10. Bài nói chuyện ở lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức
Hôm nay tôi đến, thấy các cụ, các anh chị em vui vẻ, tôi cũng vui. Mục nói chuyện của tôi là gặp đâu nói đấy.
Tôi nghe nói buổi chiều vừa khai hội phê bình cho đảng viên. Tóm tắt những sai lầm của đảng viên là xa cán bộ ngoài Đảng; khi nói chuyện, bàn bạc thì ra mặt làm thầy; việc không biết lại giấu dốt; đối đãi với anh em thì khách sáo, không chân thành thật thà.
Theo tôi, một số cán bộ, đảng viên ở cơ quan và địa phương nhận những lời phê bình ấy, là đúng.
Thứ nhất, tôi thay mặt Đảng cảm ơn các cụ, các anh chị em đã phê bình. Trong Tuyên ngôn của Đảng có yêu cầu nhân dân và các đảng bạn phê bình cho Đảng.
Thứ hai, anh em trong Đảng thì phải nhận xét, tự kiểm thảo phê bình; xem lại những điều anh em đã phê bình để sửa đổi, vì khuyết điểm ấy không đúng với sự giáo dục của Đảng. Đảng giáo dục đảng viên phải gần gũi nhân dân, cán bộ ngoài Đảng; phải thật thà, không lên mặt, biết sao nói vậy; không biết, phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt. Đối với mọi người, phải thật thà chân thành, không khách sáo, ngoại giao. Làm như thế thì cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng tin nhau, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ.
…
Có anh em nói chính sách của Đảng rất đúng đắn, nhưng không biết có quyết tâm làm không và có đủ cán bộ để làm không?
1. Nhất định Đảng có quyết tâm thực hiện cho kỳ được chính sách ấy. Anh em thấy một số cán bộ địa phương không gương mẫu trong việc thực hiện chính sách. Chính vì thế, Đảng phải chỉnh huấn, làm cho cán bộ hiểu thấu và hết lòng hết sức thực hiện chính sách ấy.
2. Hơn nữa, Đảng phải làm sao cho cán bộ ngoài Đảng và nhân dân nhận thấy chính sách Đảng là đúng, cùng giúp Đảng thực hiện chính sách ấy. Cho nên Đảng rất hoan nghênh anh em phê bình Đảng như chiều nay.
*
* *
Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được.
Anh em lại hỏi: Ở nước ta có Đảng Lao động, lại có Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Đảng Lao động thì đã rõ. Còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội thì làm gì? Có cần nữa không? Cần lắm. Đảng Xã hội tổ chức, giáo dục anh em trí thức. Trong anh em trí thức, có một số đã vào Đảng Lao động hoặc gần Đảng, có một số chưa hiểu Đảng. Đảng Xã hội tổ chức, huấn luyện cho anh em ấy gần công nông. Đảng Dân chủ tổ chức, huấn luyện tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ. Một số những người này đã vào Đảng Lao động. Nhưng còn một số nói: Bây giờ các anh chống địa chủ phong kiến, ngày mai sẽ đến lượt chúng tôi, nên họ sợ. Đảng Dân chủ giáo dục đoàn kết họ để kháng chiến và sau này kiến quốc. Hai đảng ấy có nhiệm vụ rõ ràng, quan trọng và cần thiết.
Câu hỏi ấy có thể có mấy ý nghĩa:
1. Bây giờ đã có Đảng Lao động thời nhập lại làm một, cùng làm cách mạng.
2. Đảng Lao động muốn hất mình đây. Nghĩ như thế đều không đúng. Bao giờ Đảng Lao động cũng cố sức giúp đỡ các đảng anh em để cùng nhau tiến bộ, kháng chiến, kiến quốc.
*
* *
Các cô và các chú là cán bộ kháng chiến, cách mạng. Bất kỳ ở địa vị nào, làm nghề gì, đều là người chủ trong những người chủ nước nhà (chủ đây không phải là địa chủ). Phải có khí khái như thế.
Có câu “tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”, nghĩa là lo trước dân, vui sau dân. Trong lúc khó khăn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ địch, không sợ khó khăn gian khổ. Cái gì khó khăn, cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước. Muốn cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, mong các cô, các chú phải có khí tiết ấy.
(Trích trong cuốn Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.38-49).
11. Thường thức chính trị
32 - Đảng Lao động Việt Nam
Để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân kháng chiến và kiến quốc, Đảng phải thật mạnh mẽ, trong sạch, sáng suốt, thống nhất.
Nền tảng tổ chức của Đảng tóm tắt gồm 6 điều:
1- Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc).
2- Mỗi đảng viên nhất định phải phụ trách một công tác của Đảng. Toàn thể đảng viên phải giữ vững kỷ luật của Đảng, phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành những nghị quyết của Đảng.
3- Đảng phải lãnh đạo tất cả những tổ chức khác của nhân dân lao động.
4- Đảng phải liên lạc thật chặt chẽ với quần chúng.
5- Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương.
6- Trong Đảng, bất kỳ cấp trên hoặc cấp dưới, đảng viên cũ hoặc đảng viên mới, đều nhất định phải giữ kỷ luật của giai cấp vô sản. Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu. Mỗi đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi. Đảng viên phải toàn tâm toàn lực phụng sự lợi ích của nhân dân, phải làm gương mẫu trong mọi công tác kháng chiến và kiến quốc.
33- Tính chất của Đảng Lao động Việt Nam
Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc. Vì những điều sau này mà quyết định tính chất ấy.
1- Đảng kết hợp phong trào cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng giác ngộ giai cấp công nhân rành mạch, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn.
Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân.
2- Đảng có chính cương rõ rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
3- Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc, tất cả đảng viên đều phải tuân theo. Tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng đều phải thống nhất. Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ.
4- Tất cả đảng viên phải kiên quyết phục tùng sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Trong Đảng không thể có những phần tử hèn nhát lung lay.
5- Đảng phải luôn luôn giáo dục đảng viên về lý luận cách mạng. Đối với những đảng viên xuất thân là trí thức, tiểu tư sản, nông dân thì Đảng phải ra sức cải tạo tư tưởng khiến cho những đồng chí ấy thành những chiến sĩ của giai cấp công nhân.
Đảng có hàng chục vạn đảng viên. ở các cấp chính quyền, ở trong bộ đội, ở các xí nghiệp, các trường học, các nông thôn, Đảng đều liên hệ chặt chẽ với quần chúng như chân tay ruột thịt. ở Trung ương Đảng thì có những đồng chí nhiều kinh nghiệm, giàu quyết tâm, một lòng một chí phụng sự giai cấp và nhân dân. Vì vậy, Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân.
34- Đảng Lao động lãnh đạo kháng chiến kiến quốc
Đảng dùng cách gì và làm thế nào để lãnh đạo?
1- Đảng đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào trong nhân dân ta.
Đối với công việc kháng chiến và kiến quốc, lý luận là rất quan trọng. Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm.
Lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng. Nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ đường lối đấu tranh để giải phóng mình, hiểu rõ phương pháp đấu tranh với địch.
Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình. Đảng kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam. Đảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam.
Không phải chỉ học thuộc lòng vài bộ sách của Mác - Lênin mà làm được như vậy. Đảng phải có tinh thần khoa học và tinh thần cách mạng rất cao, phải hiểu rõ lịch sử xã hội, phải quyết tâm phấn đấu cho giai cấp và nhân dân, phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng, phải gom góp tư tưởng, kinh nghiệm, sáng kiến và ý chí của quần chúng, sắp xếp nó thành hệ thống, rồi lại áp dụng vào trong quần chúng.
Đảng phân tích rõ ràng tình hình trong nước và trên thế giới, rồi áp dụng lý luận vào các chính sách: chính sách ruộng đất, chính sách Mặt trận dân tộc, chính sách kháng chiến kiến quốc, chính sách xây dựng Đảng...
Vì Đảng lãnh đạo đúng, cho nên lòng tự tin và sức chiến đấu của nhân dân ta ngày càng cao và lực lượng cách mạng ngày càng to lớn.
2- Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân.
Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng.
Có khẩu hiệu chung, cũng chưa đủ, Đảng còn phải căn cứ theo lợi ích của nhân dân trong giai đoạn đó, đề ra những khẩu hiệu mới, để động viên quần chúng, để làm mục đích và vạch đường lối cho quần chúng đấu tranh; đồng thời để huấn luyện, giáo dục quần chúng. Thực hiện những khẩu hiệu này, tức là đẩy cách mạng tiến tới và giúp cho khẩu hiệu chung thực hiện. Thí dụ: Để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc, Đảng đề ra khẩu hiệu “Phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất”, “Thi đua sản xuất”, v.v.. Những khẩu hiệu ấy làm cho hàng triệu nhân dân lao động càng thêm hăng hái tham gia kháng chiến kiến quốc. Trong mỗi giai đoạn quan trọng, Đảng đề ra những khẩu hiệu đúng để động viên và lãnh đạo nhân dân đấu tranh, cho nên nhân dân tranh được nhiều thắng lợi.
3- Kinh qua đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng. Đảng viên và cán bộ không thể chỉ hô khẩu hiệu và nói lý luận suông.
Đảng viên và cán bộ nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng hợp với trình độ của quần chúng. Nhất định phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo. Đảng đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải: học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách. Phải có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn. Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng.
36- Xây dựng Đảng Lao động Việt Nam
Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc. Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta.
Về mặt lãnh đạo, đường lối, công tác, tư tưởng, chính trị, tổ chức, có thể nói Đảng đã có tính toàn quốc, tính quần chúng. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Đảng đang lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi. Có thể nói: Đảng là to lớn, vẻ vang, đứng đắn; nước ta xưa nay chưa có một đảng nào như thế. Đảng cần phải phát triển và củng cố. Cần phải phát triển thêm thành phần công nhân. Cần phải giáo dục những đảng viên mới. Cần phải cải tạo tư tưởng cho đảng viên nông dân và tiểu tư sản trí thức.
Xây dựng Đảng, có ba mặt: Tư tưởng, chính trị và tổ chức.
Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin. Đồng chí Lênin nói: “Chỉ có lý luận tiên tiến, Đảng mới có thể thực hiện vai trò chiến sĩ tiên tiến”. Đồng chí Xtalin nói: “Chỉ có thông suốt lý luận Mác - Lênin, Đảng mới chắc tiến lên, mới lãnh đạo được giai cấp công nhân tiến lên”.
Vì vậy, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng.
Đảng phải tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân và rửa gột những tư tưởng trái với nó. Nước ta đã lâu ở dưới chế độ thực dân và phong kiến, cho nên những tư tưởng bất chính có thể ảnh hưởng vào trong Đảng. Số đông đảng viên là nông dân và tiểu tư sản trí thức (điều đó tuy là tốt và hợp lý), cho nên cũng mang vào Đảng những tư tưởng “phi vô sản”. Vì vậy Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản”. Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng. Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu”.
37- Tự phê bình và phê bình
Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị thì mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên.
Nâng cao trình độ lý luận và chính trị, cải tạo mình là một việc trường kỳ và gian khổ. Nhưng đó là một công tác chủ chốt trong việc xây dựng Đảng mà mỗi đảng viên phải cố gắng.
Về mặt tổ chức: Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức.
Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn.
Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng.
Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta. Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách:hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình.
Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: Hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối. Chống bộp chộp, nóng nảy, quan liêu, mệnh lệnh. Như vậy thì nhất định được nhân dân ủng hộ và việc gì to mấy, khó mấy làm cũng nên.
Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.
(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8,t.275-283)
12. Thư gửi lớp chỉnh Đảng Liên khu V
Thân ái gửi lớp chỉnh Đảng L.K.V,
Cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, song phải trường kỳ và gian khổ.
Mục đích chỉnh Đảng là để dùi mài cán bộ và đảng viên thành những chiến sĩ xứng đáng là người đày tớ của nhân dân. Vậy:
- Lập trường giai cấp vô sản phải vững chắc.
- Phải làm đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ, và theo đúng đường lối quần chúng trong mọi việc.
- Phải triệt để chống bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí.
- Phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng.
- Phải thật thà tự phê bình và phê bình, phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và thấm nhuần chính sách của Đảng để luôn luôn tiến bộ.
- Thái độ học tập phải nghiêm chỉnh, tự kiểm thảo phải thật thà.
Mong các cô, các chú quyết tâm thi đua thực hiện những điều đó, để trở nên những cán bộ và đảng viên xứng đáng.
Bác thay mặt Trung ương gởi 3 giải thưởng cho toàn lớp và 1 giải thưởng cho anh em nông dân giúp việc cho lớp.
((Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr380)
13. Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan
Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan. Bởi vậy, nhiệm vụ của chi bộ là:
- Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ, và hết lòng hết sức phụng sự nhân dân.
- Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
- Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to.
- Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao năng suất công tác, giữ gìn bí mật của nước nhà, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc.
- Tăng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ.
- Giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người đều hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ.
Chi bộ cần phải làm được như vậy. Mà muốn làm được như vậy, thì mỗi một đảng viên phải xung phong làm gương mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng.
Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ.
Cần chú ý: Để làm những việc trên đây, chi bộ phải dùng cách chính trị, giáo dục, đề nghị, giải thích, khai hội bàn bạc với quần chúng... Chứ tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Phải nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.
Các chi bộ bất kỳ ở cơ quan to nhỏ, đều nên đặt kế hoạch thi đua thiết thực, thi hành những công tác nói trên, để góp sức làm trọn hai nhiệm vụ trung tâm mà Đảng và Chính phủ đã đề ra: Đẩy mạnh kháng chiến và cải cách ruộng đất.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 176, từ ngày 6 đến ngày 10-4-1954)
Quốc Thành (tổng hợp)