Chủ nhật, 22/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

HT Phú quốc phần 6 anh 1

Trại huấn chính cây dừa những năm tháng ấy

Trại giam Cây Dừa do thực dân Pháp lập ra ở ấp An Thới bắt đầu hoạt động từ tháng 7-1953 đến khi hiệp định Genève được ký kết; khi tù binh hai bên được trao trả, thì trại cũng chấm dứt hoạt động, khu vực trại giam trở thành một nơi hoang phế.

Đến tháng 5-1955, ngụy quyền Sài Gòn cho dựng lên trên nền cũ của trại giam Cây Dừa một trại giam khác gọi là “Trại huấn chính Cây Dừa” để giam giữ những người chúng coi là “chính trị phạm Việt cộng” từ đất liền đưa ra.

Tại đây, Ngụy quyền Sài Gòn cho dựng lên những dãy nhà cột gỗ lợp bằng những tấm tôn cũ mới lẫn lộn, mỗi nhà có hai dãy sạp cho tù nhân ngủ. Lúc đầu nhà không có vách, đêm đêm gió lạnh thấu xương. Sau đó, anh chị em đấu tranh đòi che chắn lại nên địch cho dựng vách bằng tôn. Ngoài những dãy nhà cho tù nhân ở còn có một số nhà khác như nhà bếp, nhà để củi, nhà hớt tóc, nhà để bóng bàn…

Ngày 5-1-1956, ngụy quyền Sài Gòn đưa 598 anh chị em mà chúng gọi là “chính trị phạm Việt cộng” ra “Trại huấn chính Cây Dừa”. Đến khoảng quý IV năm 1956, địch đưa ra chuyến thứ hai, và cũng là chuyến chót, khoảng 600 anh chị em. Như vậy, Trại huấn chính Cây Dừa giam giữ trên 1.000 anh chị em, trong đó có khoảng 50 nữ.

Đây là một trại tạm giam mà nhà cửa sơ sài, được dựng lên một cách vội vã trong khuôn viên của trại giam cũ nhằm tận dụng lớp rào dây kẽm gai còn lại. Khi chuyến đầu tiên đến, trại giam còn ngổn ngang cây lá cỏ rác, người tù nhân phải tự dọn dẹp lấy chỗ ở. Tù nhân nam nữ ở nhà riêng nhưng trong cùng một khu giam. Lúc đầu, địch cho nhà thầu nấu cơm cho tù nhân ăn. Cơm không đủ ăn lại nấu không ngon. Thức ăn chủ yếu là cá biển và phần nhiều là cá ươn làm cho nhiều người bị bệnh tiêu chảy. Rau củ lại càng hiếm hoi vì phải đưa từ thị xã Rạch Giá ra.

Lúc đó, tên Đại úy ngụy Vương Đăng Phong được bổ nhiệm làm trưởng chi khu quân sự Cây Dừa kiêm trại trưởng “Trại huấn chính Cây Dừa”. Địch lập ra các ban bệ trong đó có nhiều nhân viên của nha Thông tin và Nha Công an ở Sài Gòn được cử ra nhằm quản lý tù nhân và làm cái công việc gọi là “cải tạo tư tưởng những người thân cộng”. Địch tập trung lo giam giữ cho chặt, không để tù nhân trốn thoát.

Anh chị em tù nhân ở Phú Quốc lúc đó gồm nhiều thành phần, khá phức tạp. Có người là dân nhưng bị địch nghi ngờ bắt, khai thác rồi đưa vào đây. Có người trước kia có tham gia cách mạng nhưng đã nghỉ, có người vì tình hình căng thẳng nên cầu an cố thủ. Tuy nhiên, nhiều anh chị em vẫn giữ vững tinh thần, kiên quyết đấu tranh với địch. Song, lúc ấy tình hình bên ngoài rất ngột ngạt, địch đang điên cuồng mở các chiến dịch chống cộng, chống lại việc thi hành hiệp định Genève nên đấu tranh trong trại giam cũng không dễ dàng gì, luôn phải được cân nhắc kỹ. Một số đảng viên tìm cách móc nối nhau và thành lập một chi bộ để lãnh đạo anh chị em tù nhân đấu tranh. Tình hình phức tạp nên việc tập hợp sinh hoạt Đảng cũng phải hết sức thận trọng. Chi bộ chỉ tập hợp  chưa đầy 20 đồng chí, lúc đầu do đồng chí Mai Thanh (khi bị địch bắt là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư thị xã Rạch Giá) làm Bí thư Chi bộ.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, dần dần anh chị em đấu tranh giành được nhiều thắng lợi như tự tổ chức nấu ăn, vừa đảm bảo vệ sinh, nấu ngon hơn, vừa không bị xén bớt ở khâu này, đòi cung cấp lương thực thực phẩm nhiều hơn, có chất lượng hơn, đòi được trồng rau để cải thiện đời sống đồng thời cũng để cải tạo địa hình, chuẩn bị cho những cuộc vượt ngục về sau; đòi thăm nuôi để liên lạc với gia đình, nắm một số tình hình bên ngoài, đòi cung cấp thuốc men để trị bệnh, đòi cho học văn hóa, tổ chức văn nghệ vui chơi, cho mỗi tuần tắm biển vài ba lần.

Anh em nhiều lần tìm cách trở về với cách mạng, lúc đi lẻ tẻ vài người, khi đi tập thể, nhưng chỉ có cuộc vượt ngục đêm 3-9-1956 là do chi bộ tổ chức và tất cả đều về đến căn cứ an toàn. Lần đó, sau khi điều tra nghiên cứu kỹ tình hình canh gác, bố phòng của địch và nắm điều kiện địa hình địa vật, chi bộ quyết định tổ chức một cuộc vượt ngục chừng 15 đồng chí. Chi bộ tổ chức buổi diễn văn nghệ đêm 3-9-1956 vừa để kỷ niệm Ngày Quốc khánh vừa tập hợp lính ngụy vào một nơi, làm cho chúng lơi lỏng trong canh gác. Sân khấu ngoài trời, gần với khu gia binh để cho vợ con lính ngụy vào xem, đồng thời cũng xa nơi anh chị em ra đi. Chi bộ chuẩn bị lương khô, thuốc trị bệnh và cử 15 người vượt ngục trong đó có đồng chí Mai Thanh, đồng chí Phạm Văn Khỏe, em ruột đồng chí Phạm Hùng và mấy người thông thạo việc cắt dây kẽm gai. Trước đây đồng chí Phạm Văn Khỏe đã vượt ngục một lần về đến Rạch Giá thì bị bắt lại.

Đến 21 giờ đêm 3-9-1956, trong lúc đội văn nghệ đang biểu diễn rầm rộ ở đầu ngoài, trong này anh em bí mật ra đi. Nhưng không hiểu vì lý do gì, một số đồng chí được cử đi lại không đi, trong lúc đó một số người khác không nằm trong dự kiến nhưng biết anh em vượt ngục nên chạy theo. Tất cả 11 đồng chí ra đi an toàn và 3 ngày sau gặp được đồng chí Lâm Kiên Trì, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Phú Quốc. Đồng chí Mai Thanh cùng với đồng chí Lâm Kiên Trì về đất liền bắt liên lạc với Tỉnh ủy. Các đồng chí khác được phân công ở lại tăng cường cho lực lượng cách mạng ở Phú Quốc.

Tháng 3-1957, địch cho một chiếc tàu đến xúc toàn bộ anh chị em, một phần đưa ra Côn Đảo, một phần đưa về đất liền, “Trại huấn chính Cây Dừa” chấm dứt hoạt động từ đây.

Mai Thanh (Cựu tù chính trị Phú Quốc)

ĐẾN TRẠI GIAM TÙ BINH CỘNG SẢN VIỆT NAM - PHÚ QUỐC

Một trại giam khổng lồ và tàn bạo

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh, tập trung giam giữ số lượng lớn nhất những người cầm súng chiến đấu bị chúng bắt được, là vì Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, xa nhân dân, xa cách mạng, chúng nghĩ rằng có thể hạn chế được những cuộc đấu tranh của tù binh, dễ canh giữ, dễ đàn áp hơn ở đất liền, dễ bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.

Từ giữa năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn sửa sang lại khu nhà đã đổ nát của Trại giam Cây Dừa của Pháp để lập ra Trại chính huấn Cây Dừa và thời gian đầu chúng giam giữ ở đây gần 1.000 tù chính trị cả nam lẫn nữ. Đến năm 1957, một số tù chính trị nói trên bị đưa ra Côn Đảo, một số về đất liền. Trại chính huấn Cây Dừa chấm dứt hoạt động.

Khoảng cuối năm 1966 đầu năm 1967, Mỹ - ngụy cho xây dựng “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc” tại thung lũng An Thới trên một diện tích rộng khoảng 400ha, với chiều dài khoảng 5km dọc con lộ 46.

Toàn trại giam tù binh Phú Quốc có 12 khu, mang tên từ khu 1 đến khu 12. Mỗi khu có 4 phân lô, gọi là A, B, C, D và kèm theo thứ tự của khu, ví dụ A1, B1, C1, D1 hay A3, B3, C3, D3... Riêng hai khu 1 và 2 chỉ có hai phân khu nhưng là phân khu đôi, số phòng giam bằng hai phân khu khác.

Mỗi phân khu có 9 phòng cho tù binh ở, chia thành 3 dãy, đánh số từ phòng 1 đến phòng số 9, phòng cách phòng và dãy cách dãy khoảng 5m. Trong những khu bình thường giữa các phòng không có hàng rào, nhưng trong một số phân khu chúng cho là đặc biệt như phân khu B2, phân khu biệt lập C8, giữa các phòng có hàng rào dây kẽm gai và bùng nhùng ngăn cách, chỉ chừa lối đi rộng khoảng 0,8 mét.

Mỗi phân khu, ngoài 9 phòng dành cho tù binh ở, còn có hai phòng nằm ngang, song song phía trước, trong đó một phòng nằm gần dãy tù binh ở dành để khi cần, gọi tù binh đến thẩm vấn, phạt vạ hoặc làm biệt giam trong phân khu, và khi trong phân khu lập được đội trật tự thì để cho bọn này ở. Phòng kia dùng làm nhà bếp cho tù binh tự nấu cơm ăn. Giữa hai nhà ngang nói trên, địch cho xây một hồ bằng xi măng để chứa nước ăn do xe bồn chở đến.

Tất cả 11 phòng kể trên đều làm bằng vì kèo sắt, nóc tôn, vách tôn, mỗi phòng bề ngang 5 mét, dài 20 mét, hai đầu chừa hai lối ra vào bề ngang khoảng 0,8 mét và mỗi bên vách tôn có 4 cửa sổ, dưới vách tôn có khoảng trống chừng 3 tấc có rào dây kẽm gai.

Ngoài ra, phía sau các dãy nhà ở của tù binh còn có hai nhà nhỏ kích thích 5m x 10m cũng bằng vì kèo sắt lợp tôn dùng làm cầu tiêu và nhà tắm. Mỗi nhà cầu có hai bệ xi măng, mỗi bệ có 4 chỗ để tiêu, hoàn toàn không che chắn, phía dưới mỗi lô tiêu đặt nửa chiếc thùng phuy để đựng phân. Mỗi sáng hoặc chiều, quân cảnh áp giải tù binh khiêng đi đổ ở bên ngoài. Nhà cầu cũng là nơi tù binh khiêng nước từ các giếng đến tắm. Đối diện nhà bếp và nhà trống là sân điểm danh. Lúc đầu chỉ có hai phòng ngang ở phía trên có tráng nền bằng xi măng, còn tất cả các phòng ở của tù binh đều nền đất. Nhưng vì phong trào đào hầm nổi lên ở tất cả các phân khu, mà miệng hầm đều mở ở trong phòng - không thể mở ở bên ngoài vì trống trải, quân cảnh dễ phát hiện, nên sau này địch cho tráng xi măng phần lớn các nền nhà ở của tù binh để chống việc đào hầm.

Mỗi phân khu có một cửa lớn để ra - vào (thường dành cho xe chở nước) và một cửa nhỏ cho người đi. Bên cạnh cửa ra vào là phòng làm việc của giám thị phân khu, có nơi đặt ở giữa hai hàng rào kẽm gai, có nơi đặt hẳn bên ngoài, cạnh đường xe chạy. Nhà làm việc của giám thị phân khu hoặc nhà trực ở cổng ra vào là nơi để muối ăn, dao làm bếp, búa bửa củi, cuốc xẻng... Mỗi chiều khi nấu xong cơm nước đều phải mang ra để đấy. Giám thị không cho để những thứ ấy trong phân khu vì sợ nó sẽ trở thành vũ khí lợi hại chống lại chúng.

Các phân khu đều được bố trí giống nhau, phân khu A nằm dính liền với phân khu B, phân khu C nằm dính liền với phân khu D, chỉ cách nhau bằng những hàng rào dây kẽm, địch thường gọi là liên phân khu A + B, liên phân khu C + D. Phân khu B và phân khu C cách nhau một khu đất trống khoảng 100 mét.

Xung quanh mỗi phân khu có nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai được đan cột dày đặc. Giữa các lớp kẽm gai là ba lớp bùng nhùng, hai lớp nằm dưới đất, một lớp nằm chồng lên. Bên trong và bên ngoài các hàng rào dây kẽm gai lại có hai hoặc ba lớp bùng nhùng nữa. Giữa các lớp rào có hệ thống trái sáng, gài không kín đáo lắm do những nơi này luôn được làm cỏ sạch sẽ. Chung quanh phân khu, bên trên các lớp rào, có đèn điện chiếu sáng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Giữa các lớp kẽm gai và bùng nhùng có đường đi thông suốt chung quanh để đi kiểm tra, làm cỏ và ban đêm thường thả chó becgiê hoặc ngỗng đi tuần. Nhưng về sau, thấy chó bécgiê và ngỗng không có tác dụng, nên chúng không thả cho đi tuần nữa.

Tù binh không được đứng sát lớp bùng nhùng bên trong mà chúng gọi là rào giới hạn, nếu không chấp nhận sẽ bị nổ súng và đã có trường hợp một tù binh bị bắn chết vì đứng gần lớp bùng nhùng nói trên vào buổi sáng sớm.

Như vậy, toàn bộ trại giam là những nhà tôn và dây kẽm gai chứ không có vách tường hoặc cây cối gì.

Dọc theo con lộ 46, nếu tính từ ngã ba An Thới lên Cầu Sấu, các khu giam và các đơn vị cai quản trại giam được bố trí như sau:

Bên phải có đội công binh, qua dốc miếu Cô Sáu, trụ sở tiểu đoàn 14 quân cảnh, trung đội quân khuyển, Bộ chỉ huy trại giam, khu tù binh người Thượng, đường rẽ vào trại giam quân kỷ và bãi Khem, khu 2, trụ sở tiểu đoàn 8 quân cảnh, nhà thờ, đường vào nghĩa địa tù binh ở đồi 100, khu 5, khu 7, trụ sở tiểu đoàn 9 quân cảnh, khu 10 và bên trong khu 5 là hai khu 11, 12.

Bên trái có khu thăm nuôi (đối diện trụ sở tiểu đoàn 14 quân cảnh), khu 1, bệnh viện, trụ sở tiểu đoàn 7 quân cảnh, khu 3, khu 4, khu 6, đường rẽ vào đồi 37 lên đài kiểm báo và rẽ phải đi Dương Đông, khu 8 và khu 9.

Trại giam tù binh Phú Quốc đi vào hoạt động ngày 6-7-1967 và chấm dứt sau khi Hiệp định Pari được ký kết (1-1973).

Hệ thống cai quản tù binh tại trại giam phú quốc

Điều khiển Trại giam tù binh Phú Quốc là một Bộ Chỉ huy, lúc đầu do một thiếu tá quân cảnh làm Chỉ huy trưởng. Về sau, tù binh và quân cảnh ngày càng đông nên Chỉ huy trưởng trại giam là một sĩ quan quân cảnh cấp bậc cao hơn, trung tá hoặc đại tá. Từ đầu đến khi trại giam chấm dứt hoạt động, có các tên được cử làm chỉ huy trưởng trại giam như sau: Thiếu tá Đoàn Đức Hải, Trung tá Nguyễn Hữu Phước, Trung tá Phan Ngọc Thủy, Đại tá Trần Vĩnh Đắc và Trung tá Bùi Bằng Dực.

Bên cạnh Bộ Chỉ huy trại giam, có Ban cố vấn Mỹ do một sĩ quan cấp trung tá phụ trách. Mọi chủ trương đều phải hỏi ý kiến Ban cố vấn, mọi báo cáo lên cấp trên đều phải gửi Ban cố vấn một bản. Hệ thống cố vấn Mỹ được tổ chức từ Bộ chỉ huy trại giam đến từng tiểu đoàn và khu giam.

Dưới Bộ chỉ huy trại giam có các ban chuyên môn, các tiểu đoàn quân cảnh và sau này có thành lập thêm Ban chuyển hướng tư tưởng và phân loại tù binh. Các ban chuyên môn gồm: Ban Giám thị; Ban An ninh; Ban Điều hành; Ban Truyền tin; Ban Tiếp liệu; Ban Quản trị nhân viên; Văn phòng.

Ban Giám thị có một tên Tổng giám thị, sĩ quan cấp trung úy hay đại úy đứng đầu và một số nhân viên. Ban có một hệ thống chân rết xuống đến các phân khu. Mỗi khu có một giám thị trưởng, có thể là một sĩ quan cấp thiếu úy, chuẩn úy, hoặc là một hạ sĩ quan cấp thượng sĩ nếu làm việc đắc lực. Mỗi phân khu có hai ba sĩ quan quân cảnh thường là cấp trung sĩ làm giám thị, trực tiếp điều hành công việc hàng ngày như điểm danh, lo việc ăn ở, cho đi khám bệnh, cắt cử người đi tạp dịch, đi đổ rác, đổ phân. Đây là những kẻ trực tiếp quan hệ với tù binh, có thể tạo nên không khí êm dịu hay căng thẳng trong phân khu. Có những tên ác ôn thường hay chửi bới, đánh đập, phạt vạ tù binh nên tình hình luôn căng thẳng, mâu thuẫn dẫn đến đấu tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào bởi vì tù binh là những người có một thời cầm súng bắn vào quân địch, nay rất nhạy cảm với việc bị chửi bới, bị đánh đập.

Ban An ninh có chân rết ở các tiểu đoàn và đây là nơi gây ra muôn vàn tội ác đối với tù binh. Bất cứ tù binh ở phân khu nào, khi cần, Ban An ninh liền ra lệnh cho bắt giải lên để chúng đánh đập khảo tra, tìm người đầu sỏ, người lãnh đạo tù binh trong phân khu, hoặc tìm hiểu các mặt sinh hoạt của tù binh, nhất là tìm hiểu những chủ trương đấu tranh và âm mưu tổ chức vượt ngục. Chính Ban an ninh đã trực tiếp đánh chết hoặc đánh thành tàn phế rất nhiều tù binh. Người nào bị Ban An ninh gọi lên, không chết cũng bị mềm xương. Ngay cả những lính quân cảnh bị tình nghi có cảm tình với tù binh cũng không tránh khỏi bàn tay máu của chúng.

Ban điều hành chịu trách nhiệm tuyển lọc, bố trí, xáo trộn tù binh ở các phân khu nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy trại giam.

Nơi làm việc của ba ban giám thị, an ninh và điều hành ở trong một cụm với nhau. Chúng kết hợp nhau khủng bố, đánh đập, khảo tra tù binh với nhiều hình thức hết sức dã man.

Về lực lượng canh giữ: Toàn trại giam có 4 tiểu đoàn quân cảnh làm nhiệm vụ canh giữ tù binh là tiểu đoàn 7, 8, 9 và 14. Có lúc chúng tăng cường thêm một đại đội của tiểu đoàn 5 chỉ huy các tiểu đoàn trực tiếp nhận lệnh từ Bộ Chỉ huy trại giam. Mỗi tiểu đoàn phụ trách ba khu giam. Mỗi đại đội phụ trách một khu và đại đội trưởng kiêm chức trưởng khu giam.

Quân cảnh có nhiệm vụ canh gác, không cho tù binh vượt ngục, không cho đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi bảo vệ sinh mạng chính trị của mình. Quân cảnh là lực lượng chủ yếu của địch thực hiện âm mưu tiêu diệt thể xác và tinh thần của tù binh với sự hỗ trợ đắc lực của bọn trật tự, chiêu hồi. Lính quân cảnh được bố trí ở trong các nhà tôn hay nhà bạt dựng lên quanh khu giam, tạo một vành đai canh giữ không cho tù binh vượt ngục.

Ở mỗi liên phân khu (A + B hoặc C + D) có sáu chòi cao ngày đêm lúc nào cũng có quân cảnh canh gác. Ban đêm, lính quân cảnh vào canh tuần trong giữa các hàng rào dây kẽm gai. Mỗi đêm, chúng vào điểm danh trong phòng ngủ của tù binh hai ba lần. Ban ngày, mỗi phân khu có một hoặc hai quân cảnh vào tuần tra, sục sạo tất cả các phòng, không cho sinh hoạt chính trị, hội họp và đề phòng tù binh đào hầm vượt ngục. Quân cảnh còn có nhiệm vụ dẫn tù binh đi làm tạp dịch bên ngoài, đi lấy củi vào nấu bếp, vào rừng lấy củi, đi đổ rác, đổ phân, đi khám bệnh. Để đề phòng công tác binh vận của tù binh, bọn chỉ huy ra lệnh không cho lính quân cảnh đến gần, chuyện trò thân mật với tù binh và thường xuyên thay đổi nơi làm việc, khu vực tuần tra của quân cảnh.

Mặc dù thường xuyên kiểm tra rất gắt gao, nhưng chúng không thể nào cấm tuyệt được sinh hoạt chính trị trong trại giam, không ngăn chặn hoàn toàn được các cuộc đào hầm vượt ngục, cũng như không thể triệt để trong việc truy kích tù binh vượt ngục.

Ban Chuyển hướng tư tưởng và phân loại tù binh

Để thực hiện âm mưu thâm độc của Mỹ - ngụy là hủy diệt thể xác và tinh thần, nhất là về mặt tinh thần của tù binh, ngụy quyền Sài Gòn đã có cả một kế hoạch chi tiết nhằm tìm mọi cách, bằng mọi thủ đoạn để thực hiện chuyển hướng tư tưởng và phân loại tù binh cộng sản Việt Nam với mục đích “tranh thủ tù binh về với chính nghĩa quốc gia khi chiến tranh chấm dứt”.

Chúng quy định, tại mỗi trại giam có một cơ quan đặc trách công tác chuyển hướng tư tưởng và phân loại tù binh gọi là “Ban chuyển hướng và phân loại tù binh cộng sản Việt Nam”. Ban này đặt trực thuộc: Khối chuyển hướng và phân loại tù binh cộng sản Việt Nam (thuộc Tổng cục chiến tranh chính trị) về điều hành và kỹ thuật chuyển hướng, phân loại tù binh; Chỉ huy trưởng trại giam tù binh về kỷ luật và tác phong làm việc.

HT Phú quốc phần 6 anh 2

Ban Chuyển hướng và phân loại tù binh thực chất là một tổ chức chuyên trách công việc dụ dỗ, lừa gạt và cưỡng ép chiêu hồi, chủ yếu là dùng vũ khí đánh đập, khủng bố ép buộc những chiến sĩ yêu nước từ bỏ lý tưởng cao đẹp của  mình để đi theo con đường phản dân hại nước của chúng. Ban chuyển hướng do một sĩ quan cấp đại úy điều khiển. Chính nó đã làm cho hàng ngàn tù binh phải bị thương tật, tàn phế, làm cho cả ngàn người phải hy sinh vì không chịu đầu hàng, kiên quyết đi theo con đường chính nghĩa chiến đấu cho độc lập và tự do của Tổ quốc...

Số lượng và tổ chức giam giữ tù binh ở trại giam phú quốc

Trại giam tù binh Phú Quốc tiếp nhận tù binh từ tất cả các trại giam vùng chiến thuật chuyển đến.

Về số lượng, theo báo cáo của địch, tính đến ngày 30-3-1972, tổng số tù binh tại các trại giam ở miền Nam Việt Nam là 35.871 người, được giam giữ tại các trại như sau: Trại giam Đà Nẵng: 1.504 người; Trại giam Plâycu: 1.137 người; Trại giam Cần Thơ: 2.748 người; Trại giam Biên Hòa: 2.829 người; Trại giam Phú Quốc: 26.411 người; Trại giam Quy Nhơn: 1.241 người. (Trong đó có 1.009 nữ).

Tính đến tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp định Pari được ký kết, Trại giam tù binh Phú Quốc giam giữ trên 30.000 người.

Trong Trại giam tù binh Phú Quốc, có rất nhiều thành phần khác nhau bị quân Mỹ - ngụy bắt được qua các cuộc chiến đấu hoặc qua các cuộc hành quân càn quét trên các chiến trường miền Nam Việt Nam và có quê quán ở hầu như khắp các tỉnh của cả hai miền Nam, Bắc nước ta. Có những người thật sự cầm súng chiến đấu chống lại chúng thuộc quân chủ lực, quân địa phương hoặc dân quân du kích. Có những người là cán bộ chính trị nhưng khi bị bắt khai là công dân hoặc du kích để tránh bị khai thác cơ sở. Một số người chỉ ủng hộ cách mạng, góp phần chút ít về vật chất, có khi chỉ bằng tinh thần, thậm chí chỉ sinh sống trong vùng chiến sự bị bắt khi địch càn quét cũng bị chúng gán bừa là du kích cộng sản. Một số ít người nguyên là lính hoặc nhân viên của ngụy quyền Sài Gòn, nhưng vì một lý do nào đó bị chúng nghi ngờ là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, nên bị bắt khai thác và cũng bị đưa ra Trại giam tù binh Phú Quốc...

Khoảng ba phần tư tù binh quê ở các tỉnh miền Nam, trong đó khoảng một phần ba là du kích và một ít dân thường. Có gần 200 người Thượng. Đến đầu năm 1969, địch lọc số người Thượng ra cho ở riêng tại một khu có mấy căn nhà tranh dưới chân đồi gần đường vào bãi Khem. Chúng bắt một số người Thượng đến phục dịch cho bọn sĩ quan, giám thị trưởng, còn một số cho đi theo xe quân cảnh để phân phát gạo, cá mắm và thực phẩm tươi sống cho các phân khu. Khoảng hơn một phần tư là người quê ở các tỉnh miền Bắc. Có một số là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ, sau này trở về miền Nam chiến đấu.

Trên ba mươi ngàn người tại Trại giam Phú Quốc, số đông là chiến sĩ thuộc nhiều binh chủng, một số cán bộ chính trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và thuộc đủ thành phần xã hội, làm việc trong nhiều ngành nghề như công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, giáo sư, nhà giáo, bác sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo, nhà sư. Ngoài đa số người Kinh còn có một số người Thượng, người Khmer, người Hoa.

Thành phần không thuần nhất nên tinh thần, tư tưởng, trình độ giác ngộ cũng không đồng đều. Có người triệt để cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng mình đã chọn; Vì bạn bè, đồng chí; Vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Có người thấy cuộc đấu tranh là phải, là cần thiết nhưng lo sợ sự khủng bố, đánh đập của địch vì trong tay mình không có một tấc sắt, song cũng có thể tham gia đấu tranh nếu phong trào của ta mạnh. Có một số người cầu an, thường tìm cách lẩn tránh đấu tranh trực tiếp với địch, và cũng có một số ít người đi theo địch, quay lại đánh đập anh em tù binh hết sức tàn nhẫn, phục vụ cho âm mưu đen tối của Mỹ - ngụy. Hơn nữa, người từ nhiều nơi gom lại, không quen biết nhau, quan điểm và trình độ tổ chức lãnh đạo đấu tranh cũng không phải hoàn toàn giống nhau.

Do đó, lãnh đạo đấu tranh trong trại giam phải hết sức nhạy bén, linh hoạt, kịp thời mới có thể hạn chế được tổn thất. Phải tranh thủ tìm mọi cách giáo dục, nâng cao tinh thần dũng cảm đấu tranh đòi cải thiện đời sống và bảo vệ sinh mạng chính trị của mình, đồng thời phải luôn cảnh giác đề phòng mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của địch.

Về tổ chức giam giữ: Thời gian đầu, tù binh bốn vùng chiến thuật chuyển ra, địch cho giam chung, đầy khu này đến khu khác, không phân loại theo kiểu nào cả. Thành ra trong một phân khu có cả cán bộ, chiến sĩ, cả người quê miền Nam, người quê miền Bắc.

Về sau, chúng chia tù binh cộng sản làm 2 loại để giam giữ riêng biệt; đó là: Tù binh cộng sản quê quán miền Nam; tù binh cộng sản quê quán miền Bắc và tù binh quê quán miền Nam tập kết ra Bắc từ sau năm 1954. Trong mỗi loại, chúng lại tìm những cán bộ cộng sản trung kiên tách ra khỏi các tù binh khác, giam riêng.

Từ tháng 3 năm 1969, riêng Trại giam Phú Quốc, ngoài các tù binh cộng sản Việt Nam từ các trại giam trong đất liền đưa ra, còn giam giữ các hạ sĩ quan và sĩ quan tại một khu dành riêng và cũng phân loại như trên. Vì vậy, Trại giam tù binh Phú Quốc đã lọc ra giam riêng từng thành phần như sau: Chiến sĩ quê miền Nam; Chiến sĩ quê miền Bắc; Hạ sĩ quan quê miền Nam; Hạ sĩ quan quê miền Bắc; Sĩ quan quê miền Nam; Sĩ quan quê miền Bắc. Thành phần chúng cho là đầu sỏ, lãnh đạo hay tổ chức đấu tranh hoặc tìm cách vượt ngục, khoảng 500 người, bị giam riêng ở “trại biệt lập”. Còn khu “Tân sinh hoạt” để dành cho những người chúng cho là đã chịu chiêu hồi.

Biện pháp thay đổi phân khu và xáo trộn người, lúc đầu, có gây khó khăn cho anh em, nhất là trong việc chống khủng bố. Thường thường, khi đưa anh em đến một phân khu mới, bọn giám thị và quân cảnh hay phủ đầu bằng cách đánh đập, đe dọa hoặc đề ra những biện pháp kìm kẹp gắt gao hơn. Khi di chuyển anh em, chúng lục soát để loại bỏ những thứ chúng cho là “dụng cụ bén nhọn” có thể gây thương tích cho người hay dùng để cắt dây kẽm gai, để đào hầm.

Nhiều khi lợi dụng việc di chuyển, địch cài bọn mật bảo (tức là bọn tù binh chịu làm tay sai cho chúng) vào các phân khu để theo dõi tìm người lãnh đạo, tìm tổ chức Đảng và những tổ chức đào hầm, mưu toan vượt ngục.

Tuy nhiên, biện pháp thay đổi phân khu và xáo trộn người chỉ có tác dụng vào thời kỳ đầu. Về sau, vì thay đổi xáo trộn nhiều lần, anh em lại quay về phân khu cũ của mình đã từng ở và gặp lại những anh em cũ đã từng sống với nhau và cùng nhau đấu tranh. Do đó, anh em lại dễ dàng tập hợp để tổ chức đấu tranh và nghiên cứu địa hình, bàn việc đào hầm, đặt kế hoạch vượt ngục. Mặt khác, những di chuyển xáo trộn đó đã tạo điều kiện cho anh em thông báo với nhau tình hình mọi mặt mà mình biết được như tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân ta trên chiến trường chống Mỹ, các cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, sự ủng hộ của bạn bè thế giới và nhất là tình hình ở các phân khu, âm mưu thủ đoạn của địch, nội dung, hình thức và biện pháp đấu tranh của anh em tù binh, nhằm bảo vệ sinh mạng chính trị và đòi cải thiện đời sống. Thành ra, việc xáo trộn của địch lại giúp anh em thông tin với nhau, rút ra được những kinh nghiệm đấu tranh một mất một còn trong trại giam, tạo điều kiện cho anh em động viên nhau nhằm củng cố lòng yêu nước, nâng cao tính lạc quan cách mạng và giữ vững tinh thần chịu đựng trước sự khủng bố ác liệt của quân thù.

HT Phú quốc phần 6 anh 3

Đế quốc Mỹ và tay sai rất ác độc và xảo quyệt. Chúng dùng mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, lừa gạt, khủng bố, đánh đập, giết chóc, ly gián chia rẽ nội bộ tù binh, dùng tù trị tù, nên tù binh gặp vô vàn khó khăn, đau khổ. Anh em tù binh phần đông còn rất trẻ, chưa được thử thách trong đấu tranh trực diện với địch, không có kinh nghiệm chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngườiặt nghèo này và cũng không có được nhiều những thông tin cần thiết. Nhưng nhờ kiên định lập trường yêu nước, lấy lợi ích của Tổ quốc và nhân dân làm thước đo mà anh em vượt qua được những thử thách vô cùng khó khăn, có lẽ là những khó khăn nhất trong cuộc đời chiến đấu của mình.

Minh Thu (st)
Hết

Bài viết khác: