1. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.
Theo Nghị định, một số hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Ảnh minh họa: Internet
+ Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, bao gồm: Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh giấy phép sản xuất kênh chương trình, giấy phép nhập khẩu báo in, tạp chí in, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép xuất bản đặc san, giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam, giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.
Một số hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không nêu rõ xuất xứ nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí khi sử dụng thông tin do cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cung cấp cho báo chí.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng.
+ Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin.
+ Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Đăng, phát ý kiến phản hồi không thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Báo chí hoặc đăng, phát không đúng thời điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 43 và khoản 5 Điều 42 Luật Báo chí.
Vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân.
+ Không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí.
+ Thực hiện không đúng quy định về thời hạn thông báo hoặc thời hạn đăng, phát, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc có yêu cầu.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Thể hiện không chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn.
+ Không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí.
+ Sử dụng ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu.
+ Cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí.
2. Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.
Theo đó, tự chủ về tổ chức bộ máy được quy định như sau:
- Về tổ chức bộ máy:
+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc và trực thuộc theo Đề án tự chủ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
+ Việc thành lập các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác không phải là các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là phòng) thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên phải đáp ứng các tiêu chí sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải có từ 02 mảng công tác trở lên và có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của phòng yêu cầu phải bố trí từ 07 người làm việc là viên chức trở lên.
- Về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được bố trí không quá 03 người.
+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:
Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Đơn vị quy định tại điểm a khoản 1 (trừ các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ), khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định này có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó. Đơn vị quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1, khoản 3, điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này được bố trí không quá 02 cấp phó.
3. Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.
Nghị định này quy định chi tiết các điều khoản sau đây của Luật Khiếu nại:
+ Khoản 2 Điều 3 về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Khoản 4 Điều 8 về nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung.
+ Khoản 3 Điều 41 về công khai quyết định giải quyết khiếu nại.
+ Khoản 4 Điều 46 về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
+ Khoản 2 Điều 58 về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật.
Quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.
Về đối tượng áp dụng:Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Hình thức khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Luật Khiếu nại. Đơn khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thủ tục do Luật Khiếu nại và Nghị định này quy định, đề nghị đơn vị sự nghiệp công lập, người có thẩm quyền trong đơn vị sự nghiệp công lập xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới đã giải quyết mà còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
- Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại và Nghị định này.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cũng được quy định cụ thể trong Nghị định này.
4. Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2020.
Nghị định quy định về quyền yêu cầu, trách nhiệm và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin như sau:
- Người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người yêu cầu) để phục vụ việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập, xây dựng kế hoạch xác minh và xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm:
+ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
+ Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin (sau đây gọi là người được yêu cầu) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời thông tin theo yêu cầu của người yêu cầu và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
Việc yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập:
- Việc yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện bằng văn bản.
- Nội dung văn bản yêu cầu gồm có:
+ Mục đích, căn cứ yêu cầu cung cấp thông tin.
+ Những thông tin cần được cung cấp.
+ Thời hạn cung cấp thông tin.
+ Hướng dẫn việc cung cấp thông tin bằng văn bản, thông điệp dữ liệu.
+ Yêu cầu khác (nếu có).
- Việc yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị:
- Thời hạn cung cấp thông tin:
+ Người được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
+ Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp là thông tin phức tạp, không có sẵn thì thời hạn cung cấp thông tin là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Trong trường hợp vì lý do khách quan không thể cung cấp được thông tin hoặc cung cấp không đúng thời hạn thì người được yêu cầu phải có văn bản đề nghị người yêu cầu xem xét, giải quyết. Người được yêu cầu phải chấp hành quyết định của người yêu cầu cung cấp thông tin.
Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:
- Các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.
- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này như: Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế; Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp; Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp; Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật; Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo; Quản lý các đối tượng nộp thuế; Thu thuế, kiểm soát thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, quản lý và cấp phát ấn chỉ; Kiểm hóa hàng hóa xuất nhập khẩu; Thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Khánh Linh (tổng hợp)