4. Sửa đổi lối làm việc - cách lãnh đạo (trích)
…
2. Lãnh đạo thế nào?
Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng.
Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng?
Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng.
Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực.
Thí dụ: Việc chỉnh đốn Đảng. Ngoài những kế hoạch chung về việc đó, mỗi cơ quan hoặc mỗi bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan hay bộ đội mình, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển (công việc chỉnh đốn Đảng) trong những bộ phận đó.
Đồng thời, trong vài ba bộ phận đó, người lãnh đạo lại chọn năm, ba người cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ.
Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm.
Những người phụ trách trong một cơ quan hoặc một bộ đội, cũng chọn vài ba bộ phận, rồi cũng làm theo cách đó.
Đó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập. Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.
Mỗi cán bộ phụ trách cần phải làm theo cách này cho kỳ được. Thế nào là liên hợp lãnh đạo với quần chúng? Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành. Nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy. Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới.
Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.
Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.
Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được.
Mỗi cuộc tranh đấu thường có ba giai đoạn, ba bước: bước đầu, bước giữa và bước cuối cùng. Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc tranh đấu, không có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hóa. Những nơi công việc không chạy đều vì không có nhóm lãnh đạo mật thiết liên hợp với quần chúng. Thí dụ: trong một trường học, nếu không có một nhóm thầy giáo, chức viên và học sinh hăng hái nhất trong trường, từ mười người đến vài mươi người, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo, thì công việc của trường đó nhất định uể oải. Vì vậy, bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.
…
Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:
1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
3. Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ". Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tùy hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.
5. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên". Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr328-330)
5. Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu
Lần này, Hội nghị có đủ đại biểu Trung, Nam, Bắc và cán bộ cao cấp của Đảng trong chính quyền, quân sự, kinh tế, tài chính, đảng vụ, dân vận, kiểm tra, v.v. về dự, đó là một điểm tốt.
Những vấn đề thảo luận thì nhiều, nhưng đều hướng vào một đường đi: Kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Phương hướng đã định, ta nhằm vào phương hướng ấy mà đi, thế nào ta cũng đi tới đích.
Năm nay, những việc chúng ta phải làm là:
1. Đẩy tới quân sự, kháng chiến trên hết, quân sự trên hết. Mọi việc phải nhằm vào điểm làm cho kháng chiến thắng lợi.
2. Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành.
3. Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta.
4. Chỉnh đốn các đoàn thể quần chúng. Ta thắng lợi là nhờ dân mà hiện giờ nhiều đoàn thể dân chúng còn rất kém.
5. Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm. Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng.
Trong Đảng, có những việc khẩn yếu như:
a) Ta thiếu nhiều cán bộ quá: Phải đào tạo huấn luyện cho dần dần có đủ. Muốn có nhiều cán bộ, Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ tự học tập. Đảng đã giúp, cán bộ phải chịu khó học. Đồng chí ta nhiều người kinh nghiệm thực hành khá, nhưng về văn hoá thì i tờ.
Những đồng chí trí thức đọc nhiều nhưng không có kinh nghiệm công tác, chưa quen nền nếp làm việc của Đảng.
Vậy phải nâng cao lý luận cho cán bộ cũ và dạy cho cán bộ trí thức làm công tác quần chúng.
b) Lối làm việc trong Đảng hiện nay mắc hai khuyết điểm:
- Cán bộ cũ làm việc theo lối thủ công nghiệp.
- Cán bộ mới làm việc theo lối khoa học nhưng lại quá trớn, không hợp với hoàn cảnh kháng chiến.
Phải sửa chữa lối làm việc cho hợp lý, vừa với điều kiện của ta, đừng phạm vào hình thức, máy móc.
c) Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.
Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó.
Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên.
d) Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa.
Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để càng ngày càng đoàn kết, tiến bộ.
đ) Giữ kỷ luật.
Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng.
*
* *
Ta họp trong lúc phong trào cách mạng thế giới đương tiến triển rất mau, nhất là cuộc thắng lợi của nhân dân và Đảng Trung Quốc.
Ta là Đảng Đông Dương, nhưng còn có nhiệm vụ giúp sức vào công việc giải phóng Đông - Nam châu á nữa. Vì ở châu Á, về lực lượng thì sau Đảng Trung Quốc, Đảng ta là đảng mạnh; về thành tích, thì Đảng ta là Đảng đầu tiên ở Đông - Nam Á giành được chính quyền. Nói như thế không phải để tự cao, tự đại, mà để cố gắng làm tròn trách nhiệm.
Thế giới ngót 2.000 triệu người, số đảng viên cộng sản có trên 20 triệu, đổ đồng cứ 100 người dân là có một người cộng sản. ở Đông Dương, theo số liệu hiện nay, cứ 112 người dân là có một người cộng sản. Đó là một điều đáng mừng. Nếu ai cũng làm được đầy đủ nhiệm vụ thì kháng chiến nhất định chóng thắng lợi, kiến quốc nhất định chóng thành công.
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Cách mạng thế giới thành công muôn năm!
(Trích trong sách Hồ Chí Minh: Vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.83-85).
6. Thư gửi Hội nghị toàn quốc của Đảng
Các đồng chí,
Đảng họp Hội nghị toàn quốc, tiếc vì tôi hơi mệt, không đến họp với các đồng chí được. Vậy tôi có vài ý kiến gửi các đồng chí thảo luận:
Xét tình hình trong nước và ngoài nước, thế lực của ta và của địch, năm nay là năm cuộc kháng chiến của ta chuyển biến lớn.
Các đồng chí hãy thiết thực kiểm điểm công tác và thành tích của Đảng, Mặt trận và của Chính quyền trong ba năm vừa qua, để định rõ nhiệm vụ của năm mới là: hoàn thành việc chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công.
Thời cơ có lợi cho ta, nhưng khó khăn của ta còn nhiều. Tổng phản công là một việc lớn. Chúng ta chỉ có thể tổng phản công thắng lợi, nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ, khắc phục mau chóng những nhược điểm, phát triển mau chóng những ưu điểm. Công việc trước mắt của chúng ta là:
- Giữ vững khối đại đoàn kết của dân tộc;
- Tích cực xây dựng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương;
- Đánh mạnh vào lực lượng vật chất và tinh thần của địch;
- Động viên lực lượng toàn dân, tổ chức và võ trang nhân dân rộng rãi, vùng tự do cũng như vùng bị tạm chiếm;
- Liên lạc hành động với nhân dân Pháp và các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới...
Nếu ta làm trọn được những việc đó, thì tôi tin rằng, với tinh thần thi đua ái quốc của đồng bào ta, với lòng kiên quyết đánh giặc của tướng sĩ ta, với những cố gắng và hy sinh của đồng chí ta, năm nay sẽ là năm đại thắng lợi.
Riêng về Đảng, các đồng chí hãy kiểm thảo sự lãnh đạo của Đảng về chính trị và tổ chức, đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng, tổ chức việc học tập lý luận và sửa đổi lối làm việc, để cho Đảng ta thành một lực lượng rất mạnh, đưa dân tộc đến bước thành công.
Chào thân ái và quyết thắng.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr315)
7. Phê bình
Bài trước nói về tự phê bình. Bài này nói về phê bình. Vì chúng ta phải "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". "Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc". Nói thật tức là phê bình.
Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm.
Thí dụ: Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: Vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào? v.v.. Và khi nói, nên có thái độ đúng mực. "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau". Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch.
Nếu đồng chí đã bảo, mà tôi không vui lòng rửa sạch, (thậm chí còn oán trách đồng chí), tức là tôi cố ý mang vết nhọ suốt đời.
Hai điều ấy đều vô lý. Ý nghĩa phê bình, giản đơn là như vậy.
Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình. Mục đích phê bình là cốt lợi cho công việc chung.
Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Thí dụ: Vì thiếu quan điểm quần chúng (tư tưởng), nên trong công tác mắc bệnh mệnh lệnh, quan liêu.
Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực.
Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng".
Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình.
Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên "thầm thì thầm thụt", viết thư giấu tên, như một vài cán bộ ở T.N. đã làm.
Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình.
Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa.
Dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ, và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc.
Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ.
Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí.
Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình.
Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 16, ngày 12-7-1951).
Quốc Thành (tổng hợp)