14. Lời bế mạc Hội nghị lần thứ bảy mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam
Cuộc Hội nghị Trung ương lần này, tuy chuẩn bị kém đầy đủ, song nhờ các đồng chí cố gắng, mà kết quả tốt. Nhận xét tình hình rõ ràng hơn. Về tình hình thế giới, từ ngày bắt đầu kháng chiến đến nay, phe hòa bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội phát triển rất to, rất mạnh. Liên Xô và các nước dân chủmới ở Đông Âu ngày càng vững mạnh, Trung Quốc cách mạng thành công. Triều Tiên và Việt Nam kháng chiến thắng lợi. Phe ta gồm có 12 nước với hơn 900 triệu nhân dân. Về địa lý thì liền thành một khối từ Âu sang Á. Về chính trị và các mặt khác thì đoàn kết nhất trí.
…
Kết quả lớn của Hội nghị: Kiểm điểm kỹ sự lãnh đạo của Trung ương và nêu ra những khuyết điểm để sửa chữa. Trong thắng lợi mà trông thấy khuyết điểm - chỉ có Đảng của giai cấp lao động, Đảng cách mạng chân chính mới làm được như vậy. Hội nghị đã nêu rõ được phương pháp thiết thực để kiện toàn sự lãnh đạo, như:
Lãnh đạo phải sát thực tế hơn.
Lãnh đạo phải tập thể và dân chủ, phải thống nhất và tập trung.
Phải nâng cao trình độ lý luận của toàn Đảng và nâng cao trình độ tổ chức cho thích hợp với nhiệm vụ và công tác mới. Phải cải thiện sự lãnh đạo tổ chức.
Phải luôn luôn thực hiện tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên.
Do chính sách và đường lối đúng đắn của Đảng, chúng ta đã thu được kết quả khá. Chúng ta quyết tâm thực hiện những điều kể trên, thì thành tích chắc sẽ nhiều hơn.
*
* *
Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo. Hội nghị này đã chứng tỏ: Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Qua cuộc Hội nghị này, Trung ương đã thống nhất hơn, đoàn kết hơn và đảm bảo chắc chắn sự thống nhất và đoàn kết toàn Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, dưới nguyên tắc và chính sách của Đảng, toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
Đảng ta đoàn kết và vững chắc, dân ta đoàn kết và hăng hái, quân đội ta hùng mạnh, chính sách ta đúng đắn, chúng ta có những điều kiện thuận lợi căn bản, chúng ta có quyết tâm, chúng ta lại có các đảng anh em giúp đỡ. Cho nên dù trước mắt khó khăn còn nhiều, chướng ngại không ít, nhưng chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta và góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 424, ngày 30-4-1955).
15. Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói
Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.
Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được.
Phải biết giáo dục, lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Phải tiết kiệm là vì nếu được bữa nào xào bữa ấy, thì sẽ thiếu thốn. Nếu cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu, vì nước ta là nước nông nghiệp, mọi việc đều dựa vào nông nghiệp. Nếu cán bộ không biết lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm, nếu đảng viên không xung phong gương mẫu, thì việc gì cũng sẽ khó làm. Cho nên chính sách tăng gia sản xuất và tiết kiệm là một chính sách căn bản của chúng ta. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm để nâng cao đời sống của nhân dân, khôi phục kinh tế, mở mang văn hóa và đề phòng đói, chống đói. Trách nhiệm của các cấp ủy và cán bộ là phải hết sức chú ý đến sản xuất và tiết kiệm. Các đảng viên phải gương mẫu trong việc đó.
Sự thực, chỗ nào mà nhân dân tổ chức giúp đỡ nhau thì kết quả hơn chỗ cấp phát; dân hăng hái hơn, đoàn kết hơn, sản xuất cũng mạnh hơn.
Trung ương có chỉ thị trưng vay, vì chỗ nào đói không phải là ở đó thóc gạo đã hết, nhưng vì có bọn địa chủ giấu thóc gạo. Khéo trưng vay thì lấy được thóc gạo, nhưng cán bộ không làm, cứ cho cấp phát. Có chỗ quá tệ hơn nữa, đã không trưng vay, lại cấp phát tràn lan, phát cho cả địa chủ, phú nông. Đó là vì cán bộ không giữ vững lập trường giai cấp.
Cũng do lập trường giai cấp không vững mà sinh ra quan liêu, khi quá tả, khi quá hữu. Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau, không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí.
Tham ô, lãng phí là có tội, mà tham ô lãng phí gạo cứu đói tội lại càng lớn hơn. Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào đó. Thế là có tội đối với Đảng và Chính phủ, đối với nhân dân, đối với nước bạn. Đó là tội thật to. Các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức.
Hiện nay, các nơi đã gặt nhiều. Có nhiều cán bộ đã vội cho là hết đói rồi. Thế là chủ quan.
Chúng ta không được chủ quan.
Các cô, các chú phải lãnh đạo tổ chức giúp đỡ nhân dân, một mặt thì tiết kiệm, chớ lãng phí lương thực hiện có, một mặt thì tăng gia thêm đề phòng đói tháng 8 khỏi xảy ra.
Nói tóm lại, các cô, các chú phải nhớ 3 điểm:
1. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Trung ương, của Chính phủ.
2. Phải thật thà quan tâm đến đời sống của nhân dân, tin và dựa vào lực lượng, sáng kiến của nhân dân.
3. Phải có lòng tự tin mình, ra sức làm thì nhất định làm được.
Như vậy thì nhất định tăng gia sản xuất và tiết kiệm được, nhất định chống đói và phòng đói được. Phòng đói là hơn cứu đói, cũng như phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
Các cô, các chú đã đi làm, người có thành tích nhiều, người có thành tích ít, người có khuyết điểm nhiều, người có khuyết điểm ít. Bác tặng cho mấy giải thưởng, các cô các chú sẽ bình nghị người nào, nơi nào có nhiều thành tích nhất thì được.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, t. III, tr. 185-187).
16. Tự phê bình và phê bình
Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thụ lời phê bình của người khác.
Đối với tự phê bình và phê bình, có 3 thái độ khác nhau:
- Những đồng chí giác ngộ chính trị cao thì tự phê bình rất thật thà và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Khi phê bình người khác, các đồng chí ấy thành khẩn, nhẫn nại, giúp đỡ họ sửa chữa.
Đối với những kẻ sai lầm rất nặng mà lại không chịu sửa đổi, thì các đồng chí ấy đấu tranh không nể nang.
Chúng ta phải học tập tinh thần và tác phong của các đồng chí ấy.
- Có một số ít người thì phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi.
Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.
- Thái độ của một số khá đông cán bộ là: Đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng tự phê bình thì quá “ôn hòa”. Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thu phê bình - nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những “khó khăn khách quan” để tự biện hộ. Nói tóm lại: Đối với người khác thì các đồng chí ấy rất “mácxít”, nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do.
Nói chung, các đồng chí ấy rất trung thành với Đảng, với nhân dân; nhưng tư tưởng và tác phong chưa thuần, đang mang một ba lô chủ nghĩa cá nhân hoặc nặng hoặc nhẹ. Họ sợ mất “thể diện”, mất “uy tín”. Họ quên rằng không thực hiện tự phê bình và phê bình, thì nhiều khuyết điểm nhỏ sẽ cộng thành khuyết điểm to, nó sẽ rất tai hại cho công tác.
Chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí này. Các tổ chức của Đảng thì cần mở rộng dân chủ nội bộ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình - nhất là phê bình từ dưới lên. Toàn thể đảng viên - trước hết là các cán bộ phụ trách - phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 468, ngày 14-6-1955)
17. Bài nói tại phân hiệu II trường Nguyễn Ái Quốc
Bác đến thăm các cô, các chú, các cô, các chú cũng mong gặp Bác lâu rồi, nhưng vì công việc bận nhiều quá nên Bác không đến với các cô, các chú được.
Hôm nay Bác sẽ nói chuyện với các cô, các chú một vài điểm:
I- Nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân hiện nay
1- Về khôi phục kinh tế:
Về nông nghiệp: Làm sao chống lụt, chống hạn, chống dịch trâu bò, phát triển chăn nuôi. Các nước bạn sẽ giúp ta kinh nghiệm chống lụt. Nhân dân và cán bộ cần hiểu rằng với sự giúp đỡ của các nước bạn, ta vẫn phải tự lực hăng hái mà làm.
Về công nghiệp: Liên Xô giúp ta xây dựng 25 nhà máy, giúp máy móc và công trình sư. Chỉ có nguyên như thế, nhà máy cũng không chạy được. Phải có sức mình, làm sao phải có người lãnh đạo, quản trị, phải chống được tham ô, lãng phí.
Do đó phần lớn phải là ở cán bộ. Làm sao cho nhân dân có công ăn việc làm để nâng cao đời sống của nhân dân lên, thì mức sống cán bộ mới nâng cao được. Nâng cao được phần nào là do sức cố gắng của mình quyết định.
2- Về chính trị:
Mục đích của dân ta cũng như của phe ta là làm sao cho nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước. Việc tiến hành phải có từng bước. Có hòa bình mới có thống nhất, mà có thống nhất được mới có hòa bình thật sự. Muốn thống nhất phải hiệp thương. Nhưng bọn Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định.
Làm sao cho nhân dân trong nước đều muốn cả, thì dù bọn Mỹ - Diệm không muốn cũng phải tiến hành hiệp thương; một số nước trên thế giới cũng muốn có cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam.
Về kinh tế cũng như về chính trị, cuộc đấu tranh đều gian khổ, phức tạp. Ngoài Mỹ - Diệm, thực dân ngoan cố, còn có địch trời: Lụt, bão, hạn, bệnh tật, v.v.. Phải làm sao lấy sức người chống lại sức thiên nhiên. Thời kỳ kháng chiến, ta đã làm và ta đã thắng. Bây giờ có sự giúp đỡ của các nước bạn thì chống Mỹ - Diệm và trời phản động, ta cũng sẽ thắng. Nhưng còn một kẻ địch ngoan cố hơn là kẻ địch tư tưởng. Nếu hiểu rằng phải để lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên, lợi ích cá nhân xuống dưới, làm cho đúng đường lối của Đảng, của Chính phủ, hết sức lo lắng, thương yêu nhân dân, thì nhất định khắc phục được địch trời, địch người. Nếu cán bộ không thông chính sách, để lợi ích cá nhân lên trên, nghĩ đến hưởng lạc, địa vị, muốn làm việc này việc kia..., tức là chưa thắng địch trong mình, thì khó thắng được địch Mỹ - Diệm, địch trời.
Ta thắng kẻ địch mạnh vì ta có quyết tâm và đoàn kết. Trong giai đoạn đấu tranh chính trị này, ta lại càng phải có quyết tâm và đoàn kết hơn nữa, thế thì cuộc đấu tranh này tất thắng. Cuộc đấu tranh kinh tế, chính trị và tư tưởng nhất trí với nhau. Nhiệm vụ của cán bộ là cần phải nhận rõ để khắc phục mọi trở lực.
18. Nói chuyện ở trường Cán bộ Công đoàn
Hôm nay, Bác đến thăm các cô, các chú. Bác sẽ nói chung về công đoàn, và nói riêng cho cán bộ công đoàn. Bác sẽ nói vắn tắt mấy điểm:
1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc.
Bởi thế, công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu: Công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.
2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.
Đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng là thế nào?
Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà.
Vậy, đã là người chủ nước nhà, thái độ phải thế nào cho đúng? Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Công nhân phải hiểu xí nghiệp là của mình, làm chủ nước nhà là nói chung, làm chủ xí nghiệp là nói riêng, xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên.
Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải thế nào?
Chế độ này là của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm.
Còn thế nào nữa?
Công nhân phải hiểu lao động là vẻ vang. Trước kia ta lao động cho tư bản, phong kiến, đế quốc. Công nhân miền Nam hiện nay cũng thế. Còn ta bây giờ lao động cho ta. Bất cứ làm nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp, đều là vẻ vang.
Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch, đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang.
Của cải mình lao động ra là của nước nhà, của nhân dân, là của mình, là của công. Nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân phải bảo vệ của cải ấy. Để bảo vệ của cải chung đó, đối với thói tham ô, lãng phí, ta phải chống lại.
Thế đã đủ chưa?
Chưa đủ, mỗi một công nhân, đã là chủ của xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động. Giờ làm việc thì đi chậm, chưa hết giờ đã nghỉ không phải là thái độ của người chủ xí nghiệp, chủ Nhà nước. Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được! Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Hăng hái thì các cô, các chú đã biết. Còn thế nào là tính sáng tạo? Trước kia tư bản không cho công nhân phát triển tài năng. Nhà máy dệt Nam Định trước chỉ cho mỗi công nhân đứng một máy, nay về ta thì công nhân đứng được nhiều máy. Nhà máy về ta, ta cố làm nhiều làm tốt, tìm hết mọi cách để tiến bộ mãi, đó là tính sáng tạo, đó là thái độ tiên tiến. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ.
Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu, v.v..
Hiện nay có hai khẩu hiệu: Tăng gia sản xuất và Thực hành tiết kiệm. Hai điều đó phải đi đôi, thiếu một là không được. Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân nói riêng và của nhân dân nói chung.
Bây giờ anh em mong được lên lương có chính đáng không? Có.
Nhưng lương tăng gấp đôi mà hàng đắt, vẫn không ăn thua gì. Nuôi lợn ít mà muốn ăn thịt nhiều là không được.
Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân, công nhân phải hiểu để giải thích cho nhân dân là: Phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Tiền và hàng hóa phải đi đôi với nhau.
…
Tóm lại, về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.
3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học. Thế nào là khoa học? Như hồi xưa ta cho sét là ông thiên lôi, mưa là rồng phun nước, ốm là do ma làm. Như thế là phản khoa học. Nay ta hiểu khác, hiểu nguyên nhân rõ ràng. Con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học. Các tôn giáo theo duy tâm, còn giai cấp công nhân phải duy vật.
4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Người ta thường nói đoàn kết là sức mạnh vô địch. Ta kháng chiến thắng lợi, cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng hoà bình thắng lợi, cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.
5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân rõ tình hình trong nước và ngoài nước. Ví dụ: Có người hỏi củng cố miền Bắc là thế nào? Tranh thủ miền Nam là thế nào? Tại sao phải làm như vậy mới thống nhất được nước nhà? Phải giải thích cho họ hiểu. Nếu không, họ sẽ hoang mang (…).
6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân. Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ, bàn bạc với anh em công nhân. Phải kiểm tra. Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa.
Cuối cùng Bác tin cho các cô, các chú biết là khoá họp thứ sáu của Quốc hội đã thông qua nghị quyết giao cho Chính phủ làm đạo luật về Công đoàn. Công đoàn phải giúp Chính phủ làm đạo luật ấy cho tốt.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Sđd, t.IV, tr.43-47)
Quốc Thành (tổng hợp)