Chỉ mục bài viết

 8. Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa II (trích)

….

Về mặt chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự thì chúng ta phải làm những việc sau đây:

1- Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do. Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay.

2- Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt. Làm như vậy để đạt mục đích đánh chắc, ăn chắc, mở rộng vùng tự do. Đồng thời có thể dùng công kiên chiến hút lực lượng của địch đến mà đánh, phân tán lực lượng địch, làm rối loạn kế hoạch của địch và tạo điều kiện cho vận động chiến.

3- Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân; để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn ngụy binh của địch, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những căn cứ kháng chiến sau lưng địch.

4- Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, vùng tự do và những căn cứ du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân, du kích không thoát ly sản xuất.

Những tổ chức dân quân, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể dùng để bổ sung bộ đội chủ lực.

5- Về việc chỉ đạo quân sự cần phải kết hợp những hình thức đấu tranh nói trên một cách linh hoạt, khôn khéo. Như thế, một mặt lợi cho bộ đội chủ lực có thể tìm nhiều cơ hội để tiêu diệt địch; một mặt khác có thể giúp bộ đội du kích hoạt động và giúp căn cứ du kích của ta sau lưng địch phát triển và củng cố.

6- Trong sự chỉ đạo các hình thức đấu tranh nói trên, cần phải thiết thực nhận rõ tính chất trường kỳ của kháng chiến. Cho nên, phải rất chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá. Đồng thời cần phải yêu cầu bộ đội chịu khó, chịu khổ, kiên quyết, gan dạ thi đua diệt địch lập công. Hai điều đó không trái nhau, mà kết hợp với nhau.

7- Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.

8- Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác. Phải tăng cường công tác của Bộ Tổng tham mưu và của Tổng cục Cung cấp. Công tác Bộ Tổng tham mưu phải tăng cường mới có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội. Công tác của Tổng cục Cung cấp phải tăng cường thì mới có thể bảo đảm được sự cung cấp đầy đủ cho chiến tranh và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội. Nhưng phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên.

9- Phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội. Ngoài việc động viên thanh niên ở vùng tự do tòng quân, cần phải rất chú ý tranh thủ và cải tạo ngụy binh đã đầu hàng ta để bổ sung cho bộ đội ta. Tổ chức bộ đội mới thì không nên hoàn toàn dùng cán bộ mới và binh sĩ mới, mà nên dùng cách lấy bộ đội cũ làm nền tảng để mở rộng bộ đội mới. Đồng thời cũng không nên vét sạch bộ đội du kích để bổ sung cho bộ đội chủ lực.

10- Cần phải tăng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh.

Đảng ta đã đưa cuộc kháng chiến cứu nước từ bước thấp đến bước cao, từ chỗ thắng nhỏ đến chỗ thắng lớn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta nhận rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Đảng ta quyết lãnh đạo quân đội và nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ - mà càng gần thắng lợi càng nhiều gian khổ khó khăn - để tranh lấy thắng lợi hoàn toàn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Đảng ta là một đảng tiên phong anh dũng. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của Đảng thì toàn thể cán bộ và đảng viên, từ trên đến dưới, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải:

- Kiên quyết chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ;

- Đi đúng đường lối quần chúng;

- Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí;

- Làm gương mẫu trong việc thi đua học tập, chiến đấu, tăng gia sản xuất, v.v.;

- Thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ…

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr35)

 

9. Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (trích)

“Đảng Lao động Việt Nam gồm có những công nhân, nông dân, lao động trí óc yêu nước nhất, hy sinh nhất, gồm những người phụng sự nhân dân lao động, chí công vô tư, gương mẫu trong công tác kháng chiến và kiến quốc”.

Nhưng các cô, các chú cán bộ, đảng viên thử hỏi mình xem đã làm đúng với lời Đảng đã tuyên bố trước nhân dân, trước thế giới chưa? Chưa đúng!

Chỉ lấy một điều mà nói: Trong Điều lệ Đảng có nói: Đảng viên chẳng những phải giữ kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải gìn giữ kỷ luật chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân.

Sự thực nhiều đảng viên, cán bộ chẳng làm đúng như thế, đã không giữ đúng kỷ luật của chính quyền, cơ quan đoàn thể, nhân dân. Thậm chí có khi phớt cả thủ trưởng, bộ trưởng, đi không xin phép, về không báo cáo, tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm.

Các đảng viên, cán bộ đó không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là một. Còn đảng viên, cán bộ không biết giữ đoàn kết giữa trong và ngoài Đảng thành ra làm chia rẽ...

Bây giờ nói chung cho anh em ngoài Đảng cũng như trong Đảng. Tục ngữ có câu: Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho ngào. ở đây tôi nói thật hết, nói như rìu chém đá, rạ (dao rựa) chém đất. Có khuyết điểm là nói kỳ hết.

Các cán bộ trong Đảng có cái tếu nhất là phớt kỷ luật của đoàn thể, cơ quan, không đoàn kết giữa trong ngoài. Đó là khuyết điểm nhất. Do đấy sinh nhiều khuyết điểm khác. Làm như vậy tức là không đúng kỷ luật của Đảng, không đúng chính sách, tuyên ngôn của Đảng.

Còn anh em ngoài Đảng thế nào? Anh em đó đã trông Đảng, nhìn Đảng qua những cán bộ, đảng viên ấy. Rồi tưởng Đảng thiên tư, thiên lệch.

Các sự hiểu lầm ấy, Đảng phải phụ trách một phần, là vì sự giáo dục đảng viên như vậy chưa đầy đủ, sự kiểm soát chưa đầy đủ. Còn anh em ngoài Đảng nghi ngờ Đảng thì có một phần.

Khuyết điểm là: Thấy cây nhưng không thấy rừng. Thấy đảng viên như vậy thì tưởng Đảng cũng như vậy.

Vậy vì sao Đảng và Chính phủ ta lại trọng trí thức?

1- Vì Đảng và Chính phủ muốn xây dựng nước dân chủ nhân dân, như phát triển văn hóa, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, xây dựng kỹ nghệ.

2- Trí thức nước ta cũng như trí thức tại các nước thuộc địa, bán thuộc địa hay các dân tộc bị áp bức, khác với trí thức các nước tư bản đế quốc.

Ở các nước tư bản đế quốc, trí thức đa số là ở trong giai cấp tư sản mà ra rồi lại trở lại phục vụ cho tư bản. Ở nước ta thì khác, dù là trí thức một số khá đông thuộc thành phần phú nông, địa chủ, phong kiến, tư sản mà ra nhưng cũng đều bị đế quốc áp bức…

Trí thức ta có khuyết điểm nhiều chứ không phải là ít mà khuyết điểm cũng là do nền giáo dục nhồi sọ, chia rẽ, nô lệ của đế quốc phong kiến làm cho anh chị em trí thức có khuyết điểm ấy.

Khuyết điểm ấy là gì?

Cá nhân chủ nghĩa: Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hòa vào với dân tộc.

Do khuyết điểm này nên sinh ra khuyết điểm khác. Khuyết điểm khác là gì?

Tính không kiên quyết: Làm việc gì cũng thiếu kiên quyết. Lúc vui, hứng lên thì làm. Nếu gặp trở ngại hay thất bại là thụt lùi. Vì không kiên quyết nên dễ lung lay.

Thái độ chờ đợi bàng quan: Một thái độ gọi là ngoài giai cấp. Tức là cho mình là trí thức thì không đứng ở phe nào. Cho rằng phe nào cũng có cái hay cái dở. Cách mạng cũng có cái hay, đế quốc cũng có cái hay. Công nhân thì mộc mạc nhưng thô tục, đế quốc có cái “lịch sự, văn minh”. Một người đứng trong xã hội không thể ngoài giai cấp, “siêu giai cấp” được. Đứng ngoài tức là bị kẹp, như:

- Cây mía giữa máy ép.

- Ngồi giữa hai ghế thì nhất định sẽ ngã.

Chỉ có thể đứng về một phe thôi. Đứng chỗ nào là phải đứng cho vững, đứng chông chênh trong khi xã hội có giai cấp đương biến chuyển mạnh là bị đè bẹp, sẽ bị rời ra mất.

Tính bảo thủ: Tức là không có sáng kiến. Trước thế nào là sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới là ngại, không muốn tiến bộ.

Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả.

Óc làm thuê: Đầu óc: “ăn cơm chúa múa tối ngày”. Không có đầu óc: Cho mình cũng là một người quốc dân thì lợi ích của quốc dân mình phải chịu một phần, phải gánh một phần. Nước nhà có tiến bộ phải gánh vác một phần, phải đưa dân tộc nước nhà tiến bộ lên.

Thái độ như trên là thái độ làm sao để không ai chê trách mình là được, là không thấy mình cũng là một bộ phận của người chủ của nước nhà.

Cũng từ gốc cá nhân chủ nghĩa nên có:

Địa vị: Không căn cứ vào công việc của mình, vào năng lực của mình mà cứ so sánh anh này là trưởng phòng, chủ nhiệm, anh kia là phó phòng, phó chủ nhiệm.

Nói tóm lại: Những bệnh trên đây là bệnh chung của giai cấp tiểu tư sản và anh chị em trí thức bị văn hóa nhồi sọ của thực dân để lại.

Bất kỳ anh chị em đảng viên hay không đảng viên là đều có cả. Vì có khuyết điểm ấy nên nó ngăn trở mình không có được một chí khí cao thượng, một nhận thức mình là một bộ phận làm chủ của nước nhà. Tới nay tất cả các đảng viên và không đảng viên mà đại đa số là trí thức, là tiểu tư sản, tự xét mình lại xem với những khuyết điểm ấy…

Đảng sẽ thành một Đảng của nhân dân quần chúng thực sự. Như thế thì khuyết điểm mới sửa chữa được, ưu điểm sẽ phát huy được.

Những phần tử đầu cơ vào Đảng có sự đôn đốc kiểm tra của Đảng và nhân dân, sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý phụng sự nhân dân, cách mạng và tất cả các đảng viên mới thành người kiểu mẫu, đoàn kết giúp đỡ được anh em ngoài Đảng.

Đảng sẽ đi đến bước đó không xa nữa. Như ở đây, lớp chỉnh huấn này là bước đầu đi đến đấy. Các cô, các chú trong ngoài Đảng nghiên cứu thấy, nhận xét thấy rồi tự nhận xét phê bình, đó cũng là bước đầu đó.

Vậy đảng viên bắt buộc, lúc kiểm thảo, phê bình, tự phê bình phải thật thành khẩn, đào đến tận gốc rễ ưu khuyết điểm, phải nói cho hết.

Và các anh em ngoài Đảng:

Có gì phải nói hết.

Có hoài nghi gì Đảng phải nói hết.

Đối với đảng viên cùng cơ quan có gì phải nói hết.

Đấy không phải là nói xấu mà là giúp cho Đảng sửa chữa.

Rất hoan nghênh và mong các cô, các chú làm được.

Nói thì đứng về tinh thần đoàn kết thân ái, cố nhiên không phải là nói chua nói chát, nói cạnh nói khóe.

Làm như vậy là giúp cho Đảng tiến bộ.

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr50-61

10. Bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương

Trong lớp chỉnh huấn này ai cũng có tiến bộ hoặc nhiều hoặc ít. Đó là một kết quả tốt.

- Nhờ chỉnh huấn mà cán bộ ngoài Đảng hiểu Đảng, gần Đảng, tin Đảng hơn trước. Cán bộ trong Đảng thì hiểu rõ hơn nhiệm vụ đối với cán bộ ngoài Đảng là phải kính trọng, gần gũi giúp đỡ, đồng thời học hỏi cán bộ ngoài Đảng. Do đó mà cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng đoàn kết hơn trước. Đó là một tiến bộ.

- Nhờ chỉnh huấn mọi người hiểu muốn làm người cán bộ hoàn toàn thì cán bộ chuyên môn phải hiểu chính trị, cán bộ chính trị phải hiểu chuyên môn. Nếu chỉ hiểu một bên là cán bộ què. Đó là một tiến bộ.

- Mọi người đều biết rõ ai là bạn, ai là thù trên thế giới, trong nước và trong mình. Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù trên thế giới, muốn đánh thắng thực dân và phong kiến địa chủ là kẻ thù trong nước thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình. Phải “chính tâm tu thân” mới có thể “trị quốc bình thiên hạ”. Đó là một tiến bộ.

- Mọi người nhận rõ lợi ích chung của dân tộc phát triển và củng cố thì lợi ích riêng của cá nhân mới có thể phát triển và củng cố. Cho nên lợi ích cá nhân ắt phải phục tùng lợi ích của dân tộc, chứ quyết không thể đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích dân tộc. Đó là một tiến bộ.

- Mọi người nhận rõ lập trường phải vững chắc, phải đứng hẳn về phe lao động, phe công nông, phe tương lai, phe tiến bộ. Không thể có lập trường thứ ba. Tư tưởng phải đúng đắn, tức là phải chống tư tưởng phong kiến địa chủ và những tư tưởng trái với cách mạng, trái với sự tiến bộ của xã hội. Do đó mà phải kiên quyết ủng hộ cuộc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, để đẩy mạnh kháng chiến chống đế quốc, chống phong kiến đến thắng lợi. Đó là một tiến bộ.

Nhưng phải biết tiến bộ ấy chỉ là bước đầu trên tiền đồ muôn dặm, phải tiếp tục đẩy nó lên mãi. Xã hội phát triển không ngừng, tiến bộ cũng phải không ngừng. Nếu hôm nay ngừng tiến bộ tức là ngày mai thoái bộ.

Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Muốn đạt mục đích ấy thì phải thực hiện dân chủ tự phê bình, phê bình từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên ở các cơ quan và ở trước quần chúng. Cán bộ lãnh đạo cần phải làm gương mẫu thực hiện dân chủ phê bình và tự phê bình. Các cán bộ bất kỳ cấp nào cao hay thấp có quyền và có nghĩa vụ đòi hỏi thực hiện dân chủ. Chi bộ và công đoàn phải phụ trách tổ chức và hướng dẫn học tập thực hiện dân chủ phê bình, tự phê bình, giúp đỡ cho mọi người tiến bộ.

Trong lớp chỉnh huấn này, lúc kiểm thảo cán bộ mắc nhiều khuyết điểm. Cán bộ có nhiều khuyết điểm, điều đó không có gì lạ. Nếu cán bộ hoàn toàn không có khuyết điểm mới là điều lạ. Vì sao? Vì đã lâu, chúng ta sinh trưởng dưới chế độ nô lệ của thực dân và phong kiến, bị văn hóa giáo dục thực dân phong kiến thấm vào đã sâu. Nó đã làm cho nhiều người tê mê quên cả nhân dân, quên cả Tổ quốc. Nó đã làm cho những bệnh thối nát hủ bại (như chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, tham ô, lãng phí...) ăn sâu vào con người như những bệnh kinh niên. Vì vậy cán bộ ta trong xã hội ấy mà ra nên không khỏi nhiều hay ít có thói xấu ấy.

Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta mới thoát khỏi vòng tối tăm bước lên đường sáng sủa. Nhưng, từ chỗ tối bước sang chỗ sáng không khỏi có người hoa mắt, choáng váng. Từ địa vị nô lệ bước lên địa vị chủ nhân không khỏi có người chưa quen gánh vác, chưa hiểu mình là người chủ gánh vác trách nhiệm, thiếu lòng tự tin. Vả lại cho đến nay sự giáo dục của Đảng và Chính phủ còn nhiều thiếu sót. Vì những lẽ đó mà cán bộ còn mắc nhiều khuyết điểm.

Nhưng ngày nay, Đảng và Chính phủ đã cố gắng giáo dục, thì cán bộ cần phải cố gắng cải tạo và nhất định cải tạo được. Mọi người cần nhận rõ: Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại to lớn vẻ vang, một thời đại toàn giai cấp lao động đang đấu tranh anh dũng và tiến bộ, toàn dân tộc đang đấu tranh anh dũng và tiến bộ, một thời đại mà ai có quyết tâm cải tạo thì chắc chắn tiến bộ không ngừng.

Chúng ta sống trong một thời đại mà cán bộ đã có vinh dự là một bộ phận của nhân dân làm chủ nước nhà, lại có vinh dự là đày tớ của nhân dân. Đó là một vinh dự vô cùng cao quý.

Chúng ta sống trong một thời đại mà cán bộ được Đảng, Chính phủ và nhân dân rèn luyện, tin cậy và yêu mến như vốn liếng quý nhất của nước nhà, khác hẳn với bọn thực dân và phong kiến khinh rẻ cán bộ, coi cán bộ như những người làm thuê.

Chúng ta sống trong một thời đại mà chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng và dạy dỗ mọi người, mọi cán bộ trở nên những chiến sĩ cách mạng chân chính.

Chúng ta sống trong thời đại vẻ vang thì phải sống cho xứng đáng.

Trước kia, dù cán bộ đã phạm nhiều khuyết điểm, nay đã được chỉnh huấn, ai có quyết tâm thì nhất định sửa chữa được, nhất định có thể cởi lốt con người cũ để trở nên con người mới, với lập trường tư tưởng và tác phong mới.

Các cô, các chú đã học là cốt để hành. Từ nay cán bộ ta phải ghi nhớ và phải quyết tâm thực hành những điều đã học trong lớp chỉnh huấn, tức là:

- Đoàn kết nội bộ trong cơ quan, giữ gìn kỷ luật cách mạng.

- Giữ vững lập trường, dùi mài tư tưởng.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết vượt mọi khó khăn.

- Toàn tâm toàn lực phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến.

- Luôn luôn thật thà tự phê bình và phê bình, luôn luôn học tập để tiến bộ.

- Gây phong trào chống quan liêu, lãng phí, tham ô.

Kháng chiến còn lâu dài và gian khổ, nhưng chúng ta càng đánh càng mạnh, chúng ta nhất định thắng lợi, vì Đảng có quyết tâm, Chính phủ có quyết tâm, bộ đội ta có quyết tâm, nhân dân ta có quyết tâm. Để xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Chính phủ, của bộ đội và của nhân dân, cán bộ phải có quyết tâm thi đua làm tròn nhiệm vụ, để góp phần đẩy mạnh kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi, kiến quốc đến hoàn toàn thành công.

(Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr143-145)

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: