Chỉ mục bài viết

 

6. Luật Tổ chức Chính Phủ

Luật Tổ chức Chính phủ 2015 số 76/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 19/06/2015, gồm có 7 chương, 50 điều. Luật có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Luật bổ sung một số quyền hạn và nghĩa vụ của Chính phủ trong các lĩnh vực như:

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong thực hiện các chính sách xã hội.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về cơ yếu.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

 Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ:

- Luật phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ.

- Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

- Bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

 Về quan hệ của Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTUMTTQVN) và các tổ chức chính trị - xã hội:

- Chính phủ phối hợp với UBTUMTTQVN và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

- Chính phủ và UBTUMTTQVN, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội xây dựng quy chế phối hợp công tác.

- Khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ, Chính phủ gửi dự thảo văn bản để UBTUMTTQVN và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tham gia ý kiến.

- Chính phủ thường xuyên thông báo cho UBTUMTTQVN và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội về tình hình kinh tế - xã hội và các quyết định, chủ trương quan trọng của Chính phủ liên quan đến nhiều tầng lớp Nhân dân.

- Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để UBTUMTTQVN và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong Nhân dân, động viên, tổ chức nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân…

- Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của UBTUMTTQVN và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

Luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của Chính phủ là:

- Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định, chủ trương, chính sách của mình; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; về các chủ trương, chính sách do mình đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

- Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”; “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm “về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ, về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”; có trách nhiệm “giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”.

Luật quy định số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo đó, số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

7. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được Quốc Hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 19/6/2015, gồm có 8 chương, 143 điều. Luật Tổ chức chính quyền địa phương có một số điểm mới như sau:

Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bổ sung thêm đơn vị hành chính là: Thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Luật xác định các đơn vị hành chính gồm có:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đây là quy định nhằm cụ thể hóa Điều 110 Hiến pháp năm 2013.

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

+ Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.

+ Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

- Luật quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương:

+ Đối với Hội đồng nhân dân:

 Về cơ cấu tổ chức: Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được thành lập thêm Ban Đô thị (khoản 3 Điều 39) vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Về số lượng đại biểu: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này (Điều 39). Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 2) hoạt động chuyên trách và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã (số lượng là 1) hoạt động chuyên trách;

+ Đối với Ủy ban nhân dân:

Về cơ cấu tổ chức: Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã mở rộng cơ cấu tổ chức UBND theo đó tất cả người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND đều là ủy viên của UBND. Đây là quy định nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Về số lượng: Phó Chủ tịch UBND các cấp được quy định theo phân loại đơn vị hành chính, theo đó đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có không quá 05 Phó Chủ tịch, loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch. Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch, loại II và loại III có 01 Phó Chủ tịch.

- Luật còn bổ sung Điều 124 quy định về việc điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Cụ thể như sau:

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

+ Người được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.

+ Người đã quyết định điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thông báo cho Hội đồng nhân dân về việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân mới tại kỳ họp gần nhất.

- Về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính:

+ Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì cơ quan xây dựng đề án mới được hoàn thiện đề án, trình HĐND các cấp thông qua chủ trương.

+ Luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính và giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính tại Điều 129 như sau:

Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

 Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính.

8. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 được Quốc hội khóa XIII đã thông qua ngày 09/3/2015, gồm 8 chương, 41 điều (tăng thêm 4 chương, 23 điều)

- Luật dành riêng một điều quy định về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ( MTTQVN) từ Trung ương đến địa phương:

+ Ở trung ương có Ủy ban Trung ương MTTQVN, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN;

+ Có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

+ Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN.

- Luật bổ sung thêm 1 số quy định mới trong việc tham gia xây dựng nhà nước tại Điều 23 Luật Mặt trận 2015. Theo đó MTTQVN tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các nội dung sau:

+ Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí;

+ Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.

MTTQVN giám sát , quyền và trách nhiệm của .

- Luật tăng thêm các hình thức giám sát của MTTQVN đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân như sau:

+ Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

+ Tổ chức đoàn giám sát.

+ Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

9. Luật Kiểm toán nhà nước 2015

Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 24/6/2015, gồm 9 chương, 73 điều (so với Luật KTNN năm 2005 tăng 1 chương, giảm 3 điều, trong đó bổ sung 11 điều mới và bỏ 14 điều của Luật năm 2005) với những điểm mới cơ bản sau đây:

Về phạm vi, đối tượng kiểm toán: Luật xác định rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán phù hợp quy định của Hiến pháp. Căn cứ quy định của Hiến pháp, khuyến cáo của INTOSAI và thực tiễn hoạt động kiểm toán ở Việt Nam thời gian qua, Luật năm 2015 quán triệt tinh thần: Ở đâu có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì ở đó đều cần phải được kiểm toán.

Luật đã bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng nợ công; đối với các doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp (Khoản 10 Điều 55).

Luật xác định rõ nội hàm của “Tài chính, tài sản công” thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN và giải thích rõ hai thuật ngữ trên tại khoản 10 và khoản 11 Điều 3 như sau:

- Tài chính công bao gồm: Ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.

- Tài sản công gồm: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tài sản công được giao cho các doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Về thời hạn kiểm toán: Điều 34 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày. Đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc, Tổng KTNN quyết định cụ thể về thời hạn kiểm toán... Có thể thấy, mục đích của quy định này là để bảo đảm kết quả kiểm toán phục vụ kịp thời cho hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật Bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động của KTNN, đây là một trong những nội dung mới, được quy định chi tiết tại Điều 63, 64, 65, 66, 67, 68 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của KTNN; đồng thời góp phần sử dụng hiệu quả hơn kết quả kiểm toán của KTNN...

10. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014

Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 có một số điểm mới quan trọng về phạm vi áp dụng, căn cứ tính thuế và thuế suất như sau:

- Các chế phẩm pha chế xăng không còn thuộc đối tượng chịu thuế: Cụ thể, nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng không còn thuộc đối tượng chịu thuế.

- Thêm đối tượng không chịu thuế: Ngoài các đối tượng không chịu thuế quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, bổ sung thêm tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

- Điều chỉnh giá tính thuế: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng.

Trước đây: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có thuế giá trị gia tăng.

- Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt:

+ Đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá: Từ ngày 01/01/2016 đến hết 31/12/2018: 70%; từ ngày 01/01/2019: 75%.

Trước đây là 65%.

+ Đối với rượu từ 20 độ trở lên: Từ ngày 01/01/2016 đến hết 31/12/2016: 55%;  từ ngày 01/01/2017 đến hết 31/12/2017: 60%; từ ngày 01/01/2018: 65%.

Trước đây là 50%.

+ Đối với rượu dưới 20 độ: + Từ ngày 01/01/2016 đến hết 31/12/2017: 30%;  từ ngày 01/01/2018: 35%.

Trước đây là 25%.

+ Đối với bia: Từ ngày 01/01/2016 đến hết 31/12/2016: 55%; từ ngày 01/01/2017 đến hết 31/12/2017: 60%; từ ngày 01/01/2018: 65%.

Trước đây là 50%.

- Đối với xăng các loại: Xăng: 10%; Xăng E5: 8%; Xăng E10: 7%.

Trước đây, tất cả các loại xăng đều là 10%.

-  Đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng: 35%.

Trước đây là 30%.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: