Chỉ mục bài viết

28. Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc

Bác đến thăm Đại hội, còn tham gia Đại hội tỉnh thì Trung ương Đảng đã chỉ định đồng chí Hà Kế Tấn. Bác muốn nêu một vài ý kiến rất vắn tắt.

Một là, phải làm sao cho toàn đảng bộ, toàn thể nhân dân trong tỉnh thấm nhuần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Trung ương.

Hai là, phải làm sao cho tốt 3 cuộc vận động mà các cô, các chú đã biết, Bác không nhắc lại. Nhất là phải làm tốt cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật vì Vĩnh Phúc là tỉnh nông nghiệp nhiều. Phải làm thật tốt việc này, còn làm thế nào cho tốt thì các đồng chí bàn với nhau. Lần này phải làm thế nào cho tất cả các đảng viên trong tỉnh đều thấm nhuần chính sách, đường lối của Đảng. Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu... để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời phải luôn luôn nhớ rằng, làm việc đây cũng là để ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Cả miền Nam, cả miền Bắc cùng đấu tranh để hòa bình thống nhất nước nhà.

Thế là đảng viên gương mẫu, nhân dân làm chủ để cố gắng làm cho tốt, trước mắt là làm vụ mùa thắng lợi. Vụ chiêm trước gặp hạn hán nên tương đối có khó khăn. Cho nên cần tranh thủ được một vụ mùa thắng lợi để chuẩn bị điều kiện tốt cho những năm sau.

Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt.

Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít.

Bác chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ

Vĩnh Phúc trở thành một trong những đảng bộ khá nhất miền Bắc.

(Đăng trên Báo Vĩnh Phúc, số đặc biệt, ngày 20-7-1963).

29. Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc

Đoàn kết nhất trí: Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Đảng ta là một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết.

Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho.

Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì có đúng, có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên.

Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng.

Ngày nay, hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời, do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân mà tăng cường đoàn kết nhất trí - đó là điều chính.

Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau. Bệnh cá nhân còn dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực, bi quan.

Phải khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, như cảnh giác cách mạng kém, không tích cực thực hiện đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, không ra sức bồi dưỡng lực lượng bần nông và trung nông lớp dưới, không chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng, v.v..

Công việc ngày càng nhiều và càng phức tạp. Xã hội ngày càng tiến lên. Vì vậy, trình độ của đảng viên và cán bộ cũng phải tiến lên mới làm trọn được nhiệm vụ. Cho nên đảng viên và cán bộ phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và chuyên môn.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 3491, ngày 19-10-1963).

30. Bài nói tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập

Có Đảng lãnh đạo, dân tộc ta đã trở thành một dân tộc anh hùng, được bè bạn khắp năm châu yêu mến và kính trọng. Đó là một thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là điều đáng tự hào của mỗi người yêu nước và cách mạng.

Có thắng lợi vĩ đại ấy là vì:

- Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng ta đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta một cách sáng tạo để nêu ra đường lối, chính sách đúng đắn, bảo đảm cho cách mạng phát triển thắng lợi. Cán bộ, đảng viên ta nói chung là những người cộng sản chân chính, trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân và được dân mến, dân tin.

- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu, hy sinh và trí thông minh, sáng tạo của hàng triệu nhân dân, nhất là công nhân, nông dân và những người trí thức cách mạng.

- Cách mạng Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ của giai cấp công nhân và nhân dân cách mạng thế giới, nhất là của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tình đoàn kết quốc tế vĩ đại ấy là một điều kiện rất quan trọng cho cách mạng Việt Nam thắng lợi.

Đó là ba bài học lớn mà mỗi cán bộ và đảng viên ta cần ghi sâu vào lòng và phát huy thêm mãi.

Chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu trên con đường muôn dặm. Sự nghiệp cách mạng còn lâu dài gian khổ. Đảng ta còn có trách nhiệm nặng nề đối với 30 triệu đồng bào cả nước ta và phải tích cực gánh vác phần trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng thế giới.

Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới. Một ngày nào miền Nam ta chưa được giải phóng, Tổ quốc ta chưa được thống nhất, nhân dân ta chưa được sung sướng yên vui, thì tất cả chúng ta vẫn phải đem hết tinh thần và nghị lực mà phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi. Mỗi người chúng ta đều phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Muốn giữ gìn sự trong sáng chủ nghĩa Mác - Lênin thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân.

Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản vẻ vang mà 35 năm qua trong Đảng ta đã có biết bao anh hùng liệt sĩ như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và hàng vạn đảng viên gương mẫu, "trung với nước, hiếu với dân", khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng như liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Biết bao đảng viên cộng sản là anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong các ngành hoạt động khác. Họ không đòi danh, đòi lợi. Họ một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Họ là những đảng viên bình thường nhưng phẩm chất cách mạng của họ thật là cao quý. Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng ấy của giai cấp và của dân tộc.

Nhưng trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình.

Đứng trong hàng ngũ chiến đấu của Đảng mà họ không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước. Họ hững hờ như những người không có lý tưởng, đến đâu hay đó, qua tháng qua ngày. Đối với công việc của cách mạng, không có thái độ người làm chủ tập thể, dám nghĩ dám làm, mà thường bị động ngồi chờ. Số người ấy không hiểu sức mạnh của Đảng chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật sắt của Đảng. Họ ít gắn bó với tổ chức, không tin ở lực lượng và trí tuệ của tập thể. Họ sống và làm việc một cách riêng rẽ, không đoàn kết và hợp tác với người khác. Hễ có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những "ông quan liêu", chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân.

Đảng ta là một Đảng phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản, chứ không vì lợi ích nào khác. Nhưng số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn lần này của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản.

Các đồng chí,

Lý tưởng vĩ đại của Đảng ta, vận mạng của Tổ quốc ta, đời sống của giai cấp ta và nhân dân ta đòi hỏi toàn Đảng và mỗi người đảng viên phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Để tăng năng suất lao động và tăng sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chúng ta chẳng những phải nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết của mình về mọi mặt, mà trước hết phải biết luôn luôn giữ vững và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản. Cuộc chỉnh huấn lần này là một cơ hội tốt để tất cả chúng ta thật thà phê bình và tự phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm chỉnh, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa, thấy rõ ưu điểm để phát huy thêm. Muốn vậy, mỗi người phải thật sự tự giác tự nguyện. Nhất là các đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành cần phải gương mẫu trong việc tự phê bình và phê bình. Tất cả các đồng chí đều phải đem hết lòng đoàn kết, thương yêu đồng chí và giúp nhau tiến bộ.

Những đảng viên nào có khuyết điểm, nếu thật thà tự phê bình, có quyết tâm sửa chữa, vứt bỏ cái balô cá nhân chủ nghĩa đi, thì sẽ trở nên đảng viên xứng đáng. Đảng ta là một bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ. Chúng ta phải làm sao cho sau cuộc chỉnh huấn này, mỗi đồng chí càng nhận rõ trách nhiệm của mình, càng thêm tin tưởng, phấn khởi và hăng hái tiến lên; sự đoàn kết nhất trí trong Đảng càng thêm vững chắc, bảo đảm cho Đảng ta càng trong sạch, càng mạnh mẽ, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta càng giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, trước mắt là trong phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai" nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và chuẩn bị tốt để tiến vào kế hoạch 5 năm lần thứ hai, bảo đảm cho Đại hội lần thứ IV của Đảng thành công tốt đẹp.

Các đồng chí, chúng ta hãy giương cao ngọn cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng nhau phấn khởi tiến lên!

(Trích trong cuốn Về đạo đức cách mạng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.131-137).

31. Bài nói tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện

Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác căn dặn các cô, các chú mấy điều

1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.

Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí Huyện ủy chưa thật sự lăn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.

Hiện nay, mỗi Huyện ủy có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí Huyện ủy nắm một, hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ăn, ở, học tập, sức khỏe... của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình?

2. Phải chăm lo xây dựng hợp tác xã, xây dựng chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cho thật tốt.

Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai.

Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Như vậy công việc khó mấy cũng làm được.

Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong phải là cánh tay của chi bộ, xung phong đi đầu trong sản xuất, chiến đấu. Các ban quản trị hợp tác xã phải dân chủ, phải chống tham ô, lãng phí. Tệ tham ô trong hợp tác xã bây giờ còn nhiều. Ai chịu trách nhiệm về tình hình ấy? Huyện có chịu trách nhiệm không? Trong cán bộ huyện, có cán bộ nào tham ô, mệnh lệnh không? Các cô, các chú phải nghiêm khắc kiểm tra.

3. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Đảng viên cũ, mới, già, trẻ, gái, trai phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.

Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú” với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm.

Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui.

Khi nói đến học tập khoa học, kỹ thuật, có người còn cho là cao xa quá. Nhưng biết nói một cách phổ thông, nôm na như chúng ta vẫn làm thì không phải là cao xa, không tiếp thụ nổi. Ví dụ: làm bèo hoa dâu là khoa học, kỹ thuật, cách ủ phân cũng là khoa học, kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật là như vậy, không chịu khó học tập thì không lãnh đạo được sản xuất, không đưa được năng suất cây trồng lên.

4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.

Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân dân có đăng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không là phải đào hầm, xây hầm, tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trăm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre... Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:

Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc “bình công”, “báo công”. Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ. Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.

Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?

Có làm được không?

Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4722, ngày 14-3-1967).

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: