Thứ bảy, 21/12/2024

Chỉ mục bài viết

Từ ngày 01/01/2016 hàng loạt các luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức Chính Phủ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Kiểm toán nhà nước 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Hộ tịch 2014. Các luật này có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Luật Bảo hiểm xã hội quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Luật này có một số điểm mới đáng chú ý như:

Mở rộng đối tượng

Luật mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người lao động có hợp đồng lao động 01- 03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành: Học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Chế độ thai sản đối với nam

Từ ngày 01/01/2016, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

+ 05 ngày làm việc với trường hợp sinh thường;

+ 07 ngày làm việc với trường hợp sinh phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

+ Trường hợp sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con thì nghỉ thêm 3 ngày làm việc;

+ Trong trường hợp sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Tăng mức trợ cấp ốm đau

Mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hưởng thấp hơn sau 180 ngày ốm đau dài ngày thấp nhất là 50% thay vì 45% như hiện nay. Sửa đổi quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Chế độ hưu trí:

Điều kiện hưởng lương hưu: lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

Tỷ lệ hưởng lương hưu: quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm (trước đó là 25 năm) đối với nữ và 35 năm (trước đó là 30 năm) đối với nam mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.

Về bảo hiểm xã hội một lần:

Hạn chế giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Tăng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần lên mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội:

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội trước 01/01/2016 thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay tư nhân.

Chế độ tử tuất:

Bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng chết, từ 1,5 tháng lên 2 tháng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi.

Đảm bảo bình đẳng khi tham gia bảo hiểm xã hội

Lộ trình tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động trong khu vực nhà nước giống như khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời tiến tới điều chỉnh tiền lương, tiền công tháng đã đóng bảo hiểm của lao động trong khu vực nhà nước theo CPI như đối với khu vực ngoài nhà nước.

2. Luật Căn cước công dân 2014

Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2016. Luật Căn cước công dân số quy định về căn cước công dân: Quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ Căn cước công dân phải được đổi 3 lần, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

3. Luật Hộ tịch

Luật Hộ tịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua ngày 20/11/2014, gồm 7 chương, 77 điều. Luật có nhiều nội dung đáng chú ý như sau:

- Thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ giao cho UBND cấp huyện giải quyết.

- Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.

- Về thẩm quyền đăng ký khai sinh: Sẽ do UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện, trước kia thẩm quyền này được ưu tiên cho UBND nơi cư trú của người mẹ.

- Bổ sung quy định Nội dung giấy khai sinh như thông tin của người đăng ký khai sinh; thông tin của cha, mẹ; Số định danh của cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Luật Hộ tịch 2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

4. Luật Nghĩa vụ quân sự 2015

Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ chín thông qua ngày 19-6-2015, gồm 9 chương, 62 điều. Luật có nhiều nội dung đáng chú ý như sau:

- Theo Luật, công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

+ Lý lịch rõ ràng.

+ Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

+ Có đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.

+ Có trình độ văn hóa phù hợp.

Công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự

- Luật quy định Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ (theo khoản 2, Điều 7 Luật Nghĩa vụ quân sự).

- Luật quy định rõ đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự là: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hay bệnh mãn tính.

- Luật quy định các trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ gồm:

+ Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.

+ Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người thân trong gia đình không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

+ Một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

+ Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.

+ Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

+ Người thuộc diện di dân, dãn dân trong ba năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

+ Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Điều này quy ra rằng đối tượng là sinh viên, học sinh các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng sẽ không được tạm hoãn gọi nhập ngũ như trước đây.

- Luật quy định các đối tượng được miễn gọi nhập ngũ gồm:

+ Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

+ Một người anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

+ Một con của thương binh hạng hai, một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ  81% trở lên.

+ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

- Thời gian tại ngũ Luật quy định trong thời bình là 24 tháng nhiều hơn 6 tháng so với quy định tại Luật cũ (Luật cũ quy định thời gian tại ngũ là là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 06 tháng.

5. Luật Tổ chức Quốc Hội 2014

Luật Tổ chức Quốc Hội được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 20/11/2014 gồm 7 chương 102 điều với nhiều điểm mới sau:

- Luật quy định rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội, theo đó Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định các chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước.

- Luật bổ sung quy định về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân và nguyên tắc tổ chức trưng cầu ý dân.

+  Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

+ Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân.

- Luật quy định Quốc hội có quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Chính phủ. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật; Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chính phủ. Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

- Luật phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử với Hội đồng bầu cử quốc gia; làm rõ thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội. Cụ thể hóa vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tạo sự chủ động cho Hội đồng, Ủy ban trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Luật bổ sung quy định về hoạt động chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Quy định tại Điều 32). Theo đó:

+  Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

+ Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

+ Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.

- Về đổi mới phương thức tham gia xem xét, cho ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quan trọng của quốc gia, Điều 47 của Luật quy định, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác trình Quốc hội; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

- Luật cũng bổ sung nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong việc tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương, yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin báo cáo về những vấn đề đại biểu quan tâm, quy định rõ hơn về điều kiện hoạt động của đại biểu (Quy định tại Điều 43). Theo đó:

+ Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương.

+ Tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương.

+ Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm. 

- Luật đã cụ thể hóa việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, theo đó, Quốc hội Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, số Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Hội đồng theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc; phê chuẩn danh sách Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban, phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Ủy ban theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: