1. Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ như:

- Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 13 như sau:

“1. Trình Chính phủ:

a) Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ và của cơ quan thuộc Chính phủ được phân công quản lý;

b) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức thuộc bộ, gồm: Tổng cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là tổng cục), vụ và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là vụ), cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là cục).

chinh phu
Ảnh minh họa: Internet

2. Trình Thủ tướng Chính phủ:

a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục thuộc bộ;

c) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức thuộc tổng cục gồm: vụ và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là vụ), cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là cục).”

- Sửa đổi khoản 7 và khoản 8 Điều 13 thành khoản 7 Điều 13 như sau:

“7. Quản lý vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 21 như sau:

“3. Việc thành lập cục phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

b) Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực;

c) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên.

Cơ cấu tổ chức của cục, gồm:

a) Phòng;

b) Văn phòng;

c) Thanh tra (nếu có);

d) Chi cục (nếu có);

đ) Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).”

- Bổ sung khoản 5 Điều 22 như sau:

“5. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ:

a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 biên chế công chức được bố trí không quá 03 cấp phó;

b) Cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có từ 04 tổ chức trở lên được bố trí không quá 03 cấp phó;

c) Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc có cục trực thuộc đặt ở địa phương thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu cục bảo đảm bình quân mỗi cục có 03 cấp phó.”

2. Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020.

Nghị định này quy định về nguyên tắc, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phân loại vị trí việc làm:

- Phân loại theo khối lượng công việc:

+ Vị trí việc làm do một người đảm nhận.

+ Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận.

+ Vị trí việc làm kiêm nhiệm.

- Phân loại theo tính chất, nội dung công việc:

+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.

+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.

+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập).

+ Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu bộ, ngành trong việc quyết định vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:

+ Hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

+ Xây dựng vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý gửi Bộ Nội vụ để Bộ Nội vụ ban hành.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Quyết định phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

+ Phân cấp hoặc ủy quyền quản lý, sử dụng vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức thẩm định, tổng hợp kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định này gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.

+ Quyết định giao, điều chỉnh số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên trong tổng số người làm việc được Bộ Nội vụ thẩm định.

+ Quyết định giao, điều chỉnh số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

+ Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.

+ Định kỳ hàng năm thống kê, tổng hợp, báo cáo về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của năm trước liền kề theo Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Bộ Nội vụ trước ngày 31/01 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020.

Nghị định này quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, bao gồm: Đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục, mức tiền thưởng và nguồn kinh phí khen thưởng.

Đối tượng khen thưởng:

- Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, gồm: Thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi kỹ năng nghề quốc gia.

- Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định cử tham gia, gồm: Thi Olympic quốc tế các môn học, Olympic châu Á các môn học; thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế; thi kỹ năng nghề thế giới, thi kỹ năng nghề châu Á, thi kỹ năng nghề Đông Nam Á.

Mức tiền thưởng được quy định như sau:

- Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới được thưởng theo mức sau:

+ Huy chương Vàng hoặc giải nhất: 55 triệu đồng.

+Huy chương Bạc hoặc giải nhì: 35 triệu đồng.

+Huy chương Đồng hoặc giải ba: 25 triệu đồng.

+Khuyến khích: 10 triệu đồng.

- Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng theo mức sau:

+ Huy chương Vàng: 35 triệu đồng.

+ Huy chương Bạc: 25 triệu đồng.

+ Huy chương Đồng: 10 triệu đồng.

+ Khuyến khích: 8 triệu đồng.

- Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á được thưởng theo mức sau:

+ Huy chương Vàng: 25 triệu đồng.

+ Huy chương Bạc: 10 triệu đồng.

+ Huy chương Đồng: 8 triệu đồng.

+ Khuyến khích: 5 triệu đồng.

- Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này được thưởng theo mức sau:

+ Giải Nhất: 4 triệu đồng.

+ Giải Nhì: 2 triệu đồng.

+ Giải Ba: 1 triệu đồng.

- Đội, nhóm học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quy định tại Điều 2 Nghị định này được thưởng mức tiền gấp hai lần đối với cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5Nghị định này.

- Học sinh, sinh viên, học viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người khuyết tật đoạt giải trong các kỳ thi quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng 1,5 lần mức thưởng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5. Trường hợp học sinh, sinh viên, học viên là người dân tộc thiểu số và là người khuyết tật đoạt giải trong các kỳ thi quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng 02 lần mức thưởng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5.

- Học sinh, sinh viên, học viên được hưởng mức tiền thưởng theo quy định tại Nghị định này và được hưởng mức tiền thưởng quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

4. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020.

Theo đó, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ được quy định như sau:

- Mức hỗ trợ:

+ Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.

+ Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

- Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ:

- Đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

+ Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

+ Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

+ Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

- Đối tượng không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:

+ Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.

+ Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng chưa đủ thời gian theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành giáo dục.

+ Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi đào tạo giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6.

- Sinh viên sư phạm nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học.

- Sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định này nhưng thời gian hưởng không vượt quá thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo.

Chi phí bồi hoàn và cách tính chi phí bồi hoàn:

- Chi phí bồi hoàn bao gồm kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người học.

- Sinh viên sư phạm thuộc đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 6 của Nghị định này phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

- Sinh viên sư phạm thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Nghị định này phải bồi hoàn một phần kinh phí hỗ trợ. Cách tính chi phí bồi hoàn theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 -T2)

Trong đó: S là chi phí bồi hoàn

F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ

T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định tính bằng số tháng làm tròn

T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được tính bằng số tháng làm tròn

5. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020.

Theo đó, Nghị định này quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.

Một số quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định như sau:

Đối với vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không đủ nước uống, nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

+ Không có hoặc có công trình vệ sinh nhưng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

+ Không đủ ánh sáng trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

+ Không giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường;

+ Không tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh hoặc không kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường; không triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cơ sở giáo dục.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi sản xuất, kinh doanh, xử lý chất thải công nghiệp và biện pháp vệ sinh khác theo quy định của pháp luật làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện biện pháp vệ sinh, khử trùng, tẩy uế đối với hành vi quy định tại các khoản 2 và 4 Điều 6 Nghị định này.

Đối với vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11.

+ Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11.

+ Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

+ Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

+ Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều 11.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: