Thứ bảy, 21/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2016 (Tiếp theo)

1. Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành 17/11/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

- Quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, khẳng định Nhà nước đảm bảo việc trang bị, kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu và điều kiện làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo chất lượng máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu từng bước hiện đại hóa công sở.

- Quyết định mới này quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương và địa phương. Trong đó, tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương và địa phương (cấp tỉnh, huyện), tính cho 1 người gồm:

+ 1 bộ bàn ghế ngồi làm việc mức giá tối đa 5 triệu đồng.

+ 1 tủ đựng tài liệu mức giá tối đa 5 triệu đồng.

+ 1 bộ máy vi tính để bàn mức giá tối đa 13 triệu đồng.

+ 1 điện thoại cố định mức giá tối đa 300 nghìn đồng.

Quyết định cũng nêu rõ, tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đối với phòng làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh (tính cho 1 phòng làm việc) gồm:

+ 1 bộ bàn ghế họp, tiếp khách mức giá tối đa 10 triệu đồng.

+ 1 máy in mức giá tối đa 7 triệu đồng.

+ 1 điện thoại cố định mức giá tối đa 300 nghìn đồng

+ Các thiết bị khác (nếu cần) tối đa 20 triệu đồng.

- Về thẩm quyền điều chỉnh mức giá, Quyết định quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp giá mua máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý cao hơn không quá 10% so với mức giá quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định đối với các trường hợp giá mua máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cao hơn từ trên 10% đến không quá 20% so với mức giá quy định. Trường hợp giá máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến trên thị trường tăng, giảm trên 20% so với các mức giá quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

- Quyết định quy định, nghiêm cấm việc sử dụng máy móc, thiết bị vào việc riêng; bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Quyết định này thay thế Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

2. Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/11/2015 về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Quyết định quy định chính sách đối với thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án như sau:

- Được ưu tiên xét hưởng định cư, tái định cư ở vùng kinh tế mới, làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên.

- Thanh niên tình nguyện được xem xét, đào tạo và bố trí sử dụng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhu cầu ở lại địa phương công tác.

- Được hỗ trợ một lần bằng một nửa tiền lương tháng hiện hưởng sau khi thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Thanh niên tình nguyện được ưu tiên xét tuyển cao đẳng, đại học và sau đại học.

- Nếu trở về địa phương nơi xuất phát thì được tạo điều kiện ổn định cuộc sống.

- Thanh niên tình nguyện có thành tích xuất sắc được khen thưởng.

Quyết định quy định chính sách đối với thanh niên trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện như sau:

- Được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng hoạt động tình nguyện.

- Được hưởng tiền bồi dưỡng, phương tiện làm việc, phương tiện bảo hộ cá nhân.

- Thanh niên tình nguyện được xét kết nạp vào Đoàn, Đảng.

- Thanh niên tình nguyện có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc các trường hợp theo pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được đề nghị công nhận là liệt sĩ hoặc hưởng chính sách như thương binh.

- Quyết định quy định thanh niên tình nguyện không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và chưa tham gia BHXH, BHYT tự nguyện trong khi hoạt động tình nguyện bị tai nạn thì được:

+ Trường hợp thanh niên tham gia tình nguyện bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hỗ trợ tối thiểu một nửa chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng bị suy giảm;

+ Trường hợp thanh niên hoạt động tình nguyện bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì ngoài chế độ tại Điểm a Khoản 6 Điều 7 Quyết định còn được trợ cấp một lần bằng 03 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Trường hợp thanh niên tình nguyện bị chết do tai nạn lao động thì được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

- Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện bị chết thì được hỗ trợ mai táng và phương tiện đưa về quê quán, gia đình.

3. Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/11/2015 về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2016 và áp dụng từ năm ngân sách năm 2016.

- Quyết định quy định cơ quan bảo hiểm xã hội thu tiền đóng, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cơ quan BHXH các cấp, trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn để phản ánh các khoản thu, chi BHXH, BHYT, BHTN.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở tài khoản tiền gửi không kỳ hạn và duy trì trên tài khoản này số dư thường xuyên tương đương với mức chi bình quân 1,5 tháng theo tổng dự toán chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được giao hàng năm để bảo đảm thanh khoản.

- Theo Quyết định BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do NSNN đảm bảo, được Nhà nước cấp chi phí chi trả bằng 0,78% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH. Mức chi cụ thể của từng tỉnh, thành phố do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định; trong đó, mức chi cho tổ chức làm đại lý chi trả bằng 63% mức chi do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định.

- Quyết định quy định khi nhận được tiền đóng của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp quản lý người tham gia thực hiện như sau:

+ Thu tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN, kể cả tiền lãi chậm đóng đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm theo quy định;

+ Số tiền còn lại, theo Quyết định hạch toán thu theo thứ tự sau đây:

Thu đủ số tiền phải đóng BHYT và tiền lãi chậm đóng;

Thu đủ số tiền phải đóng BHTN và tiền lãi chậm đóng;

Thu tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng.

- Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được Quyết định số 60/2015/TTg xác định như sau:

+ Chi thường xuyên của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp được xác định theo số lượng người làm việc trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN;

+ Chi thường xuyên đặc thù về tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi không thường xuyên được xác định trên cơ sở nhiệm vụ được giao và mức chi theo chế độ quy định;

4. Thông tư số 170/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 09/11/2015 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ Căn cước công dân. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/ 2016.

- Thông tư quy định mức thu lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

+ Đổi: 50.000 đồng/thẻ.

+ Cấp lại: 70.000 đồng/thẻ.

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân bằng 50% mức thu nêu trên.

- Thông tư quy định các đối tượng không phải nộp lệ phí thẻ Căn cước công dân là:

+ Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ lần đầu.

+ Đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

+ Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.

- Thông tư quy định các đối tượng được miễn lệ phí gồm:

+ Công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số nay chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân thì được miễn lệ phí.

+ Đổi thẻ Căn cước công dân khi thay đổi địa giới hành chính.

+ Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định.

+ Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

5. Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 16/11/2015 hướng dẫn thực hiện về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/ 2016.

Thông tư có một số nội dung đáng chú ý như sau:

- Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.

- Sửa đổi quy định về tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường để tính tiền làm thêm giờ; tiền lương thực trả sẽ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, trả thêm khi làm vào ban đêm, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ…

- Tiền lương trả cho một ngày làm việc được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng, tuy nhiên không được vượt quá 26 ngày.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.

6. Thông tư số 40/2015/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Theo Thông tư quy định người bệnh có bảo hiểm y tế được cấp cứu tại bất kỳ bệnh viện nào, bác sỹ nơi tiếp nhận người bệnh đánh giá, ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau đó, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị.

Khi người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: