Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, biết bao sự tích anh hùng, bao điều kỳ tích trở thành huyền thoại, đã được sử sách khắc ghi. Và, trong thời đại Hồ Chí Minh, những sự tích, những huyền thoại ấy càng được thể hiện rõ nét và sâu đậm hơn bao giờ hết; làm nên những bản anh hùng ca bất hủ, khiến mỗi chúng ta mãi mãi tự hào; còn kẻ thù thì khiếp sợ, kinh hoàng. Cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược suốt 3 thập kỷ trong thế kỷ XX là một trong những trang sử chói ngời nhất về chủ nghĩa anh hùng, về ý chí và tinh thần bất khuất, ngoan cường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng vô cùng oanh liệt và hết sức hào hùng của quân và dân ta, biết bao địa danh, bao trận chiến, bao sự kiện đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như những dấu son chói lọi về chiến công, về tinh thần bất khuất, về ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Nhà tù Phú Quốc là một trong những địa danh lịch sử ghi dấu ấn lịch sử như vậy. Đây là một trong những biểu tượng anh hùng, bất khuất, kiên trung sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Phú Quốc nhuộm thắm máu đào của hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng ngã xuống và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ cộng sản đã vượt qua cái chết, tiếp tục chiến đấu đến ngày chiến thắng 30/4/1975. Di tích lịch sử này có giá trị lịch sử to lớn, gắn liền với vận mệnh dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nơi thắp sáng lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng với những người chiến sĩ cộng sản mưu trí, dũng cảm, kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi người dân Việt Nam.
Chính từ những ý nghĩa cao đẹp ấy và nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay, Ban Biên tập Dự án xuất bản Uống nước nhớ nguồn – Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường phát triển phối hợp với Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam xuất bản Cuốn sách Huyền thoại Phú Quốc.
Cuốn sách Huyền thoại Phú Quốc - một công trình xuất bản tâm huyết và sâu nặng lòng tri ân người có công với nước. Mỗi trang sách, mỗi dòng văn, mỗi hình ảnh trong cuốn sách Huyền thoại Phú Quốc mang đến cho bạn đọc không chỉ sự tàn bạo và sự khốc liệt của chiến tranh, của một nhà tù khổng lồ nơi biển đảo mà chế độ thực dân, đế quốc đã dựng lên mà còn phản ánh một cách chân thực và sinh động về ý chí bất khuất, ngoan cường của đồng bào, đồng chí trên đảo và hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã đứng lên đấu tranh với chế độ tù đầy của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Quá khứ ấy đã và sẽ mãi mãi được khắc ghi trong ký ức của các thế hệ người Việt Nam nói chung và người dân Phú Quốc - Kiên Giang nói riêng. Sức lan toả của Huyền thoại Phú Quốc còn mang một ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống dân tộc, về lòng yêu nước, thương nòi đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Sau đây, Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin giới thiệu cùng bạn đọc Cuốn sách Huyền thoại Phú Quốc để giúp bạn đọc hiểu thêm về một quá khứ hào hùng và bất khuất của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong nhà tù của chủ nghĩa thực dân và đế quốc. (Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Bộ Sách điện tử Huyền thoại trang http://uongnuocnhonguon.vn).
Phú Quốc đất và người trong cội nguồn lịch sử (Phần 1)
Phú Quốc, từ hàng trăm năm trước đã có con người sinh sống. Đất và người nơi đây, trải qua bao thăng trầm, bao thử thách giữa biển khơi đã tạo nên những dấu ấn và bản sắc riêng, nhưng vẫn hòa quyện trong bản sắc Việt Nam. Hành trình lịch sử của Phú Quốc là hành trình đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên, với giặc giã, để rồi vượt lên tất cả, Phú Quốc vẫn luôn xứng đáng là một hòn ngọc trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Địa lý tự nhiên
Phú Quốc là một hòn đảo lớn, có diện tích tự nhiên gần 600 km2, từ 103051’ đến 104050’ kinh tuyến Đông và 10001’ đến 10027’ vĩ độ Bắc; Cách Hà Tiên từ Hàm Ninh độ 25 hải lý (40 km); cách Rạch Giá từ An Thới khoảng 62 hải lý (100 m). Phía Bắc cách đất liền thuộc tỉnh Kampốt (Campuchia) khoảng 14 hải lý.
Phú Quốc có hình thể như một hình tam giác gần giống như lục địa Nam Mỹ, cạnh đáy nằm ở phía Bắc có chiều rộng khoảng 20 km, đỉnh nằm ở phía Nam, từ Bắc xuống Nam khoảng 40 km.
Đồi núi
Là một đảo lớn với nhiều đồi núi chập chùng, người ta thường nói Phú Quốc có 99 ngọn núi, thực ra, đó chỉ là con số ước lượng của những điểm cao trong nhiều dãy núi. Có thể nói rừng núi là đặc trưng đầu tiên của Đảo. Phú Quốc được coi là sự tiếp nối của dãy núi Tượng (Campuchia) bị cắt đứt bởi một eo biển. Do cấu tạo địa chất là hệ mắc ma phun trào nên đồi núi Phú Quốc đa số là núi đất đỏ kết hợp với đá granit. Về hình thể, núi non Phú Quốc là những dãy song song từ Bắc xuống Nam, phía Bắc cao hơn, thấp dần về phía Nam; đồng thời cũng có những nhánh đâm ngang, dài nhất là dãy núi Hàm Ninh (30km), kế đó là dãy núi Hàm Rồng (10 km) và dãy núi Bãi Dài. Đỉnh cao nhất là núi Chùa (hay núi Chúa) cao 603 m. Núi không cao lắm nhưng cũng đủ lớn và rộng, sự kết hợp giữa địa mạo và thảm thực vật đủ để có thể chứa nước tạo nên những con suối trong rừng quanh năm nước chảy. Trên các dãy núi là một hệ động thực vật rất phong phú, đặc biệt là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quí. Động vật của Phú Quốc hầu hết cũng sinh sống trong rừng núi. Có thể nói, rừng núi Phú Quốc đã và đang tạo ra một sắc thái riêng biệt của Đảo.
Sông, suối, rạch
Sông Dương Đông: Con sông lớn nhất trên đảo là sông Dương Đông, bắt nguồn từ dãy núi Ông Thầy (Trong dãy Hàm Ninh) từ phía Đông chảy quanh co độ 15 km đổ ra phía Tây tại Cửa Dương bên cạnh Dinh Cậu. Sông được tiếp nước bởi rất nhiều con suối trong các dãy núi nên cho dù nằm giữa biển khơi nhưng vẫn là con sông nước ngọt trong rất nhiều tháng trong năm, chỉ có cửa biển là ảnh hưởng nước mặn theo thuỷ triều. Như những con sông khác, trong sông cũng có những loài thuỷ sản nước ngọt phía thượng nguồn mà con cá Chình là loài cá khá đặc biệt của Phú Quốc.
Sông Dương Đông không có chức năng chính là giao thông bởi cư dân của Đảo hiện nay di chuyển hầu hết bằng đường bộ. Phía cửa sông là nơi neo đậu tránh gió của tàu thuyền. Cửa sông có một cồn khá lớn án ngữ, trong mùa gió đông, cát thường bồi tại lòng lạch nên việc ra vào của tàu thuyền phải hết sức cẩn thận. Ngày xưa sông cũng là con đường cho cư dân tiến sâu vào trong Đảo để mưu sinh. Hai bên bờ có những nhà thùng nước mắm. Đi sâu vào trong chỉ là rừng rậm, không có nhà dân, nhưng cảnh trí lại rất thơ mộng đối với người ngoạn cảnh.
Thị trấn Dương Đông, lỵ sở của huyện Phú Quốc nằm bên bờ con sông này. Ngày xưa chỉ là một xóm dân cư, hiện nay đã phát triển khá rộng lấn sâu vào nội địa.
Sông Cửa Cạn: Sông được bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh chạy quanh eo ngang qua một vùng đất bằng khá rộng giữa Đảo rồi đổ ra phía Tây. Vì trong mùa Bấc cát thường bồi lấp làm cho cửa sông cạn đi nên dân gọi là Cửa Cạn. Sông dài độ 25km.
Rạch Tràm: Là một con đường nước từ trong rừng tràm phía Bắc đảo đổ ra biển về hướng Bắc. Trong khu vực Rạch Tràm có mỏ Huyền khá nổi tiếng. Con rạch này là đường xâm nhập của những người đi vào rừng khai thác mỏ Huyền.
Hệ thống suối của Phú Quốc rất nhiều và đa dạng, mà nổi tiếng là suối Tranh, suối Đá Bàn. Trong rừng có những con suối không tên, khi đổ ra ngang các đường giao thông mới có tên như suối Mây, suối Đá, suối Lớn... có những con suối đổ ra biển tạo thành những cửa nhỏ như Cửa Lấp... Trong lòng suối có những loài thuỷ sinh đa dạng, đồng thời cũng là nơi thú rừng đến uống nước.
Hệ thống giao thông bộ
Trên đảo Phú Quốc hiện có hai thị trấn và 6 xã, trong đó có những xã xa xôi, đi lại rất khó khăn. Từ xa xưa, khi nhân dân cư ngụ thành xóm ấp, sự liên lạc của nhân dân trên Đảo bằng đường bộ chỉ là những con đường mòn từ xóm vào rừng, khu vực sản xuất, sau đó là đường mòn liên lạc giữa Cửa Cạn, Dương Đông và Hàm Ninh. Mãi đến khi thực dân Pháp xâm lược, chính quyền thực dân mới mở con đường liên tỉnh số 47 từ Dương Đông đi Hàm Ninh và Dương Đông đi An Thới. Còn lại cũng chỉ là đường mòn đi bộ của nhân dân.
Thực hiện chương trình phát triển đảo Phú Quốc thành đảo du lịch, tỉnh và huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp bến tàu An Thới, nâng cấp và mở rộng sân bay Dương Đông, nâng cấp, mở mới nhiều tuyến đường trong nội ô thị trấn Dương Đông, đường Dương Đông - An Thới, mở đường lên Bắc đảo và những đường mới ở các khu du lịch...
Ngoài những trục đường chính, huyện đã chỉ đạo phát triển giao thông nông thôn, làm đường nông thôn ở các xã Cửa Cạn, Hàm Ninh, Bãi Thơm, Cửa Dương, Dương Tơ, An Thới... Hiện nay, trên toàn Đảo đều có thể đi lại bằng xe 4 bánh, tuy một số ấp xa vẫn còn khó khăn.
Sản vật thiên nhiên
Điều kiện tự nhiên của Phú Quốc khá phong phú, vừa có rừng, vừa có biển nên sản vật thiên nhiên của Phú Quốc cũng không kém phần đa dạng.
Sản vật biển
Vùng biển Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, biển ấm, là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sôi, phát triển, nên sản vật biển của Phú Quốc rất phong phú, nhiều chủng loại.
Ngay chính những ngư dân chuyên nghiệp cũng không thể phân biệt tất cả các loài hải sản của vùng này. Có thể thống kê một số tôm cá có sản lượng nhiều và đặc trưng của biển Phú Quốc như sau:
Các loài cá lớn: Cá heo, cá giống, cá mú, cá mập.
Các loài cá trung bình: Cá nhòng, cá bè, cá đưng, cá bớp, các loại cá thu, cá đối, cá lù đù, cá ốp, cá kến, cá hường, cá xạo, cá xanh xương, cá út, cá rún, cá thiều, các loại cá đuối, các loại cá nhám, cá sòng, cá nâu, cá chim, cá chai...
Các loài cá nhỏ: Cá cơm, cá mai, cá trích, cá liệt, cá de, cá sơn, cá nhái...
Các loài giáp xác: Ghẹ có thể coi là đặc trưng nhất của biển Phú Quốc đối với loài giáp xác. Ghẹ Hàm Ninh nhiều nhất và ngon nhất nước ta. Tôm có tôm sú, tôm bạc thẻ, tôm bạc (ngày xưa, dân Phú Quốc gọi là tép bạc), tôm tích, tôm mũ ni, con ruốc, hải mã, hải long, đồi mồi, vít, ba ba...
Các loài nhuyễn thể (Sò, ốc): Ốc vá, ốc nhảy, ốc gai, ốc xà cừ, ốc đụn, con trai, điệp, nhum, hào bao, khiếu, bào ngư, cửu khiếu, hào, hến, biên mai, chôm. Mực ống, mực nang, mực tuột, sứa, đồn đột (Hải sâm).
Các loại khác: Đẻn (rắn biển), các loại san hô, cá ngựa (Hải mã, hải long), sao biển. Một phần rất lớn các loài hải sản có thể dùng làm thức ăn, có nhiều loại rất ngon và rất quí như cá nâu, cá nhòng, cá mập, cá heo, đồn đột, biên mai. Một số dùng làm dược liệu, hàng mỹ nghệ... như hải mã, trai, điệp, đồi mồi, san hô...
Vườn Tiêu Khu Tượng
Sản vật rừng
Rừng Phú Quốc có hàng ngàn loại thực vật, từ các loài cây cổ thụ, gỗ quí có giá trị kinh tế cao đến các loại ký sinh, cộng sinh. Gần như tất cả các loại thực vật trong cả nước đều có mặt ở Phú Quốc. Trong đó có một số loại cây rất gắn bó với người dân là cây kiền kiền, chà là gai, bằng lăng, sao, dầu, tràm, sim rừng...
Động vật có càng tôm, càng cuốc, nai, mển, heo rừng, dơi, rùa, rắn, khỉ, chồn, sóc, các loại chim.
Chó Phú Quốc: Sẽ là rất khiếm khuyết nếu nói đến sản vật địa phương mà không nói đến “Chó Phú Quốc”. Khi đến Phú Quốc, du khách thường được nghe người dân nói về sản vật của địa phương mình và rất tự hào về nước mắm Phú Quốc, tiêu Phú Quốc và chó Phú Quốc. Giống chó Phú Quốc vốn là một loại chó rừng của vùng đất đảo Phú Quốc được thuần hoá thành chó nhà. Chúng ta không biết quá trình thuần hoá như thế nào và diễn ra trong thời gian bao lâu, từ lúc nào, nhưng hiện nay, chó Phú Quốc là một con vật rất thân thiết với người dân Phú Quốc.
Đặc điểm của chó Phú Quốc là rất khôn và giỏi săn thú. Với một vài con chó Phú Quốc, khi vào rừng, chắc chắn chúng ta sẽ có một vài con thú thịt mang về. Cho đến nay, nhiều gia đình trên vùng Bắc đảo Phú Quốc còn nuôi những đàn chó chuyên để săn bắt thú rừng. Để thu hút khách tham quan, cơ sở kinh doanh “Cội nguồn” đã mang về đây nuôi khá nhiều. Người ta nói rằng chó Phú Quốc không thể mang vào đất liền nuôi được vì lạ nước. Thật ra nếu con chó khá lớn thì vẫn có thể mang vào đất liền được. Thông thường người ta phải mang theo một nắm đất và nước của Phú Quốc vào theo con chó để chúng quen dần với đất lạ. Về hình dáng, điểm dễ nhận biết nhất của chó phú Quốc là có một cái xoáy dài theo sống lưng, nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Lông ngắn gần như nằm sát với da nên trông rất bóng đẹp, không bao giờ bị bọ chét. Trên xương sọ có một cái u mà nhân dân hay gọi là hột đậu. Bàn chân to, giữa các ngón chân có màng như chân vịt. Muốn chọn chó Phú Quốc giống, người ta phải chịu khó xem thật kỹ và phải hỏi cách sinh đẻ của chúng. Chó Phú Quốc luôn đào hang ngoài rừng đẻ, khi con lớn mới dắt về nhà.
Khoáng sản: Khoáng sản nổi tiếng của Phú Quốc là “Huyền”.
Địa lý hành chính
Theo địa bạ triều Nguyễn được lập năm 1836 thì vào thời điểm ấy, Phú Quốc có 10 thôn gồm: An Thới, Dương Đông, Mỹ Thanh, Phú Đông, Thới Thạnh, Cẩm Sơn, Hàm Ninh, Tân Tập, Phước Lộc và Tiên Tỉnh. Chúng ta có thể tạm hình dung: An Thới, Dương Đông và Hàm Ninh là địa danh phù hợp với vị trí hiện nay, còn Phước Lộc, Thới Thạnh có thể là khu vực Bãi Bổn, Bãi Thơm; Cẩm Sơn thuộc Khu Tượng, Phú Đông, Mỹ Thạnh là Dương Tơ; Tiên Tỉnh là Giếng Tiên bao gồm cả Cứa Cạn...
Khi thực dân Pháp chiếm đóng, Phú Quốc là một quận bao gồm cả quần đảo Thổ Chu, An Thới và một số đảo lân cận được chia thành các làng là An Thới, Dương Đông, Hàm Ninh và Phú Dự, có lúc An Thới được sáp nhập vào Dương Đông. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chính quyền kháng chiến thành lập làng Dương Tơ bao gồm cả An Thới lập làng Cửa Cạn, sau đó nhập Cửa Cạn và Dương Đông thành Cửa Dương. Xã Hàm Ninh có lúc đổi tên thành Bãi Bổn. Sau năm 1954 thành lập thị trấn Dương Đông tách ra khỏi xã Cửa Dương.
Sau khi cuộc chiến tranh biên giới kết thúc, nhân dân các nơi về sinh sống trên Đảo khá đông nên huyện Phú Quốc thành lập thêm nhiều xã mới. Trên Đảo hiện có: Thị trấn Đông, xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu, Dương Tơ, Hàm Ninh và thị trấn An Thới. Quần đảo An Thới được tách ra thành xã Hòn Thơm. Quần đảo thổ Chu thành lập xã Thổ Chu.
Sự hình thành cộng đồng dân cư
Cho đến ngày nay, chúng ta không gặp những cư dân bản địa theo đúng nghĩa trên đảo Phú Quốc. Truyền thuyết về Đồng Bà và những di tích ở Cửa Cạn cho thấy Phú Quốc đã từng có cư dân cổ sinh sống, nhưng chúng ta không thể khẳng đình một cách chắc chắn đó là tộc người nào, từ đâu đến và cũng chưa khẳng định được về mặt thời gian.
Có một điều chắc chắn là vào thời điểm thành lập trấn Hà Tiên (1708) thì Phú Quốc đã có những tụ điểm dân cư mà cộng đồng người Việt chiếm đa số. Phú Quốc được coi là một trong 7 xã thôn mà Mạc Cửu đã tập hợp để xin sáp nhập vào đất Đại Việt. Cũng có thể đã có những nhóm cư dân người Hoa đến đây sinh sống vào thời điểm ban đầu này.
Qua khảo sát, hiện nay trên đảo Phú Quốc có hai tộc người chính là Việt và Hoa, còn người Khmer rất ít. Người Việt tuyệt đại đa số có gốc từ miền Trung vào sinh sống, mà một phần rất lớn là người Quảng Ngãi. Tộc người Hoa chủ yếu là người Hải Nam. Hình dung lại buổi ban đầu của Phú Quốc, vào thế kỷ thứ 16 - 17, những người dân Việt từ miền Bắc, miền Trung (Đàng trong, Đàng ngoài) với nhiều lý do khác nhau đã đến đây sinh cơ, lập nghiệp, trong đó có một bộ phận người Hoa. Theo địa bạ triều Nguyễn, vào năm 1836 có khoảng 10 hộ người Hoa trồng tiêu trên Đảo. Những cư dân ban đầu này chắc chắn phải đến Phú Quốc bằng đường biển với những phương tiện thô sơ. Có thể họ đi trực tiếp từ vùng trên hoặc qua Hà Tiên rồi đến Phú Quốc. Cũng không rồi ở lại Đảo.
Dù với lý do nào thì nơi định cư đầu tiên của những người khai mở này là vùng cửa sông, nơi có thể neo đậu tàu thuyền, khuất gió, đồng thời cũng thuận tiện cho việc tiến sâu vào Đảo tìm lương thực và nước ngọt. Chính vì thế, ta có thể nhận định Hàm Ninh, Cửa Cạn, Dương Đông là những xóm cư dân cổ của Phú Quốc đầu tiên, sau đó mới đến Giếng Tiên, An Thới…
Hàm Ninh rất gần với đất liền, chỉ cách Hà Tiên có 40 km, đây là con đường nối giữa Đảo với đất liền rất yên ổn vào mùa mưa bão. Đồng thời có con rạch Hàm dùng để neo đậu ghe thuyền. Hiện nay, người ta vẫn coi Hàm Ninh là một làng cổ của Đảo.
Dương Đông là cửa một con sông lớn nằm về phía Tây đảo, cho dù xa đất liền nhất, nhưng có vị trí rất thuận lợi cho những chuyến đi biển xa trở về và tiến sâu vào Đảo. Ngày xưa, Dương Đông là một rừng dương xanh mát, lại là vùng đất tương đối bằng phẳng, là một nơi khá lý tưởng cho việc cất nhà, định cư. Dương Đông cũng là một làng cổ có thể chứng minh bằng những di tích.
Cửa Cạn gần về phía Bắc đảo, có sông đi sâu vào Đảo, lại là một vùng đất bằng có thể trồng lương thực và chăn nuôi, có vết tích của người xưa để lại.
Lớp người thứ hai đến Phú Quốc có thể là quân gia của chúa Nguyễn và Tây Sơn trong cuộc thư hùng vào cuối thế kỷ thứ 18. Trong cuộc tranh hùng này, nhiều lần Nguyễn Ánh đã đến Phú Quốc dừng quân, củng cố lực lượng. Chắc chắn rằng, khi Nguyễn Ánh ở Phú Quốc, những tướng sĩ trung thành với chúa Nguyễn đã đến đây hội quân, đồng thời cũng có những người không thể theo cuộc trường chinh của chúa mà định cư tại đây. Tương tự như thế, khi quân Tây Sơn truy đuổi Nguyễn Ánh chắc chắn cũng có những người không theo đến cùng cuộc chinh chiến nên đã bỏ cuộc mà ở lại Đảo. Bên cạnh đó, cũng có những người tỵ nạn chiến tranh, những người không chịu sống dưới chế độ phong kiến hay là tránh sự tù tội mà đến vùng hải đảo xa xôi này sinh sống.
Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 16 - 18, Phú Quốc cũng là chốn dừng chân của các thương thuyền từ phương Bắc đi về vùng Mã Lai, Java... hay là các thương thuyền phương Tây sang Đông đi ngang qua đây. Vùng biển này lại là nơi hoành hành của bọn cướp biển mà xác tàu buôn còn ở Hòn Dâm có thể chứng minh rằng có những người bị tai nạn trên biển mà trú lại hòn đảo xa xôi này.
Năm 1797, Nguyễn Phúc Ánh cho 10.000 quân sang giúp Xiêm đánh Miến Điện đã ghé vào Đảo, nhưng tình hình Xiêm đã yên nên rút về và để lại Đảo khoảng 2.000 quân. Đây cũng là một đợt tăng dân số đáng kể cho Đảo.
Đầu thế kỷ 19, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã có những chính sách ưu đãi cho đảo Phú Quốc nên nơi đây có sự phát triển khá toàn diện và dân số tăng lên nhanh chóng. Triều đình đã cho một số lính ra trấn giữ Phú Quốc và không ít người trong bọn họ đã trở thành dân Phú Quốc. Tuy nhiên, có một thời gian quân Xiêm gây chiến tranh, nhiều người dân đã phải bỏ Đảo hoặc tiến sâu vào nội địa tìm cách sinh sống.
Đất lành, chim đậu; người đi trước rước người đi sau. Trong điều kiện đất rộng, người thưa, rừng vàng, biển bạc, trong suốt thế kỷ 19, nhiều người dân từ Miền Trung, Miền Bắc và một bộ phận người Hoa (Hải Nam) đã đến Phú Quốc khai thác hải sản, trồng tiêu, lập vườn... Dân số Phú Quốc đông dần lên. Đặc biệt là vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Hoa Hải Nam có một đợt di cư khá lớn về tỉnh Hà Tiên, số người này định cư chủ yếu ở Hà Tiên (Hòn Chông) và Phú Quốc.
Cuối thập niên 20 của thế kỷ 19, một nhà tư bản Pháp (Grand Jean) mộ phu từ Miền Bắc vào thành lập đồn điền Cây Dừa ở An Thới, nhưng sau đó vì do mâu thuẫn và không chịu nổi sự bóc lột của bọn chủ và cai nên phần lớn số người này đã bỏ vào đất liền đấu tranh và được chính quyền thực dận cho định cư ở giáo xứ Đất Hứa thuộc làng An Hoà (Nay thuộc xã Hoà Điền).
Năm 1941, phát xít Nhật thiết lập căn cứ quân sự trên đảo Phú Quốc, họ đưa một số nhân công từ Trung Hoa sang làm phu để xây dựng sân bay Cửa Cạn và một số công tỉnh khác. Đến năm 1949, hơn 40.000 tàn quân Quốc dân đảng Trung Hoa được Mỹ đưa đến Phú Quốc tị nạn, sau đó rút về Đài Loan, một bộ phận quân Quốc dân đảng cũng ở lại thành cư dân Phú Quốc.
Số người đến Phú Quốc định cư trong nửa đầu thế kỷ 20 được coi là lớp cư dân thứ ba của Đảo.
Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn thành lập Trại giam tù binh Cây Dừa, giam giữ có lúc lên đến 40.000 tù binh; bộ máy quản lý của chúng cũng rất đông, đồng thời chính quyền Ngô Đình Diệm đưa dân miền Bắc di cư về thành lập ấp chiến lược Hưng Văn. Trước năm 1975, một số tù binh vượt ngục đã ở lại Đảo chiến đấu. Sau năm 1975, một số gia đình binh sĩ nguỵ cũng ở lại trở thành cư dân trên Đảo.
Bến cảng An Thới
Đầu năm 1975, nguỵ quyền Sài Gòn “di tản chiến thuật” khi miền Trung thất thủ, nguỵ quyền đưa rất đông dân miền Trung về đảo Phú Quốc sinh sống, tỵ nạn. Số này hầu hết đã trở về quê hương khi hoà bình lập lại, nhưng cũng có một bộ phận đã tìm được kế sinh nhai ổn định trên Đảo.
Khi cuộc chiến tranh biên giới kết thúc, tình hình vùng biển Tây Nam đã ổn định, nhân dân khắp nơi trong đất nước đã về Phú Quốc khai thác và chế biến hải sản, làm dịch vụ cho nghề biển. Đây là lớp cư dân thứ tư làm biến động dân cư lớn nhất của Đảo.
Với lịch sử tụ cư khá đa dạng và không kém phần phức tạp, người dân Phú Quốc đã mang về đây các luồng văn hoá dân gian của hầu hết các vùng miền trong cả nước và một phần của văn hoá Trung Hoa. Cái vốn văn hoá dân gian từ cội nguồn dân tộc hoà nhập vào nhau, cộng với điều kiện tự nhiên của Đảo đã hình thành nên sắc thái văn hóa dân gian đặc thù của Phú Quốc.
Theo “Văn hóa dân gian Phú Quốc”
của tác giả Trương Thanh Hùng
Phú Quốc trong hành trình lịch sử
Trên tiến trình khai mở đất phương Nam, với vai trò là một trấn từ năm 1708 và một tỉnh từ năm 1900, Hà Tiên là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước Việt Nam.
“Gấm vóc non sông một dải liền,
Từ Nam Quan cho đến Hà Tiên”
Người xưa đã từng nói như thế, Phú Quốc và các hòn đảo phụ cận là những tụ điểm dân cư rất quan trọng để hình thành trấn Hà Tiên.
Từ đó đến nay, Phú Quốc đã phát triển cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, đồng thời có vị trí là một đảo tiền tiêu trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong tiến trình phát triển của mình, Phú Quốc đã dung nạp khá nhiều thành phần cư dân, đồng thời là dung nạp và chuyển hoá các nền văn hoá khác nhau để tạo nên cho mình một sắc thái văn hoá dân gian riêng biệt, tạo nên một Phú Quốc đặc thù như chúng ta đã biết.
Từ khi có cư dân sinh sống, Phú Quốc là một hòn đảo khá êm đềm, nhân dân chí thú làm ăn. Nhưng phía bên ngoài biển thì thường xuyên có những biến cố vì nó là nơi dừng chân của tàu thuyền qua lại và bọn cướp biển cũng dựa vào nơi đây để hoành hành, cướp bóc, không ít tàu buôn các nước bị bọn hải tặc đánh cướp bỏ xác ngoài biển khơi xung quanh Đảo.
Có thể nói rằng từ thế kỷ thứ 15 - 16, trên đảo Phú Quốc đã có các cụm dân cư khai thác tài nguyên thiên nhiên, tuy chưa hình thành nên làng xóm, nhưng các nhóm cư dân ban đầu này đã có một bước ổn định cuộc sống, nhất là ở Cửa Cạn, Hàm Ninh là những nơi gần với đất liền hơn. Cho đến cuối thế kỷ thứ 17, Phú Quốc được coi là một trong 7 tụ điểm cư dân để thành lập Trấn Hà Tiên do Mạc Cửu làm Tổng binh. Trong suốt thế kỷ thứ 17, cuộc sống của người dân khá êm đềm, phát triển các ngành nghề khai thác hải sản và lâm sản, trong đó việc khai thác huyền và trầm hương có thể coi là ngành nghề khá đặc biệt mang lại thu nhập cao cho người dân.
Đến cuối thế kỷ thứ 18, Phú Quốc đã chứng kiến cuộc thư hùng của Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Không ít lần Nguyễn áÁh đã đến đây vì sự truy đuổi của Tây Sơn, cũng có lúc Tây Sơn đã chiếm Đảo nhưng sau đó bị Nguyễn Ánh đánh trả và chiếm lại.
Đến những năm 90 của thế kỷ XVIII , bọn hải tặc Mã Lai thường mang quân đến Đảo cướp phá, làm xâm hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân Phú Quốc. Trước tình hình đó, Nguyễn ánh đã cho quân đánh tan bọn hải tặc (vào khoảng tháng 8 - 1795), bắt 15 chiếc tàu và 80 tên cướp, thu nhiều vũ khí, kể cả súng đại bác. Sau trận đánh này, trong một thời gian dài, bọn hải tặc Mã Lai không còn dám xâm phạm Phú Quốc nữa.
Có thể nói người dân Phú Quốc vốn là thần dân của Chúa Nguyễn trong một thời gian dài gần cả thế kỷ, do quan niệm trung quân của chế độ phong kiến mà người dân Phú Quốc đã hết lòng cưu mang, ủng hộ Nguyễn Ánh. Sau khi lật đổ Tây Sơn, lập lại vương quyền, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đã có những chính sách ưu đãi đối với hòn đảo xa xôi này, cho phép nhân dân tự do khai thác, làm ăn, miễn sưu thuế. Phú Quốc dần phát triển khá toàn diện.
Tuy nhiên, dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, chiến tranh giữa Việt Nam và Xiêm La, Cao Miên đã làm cho Phú Quốc bị ảnh hưởng, nhiều người dân bị bắt đi, một số chạy đi nơi khác lánh nạn hay vào rừng sâu. Cũng trong thời gian này, bọn hải tặc Mã Lai, giặc Tầu Ô lợi dụng tình hình phức tạp đến đây quấy nhiễu cuộc sống của người dân.
Khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, Phú Quốc là căn cứ địa cuối cùng của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Sau trận tấn công tiêu diệt đồn Kiên Giang của Pháp ngày 16 - 6 - 1868, quân Pháp tái chiếm, đánh lui nghĩa quân, Nguyễn Trung Trực đã rút về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc lập căn cứ kháng chiến. Tháng 9 - 1868, thực dân Pháp đưa quân đánh Phú Quốc. Ngày 27 - 10 - 1868, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt và bị tử hình ở Rạch Giá. Tinh thần bất khuất của nghĩa quân và vị lãnh tụ Nguyễn Trung Trực đã để lại cho nhân dân Phú Quốc cảm tình sâu đậm. Một phần dân Phú Quốc hiện nay là hậu duệ của nghĩa quân, họ vẫn còn mang dòng máu bất khuất, kiên cường trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Từ năm 1868, thực dân Pháp đặt ách cai trị lên Đảo, cuộc sống của người dân qua thời gian chống đối ban đầu đã dần ổn định trở lại và Đảo có sự phát triển khá toàn diện, nhất là trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ý thức của người dân và những phong trào chống thực dân Pháp xâm lược vẫn được duy trì một cách âm ỉ, những hội kín xuất hiện nhưng không có hoạt động nào đáng kể.
Đến năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ý thức giành độc lập dân tộc được khơi dậy, nhân dân bắt đầu tham gia vào những hoạt động yêu nước, chống thực dân. Từ năm 1941, khi quân Nhật vào Đông Dương, tình hình xã hội của Phú Quốc có sự biến động nhất định. Nhất là việc Phát xít Nhật đưa quân ra đóng và thành lập sân bay Cửa Cạn để làm căn cứ cho việc đánh chiếm các nước Đông Nam Á. Đến năm 1945, cùng với cả nước, nhân dân Phú Quốc đã tự mình đứng lên giành lấy chính quyền trong tay phát xít Nhật. Tỉnh lỵ Hà Tiên cướp chính quyền thành công ngày 28 - 8 - 1945, nhưng phải đến đầu tháng 9 - 1945, Phú Quốc mới tổ chức biểu tình cướp chính quyền trên tay phát xít Nhật, thành lập chính quyền nhân dân quận Phú Quốc. Sau đó, Tỉnh uỷ Hà Tiên cử người ra thành lập Ban Cán sự Đảng Phú Quốc. Ban Cán sự đã đẩy mạnh hoạt động, kết nạp đảng viên mới, đưa tổ chức Đảng của huyện ngày càng đi vào nền nếp và lãnh đạo nhân dân kháng chiến.
Ngày 20 - 01 - 1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Tiên, nhưng phải đến ngày 15 - 4, chúng mới đưa quân ra chiếm Phú Quốc. Lực lượng trên Đảo lúc này còn rất non yếu nên phải rút lui, thực dân Pháp thiết lập lại bộ máy cai trị trên Đảo.
Có Đảng lãnh đạo, nhân dân Phú Quốc đã tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và cùng cả nước giành lấy thắng lợi sau cùng. Từ năm 1945 đến 1954, tình hình xã hội của Phú Quốc có sự biến đổi rất nhanh chóng, nhất là ý thức bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, đoàn kết chống ngoại xâm.
Nhiều tấm gương hy sinh vì sự nghiệp cách mạng làm cho nhân dân cảm phục. Lực lượng cách mạng phát triển, liên tục tấn công, phục kích... làm cho quân Pháp phải co lại trong nội ô thị trấn Dương Đông, vùng giải phóng được hình thành, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược càng sôi nổi hơn và giành thắng lợi ngày càng lớn để đến năm 1954, Phú Quốc cùng cả nước hoàn toàn thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Cửa sông Hàm Ninh
Sau năm 1954, huyện Phú Quốc được giao cho tỉnh Rạch Giá. Trước đó thuộc tỉnh Long Châu Hà.
Năm 1953, quân Quốc dân đảng Trung Hoa rút đi thực dân Pháp sử dụng căn cứ của họ ở Cây Dừa thành lập trại giam tù binh gọi là “Căng Cây Dừa” (Camp = trại), giam giữ ở đây khoảng 7.000 tù binh Việt Minh. Đảng bộ và quân dân Phú Quốc tiến hành một cuộc đấu tranh mới rất phức tạp, lãnh nhiệm vụ giải thoát cho tù binh. Dù rất khó khăn, nhưng Phú Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngày 20 - 7 - 1954, Hiệp định Genève lập lại hoà bình trên toàn cõi Đông Dương được ký kết, quân đội cách mạng ở miền Nam tập kết ra Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời giao cho Liên hiệp Pháp quản lý để hai năm sau hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên không thi hành hiệp định. Nhân dân miền Nam và Phú Quốc phải đương đầu với cuộc đấu tranh mới suốt hơn 20 năm ròng rã.
Sau năm 1954, Mỹ nguỵ chiếm đóng, đặt ách cai trị mới lên Đảo, đồng thời là sự phát triển về khoa học kỹ thuật, phương tiện đánh bắt hải sản và giao thông được cơ giới hoá. Song song đó là cuộc chiến tranh do Mỹ phát động đã gây ra nhiều đau thương, mất mát cho nhân dân Phú Quốc. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trên Đảo càng lúc càng dâng cao, hình thành hai vùng khá rõ rệt: Vùng giải phóng và vùng bị địch tạm chiếm. Dân số Phú Quốc tăng nhanh do Mỹ nguy đưa quân đội và gia đình họ về Đảo, nhất là trại giam tù binh cộng sản và bộ máy quản lý tù.
Trong những năm 1955 - 1956, bộ máy tay sai của chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành các thủ đoạn rất dã man, tàn bạo để đàn áp, khống chế nhân dân, trả thù, trả oán những người kháng chiến cũ. Trước tình hình đó, Đảng bộ Phú Quốc đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, tiến tới hoạt động võ trang đánh đuổi quân xâm lược và tay sai. Từ tháng 8 - 1960, lực lượng võ trang tập trung của huyện đã hình thành, tiến hành nhiều cuộc chiến đấu rất ác liệt để bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Cùng với cả nước, quân dân Phú Quốc đã giành được những thắng lợi quan trọng trong cao trào Đồng Khởi. Căn cứ địa kháng chiến của Đảng bộ và quân dân Phú Quốc được hình thành ở Khu Tượng thuộc xã Cửa Dương. Các xã trong huyện lúc bấy giờ như Dương Tơ, Hàm Ninh cũng có những lõm căn cứ làm chỗ dựa cho lực lượng hoạt động cách mạng.
Cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân trên Đảo chống lại nguỵ quân và nguỵ quyền diễn ra rất ác liệt. Nhất là từ sau cao trào Đồng Khởi năm 1960. Bắt đầu từ năm 1961, Chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện quốc sách ấp chiến lược, dồn dân ở rải rác vào các khu tập trung, hình thành các ấp chiến lược mà hiện nay nhiều người dân vẫn còn định cư trên các khu ấp chiến lược ấy. Tuy nhiên, trong những năm 60, việc tách dân ra khỏi ruộng vườn dể vào ở trong những khu tập trung là việc làm trái với lòng dân, nên nhân dân Phú Quốc đã đấu tranh phá ấp chiến lược để về ở và sản xuất gắn với ruộng vườn của mình. Cuộc đấu tranh chống phá ấp chiến lược (Sau năm 1965 gọi là ấp tân sinh) diễn ra dai dẳng, từ phá về hình thức như đốt hàng rào đến phá về nội dung, khống chế những tên chủ ấp làm cho bọn chúng không - còn đàn áp nhân dân. Dần dần ấp chiến lược chỉ còn là hình thức, nội dung kềm kẹp, tách dân ra khỏi phong trào cách mạng gần như không còn hiệu lực.
Để khống chế vùng biển, nguỵ quân cho đặt Bộ Chỉ huy Hải quân vùng IV với số lượng tàu thuyền rất lớn tại Phú Quốc. Các loại tàu chiến từ BCF đến chiến hạm loại nhỏ và vừa hoạt động ngày đêm, vừa khống chế vùng biển, vừa phối hợp với các binh chủng khác bắn pháo vào Đảo.
Tháng 7 - 1967, nguỵ quyền Sài Gòn tái lập trại giam tù binh Cộng sản tại Cây Dừa. Đây là trại giam tù binh lớn nhất Việt Nam, có lúc tù nhân lên đến 40.000 người.
Đến cuối năm 1967, nguỵ quyền đã gom gần 15.000 dân vào 6 ấp chiến lược tại Hàm Ninh, Cửa Cạn, Cây Dừa, Dân Tiến (tại thị trấn Dương Đông), Phước An (còn gọi là ấp Nùng, nơi Ngô Đình Diệm đưa người dân tộc Nùng đến định cư) và 2 xóm qui khu tại thị trấn Dương Đông. Như vậy, gần hết số dân trên Đảo đều bị gom vào ấp chiến lược dưới sự kềm kẹp rất gắt gao của bộ máy chính quyền Sài Gòn.
Cuộc chiến ngày càng ác liệt, nhất là vào thời điểm ký kết hiệp định Paris và chiến dịch lấn đất, giành dân cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nguỵ quân, nguỵ quyền ra sức đánh phá, đóng thêm đồn bót để kềm kẹp, quản lý nhân dân, khống chế hoạt động cách mạng. Lực lượng cách mạng, Đảng bộ và quân dân trên Đảo cũng cương quyết giữ vững căn cứ địa cách mạng và liên tục tấn công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch. Những cuộc tấn công, càn quét của quân đội Sài Gòn rất dữ dội, tuy nhiên lực lượng võ trang cách mạng trên Đảo lại thông thuộc địa hình rừng núi nên kháng cứ lại rất có hiệu quả. Cho đến ngày giải phóng, căn cứ địa cách mạng Khu Tượng vẫn vững vàng.
Trong những ngày cả nước bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng bộ và quân dân Phú Quốc cũng phấn đấu dốc toàn lực phối hợp với chiến trường cả nước. Lúc này Phú Quốc là một huyện thuộc tỉnh Long Châu Hà. Lực lượng quân đội Sài Gòn trên đảo Phú Quốc còn rất lớn, nhưng do ảnh hưởng cục diện chung nên tinh thần đã rệu rã.
Sau khi Tổng thống nguỵ quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền trên đảo Phú Quốc hoang mang và tháo chạy. Việc giải phóng Đảo diễn ra khá thuận lợi, không có những xung đột đổ máu. Nhưng ngay sau đó, bọn Khmer đỏ đổ quân lên Bắc đảo đánh chiếm gây ra nhiều thiệt hại cho nhân dân trên Đảo. Lực lượng của tỉnh Long Châu Hà và hải quân vùng 5 cùng lực lượng địa phương phải khá vất vả mới đẩy lùi chúng về Campuchia.
Sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai kết thúc, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân Phú Quốc được sống trong hòa bình và ra sức lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới; nhất là sau khi có đường lối đổi mới, Phú Quốc chuyển mình một cách nhanh chóng, dân số tăng nhanh, các xã mới được hình thành, giao thông, kinh tế, văn hoá xã hội phát triển một cách toàn diện, đời sống nhân dân được cải thiện, từng bước xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu.
Hiện nay, Phú Quốc đang thực hiện các đề án phát triển trong một cơ chế riêng được Chính phủ cho phép nhằm thu hút đầu tư để biến hòn đảo này thành một vùng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng chất lượng cao./.
Theo “Văn hóa dân gian Phú Quốc”
của tác giả Trương Thanh Hùng
Minh Thu (st)