1. Chính phủ: Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) cho các khách hàng sử dụng điện
Cụ thể, Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động xây dựng và đề xuất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 919/BC-BCT ngày 01 tháng 12 năm 2020. Không thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đối với cơ sở phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thu phí cách ly y tế tập trung theo chỉ đạo tại văn bản số 7713/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 9 năm 2020.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai việc thực hiện, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.
Ảnh minh họa/Internet
2. Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 1838/CĐ-TTg ngày 27/12/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Công điện nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn ra rất nghiêm trọng. Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, nhất là trường hợp bệnh nhân 1440 tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng; phối hợp với các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng thực hiện các biện pháp thần tốc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân 1440, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
- Mọi người dân Việt Nam thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến nghị của Bộ Y tế để đón kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, góp phần vào sự thành công các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021.
3. Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Chỉ thị nêu rõ, năm 2020, tình hình thế giới, trong nước biến động mạnh và có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ đầu năm, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu, khó lường, tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta. Trong đó, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và căng thẳng thương mại giữa các quốc gia tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết bất ổn, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nhất là bão, lũ, sạt lở ở các tỉnh miền Trung và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, với các biện pháp chỉ đạo điều hành đồng bộ, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống nhân dân được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường; các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh; uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2020 về việc tổ chức tết năm 2021, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
- Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra. Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh, du học sinh, Việt kiều trở về nước.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm nhập khẩu để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
- Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, thương tích, ngộ độc... Duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 trong bệnh viện.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
- Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, bão, lũ, sụt lở, người dân gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi...) để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
- Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động. Chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo đảm người lao động Việt Nam ở nước ngoài được đón Tết Nguyên đán theo phong tục của dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế...
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Theo dõi sát tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, chủ động có các biện pháp xử lý, phối hợp trong các tình huống đột xuất liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại và bảo hộ công dân phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong và ngoài nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19.
- Tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng địa phương với tinh thần tiết kiệm, tuyệt đối an toàn và không sử dụng ngân sách nhà nước; giảm quy mô, điều chỉnh hình thức tổ chức các hoạt động lễ hội để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống đại dịch COVID-19...
Thu Hiền (tổng hợp)