 như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 như sau:
“2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phân bổ, và giao dự toán thu, chi cho các đơn vị trực thuộc; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành việc giao dự toán chi phí quản lý cho các đơn vị trực thuộc, các cơ quan, tổ chức thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội tại địa phương.”
+ Bổ sung Khoản 5 Điều 5 như sau:
“5. Sau khi báo cáo quyết toán năm trước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định phần chênh lệch giữa dự toán chi phí quản lý được giao và mức chi phí quản lý theo tỷ lệ tính trên số thực thu, thực chi của năm trước theo quy định, báo cáo Bộ Tài chính để bù trừ vào dự toán chi phí quản lý năm sau.”
- Sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều 8 như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 như sau:
“Đối với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an: Chi thường xuyên bộ máy do ngân sách Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm. Chi thường xuyên cho lao động hợp đồng do thủ trưởng đơn vị thực hiện giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Chi thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định tại Quyết định này được bảo đảm từ nguồn chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm.”
+ Sửa đổi, bổ sung tiêu đề Khoản 3 như sau:
“Ngoài mức chi phí quản lý được giao theo Khoản 2 Điều này, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan, tổ chức thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp còn được sử dụng các nguồn kinh phí sau để thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 9 Quyết định này.”
- Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 10 như sau:
“a) Trích tối thiểu 5% để lập quỹ phát triển hoạt động của đơn vị để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức.”
Khánh Linh (tổng hợp)